Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Tản văn Nguyễn Thị Cẩm: Tết quê

Tản văn Nguyễn Thị Cẩm: Tết quê

Năm nay, cả nhà Na về quê nội ở ngoại thành ăn tết. Từ đêm hôm trước, Na cũng lăng xăng chuẩn bị đồ đạc cùng bố mẹ. Na sẽ mang theo búp bê cùng về chơi tết. Na cũng không quên mang theo con Robot về tặng thằng Tí, bạn Na mới quen dịp về quê nghỉ hè.
Đồng hồ điểm tích tắc 9 giờ nhưng Na vẫn không ngủ được. Nằm lăn qua, lăn lại, Na hồi hộp nghĩ đến ngày mai, những bờ đê xanh biếc, con cò lặn lội kiếm ăn, đồng xa đồng gần cò bay thẳng cánh, chênh chao chênh chao…
Con đê làng mùa này mỡ màng xanh mướt cỏ. Cỏ chân đê lấm tấm những bông hoa vàng tím, cánh mỏng nhỏ bé xíu xinh ơi là xinh. Mùi cỏ thơm ngai ngái, rung rinh những giọt sương chùng chình buổi sớm mai.
Mặt trời hiện lên trên đường chân trời , tròn trĩnh và đường bệ ,lẫn trong nhiều vạt mây ngũ sắc. Mặt trời mùa xuân hồng hồng, hây hây như má em bé. Na vui vẻ nắm tay bố mẹ vừa đi vừa nhảy chân sáo.
Nhà nội phía xa xa sau lũy tre làng, bình yên và xanh mát. Ngôi nhà và cái sân gạch đã gắn bó với Na từ thủa còn chập chững tập đi. Cây trong vườn, quả trên cành ngọt lành, đàn gà vàng hươm đang chơi ngoài sân…mỗi vật đều thân thương, hiền hòa mở lòng đón Na. Cây cho Na trái ngọt, cành lá ru Na ngủ những trưa hè nóng bức, chiếc mo cau làm ngựa kéo. Quê nội, yêu thương đong đầy và trìu mến.
23 tháng Chạp, Na cùng ông bà dựng cây nêu tết. Ông bảo: dựng nêu là để xua đuổi tà ma, diệt trừ điều xấu và nghệnh đón những điều tốt đẹp. Na chưa hiểu hết những điều ông nói nhưng thấy ông tỉ mẩn làm từng công đoạn, Na nghĩ chắc đây là một việc quan trọng, mang lại nhiều điều tốt lành.
Sáng sớm, ông ra sau vườn chọn một cây tre dài, thân thẳng, ngọn xanh biếc. Ông tỉa bớt cành lá ở thân tre và chỉ giữ lại phần lá ở trên ngọn. Ông còn treo một cái lọng tròn, một cái bầu, một cái nơm úp cá, một cái giỏ bắt cua đựng gói ngũ cốc và một số vật dụng khác. Từ trên đỉnh nêu, 1 dải lụa đỏ viết câu đối tung bay trong gió.
Xong việc, ông nhìn lên đỉnh nêu, chấp tay khấn cùng trời đất mong mùa màng ấm no, thóc gạo đủ đầy. Na nhìn ông, nhìn cây nêu thấy lòng thanh thản nhẹ bẫng.
 
