Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Vừa đạp xe vừa nghĩ

Vừa đạp xe vừa nghĩ

Tôi thấy bây giờ nhiều người nói cứ như đinh đóng cột. Dường như họ tin tuyệt đối vào lời mình nói là chân lý. Không chỉ lãnh đạo đâu, dân thường cũng vậy. Nhất là khi phát biểu trên facebook hay truyền thông đâu đó, họ nghĩ nói mạnh thế người ta mới chú ý tới mình. Nhưng để làm gì? Một xã hội dân chủ là xã hội vừa biết nói vừa biết nghe, chứ không chỉ nói, chỉ có quyền nói mà thiếu quyền nghe…
Đạp xe tốt cho sức khỏe!
Bây giờ đang có phong trào đạp xe vì sức khỏe. Dân đạp xe phần nhiều khá giả, nên những cái xe đạp họ mua đều là xe đắt tiền, trung bình cũng một vài chục triệu/chiếc trở lên. Có người chơi chua hơn, mua ngay cái xe đạp 200 triệu đồng, đạp được mấy bữa rồi do lười, bỏ luôn.
Trong khi cách đây khoảng mười mấy năm, sáng nào tôi cũng dậy sớm và đạp chiếc xe cà tàng của mình đi khoảng đường nhất định dài 5 cây số. Chỉ như thế thôi. Nhưng do tôi đạp xe thường xuyên, mưa cũng đạp, rét cũng đạp, nên sức khỏe tăng thấy rõ. Huyết áp trở nên ổn định, và mỗi ngày có thể viết vài ba bài báo. Có ngày viết hơn. Đạp xe như thế là “đạp xe vì… thu nhập”. Có sức khỏe mới làm việc tốt, làm việc nhiều thì có thu nhập khá.
Nhiều năm nay, do có tuổi, do ngại dậy sớm, do làm biếng, tôi không còn đạp xe nữa. Và đó là sự thiệt hại cho chính bản thân tôi. Trong khi chú em tôi, khá giả, bây giờ lại đạp xe mỗi ngày vài chục cây số, không biết để làm gì. Dĩ nhiên, để tốt cho sức khỏe. Tôi vẫn tự tiếc cho mình. Giá tôi cứ duy trì đạp xe mỗi sớm? Nhưng rồi nghĩ lại, thôi. Vì có chú em tôi, nhà thơ Trần Khắc Tám ở Đà Nẵng, cũng chỉ vì muốn tăng cường sức khỏe nên đi bộ, và đã bị tai nạn qua đời trong khi đi ngay trên… vỉa hè. Vào buổi sớm. Một chiếc xe Honda với hai sọt hai bên đã quệt vào chú em tôi gây ra tai nạn thương tâm.
Thôi. Cứ ngồi ở nhà mà nghĩ về sức khỏe của mình, an toàn hơn. Nhưng sao hồi đó, cách đây hơn 45 năm, đạp xe suốt ngày mà tôi luôn có cảm giác yên ổn, hay đúng hơn, không có cảm giác gì bất an cả. Có thể thời ấy bình an hơn chăng, ít xe cộ hơn chăng? Hay vì thuở ấy mình còn khỏe. Mà khi khỏe mạnh, thì dễ có cảm giác an toàn. Khỏe hay không, bắt đầu từ tinh thần mình trước. Tinh thần khỏe thì nhiều thứ khác cũng khỏe theo.
Khi tôi nhìn bức ảnh chụp anh Đoàn Văn Vươn về nhà sau đặc xá. Anh Vươn cười tự tin và tươi rói. Nụ cười ấy chứng tỏ tinh thần anh rất khỏe, một “nụ cười Cống Rộc”. Người lao động lương thiện và có chính nghĩa luôn giữ nụ cười và dáng vẻ như vậy, dù phải trải qua cảnh tù đày đau khổ. Tôi lại nhớ nụ cười bạn tôi, nhà dịch giả Nguyễn Trung Đức, một nụ cười cởi mở, hồn nhiên, thật thà, không một chút ẩn ý. Người như thế tuyệt đối không hại ai bao giờ. Nụ cười có thể nói với ta về người chủ của nó, không thua gì đôi mắt.
