Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Giấc mộng của lão Chủ

Giấc mộng của lão Chủ

Tiết Lập Đông, đám con cái của lão Chủ họp nhau lại, mua ít lòng lợn, cổ hũ về làm bữa chén. Chúng nó chủ định tụ họp là để bàn việc qua tết sang xuân tới, làm lễ khao thượng thọ cho lão. Đến ngưỡng tuổi này, ngày trai trẻ có nằm mơ lão cũng không dám nghĩ. Kiếm ăn từng bữa, hai tay vặt đút miệng chẳng đủ, ước ao lớn nhất là được no bụng, khổ nhục trăm bề, làm sao dám nghĩ đến ngày con đàn cháu đống, nhà cao cửa rộng, hưởng phúc dương gian đến chừng này cơ chứ.
Lão bảo: "Khao làm gì... Tao đã chín mươi đâu mà khao thượng thọ... không khéo lại mang tiếng với làng xóm cũng nên". Thằng Điền, con trai thứ của lão Chủ, làm cán bộ xã, bảo: "Thầy cứ để chúng con. Ở xã này, mấy ông bí thư, chủ tịch đều đã làm lễ khao thọ cho cha mẹ họ cả, con dẫu không bằng họ, nhưng nhà mình đông con nhiều cháu, cha mẹ chỉ có một, kinh tế cũng khá giả... Thầy phải cho chúng con ngẩng mặt với làng xóm, bằng anh bằng em chứ... Ai đâu nhớ tuổi thầy, mình nói sao nên vậy. Đành rằng, thêm mấy tuổi nữa mới là thượng thọ... nhưng ngộ nhỡ... thầy tạch trước,... phỉ phui cái gở... Nhà mình cứ khao trước, nếu trời cho thầy  đến ngưỡng ấy, thành người cao tuổi nhất làng, có mà cả làng phải làm lễ cho thầy, chứ đâu đến phần con cháu". Bụng nghĩ, nó nói cũng phải, song lão ngại, bản tính căn cơ hà tiện trong máu, sợ tốn kém là chính. Vợ lão đoán được bụng lão, thủng thẳng bàn góp: "Thì ông cứ để cho chúng nó làm... Tốn kém là bao, mà chúng nó góp vào... Tôi đàn bà con gái, không cần... Còn ông là trụ cột nhà này... ông không nghĩ đến mình, nhưng cũng phải để con cháu nó mát mặt với hàng xã chứ!...". Lão im lặng hồi lâu, nói dỗi: "Thây kệ nhà các anh các chị, muốn làm gì thì làm... Giờ tôi già lão, mất thiêng rồi, nói gì cũng có ai nghe đâu". Cả nhà ồ lên, vui vẻ lắm, chén chú chén anh, rượu vào lời ra, bàn tán xôm lắm. Lão buông đũa, ra bàn nước, làm điếu thuốc lào, lo mơ phả khói, như bỏ ngoài tai lời bàn của vợ con...
Nhà lão là dân ngụ cư ở làng Đặng này. Ông nội lão từ xứ khác phiêu bạt đến đây làm mõ làng. Ngụ cư đã lép vế, thêm nghề mõ là xuống tận đáy rồi. Lão không nghe ai nói về bà nội mình, chỉ biết khi đến làng này, ông nội mang theo cha lão, khi ấy mới còn trẻ con. Rìa đình làng, giáp bờ sông, có một thẻo đất hình dải khoai ngứa, có mấy cây vối um tùm, làng cho phép ông nội lão làm một nếp nhà gianh, chỉ hơn túp lều chút, ở cho tiện lo công việc của làng, điếu đóm các cụ dịp đình đám. Có chỗ chui ra chui vào, tránh mưa nắng, là may mắn rồi. Cha lão, thân thể yếu ớt, lại mắc tật nói ngọng, lớn lên chẳng lấy được vợ. Vậy mà, chẳng ai để ý, loắng ngoắng thế nào, có cô gái dở hơi ở làng bên, đến tận nhà trả con. Cha lão ú ớ, ngọng ríu lưỡi, mặt xanh như đít nhái, xua tay lia lịa, cố đẩy cô gái dơ hơi bế đứa bé ra khỏi cửa. Cả hai mẹ con đều khóc. Cô gái dở hơi tay bế con tay bứt tóc ngào ngào. Đứa bé oe oe rồi toét miệng cười. Ông nội lão, bế lấy đứa bé nhìn mặt, vạch tã thấy cái chim thây lẩy, bảo cô gái: "Đưa đây, ta nhận cho". Cô gái dở hơi nín khóc, cười nhệu nhạo, sung sướng bỏ về. Lúc ấy, ông cụ mới bảo cậu con: "Con cái là của trời cho... lại là thằng cu... thật phúc nào bằng... Không lấy vợ mà lại được con... Nhìn này, cái trán dô, cái cầm lẹm này, đúng là của nhà này rồi, con ơi...". 
Chuyện ấy, là mãi về sau, khi ông nội lão già yếu, kể lại cho nghe, khi chỉ còn hai ông cháu sống với nhau. Thằng bé con ngày đó, chính là lão Chủ bây giờ. Còn cha lão yểu mệnh, sống lay lắt, đến trông con cũng chằng xong. Ngày nhỏ, bị cha bỏ mặc, cứ lê la đất cát, tha thẩn tự chơi, cho đến khi lớn một chút thì người cha qua đời...
