Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Giấc mơ đẹp cho tuổi thơ vùng xa

Giấc mơ đẹp cho tuổi thơ vùng xa

Sau cơn mưa đêm, sáng nay trời nắng rực rỡ. Cái nắng miền Đông Nam bộ rõ rệt lắm. Sáu tháng mùa khô rang rang bỏng rát, cảm giác chỉ một tàn lửa cũng khiến không khí bùng cháy.
Sáu tháng mưa, đất đai ẩm ướt, cây lá mướt bóng, trong nắng như cũng có hơi nước lóng lánh.
Xe chạy lướt trên con đường trải nhựa liên hương nối các xã Xuân Phú – Xuân Tây thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Gió nhẹ mang hương lúa, hương ngô phả đầy mặt. Hít căng lồng ngực không khí trong lành buổi sáng, tôi cảm nhận cuộc sống làng quê đã thực sự hồi phục, đã xóa nhòa dấu vết dịch bệnh, khó khăn, rào cản giãn cách…
Không gian trải dài thênh thang những nắng. Hai bên là cánh đồng bắp ngô vụ 2 đang trổ cờ. Xen kẽ những vạt lúa con gái mướt mát. Xa xa núi Chứa Chan như nét vẽ của trời đất tạo nên một vùng non nước thật thơ mộng.
Qua khỏi cánh đồng là khu ấp dân cư người đồng bào dân tộc. Ở đây có người Hoa, người Nùng, người Tày quần tụ đầm ấm chan hòa. Nhà nào cũng có mảnh sân nhỏ phơi nông sản cửa trước và chuồng trại chăn nuôi ở vườn sau.
Tôi dừng xe, hỏi thăm một chị đang đổ ngô hạt ra phơi trên mảnh bạt ven đường về thu hoạch hoa màu vụ 1. Chị nói năm nay trồng thí điểm giống ngô mới do chưa có kinh nghiệm nên chưa đạt năng xuất, nhưng vụ sau chắc chắn sẽ tốt hơn. Rồi chị nhiệt tình chỉ lối cho tôi tới nhà ông trưởng thôn người dân tộc Nùng gần đó. Chị bảo, cần biết thêm thông tin gì cô cứ hỏi Già Nùng – Bà con gọi trưởng thôn bằng biệt danh thân mật.
Mười lăm năm trước, nơi đây chỉ toàn đường đất. Sáu tháng mùa mưa, bao nhiêu lượt xe cơ giới vận chuyển nông sản, cày xới con đường thành những ổ gà, ổ voi… thành những cái ao to tướng, trơn nhẫy. Các phương tiện thô sơ khác như xe đạp, xe gắn máy đi lại rất khó khăn, không ngày nào không có người té ngã.
Khi mùa mưa dứt, lãnh đạo địa phương lại huy động bà con cùng khắc phục đường xá, cũng vẫn chỉ mỗi cách đổ thêm đất lẫn đá, san phẳng để dân đi lại. Nhẵn nhụi được mấy tháng mùa khô, thì lại phải chịu cái nạn bụi. Bụi thôi rồi, những mái nhà hai bên đường phủ một màu đất đỏ quạch. Mỗi lần ô tô chạy qua, người sau không nhìn thấy người trước, quần áo như nhuộm một màu gạch non.
Bây giờ nông thôn từng ngày đổi mới, đường xá trải nhựa, bê tông sạch sẽ dẫn tới tận các con hẻm. Nhà xây kiên cố đã thay thế nhà tranh mái lá. Chợ búa, trường sở khang trang sạch đẹp. Đang nghỉ hè nên tôi không được thấy cảnh các em tới trường. Ngày xưa có khi chỉ vì mưa gió lầy lội, các em đi học té ngã lại phải quay về. Nghỉ mất buổi học là thường.
