Châu Phú sắc xanh đồng bằng
Châu Phú là huyện thuần nông của tỉnh An Giang, nằm dọc theo
Quốc lộ 91 và sông Hậu, sau lưng là dãy Thất Sơn hùng vĩ như bức bình phong khổng
lồ che chắn cho đồng bằng. Nơi đây ngày xưa là cánh đồng trũng phèn rộng lớn gọi
là Láng Linh. “Láng” là từ mà người miền Tây dùng để chỉ vùng đất ngập úng.
Láng Linh mang ý nghĩa ngập đầy nước, linh binh, linh láng…
Hiện nay mặc dù du lịch chưa phải thế mạnh chính, nhưng miền
đất nầy đang có những tiềm năng dần được “đánh thức”. Châu Phú mang đậm dấu ấn
miệt vườn, nên có nhiều lợi thế về du lịch văn hoá và du lịch sinh thái. Bạn
hãy thử một lần về thăm mảnh đất hiền hòa nầy để có những trải nghiệm khó quên!
Bất ngờ cù lao Năng Gù
Cù lao Năng Gù - xã Bình Thủy là một trong số những làng cổ
được khai phá sớm ở tỉnh An Giang. Làng quê yên tĩnh, thanh bình và những con
người chất phác, thân thiện sẽ xua tan bao mệt mỏi cho du khách, giúp tâm hồn bạn
được cân bằng lại. Vừa đi vừa chậm rãi quan sát, bạn có thể cảm nhận được hương
vị dân dã của cuộc sống yên bình. Đặc biệt trên cù lao còn rất nhiều ngôi nhà cổ
có từ đầu thế kỷ XIX. Đa số chúng có kiến trúc giống nhau, ba gian hai chái,
nóc bánh ít, cột tròn làm từ gỗ quý… Nhà thấp nhưng thoáng mát, cách thiết kế
và trang trí mang phong cách truyền thống xen lẫn phong cách phương Tây.
Xã Bình Thủy có đình thần Bình Thủy là một di tích kiến trúc
nghệ thuật đặc sắc. Hằng năm, đình tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 9 – 10 – 11 tháng
5 âm lịch, với quy mô sánh vào một trong những lễ hội lớn hàng đầu tỉnh An
Giang. Điểm đặc biệt của lễ hội nầy là cuộc thi đua thuyền truyền thống đầy vui
nhộn, song song đó là hoạt động hóa trang thành thổ dân do các thanh niên trong
xã thực hiện để cổ vũ đua thuyền. Những hình ảnh ấy đã gây bất ngờ cho nhiều
khách phương xa. Tiếng lành đồn xa, hội thi đua thuyền và hoạt động hóa trang ở
Bình Thủy được xem là trải nghiệm đừng nên bỏ lỡ khi đến Châu Phú.
Một vòng thị trấn Cái Dầu
Cái Dầu là thị trấn mang đầy đủ nét đặc trưng của một “phố chợ
miền sông”. Khu chợ nầy đã có từ lâu đời và sớm trở thành trung tâm kinh tế của
cả một vùng rộng lớn. Đến những năm đầu thế kỷ XX, Pháp khai thác và nâng cấp
thành đô thị có quy mô. Từ năm 1979, Cái Dầu trở thành thị trấn, hiện nay là
trung tâm thương mại lớn của huyện Châu Phú.
Thị trấn Cái Dầu ngày nay khang trang, dưới sông lẫn trên bờ
đều buôn bán tấp nập, nhà cao tầng, các doanh nghiệp, cơ sở… mọc lên đông đúc,
tạo nên bộ mặt mới đầy hứa hẹn. Đặc biệt về đêm, Cái Dầu mới thực sự thể hiện đầy
đủ những nét đẹp tiêu biểu của một phố chợ miền sông. Thị trấn về đêm mang bộ mặt
trẻ trung, duyên dáng, không khí không quá ồn ào, vừa đủ để ta lắng lòng trước
khung cảnh khá lãng mạn, sâu lắng.
Cạnh chợ Cái Dầu có đình Bình Long thành lập vào thập niên
1930. Kiến trúc đình có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc với phong
cách Roman của phương Tây. Phía trên trung tâm thị trấn không xa là công viên
Trần Văn Thành với điểm nhấn là tượng đài Quản cơ Trần Văn Thành cao 15 mét. Tượng
tạc hình ảnh Đức Quản cơ đứng oai vệ trên xuồng đang lướt trên sóng nước, mặt
ngẩng cao hướng về Láng Linh, tay cầm kiếm chuẩn bị xông vào trận. Tác giả bức
tượng là điêu khắc gia Trần Thanh Phong, hoàn thành năm 2003.
Trầm mặc tranh đá Bảy Núi
Tại một phòng tranh đơn sơ nằm cách công viên Trần Văn Thành
khoảng 100 mét, một dòng tranh đặc biệt vừa ra đời cách đây vài năm, đó là
tranh đá Bảy Núi. Đây dòng tranh đầu tiên ở An Giang sử dụng chất liệu địa
phương là đá granit vùng Bảy Núi. Đá Bảy Núi không có nhiều màu sắc, nên tranh
chủ yếu sử dụng gam màu trắng đen làm chủ đạo. Mặc dù không lấp lánh như những
loại tranh khác, nhưng điều mà tác giả hướng đến là chiều sâu của các tác phẩm,
để người xem tranh có thể có cảm giác thư thái tâm hồn sau những bộn bề cuộc sống.
