Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Chuyện đổi đời

Chuyện đổi đời

Cách đây ít lâu, tôi ghé khu Phước Lộc Thọ của khu Bolsa để ăn sáng. Đi ngang một bàn có hai người đang ngồi ăn, tôi chợt nhận thấy vẻ quen thuộc, hai người này tôi đã biết ở Việt Nam, nhưng không thể nhớ được là ai.
Hai người ăn xong, bắt đầu nói chuyện, tôi nghe loáng thoáng từ bàn bên cạnh:
- Cậu Hoan, cậu đưa cháu lên Los đi. Giờ này xe còn ít, chắc đỡ kẹt đường.
- Từ từ chút nào! Mày để tao uống xong ly cà phê đã. Có gì đâu mà vội vậy!
Tôi nhớ ra ngay! Hoan đây mà! Dương văn Hoan, bạn bè vẫn gọi là Dương Giao Hoan. Còn người kia tôi cũng biết. Là tên Ý, tài xế của gia đình Hoan. Nhưng lạ lùng quá! Hoan mặc bộ đồ xuề xòa, quần jean, áo chemise bỏ ngoài nhầu nát, đầu đội chiếc casquette kiểu của tài xế lái xe. Còn tên Ý ăn mặc bảnh chọe, veston complet chỉnh tề, tay đeo chiếc Rolex thứ thiệt phải vài chục ngàn đô, thêm cặp kính mát Louis Vuitton, trông đầy vẻ sang trọng, tuy vẫn không dấu nổi một chút bần hàn của thuở xa xưa.
Tôi đứng lên lại gần bàn, vỗ vai Hoan:
- Mày nhớ tao không Giao Hoan, đã vài chục năm rồi!
Hoan ngẩn người ra một chút, rồi như chợt nhớ, ôm chầm lấy tôi.
- Nhớ chứ! Tao tưởng mày tịch rồi! Lâu quá không gặp, tao chắc mẩm bạn bè tiêu hết cả rồi, không còn thằng nào!
Rồi quay sang chỉ vào Ý:
- Mày nhận ra thằng Ý không? Ngày xưa nó lái xe đưa bọn mình đi chơi hoài đây mà!
Ý đứng lên, bắt tay tôi:
- Chào cậu! Cháu vẫn nhớ đến cậu luôn. Cháu và cậu Hoan nói chuyện ngày xưa, vẫn nhắc đến các cậu và thời đi chơi ngày trước.
Hoan nói với tôi:
Tụi tao phải đi chuyện công việc bây giờ. Nhưng tao hẹn mày ngày mai, cũng đúng giờ này ở đây, tao sẽ kể hết mọi chuyện cho mày nghe. Đừng nóng ruột. Nhiều chuyện ly kỳ lắm! Ráng chờ nghe con!
Hoan là tay công tử chính hiệu, nhà giàu, bố mẹ có căn biệt thự sang trọng trên đường Tú Xương. Bố Hoan là nhà thầu khoán xây cất lớn nhất nhì Sài Gòn thuở đó, nhà đầy tài xế, vừa cho các công trường, vừa cho việc nhà. Ý là một trong những tài xế đó, có nhiệm vụ lái xe nhưng được coi như người trong gia đình nhiều hơn. Lý do là Ý là con của người đàn em hoạt động chính trị cùng với bố Hoan thời trước di cư 54. Gia đình Ý nghèo, bố vào Nam chết sớm, mẹ vất vả nuôi cả đàn con. Bố Hoan nhớ tình đồng chí cũ nên nhận Ý về nuôi, giúp cho ăn học. Đến khi Ý đủ tuổi lái xe, bố Hoan cho làm thêm nghề tài xế cho gia đình, vừa đi làm, vừa đi học hết bậc Trung Học.
Dạo đó đám bạn tụi tôi thường dựa hơi, ăn ké Dương Giao Hoan, có tên Ý lái xe đi Vũng Tàu, lên Đà Lạt, ăn chơi mút mùa. Mọi sự đã có đàn anh Giao Hoan chi tiền, nên ai cũng vui vẻ hưởng đời! Không gì thú vị bằng ăn uống thả giàn, nhảy đầm nhảy đìa, hết party này đến party khác, lại có người hăng hái lãnh nhiệm vụ trả tiền hộ! Đời còn gì hơn nữa bây giờ!
Nhưng niềm vui qua mau. Rồi mỗi người mỗi ngả, ai lo việc nấy. Tháng 4/75 đến, người thoát đi trước, người vượt biên sau, tôi không còn tin tức gì về Hoan. Cho đến khi gặp lại trong tiệm ăn khu Phước Lộc Thọ.
Ngày hôm sau, tôi ra tiệm ăn đã thấy Hoan ngồi chờ. Ngoắc tôi vào cùng bàn, Hoan giục tôi gọi đồ ăn, cà phê uống buổi sáng và vào đề ngay:
- Tao biết mày nóng lòng muốn biết chuyện tao với thằng Ý lắm rồi! Nhưng ăn xong đi đã, tao kể hết sự tình cho mày nghe.