Mỗi năm cứ tới dịp Trung thu, tôi luôn trăn trở nghĩ đến các em nhỏ nơi vùng sâu vùng xa, không được phá cỗ trông trăng, mà thương, mà buồn. Tháng tám âm lịch là tháng mưa dữ dội nhất trong năm. Rất hiếm khi miền Đông Nam bộ được ngắm trăng Trung thu. Bầu trời sũng những nước, ếch nhái kêu oàm oạp khắp vườn tược, suối khe.
Dừng xe trước cánh đồng đang trồng đậu nành, tôi chụp mấy kiểu ảnh. Thấy yêu thương quá quê hương đất nước mình, người dân mình.
Những cây đậu nành mơn mởn xanh, cao chừng hai gang tay người lớn. Hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Bà con nông dân ở đây trồng xen các loại cây họ đậu. Để sau khi thu hoạch hoa màu còn tận dụng thân cây ủ phân vi sinh. Cây họ đậu làm phân vi sinh tốt hơn tất cả các loại thân thảo khác.
Rẽ vào con đường bê tông xóm A, tôi đến nhà ông Tờ, người được dân ở đây gọi là Già Nùng. Ông đang bận ở một đám mừng thọ, thấy con trai gọi điện báo có khách, ông về ngay.
Già Nùng dáng thấp nhỏ, tuổi tác chừng ngoài sáu mươi, ông không già như sự hình dung của tôi. Gật đầu thay cho lời chào, chắc ông tưởng tôi đi quảng cáo, tiếp thị, hay vận động từ thiện gì đó…
Tôi theo ông vào nhà, ngoài trời đã nắng gắt. Dưới gốc cây xoài đầu cổng kê một chiếc phản cũ, hai con chó gầy rộc nằm gầm phản, vẫy vẫy đuôi mừng chủ. Chỗ này, chỗ kia trong sân là vài chiếc dép, vài miếng giẻ, vỏ bánh kẹo. Chái nhà có chiếc máy xới cũ kỹ,  lưỡi xới vẫn còn dính đất và cỏ.
Nhà Già Nùng khá rộng, nền nhà được lát gạch men. Giữa nhà kê bộ bàn ghế gỗ cũ, đối diện cửa ra vào là bàn thờ có dán những tờ lì xì màu đỏ giống như cách bài trí của người Hoa.
Không đợi mời, tôi ngồi xuống chiếc ghế phía ngoài sau khi Già Nùng đã an tọa ở chiếc ghế chéo góc. Cuộc sống vẫn luôn chuyển động và bao điều bất ngờ, cần tự chủ mọi tình huống không có trong kịch bản. Kịch bản cuộc đời đôi khi chỉ sai lệch một chút so với dự tính, đã khiến người ta tưởng là hư cấu…
Tôi tự giới thiệu tôi là tác giả thơ, muốn xin ông một vài thông tin về trẻ em dân tộc Nùng ở địa phương. “Để làm thơ à?”… Già Nùng ngỡ ngàng đặt câu hỏi, khiến tôi cũng bị bất ngờ… Giá ở hoàn cảnh khác chắc tôi đã phá lên cười. Có lẽ nhờ tự giới thiệu mình là tác giả thơ, nên khoảng cách giữa chúng tôi được gỡ bỏ. Trong mắt mọi người nhà thơ cũng như con trẻ…Già Nùng nghĩ, “thơ” chắc cũng giống điệu Sli, điệu hát lượn của dân tộc mình thôi…
Người Nùng dù ở bản làng nguồn cội hay tha hương, vẫn giữ thói quen sinh hoạt của họ. Người ngoài như tôi chỉ thấy họ giống nhau về sự u tịch, huyền bí… tưởng như họ thiếu văn minh, thiếu ngăn nắp. Nhưng nếu dừng lại lâu hơn để tìm hiểu, thì mới biết rằng sự “ngăn nắp” của họ không giống như cách nhìn của đa số chúng ta.
Ở bất cứ hoàn cảnh nào, tín ngưỡng, phong tục tập quán luôn được người Nùng giữ gìn, bảo tồn đời đời.