Về quê, Na được theo bà đi chợ phiên. Ở đây, cái gì cũng lạ làm cho Na vô cùng thích thú. Chợ quê bày bán đủ thứ: trái cây, gà, vịt,lá dong, câu đối, cả tranh Đông Hồ… Na nhìn mãi đàn lợn âm dương, đàn gà trên những bức tranh in trên giấy gió. Bà bảo, ngày tết treo tranh Đông Hồ để cầu cho vạn vật sinh sôi, mùa màng trĩu quả, sức khỏe dồi dào. Na mong ông bà khỏe mạnh nên bảo bà mua 2 bức tranh về treo. Bà cười hiền từ, khen Na ngoan và biết yêu thương ông bà.
Đầu chợ, Na còn thấy người ta bày sạp viết câu đối. Ông đồ già ngồi tô những nét chữ trên những tấm giấy hồng, đỏ. Người xin chữ xúm xít vây quanh ông. Những điều ấy, Na mới chỉ thấy trên tivi. Hôm nay Na mới được xem tận mắt.
Bên cạnh sạp hàng của ông đồ là hàng tò he. Thức quà quê làm bằng bột nếp và phẩm màu xanh đỏ được người nặn khéo léo tạo hình con vật ngộ nghĩnh. Na được bà mua cho một con gà bằng bột nếp. Tò he không chỉ đẹp mà còn có thể ăn được.
Chiều về, Na theo ông ra vườn hái lá dong cho bà và mẹ gói bánh chưng. Những lá non còn chưa kịp bung ra khỏi ngọn cuộn tròn như những chiếc bút chĩa thẳng lên trời đón nắng, thứ ánh nắng trong vườn rọi xuống chan hòa thơm mùi hoa cau hoa bưởi. Lá dong gói bánh phải là lá bánh tẻ, già vừa độ thì bánh sẽ có màu sắc đẹp và thịt lá sẽ không dính vào gạo nếp. Từng chiếc lá dong xanh mướt to như cái quạt lớn hằn rõ từng đường gân lá.
Mẹ Na lựa những chiếc lá đều đẹp, xanh bóng gói cùng nếp cái hoa vàng, chính giữa có nhân đậu xanh và thịt lợn ướp ngũ vị thơm phức. Mùi đậu quyện với  mùi thơm của nếp, mùi lá dong thơm nức mũi. Bánh chưng được buộc bằng lạt tre trắng tinh, dẻo dai, vuông vức.
Na cũng được ông cho gói thử một chiếc bánh nhỏ. Chiếc lá vặn vẹo chả chịu theo ý Na. Thấy Na loay hoay, ông phải ra giúp một tay. Thế là Na có chiếc bánh đầu tiên tự tay mình gói. Tuy nó không vuông vức, vẻ ngoài lá hơi nhàu nhĩ  nhưng Na vui lắm.
Bánh gói vừa xong trời cũng vừa tối, cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng cùng nấu bánh chưng và sên kẹo mứt. Mứt gừng cay nồng, mứt dừa thơm ngọt, mứt tắc the the ngòn ngọt…Khói bếp tỏa ấm không gian căn bếp nhỏ. Ngoài kia mưa xuân rây bụi, đất trời mờ giăng một màn ẩm mờ mờ. Cây đào ở góc sân khẽ cựa mình, mầm cây tách vỏ ôm ấp một nụ hoa bé xíu chờ mở cánh hồng xinh xinh.
Chiều ba mươi, bà nấu nồi nước lá mùi già cho cả nhà tắm tất niên. Đám mùi ấy ông trông từ mấy tháng trước, để cho thật già mới thu hoạch. Ông bó từng bó nhỏ phơi giữa nong cho thật khô, cất dành cuối năm nấu nước tắm. Thứ mùi đặc biệt ấy Na quen lắm. Ngày nhỏ bà hay góp lá trong vườn nấu nước cho Na Tắm. Giờ lớn lên, sống ở thành phố, mỗi năm một lần Na mới được ngửi lại mùi hương ấy.
Giao thừa, cả nhà quây quần bên mâm cúng giao thừa. Mọi người ai cũng vui vẻ cùng tiễn năm cũ, đón năm mới, cầu chúc nhiều điều tốt lành. Na được ông bà bố mẹ mừng tuổi mới bằng phong bao đỏ.
Sáng mùng một, Na dậy sớm mặc quần áo mới chuẩn bị theo bố mẹ đi nhà thờ họ, đi chúc tết xóm làng. Đường làng quanh co lát bằng gạch đỏ. Lối vào các nhà có tường xây quanh co và ngõ dâm bụt hoa đỏ, hoa vàng. Vườn quê có vườn rau xanh mướt, có đám hoa cải vàng làm lạc đường con bướm ham chơi.
Xa xa, cánh đồng đang mùa cày ải để chuẩn bị xuống mạ. Một đàn trâu thong thả cúi đầu gặm những búp cỏ non trên triền đê. Mưa xuân vẫn mải miết rây bụi trên cành hoa xoan tím và trên vạt áo của cô gái làng đi hội mùa xuân.
27/1/2022
Nguyễn Thị Cẩm
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...