Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Giấc mộng Sài Gòn

Giấc mộng Sài Gòn

Có lẽ mỗi người đều ôm ấp cho riêng mình những ước mơ. Tôi cũng không ngoại lệ. Với đứa trẻ thôn quê khốn khó như tôi, ba từ “lên Sài Gòn” có sức hấp dẫn lạ kỳ. Sài Gòn trong tâm trí tôi là một miền đất hứa, chốn hoa lệ và rực rỡ ánh đèn qua giọng điệu xuýt xoa của những người “mới ở trển về” kể lại.
Cứ thế, tôi ôm giấc mộng Sài Gòn mà lớn lên.
Mười tám tuổi, tôi làm một cuộc di cư với mong ước đổi đời bằng con đường đại học. Thành phố đón tôi bằng ma trận đường ngang ngõ tắt cùng những tiếng còi xe liên tục khiến tôi “hốt cả hền”. Yếu bóng vía một chút là có thể lạc tay lái mà ngã lăn quay!
Sống ở chốn phồn hoa đô hội này, lâu dần, tôi mới hiểu ra ý nghĩa của hai từ “hoa lệ”: hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Nhưng, lệ cho người nghèo không riêng gì nỗi buồn, mà còn có cả niềm sướng vui và hạnh phúc.
Nhớ lại những tháng ngày mưa lũ ở quê, ba má không có tiền gửi lên. Công việc làm thêm của tôi chỉ đủ để trang trải tiền học phí. Đêm nào tôi cũng trằn trọc với hàng trăm câu hỏi lượn quanh trong đầu: Tiền trọ tính sao? Gói mì cuối cùng cũng đã ra đi theo buổi tối hôm nay. Ngày mai ăn gì? Ngày mai sống sao?… rồi rưng rức khóc vì tủi thân.
Giấc mộng Sài Gòn sao cứ mơ mơ, hồ hồ không thực?
Vậy mà, một năm, hai năm, năm năm rồi mười năm có lẻ, tôi vẫn trụ được ở thành phố này. Không phải tôi có siêu năng lực gì, chỉ đơn giản vì trong nước mắt tôi luôn tìm thấy được nụ cười từ những tấm lòng bao dung của người thành phố.
Là bác chủ nhà cho tôi khất tiền trọ hết lần này đến lần khác. Bà cứ luôn miệng bảo rằng đợi cô sinh viên ra trường sẽ đòi cả vốn lẫn lời.
Là chị bán thức ăn ngoài đầu hẻm, khi thấy tôi tần ngần mãi mới lựa ít rau, chị bèn dúi thêm nửa ký thịt vào tay bảo cầm đi khi nào có tiền thì trả, mặt mày tái xanh thế thì học hành kiểu gì.
Là chú bán cơm hào sảng cho tôi nợ cả tháng phiếu ăn, rồi lại nợ thêm tháng nữa.
Là bác xe ôm vẫn hay “tiện đường” chở tôi đến lớp dạy thêm mỗi lần chiếc xe đạp của tôi trở chứng.
Là rất nhiều khuôn mặt xa lạ với nụ cười thật hiền, những tấm bản đồ biết nói, những bàn chân nhiệt tình dẫn lối cho tôi đi khắp ngõ ngách Sài Gòn.
Trường học dạy tôi chuyên môn. Trường đời dạy tôi nhân nghĩa. Càng ở lâu xứ này tôi càng thêm thấm thía tình đất, tình người hào sảng, bao dung. Cái tình ấy cứ như mạch nước ngầm âm ỉ chảy, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tưới lên mảnh đất thiếu thốn, khô cằn của bao mảnh đời khó khăn để cứu lấy những ước mơ ngỡ đã lụi tàn vì khô héo.
Và giấc mộng Sài Gòn của tôi đã bước ra cơn ngủ, hóa thành hiện thực mỗi ngày cũng nhờ thứ nước ngọt lành, mát dịu ấy.
 
Tôi không chắc đối với Sài Gòn mình vì yêu mà đến hay đến rồi mới yêu? Có lẽ là cả hai. Vì yêu miền đất hứa này nên tôi đã đến đây. Và vì những con người ở nơi đây, tôi càng thêm mến yêu miền đất ấy.
Mỗi đêm nghe tiếng máy bay ầm ĩ lướt qua đỉnh đầu, tôi không còn cảm giác bực bội vì giấc ngủ bị phá bĩnh như trước. Nếu bảo tôi thương tiếng ếch nhái, ễnh ương, tiếng giun dế… hợp tấu thành dàn đồng ca quê nhà, thì tiếng máy bay ầm ĩ đối với tôi lại là cảm giác quen thuộc.
Thói quen là thứ rất đáng sợ, nó khiến người ta bất giác yêu thích rồi nhớ nhung lúc nào chẳng hay! Bởi thế mới có chuyện tréo ngoe là có những đêm ở quê nhà, tôi lại khó ngủ, thậm chí mất ngủ vì thiếu đi cái âm thanh ầm ĩ mà quen thuộc kia.
Sài Gòn không chỉ chở che, cưu mang tôi mà còn cho tôi một mối lương duyên tốt đẹp.
Ở đời có những thứ “muộn vừa kịp lúc”, giống như chồng tôi, nếu không vì còn bận lo cho đứa em học đại học ở quê thì sau khi tốt nghiệp anh đã tiếp tục học lên cao. Vậy thì sẽ không có chuyện gặp được đàn em dưới mình bốn khóa là tôi. Và có lẽ chúng tôi bây giờ vẫn là những người hoàn toàn xa lạ.
Cả hai dễ tìm được tiếng nói chung vì có cùng một xuất phát điểm. Tôi và anh đều là những đứa trẻ thôn quê khốn khó, ôm giấc mộng Sài Gòn mà lớn lên. Có lẽ chính vì vậy mà chúng tôi dễ sẻ chia và cảm thông nhau, dễ giãi bày tâm sự để rồi cuối cùng chọn cách nắm tay nhau đi tiếp chặng hành trình gian khó.
Từ một khách trọ chốn phồn hoa, tôi dần trở thành một cư dân thành phố. Không phải vì tôi đã có hộ khẩu ở Sài Gòn, chỉ đơn giản vì tôi có một gia đình hạnh phúc và bình yên nơi đây.
Thành phố mỗi ngày thêm chật chội, đông dân vẫn mở rộng vòng tay đón nhận người tứ xứ, để những “đứa trẻ ngày xưa” đến thật gần miền đất hứa và biến ước mơ của chúng thành sự thật.
Có một Sài Gòn như thế!.
2/3/2022
Nguyễn Minh Ngọc Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...