Nhà có hai ông cháu với nhau, rau cháo qua ngày. Ông nội làm mõ, là Mới ông, cha lão tuy chưa một ngày làm mõ nhưng làng cũng gọi là Mới con, và lão ngày bé được làng gọi là Mới cháu. Ông nội bận việc làng cả ngày, Mới cháu tự lớn, tự chơi. Nó người quắt, nhưng rắn ròi, mạnh bạo. Thấy đám trẻ làng chơi với nhau, nó đứng xem rồi nhập vào lúc nào không biết. Khi lũ trẻ làng phát hiện, đuổi thì nó ra, nó lì ra đấy, bọn trẻ cũng thôi. Song cũng vì cái tinh mạnh bạo, gan lì đó mà nó nhiều lần một mình ẩu đả với đám trẻ làng đến bầm dập tả tơi. Mỗi lần bị đánh vậy, nó bặm môi nén khóc, về nhà, khi ông nội rửa ráy, chăm các vết thương, nó vẫn không khóc, bảo ông: "Có ngày, cháu sẽ cho chúng nó trắng mắt ra...". Ông nó bảo: "Thôi đi, cháu ạ... đâu có ai thương đến những người nghèo hèn như nhà mình, hở cháu?... Cứ nhịn đi cho nó lành... Đời ông với cha mày, nhục lắm,... Dưng mà, gia tài ông còn mỗi mình mày... Ngộ nhỡ ra thì mất giống à...". Nó ngước nhìn, ông nó quệt tay, như chùi nước mắt đọng trên da mặt nhăn nheo, khắc khổ...
Thế rồi, làng xóm cũng đâu có được yên. Các cuộc săn lùng, vây bắt của lính triều đình và lính Pháp với những người hoạt động cách mạng xảy ra thường xuyên nên việc đình đám ở làng cũng thôi, ông nội nó mất việc. Ruộng không có một tấc, lấy gì mà đút miệng đây. May mắn cho nhà nó, trong làng có nhà cụ Đồ Sinh, gia đình giàu có nhất mực, ruộng vườn nhiều, đã nhận ông nội nó vào làm thuê, chuyên việc chăm sóc ao vườn, vậy còn đường sinh nhai. Nghe nói, nhà cụ Đồ Sinh vốn dòng thi thư, trước đó cũng chỉ thuộc tầm trung, kể cả lúc cụ Đồ còn sống, mở lớp dạy chữ Nho, chỉ từ khi ông Phúc, con trai cụ Đồ, bỏ chữ Nho ra Hà Nội học tiếng Tây, rồi theo nghề thiết kế xây dựng gì đó, bốc lên nhanh, đã bỏ tiền cho bà cụ Đồ mua điền thổ ở làng, mới thành giàu có nhất vùng. Ông Phúc mua trương thêm được vườn tược của mấy nhà bên, mở rộng thổ đến gần mẫu ruộng, rồi cho xây một ngôi nhà Tây ở giữa, to đẹp, sừng sững giữa làng. Cu Mới thi thoảng bám đũng quần ông nội được vào khu dinh thự nhà vườn của gia đình cụ Đồ SInh. Nó chỉ quanh quẩn ngoài sân vườn, nhìn ngôi nhà Tây thèm muốn lắm, nhưng sợ không dám bén mảng vào xem. Theo ông nội, nó được no bụng bởi ăn hoa quả rụng trong vườn, thi thoảng vớ miếng cơm cháy to tướng...
Nạn đói năm Ất Dậu, người ăn xin rạc rài đầy đường, chết đói đầy chợ. Nó còn nhỏ những cũng đủ hiểu, may cho ông cháu nó, được nép mái hiên nhà giàu nên còn có miếng ăn, chứ không thì đói rã họng, chết còng queo rồi cũng nên. Một hôm, người em gái bà cụ Đồ Sinh, dắt đến nhà một đứa bé gái chừng năm tuổi, quần áo nhếch nhác bẩn thỉu, nhưng có khuôn trắng xinh, nói là nhặt được con bé ở chợ, đói lả khóc bên xác bố mẹ chết đói, bảo mang về cho cụ Đồ nuôi làm phúc. Kể từ hôm đó, nó có bạn chơi. Nhà cụ Đồ Sinh đặt tên con bé là Lúa. Con Lúa kém nó dăm tuổi, khi được ăn no, quần áo sạch sẽ vào, trông kháu khỉnh phết. Chiều chiều, mỗi đứa một chiếc chổi tre, tha thẩn giúp ông nội nó quét lá vườn vun thành đống. Nó luôn tỏ vẻ đàn anh, để ý chăm sóc con bé, giúp việc nặng và hễ hái lượn được quả gì ngon ngon trong vườn, đều dành cho cái Lúa, nên con bé cũng quấn nó lắm.
Cuộc sống có vẻ yên bình với nó ngắn ngủi, lại xáo trộn bởi cách mạng thành công. Không khí xã hội mới tưng bừng lắm. Ông Phúc, con trai cụ Đồ Sinh từ Hà Nội về quê, làm cán bộ của chính phủ lâm thời ở làng. Xã hội mới là xóa bỏ bóc lột nữa, ông Phúc phải làm gương, nên bà Đồ thôi không thuê ông nội nó nữa. Nhưng mà, không làm thuê thì đi làm việc gì. Thà làm thuê con có công xá, có miếng ăn. Cách mạng ở đâu đâu ấy, chứ với ông cháu nó thì chưa thấy lợi lộc gì, ngoài cái khí thế hừng hực ở hàng xã, hàng tổng... Nghe nói, chính phủ mới còn chẳng có tiền tiêu, nữa là dân chúng. Với nó, không được ở nhà cụ Đồ, là không được tầm hoa quả chín, không được miếng cháy to, và chẳng được chơi với cái Lúa. Vậy thôi.
