Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Sụp nửa mi mắt

Sụp nửa mi mắt

Tôi là dân Bắc Kỳ chính cống nên thích những món Bắc như bún thang, bún ốc. Bữa ăn ở nhà phải có rau muống, thịt kho, giò nạc làm chuẩn! Nhưng món ăn cũng như gái đẹp, không thể phân biệt Nam, Bắc hay Trung được! Có nghĩa món ăn nào ngon là thích, miền nào cũng vậy thôi! Và một trong những món của miền Nam tôi thích nhất là hủ tiếu tôm cua.
Nhắc đến món này là phải nhớ đến hai tiêm chuyên bán hủ tiếu tôm cua nổi tiếng nhất của Sài Gòn thời trước. Đồng Chung và Thanh Xuân. Hai tiệm ở sát nhau trên con đường ở phía sau đường Lê Lợi, bây giờ không nhớ là đường tên gì. Chỉ nhớ gần đó có ngôi chùa hay đến thờ của dân Ấn Độ, trên đỉnh đền thờ có chóp bọc vàng. Dạo còn bé đi ngang qua khu này tôi nghĩ là vàng khối, sau mới biết là không phải!
Hai tiệm hủ tiếu Đồng Chung và Thanh Xuân hình như cũng có họ hàng gì với nhau, nhưng cạnh tranh ráo riết. Được cái cả hai tiệm đều ngon. Nên những sáng thứ bảy hay Chủ Nhật đều đầy khách đến ăn, phải đợi lâu mới đến phiên có bàn trống. Cả hai tiệm cho bầy bàn suốt ra ngoài vỉa hè, chiếm hết lối đi. Khách đứng đợi sát ngay bàn, nhìn chăm chăm như muốn dục người đang ăn phải nuốt nhanh lên, ăn cho mau nhường chỗ cho người khác! Bây giờ chắc sẽ không chịu được cảnh này, nhưng thời đó tôi nhớ ai cũng tỉnh bơ, coi là chuyện bình thường. Người ăn mặc kệ, tỉnh queo ăn húp sì sụp tận hưởng khoái lạc món ăn ngon, không nề hà đến cảnh bất lịch sự của những người đứng đợi!
Mà hủ tiếu tôm cua hai tiệm ngon thật! Tôi nhớ là Đồng Chung có lẽ ngon hơn một chút. Hủ tiếu làm vừa phải không dai quá, không mềm quá, nước dùng thật ngọt tự nhiên, không có chút bột ngọt nhân tạo như bây giờ thường thấy. Những con tôm bóc vỏ tươi đỏ, chắc nịch. Càng cua lớn, thịt săn, dòn, cắn vào thấy sần sật, nhưng thớ cua vẫn mềm mại, chỉ muốn trôi tuột vào cổ họng. Nhưng phải từ từ nuốt để hưởng hết hương vị của càng cua mới bắt từ tối hôm trước ở vùng biển, đưa suốt đêm về Sài Gòn cho khách sành ăn của đô thị hưởng thụ!
Khoảng thời gian tôi mê món hủ tiếu tôm cua này là lúc tôi và tên bạn thân sắp ra đơn vị. Được một hai tuần gì đó ở Sài Gòn trước khi lên đường, tôi và anh bạn sống vội để hưởng đời tối đa! Biết đâu được chuyện gì sẽ xảy đến! Tên bạn thường phán:
- "Nhằm nhò gì mày! Ai cũng có số cả! Chết thì chôn!"
Mỗi sáng tôi và tên bạn ra Đồng Chung hay Thanh Xuân ăn hủ tiếu tôm cua. Ăn xong ra tiệm Prince trên đường Lê Lợi uống cà phê. Nhìn người qua lại! Nhất là nhìn những cô gái đẹp như mơ thướt tha trên con đường đông đảo. Biết rằng còn lâu lắm mới có dịp thấy gái đẹp nhởn nhơ đầy đường như vậy! Tôi về Tây ninh còn đỡ. Nhưng tên bạn đi một chốn khỉ ho cò gáy, chắc chỉ thấy được mọi! Tên bạn cười ngạo:
- "Thì tao sẽ sụp nửa mi mắt nhìn đời khinh bạc thôi mày ơi! Có sao đâu! Chết thì chôn mà!"
Nhưng người ta có lẽ có số thật! Tôi không tin vào số mệnh. Nhưng nhìn tên bạn, chắc có lẽ phải có! Vì tướng lộ hầu, mắt thô lố, người như con mắm lêu khêu. Lại còn đi tác chiến. Nhưng số không chết vẫn không chết! Hắn sang Mỹ được ngay từ 75, học hành xong xuôi, làm ăn thành công, đời sống khá giả. Lần cuối gặp lại, hắn cười:
- "Tao ở Việt Nam đi lính như vậy không chết thì làm sao ở Mỹ này chết sớm được mày ơi! Mày đợi mà xem! Tao sẽ sống đến trên 90 cho mày coi!"
Rồi hắn nheo mắt cười đểu:
- "Nhưng không được! Mày đi trước tao thì làm sao biết được tao thọ trên 90!"
Nhưng bạn tôi quên một điều. Là vợ hắn có nốt ruồi trích lệ thương phu. Gò má lại cao quá là cao! Và hắn hút thuốc lá nhả khói như tàu xe hỏa. Bảo bỏ thế nào cũng không nghe! Mỗi lần nghe khuyên bỏ thuốc lá, hắn nhăn mặt:
- "Chết thì chôn! Khổ lắm! Biết rồi! Nói mãi! Cho tao hai chữ bình an đi mày!"
Và hắn được bình an thật! Vì hôm nay là ngày giỗ của bạn tôi, chết vì ung thư! Chỉ có một điều không được đúng. Là trước khi chết, hắn bắt vợ hắn thiêu xác, không được chôn. Để không nghiệm đúng như câu nói của hắn từ mấy chục năm nay. "Chết thì chôn!" Hắn không muốn thành bộ xương dưới đất, nhưng là tro bụi thảnh thơi trên trời cao, để lúc nào cũng vẫn còn được "sụp nửa mi mắt, nhìn đời khinh bạc!".
Nguyễn Đình Phùng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...