Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Kẻ huyễn hoặc

Kẻ huyễn hoặc

Người đẹp thì lấy người xinh
Bao nhiêu người xấu dập dình lấy nhau 
(Ca dao)     

Không hiểu từ bao giờ, câu ca dao đấy luôn hiện hữu trong suy nghĩ của y. Có lẽ từ khi y vừa lọt lòng mẹ? Cha là một người nghiện rượu, quanh năm tứ thời say. Khi mẹ y có thai y được dăm tháng thì cha y chết trong một đêm dông bão, vì quá say mà quỵ ngoài đường. Lúc mẹ y sinh y thì bà mụ vụng về đã nặn cho y một chiếc chân thọt. Phải chăng vì thế mẹ y cám cảnh cho y sau này mà cất lời ru bằng cái câu ca dao nửa khôi hài nửa bi thảm ấy! Y lớn lên trong mặc cảm của một kẻ tật nguyền.
Y không có bạn. Khi bé, mẹ y đi làm đồng thường khóa cửa nhốt y trong nhà. Y lê la trên nền nhà kéo theo chiếc chân bé quắt không xương. Y đánh bạn với con quay gỗ và mấy hòn bi, đôi khi y chơi với cả chú cóc dưới gầm giường.  Lớn lên chút nữa, y bắt đầu giúp đỡ mẹ y được chút việc vặt. Phải đến mười tuổi y mới đi học. Bọn trẻ cùng lứa hay trêu y.
Y hiền lành không nói mà cũng chẳng phản kháng. Thường là lúc bị trêu, y ngước cặp mắt lên nhìn chăm chăm vào đối thủ và chẳng hiểu trong mắt y có gì mà đối thủ của y bỗng phải chờn. Những lúc ra chơi, những đứa mạnh chân, khỏe tay chạy nhảy, hò hét, còn y phải ngồi chầu rìa. Nhìn những đôi chân của chúng bạn chạy loang loáng theo quả bóng bưởi mà y thèm khát, y lén chùi những giọt nước mắt ứa ra song nào ai biết cho y. Các buổi chiều tan học, bọn bạn cùng lớp rủ nhau ra sông tắm, chúng cởi quần áo, vứt cặp sách thành một đống rồi bắt y ngồi trông. Chao ôi ước gì chân y lành lặn, y sẽ bơi, sẽ ngụp như một con rái cá, đố có đứa nào đuổi kịp…
Y học hành cũng sáng dạ, nhưng rồi y cũng chỉ qua hết cấp hai. Mẹ y bảo: “Vô khối đứa chân tay lành lặn, học hết cấp ba cũng ở nhà theo đít trâu. Mày học thế là đủ rồi. Biết tí chữ để kẻ đời đừng khinh là dốt mà bắt nạt. Vả lại chân cẳng thế kia ai cho mày thành kĩ sư, bác sĩ. Ở nhà, lớn chút nữa tao hỏi vợ cho… Mà chắc gì…”. Mẹ y bỏ dở chừng câu nói như sợ y tủi thân. Mà thế thật, khi mẹ y nói cái câu “mà chắc gì…” bằng một giọng đay nghiến, y thấy đau nhói trong lồng ngực. Chân y thế, đứa con gái nào thèm đếm xỉa đến y cơ chứ. Rồi y sẽ ế vợ, sống với mẹ đến già, rồi mẹ y cũng chết, lúc ấy chỉ mình y sống thui thủi một mình cùng nỗi cô quạnh. Nghĩ thế, y lo sợ, bảo mẹ: “Mẹ đừng chết bỏ con lại một mình, nhé…”. Y khóc, lúc đầu rống lên, sau chỉ còn là những tiếng thổn thức. Mẹ y không nói gì, bỏ vào trong buồng nằm võng. Y thiu thiu ngủ, chợt y nghe đâu đó tiếng ai hát, ru rằng:
“À ơi.. Người đẹp thì lấy người xinh… Bao nhiêu người xấu… á a… dập dình… dập dình… mà lấy nhau… à ơi…”.
Y thấy đám cưới y cũng pháo nổ hẳn hoi. Cô dâu là con bé mặt rỗ và cũng thọt chân như y. Y dắt tay con bé đi giữa hai bên họ hàng. Y ghé miệng nói vài tai con bé: “Cô mình yêu tôi chứ?”. Con bé cười bẽn lẽn: “Em yêu mình đến lúc đầu bạc răng long”. Pháo nổ to quá, khiến y choàng tỉnh. Y bàng hoàng, rồi y hiểu ra là mình vừa mơ một giấc mơ thần tiên. 