Cách mạng rồi, nghề mõ làng cũng mất, không làm thuê cho nhà cụ Đồ thì ông nội nó đành vơ bèo vạt tép, mò cua bắt ốc, hễ ai thuê mướn việc vặt gì cũng làm tuốt, miễn là có chút công xá. Rồi lại kháng chiến, cán bộ chính phủ đi tản cư, lên chiến khu hết. Nghe nói, ông Phúc mang cậu con trai đi tản cư mãi đâu mạn Bắc Giang. Tây càn về làng, đóng quân ở lại, chúng lấy ngôi biệt thự Tây của nhà cụ Đồ Sinh làm căn cứ đóng quân, nên bà cụ Đồ, vợ và con gái ông Phúc, cả cái Lúa dạt vào nhà họ hàng ở cuối làng ở đậu. Làng thành làng tề, mọi người ngại ra đường, nhưng nó chẳng thấy ngại. Thân phận con cháu nhà mõ, bần hàn, lao lực kiếm miếng ăn thì có gì mà phải sợ. Ông nó dặn nó, chớ có chạy lông nhông, ngộ nhỡ ra làm sao thì khốn, nhà có mỗi mống. Khi quân Tây rút đi, chúng chôn mìn giật nổ, phá tan tành ngôi nhà Tây của nhà cụ Đồ. Thỉnh thoảng nó ngang qua khu nhà vườn của cụ Đồ, nhìn ngổn ngang gạch ngói, cây cối xơ xác thì thấy tiếc lắm. Chẳng gì ông cháu nó cũng từng trú ngụ ở đấy. Nó thèm những ngày được ăn no mặc ấm, được chơi với cái Lúa trong khu nhà vườn ấy. 
Một lần đi tiếp tế cho chồng con trở về, vợ ông Phúc bị đắm đò, chết đuối, tìm mãi mới thấy xác, chôn tạm ở xứ người. Không lâu sau, nhà ông Phúc lại gặp họa, cậu con trai bị chạy nọc sởi  thành thương hàn mà mất ở chỗ tản cư. Nghe nói ông Phúc buồn phiền suy sụp vì mất vợ con, bỏ về thành phố, tiếp nghề xây dựng gì đó, cho đến khi làng quê tạm yên, mới về cho dọn dẹp khu nhà vườn đổ nát. Rồi ông Phúc gượng dậy cho xây ngôi nhà ngói năm gian, kiểu nhà đại khoa cửa bức bàn. Khu nhà vườn của cụ Đồ có sinh khí trở lại. Bà cụ Đồ cho gọi ông nội nó đến, thuê làm một số việc, vậy là nó lại có cơ hội ra vào nơi đây. Giờ thì nó lớn nhiều, tính tình cũng thay đổi, bớt nghịch ngợm, chăm giúp đỡ ông hơn. Cái Lúa phổng phao và lộ rõ nét xinh. Công việc va chạm hàng ngày, hai đứa vẫn thân nhau, nhưng có phần ý tứ hơn. Không rõ cái Lúa thế nào, chứ nó thì thích cái Lúa lắm, kiểu thích của trai gái dậy thì ấy,... 
Có lần, ông nội nó bảo: "Ông ngẫm ra... như là kiếp trước, nhà mình và nhà cụ Đồ nợ nần gì nhau ấy, nên kiếp này hai nhà cứ nhú dính vào nhau,...  nhà mình thân phận mõ nghèo hèn, còn nhà họ giàu có nhất đẳng...". Nó nghe không mấy hiểu, ngây ngô: "Thế cái Lúa có phải là con ông Phúc không?... Con nuôi ấy". Ông nó ừ à. Nó gặng: "Ngộ nhỡ... nhà cụ Đồ có chê nhà mình là không môn đăng hộ đối không, ông?". Ông nội nhìn nó, nói như mếu: "Ừ, cháu đã lớn rồi... Ông không biết nữa... Thương mày quá... Ta già yếu quá rồi... Giá trời thương, cho sống đến ngày cưới cho mày con vợ, thì xuống địa ngục có phải chịu đày đọa gì cũng cam lòng, cháu ạ". Lâu lắm rồi, nó mới thấy ông nội nó khóc, kể cả lúc bố nó chết. Sau đấy, ông nội nó yếu đi nhiều, nó thay ông đảm đương hầu hết công việc thuê mướn bên nhà cụ Đồ... 
Nhà cụ Đồ Sinh có niềm vui, ông Phúc lấy vợ kế. Người vợ kế của ông Phúc con nhà gia giáo, mỏng mày hay hạt, tính tình hiền thục, nhưng con đầu lòng vẫn con gái. Vậy là nhà cụ Đồ vẫn chưa có cháu đích tôn nối dõi tông đường, song bà kế còn đang tuổi sinh nở, lo gì. Bà Nhu, vợ kế ông phúc làm ăn buôn bán ở phố, thi thoảng mới về quê, ngó ngàng qua chút, vì bà không mấy thạo việc nhà nông. Ruộng vườn ở nhà vẫn do bà cụ Đồ và cô con gái của bà cả trông nom. Bà cụ thì già yếu, cô cháu gái lại đoảng, nên bà cụ Đồ hay nhờ nó chạy việc ngoài đồng giúp. Ruộng chủ yếu vẫn phát canh thu tô, nên chỉ cần trông nom quán xuyến thôi. Vì được bà cụ Đồ tin cậy giao việc chân chạy ngoài đồng, nên thỉnh thoảng nó lén rủ cái Lúa cùng ra đồng. Cái Lúa chủ yếu việc nhà vườn, mỗi khi được nó rủ thăm đồng thì thích lắm. Nhìn cái Lúa lớn mẩy từng ngày thành cô gái xinh xắn, nó thầm ao ước, một ngày kia, xin cưới cái Lúa làm vợ, được bà cụ Đồ đồng ý, cho thêm miếng ruộng làm của hồi môn. Chỉ cần vậy thôi, nó sẽ tự biết cách làm này nở sinh sôi cuộc đời nó rồi. Trên đời này, ai chẩng muốn giàu sang phú quý, vậy thì, giấc mộng "đa đinh phú túc" của nó, dẫu con cháu nhà mõ, có gì sai đâu?... 
