Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Bút ký của Đào Ngọc Vinh: Sông mặn

Bút ký của Đào
Ngọc Vinh: Sông mặn

Khi nước mặn xâm lấn nặng tới phía Tây của huyện Giồng Trôm, giáp Mỏ Cày Nam, Bến Tre, tôi trêu anh bạn quê ở đây, rằng: Trên Chợ Lách em “thèm” nước mặn muốn chết, bữa nào xách thùng xuống anh xin miếng về xài nghen! Anh trừng mắt: Láo!
Tới đây nó bò lên chỗ mầy cho coi, đừng có chảnh! Tôi cười liếng thoáng, vừa vui với ông anh trực tính, vừa tự mãn (và có chút kiêu ngạo) rằng chuyện anh nói chỉ có trong… mơ! Nhưng, thật trớ trêu, điều mà hàng trăm năm nay người dân xứ tôi không ngờ tới đã xảy ra: Nước mặn! Tôi và hàng chục ngàn người dân Chợ Lách bàng hoàng với hiện thực mặn đắng này. Nước mặn không còn đi theo chu kỳ, không phải thỉnh thoảng trờ lên Chợ Lách “hù” chút chơi rồi quay về biển, mà năm nay, nước mặn “giỡn” dai, lên sớm hơn mọi năm gần hai tháng, lấn sâu vào thượng nguồn, ngốn trọn sông ngòi Chợ Lách rồi nằm lì ở đó. Nó chớp nhoáng như một cuộc tấn công phủ đầu, khiến người nông dân ở đây không kịp trở tay!
Chợ Lách là vùng đất cuối cùng nằm ở cánh Tây của Cù Lao Minh thuộc tỉnh Bến Tre, giáp với Vĩnh Long và Tiền Giang. Mảnh đất trù phú này được nuôi dưỡng và che chở bởi hai con sông lớn, đó là sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông, hai trong chín nhánh của sông Cửu Long thuộc dòng sông mẹ Mekong bắt nguồn từ Tây Tạng, Trung Quốc. Sông Mekong đi qua năm quốc gia trước khi vào Viêt Nam rồi đổ ra biển Đông. Cũng như nhiều nơi khác ở vùng châu thổ này, Chợ Lách được hình thành và phát triển từ một vùng ngập nước, do lưu dân người Việt cổ đến đây khai phá, bồi đấp, tôn tạo mới thành hình hài. Từ một vùng đất sình lầy toàn lau sậy, cây tạp, bằng bàn tay con người, nó từng ngày thành liếp, thành vườn…
Rồi người ta lập chợ để giao lưu hàng hóa, trao đổi nông sản trên cái vùng đất lao lách ấy, và tên Chợ Lách ra đời!? (Có nhiều nguồn lý giải cho cái tên Chợ Lách, nhưng tôi cho đây là nguồn lý giải đáng tin cậy nhất). Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, thời tiết, thổ nhưỡng và nhất là nước ngọt quanh năm, đất phù sa màu mỡ nên Chợ Lách từ khi bắt đầu hình thành đã phù hợp với điều kiện trồng cây ăn trái. Để Chợ Lách có được “thương hiệu” trên bản đồ cây ăn trái cả nước như hiện nay thì công đầu phải nhắc tới nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Lúc theo học ở Chủng viện Peelnang (Mã Lai), mỗi lần nghỉ hè, ông thường mua nhiều loại trái cây ngon về làm quà cho gia đình và bà con hàng xóm rồi giữ hạt lại ươm trồng. Cũng có khi, ông chọn lọc một số giống cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương mình để đem về nhân giống. Trong đó nổi tiếng là các giống cây: sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam… những giống cây mà sau này sản phẩm của nó trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường.