Y nghỉ học ở nhà đi chăn trâu. Hợp tác xã thương tình cho nhà y giữ nửa trâu. Cứ cách một ngày, nhà y lại có một phiên trâu. Y dắt trâu đi chăn mang theo cả quang gánh, cắt đầy gánh cỏ để trưa mẹ y còn đón gánh về. Ngày tháng cứ thế trôi qua, đời y sẽ không có gì biến đổi nếu như không có chuyện tình cờ xảy ra. Đó là một lần y bắt gặp một cô gái, chừng cỡ tuổi y, ở xã bên và cũng bị tật nguyền thọt một chân như y. Y để ý quan sát khá lâu và sau nhiều lần trấn tĩnh y cất tiếng gọi: 
- Cô gì ơi! Không thấy cô gái trả lời. Y im lặng xấu hổ. Rồi y lại nghĩ là có lẽ vì hồi hộp nên giọng y lạc đi và nhỏ quá, chắc cô gái không nghe thấy. Và y lại đánh bạo gọi một lần nữa:
- Cô gì ơi - Ngần ngừ một lát, y thêm
- Có nghe tôi gọi không? Vẫn không có tiếng trả lời. Cô gái thọt lạ mặt vẫn lúi húi cắt cỏ. Một liều thì ba bảy cũng liều, y lần đến chỗ cô gái. Vì hấp tấp cái chân thọt khiến y bước hụt, sa xuống rìa bờ. Cô gái ngửng lên thấy y, vội bỏ đi. Cái chân của cô kéo theo bê bết bùn đất. Cô lẩn khá nhanh vào đám ruộng tốt bời. Y chững lại bắc hai tay lên miệng làm loa gọi to:
- Cô gì, cô gì ơi. Đừng sợ. Đứng lại cho tôi nhờ một việc. Nghe thấy không? Tiếng y khàn đặc và thảng thốt. Y nhìn theo, đầu cô gái lại nhấp nhô trong sóng lúa. Y lặng người, rồi quay lại chỗ cắt cỏ. Y nhặt chiếc liềm lên, mân mê. Y không thiết gì đến việc cắt cỏ. Lần đầu tiên trong đời trưa ấy, y đã không cắt đầy gánh cỏ, mẹ y ra, thấy y ngồi thẫn thờ bên gánh cỏ vơi quá nửa bèn tru tréo lên: “Sao thế? Chơi gì mà không cắt cho đầy hả cái quân…”. Y ngước cặp mắt đờ đẫn lên nhìn mẹ, khiến bà ta hốt hoảng: “Hay mày ốm”. Y cộc lốc: “Không”. Mẹ đưa tay sờ trán y: “Thôi đúng rồi, mày ốm to rồi con ạ. Ôi con tôi, khốn khổ chưa!”. Y gạt tay mẹ ra và chỉ thốt lên một lời: “Tương tư”. Mẹ y tròn mắt….
Đêm ấy về, y sốt li bì. Mẹ y đánh gió và nấu cháo cho y ăn. Lúc y tỉnh, mẹ y lần là hỏi chuyện gì xảy ra. Y nhất quyết không nói, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Mấy hôm sau khỏi, y lại ra chỗ cắt cỏ. Nhưng lần này, cô gái thọt không đến. Y thẫn thờ mãi. Lưỡi liềm giờ không còn bén ngọt nữa, bởi bàn tay y hờ hững. Vừa cắt, y vừa để ý xem cô gái có đến không… Trưa ấy, y không đợi mẹ y ra mà tự mình gánh cỏ về. Cái chân thọt khiến y vất vả, nhưng rồi y cũng tha được gánh cỏ về tới nhà, mồ hôi ướt đẫm người.  Suốt một thời gian dài y không đi đâu ngoài khu vực ấy. Cỏ đã cụt lủn, song y cứ mài lưỡi liềm xuống bờ. Thời gian không phụ lòng y, một hôm, cô gái thọt lại đến. Lần này y khôn hơn. Không gọi, y lẳng lặng ép người xuống sát bờ ruộng lết đi từng tí một, đến gần sát phía sau mà cô gái vẫn không hề hay biết. Để chắn ăn, y gạt bỏ sự ngượng ngùng, y nhoài người và dùng cả hai tay nắm chặt lấy cô gái. Cô gái giật mình quẫy đạp, vùng vẫy tìm cách thoát ra, song bù cho cái chân tật nguyền, hai tay y khỏe mạnh rắn chắc. Y kẹp chặt lấy cô, cả hai vật lộn rồi lăn xuống ruộng. Đến khi nhận ra y thì cô gái có vẻ bớt sợ và cũng không còn sức để quẫy đạp như lúc đầu nữa. Vì mải vật lộn cô gái quên cả kêu cứu. Đến lúc ấy cô mới nhớ ra, cô há miệng định kêu to, song ánh mắt cô bắt gặp chiếc chân teo quắt của y thì miệng cô há to mãi không phát ra thành tiếng. Cuối cùng chỉ còn tiếng a a…