Tin quân ta thắng Tây ở các mặt trận rừng núi cũng về đến làng. Người ta bàn tán này nọ, nó nghe thì biết vậy, chứ nó bận đến tối tăm mắt mũi, vừa lo công việc đồng áng cho nhà cụ Đồ, vừa phải lo cơm cháo chăm ông. Ông nó yếu lắm, ngày nhệu nhạo nuốt vài lưng cháo. Nó lo ông nó khó qua khỏi, bởi mỗi ngày mỗi yếu. Bà cụ Đồ là người tử tế, đưa cho ít tiền, bảo cắt mấy thang thuốc bắc để ông nó tẩm bổ. Chưa hết, người đàn bà dở hơi làng bên, người đã sinh ra nó, bệnh tật mà chết. Đã có lần nó hỏi đến mẹ đẻ, ông nó kể qua loa. Nó gặng, sao mẹ nó không ở cùng, thì ông nó bảo, mẹ nó dở người, còn gia đình bên ấy, người ta cũng không muốn dây với nhà mõ, nên cắt đứt quan hệ. Nó cũng không hề lai vãng gì đến gia đình bên người đàn bà đã đẻ ra nó. Nhung nghĩa tử là nghĩa tận, ông nội nó bảo: "Dẫu người ta không nuôi mày ngày nào, nhưng có công mang nặng đẻ đau... nay người ta mất, cố sửa lấy cái lễ đến viếng người ta... là giữ lấy lễ nghĩa ở đời, cháu ạ...". Nó nghe lời, làm như ông bảo, bên nhà ấy cũng có vẻ hối lỗi việc đã bỏ rơi nó ngần ấy năm trời... 
Chiến thắng Điện Biên vang dội. Thế là từ nay không còn sợ lính Tây, lính tề nữa. Chính phủ kháng chiến từ rừng núi đã về thủ đô, nước nhà đã hòa bình. Song khi niềm vui xã hội mới còn chưa lắng xuống, thì một bầu không khí nặng nề lại bao trùm lên làng xóm. Người làng bàn tán, nghe đâu trong kia, người ta đã triệt địa chủ rồi. Nó nghe lỏm, xã hội mới sẽ không dung thứ những nhà giàu có, vì họ giàu lên là do bóc lột sức lao động của người nghèo. Vậy là nhà bà cụ Đồ Sinh cũng là địa chủ mất, bởi có bao nhiêu ruộng đất. Nó nghĩ, bà cụ Đồ tốt bụng là thế, lại sống tằn tiện, tương ủng cà meo nếu còn ăn được thì không đổ bỏ bao giờ, chỉ mỗi tật già khó tính, hay lằn nhằn, chứ không nỡ hại ai bao giờ. Bà Như, vợ kế của ông Phúc, thôi việc buôn bán ở thành phố, về làng trông nom ruộng vườn, thấy cũng xởi lởi tốt bụng. Nhà ấy, chỉ mỗi chị Loan, con gái bà vợ cả của ông Phúc là  lười, tính nóng, hay to tiếng nọ kia, chứ thực ra cũng diện nhẹ dạ. Thực lòng, nó không ghét ai trong nhà bà cụ Đồ cả, thậm chí, nó còn lo, nếu nhà ấy bị tịch thu hết gia sản, ruộng đất, thì nó mất việc làm, lại đói rã họng.
Nhưng rồi, sự việc ập đến. Trước hết, là việc cưới xin của chị Loan, nghe nói đã có người dạm hỏi, sêu lễ mấy năm rồi, nhưng vì anh này đi bộ đội Cụ Hồ, tham gia chiến dịch Điện Biên, nên chưa cưới. Chiến thắng Điện Biên, anh ta về quê, nhưng từ hôn chị Loan, nghe đâu biết nhà vợ chưa cưới sẽ bị quy địa chủ, sợ thành phần xấu, nên chạy làng trước cho đỡ bị liên lụy về sau. Bị từ hôn, chị Loan bực tức, làm mình làm mẩy, trút giận lên bà cụ Đồ và cái Lúa. Cái Lúa đã lớn nhiều, bị vạ lây nên cãi lại, khiến chị Lúa tức quá, vớ cán chổi, quất mấy cái vào mông cái Lúa. Cái Lúa khóc, bỏ nhà bỏ ăn, Nó thương cái Lúa, đi tìm và dỗ dành, khuyên về nhà. Cái Lúa hậm hực bảo, rằng có ngày sẽ trả thù chị Loan. 
Hết giảm tô, đến cải cách ruộng đất. Làng xã rối tung rối mù. Nó và cái Lúa là thành phần cốt cán ở làng, nên cán bộ cải cách từ trên cử về, triệu tập cả hai đứa vào diện những người cốt cán. Nghe cán bộ thảo luận, nó biết nhà bà cụ Đồ Sinh sẽ bị quy địa chủ. Nó thấy thương, đắn đo, bứt rứt việc có nên ngầm báo tin cho bà cụ không, nhưng rồi giữ đúng nguyên tắc của tổ chức nên thôi. Tham gia tổ chức, nó vui lắm, nhất là việc được cán bộ cấp trên đặt tên cho. Anh cán bộ hỏi tên, nó nói tên là Mới cháu, thì anh cười khoái chí, vỗ thật mạnh vào vai nó bảo: "Đồng chí, từ nay tên của đồng chí là Chủ. Xã hội mới của chúng ta, mọi người dân, ai cũng là chủ. Nay đặt tên cho đồng chí là Chủ, để khẳng định vị thế của mọi công dân trong chế độ mới, để đồng chí ghi nhớ công ơn của cách mạng đem về cho  đồng chí sứ mệnh và quyền lợi là được làm chủ xã hội. Đồng chí hãy quên cái tên Mới đi. Trong xã hội dân chủ của chúng ta, không còn nghề mõ, giờ đây, bất kể nghề nghiệp gì cũng đều vình quang như nhau...". Nó nghe như nuốt từng lời của cấp trên, cảm động rưng rưng. Nó ghi nhớ, từ nay, tên nó là Chủ.
