Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Tình già

Tình già

Yêu nhau cởi tã cho nhau 
Về nhà con hỏi qua cầu tã rơi 
Người ta bây giờ sống thọ lắm! Sở An Ninh Xã Hội cho biết, nếu sống được đến 65 tuổi, sẽ có hy vọng sống thêm được 18 năm nữa, 83 tuổi mới tịch. Trong số này, cứ 4 người sẽ có một người thọ đến 90. Một trong 10 người mãi đến 95 tuổi mới về quê! Đàn bà sống dai hơn đàn ông, trên trăm tuổi là chuyện thường! Nhưng sống lâu quá, nhiều chuyện lộn xộn sẽ xảy ra. Và chuyện lôi thôi, phiền phức nhất là chuyện tình, tình già! 
Ngày xưa nhà thơ Phan Khôi có viết bài thơ "Tình Già" đăng trên báo Phong Hóa, ngày 24 tháng giêng năm 1933. Bài thơ này lạ lùng, không theo khuôn phép gì cả, nhưng thật là hay! Và còn được nhớ đến bây giờ! Bài thơ như sau: 
Hai mươi bốn năm xưa 
Một đêm vừa gió lại vừa mưa 
Dưới ngọn đèn mờ 
Trong gian nhà nhỏ 
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở: 
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng 
Mà lấy nhau hẳn là không đặng 
Để đến nỗi, tình trước phụ sau 
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau 
- Hay! Mới bạc làm sao chớ! 
Buông nhau làm sao cho nỡ! 
Thương được chừng nào hay chừng nấy 
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy! 
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng 
Mà tính việc thủy chung? 
Hai mươi bốn năm sau 
Tình cờ đất khách gặp nhau 
Đôi cái đầu đều bạc 
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được 
Ôn chuyện cũ mà thôi! 
Liếc đưa nhau đi rồi 
Con mắt còn có đuôi! 
Ông Phan Khôi gọi là Tình Già! Nhưng nếu tính theo tuổi kể trong bài thơ, hai mái đầu xanh than thở, tóc còn xanh thì nhiều lắm cũng chỉ cỡ ba mươi đến bốn mươi là cùng. Rồi 24 năm sau, gặp lại nhau nơi đất khách quê người, đôi đầu đều bạc, nhưng mắt nhìn còn có đuôi. Như vậy chỉ cỡ năm mươi mấy đến sáu mươi thôi! Ngày xưa thời 1933 của cụ Phan Khôi, được coi là già lắm rồi! Nên nhà thơ mới đặt tưạ là Tình Già! 
Bây giờ khác hẳn, tuổi năm mấy, sáu mươi là tuổi trung niên, sung sức, thuộc loại mid-life crisis, tình ái đầy ăm ắp, làm gì chỉ có chuyện nhìn nhau xuông, nheo nheo đuôi mắt, rồi chia tay đường ai nấy đi cho đặng! Thời buổi bây giờ thực tế hơn nhiều, cụ Phan Khôi ơi! Nhưng thôi! Không nên tả chân, phũ phàng quá, hết cả thơ mộng, ông cụ nằm dưới mồ sẽ trăn trở, lộn qua lộn lại! Tội nghiệp cho ổng lắm! 
Tình già bây giờ phải nói đến lứa tuổi 80 hay hơn nữa. Có thể cả lứa tuổi 90 không chừng! Tình bây giờ là hai xe lăn ngồi cạnh nhau trong nursing home, cùng nhau ngắm hoàng hôn rơi, chập choạng trong buổi chiều vàng, mắt mới mổ hạt cườm nên mơ màng nhìn nhau không rõ, chỉ thấy em đẹp như tiên nữ, khi tỏ khi mờ như thơ Quang Dũng: "Thoáng hiện em về trong đáy cốc - Nói cười như chuyện một đêm mơ"! Và nghe tiếng cười em, xa xa, vặn hearing aid lên tối đa mới nghe rõ, như thơ Đinh Hùng khi xưa "Tiếng cười như cõi thiên thu lại - Tiền kiếp xưa nào em hé môi"! 
Rồi nụ hôn đầu, có thể cũng là nụ hôn cuối cùng, vì tim anh đã nghẹt ba bốn động mạch, đập loạn xạ, máy trợ nhịp tim mới mổ gắn trong lồng ngực chưa chạy đều lắm. Đừng để anh hồi hộp quá, em ơi, anh dễ đi luôn lắm! Nhưng nụ hôn của tình già chúng ta thơ mộng lắm. em biết không? Khi hai hàm răng giả chạm nhau, vang lên những tiếng thánh thót như lời ước nguyện ban đầu cho đôi ta vậy! 
Và trao nhau món quà chi để đánh dấu cho mối tình già đầy kỷ niệm này? Chúng ta chẳng còn gì! Ngoài chiếc tã gắn bó với đời ta bây giờ, các cô y tá đã chẳng nói là mặc tã là chuyện quan trọng nhất cho cuộc đời còn lại của chúng ta bây giờ hay sao! Thôi! Chúng ta hãy làm lại chuyện 70 năm về trước, khi anh và em, chúng ta qua cầu gió bay thuở ấy: 
"Yêu nhau cởi áo cho nhau 
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay" 
Và bây giờ chúng ta hãy hẹn ước với nhau, như những lời thề thốt năm xưa, em nhé: 
"Yêu nhau cởi tã cho nhau 
Về nhà con hỏi qua cầu tã rơi".
Nguyễn Đình Phùng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Chu Tử

Nhà văn Chu Tử Tác giả - Tác phẩm Buổi sáng ngày 29-4-2005 tôi ngồi trong nhà uống trà một mình, anh tổ phó an ninh khu phố tới trước cửa ...