Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Cội rễ dài tận bao lâu

Cội rễ dài tận bao lâu?

Trẻ em, nhất là những em hơi cá biệt sẽ có những vùng bản năng kiêng kỵ như một vùng mất sóng. Những khoảng kiêng kỵ, những khoảng mất sóng của con người được gán ghép bằng những tính từ mang tính bản chất “ngu”, “ lì lợm”, “tối dạ”, “cứng đầu”.
Học đáng sợ như thế nào? Những trí thức thành danh không bao giờ tin điều đó.
Trước ngày nghe tin một em học trò tự tử, tôi trò chuyện với một đồng nghiệp về chuyện kỳ quái của học trò. Thầy nói có đứa học trò học mãi không thuộc chữ â. Nếu bỏ chữ â thì sẽ bỏ rất nhiều chữ trong bài văn. Vậy làm sao mà học được. Phải thuộc chữ â, bằng mọi giá. Điều đó đơn giản quá tại sao lại không thể cố gắng? Tôi hỏi “Những chữ khác bé có thuộc không?”. “Chữ nào học qua đôi lần cũng thuộc, chỉ chữ â học hoài quên hoài. Đã phải dừng lại cả tháng vì chữ â”.
Tôi nhớ trong một lần dạy mỹ thuật ở lớp Một, tôi có gặp em học trò rất hiền nhưng vô cùng sợ học chữ. Tôi ngồi vẽ từng con cá, con gà, trái bí, mẹ, ba, bà… cho bé nhận diện chữ trên cơ sở hình. Tất cả chữ từ cá, cho tới chữ ba quen thuộc bé đều đọc là “dờ a da sắc dá”. Tôi nhìn thấy mắt bé đầy bóng tối khi chạm vào chữ. Giống như trước mắt bé là hàng mấy chục con người giống hệt nhau mà người ta buộc bé phải phân biệt người này khác người nọ. Bé nhìn hàng chữ như nhìn một khoảng vực sâu tăm tối. Cho tới khi tôi vẽ cái lá, mắt bé sáng lên phát âm đúng chữ lá.
Như người ta đi một con đường dài với hàng ngàn ngôi nhà giống nhau chợt có một ngôi nhà khác biệt dễ nhận diện. Tại sao bé lại phát âm được duy nhất chữ lá, tôi chưa tìm được nguyên nhân. Nhưng thường thì mỗi đứa trẻ dẫu tệ nhất cũng đều có thể bắt đầu từ những gì đơn giản nhất, một chữ o, một chữ i hoặc một con vật quen thuộc nào đó. Như những bước chân đầu tiên để mở lối vào khu rừng hoang sơ rối rắm. Có được bước chân đầu tiên sẽ dễ dàng dọ dẫm để dọn đường cho bước đi kế tiếp.
Nói tới bước chân đầu tiên tôi nhớ về những cái lá sầu đâu nhỏ xíu. Ngày nọ một phụ huynh bứng cho tôi một gốc sầu đâu gửi lên thành phố. Cô vừa cưa ngang thân cây vừa nói: “Mình cưa ngang chỗ này cho gọn, dễ đem đi nghe chị. Chừa lại vài cái lá để cây thở”. “Những cái lá ít ỏi cũng thở được hả em?”. “Dạ được, thở một thời gian cây sẽ châm rễ mới, ra chồi mới”.
Mỗi đứa trẻ mới đi học như những cội cây vừa được bứng dời sang một miếng đất mới. Có những đứa đã sum suê câu chữ nhưng có những đứa như những cội cây chỉ loe hoe vài lá, thậm chí chỉ trơ trụi vài cành nhánh khẳng khiu. Nhưng thật sự đó không phải là cội cây chết. Mạch sống của cây đã ẩn sâu đâu đó trong lớp vỏ cỗi cằn.
Cây đang èo uột nên chỉ cần vài cái lá để quang hợp cho rễ đâm chồi. Hãy nâng niu những cái lá ít ỏi đó. Những cái lá nhỏ nhoi kia là mầm sống. Như khe hở nhỏ len một dòng khí trong lành giữa đáy huyệt thẳm sâu, cây nương luồng khí mỏng thở nhẹ nhàng chờ ngày rễ túa ra, bám vào đất hút ẩm hút khoáng, nẩy lộc đâm chồi, gầy dựng cuộc quang hợp rộn ràng. Cuộc học cũng nên bắt đầu bằng một khe hở nhỏ giản đơn như vậy.
Trẻ thuộc được vài chữ cái đã là vốn quý. Không thuộc chữ cái nào cũng chẳng sao bởi trẻ đã thuộc được mẹ là ai, thế nào là ăn, là ngủ, thế nào là quả mít quả xoài. Sao không nuôi dưỡng điều đó mà lại chăm bẳm những gì chưa nắm bắt được rồi rẻ rúng toàn bộ một phận người vừa mới chập chững nẩy chồi?
Những gì chưa có của một con người là vô tận. Chăm bẳm bao giờ cho cạn? Một cội cây dẫu cành lá sum suê hay còi đèo nhánh nhóc cũng xin hãy dưỡng nuôi những gì đang có. Cầm hạt giống lên hãy nhìn xem mầm non sẽ nhú ở phía nào. Hãy nhìn kỹ xem những lá mầm đầu tiên trong con đường tiếp nhận của trẻ có kiểu dáng gì, to nhỏ ra sao.  Không cần khen tặng, cứ ủng hộ những gì trẻ đang có.
