Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Shisha - Không hút vẫn sưu tầm

Shisha - Không hút vẫn sưu tầm

Không hút, nhưng lâu lâu tôi ghé vào quán shisha để sống không khí của người địa phương. Thơm thơm mùi thuốc. Thân thiện thái độ của người Ba Tư. Họ rất muốn nói chuyện với người nước ngoài nhưng từ sau cách mạng 1979 rất hiếm người còn nói tiếng Anh. Sự tiếp xúc với người nước ngoài cũng không được khuyến khích. Thế là người hút thuốc cứ cười vui mà nhìn người ngoại quốc ngồi uống chè.
Một cửa hàng shisha ở thành phố cổ Shiraz, Iran
“Ngoại đạo” của nghề hút xách
Ngày mới bước chân đến Tehran, tôi rất thú vị với những cái quán shisha. Quán ở khắp nơi như quán cà phê ở ta. Nhưng quán shisha bình dân hơn, nhiều hơn quán cà phê.
Thỉnh thoảng chúng tôi vào quán shisha chỉ để uống chè. Kiểu uống chè của người Iran cũng khác. Chè đen trong cốc thủy tinh sóng sánh. Nhặt một cục đường như quân xúc xắc bỏ vào miệng rồi mới uống một ngụm. Người Iran giải thích, đường mà hòa tan vào chè rồi mới uống thì sẽ bị chua miệng.
Vào quán shisha mà chỉ uống chè như thế coi như là chưa vào. Có lần ghé vào quán shisha ở thành phố Qazvin để uống chè, uống xong chủ quán còn chẳng lấy tiền. Phải nói mãi mới trả tiền được, ra đi cho đỡ áy náy. Vào quán hút thuốc chỉ buồn cười thấy toàn thanh niên, thì thanh niên chỉ còn mỗi chỗ này. Họ ở một xứ cấm quán rượu bia, cấm vũ trường. Nếu không đến rạp xem phim xem kịch thì chỉ có trèo núi cắm trại. Ẩm thực phổ biến chỉ có quán ăn và quán shisha. Ở quán shisha này, đám thanh niên ngồi trên thảm tựa cái lưng dài vào tường, chân co chân duỗi. Phải là tư thế chân duỗi như vậy thì mới thấy chân gì mà dài thế, đứa nào chân cũng dài. Chúng niềm nở mời tôi thử một hơi. Chẳng thuốc lào thuốc lá bao giờ, nhưng nể cái niềm nở mà cũng nhận lời. Chúng giúp tôi cắm một cái ống nhựa mới vào đầu ống hút bằng gỗ, mỗi người có một cái ống nhựa riêng để không chung với ai. Cũng hút rồi cũng nhả khói. Nhưng không thể sành điệu như những anh chàng Ba Tư này.
Nhân nói chuyện hút hít. Ngày đi bộ đội nghĩa vụ, đồng đội khắp xung quanh hầu như đều hút thuốc lá, chúng cũng chìa ra mời. Nhưng tôi hút một lần chẳng thấy cái vị gì nên thôi, hút thế phí thuốc.
Lúc sang Mỹ, ở thuê trong nhà một ông luật sư. Có hôm ông mang sang mời một đĩa bánh ông vừa tự nướng. Kiểu bánh quy, tròn bằng đầu ngón tay cái, màu cà phê. Tôi hỏi bánh làm bằng gì, ông bảo trong bánh có marijuana. Tôi hỏi ăn vào thì có kiêng kỵ gì không, ông bảo mày chỉ cần đừng lái xe là được. Thế là tôi lịch sự từ chối, ông cũng lịch sự mang đĩa bánh đi. Cần sa đấy. Thoải mái thật.
Cần sa ở Iran cũng bị cấm, dù hình phạt không nặng nề. Tuy nhiên thuốc để hút ống điếu không phải là cần sa mà là một hỗn hợp cây gai dầu hashish với thuốc lào. Nó được cô lại như những viên than bằng đầu đũa, được tẩm vào đấy mùi táo, mùi hoa hồng, mùi dâu tây… Tôi không hút nhưng có mua vài hộp đem về kỷ niệm cho người bạn sành điệu hút xách.
Chỉ là “ngoại đạo” của các kiểu thuốc hút, tôi không rõ sự khác nhau giữa cây gai dầu hashish với cần sa marijuana. Ở Mỹ người ta tính cây gai dầu chỉ có khoảng 0,03% chất tác động thần kinh THC, tetrahydrocannabinol. Nhiều nước Âu – Mỹ có những tổ chức đang đấu tranh để bỏ luật cấm cần sa. Nếu có một ngày cần sa được mua bán tự do thì chắc đó là ngày đen tối của nhiều người Việt ở Âu – Mỹ và nước Úc, vốn đang làm giàu bằng việc trồng cần sa.
Quán cà phê shisha ở Thổ Nhĩ Kỳ
Truy nguồn bộ ống điếu
Không hút, nhưng lâu lâu tôi ghé vào quán shisha để sống không khí của người địa phương. Thơm thơm mùi thuốc. Thân thiện thái độ của người Ba Tư. Họ rất muốn nói chuyện với người nước ngoài nhưng từ sau cách mạng 1979 rất hiếm người còn nói tiếng Anh. Sự tiếp xúc với người nước ngoài cũng không được khuyến khích. Thế là người hút thuốc cứ cười vui mà nhìn người ngoại quốc ngồi uống chè.
