Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Đường đến dã quỳ

Đường đến dã quỳ

Tây Nguyên mùa khô, cũng là lúc hoa dã quỳ đương độ đẹp nhất. Từ miền đất phù sa sông Ba màu mỡ, tôi đến với núi lửa Chư Đang Ya thuộc huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai như một sự tình cờ.
Con đường tôi đi từ nhà riêng đến Chư Đang Ya dài 170 km. Tôi thức dậy từ bốn giờ sáng để lên chuyến xe đầu tiên đi Pleiku cho kịp giờ. Trời còn tối đất, thời tiết hơi lạnh bởi chớm đông nhưng trong xe không khí thật ấm áp vì cùng đi với tôi hầu hết là cán bộ, giáo viên của huyện đi tập huấn tại thành phố Pleiku. Ai cũng đi công việc riêng tôi với tâm thế của một kẻ đi chơi nên trong lòng rất phấn chấn. Đường lên thành phố Pleiku trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người.
Xe đang đi qua đèo Tô Na. Trước kia là con đèo quanh co hiểm trở luôn thử thách các tay lái lụa nhưng đã vài năm nay người ta xẻ núi làm một con đường thẳng chạy ngang qua thay thế con đường đèo. Con đường nằm kẹp giữa hai vách núi sừng sững cũng mang lại cảm giác thú vị cho người đi qua. Đi khoảng nửa cây số nữa phong cảnh hữu tình dần hiện ra trước mắt: một bên là núi, một bên là dòng sông Ba trong xanh uốn lượn chảy hiền hòa. Khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Xe băng qua những ruộng bắp cao quá đầu người đang trổ cờ, những ruộng lúa vừa gặt xong còn thơm mùi rơm rạ của vùng Ayun Pa, Phú Thiện.
Nhích thêm vài đường cua, xe đã tới đèo Chư Sê ngoằn nghèo uốn lượn dài ba cây số. Hai bên là sườn núi thấp với những rừng cây đương mùa khô đổ lá vàng tuyệt đẹp. Ánh nắng ban mai dịu nhẹ quét từng thảm vàng trên những vạt cây dưới thung lũng bên đèo. Nắng mùa đông trải dài xuống những ruộng bậc thang vàng ươm màu lúa chín, trải trên những vườn cà phê xanh mướt đương mùa thu hoạch quả. Những vườn cao su độ vài năm tuổi dồi dào sức sống.
Dã quỳ có mặt ở một số nơi trên dải đất hình chữ S nhưng theo tôi cảm nhận dã quỳ nơi miền đất đỏ bazan màu mỡ mới phô phang được hết vẻ khỏe khoắn và sắc vàng vốn có. Dã quỳ đẹp nhất, nhiều nhất phải kể đến ở dốc Hàm Rồng thuộc địa phận thành phố Pleiku. Núi Hàm Rồng vốn là một ngọn núi lửa đã tắt cách đây hàng triệu năm, bốn mùa không khí mát mẻ. Vào mùa khô, dốc Hàm Rồng vàng rực với những rặng hoa dã quỳ trải dài hàng mấy cây số. Từng bụi hoa dã quỳ nối nhau mơn mởn trong ánh nắng vàng tươi mát rượi. Con đường nhựa đen thẫm uốn lượn giữa hai rặng hoa làm cho khung cảnh thêm phần thơ mộng. Hoa cứ thế nối mãi lên những sườn đồi tạo thành những thảm hoa vàng tưởng như vô tận. Tôi nghĩ: đây có lẽ là con đường hoa đẹp nhất, quyến rũ nhất của Gia Lai.
 