Từ đó, nghề truyền nghề, người dân nơi đây phát huy sở trường, xây dựng cho mình một làng nghề truyền thống, để rồi cho đến bây giờ, Chợ Lách được biết như là trung tâm cây giống lớn nhất cả nước. Ngoài ra, Chợ Lách còn là xứ trồng hoa kiểng nổi tiếng hàng trăm năm nay. Và, để duy trì được thương hiệu không phải là việc đơn giản, nó phải được kết hợp bởi nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố môi trường mang tính chủ đạo, nếu không muốn nói là sống còn. Nguồn nước ngọt dồi dào ở đây chính là một trong những yếu tố quan trọng đó. Như đã giới thiệu, Chợ Lách được hai con sông lớn của dòng Mekong huyền thoại bao bọc, nó tạo nên một hệ thống sông rạch kênh mương chằng chịt, phong phú nên nước ngọt len lỏi đến từng xóm ấp. Nước ngọt ở Chợ Lách trước đây có thể nói là dư dã đến thừa mứa. Người ta còn “sợ” nước mỗi khi mùa lũ về. Ấy vậy mà, chỉ trong chớp mắt, nước ngọt trở nên quá xa xỉ, quí hiếm vô cùng. Và rồi, nguy cơ đổ vỡ hệ sinh thái đã định tính, định hình hàng trăm năm giờ hiện hữu. Con sông nhỏ trước nhà tôi, phụ lưu của sông Cổ Chiên cũng đang hấp hối từng ngày như vậy.
***
     Con sông trước nhà tôi là một con sông nhỏ, lưu lượng thấp, dài gần mười cây số, nó chảy qua ba xã cuối cùng của huyện Chợ Lách thuộc tỉnh Bến Tre. Sông nằm song song với sông Cổ Chiên, thỉnh thoảng có một cái khém nhỏ để lưu thông nhau. Con sông nhỏ này được định danh là sông Bổn Sồ từ lâu vì nó gắn với giai thoại bà bá hộ mang tên Bổn Sồ. Ngày xưa, dọc hai bên bờ sông hầu hết là bần xen lẫn với ô rô, mái dầm, cóc kèn và một số loài cây dại khác. Trên triền sông là con đường đất quanh co, mòn nhẵn theo thời gian. Nhà cửa lác đác chứ không đông đúc như bây giờ. Sông không rộng nhưng hào sảng và bao dung. Nhắc đến sông là nhắc đến ngồn ngộn những kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm, những giằng xé quyết liệt giữa người với sông, giữa sông với thiên nhiên bất thường.
Xưa, mười nhà thì hết chín nhà dựa vào sông mà sống. Người ta chài, người ta kéo lưới, người ta giăng câu, người ta đặt chà, người ta câu tôm… Những gia đình sống bằng nghề hạ bạc chuyên nghiệp thì bám sông để tồn tại. Người kiếm mớ cá mớ tép để cải thiện bữa ăn qua ngày thì coi sông như của để dành. Còn một đối tượng khác đến với sông như là một “nghệ sỹ”! Ờ, nghệ sỹ! Lúc còn sống, ông Hai Kim, một thợ câu lành nghề đã khẳng định với tôi như vậy. Đó là lúc nghề câu tôm trên sông còn thịnh hành. Cả một đoạn sông dài chừng hai cây số trước nhà tôi tấp nập xuồng câu. Những “nghệ sỹ” vô danh cứ lặng lẽ chọn cho mình một khoảng lặng trên sông để ngồi buông câu. Chiếc xuồng nhỏ có rèm, người “nghệ sỹ” ngổi trầm mặc, tay cầm cần câu, tay vân vê điếu thuốc vấn trong nhập nhoạng ánh chiều tà… Thỉnh thoàng vọng xa một tiếng quốc lạc bầy, thì buổi chiều trên sông vừa thi vị vừa đủ xa xót cho nổi buồn nhân thế.