Nhân nói về nụ cười, nghĩ lại, tôi thấy mình cũng có nụ cười thân thiện, ngày bao cấp đủ cho tôi có thể… mua chịu, từ mua chịu rượu và đồ nhậu tới mua chịu thức ăn từ các mẹ chị bán ngoài chợ. Không hiểu sao, thời ấy nghèo khổ và khó khăn, mà tôi lại mua chịu rất dễ dàng. Có lẽ các mẹ chị bán chịu cho tôi vì tin tôi không chạy làng, không quỵt nợ. Không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh điều đó cho tôi. Chỉ có nụ cười của tôi, vậy mà được việc. Thế mình cũng tự hào là được nhân dân tin yêu chứ ạ? Không tin và yêu thì ai người ta bán chịu cho mình? Bây giờ có đồng ra đồng vào rồi, chả giàu có gì nhưng không phải mua chịu nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ cái thời xa đó, coi bộ ấm áp hơn cả bây giờ, dù hồi đó khổ cực hơn. Hình như người Việt mình, lúc gian khổ mới biết đùm bọc nhau, mới “áo rách thương nhau”. Còn khi khá giả? Cũng chưa nói chắc điều gì.
Tôi thấy bây giờ nhiều người nói cứ như đinh đóng cột. Dường như họ tin tuyệt đối vào lời mình nói là chân lý. Không chỉ lãnh đạo đâu, dân thường cũng vậy. Nhất là khi phát biểu trên facebook hay truyền thông đâu đó, họ nghĩ nói mạnh thế người ta mới chú ý tới mình. Nhưng để làm gì? Một xã hội dân chủ là xã hội vừa biết nói vừa biết nghe, chứ không chỉ nói, chỉ có quyền nói mà thiếu quyền nghe. Dân chủ là phải bình tĩnh, coi mọi sự nó cũng vừa phải, đừng căng cũng đừng nống nó lên. Dân chủ là phải biết nhường đường, chứ không phải xông lên tranh cướp đường. Đó là đạo đức dân chủ. Chúng ta đang cố gắng để vươn tới một xã hội dân chủ, đó là một tất yếu. Vì thế, cần phải học để sống dân chủ. Sống trong độc tài thì không cần phải học, nhưng sống trong dân chủ thì phải học. Bởi độc tài chỉ có mỗi một qui tắc độc tài, còn dân chủ thì có nhiều qui tắc. Người không thể tự chủ bản thân khác với người tự chủ bản thân. Vì thế người tự chủ có trách nhiệm nhiều hơn, phải gánh vác nhiều hơn cho cộng đồng. Dân chủ mang tính chia sẻ cao là vì vậy.
Tôi là một người tự do bẩm sinh, và dân chủ tự phát. Tôi cứ sống như thế, thoải mái với chính mình, chả gia nhập một tổ chức nào cả. Nhưng tôi cứ tươi vui dân chủ, thì sao nào! Khi người ta đã đọc “Lá cỏ” của Walt Whitman, thì người ta phải yêu tự do và thích dân chủ. Sự tự do trong tâm hồn bao giờ cũng là điều đầu tiên và quan trọng nhất với một con người, nhất là người sáng tác. “Sòng phẳng máu/Và tự do đầu óc/”, trong những ngày cơ nhỡ tháng 9 năm 1975 tôi đã viết bài thơ có câu thơ như thế. Đó là sự tự chủ bản thân.
Ngày ấy, bạn muốn hưởng không khí dân chủ, bạn phải ra ngồi quán chè chén hay bia hơi. Đó là dân chủ dân dã. Dân chủ tự phát. Như thế, coi như tôi suốt ngày được đắm mình trong nền dân chủ bia hơi chè chén lạc rang cuốc lủi. Hà Nội ngày ấy rất nhiều chuyện tiếu lâm, và nơi anh nghe được nhiều nhất, vui nhất những chuyện này là những nơi mà tôi vừa kể. Chuyện tiếu lâm chỉ nở rộ trong những xã hội bưng bít thông tin. Đó là văn học dân gian mang tính phản kháng dưới hình thức hài hước. Nếu những nhà lãnh đạo chịu khó “vi hành” bia hơi chè chén để nghe những chuyện tiếu lâm về mình, thì xã hội ta đã có những bước tiến mạnh mẽ từ lâu rồi. Tiếu lâm chỉ kể cho vui, chả hại ai, nhưng ai biết nghe để sửa vẫn khác với những ai nghe để “bỏ bụng” rồi giận dữ, thậm chí tìm cách ngăn chặn hay trả thù. Dù không biết ai là tác giả.
Ấy, cứ nghĩ ngợi như mình đang đạp xe, vậy mà xem ra cũng sinh lắm chuyện.
22/4/2022
Thanh Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...