Sự ngăn nắp, trật tự còn do quan niệm của từng tập thể, từng bộ tộc, từng xã hội.
‘’Ở thôn mình hàng năm có tổ chức Tết trung thu cho các cháu không thưa Già?’’ Tôi lên tiếng phá vỡ sự im lặng. ‘’Nhà trường tổ chức thôi, thỉnh thoảng cũng có các đại diện của Cha xứ hoặc chùa chiền cho quà bọn nhỏ’’ Già Nùng thủng thẳng trả lời, mắt hướng ra ngoài sân chỗ hai con chó nằm trú nắng…Tôi hỏi sao xóm mình không chung nhau một cái quỹ để mua quà cho các cháu trông trăng, rước đèn vào đêm rằm Tháng tám?… Ông nói không ai để ý việc này, trẻ nhỏ dân tộc Nùng không có ngày Tết riêng, ‘’Bọn nhỏ ăn Tết cùng người lớn là được mà’’.
Già Nùng kể tiếp, xóm ông hơn 50 gia đình lập thành một Hội hiếu. Nhà nào có việc ma chay thì cả Hội tập trung lo, từ lúc bắt đầu dựng rạp, nấu cỗ cúng, đào huyệt mộ…tất tần tật… cho tới khi người mất mồ yên mả đẹp. ’’Chứ ở vùng sâu, vùng xa, có phải cái gì cũng nhờ dịch vụ được đâu?’’ Câu chuyện của chúng tôi có phần thoải mái hơn. Người dân tộc sống với nhau thật ấm áp, quây quần. Tự nhiên tôi có cảm giác rất yên tâm, y như đang được sống cùng thôn xóm của ông vậy.
Rời nhà Trưởng thôn A, tôi tiếp tục cuộc hành trình về xã Xuân Tây. Bóng nắng đã lên đỉnh đầu, không khí oi nồng, trời ủ gió cho trận mưa chiều đây. Kinh nghiệm bao năm đoán mưa, đoán nắng, tôi học được của những người nông dân tương đối chính xác. Sinh trưởng ở thành phố cảng miền Bắc, tôi đã trở thành một phụ nữ nông dân Nam bộ y hệt, sau 30 năm ‘’bới đất vặt cỏ’’ thở hít khí trời nơi này, chứng tỏ tình yêu đất đai đã thấm vào máu thịt tôi lúc nào không biết.
Tôi giống phụ nữ miền Đông Nam bộ từ cách chạy xe gắn máy, khoác chiếc áo dài tay chống nắng chỉ cài một nút trên cùng, để tà bay phấp phới, đến cách mua bán không kỳ kèo thêm bớt, nhất là cách nhìn mây, nghe gió để đoán mưa, đoán nắng…Tôi yêu mến con người nơi này bởi sự chân thật, hồn nhiên, nhân hậu. Nhớ ơn một bà mẹ cho gia đình tôi ở nhờ khi mới vào lập nghiệp, bà nhường cho chúng tôi từ chiếc giường ngủ, đến chỗ đun nấu. Thời gian đó ai cũng khó khăn, thế nhưng bà vẫn vét những hạt lúa còn rất ít ỏi của mùa vụ để giúp người hàng xóm khổ hơn. Tôi tin môi trường sống ảnh hưởng đến tính cách của con người rất lớn. Nhưng để chắt lọc được những điều trong lành cho mình, lại nhờ sự giáo dục của cha mẹ và thầy cô.
Ghé vào quán nước mía ven đường, tôi gọi một ly cho mình, chị bán hàng niềm nở chào đón, rồi lau dọn bàn bên cạnh sau khi một tốp khách đứng lên đi khỏi. Đó là những người chuyên thu mua cây vườn đã già cỗi hết tuổi thu trái, để đưa vào nhà máy chế biến gỗ. Họ qua bên kia đường là bãi tập kết, tiếp tục bốc những khúc cây điều, sầu riêng, và các loại cây tạp đã được cắt gọn gàng lên chiếc xe tải chờ sẵn. Đám đàn ông trung niên to khỏe, họ vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ, phá tan cái nóng hầm hầm báo hiệu trước cơn mưa lớn.
