Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Hãy hỏi người lớn

Hãy hỏi người lớn

Một trong những báo động đối với xã hội Việt Nam cho dù kinh tế đang phát triển và dân chủ đang mở rộng hơn bao giờ hết, đó là báo động về văn hoá đọc của trẻ em. Ai cũng có thể hình dung một đứa trẻ lớn lên mà không gắn với những cuốn sách thì sẽ như thế nào.
Trẻ em bây giờ không còn niềm đam mê đọc sách như những năm tháng trước kia. Hiện thực văn hoá đọc của trẻ em cho thấy: trẻ em thành phố không chịu đọc sách, còn trẻ em miền núi và nông thôn không có sách đọc. Những năm gần đây chúng ta đã có một số hoạt động với hy vọng tạo dựng một văn hoá đọc. Nhưng hình như các hoạt động đó vẫn chỉ như là một ví dụ mong manh hiện ra một hai ngày ở một vài nơi rồi lại chìm đi. Nó chưa trở thành một cuộc cách mạng.
Không ít người lớn kêu lên rằng: quá nhiều phương tiện giải trí trong thời đại 4.0 đã giết chết văn hoá đọc. Không đúng. Ở những nước khai sinh ra nền công nghệ số hoặc có những thành tựu công nghệ số rất lớn lại là những nước có nền văn hoá đọc đáng học hỏi như Mỹ, Đức, Nhật…
Lại có không ít người kêu lên rằng: đất nước ta còn nghèo thì việc ưu tiên là phát triển kinh tế, giàu rồi hãy tính việc đọc sách. Lại không đúng. Tôi đã dự hội chợ sách ở Cuba cách đây gần hai năm và tìm hiểu văn hoá đọc của người Cuba và nhận ra rằng sách không thể thiếu trong đời sống của họ. Cho dù, đời sống kinh tế của Cuba chưa bao giờ khó khăn như bây giờ. Và không chỉ Cuba mà không ít nước trên thế giới đang sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn hơn Việt Nam rất nhiều như một số nước châu Phi, châu Á thì việc đọc sách của người dân là điều không thể thiếu được trong cuộc sống ngày ngày. Còn ở Việt Nam thì hình như ngược lại.
Quả thực nhiều người Việt Nam đang lo lắng cho con cháu họ không ngó ngàng gì đến sách. Lỗi ấy trước tiên thuộc về người lớn. Hỏi có bao gia đình công chức và quan chức ở tất cả các thành phố trên đất nước ta có tủ sách ? Một con số rất khiêm tốn. Nhưng nói cho chính xác thi đó là một con số đáng xấu hổ.
Có những người lớn nói: bảo con cháu đọc sách chẳng đứa nào chịu đọc mà cứ chúi mũi vào điện thoại. Bảo thế nào được khi chính những người lớn ấy suốt ngày chúi mũi vào màn hình điện thoại. Thực tế cho thấy: nếu tất cả những người lớn trong gia đình đều cầm sách đọc thì đứa trẻ sẽ dần dần tìm đến sách. Ngược lại, nếu tất cả cầm điện thoại thì đứa trẻ sẽ đòi xem điện thoại. Đấy là ở gia đình chứ chưa nói đến ở trường học và những nơi khác. Mọi hành vi và lời nói của người lớn luôn được trẻ nhỏ sao chép. Có những đứa trẻ chưa biết chữ nhưng đã có những hành động và lời nói “khủng khiếp ” ngoài trí tưởng tượng của người lớn. Nhưng tất cả những hành động và lời nói đấy là chúng không tự “sáng tác ” mà sao y bản chính từ chúng ta mà thôi.
Có lần tôi đã nói: “Siêu thị cho trẻ em và hoa hậu cho người lớn”. Đúng vậy. Không gian dành cho trẻ em quá ít đến báo động. Tôi đã từng nghe những người lớn nói với con cháu mình: “Ngoan rồi bà/ mẹ cho đi siêu thị”. Chúng ta sẽ cho trẻ em đến đâu trong những ngày nghỉ? Câu trả lời sẽ làm cho hầu hết người lớn lúng túng. Nhưng chính người lớn đã chiếm mọi không gian để làm dự án chung cư và các khu kinh doanh mà không thấy ai nghĩ xây dựng một công viên, một bảo tàng tự nhiên hay khu vui chơi cho trẻ em. Còn người lớn thì uống trà vặt và xem thi hoa hậu hết cuộc này đến cuộc khác.
Để có được một văn hoá đọc cho người Việt Nam, chúng ta phải mất một thời gian rất dài thậm chí một nửa thế kỷ nữa nếu bây giờ chúng ta nhận thức được tầm quan trọng như thế nào của việc đọc sách. Và tất cả những người lớn phải gương mẫu và là người thực hiện đầu tiên một cách kiên nhẫn.
Đọc sách có cần một chế tài nghiêm khắc ngoài việc tuyên truyền không? Vô cùng cần. Giống như chế tài đối với việc tham gia giao thông, việc bảo vệ môi trường, việc thi cử… Với ý thức đọc đang được báo động ở cấp độ rất cao thì việc phát động một hai ngày đọc sách và những tuyên truyền khác chưa đủ. Chúng ta cần một chiến lược của Nhà nước và một quy định mang tính pháp luật thì hy vọng về một ngày những đứa trẻ tự ý thức về việc đọc sách mới có thể đến. Mà chiến lược ấy và quy định ấy phải được “áp đặt” cho những người lớn trước tiên. Tôi nói đến điều này nghe tưởng chuyện trên trời và sẽ có không ít người nói: “Tôi có đọc sách đâu mà vẫn làm quan và vẫn xây được nhà cao cửa rộng”.
Nhưng chắc chắn một dân tộc không coi trọng sách là một dân tộc sẽ chỉ đi lòng vòng trong bóng tối cho dù vàng bạc cất giấu đầy trong nhà.
10/9/2022
Nguyễn Quang Thiều
Nguồn: Báo Tiền Phong 1.9.2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguồn gốc các loài 4

Nguồn gốc các loài 4 CHƯƠNG XI Phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý - Tầm quan trọng ...