Tôi ăn vội. Và Hoan bắt đầu kể khi thấy tôi đã gần xong:
- Thời mình đi chơi, mỗi đứa học một phân khoa trên đại học nên đứa nào cũng được hoãn dịch cho đến khi ra trường. Thằng Ý cũng sàn sàn lứa tuổi với bọn mình. Mày có biết tại sao nó không phải đi lính không? Tất cả nhờ tao hết! Nó học không được khá lắm. Nhà nghèo, nó làm tài xế cho gia đình tao, học trung học tư trường vớ vẩn ở Sài Gòn nên thi tú tài bị rớt, đáng nhẽ là phải vào lính rồi.
Nhưng tao giúp nó. Mày nhớ là hồi tao thi tú tài hai, tao đậu hạng ưu. Đầu óc lúc đó sáng láng dễ sợ, lại thêm tính ngông cuồng nữa. Tao học Taberd ban Việt nên ghét mấy đứa học chương trình Pháp. Mày nhớ dạo đó bọn học chương trình Tây mà học dở, thường nhảy sang thi tú tài Việt. Vì không đủ sức đâu được bằng Baccalauréat của Tây, thi tú tài Việt ban C, chỉ học thêm Việt văn, học Triết, rồi nhờ điểm sinh ngữ Pháp cao bù qua nên dễ đậu tú tài Việt. Lại nhờ đó nên được hoãn dịch không đi lính hay nhà giàu là được đi du học ngay!
Tao nghe chuyện này là tao ghét lắm. Nên tao tìm cách làm ngược lại. Là tao vừa đậu tú tài Việt xong, tao chơi lại bọn trường Tây là tao thi tú tài Pháp lấy bằng Baccalauréat tức là Bac 2 cho bõ ghét. Nhưng không phải thi cho tao mà là cho thằng Ý. Tao lấy hình của tao dán lên thẻ thí sinh của thằng Ý. Rồi năm đó tao vào trường Marie Curie để thi Bac deux dưới tên của thằng Ý. Thằng Tây giám thị coi phòng thi có vẻ nghi nghi nên cứ cầm cái thẻ thí sinh xem đi xem lại mãi. Nhưng chắc nó cũng không muốn làm to chuyện, phải gọi cảnh sát hay khai báo lôi thôi nên nó lờ đi. Kết quả là tao trót lọt thảnh thơi làm bài ngon lành thi hộ cho thằng Ý lấy bằng tú tài tây Baccalauréat cho sang!
Tao làm các bài về math, physique ngon lành, chắc phải được điểm tối đa. Các môn khác làm chỉ qua loa nhưng không sao vì hệ số cho math, physique cao quá nên đắp lại hết. Kết quả tao đậu tú tài tây dưới tên thằng Ý dễ dàng. Thằng Ý một chữ tiếng Tây không biết bây giờ có bằng Bac deux hết xảy! Nó đội ơn tao vô cùng vì thoát được chuyện đi lính. Vì nó ghi danh học Luật nên được hoãn dịch cho đến năm 75 là mất nước. Nó may mắn chạy thoát ngay ngày 30 tháng tư.
Hoan ngưng nói. Miệng hơi tủm tỉm cười. Chắc nhớ lại thời xưa đi thị hộ lấy bằng tú tài Pháp cho thằng Ý. Nhưng cặp mắt chợt nghiêm lại, nhìn xa xôi. Hoan nói tiếp:
- Tao bị kẹt lại mất mấy năm. Vượt biên hơn 5 lần đều không thoát. Sau cùng cũng đi được nhưng vất vả gian nan quá. Có lẽ số tao hồi trước sướng quá nên đến lúc phải trả cái hạn nặng. Nhưng chưa hết đâu mày. Tao sang đến Mỹ lúc đầu sống ở vùng phía Bắc, cũng kiếm ra tiền. Nhưng đến khi dọn về Cali tao mới khốn đốn. Vì chỉ được một thời gian khấm khá, nhưng sau đó tao mắc vào chuyện ghiền ma tuý.
Lúc đầu chỉ cần sa vớ vẩn. Nhưng đến lúc mắc thêm vào cocaine, rồi heroin là đời tao coi như xong. Con vợ bỏ tao ngay. Mất nhà mất cửa, tao trở thành homeless, chỉ còn biết đến chuyện làm sao kiếm được thuốc để đỡ cơn ghiền. Đáng nhẽ tao bị overdose để chết luôn cho xong. Nhưng chắc ông trời muốn hành nên để tao sống dở chết dở. Tao không còn chút liêm sỉ nào, gần như không còn nhân tính nữa. Và tao lang thang mấy khu Việt Nam này, xin ăn, nằm ngủ trong mấy khu shopping Việt Nam. Bị đuổi lại đi khu khác, cứ thế mà vật vờ như một thứ oan hồn muốn chết nhưng không được chết.
Cách đây ba năm, cũng ngay trước cửa tiệm này, tao nằm ngoài cửa để xin ăn. Và gặp lại thằng Ý ngay ở đây. Mới đầu nó không nhận ra tao. Nhưng có lẽ điềm Trời xui khiến. Không hiểu sao nó lại gần, rẽ tóc tao ra khỏi mặt để nhìn rõ hơn. Và nó ôm chầm lấy tao. Vẫn gọi tao bằng cậu như thuở nào.