Cuộc vật lộn chấm dứt, cả hai bỏ nhau ra ngồi thừ trên bờ, thở mệt nhọc và vuốt bùn nước đầy đầu tóc quần áo. Y bảo cô gái: - Cô tên gì? Còn tôi tên là Cõn, người làng Tàm. Tôi thế nào thì nhìn cô cũng biết rồi đấy.  Khi nói chuyện y mới biết thêm là ngoài mặt rỗ, chân thọt, cô gái còn bị điếc. Sau lần ấy hai người thành quen nhau. Y được biết thêm cô gái có tên Thắm. Cái tên khá hay kia không những không bù đắp nổi mà còn mỉa mai thêm cho cái xấu về hình thể. Được cái là tính tình cô gái cũng không đến nỗi nào. Cảnh ngộ cô còn bi đát hơn y. Cô vốn là đứa trẻ sơ sinh bị bỏ hoang ở một xó lều chợ, một bà cụ không con cái, chỉ có hai vợ chồng già đã cám cảnh nhặt về nuôi. Đời y đã khốn khổ, đời Thắm còn khốn khổ hơn….
Nửa năm sau y và Thắm làm lễ cưới. Đám cưới không được như giấc mơ thuở nào của y, mà thực ra chỉ làm vài mâm cơm mời bà con ruột thịt đến chứng kiến. Hôm cưới y mẹ y khóc vì sung sướng còn y thì nói cười luôn miệng. Cưới được một năm thì vợ y sinh con trai. Tuyệt vời thay, thằng bé không hề thọt chân như cha mẹ nó. Tối hôm ấy bị mẹ đuổi ra, nhưng y lén chui vào giường vợ, y hôn hít vợ, lắp bắp nói với vợ những lời xúc động rằng cô đã sinh cho y một thằng bé tuyệt vời để nối dõi tông đường. 
Xã có ý định lập phố. Gọi là lập phố song thực ra chỉ là việc cắt ít diện tích cho dân làm nhà ở, ngã ba một con đường liên xã. Vì ông nội y có công nuôi giấu cách mạng xưa nên nhà y được cấp một trăm mét vuông đất. Y bàn với mẹ là vợ chồng y sẽ mở quán bán nước ở đó. Mẹ y đồng ý. Thế là từ thằng chăn trâu tật nguyền y thành ông chủ quán. Y ngồi giữ con, bán hàng, còn vợ y thì vẫn làm ruộng cùng với mẹ y và thỉng thoảng chạy chợ mua chút hàng cho y ngồi bán. Từ ngày bán quán da y trắng trẻo hơn. Quần áo mặc y cũng tươm tất hơn. Có chút tiền, y mua một cái đài. Hồi còn nhỏ y mê nghe dân ca, hát chèo lắm song hiềm nhà không có tiền nên y toàn phải ngồi rìa vườn nhà nghe trộm đài hàng xóm. Bán hàng rỗi rãi, y bèn lấy gỗ tự làm một cái đàn bầu, dây thép, ống bơ và cần tre. Y tập theo các điệu dân ca nghe được mà y thuộc. Dần dần y đánh càng hay lên và cây đàn bầu cũng được chữa lại cho đẹp hơn. Một đồn mười, mười đồn trăm, cả làng đều biết là y đánh đàn bầu. Hội diễn văn nghệ xã, y được làng mời ra đánh đàn bầu đệm đàn cho tốp nữ hát chèo. Y thích lắm và cũng hãnh diện lắm. Chừng nửa tháng trước ngày biểu diễn, y phải cùng đội chèo làng tập. Cứ tối tối y bắt vợ ôm con trông hàng để đi tập. Vợ y gàn, y gắt: “Biết gì đến nghệ thuật mà gàn. Tôi mà hoạt động nghệ thuật thì mẹ nó chỉ thêm danh giá chứ có mất gì đâu. Thôi, không nói lôi thôi”. Và y được toại nguyện. Trong đội chèo có cô Na mới mười bảy tuổi. Xinh nhất mà hát cũng hay nhất, thêm nữa là tính tình đong đưa, con mắt đa tình. Trước đây vì mặc cảm tật nguyền, y chẳng dám nhìn lâu vào đàn bà, kể cả nhìn trộm. nhưng từ khi có vợ, có con, y thấy mình cũng bình thường như mọi người. Cái chân tuy rếch một chút nhưng hề gì, bù vào đó, mặt mũi y cũng vào loại dễ coi, giờ y lại thêm tài đàn nữa. Các cụ xưa thường chả nói “Gái tham tài…” là gì.  Đêm đêm sau buổi tập về nhà, khi ngủ y toàn mơ tường đến cô Na. Cái con bé, da thịt đến là thơm tho, tóc dài và đen, lại luôn gội hương nhu, đến là quyến rũ. Y thấy hình như cái chân thọt của vợ y ngày càng bé đi, da dẻ thì hôi xì, mặt hình như ngày càng thêm nhiều nốt rỗ. Có hôm, nửa đêm y ngồi dậy, ngắm kỹ vợ y ngủ say chảy cả nước dãi, ôm con nằm co quắp như con tôm mà thở dài. 