Giữa những ngày sôi sục ấy, ông nội của Chủ mất. Ốm yếu lâu ngày, ông nó như ngọn đèn hết dầu thì tắt. Thương ông lắm, chẳng được mấy ngày sung sướng, dẫu sao, ông nội cũng biết được ngày đất nước độc lập, biết nó không còn mang cái tên Mới từng đeo đẳng mấy thế hệ nhà mình. Lời trăng trối của ông nội nó: "Từ rày, mày không còn phải mang thân làm mõ nữa, cũng không lo phải làm thuê ở đợ nữa... cháu à...Ông nhắm mắt cũng yên lòng". Đám ma ông nó, làng xóm hỗ trợ theo sự chỉ đạo của cấp trên, và đây cũng là đám ma đầu tiên ở làng làm theo tinh thần của xã hội mới, văn hóa mới. Bà cụ Đồ không đến viếng, nhưng sai chị Loan mang đến ít tiền, gọi là chút lễ thắp nén nhang cho ông nội nó. 
Một hôm, sau buổi tập huấn, cái Lúa gọi Chủ ra vườn chuối sau trụ sở của Đội cải cách, rỉ tai, bàn cách trả thù chị Loan.  Khi ấy, cái Lúa đã gói ghém quần áo, bỏ khỏi nhà bà cụ Đồ, ra nơi ở chung của Đội cái cách rồi. Nghe xong, Chủ áy náy, thấy làm như vậy có gì ang ác, thật không phải với nhà bà cụ Đồ và cả chị Loan nữa. Nghĩ thế, song Chủ không nỡ trái ý cái Loan, và hai đứa cầm đầu cho một trò đùa ác ý. Chúng xúi lũ trẻ làng, đứng ngoài cổng nhà bà cụ Đồ, reo hò, réo gọi tên bà cụ và chị Loan, bảo là đồ địa chủ hại dân hại nước. Chị Loan tức quá, mở cổng, xồ ra đuổi lũ trẻ, thì lũ trẻ chạy túa đi, ngày lập tức, Chủ vào cái Lúa xuất hiện. Cái Lúa chỉ mặt chị Loan, mắng là dám dẫm chân, bước qua hình cờ tổ quốc. Lúc ấy chị Loan ớ người, nhìn xuống thấy dưới đất thấy có hình vẽ lá cờ thật, vừa giận vừa sợ, òa khóc, chạy vội vào nhà. Chủ thấy hối hận, trong khi cái Lúa vẻ đắc ý...
Hôm đấu tố, bà cụ Đồ bị một số người làm thuê tố là "hà tiện, bắt người làm thuê cùng ăn cơm nguội cà meo với mình", rồi mấy người họ hàng trước hay nhờ vả, thì tố là "nhận mua lúa non" mỗi khi họ thiếu thốn phải đến vay mượn. Cái Lúa lên đấu tố, gán chị Loan tội hay mắng mỏ, có lần cầm cán chổi đánh mình, còn với bà cụ Đồ, thì gán tội bắt phải quét hết lá  cây rụng cả cái vườn rộng, đến nỗi có người thương xót quét hộ. Chủ nghe cái Lúa tố hộ và khen mình tốt bụng thì ngượng hết cả mặt, lỉnh ra bên ngoài. Sau đó, bà cụ Đồ và bà Nhu, vợ kế ông Phúc bị đội cải cách dẫn giải giam vào chuồng trâu ở cuối làng. Mấy lần, Chủ lảng vảng gần nơi bà cụ Đồ và bà Nhu bị giam, tính hỏi han hoặc đưa chút gì ăn cho hai người, nhưng Đội canh gác rất chặt, nó sợ bị thấy, chỉ dám nấp kín nhìn vào thôi. Thực lòng, Chủ thấy nhiều người tố ép này nọ, chẳng biết đối xử với mọi người ra sao, chứ với ông cháu nó và cái Lúa thì đâu đến nỗi nào, nên thương cho bà cụ Đồ và bà Nhu. Rồi nghe nói, ông Phúc viết thư tay nhờ người quen mang về quê đưa đến Đội cái cách xin thoái tô. Đội đã cử người ra Hà Nội nhận tiền và thóc thoái tô, chở những mấy xe cam-nhông, nên hai mẹ con bà cụ Đồ được thả về nhà. 
Sau khi được thả ra ít ngày, thì bà cụ Đồ chết, nghe nói, bà cụ chỉ ốm xì xằng mấy hôm, rồi thổ huyết mà mất. Người làng đồn bà cụ uất ức vì chứng kiến nhiều người, trong đó cả họ hàng thân thích, trước đây toàn nhờ vả nhà mình, nay được thời nhảy lên điêu toa, vu oan giá họa cho bà cụ tội này nọ. Năm ấy mưa nhiều, đồng làng ngập nước, nên đám bà cụ Đồ phải chôn nhờ vào đất ruộng của người nhà ở làng bên. Người đưa đám thưa thớt vị sợ bị liên lụy. Chủ và cái Lúa xin với Đội giúp nhà đám với tinh thần tổ chức cử người hổ trợ. Chủ thương bà cụ Đồ và thấy tội nghiệp cho bà Nhu, con gái hàng phố ngơ ngác nơi quê chồng, vập mặt vào những ngày khổ ải, tủi nhục nhất. Đám ma bà cụ Đồ, mà ông Phúc, một người rất hiếu nghĩa, mà không dám về chịu tang mẹ. Người ta bảo, ông ấy sợ về thì bị Đội bắt giam, xử tội này nọ, bởi lúc ấy, đã có ông làm bí thư ở xã bên còn bị Đội xử bắn với tội danh phản động. Cái chết của bà cụ Đồ làm cái Lụa có vẻ ân hận. 
