Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Tiếng chim vườn cũ

Tiếng chim vườn cũ

Cả đêm nghe tiếng cuốc kêu khắc khoải không ngủ được, tờ mờ sáng tôi tha thẩn ra sau vườn. Cuốc là loài chim thật lạ, khi xa bạn tình tiếng kêu như xé ruột gan, thẳm sâu, da diết.
Ngày xưa mẹ bảo chim cuốc rất chung tình, khi lẻ bạn thì nhịn ăn kêu suốt đêm, hết đêm này qua đêm khác cho đến khi khản tiếng, chết rục. Đứa nào tìm được xương  cuốc để đầu giường sau này lớn lên con gái sẽ theo về. Chẳng biết mẹ thật hay đùa nhưng chúng tôi đều tin đó là  thật. Thế là buổi trưa trốn ngủ, rủ nhau đi rình chim cuốc, hết bờ tre này đến lùm cây khác. Nhiều trưa như thế, chân đứa nào cũng bị gai cào xước. Chuyện trẻ trâu ấy giờ thành kỷ niệm.
Không gian yên ắng sáng tinh mơ gợi nhớ một thời đã xa vẫn còn trong ký ức. Khu vườn nhà tôi giờ đây tường xây kín mít, bê tông nhiều hơn cây cối nên chim chóc ít tìm về. Nạn săn bắt chim theo kiểu tận diệt, dùng máy nhại tiếng chim và keo Trung Quốc để nhữ làm tan tác nhiều bầy đàn. Có những giống như chim ri, dồng dộc hay làm tổ trong ruộng mía giờ không còn thấy.
Ngày xưa vườn nhà tôi hoa trái bốn mùa nên chim chóc hay tìm về. Bờ tre cuối vườn trở thành “sân chơi” của dồng dộc, chim sẻ, chích chòe, chim cu, chim cuốc và nhiều loài chim khác. Những chú dồng dộc trống có sắc lông vàng óng, chùm lông đầu như chiếc mũ quý tộc rất khéo léo và kỳ công khi xây mái ấm cho chim mái. Cuối xuân đầu hạ là mùa chim làm tổ. Tổ dồng dộc độc đáo, khác biệt với loài chim khác. Hình thù có cái giống chiếc giày, có cái như bình cắm hoa úp ngược, hình quả trứng to. Treo lủng lẳng trên đọt tre chỉ với sợi tranh, lá mía mỏng manh nhưng tổ lại rất bền chắc, chịu được gió to.Nhưng nhiều nhất trong vườn là se sẻ, loài chim rất gần gụi, thân thiện với con người. Chỉ trừ mùa đông rét mướt, còn lại các tháng trong năm chim sẻ kéo về từng đàn ngủ đầy trên các bụi cây. Từ lúc còn mờ đất chúng đã ríu rít gọi nhau ầm ỉ, náo nhiệt như mời đi dự tiệc. Chim sẻ thích lảm tổ trên đọt cau, trong các hốc ngói, mái hiên nhà. Ngày ấy, bọn trẻ nhà quê chúng tôi đứa nào cũng nuôi chim sẻ, dồng dộc hoặc cu đất, chích chòe. Chiều tan học về là ra đồng tìm đám cỏ non bắt châu chấu, cào cào. Theo bước chân con trẻ, các chú chim non lớn nhanh, rồi đến một ngày chúng được xổ lồng bay về trời.
 
Nhớ nhất là những tiếng chim làm nên “tâm hồn” của khu vườn cũ. Cứ mỗi sáng, trong lùm tre rậm rạp lại vang lên tiếng chim cu ngói gọi bầy. Tiếng chim cu bồi hồi, thủ thỉ, lúc xa lúc gần, gợi những giấc mơ êm đềm như trong cổ tích. Loài chim này rất lạ, chúng chỉ gáy khi bốn bề thật yên tĩnh. Và khi điệp khúc cúc cu cu…cu cu… cất lên đều đều liên hồi, ta như chìm đắm trong không gian xưa cũ có lũy tre vây kín quanh làng. Người già thích tiếng chim cu là vì vậy.
Khác với tiếng chim cu rầm rì, ấm áp như tiếng vọng của đất, tiếng của ngày xưa dội lại, tiếng chim chích chòe than cất lên giọng to và vang, đủ các cung bậc cao, thấp và cả giọng trầm. Họ nhà chích chòe có nhiều loại: chích chòe than, chích chòe  đen trắng và chích chòe lửa.  Đặc biệt giọng hót của chích chòe lửa rất trong, vang động cả một vùng, có lúc lại rung lên đầy mê hoặc như tiếng đàn violon.
Cuối xuân đầu hạ là lúc trong vườn nhiều hoa trái, đủ sức mời gọi các loài chim khướu, chó quạch, chim ri và cả các chú vành khuyên bé nhỏ đi tìm sâu trong các lùm cây. Chim vành khuyên tiếng hót mỏng manh nhưng sắc lẹm. Chim khướu  thông minh hay nhái giọng những loài chim khác. Chim ri bé tẹo giống chim sẻ nhưng giọng ríu rít rất vui tai. Thỉnh thoảng, không biết từ đâu có chú chiền chiện bay về, sau khi no mồi bay vút lên trời cao thả xuống không gian vườn chuỗi âm thanh cao vút, lanh lảnh, ngân nga đầy quyến rũ.
Khu vườn đầy ắp tiếng chim cũng là nơi tụ tập của đám trẻ chúng tôi vào những ngày nghỉ học, lúc không đi chăn trâu hay theo cha mẹ ra đồng. Thôi thì đủ thứ trò chơi trốn tìm, chọi vụ, bắn bi, đánh tráo, chia phe đá đít. Đứa nào nghĩ ra được trò chơi nào thì những đứa khác hùa theo. Chơi bịt mắt bắt dê có lúc rộ lên những tràng cười, tiếng la hét ầm ỉ làm bầy chim sợ hãi vù bay mất. Nhưng cũng chỉ ngày hôm sau thôi, chim lại về đầy ắp trong khu vườn.
Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy như khoai sắn ngoài đồng, qua nắng mưa, khó nhọc  rồi cũng lớn khôn. Ít gặp nhau nhưng mỗi lần có dịp ngồi lại, chúng tôi đều nhắc về khu vườn cũ của mẹ tôi, nơi một thời có tiếng chim líu lo vô tư cùng bầy con trẻ. Trong tâm tưởng, ai cũng mong sao có một ngày được nương theo tiếng chim để trở về những ngày xa xưa ấy.
6/3/2022
Trần Cao Tánh
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...