Những gì người lớn công nhận hoặc phủ nhận là bản án ăn sâu vào tâm thức đứa trẻ. Con là một đứa chẳng ra gì, con là một đứa chẳng làm nên tích sự gì, con chỉ biết phá phách. Trẻ sẽ thi hành án. Bởi đứa trẻ tin người lớn đã đủ hiểu biết để đánh giá sự việc. Mình tệ như vậy thiệt, chẳng ai muốn nhìn thấy mình. Nó không hề biết rằng những câu cửa miệng chỉ thốt ra trong lúc nóng giận chớ kỳ thực đứa trẻ nào cũng là báu vật của cha mẹ thầy cô. Mà ngay cả người lớn, nơi nào không đánh giá cao họ, họ không thích ghé qua, môn học nào ta không dễ dàng có thành tích ta không muốn mất thời gian với nó.
Trẻ em, nhất là những em hơi cá biệt sẽ có những vùng bản năng kiêng kỵ như một vùng mất sóng. Vùng kiêng kỵ của người này là số liệu, vùng kiêng kỵ của người khác là những hình dung không gian. Chữ â hay bất cứ chữ nào cũng có thể là vùng mất sóng. Ai đó sợ một món ăn, sợ một loài vật hoặc sợ bị cằn nhằn mà bắt họ sáng trưa chiều tối đối diện với những điều họ sợ, họ có trở nên sáng suốt minh mẫn không? Chắc chắn không. Trong trạng thái mờ mịt triền miên đó, con người chẳng còn muốn đi tiếp mà cũng chẳng muốn đi lùi. Trong trạng thái mờ mịt, con người vô tình giẫm nát những thứ người khác quý, giẫm nát những thứ mình quý kể cả mạng sống. Càng mờ mịt con người càng sợ hãi những thứ không hề đáng sợ. Nỗi sợ nẩy chồi và bắt trớn nẩy thêm nhiều chồi mới.
Chưa có thứ gì biến hình và vô hình như nỗi sợ. Nó tồn tại trong tất cả mọi người và nó mang hình dạng hoàn toàn khác nhau trong những con người khác nhau. Khi bạn đang tập cho ai đó vượt qua cái sợ một cọng hành, một lá húng cây thì những “thầy đời” quanh bạn sẽ tập cho bạn vượt qua cái sợ bị coi thường, cái sợ bị tuột dốc khỏi thành tích đã có nhiều năm. “Thầy đời” sẽ rao cho bạn bài học vượt qua cái sợ mất đi những người thân, mất đi những ngôi nhà, chiếc xe, kể cả mạng sống mình đang sở hữu. Bạn chỉ muốn ném ông “thầy đời” giáo điều đó về nơi xa lắm.
“Thầy đời” không thấy được bóng ma của người khác.
Thầy cô, ba mẹ không thấy được bóng ma của những đứa trẻ. Thầy cô dễ dàng nói câu “học thôi mà, sướng quá sao phải sợ. Chữ â thôi mà, đơn giản quá sao mà phải sợ?”.
Những khoảng kiêng kỵ, những khoảng mất sóng của con người được gán ghép bằng những tính từ mang tính bản chất “ngu”, “lì lợm”, “tối dạ”, “cứng đầu”. Trẻ không cần những tính từ đó. Nó cần phải được nhắc nhớ nó đã lớn hơn hôm qua thế nào, nó nỗ lực thành công ở bước thứ nhất ra sao. Nó cần phải hiểu có bước thứ nhất sẽ có bước thứ hai rất dễ. Giống như đứa trẻ đã tự giặt được cho mình một cái áo thì việc giặt hai cái áo sẽ là trong tầm tay. Niềm tin từ những việc nhỏ nhỏ sẽ giúp đứa trẻ cảm nhận “mình làm được”. Quen thuộc với cảm giác “mình làm được”,  trẻ sẽ không còn sợ bất cứ một cuộc trải nghiệm nào. Những vùng kiêng kỵ, những vùng mất sóng sẽ ít dần.
Khi trẻ con gặp khó khăn ở một dạng bài tập nào đó, một món ăn nào đó, đừng căng thẳng, đừng sa lầy vào vết thương ghi nhớ đó. Tìm hiểu cho được nguyên tắc của tiếp nhận, đọc cho trẻ nghe những câu chuyện trẻ thích, cho trẻ đọc viết đánh vần từ những chữ trẻ đã biết bằng tất cả những phần tử của phép hoán vị thì cơ hội luyện tập hẳn chẳng ít ỏi gì. Chỉ cần có hứng thú luyện tập thì sẽ sinh ra hứng thú đón nhận những cái mới hơn. Khi đó một chữ â hay nhiều chữ khác đều chẳng nghĩa lý gì.
Con đường học là con đường của những kỳ công. Nhưng kỳ công không có nghĩa là ngày ngày ép nhau đào xới vùng tử huyệt. Kỳ công là quá trình khám phá những giá trị đang có, công nhận nó, thuận theo nó để mỗi con người đều cảm thấy mình sống vui và cần sống. Sự vui sống, ham sống là một dòng nhựa chảy quyết liệt để chồi non lộc biếc lẫn hoa trái sinh sôi. Kỳ công khám phá nguyên tắc tiếp nhận của trẻ giống như một quá trình cây còi cọc lặng thầm nuôi rễ. Vài ngày, vài tháng… mười năm, hai mươi năm cho một bộ rễ trí tuệ định hình có dài không?
Dài bao lâu thì đó cũng là khoảng thời gian rất đáng đầu tư. Bởi cội rễ đã có là có tất cả.
31/5/2022
Võ Diệu Thanh
Nguồn: Báo Người đô thị
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...