Tác giả – người khai sinh ra dòng tranh nầy là nhà giáo – nhạc
sĩ Phan Võ Hoàng Nam, hiện sống tại Cái Dầu. Anh là người đầu tiên ở miền Tây
dùng đá làm tranh, hiện đã cho ra đời hàng chục bức tranh, tổ chức được hai cuộc
triển lãm. Anh đi khắp vùng núi An Giang để lựa chọn những viên đá phù hợp rồi
đem về giã nát ra thành bột đá. Để thực hiện tranh, bột đá được rãi lên bản
phác thảo, chỉnh sửa cho mỹ thuật rồi dán keo để kết dính thành tranh. Qua thời
gian, những bức tranh mộc mạc làm từ đá Bảy Núi đã đến với đông đảo những người
thưởng thức hội họa, càng giúp dòng tranh đặc thù của địa phương có chỗ đứng vững
vàng hơn.
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành
Bửu Hương tự hay đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, thường được
người địa phương gọi là dinh Đức Cố, tọa lạc tại xã Thạnh Mỹ Tây. Từ thị
trấn Cái Dầu, bạn tiếp tục đi theo Quốc lộ 91 đến chợ Vịnh Tre rồi rẽ trái, đi
vào khoảng 10 km nữa sẽ đến di tích. Đền có kiến trúc đơn giản, bố cục hài hòa,
đăng đối, mang phong cách truyền thống. Nội thất là một không gian đậm chất dân
tộc, uy nghi mà gần gũi, bởi vừa mang dáng vẻ đền miếu, vừa có nét như một ngôi
nhà cổ Nam Bộ.
Khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 – 1873) là phong trào chống Pháp với
quy mô lớn của nghĩa binh Gia Nghị dưới sự chỉ huy của Quản cơ Trần Văn Thành.
Nghĩa quân tự rèn đúc vũ khí và được nhân dân tiếp tế lương thực, tổ chức thắng
lợi nhiều trận đánh, gây cho Pháp hoang mang lớn. Sau nhiều lần xâm nhập bất
thành do không quen địa hình sình lầy, đầu năm 1873, Pháp tổ chức càn quét lớn
vào căn cứ. Mặc dù chống trả ngoan cường, nhưng do lực lượng chênh lệch và vũ
khí thô sơ, nên trước hỏa lực mạnh mẽ của địch, nghĩa quân đã bị đánh bại.
Bửu Hương tự được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX, ngoài
mặt là nơi thờ Phật, nhưng thực tế là nơi kỷ niệm nghĩa quân Gia Nghị. Hằng
năm, vào ngày 21 tháng 2 âm lịch – kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa bị đàn áp,
huyện Châu Phú đều có tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống, thu hút hàng vạn người
tham dự.
Lung linh mùa nước nổi
Mùa nước nổi ở miền Tây khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch.
Vào thời điểm đỉnh lũ, đồng Láng Linh chìm giữa bốn bề sóng nước mênh mông.
Quang cảnh chung quanh không thể phân biệt được đâu là đường đê, đâu là đồng ruộng,
đâu là kinh rạch, trừ vùng đồi núi Thất Sơn bàng bạc xa xa. Mùa nước nổi về
mang phù sa bồi đắp ruộng đồng và nguồn lợi thủy sản to lớn cho miền Tây. Sáng
sớm là lúc những người đánh bắt cá gỡ những mẻ lưới sau một đêm dài thao thức
chờ đợi thu hoạch. Trong mẻ lưới, nào là cá rô, cá mè vinh, nào là cá lóc, rồi
các sặc… nhưng đặc biệt nhứt vẫn là cá linh.
Cá linh được gọi như thế vì theo ông bà ngày xưa, hễ cứ tới
nước lên là cá con lại từ thượng nguồn đổ về các sông rạch miền Tây, rồi sau đó
trôi theo nước để lớn dần. Năm nào cũng vậy, đúng thời điểm và không bao giờ
sai hẹn, nên gọi là cá linh với hàm nghĩa chữ “linh” là linh tánh. Cá linh mềm,
ngọt, béo nên trở thành đặc sản của mùa nước nổi An Giang. Rất nhiều món làm từ
các linh, như: canh chua cá linh, cá linh kho, cá linh chiên bột, lẩu mắm cá
linh, nước mắm cá linh, bún cá linh…
Vào mùa nước nổi, bông điên điển nở vàng rực trải dài cả một
vùng đồng nước cũng trở thành một món ăn được ưa thích. Bông điên điển giòn, ngọt,
thường dùng để nấu chung với canh chua, làm rau chấm cá kho, làm gỏi… Không chỉ
thế, còn có các món đặc sản khác như rắn nước, cua đồng, ếch đồng, chuột đồng,
bông súng, rau muống… Những món quà thiên nhiên nầy sẽ được chế biến thành những
món ăn hấp dẫn.
Du lịch mùa nước nổi ở Láng Linh, khách có thể mướn ghe xuồng
lướt trên cánh đồng bạt ngàn chìm trong biển nước và trải nghiệm cuộc sống
thanh bình của người nông dân: đánh bắt cá, hái bông điên điển, giao lưu đờn ca
tài tử, chế biến và thưởng thức các món ăn đồng quê… Hãy thử một lần trải nghiệm,
và chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên!.
12/1/2022
Vĩnh Thông
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét