Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Tản văn Hà Vinh Tâm: Mùa gấc chín

Tản văn Hà Vinh Tâm:
Mùa gấc chín

Sáng mùa đông, những cơn mưa chợt ào đến mang theo cả không khí lạnh tràn về. Có tiếng xe ô tô đỗ trước cổng nhà, tôi chợt ngoảnh ra: “Ôi, mẹ đã xuống”! Chú tài xế bê xuống cả một thùng gấc đỏ, mẹ xuống xe ngay sau đó với nụ cười rạng ngời: “Gấc đã bắt đầu chín nhiều rồi con ạ!”. Mắt tôi rưng rưng: “Một mùa gấc nữa lại về!”
Vậy là tôi xa quê, xa giàn gấc mẹ trồng đã hai năm! Gấc là loại cây dễ trồng, có người thì gieo hạt, có người thì dâm cành. Hình như mẹ xin nhà ai đó dây gấc rồi đào hố để trồng. Khi những cơn mưa mùa xuân chạm khẽ vào đoạn thân cây xù xì đang được ủ ấm trong lòng đất mẹ thì những mắt thân gấc màu xám bạc chợt choàng tỉnh giấc, bật những mầm xanh lớn dần.Khi gấc vươn ngọn, mẹ dùng dây nhỏ, mềm bắt ngọn cho gấc leo dần lên giàn. Đến mùa hè, lá gấc xanh um, ôm kín cả giàn tạo nên một mái cổng xanh mát từ ngoài ngõ vào trong nhà.
Ở quê tôi có nhiều nhà trồng gấc với một giàn kín mít trước cổng, ở hàng rào hay trên những mái nhà ngói rêu xanh. Khi những cơn gió Lào khẽ trở mình là gấc đơm hoa. Chao ôi, bạt ngàn những bông hoa gấc xòe năm cánh trắng pha vàng nhạt như màu nắng với nhụy vàng tươi tưởng như còn níu giữ, ôm ấp nắng xuân mà thắp đều trên nền lá xanh thẫm. Mùi thơm của hoa gấc dịu nhẹ nhưng cũng đủ thu hút, quyến rũ đàn ong bướm rộn ràng vây quanh. Nhìn vào giàn gấc ta ngỡ như có một thiên đường bình yên, thân thuộc. Những buổi chiều mùa hạ cùng với tiếng lá cây xào xạc là bao nhiêu câu chuyện kể ngày xưa của bà, của mẹ cứ đi vào tâm hồn thơ bé của chúng tôi đầy những mới lạ, thích thú. Tôi cũng có cái nhã hứng là vừa ngồi dưới giàn gấc vừa đọc những quyển truyện dày và những những bài thơ tôi yêu… thỉnh thoảng những đoạn hay tôi thường nhâm nhi đọc đi đọc lại và thả bộ từ ngoài cổng vào sân dưới bóng gấc xanh mát …
Tôi nhớ nhất là vào những buổi trưa, mẹ thường không ngủ mà lúi húi ra cổng cắt tỉa dây gấc, vén từng tán lá để bắt những con bọ xít leo lên giàn gấc. Mẹ còn tỉ mẩn ngắt từng hoa đực để thụ phấn cho hoa cái. Thích thú nhất là vào những buổi sáng mùa thu, khi cầm chổi quét cổng, ta ngẩng lên nhìn đám lá xanh bắt đầu treo xuống những quả gấc xanh, đung đưa trong gió như một giàn chuông tí hon … ta bỗng thấy sự sống đang cựa quậy, sinh sôi từng ngày. Những quả gấc đầu tiên đã được kết đọng sau mùa ong bướm gọi bầy về góp mật. Mới đầu chúng chỉ nhỏ như những trái ổi non, sau rồi phổng phao lớn nhanh như thổi. Quả bắt đầu nổi những đụn gai xù xì, rồi ngày càng dày chi chít hơn.
