Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Tản văn của Bảo Ninh: Nỗi sợ

Tản văn của Bảo Ninh: Nỗi sợ

Bây giờ khi hiểm họa dịch bệnh đã được kiểm soát, tôi đỡ sợ hãi, nhưng chỉ đỡ thôi, chứ thực tình vẫn đang rất sợ. Đã có báo giấy để đọc, đọc thấy nhà báo viết rằng chúng ta cần chung sống an toàn với đại dịch, và trong bài viết nhà báo cũng đã giải thích kỹ sống thế nghĩa là sống thế nào và làm sao để sống được như thế, nên tôi cũng hiểu, tuy nhiên lại vẫn không tránh được ý nghĩ rằng phải chăng từ đây mình cần chung sống với nỗi sợ?
Mới rồi tôi được bạn hữu gửi cho coi đoạn clip của báo Tuổi Trẻ ghi hình một cuộc xét nghiệm y tế cưỡng chế diễn ra tại phường Vĩnh Phú thành phố Thuận An. Clip trực tả cảnh các ông chức năng phường đó cạy khóa tư gia, tông cửa, xô ập vào tóm cổ một người đàn bà, bẻ quặt tay lôi xệch ra sân, để kít. Vụ việc diễn ra trong tiếng khóc thét của đứa bé chắc chừng 3 –  4 tuổi con cô chủ nhà. Khi bị đột nhập, căn hộ chỉ mỗi hai mẹ con…
Kèm clip bạn tôi gửi, tôi đọc một loạt những bình luận. Đa phần là phê phán với cả những lên án. Có người thậm chí ví cảnh tượng trong clip với cảnh các ông hào lý trong Tắt đèn “cưỡng chế” chị Dậu. Bạn tôi hỏi tôi nghĩ gì. Tất nhiên tôi thấy các quan phường Vĩnh Phú rành rành là đã hành xử trái pháp luật, song tôi nghĩ “mục đích biện hộ cho phương pháp”, các quan phải nóng nảy xét nghiệm y tế theo kiểu săn bắt cướp như vậy là bởi vì quá sợ con ma Corona; vả lại, không chỉ lo sợ cho bản thân, các quan còn có nhiệm vụ hoảng sợ thay cho toàn phường. Sợ đến rối trí mất khôn nhưng là một nỗi sợ mang tính “vì mọi người”.
Do vậy tôi tự nhủ là mình chỉ nên xem cái clip đầy bạo lực ấy là một trong những bi hài kịch thể hiện sự hoang mang sợ hãi theo nhiều kiểu và nhiều mức độ của một bộ phận thiên hạ thiếu gan anh hùng, gồm mấy ông quan vũ phu ở phường đó, gồm cô chủ nhà vô kỷ luật (cô ta trây lỳ chầy cối không chịu hòa mình kít cùng với tập thể cũng là do vì quá sợ bị nhiễm Covid), và cố nhiên là gồm cả tôi, trong những tháng ngày dịch bệnh  vừa qua.
Thú thực là từ khi ở ta cúm Covid-19 bùng lên thành dịch tôi đã rất lo sợ. Chưa tới mức “lo đến phát bệnh” nhưng đích thực là lo ngay ngáy. Cửa đóng rèm buông tôi giam mình trong nhà, thoảng hoặc mới mò xuống trệt để vào siêu thị hoặc lén ra sân ngó trời. Nhưng rồi cũng miễn. Do siêu thị đóng cửa, do bảo vệ chung cư nhắc nhở, và nhất là do sợ thang máy, cái tụ điểm mình có thể sẽ gặp người, người có thể sẽ gặp mình.
Từ tầng 15 nhà mình, đợi lúc không có ai cùng đợi, tôi vào buồng thang máy, nhấn nút G (không mang găng nên tôi dùng khăn giấy để ngăn ma quỉ ám vào ngón tay). Xuống tới 12 B, cửa mở, một ông chắc còn trẻ, hừng hực mùi nước hoa, mặt được vũ trang hệt tôi, khẩu trang N95 và kính chắn giọt bắn, xấn vào, thấy tôi, anh ta thất kinh lùi phắt lại, chút thì ngã ngửa. Tới tầng 8, cửa lại mở, nghe có tiếng nói ngoài hành lang nhưng mà chẳng thấy ai vào, cửa đóng, tôi một mình rón rén xuống sảnh.