Thời bao cấp, hình như con người nhìn đâu cũng thấy một màu u ám. Người ta ngậm ngùi bỏ lại tài sản, vợ con, quê hương để chạy trốn cái hiện thực quá ư tồi tệ. Xã hội rối ren, rồi thù trong giặc ngoài, làng xóm xơ xác tiêu điều, thê lương. Thế nên, có chút không gian yên tĩnh trên sông để ngồi mà chiêm nghiệm, mà tự do suy ngẫm về thế thái nhân tình là thứ “tự do” xa xỉ trong thời buổi nhiễu nhương đó. Những người thợ câu có gương mặt trầm lắng chỉ sáng lên khi có những ám hiệu đã trở thành qui ước: Một tiếng hú dài thăm thẳm trên sông. Tiếng hú thường xuất hiện vào những buổi chiều tàn, khi các chú tôm làm biếng đi ăn, khi hết một ngày uể oải vì ngổi oằn lưng chờ đợi “miếng cơm” từ dưới nước. Thế là không ai bảo ai, những chiếc xuồng câu đều nhổ sào quay đầu về một hướng, đó là cây gừa già gie ra mé sông nhà ông Ba Thế. Cây gừa trên một trăm năm tuổi này cao và có tán rộng, che mát một khúc sông. Một chiếc xuồng câu làm trung tâm, những chiếc xuồng khác chụm vào cấm sào sát nhau. Nhậu. Nhậu trên sông là thú vui dân dã nhưng hào sảng. Mồi nhậu thì có sẵn. Tôm càng dưới rọng, chỉ cần bắt lên lột vỏ rồi xé ra, chanh, ớt , muối, đường, bột ngọt và một mớ rau thơm là được dĩa tái ngon lành. Không thì có khạp mắm cá linh thủ sẵn dưới xuồng, xắt nhỏ ra trộn rau răm, thêm chút đường, và mớ bần sống kèm theo, ngon khó cưỡng!
Trong nhóm thợ câu có anh Út Ngoan, rất giỏi vợt dơi. Đang ngồi nhậu, thấy mồi “yếu”, anh chỉ cần bơi xuồng qua phía bên kia rặng bần, chừng hai chục phút sau chắc chắn sẽ có một nồi dơi sen luộc chấm muối tiêu chanh. Rượu say cũng là lúc đêm chếnh choáng. Họ, những người đàn ông trung niên bắt đầu rỉ rả về thời cuộc. Họ nói về chiến tranh biên giới phía Bắc, họ nói về Pôn Pốt và những trận càn quét đẫm máu phía biên giới Tây Nam. Họ nói về việc ngăn sông cấm chợ. Họ nói về việc Nhà nước khai tử văn hóa không cùng ý thức hệ. Nói chung là, trên sông, họ được tự do bày giải nỗi ấm ức vốn nặng mang trìu trĩu trong lòng. Say, họ bắt đầu nghêu ngao hát, những bài hát không đầu không cuối: “ Tôi thường đi đó đây…”; “ Rồi có một ngày…”. Những giai điệu bài hát bật ra từ vô thức, không chủ ý, cũng không kèm theo thái độ gì cụ thể gắn với nội dung bài hát. Rồi nổi hứng, họ chuyển qua hát vọng cổ: Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễng, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu… Hà. Câu vọng cổ vừa dứt “xề” nặng nề trôi trên dòng sông bàng bạc ánh sao đêm nghe mà buồn não nuột. Đêm càng sâu, tiếng hát, tiếng gõ nhịp cóc cạch trên mạn xuồng bằng những đôi đũa tre nghe thấm đẫm nỗi buồn thế sự. “Tiệc” tan lúc nửa đêm, từng chiếc xuồng câu tách mình khỏi vị trí hội tụ ban đầu để tiếp tục mưu sinh, hoặc cũng có thể cột xuồng vào một đám bần nào đó ngủ một giấc ngon lành giữa sông nước mênh mông cùng sao, trăng và cả một bầu trời tự do trong giấc mơ viên mãn.
***
     Trước Tết Canh Tý gần một tháng, người bạn chuyên trồng bông kiểng ở Cái Mơn, Chợ Lách than vãn với tôi qua điện thoại: Nước mặn năm nay lên sớm, độ mặn cao bất thường, chết dân trồng bông Tết tụi tui rồi ông ơi! Tôi nhanh chóng có măt tại nhà bạn để chia sẻ. Thấy bạn xách từng thùng nước ngọt dự trữ sẵn trong nhà “chữa cháy” cho hàng trăm chậu vạn thọ, cúc mâm xôi mà lo lắng cho bạn. Tình hình có khả quan được chút nào không. – Tôi hỏi. Bạn nhăn nhó: Nước mặn vẫn trên hai phần ngàn. Bông kiểng không đáng lo bằng vườn sầu riêng đang chuẩn bị ra bông. Nếu không cải thiện, thì đừng nói nhà tôi, người dân cả cái huyện Chợ Lách này có nguy cơ đói nhăn răng! Bởi vì, bông kiểng là kiếm cơm thời vụ, còn vườn cây ăn trái mới là kênh đầu tư lâu dài, có sự cố thiên nhiên thì năm bảy năm, thậm chí cả chục năm mới phục hồi. Nghe bạn nói tôi thật sự lo lắng.
