Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Tản văn Võ Thị Thu Hằng: Cánh đồng ơi

Tản văn Võ Thị
Thu Hằng: Cánh đồng ơi…

Cánh đồng mênh mông, mùa màng thì luôn nối vụ với bao đổi thay với sinh trưởng. Cánh đồng trải ra và viết nên những trang sách đời. Tuổi thơ lớn dần theo mùa lại mùa, theo những cánh chuồn chuồn mang tuổi thơ trong veo, theo những cánh diều và theo vầng trăng tròn khuyết…
“Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi
Đường làng quanh co, sông thu êm đềm
Thả diều đá bóng, nắng cháy giữa đồng.”
Giai điệu bài hát Quê hương tuổi thơ của nhạc sĩ Từ Huy vang lên tận trong tiềm thức tôi khi chiều nay về ngoại, đi qua cánh đồng tuổi xanh. Tất cả kỷ niệm xa mờ lần lượt ùa về.
Cánh đồng làng là nơi có những mảng ký ức mà thời gian khắc nghiệt có thể làm đổi thay hiện tại nhưng chẳng thể phải mờ quá khứ. Đó là nơi có những chuỗi ngày mang một màu xanh dịu mát của khung trời bao la, những chuỗi ngày nhuốm một màu vàng ngọt của một thời trẻ dại ngây ngô.
Tuổi thơ tôi men theo hành trình của bốn mùa xuân hạ thu đông. Men theo lối mòn hai bờ cỏ may, theo những luống cày, theo những mùa vụ mà dần khôn lớn.
Cánh đồng tuổi thơ là nơi nối tiếp nhau biết bao mùa gặt với rơm rạ bộn bề. Những sợi rơm vàng thơm qua bao mùa giông bão vẫn nặng trĩu ấm no, quấn quýt vào nhau mà thành mái nhà che mưa che nắng, mà thành cây rơm ấm bếp lửa thơm lừng cơm mới.
Cánh đồng tuổi thơ là biết bao nhiêu buổi trưa không ngủ. Một lũ trẻ con rủ nhau vác rổ ra đồng.
Mùa rét thì đói hơn. Khi ruộng đồng khô ráo, vừa thu hoạch lúa xong cũng là thời điểm gió mùa ngang qua. Mùa săn chuột bắt đầu. Những con chuột béo núc ních sau mùa gặt là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho những ngày giáp hạt. Trên cánh đồng mùa đông, ngoài món chuột đồng, chỉ còn lại những con trê con chạch vùi sâu trong bùn, trong chân gốc rạ, dưới những rãnh nước giữa luống cày. Nhưng vẫn còn nhiều khao khát khó quên đó là mùi khoai nướng còn sót lại của ngày mùa xua đi cái lạnh. Là rổ rau má già, rổ rau tập tàng và thỉnh thoảng là thơm lừng mùi bánh khúc…
Những thứ đó nuôi chúng tôi qua những đợt gió mùa.
 
Mùa hè là thời gian mong đợi nhất của chúng tôi. Hè về đồng làng như lột xác. Nguồn thực phẩm thật là phong phú.
Khi lúa trên ruộng lên xanh mướt và trổ đòng đòng cũng là lúc lũ cua đồng nhiều nhất và béo nhất. Cua đồng sống trong hang, đi dọc bờ ruộng, chỉ cần tìm những lỗ nhỏ bằng cổ tay có màu đất mới, gọi là “mà cua” là thế nào cũng có chú cua đang nằm trong đó. Chỉ luồn tay vào hang là đã có một chú cua lôi ra. Những con cua đực to hoặc cua cái đang nuôi con trong yếm dưới bụng rất dữ, đôi càng của chúng sẽ chẳng chịu yên, đứa nào trong chúng tôi cũng bị cua kẹp chảy máu tay.
Món canh cua nấu với mướp, mồng tơi mát ngọt. Món cua đồng rang muối giòn rụm hoặc cua đồng nướng than đã làm dịu đi bao nóng bức ngày hè.
Mùa chuẩn bị đất gieo trồng là mùa tôi và bạn bè chạy theo luống cày, luống bừa để bắt những con cá bị sặc nước trồi lên mặt bùn.
Khi thóc lúa đầy bồ thì tôm cá trên đồng cũng béo mũm. Chỉ như thể đang đợi bọn trẻ con chúng tôi đến để mang về. Mùa gặt, chúng tôi kéo nhau đi tìm những vũng nước đọng để bắt cá, những rạch nước cá rô phơi bụng lấp loáng, rồi tiếng ếch uôm uôm, những chú tôm cong búng mình tanh tách tạo lên những âm thanh vui nhộn. Rồi những con muồm muỗm, châu chấu mà khi rang lên chúng tôi vẫn gọi đùa là món tôm bay cũng là một trong những món đổi bữa cho mâm cơm thêm phần sinh động.
Cánh đồng mênh mông, mùa màng thì luôn nối vụ với bao đổi thay với sinh trưởng. Cánh đồng trải ra và viết nên những trang sách đời. Tuổi thơ lớn dần theo mùa lại mùa, theo những cánh chuồn chuồn mang tuổi thơ trong veo, theo những cánh diều và theo vầng trăng tròn khuyết…
Nhưng hôm nay, đi qua cánh đồng tuổi thơ, nhìn cánh đồng mênh mông xưa thẳng cánh cò bay nay bị chém ngang dọc vì những bức tường bê tông. Những thửa ruộng còn lại, cỏ dại mọc đầy, một nỗi buồn dâng ngập lòng…
Trong một xã hội đi nhanh như hiện tại, các nhà máy, các khu công nghiệp ồ ạt ra đời. Cánh đồng làng bị lấp gần hết để giải phóng mặt bằng. Những thửa ruộng còn lại bị bỏ hoang, Covid-19 ập tới. Không phải tự nhiên mà mà các loại bệnh, các virus lạ lại xuất hiện ngày một nhiều hơn. Bởi loài người đã phá vỡ đi sự cân bằng tự nhiên. Trong thảm hoạ Covid-19, người ta có thời gian dừng lại để nhìn về cuộc sống quanh mình, và ngắm xem chất lượng cuộc sống đã ra sao. Mọi người sẽ nhận ra, virus không chừa một ai cả. Và khi đó, họ phải ân hận rằng, phát triển kinh tế bất chấp tất cả sẽ phải trả giá đắt…
11/3/2022
Võ Thị Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...