- Trời ơi là Trời! Cậu Hoan! Sao cậu ra nông nỗi này!
Nó bỏ món ăn vừa gọi. Và bế thốc tao lên, nó đưa tao ra chiếc Mercedes của nó, đưa tao về nhà. Nó tắm rửa, cạo râu, cắt tóc cho tao, chăm sóc tao từng ly từng tí suốt mấy ngày liền. Rồi nó tính ngay đến việc đưa tao vào Betty Ford clinic để chữa bệnh ghiền cho tao. Mày biết rồi đấy, chỉ có bọn nổi tiếng và giầu lắm mới vào được Betty Ford clinic chữa bệnh ghiền. Nó tốn không biết bao nhiêu tiền quyết chí chữa ghiền cho tao cho bằng được. Tao nằm trong đó hơn 4 tháng trời. Và sau cùng tao khỏi hẳn được bệnh ghiền ma tuý.
Nó giúp tao được vì bây gió nó giàu lắm rồi. Nó thành công lớn chỉ nhờ vào chuyện mở được bao nhiêu tiệm chuyên môn bán bánh mì thịt. Hiện thằng Ý bây giờ mở nguyên một cái chain gần cả trăm tiệm suốt Cali này lên trên Oregon, Washington, gọi là Mr Y 's sandwiches. Nó sắp tung ra trên toàn nước Mỹ nữa. Nên nó tốn cả hai ba trăm ngàn đô để chữa cho tao trong Betty Ford clinic là chuyện dễ dàng.
Nhưng chưa hết! Còn chuyên này nữa, để tao kể luôn cho mày nghe. Lúc tao khỏi bệnh, về nhà nó ở. Được ít lâu, sau khi tao đã hồi phục lại hết, khỏe mạnh trở lại, lấy lại phong độ ngày trước, con vợ nó bắt đầu chú ý đến tao! Quả đáng tội! Thằng Ý lo làm ăn túi bụi, có bao giở ở nhà mấy đâu. Nên con vợ nó giở chứng. Nó bắt đầu nháy nhó tao. Rồi đi qua đi lại, ẹo ẹo làm trò trước mặt tao. Thấy không ăn thua gì là nó sáp lại, tấn công tao ngay khi thằng Ý không có nhà. Tao mới đầu gạt đi vì cảm cái ơn của thằng Ý cứu tao. Nhưng thấy con vợ nó quá mức rồi, sau cùng tao phải nói cho thằng Ý biết
Mày có biết thằng Ý nói sao không?
Thấy tôi lắc đầu, Hoan nhìn tôi cười:
- Chính tao cũng không ngờ phản ứng của thằng Ý như vậy. Nó thản nhiên. Như chuyện vợ nó muốn ngoại tình với tao là chuyện bình thường, thế nào cũng phải xảy ra! Nó cười nói với tao:
- Vợ cháu nó như vậy đấy, cậu Hoan à! Cháu không care gì cả đâu! Cháu cũng muốn đề nghị với cậu như vậy lâu nay rồi nhưng ngại không dám nói. Nay cậu nói trước nên cháu cũng nói luôn. Vợ cháu về chuyện đó mạnh vô cùng, cháu không kham nổi. Nó muốn cậu là giải quyết hộ cho cháu, đỡ mệt, đỡ tốn sức hơn! Nên cháu đề nghị với cậu như vầy. Là cứ ba bốn ngày vợ cháu sang ngủ với cậu. Coi như vợ cháu có hai chồng! Mọi sự cứ êm ấm bình thường, có sao đâu!
Thế là từ đó tao và thằng Ý thay phiên nhau cung phụng, giải quyết chuyện horny của vợ nó! Đâu vào đó cả. Nhiều lúc còn nghĩ chắc phải có 3 chồng cho vợ nó, mới dễ sống hơn nữa. Nhưng như vậy cũng tạm được rồi!
Tao cũng đề nghị với thằng Ý. Là để tao làm tài xế cho nó, đổi ngược lại thời ngày xưa. Chỉ có điều hơi bất tiện là nó vẫn gọi tao là cậu, xưng cháu, nói thế nào nó cũng không nghe. Nhưng cũng chẳng sao! Tao bây giờ trải qua mọi chuyện rồi, như từ cõi chết trở về còn để ý thắc mắc gì những chuyện nhỏ nhặt nữa.
Nên tao làm tài xế lái xe Mercedes cho thằng tài xế cũ của nhà tao khi xưa, ở trong ngôi nhà mấy triệu Mỹ Kim của Mr Y, cứ ba đêm lại ngủ với vợ của chính Mr Y một lần. Đời sống êm ả vô cùng. Giờ rảnh rỗi tao ngồi thiền, mỗi ngày tối thiểu cũng 4 tiếng đồng hồ. Tao thấy mình cũng sắp thành chánh quả đến nơi rồi đó. Đầu tao có vòng điện, phựt hào quang xanh đỏ khắp nơi. Mày có thấy giác ngộ ra chuyện đời tao chưa?.
Nguyễn Đình Phùng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...