Những loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh… nếu được trồng ở vùng có nước lợ và độ mặn ở mức độ cho phép thì nó sẽ thích nghi và sinh trưởng bình thường. Cũng những loại cây này, quen với nước ngọt, khi có nước mặn tác động đột ngột, nó sẽ bị sốc mặn và chết ngay. Đó nhận định của tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách. Anh nói thêm: Mấy năm trước, nước mặn có lên tới Chợ Lách, nhưng chỉ lên vào  thời gian cao điểm, khoảng tháng hai, tháng ba, và độ mặn dưới một phần ngàn, lên xong rút liền, không ảnh hưởng lớn. Năm nay thì khác, nước mặn lên sớm bất thường, độ mặn lên tới hai, ba phần ngàn, thậm chí có nơi lên tới trên bốn phần ngàn, thời gian kéo dài, lấn sâu vào thượng nguồn sông Cổ Chiên, nơi xưa nay chưa bao giờ bị nhiễm mặn, khiến nhiều nhà vườn lao đao vì không kịp đối phó.
Thành, bạn học tôi, có năm công sầu riêng ở ấp Phú Hòa, xã Vĩnh Bình, Chợ lách, nói như than:
– Nước mặn lên đột ngột làm trở tay không kịp. Ngành nông nghiệp cũng bất ngờ nên không có kế hoạch xử lý cấp bách, cũng như thông tin khẩn cho bà con nông dân kịp thời đối phó. Trong Tết (Canh Tý), tôi đột nhiên thấy sầu riêng mình có dấu hiệu lạ, như một số cây héo, vàng lá. Chủ quan, tôi vẫn tiếp tục tưới nước sông như thường lệ. Vậy là sầu riêng bắt đầu rụng lá. Hoảng hồn, tôi tìm đến các kỹ sư nông nghiệp nhờ tư vấn. Kết quả là, họ bảo sầu riêng nhà tôi bị sốc mặn, không phát hiện kịp thời, năm công sầu riêng chuẩn bị ra bông của tôi có nguy cơ sẽ trở thành… củi.
Thành dẫn tôi đi thăm vườn sầu riêng đang dần phục hồi của mình. Những cây sầu riêng bị rụng lá đã bắt đầu ra lá non trở lại, những cây khác đang lác đác ra bông. Thành nói trong tâm trạng vẫn còn hoang mang, lo lắng: Hơn tháng nay, nước mặn cứ tiếp tục lên xuống bất thường. Dù nhà có mua máy đo nồng độ mặn, và nghe thông báo độ mặn trên loa phát thanh hàng ngày vẫn không yên tâm. Tình hình này kéo dài, nhất là những năm sau nữa Nhà nước không có biện pháp nào khả thi, thì vùng cây trái Chợ Lách bị “khai tử” là điều không còn là nguy cơ.
Không chỉ sầu riêng, chôm chôm, nhãn xuồng, cam sành… mà hầu hết những loại cây ăn trái đặc sản ở Chợ Lách trong thời điểm này đều bị đe dọa. Anh Võ Văn Nhân, ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, Chợ lách, bây giờ cũng ăn ngủ không yên khi sáu công bưởi da xanh của mình cũng đang bị nước mặn rình rập. Anh than vãn: Bưởi da xanh rất nhạy cảm với tác động của thiên nhiên, nhất là nguồn nước. Bữa hổm nước mới bị nhiễm mặn không phẩy hai mươi phần ngàn mà nó đã quéo lá, vàng lá, rụng trái non… Lúc này chưa biết nước bị nhiễm mặn, cứ nghĩ cây bị bệnh gì đó, ai dè, mấy ngày sau mới hay tin nước bị nhiễm mặn, nếu hay trễ một chút thì sáu công bưởi này có nước đem độn mương! Nói xong, anh thở dài với đôi mắt còn đầy nét ưu tư, lo lắng. Giờ đây, toàn huyện Chợ Lách đã bị nước mặn xâm lấn, mối họa mang tên hạn mặn không còn mang tính dự báo, “nồi Cơm” của người dân Chợ Lách đang bị đe dọa nghiêm trọng từng ngày.
