Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Bút ký của Quang Học: Thầy tôi

Bút ký của Quang Học: Thầy tôi!

Trong tâm trí mỗi người, chắc chắn sẽ có những ký ức sâu đậm về những người Thầy của mình. Tôi cũng vậy. Tôi đã trải qua nhiều trường, nhiều lớp học và lẽ đương nhiên cũng có rất nhiều người Thầy đáng kính. Một trong những người Thầy đó là PGS. Vương Đình Quyền, giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Người Thầy mà trong giới nghiên cứu, giảng dạy về văn thư, lưu trữ và phần lớn ai làm việc về văn thư, lưu trữ ở Việt Nam đều biết đến với một sự ngưỡng mộ, kính trọng lớn lao.
Hình ảnh thầy Vương Đình Quyền thật sự in đậm trong mỗi thế hệ sinh viên. cá nhân tôi chỉ là một trong số rất nhiều học trò của Thầy, luôn nhớ về Thầy với tình cảm chân thành, kính trọng và tự nỗ lực vươn lên cùng với sự dạy bảo, định hướng, giúp đỡ của Thầy.
Sau 18 năm kể từ năm tốt nghiệp đại học, ngẫm lại thấy nhiều lúc hình ảnh của Thầy cứ thường trực trong suy nghĩ của tôi. Xin được ôn lại vài kỷ niệm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc học tập, nghiên cứu và làm việc của tôi có gắn liền với định hướng của Thầy. Đó là:
– Năm 1999, khi tôi theo học ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng của học kỳ I, năm thứ nhất cũng là lúc niềm vui và hứng khởi thi đậu Đại học sau mấy năm ôn luyện miệt mài trong quân ngũ dần dần tan biến. Thay vào đó là những nỗi lo từ thực tế của việc học đại học lại tăng lên nhanh chóng. Trong đó, nỗi lo lớn nhất là học xong đại học sẽ không biết xin việc ở đâu?
Một hướng đi theo tôi lúc đó là khả thi và “an toàn” là học xong sẽ về quê. Công việc mong muốn và cảm thấy phù hợp nhất là dạy học.
Nhưng, học Lưu trữ thì không dạy học ở quê được?
Suy nghĩ miên man rồi tôi dự định xin chuyển sang Khoa Lịch sử để học ngành Lịch sử – ngành học này tôi rất yêu thích và có thể sẽ giúp tôi trở thành thầy giáo dạy Sử ở trường làng sau khi tốt nghiệp đại học.
Nghĩ là làm, tôi liền đến nhà thầy Vương Đình Quyền và xin ý kiến. Mong muốn nhờ Thầy giúp đỡ để cho tôi được chuyển ngành học. Lý do nhờ Thầy cũng đơn giản thôi, Thầy vốn công tác ở Khoa Lịch sử nhiều năm trước khi ngành Lưu trữ học được tách ra thành một Khoa riêng.
Thầy lắng nghe học trò. Cách lắng nghe của Thầy sau này tôi cũng thường nhớ lại khoảnh khắc đó. Thầy lắng nghe để hiểu – thật sự tôn trọng người nói làm sao. Bất kể người nói đó là sinh viên năm thứ nhất – như tôi.
Tôi khá bất ngờ vì Thầy bày tỏ sự đồng cảm với nguyện vọng của tôi. Sau đó, Thầy đã phân tích và nói với tôi rằng:
– “Em nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhé!”
Vài ngày suy nghĩ về những lời phân tích của Thầy, tôi đã tự đưa ra quyết định cho mình và hoàn toàn yên tâm với ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng như một sự lựa của số phận!
– Khi đã yên tâm với ngành học, tôi cũng nhanh chóng thích nghi với việc học ở bậc đại học, được học tập từ nhiều thầy, cô trong Khoa như PGS. Vương Đình Quyền, PGS. Nguyễn Văn Hàm, PGS. TS. Đào Xuân Chúc, PGS. PGS. TS. Vũ Thị Phụng, TS. Nguyễn Liên Hương, v.v… với nhiều tri thức mới; phương pháp học tập, nghiên cứu mới, v.v…
Tôi thật sự yêu thích và có hứng thú với những nội dung bài giảng, các công trình nghiên cứu và cả phương pháp làm việc của PGS. Vương Đình Quyền đã truyền đạt cho học trò. Từ đó, đã dần dần hình thành trong tôi sự say mê, yêu thích các môn học của ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng và các kiến thức chuyên sâu về văn thư, lưu trữ như văn bản quản lý nhà nước, lịch sử văn bản, kỹ thuật soạn thảo văn bản, v.v…
– Năm 2003, tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, tôi đứng trước “vận may” có rất nhiều cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương thông báo tuyển dụng. Bản thân tôi cũng được Ban chủ nhiệm Khoa thông báo sẽ đề nghị Trường giữ lại làm cán bộ của Khoa.