Cái đích cuối cùng mà tôi muốn đến đó là núi lửa Chư Đang Ya. Để đến được đó thì từ thành phố Pleiku ngược lên huyện Chư Păh khoảng hai mươi cây số nữa.  Chúng tôi đi trên những con đường nhỏ được trải nhựa nhưng đã bị bong tróc lổm chổm những ổ gà. Trước mắt là một thung lũng rộng có những đám ruộng lúa chín vàng ươm. Đang giữa mùa gặt, xe công nông đậu trên đường chờ người xếp lúa. Có những đám ruộng đã được gặt xong còn trơ gốc rạ lởm chởm. Bầu trời với những đám mây trắng xốp bồng bềnh trôi giữa những vệt mây màu xanh trứng sáo.Và dã quỳ vàng lại mê mải xuất hiện hai bên đường đi, ven những lối mòn vào rẫy .
Hiện ra trước mắt tôi là một ngọn núi, đích thị là ngọn núi lửa Chư  Đang Ya mà tôi đã có lần nhìn thấy trên mặt báo. Một cảm giác thích thú đến ngỡ ngàng khi nhìn thấy những mảng màu trù phú bao quanh núi và từ dưới chân lên đến đỉnh núi. Đó là một ngọn núi thấp với độ cao gần một trăm mét, miệng hình phễu mang đặc trưng của miệng núi lửa đã tắt cách đây hàng triệu năm. Với độ dốc khoảng 45 độ được chia thành những ô hình vuông, hình chữ nhật nằm cạnh nhau. Đó là những đám khoai lang, dong riềng của người dân địa phương. Điều đặc biệt là những đám rẫy được chia ranh giới bởi những rặng dã quỳ đương mùa hoa vàng ruộm. Ngay dưới chân núi, dã quỳ từng vạt dài đang khoe sắc trong nắng gió cao nguyên, khung cảnh như chốn thần tiên. Cất công leo đến đỉnh núi, một khung cảnh bao la hiện ra trước mắt với những mảng màu xanh mướt xen lẫn vàng thắm trong nắng gió vàng tươi.
Xong công việc, tôi trở ra thành phố Pleiku trong cái nắng vàng như rót mật của mùa khô Tây Nguyên. Dã quỳ vẫn vàng rực dưới bầu trời xanh ngắt điểm vài đám mây trắng bồng bềnh. Được một bạn thơ dẫn vốn là thổ địa nơi đây dẫn đường, chúng tôi đến với hàng thông trăm tuổi. Đây là một cảnh đẹp của Chư Păh làm say lòng du khách. Một con đường nhựa nhỏ phẳng lì, hai bên là hai hàng thông thẳng tắp. Những cây thông cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm vững chãi tỏa bóng mát rượi với những chiếc lá hình kim chụm vào nhau lòa xòa trong gió nắng ban trưa. Mùa khô cũng là mùa bướm sinh sản, từng đàn bướm xanh xuất hiện bay qua bay lại rồi vờn quanh những vườn chè xanh mướt trải dài đến tận chân trời với một màu xanh mỡ màng được cắt tỉa bằng tăm tắp. Trong ánh nắng dịu nhẹ của mùa đông, lá chè khỏe khoắn ken dày bên nhau tạo thành một chiếc thảm màu xanh như chiếc giường êm ái khổng lồ khiến ta như muốn thả trôi vào giấc mộng. Khung cảnh êm đềm làm ta quên đi bao mệt mỏi mà đắm chìm trong không gian trong lành, mát dịu.
Cũng trên cung đường về thành phố, chúng tôi bắt gặp một hồ nước, đây chính là đập Tân Sơn, là điểm dừng chân lí tưởng của khách khi đến Chư Păh. Cảnh đẹp như tuyệt tình cốc Đà Lạt. Mặt hồ phẳng lặng in bóng mây trời. Phía xa xa bên kia là những rặng hoa dã quỳ vàng rực trải dài dọc bờ hồ soi bóng xuống mặt nước lung linh. Khung cảnh như một bức tranh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người. Hồ nước như một chiếc máy điều hòa không khí làm cho không gian thêm phần dịu mát. Và cứ thế, dã quỳ chói ngời miên man suốt dọc dài bao la đất đỏ và trái tim tôi không khỏi thổn thức một niềm yêu mến miền đất Tây Nguyên đầy thơ mộng.
10/2/2022
Mai Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...