***
     Trở lại con sông nhỏ chảy qua nhà tôi. Hôm hai mươi bảy Tết Canh Tý, thằng bạn nối khố a lô: Lên nhà tao giở chà chơi. Quả là một lời mời hấp dẫn. Theo nguồn tin “chính thống” tôi nhận được, thì đây là đống chà duy nhất còn tồn tại trên con sông Bổn Sồ này. Nó giờ là “hàng hiếm” đối với người dân, nhất là bọn trẻ xóm tôi. Những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, giở chà trên sông là một hoạt động mưu sinh đại trà. Người ta chất chà dọc mé sông, một phía, chừa khoảng rộng phía còn lại để ghe xuồng lưu thông. Chất chà là một cách “dụ” cá tôm vào đó lưu trú, và người ta bắt chúng bằng cách bao quanh đống chà một dụng cụ gọi là ‘đăng’. Sau này, người dân cải tiến từ đăng qua lưới cho nhẹ nhàng và giản tiện. Giở chà không có một qui ước thời gian nào cụ thể, rảnh thì hú nhau vài người bạn đi giở một đống chà kiếm mồi nhậu. Đám tiệc thì người có chất chà nhờ hàng xóm phụ hợ giở vài đống (có khi mượn thêm của người quen để thu hoạch nhiều hơn), phục vụ cho việc đãi đằng khách khứa.
Người chất chà “chuyên nghiệp” thì thường chất trên năm đống chà, và giở chà theo định kỳ dựa vào hoạt động của thủy triều. Một tháng họ khai thác một lần, vào thời điểm con nước cạn sát. Sản vật thu hoạch thường được họ cân sô cho thương lái, chỉ chừa lại một mớ để biếu bà con chòm xóm. Đông vui nhất là đi giở chà Tết. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, thịt heo, thịt bò là những thực phẩm cao cấp của người nghèo. Bữa cơm hàng ngày thường là rau mắm, hoặc khá giả chút là cá tép. Tất cả những món ngon, vật lạ đều dồn cho Tết. Ngày thường, giở một đống chà được vài ký tôm vội chạy đi bán để đổi gạo hoặc mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Tết thì khác, tất cả đều hào phóng, giở chà có tôm thì kho một nồi kho tàu, còn lại rọng để đó, có khách sẽ đem lên luộc hoặc nướng. Sang hơn thì tái chanh hoặc trộn gỏi chung với da đầu heo… Còn cá, người ta chỉ chọn bắt những con cá lớn từ  nửa ký trở lên, cá nhỏ đem cho những nhà khó khăn ăn hoặc làm mắm, không thì bỏ vô lu, khạp ủ phân hay… đổ bỏ vì nó quá nhiều! Cuối tháng Chạp, trên bờ tất bật mua sắm hàng hóa Tết, thì dưới sông rộn ràng mùa giở chà. Một khúc sông dài rôm rả tiếng người í ới gọi nhau, tiếng cười đùa vui nhộn. Âm thanh cuộc sống lan tỏa khắp làng trên xóm dưới trong những ngày nắng xuân chan hòa…
Dòng hồi tưởng của tôi bị gián đoạn bởi cuộc điện thoại với những thông tin buồn: A lô, sao rủ lên giở chà chơi mà không lên? À, mà không lên có khi lại tốt hơn, khỏi phải chứng kiến cảnh giở chà năm nay thất bát đến ngậm ngùi! Bốn thằng giở đống chà, được không tới… nửa ký cá tép. Vì sao hả? Có trời mới biết!