Cùng thời gian này, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã mở ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng và cần cán bộ giảng dạy cho ngành học mới, công việc tuyển dụng cán bộ lúc đầu được thực hiện qua việc giới thiệu của thầy, cô ở hai trường.
Trong buổi Lễ trao bằng tốt nghiệp cho lớp chúng tôi, PGS. Vương Đình Quyền có gặp riêng tôi và hỏi:
– “Em đã có dự định đi làm ở đâu chưa?”
Tôi vui vẻ thông tin: “Dạ, em mới được nhận vào làm việc ở Văn phòng Bộ…”
Trầm ngâm một lúc, Thầy nói:
– “Tôi rất tin tưởng em và giới thiệu em vào làm việc ở Khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) làm cán bộ giảng dạy ngành Lưu trữ học.
Tôi bất ngờ với đề nghị của Thầy trái lại với thông tin tôi vừa khoe. Bất ngờ hơn nữa, đó lại là một thông tin tốt lành mà tôi chưa từng nghĩ đến.
Thầy lại tiếp tục:
– “Em suy nghĩ và nếu đồng ý thì cho tôi biết nhé”.
Lời Thầy nói, tôi hiểu được ý Thầy muốn gì? Bởi lẽ, Thầy cũng phân tích cặn kẽ mọi điều và động viên tôi lên đường “Nam tiến”.
Sau một ngày tham khảo ý kiến của gia đình, người thân và cân nhắc suy nghĩ rất nhiều, tôi đã quyết định nhờ Thầy giới thiệu “vào Nam” với biết bao suy nghĩ về một chân trời mới tươi sáng nhưng cùng đầy gian lao và thử thách được dự báo trước.
– Tháng 9 năm 2003, tôi được nhận vào làm việc ở Khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong không khí các thầy, cô của Khoa Lịch sử vui mừng đón nhận thành viên đầu tiên của Bộ môn Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.
Trưởng Khoa Lịch sử lúc bấy giờ là PGS. TS. Võ Văn Sen đã giao cho tôi một số nhiệm vụ ở buổi đầu “khởi nghiệp” như chuẩn bị tìm kiếm, giới thiệu nhân sự làm cán bộ giảng dạy chính thức cho Bộ môn; chuẩn bị hướng nghiên cứu và bài giảng để sớm tham gia giảng dạy. Định hướng của Khoa là sẽ phát triển Bộ môn Lưu trữ học – Quản trị văn phòng thành một Khoa độc lập thuộc Trường khi hội đủ điều kiện.
Tôi đã quyết định chọn môn học để chuẩn bị nội dung giảng dạy là môn học do chính thầy Quyền trực tiếp giảng dạy cho lớp chúng tôi và đã tạo cảm hứng cũng như hướng dẫn tôi học tập, nghiên cứu từ những ngày trên giảng đường đại học.
– Con đường học tập của tôi được mở rộng từ chuyên ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng đến Lịch sử có sự định hướng, chỉ bảo, giúp đỡ của Thầy và tôi hoàn toàn mãn nguyện với con đường mình đã chọn.
Đến nay, thời gian thấm thoắt đã 18 năm kể từ khi ra Trường. Những gì Thầy định hướng ít, nhiều tôi cũng đã làm được nhưng tự thấy rằng bản thân mình vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn trên con đường Thầy chỉ dẫn bước đi.
Đối với mỗi một người thì công lao của mỗi thầy cô và kỷ niệm về mỗi thầy cô là rất lớn, không thể kể hết. Cá nhân tôi cũng có rất nhiều thầy, cô với biết bao công sức dạy dỗ, chỉ bảo và đã để lại những kỷ niệm sâu đậm trong nhiều lát cắt của trí nhớ, mãi mãi được khắc ghi với tấm lòng tri ân và có thể không có cơ hội được nói ra thành lời, viết nên thành chữ!
Thầy tôi – PGS. Vương Đình Quyền là người Thầy có vị trí đặc biệt quan trọng đối với tôi trong việc định hướng con đường học tập, nghiên cứu và làm việc. Xin được bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất đến Thầy và kính chúc Thầy sức khỏe, hạnh phúc, vạn sự tốt lành!.
9/1/2022
QUANG HỌC
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...