Tết năm ấy, rét rét là. Đêm ba mươi tết, trời tối đen như mực, lợi dụng lúc giao thừa mọi người mải cúng bái, Chủ trèo tường lẻn vào vườn nhà bà cụ Đồ, gọi bà Nhu, đưa cặp bánh chưng và một khoanh giò, bảo: "Cháu chỉ có vậy, mong bà nhận cho, thắp hương bàn thờ gia tiên và khấn bà cụ Đồ giúp cháu...". Bà Nhu cảm động lắm, trong bóng đèn chập chờn, nó thấy hình nhứ bà ấy khóc... Chủ cũng rân rấn, thấy ấm lòng vì làm được một việc phải đạo. Tết nhất, một mình, nó có bánh trái gì đâu, là mấy nhà hàng xóm nịnh nó, biếu quà tết và cái Lụa mang đến cho. Chẳng gì, nó là thành phần cốt cán, giúp việc cho Đội, oách lắm chứ, ối người muốn nịnh. Nó chỉ việc bớt ra, mang đến nhà bà Nhu. Nhớ lời ông nó vẫn dạy "một miếng khi đói hơn một gói khi no", nay nhà cụ Đồ hoạn nạn, chẳng ai đoái hoài, ông cháu nó ít nhiều mang ơn, có chút quà tết, mất gì đâu, lại được việc phải đạo...
Qua tết, bà Nhu ra Hà Nội, bỏ lại cơ ngơi ở quê. Tiếng vậy thôi, chứ đâu còn gia sản và ruộng đất. Đội tích thu hết ruộng đất, khu nhà vườn rộng ngót mẫu đất được chia ra gần chục  suất, trả lại một suất cho gia chủ, còn lại mang chia cho dân nghèo trong làng. Ngôi nhà lối đại khoa cũng bị dỡ bỏ, chia chác hết. Buồn cười, lúc chia quả thực, đồ đạc của nả nhà cụ Đồ được bày ra sân, cán bộ Đội cứ ang áng mà chia. Cái cối xay bột to tướng, Chủ nhường cái Lúa nhận thớt dưới, còn nó nhận thớt trên, bị sứt tí chút nhưng không hê hấn gì. Mọi người cứ cười trêu hai đứa, bảo mỗi đứa một thớt thì xay kiểu gì. Chủ thấy kệ, vì nó đã có chủ ý, người làng sao biết được. It lâu sau, vì có tình ý từ trước, Chủ xin cưới cái Lúa. Đám cưới theo văn hóa mới, đơn giản, kiểu như một buổi hội họp. Chủ nghĩ, thật may, cưới theo lệ làng cũ, thì lấy gì mà cưới. Thế là, hai cái thớt cối, đồ quả thực từ nhà cụ Đồ lại về chung một nhà. Lúc ấy, làng lại cười, là cưới thầm thôi, khen cho ý tứ và sự tính toán của Chủ. Cối to, xay được nhiều gạo, bột lại mịn, dùng xay bột làm bún thì nhất, nên vợ chồng chủ mang bán cho một nhà chuyên nghề làm bún, được một khoản tiền kha khá làm lưng vốn. 
Ở phố, vợ chồng ông Phúc sinh con trai, vậy là nhà ông ấy có người nối dõi tông đường, tiếc là đã tay trắng, chẳng còn gì để nhà ấy nối nghiệp giàu sang nữa. Chị Loan đi lấy chồng xa, về làm dâu một ông lái trâu khấm khá. Vợ chồng Chủ sinh con đầu lòng. Giấc mộng đa đinh phú túc ám ảnh Chủ, tủi nhục mấy đời không một tấc đất cắm dùi, làm nghề mõ, người ta cho một chỗ dựng lều ở tạm, giờ có nhà của mình. Cải cách, Chủ được chia một miếng đất vườn nhỏ, phía sau đình làng, nên đặt tên con là Thổ, ý là từ nay ta đây đã có thổ cư.
Yên hàn một thời, vợ chồng Chủ vẫn cảm thấy áy náy với gia đình cụ Đồ. Thực ra, khi sửa sai, Chủ biết là, việc đấu tố địa chủ ở làng có nhiều sai trái, với nhà cụ Đồ cũng vậy. Giờ thì chuyện cũng dần nguôi ngoai, là lúc sai có thể nhận lỗi, nên bảo vợ: "Nhà ạ... xem hôm nào, nhà ra Hà Nội gặp ông Phúc bà Nhu... xin lỗi ông bà ấy một lời... Hồi cải cách, nhà đã đấu tố bà cụ Đồ... Đành rằng khi ấy phải vậy, nhưng... nhà thử nghĩ lại... năm loạn đói... nếu không có gia đình cụ Đồ... thì nhà chết rồi cũng nên... Ơn ấy thật như trời bể...". Nghe vậy, Lúa chỉ ừ à cho qua, nhưng vài hôm sau, bảo đồng ý ra Hà Nội. Vợ chồng ông Phúc được lời như cởi tấm lòng, chuyện cũ cho qua. Chủ thầm nghĩ, ông Phúc là người có học, nên hiểu chuyện thời thế, còn với bà Nhu, thế nào bà ấy cũng nghĩ đến chuyện cặp bánh chưng và khoanh giò đêm ba mươi tết năm đó, Chủ dám mạo hiểm trèo tường vào nhà biếu...