Các cô ở đội chèo cũng thính lắm. Thoáng cái là họ biết y phải lòng cô Na. Lúc đầu họ trêu y khi y vắng mặt, sau rồi họ trêu công khai. Họ mang cô Na gán vào cho y. Có cô bảo: “Anh Cõn mà đệm đàn bầu cho cái Na hát thì tuyệt phải biết!”. Nghe được câu đó, y hởi lòng hởi dạ. Còn cô Na, những lúc như thế, chỉ tủm tỉm cười, nhìn lướt trên đầu y không ra chiều đồng ý mà cũng không ra chiều phản đối. Có lẽ con bé nó cũng thích mình thật, chỉ làm bộ vậy thôi, y thầm nghĩ. Đêm hội diễn văn nghệ xã, y như chắp cánh. Y đệm đàn bầu cho tốp hát, rồi đệm cho mình cô Na hát, và y còn độc tấu. Anh chàng giới thiệu giọng như chèo bẻo “Sau đây là tiết mục độc tấu của nghệ sĩ đàn bầu Xuân Cõn”. Y nghe mà sướng mê đi. Và y đàn. Trước mắt y các gương mặt lướt qua loang loáng, người y bồng bềnh như trong mây, đầu y váng vất. Còn gì hơn nữa khi thằng Cõn tật nguyền xưa nay trở thành nghệ sĩ đàn bầu Văn Cõn. Y thấy cô Na hiện ra trước mắt y tình tứ, đong đưa…
Chẳng hiểu sao rồi mẹ y, vợ y biết chuyện y mê cô Na. Mà có gì lạ, khi y đã trở thành nổi tiếng cả xã, cả huyện rồi cả nước ấy chứ. Từ đấy y không thiết gì đến quán nước nữa, phó thác toàn bộ cho vợ. Suốt ngày, suốt đêm y tập đàn. Nghệ sĩ thì sao cho ngón đàn phải điêu luyện. Lại còn tâm hồn nữa chứ. Đàn thì tập lâu cũng thạo, nhưng tâm hồn thì tập luyện thế nào để thành nghệ sĩ nhỉ? Y thấy bí quá. Đầu óc y chỉ toàn nghĩ đến con mắt, đến da thịt cô Na mà thôi. Cũng từ ngày cho mình là nghệ sĩ thì y sinh tật cáu gắt. Lẽ dĩ nhiên là cáu gắt với vợ. Hễ vợ y cho y ăn muộn là y cáu, y đang tập đàn, vợ nhờ rửa đít cho con y cũng cáu. Rồi có lần y tát vợ, tát đến nơi đến chốn chỉ vì cái tội vô tình va phải cây đàn bầu tự chế của y treo trên vách làm nó rơi xuống đất. Vừa tát, y vừa rít lên: “Đồ vô học. Đồ thường dân ngu độn. Quân tật…”. Đến đó thì y kịp ngừng lại. Y định rủa vợ là cái đồ tật nguyền, nhưng y chợt nhớ đến thân phận mình. Y ôm mặt khóc tu tu như trẻ con. Vợ y khóc mũi, khóc rãi, chợt thấy y còn khóc to hơn mình bèn nín bặt, bế con ra ngồi hàng. Khóc chán, y ngủ. Lúc đó vợ y thấy thương y lắm, bèn lấy khăn mặt ướt khẽ lau bộ mặt lấm lem cho y thì y choàng dậy, hất tay vợ ra không khiến. Và cứ chiều chiều, y uống rượu. Uống cho say rồi y ôm lấy đàn vừa đàn vừa khóc. Người làng thấy lạ, lúc đầu còn xem, sau quen dần. Hễ thấy cảnh như vậy, lại buông một câu: “Thằng điên”. Song cũng có người khen: “Nghệ sĩ đáo để”. 