Thích cái bộ ống điếu và cái bầu nước bằng pha lê long lanh. Thích đến mức tôi sưu tầm được cả những tên gọi khác nhau của nó. Trong tiếng Anh, người ta gọi nó là hubble bubble, một từ tượng thanh, gợi âm thanh bầu nước sôi sùng sục. Cũng sôi sủi bong bóng là nghĩa của từ qalyan trong tiếng Ba Tư. Trong bài này tôi dùng từ shisha là để cho người đọc Việt Nam thôi, chứ người Iran gọi nó là qalyan.
Khi sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu, tôi thấy người ta gọi nó là nargileh. Truy từ gốc thì nargileh xuất phát từ nalikeraha của tiếng Sanskrit bên Ấn Độ, có nghĩa là dừa, vì cái bình nước ngày xưa làm bằng quả dừa khô. Bây giờ ở một số vùng nông thôn Trung Đông và vùng Gilan của Iran, người ta vẫn làm bình nước bằng quả bầu rỗng có trang trí hoa văn.
Vậy sau một quá trình truy tìm ngôn ngữ, ta tạm có một số cái tên như sau:
– Hookah: từ gốc tiếng Urdu và Hindi, nghĩa là cái bình nhỏ, người Ấn Độ dùng từ này.
– Water pipe: tiếng Anh, đúng là như cái ống nước.
– Hubble bubble: tiếng Anh, cái bình nước cứ sôi sùng sục
– Shisha: tiếng Arab và Ai Cập.
– Argileh: tiếng Arab
– Nargileh: tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, bình nước như cái gáo dừa.
– Qalyan: tiếng Farsi – Ba Tư.
Lại cũng vì thích, tôi tìm được một chi tiết khác trong lịch sử. Từ cuối thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XIII, trong khoảng 150 năm, ở xứ Ba Tư có một tổ chức sát thủ của giáo phái Ismail, ngày ấy bị coi là dị giáo. Họ là lính đánh thuê, chuyên đi bắt cóc các chính khách, các giáo sĩ, hoặc thủ lĩnh các phe nhóm. Pháo đài của họ trên những đỉnh núi cao, trải dài khắp xứ Ba Tư, từ Iran ngày nay kéo sang tận Syria. Phải đến giữa thế kỷ XIII, quân Mông Cổ của Hulagu Khan (Húc Liệt Ngột, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn) mới dẹp được tổ chức sát thủ này. Phải dùng thủ đoạn ngoại giao lừa phỉnh mãi mới dụ dỗ thủ lĩnh của họ xuống đàm phán ở đồng bằng, thế là chiếm được pháo đài của họ trên núi. Truyền thuyết kể rằng có lần sứ giả của Húc Liệt Ngột trèo mãi mới lên đến pháo đài trên đỉnh núi. Ngay trước mặt sứ giả, thủ lĩnh của tổ chức ra lệnh cho một sát thủ đàn em nhảy từ trên vách núi xuống. Nhảy luôn, cảm tử luôn. Sứ thần run cầm cập.
Thanh niên Iran với shisha
Người ta gọi đám lính đánh thuê này là Hashish-iyun, nghĩa là người hút hashish. Trước mỗi lần đi thực hiện một vụ bắt cóc hoặc ám sát, họ được cho hút hashish, một kiểu cần sa, và tiệc tùng với một đám người đẹp. Chữ hashish-iyun về sau xâm nhập vào tiếng Anh, phát âm hơi chệch đi mà thành chữ assassin, tức là sát thủ.
Vẫn là vì thích, tôi bắt đầu để ý tìm mua vài bộ shisha dù không hút. Định bụng lưu một bộ trong nhà để ngắm và một bộ tặng cho cô bạn văn cũng có thú sưu tầm. Tôi thấy cái bầu pha lê đẹp nhưng dễ vỡ, mang một bộ như thế về Việt Nam thì phải mất công bảo quản. Tôi thích bộ có cái bầu bằng đồng hơn. Đi đến cửa hàng nào chợ nào cũng tìm. Đâu có dễ. Phải mất hơn một năm mới tìm được một bộ có cái bầu bằng đồng, trang trí hoa văn kiểu Ba Tư. Mang về Sài Gòn tặng bạn. Đủ bộ, cũng chỉ là để trưng bày làm kỷ niệm: thêm vài hộp thuốc tẩm mùi hoa quả, mấy cái ống nhựa cho mỗi người hút cắm lên đầu ống điếu, một cái lồng đan bằng dây thép, bỏ than cục đã bén lửa vào đấy rồi quay vù vù, than mới đỏ lên. Mùa đông ở Iran, tại những ngã tư đèn xanh đèn đỏ, ô tô dừng lại thì có mấy đứa trẻ chạy ra, tay cầm cái lồng than quay vù vù. Người lái thò đầu ra mua một cái lồng than đỏ, bỏ vào nắp ống điếu, xe vừa đi cả đám gia đình bạn bè vừa hút.
Bộ ống điếu shisha mang về tặng bạn không hoàn hảo. Cái dây điếu lôi từ va li ra thì bị giập. Nó làm bằng nhựa giòn. Đã đủ bộ mà thành ra chưa hoàn chỉnh. Thế là sau đó ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi phải tìm mãi mới được cái ống điếu ưng ý trong khu chợ lớn Grand Bazaar ở Istanbul. Cái dây điếu lần này được quấn bằng chỉ ngũ sắc ở bên ngoài, bảo đảm bền chắc.
Vậy là bộ điếu hút của Iran có thêm cái dây điếu Thổ Nhĩ Kỳ.
7/2/2022
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...