Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Thơm ngát hương cau

Thơm ngát hương cau

“Hương cau thơm ngát ngôi sao Mẹ”
Thơ Kiên Giang
Một sáng chủ nhật thức dậy muộn, vừa mở toang cửa sổ, tôi gặp lại mùi hương cau nhăc nhớ về những ngày tháng cũ.
Không như các loài hoa khác biết cách phô màu, hoa cau giản dị treo mình trên cao, chỉ mùi hương là đượm sâu, dịu ngọt, ngập tràn không gian vườn như nhắc con người về sự có mặt của chúng giữa muôn loài hoa trái.
Bắt đầu từ tháng ba, khi nắng xuân nhẹ chuyển sang hè là lúc tàu cau già rụng xuống, phần bẹ trắng đẫy đà lồ lộ, cau chuẩn bị ra hoa. Gọi là hoa nhưng hoa cau không có cánh, chỉ là nụ chi chít màu trắng ngà giống những hạt ngọc điểm trên những chiếc tua vươn dài theo hình cánh quạt. Hoa cau chỉ nở không tàn, có hoa cái và hoa đực. Hoa cái từ khi sinh ra đã có dạng hình quả, theo thời gian chuyển dần sang màu xanh để thành quả cau. Hoa đực nụ nhỏ tỏa hương thơm, khi rụng xuống trắng sân nhà như ai đó vô tình làm rơi vãi gạo.
Trong tinh khiết ban mai, hương cau theo làn gió nhẹ tỏa đi muôn nơi. Mùi hương dịu nhẹ, quyến rũ mà thanh tao, gần gũi nhưng đài các, không dễ tìm thấy ở nơi phố thị. Ai đã một lần hít căng đầy buồng phổi mùi hoa cau thơm lừng giữa miền quê yên tĩnh thì suốt đời không dễ nguôi quên.
Nhà tôi ngày trước ở bên con bàu cạn có cái tên lạ là bàu Ma rai. Cạnh mé bàu là tre, ken dày như bức tường chắn gió, trong vườn đầy cây ăn trái.
Chiến tranh ngày càng lan rộng, không còn đâu tâm trí, sức lực để chăm sóc vườn cây ăn trái, mẹ tôi thay xoài, ổi, mít bằng cau. Giống cau mùa trồng chỉ 5 năm là ra hoa kết trái. Từ tháng 3 đến tháng 8 cau trổ buồng, sau 4, 5 tháng trái non bắt đầu dầy. Cau dầy là cau đã đến kỳ thu hoạch, ruột đủ cứng để ăn trầu. Trước tết âm lịch là mua mua bán cau. Ngày ấy vườn nhà tôi bốn bề cau xanh mướt. Cau thẳng hàng làm lối đi. Cau tạo dáng ôm ấp ngôi nhà tranh bé nhỏ đong đầy kỷ niệm.
Ngày còn bé, trong dịp nghỉ hè lũ trẻ chúng tôi hay tìm tổ chim sẻ trên những đọt cau cao. Bắt chim non vừa mới mọc lông cánh đem về nuôi, đứa nào cũng đen nhẻm vì đội nắng ra đồng tìm cào cào, châu chấu. Những chú sẻ non ríu rít theo chân người lớn lên để đến một ngày chúng được thả bay theo đàn, để lại chút ngậm ngùi nơi tâm hồn con trẻ.
Lớn lên một chút, chúng tôi lấy tàu cau khô làm xe kéo, làm ngựa chạy loanh quanh khắp đường làng. Khi những buông cau đến độ dầy, quả to gần bằng quả trứng gà thì làm nài trèo hái cau. Năm nào cau được giá, anh em chúng tôi có quần áo mới để diện tết. Có năm cau mất mùa, mắt mẹ buồn hiu, tết đến mẹ chẳng sắm sanh gì nhiều.
Cau là giống thật lạ, càng già thân càng thẳng, cành lá không sum suê để che khuất ánh mặt trời.Cau không giành lấn không gian sống của các loài cây khác. Thân cau mảnh khảnh nhưng không mềm yếu, đủ sức chịu đựng giông gió mạnh.Thân thuộc và gần gũi, cau là bóng dáng, là hình tượng sống động của miền quê yêu dấu.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mang máng sự tích Trầu Cau mẹ kể năm nào nói về lòng chung thủy vợ chồng và chuyện cưới hỏi vì sao phải có trầu cau. Không làm sao quên được những đêm trăng sáng mẹ ngồi nơi chái hè tước tàu cau làm chổi. Tước tàu cau có khi chỉ là cái cớ để các bà hàng xóm sang chơi ăn vài củ khoai lang hay rổ đậu phộng mới nấu. Có những đêm trăng rót đầy khu vườn, bóng tàu cau lay động trong gió nồm nhẹ gợi một bức tranh êm đềm chỉ có trong ca dao, cổ tích.
