Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Say đắm Ning Nơng

Say đắm Ning Nơng

Khi Pleiku bước vào những ngày dài nắng thì dọc đường quốc lộ 19, xuống các huyện phía Đông, nơi chịu ảnh hưởng của khí hậu đồng bằng thời tiết sẫm màu, mưa xuân rơi rác. Trên đường đi, đủ loại hoa hai ven đường khoe sắc, mai vàng cổ thụ, đỗ mai khẳng khiu, những vạt hoa nhỏ mùa xuân cũng đợi nhau khoe mùa thắm sắc.
Ở nhiều nơi, với nhiều người dân tộc thiểu số sống trên dải đất cao nguyên cũng bước vào những ngày lễ hội. Khi bắp trên rẫy vàng xơ, lúa dưới đồng mơn mở quanh cầu ăm ắp nước. Lúa rẫy cũng chuẩn bị xuống giống trên những khoảng đất được làm sạch cỏ. Tôi có chuyến công tác về xã Đăk Song, huyện Kông Chro, Gia Lai. Từ phòng làm việc của UBND xã tôi nghe tiếng chiêng, xa gần, trẩm bổng rồi vang lên trong một sáng mùa xuân có mưa xuân lất phất. Tôi nhẩm tính, cũng sắp đến mùa ăn tháng uống ngày, say đắm Pơthi trên cao nguyên bazan. Ning Nơng.
Nhà văn Tạ Ngọc Điệp và đồng nghiệp tại Đại hội đại biểu Hội VHNT Gia Lai lần thứ VI, 3.2022.
Là người sống lâu trên mảnh đất này. Tôi đã từng được dự nhiều lễ hội có cồng chiêng mê mải. Nhà ba mẹ tôi nằm lẫn giữa làng của những người dân tộc thiểu số gần vườn quốc gia Kon Kah Kinh. Tôi nhớ những ngôi nhà rông mái tranh cao thừng thững, giữa làng. Sáng sớm đi vào làng đổi rau với mẹ tôi còn gặp những thanh niên người DTTS đầu rối bù xù quấn chăn đi về từ nhà rông. Ban đêm, họ đốt lửa rồi ngủ cùng nhau ở đó. Tôi nhớ những đêm chiêng ngân, chiêng có điệu vui buồn, trầm bổng. Một đêm nghe tiếng chiêng buồn, sớm mai những chị người BaNa đi ngang qua nhà. Váy họ còn ướt đẫm sương mai, trên gùi cõng những mớ cỏ tranh dài là biết làng mới có người chết. Họ cắt tranh về lợp nhà mình và cả nhà mả.
Nhà mồ, nơi chốn linh thiêng nằm phía sau làng của người sống. Chúng tôi rất sợ khi đi chăn bò ở những khu nhà mả. Lâu ngày nó hoang tàn, đổ nát, thi thoảng chúng tôi còn bị sụt chân xuống những chiếc ghè vỡ dưới tấm mồ sâu, lâu ngày rục đổ. Ký ức đấy theo tôi rờn rợn mãi tận bây giờ. Tôi chưa bao giờ quên mình lớn lên trong tiếng chiêng vọng về ấy dù tôi chỉ hiểu bập bõm nền văn hóa thẳm sâu của họ. Cho đến khi nghe tiếng chiêng trong buổi sáng hôm nay, tôi hiểu mình phải đến đó, ngắm, nghe, thẩm để hòa mình vào không gian của lễ hội. Tôi không thể trở về khi chưa được vài phút hòa trong một nhịp chiêng ngân.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lễ hội chỉ có những người dân ở làng quây quần bên nhau. Bên những nếp nhà sàn đặc trưng của người Ba Na rừng già, người Ba Na ở đây sống ở những ngôi nhà sàn có nhiều mái, thiết kế nhà của họ rộng và đẹp. Nhà rông lớn nhất nằm giữa làng, treo đầy những bảng tuyên truyền thông điệp 5k về phòng chống dịch Covid-19. Làng nằm nem nép tựa vào hai trái núi đều nhau nhô lên. Núi rừng vẫn còn nhiều cây xanh bao bọc làng ở một thung lũng hẹp gió thổi vi vút những cây cổ thụ. Nhiều chiếc ghè lớn đã được uống hết nằm chỏng chơ với tên chủ hộ ghi ở mép ghè, củ mỳ lẫn với trấu được đổ thẳng ra gốc cây, chỉ cần ngửi mùi men cũng khiến khách lạ say nồng vấn vít dù hai lớp khẩu trang đã được bọc che kín mũi. Nhiều người làng vây quanh ngồi ở những gốc cây già đổ bóng. Nhiều người đàn ông say rượu, tối qua ở lại nhà mả vui chơi bây giờ đang ngủ ngay trên nền đất.
