Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Quan niệm về quyền lực và hạnh phúc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Quan niệm về quyền lực và hạnh phúc
của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

“Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giàu sang không phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng, chúng ta theo đuổi quyền lực hay danh tiếng, tiền tài là để được hạnh phúc”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết như vậy khi nói về QUYỀN LỰC và HẠNH PHÚC.
Biết tin thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch, tôi ngồi lặng đi và tưởng nhớ đến ông. Khi tôi đọc cuốn “Quyền lực đích thực” của ông, tôi cảm nhận sâu xa và thấm thía khi ông nói về QUYỀN LỰC và HẠNH PHÚC của con người.
Hình như có nhiều người cũng như tôi, sau một năm bộn bề công việc, trước thềm năm mới, ta thường nhìn lại những được, mất và tự hỏi năm qua mình sống có thực sự hạnh phúc không? Năm mới sẽ sao đây?
Tôi nhớ, hôm đi dự đám cưới của cô cháu gái tổ chức ở một vùng quê, trên tấm phông ở hội trường có hai chữ HẠNH PHÚC được cắt dán rất khéo lồng vào trong hình một quả tim màu đỏ với đôi chim bồ câu …
Có người nói tình yêu là hạnh phúc, mà hôn nhân là kết quả của tình yêu. Lại có người nói thời buổi bây giờ muốn có hạnh phúc phải có nhiều tiền, mà muốn có nhiều tiền thì phải có chức, có quyền …
Chức? Quyền? Tiền?… Những vụ đại án vừa kết thúc, có ai tự hỏi, chức, quyền, tiền có mang lại hạnh phúc?
Tôi bỗng nhớ tới câu mở đầu trong cuốn sách “Quyền lực đích thực” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
“Đối với chúng ta quyền lực có ý nghĩa gì? Tại sao ai cũng tìm mọi cách để đạt cho được quyền lực? Cho dù không để ý, nhưng…. chúng ta luôn cố đạt cho được một địa vị có quyền lực bởi vì ta tin rằng quyền lực giúp ta làm chủ được cuộc sống, đem lại cho ta tự do và hạnh phúc – những gì ta mong muốn nhất”.
Quyền lực là gì? “Xã hội chúng ta được xây dựng trên một khái niệm rất hạn hẹp về quyền lực, đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị”… “Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giàu sang không phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng, chúng ta theo đuổi quyền lực hay danh tiếng, tiền tài là để được hạnh phúc. Nếu giàu có và quyền lực không hạnh phúc thì giàu có và quyền thế để làm gì?” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.
Những ngày cuối năm, nhiều vụ đại án đang được xét xử hay chuẩn bị đưa ra xét xử cho thấy hầu hết đều xoay quanh đồng tiền, quanh quyền lực, những lợi ích cá nhân hay nhóm lợi ích… Quyền lực, tiền bạc bất chính không những không mang lại hạnh phúc cho họ mà còn làm khổ đau không chỉ chính họ, mà cho cả gia đình, những người thân và cho cả cộng đồng, đất nước…
Vấn đề là ở chỗ quyền lực để làm gì? Sử dụng quyền lực thế nào? Quyền lực nếu không được kiểm soát hiệu quả để người có quyền lực tự tung, tự tác, nó có mang lại hạnh phúc cho chính người có quyền lực hay không? Hay cuối cùng là mang lại tai họa cho đất nước, cho cộng đồng và cho cả chính người sử dụng quyền lực? Những bài học từ các vụ đại án thật nhỡn tiền!
Triết gia Jean Jacques Rousseau đã viết “người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để mãi mãi ở vị trí lãnh đạo, trừ khi người ấy chuyển đổi sức mạnh thành lẽ phải, và chuyển đổi sự khuất phục thành bổn phận”.
Đúng vậy. Sử dụng quyền lực không đúng sẽ nhận lấy sự chống đối từ phía những người dưới quyền khi một bên thâu tóm quyền lực và một bên không có quyền lực thì bên không có quyền lực có xu hướng nổi loạn. Sự cách biệt quá lớn giữa dân tộc này và dân tộc khác, giữa nhóm người này với nhóm người khác sẽ làm cho quyền lực bấp bênh. Ngay cả khi dường như được người khác chấp nhận thì người cầm quyền vẫn cảm thấy bất an.
Ấy vậy, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người cố “chạy” cho được những chức này, chức khác bởi vì theo suy nghĩ thường tình, có chức thì có quyền, có quyền thì có tiền, có tiền thì “mua tiên cũng được” – nghĩa là, có tất cả!
Ở đâu cũng vậy, mục đích cuối cùng của con người là mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng, cho muôn dân. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong cuốn sách “Quyền lực đích thực” đã phân tích, lý giải, trình bày bằng những ví dụ sinh động, từ những con người đang sống hôm nay cho đến những dẫn dụ từ thời xa xưa.
“Bhaddiya một quan chức cao cấp. Nhưng ông đã từ bỏ tất cả để xuất gia. Một hôm, đang ngồi thiền, Bhaddiya bỗng thốt lên: ‘Ôi, hạnh phúc của tôi!’… đến ba lần. Bụt gọi Bhaddiya tới và hỏi lý do. Ông trả lời: ‘Kính lạy thế tôn, khi con còn tại chức, con có rất nhiều quyền hành và tiền bạc. Con có những đội quân bảo vệ. Con muốn mua gì cũng được. Nhưng con không hạnh phúc vì con luôn sợ hãi. Con là nạn nhân của ganh tị, sợ sệt, ghét bỏ và tham lam. Bây giờ, con không còn lo sợ hay phiền não nữa. Con không có gì để mất, không sợ bị ai sát hại, không cần vệ sỹ bảo vệ. Chưa bao giờ con được tự do và bình an như thế. Vì hạnh phúc quá nên con thốt lên như vậy’.
Khuyên ta từ bỏ tất cả để xuất gia ư! Không! Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Nếu kiếm lợi nhuận mà đem lại an vui thì việc làm của ta không có gì sai trái. Ta có thể vẫn kiếm lợi nhuận mà không tổn hại, mà phát huy công bằng xã hội, đem lại hiểu biết và giảm thiểu khổ đau… Muốn thế, phải ngưng chạy theo quyền hành, tiền tài, danh vọng và sắc dục. Bốn thứ ấy đi liền với nhau“.
Bụt nói: “Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại”. Nếu đánh mất hiện tại thì sẽ đánh mất cuộc sống! Nếu ta quá ưu tư về quá khứ, quá lo nghĩ về tương lai, để luôn đắm chìm trong sự bất an, ta sẽ không có hạnh phúc, dù là người, có nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều danh tiếng…
Tôi nghiệm thấy ở đời được mất là vô cùng. Được đi liền với mất, phúc đi liền với họa, cái dở, cái hay đều ở trong một con người. Cuộc sống bây giờ, tôi thiển nghĩ người ta chạy theo chức tước, chạy theo đồng tiền hình như bằng mọi giá và thực tế đã nảy sinh biết bao bi kịch nhỡn tiền, như vậy thử hỏi có hạnh phúc hay không?
Sống ở trên đời, ai cũng muốn có hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ở đâu?
Phải chăng hạnh phúc ở chính chúng ta, ở cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử của chính chúng ta trong cuộc sống hàng ngày…
29/1/2022
DƯƠNG KỲ ANH
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...