Nhớ hồi gia đình tôi chuyển vào vùng đất này lập nghiệp, tất cả đều khác với quê hương tôi, từ khí hậu thời tiết cho đến thói quen sinh hoạt vùng miền. Nhưng mọi người trong gia đình tôi đã nhanh chóng thích nghi môi trường mới, cũng nhờ người dân nơi đây rất gần gũi, đùm bọc. Khí hậu trong lành, mưa thuận gió hòa, không có mùa đông khắc nghiệt, mùa hè đổ lửa, tốt cho người già và con trẻ. Mẹ tôi nói, nghèo ở đây đỡ khổ hơn ở ngoài quê, không nóng quá, lạnh quá, không phải lo quần áo ấm mùa đông, rau thì trồng được, chăn nuôi con vật cũng ít bệnh, nhà tranh mái lá cũng không lo bão… Thiên nhiên ưu đãi nên con người ai nấy vui vẻ, không xét nét hà khắc với nhau. Bà khuyên tôi chuyển vào sinh sống sau chuyến đi Đồng Nai thăm bạn của bà, bà đã yêu ngay mảnh đất nắng gió này.
Tôi rời quán nước mía đi tiếp. Vào tới chợ Xuân Tây ghé quán cơm bình dân cũng vừa kịp lúc mây đen kéo tới. Mưa sầm sập rất nhanh, không khí thay đổi hẳn, mát rượi những hơi nước, ngoài đường nhiều người khoác áo mưa chạy xe như không có chuyện gì xảy ra, những người nông dân quen mưa, quen nắng, cảm giác như họ chính là thiên nhiên, hồn hậu, trần trụi và trong sáng.
Người dân bên xã Xuân Tây- huyện Xuân Lộc phần nhiều là người miền Bắc, Trung, Nam di dân sau 1975. Và cả người Hoa, người Nùng, người Tày… Dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, làm các nghề phụ và chăn nuôi. Đa phần trồng lúa và hoa màu, không trồng cây ăn trái lâu năm nhiều như các vùng lân cận Long Khánh, Bảo Bình, Xuân Định…
Ngày trước thanh niên đến tuổi lao động tìm đường lên thành phố kiếm việc làm, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Lễ tết mới về đông đủ, ngày thường thôn xóm vắng hiu, buồn tẻ. Bây giờ các khu công nghiệp về ngay tại xã, tại huyện, việc tìm người chứ không còn cảnh người tìm việc nữa. Sáng- chiều giờ cao điểm đông đúc người đi làm, đi học, chợ búa buôn bán sầm uất, nhà cửa xóm thôn thay đổi đến không nhận ra…
Mới giữa tháng bảy âm lịch mà khắp các ngả đường đã bày bán lồng đèn giấy, lồng đèn nhựa, đủ màu sắc lung linh. Những cửa hàng bánh Trung thu đầy ngồn ngộn… Dọc đường về nhà, tôi chạnh nghĩ tới các em nhỏ nhà nghèo người dân tộc. Nghĩ tới những đêm Trung thu mưa tầm tã, nghĩ tới lời Già Nùng nói bọn nhỏ ăn Tết theo người lớn là được rồi…
Chúng ta những người lớn đã sống cùng bao điều chân thật, biết trân trọng sự thật, nhưng sao ta không trao những giấc mơ đẹp cho tuổi thơ các em? Như cách các em vẫn ước mơ, như trò chơi đồ hàng của các em vậy…
‘’Ngắt một nhánh dạ hương
Giả làm trăng tháng tám
Con cái quây trên giường
Đèn vỏ lon cũng sáng…’’
(Trung thu ở miền Đông Nam bộ - Trần Thị Bảo Thư).
17/8/2022
Trần Thị Bảo Thư
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...