Rồi một ngày nghe tin ba tôi hy sinh vì tham gia kháng chiến, mẹ đổ gục như thân cau bật gốc sau cơn bão mạnh. Từ đó mẹ ít nói, suốt ngày tha thẩn trong vườn cau và bắt đầu ăn trầu. Mẹ sắm một cơi trầu, có ổng nhổ, ông bình vôi nho nhỏ và con dao sắc bổ cau. Cứ xong việc trong nhà là mẹ ra vườn. Thường thì mẹ nhặt tàu cau rụng để làm quạt hoặc gom lại nấu nồi cháo heo. Cũng có khi mẹ chỉ ra vườn để mà nghĩ ngợi. Bóng mẹ liêu xiêu trong chiều lẫn vào bóng cau trông thật tội. Và cũng từ ngày ấy vườn cau đối với tôi trở nên thân thiết, là một phần không thể thiếu trong gia đình bé nhỏ của tôi.
Nhà báo Thanh Tánh (Trần Cao Tánh – Quảng Ngãi)
Như những cánh sẻ nâu đến lúc chuyền cành, chúng tôi lớn lên bắt đầu rời quê. Ngày tôi lên đường vào trường đại học, mẹ tiễn tôi ra tới tận đầu ngõ. Hàng cau già khẳng khiu dường như cũng cúi thấp để nói lời tạm biệt. Đi được một quãng xa, ngoái đầu nhìn lại, tôi vẫn thấy mẹ đứng đó thấp thoáng, lặng lẽ dưới hàng cau.
Cau nhà tôi rồi cũng thành lão, thân hóp lại, tàu lá phất phơ. Mẹ tôi mướn người trồng lại vườn cau. Mặc cho người ta trồng cau tứ quý xuân hạ thu đông đều cho quả, mẹ chỉ trồng giống cau mùa mỗi năm hái quả một lần. Hỏi vì sao, mẹ chỉ ậm ừ: Giống cau này mẹ thích bởi ăn trầu rất ngon.
Qua bao mùa cau trổ, mẹ cũng già. Dáng mẹ không còng nhưng khắc khổ, chỉ có cái miêng nhỏn nhoẻn vừa nhai trầu vừa nói chuyện là vui, không vướng một chút sầu khổ, nhọc nhằn. Ngày trước bà ngoại ăn trầu. Đến thời mẹ cũng vậy. Trầu thì cay, cau thì chát, vôi thì nồng. Những đứa cháu thời @ không hiểu nổi vì sao bà của chúng lại thích cái món vừa cay vừa chát vừa nồng đó. Chỉ có riêng bà hiểu nhưng không muốn nói ra điều đó để làm gì.
Con cái lập gia đình ra riêng, mẹ tách vườn làm mấy thửa. Cau trong vườn giờ còn lại không nhiều. Đứng lặng lẽ nơi góc vườn, hàng cau già giờ đã hết trái nhưng chúng đã chứng kiến không biết bao nhiêu là đổi thay ở miền quê và cả những phận người.Kể cũng lạ, dáng cây thẳng ngay, dẻo dai, sống lâu, chịu được gió bão nhưng cau không được ví là quân tử mà là thông, là tùng, là trúc, là mai. Nhưng không sao bởi cau là giống cây dân dã, mộc mạc, chân quê, khi đã tỏa hương là tỏa hết mình, không e ấp, làm dáng, phô trương như các loài hoa quý phái. Hương cau đậm đà, đằm thắm như tâm hồn người dân quê. Và có lẽ vì thế nên hương cau gợi lên trong tâm hồn mỗi người hình ảnh một bà mẹ nghèo suốt đời tần tảo, chịu đựng, quên đi hết những riêng tư để nuôi con khôn lớn nên người mà không một lời thở than hay một tiếng kêu ca, phàn nàn.
20/3/2022
Thanh Tánh
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân phận ma trơi Tựa Năm 1987, sau khi ra khỏi tù và hết hạn quản chế, tôi bắt đầu gặp lại một số bạn cũ, phần đông do tình cờ. Và ng...