Mọi chuyện tưởng vậy là xong, thì chiến tranh lại nổ ra. Mỹ mang máy bay ra bắn phá miền Bắc. Vợ chồng ông Phúc rời thủ đô về lại quê sinh sống. Khổ nỗi, lâm vào cảnh không tấc đất cắm dùi. Thế gian biến cải vũng lên đồi là vậy, từ chỗ vườn rộng nhà lớn, ruộng chiếm một phần ba ruộng làng thì nay lại tay trắng. Số là, miếng đất Đội cái cách trả lại cho gia đình, ông Phúc cho chị Loan, khi chị lấy chồng, chị đem bán đi, cẩm tiền về nhà chồng. Ông bà Phúc có bao nhiêu vốn liếng dốc ra mua được một được mảnh đất ở, vẫn thiếu nợ, phải vài năm sau mới trả hết, cất ngôi nhà tường đất mái rạ, ba gian hai chái. Không thạo việc nhà nông, nên cuộc sống của ông bà cùng mấy đứa con bạch diện học trò khá vất vả. Vợ chồng Chủ có cơ hội qua lại, giúp giập việc này nọ, xem như một sự trả ơn. Cuộc sống vất vả những năm chiến tranh, hai gia đình thường xuyên qua lại, giỗ tết, ít nhiều nương tựa vào nhau. Ông bà Phúc coi nhà Chủ như con cái, và vợ chồng Chủ mặc nhiên thế. Con cái ông Phúc việc ruộng đồng thì kém, nhưng học hành lại giỏi. Khi họ phương trưởng, người lập gia đình riêng, người thành tài ra lại phố lập nghiệp, cũng là lúc ông bà lần lượt ra đi. Mộ ông Phúc, bà Nhu để cả ở nghĩa địa làng. Vậy là ngôi nhà tường đất mái rạ trên mảnh đất khá rộng kề ngay trục đường làng lại bỏ không. Ai qua lại, nhìn ngắm mảnh đất địa thế thuận lợi là thế, mà phát thèm, sinh ý này nọ.
Cứ ba năm đôi, vợ chồng Chủ sòn sòn thêm năm đứa nữa, tổng cộng ba trai, ba gái. Thằng con cả là Thổ rồi thì hai thằng em là Điền và Trì, tức là ruộng và ao, còn mấy đứa con gái, theo tên mẹ là Lúa thì chúng là Gạo, The, Lụa. Tên như vậy, Chủ thấy cũng nhã, kiểu nhà có chữ nghĩa, mà nghe vẫn dân giã. Cả nhà tám người, con cái là của trời cho, với cách đặt tên như vậy, Chủ xem như mình có đủ ruộng vườn, ao chuôm, thóc gạo ăn, the lụa mặc, để mộng tiếp giấc mộng "đa đình phú túc"... Nhưng cái mảnh đất được Đội cải cách chia năm nào, tuy giữa làng, sau đình ấy, chật hẹp quá. Đành rằng con gái lớn lên đi lấy chồng, nhưng ba thằng con trai thì ở làm sao đây. Nhân một đợt làng giãn dân, Chủ xin nhường lại mảnh đất sau đình để làng chia cho người khác, nhận một miếng đất mới, vốn trước là ruộng nhưng ngay bìa làng, bị cớm tre pheo, và bị lợn gà trong làng phá phách, được chuyển đổi sang đất ở. Miếng đất này rộng gấp ba miếng đất cũ, mặt giáp dãy ao làng bên, mặt liền bờ mương thủy lợi. Chủ nhẩm tính, sau này ba thằng con lớn lên, không đi làm ăn đâu xa, ở làng bám đít trâu, thì chia làm ba, làm bốn chỗ đất ấy cũng ổn. Lão đã ngắm nghía chán rồi, ở đây lão sẽ lấn thổ dễ như bỡn. Nghĩ là làm, hàng năm, dịp cuối năm, mùa nước cạn, vợ chồng và mấy đứa con lớn của lão hì hụi xúc bùn ao, bùn phù sa từ lòng mương vật vào vườn nhà, cạp mép ao, nói cho đỡ lở nhưng thực chất là ngầm lấn đất ao. Nhà lão bìa làng, khuất lấp, mấy ai để ý, mà ai đó có thấy thì cũng thây kệ, là lão lấn đất công chứ thiệt nhà nào đâu. Chỗ đất lấn được, lão cấy khoai nước, trồng chuối, xanh um lên, vừa lợi vừa để phi tang... Xem ra, cuộc lấn đất công mở thổ của lão thành công mỹ mãn...
Đất vườn nhà lão phì ra thì người lão tóp lại. Lão vốn mình dây, lăn lộn làm việc chân tay từ bé nên như người luyện thành dẻo dai. Làm việc luôn chân luôn tay ban ngày, đêm lại phục vụ mụ vợ mướp đẻ đái dễ như lợn, người lão sắt đi, nhưng chẳng bệnh tật gì. Thằng cả khù khì, chăm chỉ, lấy vợ sớm. Thằng Điền thứ hai, tinh ranh, đến tuổi vào lính, đánh trận biên giới phía Bắc, may mắn không sứt mẻ gì, phục viên về, là đảng viên nên tham gia cán bộ xã. Ba con vịt giời, cố học hết cấp hai, ở nhà làm ruộng rồi lần lượt lấy chồng, đều sinh đẻ như lợn đàn, cho vợ chồng lão cả đống cháu. Riêng thằng cu út, lông bông, khó bảo, nghề ngỗng chẳng ra sao, chán chê, xoay ra mở quán thịt cày lại ổn. Lão thở phào sung sướng,
Giờ sống đến cái tuổi này, thôi cũng một lần chiều con, nhất là khi mụ vợ lão cùng đứng về phía chúng nó. Có lần, riêng hai vợ chồng với nhau, vợ lão thủng thẳng: "Ở cái làng này, ông và tôi thế nào, người ta biết cả. Nay nhà mình thế nào, người ta cũng biết cả... Mình cũng phải ngửa mặt lên với đời... Sống tới ngần này tuổi đầu, chẳng phải trời cho hay sao... Chẳng nhẽ, cứ đợi lúc xuống lỗ, con cái mới được làm ma to à?...". Ngẫm ra, vợ lão nghĩ phải. 