Sau cái tát nên thân ấy, vợ y không dám phàn nàn gì nữa, sống thui thủi, mặc y muốn làm gì thì làm. Còn mẹ y thỉng thoảng từ trong làng ra bảo: “Nghệ sĩ gì đến lần mày. Chịu khó làm ăn cho vợ con nó nhờ mà cũng nhàn cái thân”. Y tức lắm, vằn mắt lên: “Bà biết cái gì. Bà không muốn tôi thành người à? Hay bà chỉ muốn tôi thành cái thằng nửa người, nửa ngợm như trước. Bà có biết bà có tội gì không? Tội là đã sinh tôi ra nửa người nửa ngợm đấy”. Mẹ y tức điên lên, giáng cho y một cái tát nảy đom đóm mắt “Rõ cái quân tật nguyền”, và bà bỏ về làng. Mẹ y về rồi, y trút hết cả căm tức lên đầu vợ y. Y say, y điên và y đánh. Đánh chán chê y mệt quá lăn đùng ra giữa nhà khóc, cào cấu, gặm đất. Vợ y cho con đi ngủ, bỏ mặc y nằm lăn lóc ở trên nền nhà. Cả đêm ấy y nghĩ gì, y sống ra sao, y không tài nào nhớ nổi. Chỉ biết rằng tầm gà gáy, y tỉnh dậy và bò lên giường thì chỉ thấy mỗi thằng bé con nằm ngủ. Vợ y đâu, y không biết. Y ôm con vào lòng ngủ tiếp. Trời sáng bạch, y trở dậy, theo thói quen hằng ngày hỏi: “Mẹ thằng cu đâu, đun nước sôi đổ phích đầy chưa? Không có tiếng trả lời, y bực bội quát: “Tai điếc sao gọi mãi không thưa”. Vẫn im lặng, y đi ra phía ngoài nghe ngóng. Bếp nguội lạnh. Chõng bán hàng còn nguyên xi. Chắc là vợ bỏ vào làng với mẹ, hoặc cùng lắm là bỏ về nhà mẹ nuôi. Ôi dào! Giận với dỗi, vẽ chuyện. Y tự tay làm tất cả. Thằng bé con dậy khóc gọi mẹ, y dỗ dành rồi cho nó ăn. Đến trưa, chiều rồi tối cũng không thấy vợ về, y cũng đâm sốt ruột, lầm bầm: “Đi đâu thì đi quách hẳn cho khuất mắt. Tao sẽ hỏi con bé Na làm vợ”. Vừa lúc ấy thì y nghe tiếng ai đó gọi. Y ló ra, một bà người làng hốt hoảng bảo y: “Thế chú không biết gì à? Rõ khốn khổ. Thím ấy đi đâu mà chết đuối ở ngoài sông kia kìa. Mấy người quăng chài, người ta quăng phải lôi xác lên để trên bờ sông ấy. Đưa con đây tôi bế cho, chạy mau ra ngoài ấy mà xem”. Y đứng lặng như trời trồng. Miệng há ra nhưng không thành lời, như ngày nào y gọi cô cắt cỏ thọt chân… 
Bây giờ ai có dịp đi qua cái ngã ba phố nơi có chiếc quán nước nhỏ dừng chân nghỉ, khách sẽ được anh chủ quán thọt chân tên Cõn tiếp khá niềm nở. Chủ quán nói năng vừa phải, có duyên, nhưng nếu để ý kỹ, khách sẽ thấy anh ta có một cái tật là thỉng thoảng lấy ngón tay móc vào dây đàn của một chiếc đàn bầu cũ nát, luôn để bên cạnh. Tiếng đàn vang lên đơn lẻ, chẳng ăn nhập vào cái gì. Khách lạ thì không biết, nhưng hễ là người trong làng thì chẳng ai lại không biết đến câu chuyện về nghệ sĩ đàn bầu Văn Cõi thọt chân và còn biết cả chuyện cô Na đã lấy chồng, có hai con, được chồng đưa ra ngoài thành phố sinh sống. Cứ vào lúc nhá nhem, dù quán vẫn còn khách, chủ quán sẽ nhã nhặn cáo lỗi, xin đóng cửa quán vì bận chút việc. Sau khi đã treo chiếc đàn bầu lên vách, đóng chặt cửa, chủ quán dắt thằng con trai, tập tễnh đi về phía bờ sông gần đó… 
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...