***
     Có trời mới biết! Câu cảm thán của người bạn giở chà ám ảnh tôi. Thiên tai thì khó lường thật, vì nó xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu, cấp độ bao nhiêu. Thiên tai có thể tàn phá tốc hành như bão, lũ, động đất, sóng thần… Nhưng thảm họa thiên tai đến từ từ cũng khốc liệt không kém, như cái chết được báo trước mà không có biện pháp cứu chữa. Hạn mặn là một trong những đe dọa đáng sợ như vậy. Điều đáng nói ở đây là, những dòng sông ở miền Tây, trong đó có con sông nhỏ trước nhà tôi, đang bị bức tử không phải chỉ bởi thiên tai, bởi biến đổi khí hậu, mà nó còn có sự tiếp sức “nhiệt tình” từ con người. Nhân tai hủy hoại thiên nhiên còn tàn bạo hơn cả thiên tai! Con người khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản bằng các loại phương tiện đánh bắt hiện đại, bằng các loại thuốc hóa học làm mồi nhử hiện đại; con người sử dụng phân thuốc hóa học bón cho cây, cho lúa, cho rau màu… phân thuốc này thẩm thấu vào đất, theo nước tưới, nước mưa đổ ra sông, sông hứng trọn những tàn dư hóa chất, lưu dẫn vào từng ngõ ngách “cơ thể” của mình, để nó tàn phá không thương tiếc những loài thủy sản, thủy sinh vốn rất nhạy cảm với môi trường. Và, tác động mang tính quyết định cho sự hủy hoại những dòng sông miền Tây là, các nước ở thượng nguồn sông Mekong gần đây đấp đập ngăn nước, làm hàng tỉ mét khối nước bị ứ lại phía thượng nguồn, quốc gia hạ lưu như Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng nước trầm trọng. Với mười một con đập ở thượng nguồn, Trung Quốc chặn hơn bốn chục tỉ mét khối nước cho việc phát điện, tưới tiêu…, vì vậy, nó kiểm soát hầu hết nhịp sống Mekong.
Điều đáng nói là, tất cả nguồn trữ nước của các con đập Trung Quốc đều nằm trên dòng chính Mekong, thay vì xây dựng ở phụ lưu như các quốc gia khác, đang tác động trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên theo mùa của nó. Gần đây nhất, Lào đang lên đề án  xây con đập Luang Prabang, nếu dự án này được khởi công vào tháng Tư năm 2020, thì hai chục triệu cư dân của mười ba tỉnh miền Tây sẽ chết khát trước khi chết đói! Bức tranh Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai mới ở giai đoạn phát thảo đã thấy âm u. Hiểm họa đã được báo động từ rất lâu bằng những dấu hiệu rõ rệt như: Mùa nước nổi ở miền Tây thưa dần, lũ không về theo định kỳ kéo theo hệ lụy là phù sa không đủ nuôi những cánh đồng khô khát, những con sông và những mảnh vườn cây ăn trái thiếu nguồn dinh dưỡng cần thiết để tồn tại và phát triển. Mùa lũ về mang theo ăm ắp cá tôm nuôi sống dân đồng bằng giờ chỉ còn là hoài niệm. Và cái hệ lụy sờ sờ trước mắt là hạn mặn đang diễn ra khốc liệt trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long những tháng đầu năm hai không hai mươi này.
Riêng Chợ Lách, như đã nói, nước mặn hầu như đã phủ khắp toàn huyện. Mặn đến sớm, độ mặn cao bất thường, lấn sâu vào thượng nguồn, len lỏi vào tất cả những kênh rạch nội đồng làm người nông dân quen với nước ngọt lâu nay trở tay không kịp, khốn đốn. Ngay trong thời điểm tôi ngồi viết bài viết này thì hàng trăm xe cải tiến, hàng chục chiếc xà-Lan đang chở theo các bồn chứa nước lên các vùng nước chưa bị xâm mặn lấy nước ngọt về bán cho bà con vùng bị mặn hóa. Giá cả thì mỗi nơi mỗi khác, tùy thuộc vào khoảng cách đoạn đường và cũng rất… tùy hứng, có nơi giá gấp cả chục lần giá bình thường cho một khối nước. Người dân Chợ Lách than trời, vì chưa bao giờ nghĩ có ngày mình phải mua từng thùng nước với giá cắt cổ trên chính vùng nước ngọt mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng hàng trăm năm nay. Nước ngọt xa xỉ, cá tôm xa xỉ, và rồi đây, cây trái Chợ Lách lại có nguy cơ xa xỉ nốt, nếu tình hình xâm mặn không được cải thiện. Tôi đem tâm tư này bày giãy với tiến sỹ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách. Anh trầm ngâm: Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng đã họp bàn nhiều lần về thực trạng cấp bách này, nhưng tất cả những biện pháp đưa ra trong thời điểm này vẫn là những biện pháp tình thế. Đấp đập ngăn mặn hiện nay cũng chưa phải là biện pháp tối ưu, bởi những gì trái với tự nhiên điều có cái giá của nó. Biện pháp lâu dài như chuyển đổi cơ cấu cây trồng để “sống chung với mặn” thì cần phải đồng bộ và tính toán thật kỹ càng, nó mang tầm vĩ mô vì ảnh hưởng đến cả khu vực chứ không riêng tỉnh Bến Tre.