Mùa thu đó là mùa hanh khô, lạnh lẽo nhưng lại là mùa gấc ra quả và lớn rất nhanh. Mẹ cứ kiên nhẫn, tỉ mỉ quan sát để bảo vệ từng chiếc mầm gấc, từng bông hoa gấc, từng quả gấc mới nhú..  Tôi thầm phục mẹ luôn chăm chút mảnh vườn đầy yêu thương, trân trọng như thế để vườn cây lúc nào cũng đầy hoa thơm trái ngọt. Những quả gấc xanh to, tròn với tua tủa chiếc gai cứng bao quanh đã trở thành một thế giới mới lạ đối với con trẻ khi mới chập chững biết đi được mẹ cõng trên vai mà với tới những quả gấc xanh đầy hấp dẫn mời gọi kia: “Con à, thế giới bên ngoài đầy chông gai nhưng đẹp lắm, xanh tươi lắm!”. Đến khi nắng đông nhảy nhót tràn về cùng cái rét luồn trong từng sợi nắng thì gấc dần nhuộm màu từ màu xanh sang lấm tấm vàng và chuyển hẳn sang gam màu đỏ cam ấm nóng. Mỗi lần phát hiện ra những quả gấc chuyển mình đầu tiên, tôi thường reo lên cùng mẹ và bà, chăm chú đếm từng quả: “1, 2, 3,… òa, có mấy quả gấc sắp chín rồi mẹ ơi, bà ơi”!
 
Niềm vui tự dưng cứ dâng lên lan trong lòng một cách ngọt ngào, tự nhiên như có điều gì mới mẻ tươi đẹp nảy nở trong cuộc sống của mình. Giàn gấc đỏ chín như những chiếc đèn lồng bầu dục thắp sáng cả mùa đông trước ngõ nhà tôi. Nhìn chúng tôi cứ hay liên tưởng tới cả những quả bóng bay màu đỏ cam mà chúng tôi ngày nhỏ vẫn thường thổi cho thật căng để trang trí lên những cành đào, cành mai mỗi dịp tết đến. Trái gấc đỏ lủng lẳng trên giàn suốt tháng Chạp. Khi gấc bắt đầu chín đỏ nhiều hơn thì cũng là lúc Tết cũng cận kề. Mẹ thường nâng niu cắt từng quả rồi sắp đều ở khoảng sân nhà. Việc thu hoạch gấc hoàn toàn khác với những thứ quả khác, lúc nào cũng không rời khỏi tay người, cũng không thể thu hái ồ ạt. Gấc cho ta bài học về sự nâng niu, quý trọng. Chị em tôi thường thích thú ngắm nhìn một loạt gấc chín đỏ được mẹ sắp đều dưới dàn sân nhà.
Mẹ thường chọn những quả gấc dáng tròn đều, gai nở, vỏ ngoài màu cam, mỡ màng để đem ra chợ bán và một phần để bà ngoại đem biếu anh em, láng giềng xung quanh. Bà vẫn thường bảo: “Gấc có màu đỏ tươi đem may mắn, tốt lành cho mọi người. Mang gấc đi biếu là để cầu chúc cho nhà nhà bình an, hạnh phúc, yên vui. Ngày xưa đói nghèo, có được đĩa xôi gấc là hạnh phúc lắm nên người ta ví : ăn mày đòi xôi gấc đó các cháu ạ”.  Mỗi lần thu hoạch gấc, mẹ cũng không quên chế biến các món ăn kết hợp với gấc cho cả nhà. Xôi gấc mẹ tôi nấu ngon lắm! Màu đỏ thắm quyện vào từng hạt nếp thơm lừng kết hợp với vị thịt gấc ngòn ngọt, mềm tơi và vị béo, thơm bùi của những sợi dừa trắng muốt. Mỗi sáng mùa đông trời rét mướt trở dậy, nhìn thấy đĩa xôi gấc đỏ bốc hơi nghi ngút chuẩn bị sẵn của mẹ đặt trên bàn ăn, chúng tôi đã cảm thấy thật ấm áp, đủ đầy.
