Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Tản văn Nguyễn Bá Thuyết: Mùa cấy dặm

Tản văn Nguyễn
Bá Thuyết: Mùa cấy dặm

Qua rằm tháng Giêng, tôi gọi về quê hỏi thăm tình hình gia đình chị gái. Chị hiện lên tươi cười sau vài giây chờ đợi.
– Cậu đấy à? Gớm, chị vừa đi cấy dặm về, chưa kịp thay đồ, mấy bựa rét quá, triều ni mới đợ đi mần được một hồi. Ló năm nay bị ốc vàng phá nhiều lắm, cấy dặm mất nhiều công!. Chị tôi làm một loạt thông báo bằng tiếng xứ Nghệ khiến tôi vừa nghe vừa cười. Sau cuộc điện thoại tôi ngồi miên man nhớ mùa cấy dặm.
Đã hơn 40 năm rời quê hương, có nhiều thứ đã đi vào quên lãng, nhưng mùa cấy dặm thì vẫn y nguyên từ từ hiện về đầy đủ trong kí ức tôi. Ở quê tôi ai cũng biết câu “công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Theo ý mẹ tôi giải thích “công làm cỏ” ở đây ý muốn nói là công chăm sóc từ khi cấy (gieo) xuống ruộng cho đến khi thu hoạch đưa lúa về nhà, trong đó cấy dặm là khâu rất quan trọng. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, thực hiện “khoán sản phẩm về tay người lao động” nên dù là con trai hay con gái quê tôi đều giỏi cả cày lẫn cấy. Mọi công việc gieo cấy vụ xuân đều hoàn thành trước Tết. Sau Tết tất cả đều ra đồng cấy dặm. Cấy dặm là việc nhổ cây lúa nơi dày về dặm vào nơi trống, trống vì lúa bị ốc, chuột, cò vạc… cắn phá. Sau Tết, “tháng Giêng rét Đài, tháng Hai rét Lộc”, rét khủng khiếp. Ngày đó cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm nên cảm giác về cái rét càng thêm thảm hại. Trong nhà thì luôn quanh quần bên bếp lúc nào cũng hồng rực than lửa. Ngủ ổ rơm, đắm chiếu, hở phía nào thì y như ai đổ nước đá vào đó vậy. Đói, rét nên việc đi làm tôi không mấy hăng hái, nhất là đi cấy dặm. Sáng ra, đợi mẹ gọi thật lâu tôi mới chui ra khỏi cái ổ rơm, ăn vội củ khoai lót dạ rồi theo mẹ và chị ra đồng. Đi chân chim, hễ sơ suất dẫm vào cạnh đá, viên sỏi đau điếng như ai lấy dao đâm vào bàn chân. Tôi vừa đi vừa chạy lúm xúp cho nóng người, gió mưa thi nhau tạt vào mặt, chúng tạo nên một màn sương trắng phủ kín cả cánh đồng. Ra đến bờ ruộng tay đã cóng đơ ra, phải dụi dụi thật lâu vào trong nách, xoa xoa liên tục hai bàn tay mới hoạt động được. Bước xuống ruộng, chân chạm nước và bùn non, từng mạch máu rưn rứt thịt da chẳng khác gì đưa chân vào chậu nước đá. Buổi cấy dặm bắt đầu là lom khom cúi nhổ lúa đám dày, bó lại rồi mang đến đám ruộng lúa bị chết để dặm vào. Cấy dặm là công việc vô cùng mỏi cổ, đau lưng, tay cóng, bụng đói… Thương mẹ, thương chị nên tôi ráng theo hết buổi để cùng về.
Ấy vậy mà dẫu có rét mướt đến đâu nhà ai cũng hết sức chăm lo công việc cấy dặm. Để đến giữa tháng hai tiết Thanh Minh lúa chuyển thì con gái, căng đòng xanh mượt, bạt ngàn báo hiệu một mùa gặt bội thu…
Tôi ra đi rời quê hương vào đúng mùa cấy dặm, khi tiếng súng còn vang dội ở biên cương. Chào tạm biệt mẹ cha, bạn bè lên đường mang theo cả hình ảnh mùa cấy dặm làm hành trang cho suốt đời mình.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, người nông dân Việt Nam không còn phải vất vả như xưa nữa. Họ cũng có nhiều sáng kiến đúc rút từ kinh nghiệm của nhà nông. Cấy dặm bây giờ cơ bản là dùng cây cuốc ba chia, một sáng kiến của ai đó đã lan tỏa vào mọi vùng nông thôn Việt Nam. Đi cấy dặm cái lưng vẫn đứng thẳng, chân đi ủng, da thịt không chạm nước và bùn, mà tốc độ cấy dặm còn nhanh gấp mấy lần trước đây. Họ dùng một cái cuốc nhỏ cán dài khoảng hai mét, lưỡi cuốc bằng sắt cong vồng lên có ba chia để móc vào chân lúa nhẹ nhàng kéo những khóm lúa từ nơi này qua nơi khác. Quả là một sáng kiến nhỏ mà mang lại tiện ích vô cùng lớn, đáng được trân trọng, phát huy…
Tôi miên man về mùa cấy dặm cho đến khi vợ nhắc đi tập thể dục, đẩy chiếc xe đạp ra khỏi nhà lòng cảm thấy khoan thai đến lạ. Tôi cười và nghĩ cấy dặm một ký ức nho nhỏ ngày xưa cũng giúp người ta trở nên trẻ trung và mạnh mẽ như đang được tiếp thêm sức mạnh của một thời đã qua!.
30/3/2022
Nguyễn Bá Thuyết
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...