Nhà mồ đẹp lắm, đóng ván vừa khít sơn đỏ với vài chiếc hoa văn bốn cánh trắng được vẽ mộc bởi họa sĩ của làng. Mái nhà cũng sơn màu với hoa văn hình thoi trắng đỏ.  Những chiếc cột nhà được trang trí bằng những vòng tròn và tua vải sặc sỡ, giữa cột có những tấm ván được đẽo cong cong như sừng trâu chia đôi hai màu đỏ trắng, có đống lửa đốt đêm qua đã lụi tàn. Hàng rào nhà mồ cũng được đóng ngay hàng thẳng lối hình vuông đan cài. Bó củi cạnh hàng rào, phía trên là nong nia, gùi, cuốc được chia cho người mất. Tôi chưa bao giờ được thấy ngôi nhà mả đẹp và sặc sỡ như vậy dù đã đi Pơthi năm bảy lần. Dưới gầm nhà sàn của gia chủ cách đó vài chục bước chân bày la liệt đồ ăn, và ghè, những người phụ nữ cùng con họ đang trò chuyện bằng tiếng bản địa rồi chỉ trỏ vào hai người khách lạ là tôi và anh bạn đồng hành.
Tôi nói với anh Trường – phó chủ tịch xã Đăk Song rằng “chỉ cần nghe tiếng chiêng là tôi muốn tìm đến làng, tôi không thể rời đi khi nghe tiếng chiêng rõ dần mà mình không được tham dự tận mắt”. Anh cười nói với tôi, “thế thì chị đến đó năm phút thôi, đeo khẩu trang, không tiếp xúc với ai, nghe một xíu rồi về”. Tôi vội vã đến ngay. Người làng gặp người lạ dưới vài cang rượu cần là từ xa trở nên gần gũi. Cô trò nhỏ của tôi giới thiệu “đây là cô giáo của con”, vậy là từ già làng, thôn trưởng, bí thư chi bộ đến bắt tay và mời tôi uống vài cang rượu ghè. Tôi nhờ Xoan, học trò của tôi nói với các chú “vì dịch bệnh phức tạp nên tôi xin phép đeo khẩu trang, không ăn uống”. Họ gật gật, rồi bỏ qua. Bình thường, mỗi lần có Pơthi ở trong Làng Kép – Ia Mơ Nông tôi phải đến hai hôm mới về. Tôi muốn thấy tận mắt nhà nhà chở nhau lên rừng gùi từng thớ gỗ rồi dùng rựa đẽo tượng ngay nhà mả. Họ cắt hàng trăm lá dầu to bản trải ra đất rồi bỏ lên đó những món cháo măng hay vỉa thịt nướng đãi bà con từ các làng khác về. Họ xếp những dàn ghè dài, chở những can nước to để chêm vào ghè khi nước đầu tiên hút cạn. Tôi còn phải đợi đến khi những chàng trai trẻ bôi bùn đầy người, vẽ than đầy mặt hò hét theo tiếng trống chiêng đi lên từ dòng suối sau nghĩa địa, hòa mình với những chú hề, cùng với dân làng xoang ngược chiều mặt trời thì tôi mới về lại nhà mình như một thành viên chính thức của làng trong ít ngày lễ hội.
Đời sống của người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, lễ hội tốn kém kéo dài ảnh hưởng này nọ nhưng với họ nếu người chết mà chưa được làm lễ Pơ thi để người sống khóc người chết một lần cuối cùng thì người đang sống có giàu có hay nghèo rách vẫn coi như là sống chưa nghĩa tình trọn vẹn. Vì vậy có nhiều nhà, dù nghèo khó vẫn vay mượn để làm được Pơthi cho những người đã qua. Đối với tôi, một người sống ngoài cộng đồng, tập tục của người thiểu số mà vẫn bồn chồn khi nghe giàn chiêng 12 chiếc treo trên cây le đẹp được hai người khiêng đi vòng quanh nhà mả huống hồ gì người dân tộc thiểu số sống ở đây. Sinh ra trong tiếng chiêng ngân, lớn lên trong tiếng cồng già, chết đi còn được nghe tiếng chiêng lớn bé hòa minh, tiễn biệt.
“Chúng ta không phải là họ, và chúng ta không thể nào hiểu hết họ khi chúng ta không sống trọn vẹn trong đó”. Tôi nhớ lời thầy dạy môn văn hóa cơ sở của tôi mười lăm năm trước khi thầy trăn trở về việc vắng dần những tập tục lễ hội của người DTTS. Với những người lang thang trong câu chữ như chúng tôi, những lần đi công tác gặp hội làng như niềm vui bất ngờ to lớn. Bởi lẽ không biết bao giờ tôi mới được đi về các làng xa, và cũng không biết bao giờ làng xa mới có ngày lễ hội khi Pơthi đến mùa cũng dần dần xa vắng để người chờ không khi nào thôi khắc khoải mong ngóng mong.
26/3/2022
Tạ Ngọc Điệp
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân phận ma trơi Tựa Năm 1987, sau khi ra khỏi tù và hết hạn quản chế, tôi bắt đầu gặp lại một số bạn cũ, phần đông do tình cờ. Và ng...