***
     Thằng cháu có chiếc tàu làm dịch vụ du lịch, “dụ”: Chiều nay cậu cháu mình xuống tàu chạy ra giữa sông nhậu một bữa nghen cậu. Tôi gật đầu không chút đắn đo.  Thằng cháu neo tàu phía đầu cồn Phú Đa, vạt đất cuối cùng của tỉnh Bến Tre, thuộc huyện Chợ Lách. Chiều tháng Giêng, gió chướng lồng lộng, chiếc tàu du lịch loại nhỏ chênh chao theo từng con sóng. Mặt trời phía bờ Vĩnh Long đang xuống từ từ, hoàng hôn chậm rải buông dài theo mặt nước lóm đóm ánh bạc trên cái nền xam xám của con sông trong khoảnh khắc tàn chiều. Vài cánh cò thấp thoáng, nhập nhoạng phía đầu cồn Phú Đa rồi mất hút vào cái khoảng không vừa lãng mạn, vừa đầy nét ưu tư giữa buổi chiều sông vắng. Thằng cháu đứng sau lưng tôi, làu bàu:
– Nước mặn sắp “rượt” lên tới đây rồi đó cậu. Rầu thiệt, cứ duy trì tình trạng này, vài năm nữa thì hoa kiểng, cây trái, tôm cá sẽ không còn đường sống, hén cậu.
Nói xong, thằng cháu thảy cho tôi lon bia ướp lạnh rồi lủi vào trong mui tàu nhậu với hai thằng bạn của nó, bỏ tôi với buổi hoàng hôn đang thẫm tím trên sông và nỗi buồn man mác. Đoạn sông Cổ Chiên tôi đang ngồi đối diện xưa giờ được thiên nhiên ưu ái cho dòng nước ngọt trong lành giờ đang bị đe dọa từng ngày bởi ô nhiễm môi trường, bởi biến đổi khí hậu, bởi sự tham lam, ích kỹ và vô tâm nữa của những quốc gia đầu nguồn. Để rồi, giờ đây những buổi chiều thanh vắng trên sông không còn những chiếc xuồng câu tôm chụm vào nhau bày những bữa tiệc “thượng lưu” để say, để rỉ rả nhau chuyện nhân tình thế thái, để những câu vọng cổ buồn đứt đoạn rơi tản mát vào bóng hoàng hôn bàng bạc sông chiều. Để rồi, những ngày cận Tết không còn không khí rộn ràng, gọi nhau í ới trên sông của mùa giở chà tôm ăn Tết. Giờ đây, chuyện về nghề hạ bạc như kéo lưới, giăng câu, giở chà tôm tồn tại từ khi người Việt có mặt nơi này sẽ là “cổ tích” của thế hệ sinh vào thế kỷ hai mươi mốt. Và, viễn cảnh một Chợ Lách cây lành trái ngọt, một thương hiệu “vương quốc” cây giống, hoa kiểng Cái Mơn chỉ còn là một bức tranh nham nhỡ gam màu buồn đang hiện hữu nếu Nhà nước không có biện pháp khả thi cho vấn nạn hạn mặn đang hoành hành không thể kiểm soát ở khu vực này.
Mặt trời vừa chìm xuống sông Cổ Chiên. Đêm. Gió chướng thong dong rượt đuổi nhau trên mặt sông loang loáng ánh sao trời. Bất ngờ, một đợt sóng lớn ập vào mạn tàu, nước văng tung tóe vào mặt tôi. Phản xạ, tôi đưa lưỡi nếm những giọt nước quanh môi mình. Mặn!.
8/2/2022
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...