Những trưa đi học về, bụng đói lắt lay có đĩa xôi gấc mẹ úp sẵn lồng bàn chẳng khác nào dược một món quà quý hơn vàng. Và rồi những kỳ thi quan trọng của hai chị em tôi, bà và mẹ cũng thường chuẩn bị thổi đĩa xôi gấc đỗ để chúng tôi ăn cho may mắn, đạt điểm cao. Mỗi hạt xôi gấc nặng bao ân tình, thương mến và tin tưởng mà bà và mẹ dành cho cháu con. Mùa gấc chín cũng là khi cơn gió đông phe phẩy bên thềm nhà, vạt cải vàng trong vườn đang mùa trổ nụ. Mẹ thường nấu món chè gấc thơm ngon chế biến từ nếp, đỗ xanh và hạt sen. Mẹ cùng bà còn bóc tách thịt gấc để làm dầu gấc, chế vào những món xào, món kho để thêm màu, thêm vị cho các món ăn thêm hấp dẫn. Vị ngọt ngào, ấm, bùi của những bữa xôi, bữa cơm, bữa chè cứ đi suốt tuổi thơ của chúng tôi như thế.
Thường vào khoảng 27, 28 tháng Chạp, tôi cùng phụ mẹ thu hoạch gấc, mẹ cũng thường phải chọn những quả đẹp có để dành cho nấu nồi xôi gấc thắp hương tổ tiên chiều 30 Tết và sáng mồng 1. Trong năm, thi thoảng có quả gấc chín, bà con lối xóm vẫn dùng để đơm đĩa xôi thắm đỏ chúc mừng đôi vợ chồng ngày vu quy hoặc mừng lễ chẵn tháng các bé. Màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời mang đến sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi. Theo quan niệm của cha ông truyền lại, đĩa xôi gấc đỏ thắm thể hiện niềm tin, mong ước được nhiều lộc, nhiều may mắn, hạnh phúc. Gấc cũng nằm trong số ít các loại trái cây quý, chứa  hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin A. Ở các nước châu Mỹ, gấc được đặt cái tên rất đẹp: loại quả đến từ thiên đường. Nhìn quả gấc gai góc, xù xì thế nhưng cả phần thịt gấc, hạt gấc đều có thể sử dụng để làm món ăn bổ dưỡng và bài thuốc chữa bệnh cho người già, trẻ nhỏ….
Các món ăn từ gấc đều ánh lên sắc đỏ rạng rỡ, hấp dẫn không thể thiếu được trong những ngày Tết. Không chỉ có món xôi gấc, chè gấu, dầu gấc mà còn có các món ăn sử dụng gấc làm loại màu thực phẩm tự nhiên để làm nên màu đỏ óng ánh cho các loại nước sốt, làm nên màu đỏ cam bắt mắt của món mứt mứt gấc, bánh gấc,…. Không chỉ có phần thịt gấc được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng mà hạt gấc cũng có công dụng làm thuốc rất đặc hiệu. Hồi đó bố tôi thường nướng hạt gấc tán ra ngâm với rượu hoặc giấm để bôi lên chỗ sưng tấy khi hai chị em bị mụn nhọt, sưng quai bị hoặc để xoa bóp cho bà mỗi khi trái gió trở trời. Những hạt gấc tròn, đen, chị em chúng tôi cũng thường để dành để chơi trò đồng xu hoặc ô ăn quan. Cứ mùa gấc chín là bao xốn xang, thương mến ùa về.
Trưa nay, có mẹ, một nồi xôi gấc thơm lừng nóng hổi đặt ra trong bữa ăn. Hai đứa trẻ con tôi lại ríu rít: “Bà ơi, cho cháu ăn xôi gấc!”, “xôi gấc bà nấu ngon quá!”, “cháu mong sớm về quê ở với bà để hái gấc cho bà”,… Mẹ tôi cười thật tươi: “Ừ, ngoan nhé, hôm nào về với bà”, “ăn xôi gấc thông minh lắm nha!”, “ nào, ăn nữa đi con”,… Tôi lặng người đi nhớ về giàn gấc đỏ ở cổng nhà mẹ, tôi mơ về nếp nhà với khói bếp ban chiều có tiếng bà gọi về ăn chè gấc, xôi gấc, bánh gấc,.. những ngày cuối đông và những ngày tết. Giàn gấc đỏ hiện lên … mùa gấc nữa lại về… con cũng ước “sớm về quê” mẹ ạ! Hình như vạt cải trong vườn cũng đang trổ bông mẹ nhỉ?.
18/3/2022
Hà Vinh Tâm
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...