Cẩn trọng hơn tôi, một ông giáo đại học sống ở tầng 4 từ chớm dịch đã thôi hẳn thang máy, chỉ thang bộ, cho nó lành. Tuy vậy, theo lời ông ấy, lên xuống lối đó dù giảm được tới chín phần mười khả năng chạm mặt người ta, nhưng chẳng may mà chạm thì rất sợ, sợ hơn nhiều gặp gỡ trong thang máy. Ông bảo dạo trước những khi việc gấp phải bỏ qua thang máy dùng thang bộ, phát mệt với sự xởi lởi của người quen lẫn chẳng quen, y như trên đường làng quê ông, “Bác  đi làm ạ?”, “Bác  thể dục về?”, “Bác xách gì nặng thế?”, “Bác cơm chưa?” v.v…Giờ trái lại, người đi lên kẻ đi xuống thình lình thấy nhau giữa chừng các bậc thang hay chiếu nghỉ, không lánh được phải vội dán mình vào tường, ngoảnh mặt né vai nín thở. Tha nhân là địa ngục, ông ấy dẫn lời triết gia.
Không hẳn là ông ấy nói quá.  Như tôi, suốt hai năm qua chẳng tới nhà ai chẳng ai tới nhà nên những “tha nhân” đã gặp tính được trên đầu ngón tay. Hội nghị, hội thảo không đến, quây quần tụ họp bạn hữu càng không. Đám cưới đám hỏi cũng vậy. Cố thủ góc nhà, Hồ Gươm phố cổ không lai vãng nói gì Huế với Sài Gòn.  Có cái máy vi tính  nhưng ngoại trừ hộp thư email thỉnh thoảng mở coi còn thì chỉ dùng tựa như máy chữ, điện thoại ngắt chẳng nghe, và kể từ khi các sạp báo nghỉ bán chỉ còn loáng thoáng sự đời qua VTV.
Dù vậy, bưng tai bịt mắt kín kẽ đến thế mà tôi vẫn mỗi ngày thu nhận vào mình cả tá những đồn thổi đáng sợ về dịch bệnh. Chẳng tiếp xúc với ai, chẳng trò chuyện cùng ai, những hoang tin ấy từ đâu ra, chẳng lẽ là từ ma xó, và chẳng lẽ chúng được lan truyền trong không khí, theo chiều gió? Hay là chính nỗi sợ đã khiến tôi tự tưởng tượng ra, tự tôi nát tôi, tự tôi ám ảnh tôi?
Nhớ buổi sáng hôm thành phố bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16, đứng ở ban công nhìn con phố chạy qua dưới chung cư vốn thường xuyên đông nghẹt đột nhiên chẳng một bóng người, dù đã biết trước tôi vẫn bàng hoàng. Cảnh tượng khiến tôi nhớ lại thuở thiếu niên, khi lần đầu tiên được chứng kiến Hà Nội nổi còi báo động phòng không. Song hồi đó tôi chẳng hề run, còn bây giờ, nhất là vào khoảnh khắc đầu tiên chợt nhìn xuống phố, rất choáng. Ấy vậy nhưng, do quen dần với sự vắng lặng gần như tuyệt đối đó nên buổi tối Trung thu vừa rồi tôi lại thấy hoảng sợ trước cảnh chật cứng trở lại của con phố trước nhà. Nỗi sợ sự gần gũi  dường như đang trở thành bản năng trong tôi, sự xa lánh người khác đang nguy cơ trở thành nếp sống.
Bây giờ khi Hà Nội đang dần nhịp sống Bình thường Mới tôi cũng dần  bình tĩnh hơn. Giờ khuya trằn trọc tôi tự vấn về nỗi sợ của mình thời gian qua. Tôi tự hỏi rằng vì sao hồi chiến tranh mặc dù chẳng can đảm hơn ai, nhưng mình cũng chưa khi nào đến nỗi nhát gan quá đáng như trong hai năm này? Lúc trẻ chẳng quá nhát chết sao cóc cụ rồi lại nông nỗi thế?
Tự kiểm điểm tôi thấy nguyên nhân chính khiến mình hãi sợ đến mức dở hơi như vậy có thể lại chính là do cái thái độ chủ quan khinh địch hết mức của mình. Cho đến trước đợt dịch thứ tư có khi nào mà tôi tuân thủ 5K. Lại còn ngạo nghễ nữa. Kiểu như, mặc dù còi báo động đã hú lên từng hồi vẫn tay đút túi quần ung dung dạo phố mỉm cười khinh khi nhìn tứ bề thiên hạ đang kinh hãi rúc hầm, đến lúc phi pháo thực sự giáng xuống thì cuống cuồng hốt hoảng hơn bất kỳ ai. Chiến tranh đã chẳng dạy cho biết rồi sao: những tay ra vẻ anh hùng thì chẳng chóng thì chầy cũng sẽ tỏ rõ ra là anh hùng gan thỏ. Ngẫm mà phát ngượng.