Lễ khao thượng thọ của lão Chủ hoành tráng như những gì vợ con lão muốn. Lần đầu tiên trong đời, lão không phải đứng ra chỉ huy, để mặc cho đám con tự lo. Lão xúng xính bộ quần áo, đội khăn xếp màu đỏ, giống nghi lễ thượng thọ người ta vẫn làm. Lũ con cháu lão xếp hàng trước ghế lão, lạy mừng chúc thọ. Trong lúc chúng nó rào rào chúc tụng này nọ, thì lão lại nghĩ đến ông nội và cha lão, thầm khấn họ về chứng giám cái gọi là phúc thọ mà các đấng sinh thành dồn lại cho lão hưởng, đầu óc lão âm âm câu dân gian "mấy ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời". Lão xúc động ràn nước mắt, thầm gọi tên ông và cha mình, thấp thoáng hình bóng ngôi nhà gianh như túp lều nơi vạt đất ven sông làng... " Ôi, ông nội khóc kìa", thằng cháu đích tôn của lão vô tình kêu lên, khiến lão bối rối...
Dăm chục mâm cỗ hết bay, khách khứa đủ thành phần. Cuối ngày, hạ rạp, con cháu trong nhà ngồi lại với nhau, vui mừng, hỉ hả lắm. Thằng cả khề khà "ở cái xã này chẳng kém bố con thằng nào", thằng Điền thì cao giọng "thầy u vui mà anh em mình cũng vui, vì ngẩng mặt lên với thiên hạ". Lão nghe, hơi khó chịu, ăn qua loa rồi ra bàn nước, xỉa răng. Lão vẫn có cảm giác bâng lâng, như người vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ dài. Chính lễ, phải tiếp khách, giữ lễ, xong việc rồi mới là lúc đám con cái chén chú chén anh. Rượu vào lời ra, thằng cả túy lúy, cười như ngây ngô. Còn thằng Điền, huyên thuyên một hồi, nhừa nhựa, hắng giọng mấy lần, bảo: "Thầy ơi... con mạnh bạo, xin thưa với thầy u... có mắng chửi, có đánh đập gì thì con xin chịu... Thầy u ngần này tuổi rồi... người già như chuối chìn cây ấy... Ngộ nhỡ...  phỉ phui cái ngộ nhỡ... sớm chiều gió máy...thì khổ...". Lão hiểu ngay, giả bộ không rõ: "Cái gì... gió máy?". Thằng cả say nhưng vẫn tỉnh: "Chú cứ quanh coì... xin gì thì thẳng tưng với thầy u...". Lão ngắt lời: "Anh em mày khó nói nhỉ. Lại chuyện đất cát chứ gì?". Thằng Điền reo lên: "Ôi thánh thật. Khôn đâu đến trẻ... Thầy thật là thánh!...". Lão mát mẻ: "Thôi, anh không phải nịnh tôi... Vợ chồng già chúng tôi biết thân biết phần rồi...". Thằng Điền cầu tài: "Thầy ạ, nhờ tài trí của thầy u, vườn tược nhà mình mở được thế này... Con và anh cả cũng đã lo được chỗ ở rồi,... còn mỗi chú út ở với thầy u. Ba chị em gái đi lấy chồng, nhà nào cũng cửa cao nhà rộng cả... Thiêu thì không, nhưng công bằng thì cần có... Theo luật thì tất cả các con bình đẳng, song lệ quê xưa nay, con gái về nhà chồng thì thôi... Thầy u xem, lúc còn minh mẫn, lập cái di chúc về đất cát... là tránh những phiền phức sau này...". Lão nín lặng, chiêu hớp nước trà, hiếng mắt nhìn vợ thăm dò, thủng thẳng: "Anh hai nói cũng có lý... để rồi vợ chồng tôi tính...". Được một lời của lão, đám con cái vui như bắt được của, hể hả tranh nhau nói. Rượu lại rót ra, dô vào dô ra, ầm ĩ...
Lão tựa người vào tràng kỷ, nhìn ra vườn cây mơ màng. Lũ con đâu thấu hiểu bụng lão, cũng vì tham đất cát mà vợ chồng lão lại thêm lần mất tình mất nghĩa với gia đình bà cụ Đồ Sinh. Trước khi mất, bà ra Hà Nội ở với con gái giữ cháu ngoại, nhà vườn bỏ không, nhờ vợ chồng Chủ trông nom giùm. Lúc thằng cả cưới vợ, chưa có đất ở, lão đánh tiếng cho vợ chồng nó ở nhờ, nói để trông coi cho tiện. Ở lâu, sinh thèm, không muốn đi nữa. Lão lại đánh tiếng muốn bà Nhu nhượng rẻ miếng đất ấy cho lão.  Không được, lão giận dỗi mất khôn, nói bóng gió xin lại cái mái ngói móc mà lão mới lợp lại vì mái rạ cũ dột nát. Lời nói ra, lấy lại không được nữa, sinh bất hòa. Hơn chục năm qua, lão bỏ giỗ ông bà. Tết nhất cũng không qua lại nhau. Tự thân, vợ chồng lão thấy phiền lòng... Ôi, cái giấc mộng đa đinh phú túc của lão đến bao giờ mới chấm dứt đây?... Cuộc đời lão, từ không mảnh đất cắm dùi, giờ nhà vườn rộng rãi, con đàn cháu đống thế này mà vẫn tham. Lại tham cả những thứ không phải của mình.... Lão chợt nhớ, lão xem trên ti vi, thấy người ta nói chuyện về một ông vua nào ở bên Tây đã mang đất nước của mình chia cho con cái, khi có được đất đai quyền lực rồi, lũ con bất hiếu ấy đuổi vua cha ra khỏi đất nước mình. Người ta chuyện thế là để răn đời thôi, chứ lũ con lão chắc không tệ bạc đến vậy...
Nghe người làng đồn, mấy anh chị em con ông Phúc bàn bạc, dự định xây ngôi thờ tự trên mảnh đất vườn hoang ấy, để lấy chỗ thờ cúng tổ tiên, ông bà, và nơi chốn đi lại?... Đây là cơ hội để vợ chồng lão sửa sai. Rồi ra, vợ chống lão sẽ ứng xử như thế nào cho phải đạo?
Lão Chủ ngợp đi trong ý nghĩ, như bỏ ngoài tai những ồn ào của bữa tiệc hạ rạp...
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...