Có lần, không lâu sau ngày Hà Nội áp chế thành công Covid-19 trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 năm 2020, dự một hội thảo trực tuyến với các nhà văn Hàn Quốc, tôi đã lòng đầy ngạo nghễ cảm thấy thương thay cho xứ người (may mà đã không phát biểu ra lời) khi thấy trong phòng họp bên Seoul cử tọa mấy chục vị nhất loạt khẩu trang che khuất quá nửa dung mạo và ngồi rải ra cách xa nhau. Hôm sau, một dịch giả từ bên đó viết email cho tôi, bày tỏ vui mừng thấy tôi khỏe khoắn và đang được sống rất chi là an lành thoải mái (do qua màn hình ông ấy thấy tôi không cần bịt khẩu trang mà vẫn có thể ung dung ngồi sát lại chuyện với mấy nhà văn khác cũng không khẩu trang), chẳng khổ sở như bên ông ấy mọi người bị xiết lại, gò bó hết nỗi bởi các biện pháp khắt khe phòng chống coronavirus. Là bạn tốt của tôi và là người thật bụng, hẳn rằng ông ấy không chút gì hàm ý mai mỉa, nhưng nếu có thì tôi cũng không nhận thấy. Tôi chỉ thấy tự hào, chỉ thấy kiêu hãnh.
Cũng thời gian ấy, hồ hởi phấn khởi, tôi đã viết mấy bài đăng báo, nội dung ca ngợi thành tích chống dịch của thành phố, và vì đang là tháng Tư nên tôi gắn thành công ấy với kỷ niệm 45 năm chiến thắng mùa xuân 1975. Vậy nhưng, đồng ngũ của tôi những ai đã đọc mấy bài đó đều không tán thưởng sự so sánh ấy. Một anh, xưa là cán bộ trung đoàn, chỉ huy của tôi, nay cũng nghề văn, đã nửa tiếng liền phê bình tôi qua điện thoại. Theo anh kiểu ví von đó vừa sáo mòn vừa khập khiễng, vừa bộc lộ lối sống ích kỷ thị dân phòng kín máy lạnh xa rời thực tế, lại vừa chứng tỏ sự lãng quên quá khứ, phai nhạt những bài học chiến tranh trong tâm người viết, dẫn đến lối viết lách hời hợt suông rỗng, chẳng ích gì cho ai, kể cả đối với anh chị em trong lực lượng tuyến đầu mà người viết tụng ca, trong công cuộc phòng chống dịch bệnh còn đầy cam go phía trước. Khi đấy không nhất trí, nhưng bây giờ qua hơn một năm tôi phải chịu là anh nói đúng.
Bây giờ khi hiểm họa dịch bệnh đã được kiểm soát, tôi đỡ sợ hãi, nhưng chỉ đỡ thôi, chứ thực tình vẫn đang rất sợ. Đã có báo giấy để đọc, đọc thấy nhà báo viết rằng chúng ta cần chung sống an toàn với đại dịch, và trong bài viết nhà báo cũng đã giải thích kỹ sống thế nghĩa là sống thế nào và làm sao để sống được như thế, nên tôi cũng hiểu, tuy nhiên lại vẫn không tránh được ý nghĩ rằng phải chăng từ đây mình cần chung sống với nỗi sợ?
Biết đấy là ý nghĩ bi quan yếm thế, lạc lõng với khí thế chung, mà tôi vẫn lướng vướng không tự thoát ra được. Tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi, vì sao gần suốt cả năm 2020 qua hết quí 1 năm 2021 chúng ta đã thắng lợi như thế, kiểm  soát và đề kháng dịch bệnh xuất sắc nhất nhì thế giới như thế, mà rồi đột nhiên tới tháng 7 lại như bước hụt một cái như thế. Cái bước hụt  đầy kinh hoàng với biết bao nhiêu là thương vong tổn thất khôn xiết kể đó là bởi ai, do đâu, vì sao?
Dĩ nhiên, như mọi người, đã được trấn an bởi rất nhiều những giải thích đúng đắn, song tôi vẫn  sợ, thấp thỏm với ý nghĩ rằng, liệu cú bước hụt ấy có tái  diễn?.
20/4/2022
Bảo Ninh
Nguồn: Viết và Đọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...