Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Không hợp hay chưa cố gắng hết sức

Không hợp hay chưa cố gắng hết sức?

Tôi mở zalo, nhắn cho mẹ dòng tin ngắn “Con về Bình Dương nhé?”. 10 giây sau đã thấy mẹ trả lời “Ừm về đi, về là tui mừng á.”
Sáng nay là ngày cuối cùng của đợt thử việc, phòng nhân sự gọi tôi xuống ký hợp đồng làm giáo viên chính thức.
“Cô Đinh Lăng chiều hoặc mai xuống lấy hợp đồng nhé.” Chị D gặp tôi trong thang máy, tay chị lúc nào cũng có hồ sơ, giấy tờ.
“Nếu không ký thì sao ạ?” Tôi ngập ngừng 4, 5 giây rồi hỏi. Chị khựng lại, ngước nhìn tôi.
“Ừm,… cuối cùng vẫn là do em chọn thôi, tụi chị không ép được… có khó khăn gì thì cứ nói, mọi người giúp đỡ em.”
Thang máy kêu “tinh”, cửa mở, chị bước đi như chạy, như thể có ai đó luôn đợi chị.
Điện thoại reo, màn hình hiện dòng chữ “Thầy quản nhiệm”. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp ai như thầy, như một người bị lập trình bởi một luật lệ hà khắc. Một người không cho phép bản thân thể hiện biểu cảm yêu thương trên gương mặt.
“Cô Đinh Lăng giờ ra chơi xuống gặp tôi.”
Cúp máy. Tôi ngoái đầu ra sau nhìn chiếc camera chĩa thẳng xuống hành lang-nơi tôi đang ngồi, có đôi mắt nào đó luôn chằm chằm nhìn vào nhất cử nhất động của tôi.
Thầy là người cô độc. Khi ăn cơm, không ai muốn hoặc dám ngồi gần thầy. Một người bước không phát ra tiếng động. Một người khi ở trong thang máy thì không ai dám đi cùng. Trừ tôi.
Tôi chẳng sợ. Chỉ thấy thương họ, vì trông họ ngột ngạt vô cùng.
“Sao thế?” Tôi hỏi bất ngờ sau khi anh T kéo vạt áo sau lưng tôi lúc tôi muốn bước vào thang máy cùng thầy.
Anh ghé tai nói nhỏ “Mình đi sau đi.”
Anh V chen vào “Em đừng có thân với ổng quá!”
Căn phòng của thầy nằm cùng tòa với khối lớp tôi, cửa kính lớn, chỉ cần đi ở hành lang cũng biết được thầy đang làm gì, và ngược lại không có đứa học sinh nào dám “giở trò” gì khi đi ngang.
Tôi đẩy cửa vào, trên bàn là những cuốn sổ đầu bài dựng đứng trong các khay, đơn xin nghỉ phép và bản kiểm điểm xếp thành chồng.
“Thế nào, có nghe cô than khó khăn gì đâu, trong công tác thấy làm cũng tốt mà, sao lại muốn nghỉ?”
“Dạ…” Cổ họng nghẹn đắng, tôi ngồi ngay ngắn, cúi đầu xuống như kẻ bị hỏi cung. Giọng thầy trầm và đều, giọng lấy hơi từ bụng.
“Hay là làm cái hạnh kiểm tôi đưa cực khổ quá?”
Tôi cười rồi lắc đầu lia lịa. Ngẫm lại, tôi nghĩ mình có điều gì đó khiến họ cảm mến mình hơn những người khác. Họ nhẹ nhàng hơn khi nói chuyện với tôi. Đôi khi tôi nhìn thầy cầu cứu khi có đứa báo cáo học sinh lớp tôi lén mang điện thoại vào trường, tôi nhìn thầy như đứa em cầu cứu ông anh trai đầy quyền lực. Vì thủ tục xử lý những trường hợp như thế vô cùng rườm rà, tôi sợ những quy trình rập khuôn.
“Mọi thứ vẫn tốt, anh chị giúp đỡ em nhiều chỉ có điều em thấy em không hợp.” Tôi xổ một tràn những lời muốn nói chất đống trong người mà ngày qua ngày tự giữ lại.
“Em tự hỏi công việc ổn định là sáng đi làm rồi chiều về, lập đi lập lại vậy thôi sao? Nơi đây khác với quan điểm giáo dục của em.” Lúc đó, hình ảnh thầy V giựt cuốn vở của thằng bé đầu bàn rồi xé toạt. Rẹt. Ném mạnh vào sọt rác. Hay cô L đứng ngoài cửa chĩa cây thước dài vào trong lớp “Anh kia, giờ anh có ngồi cho ngay ngắn không? Không muốn học thì bước ra đây, tôi tiếp anh.”
Tôi nói tiếp, “Có một điều em rất muốn nói với thầy, thầy là người đứng đầu của toàn bộ giáo viên sao thầy không bảo vệ họ? Thành quả từ cố gắng thì không được công nhận chân thành, lỗi nhỏ thì đưa ra khiển trách. Em nghĩ thầy phải khen người ta chớ?”
Thầy cười, lần đầu tiên tôi thấy thầy cười với cái điệu cười đó, cái kiểu chưa ai dám nói với thầy những điều này.
“Ừm,… cái đó để xem lại.”
[Im lặng hồi lâu]
“Cô Đinh Lăng cứ về suy nghĩ thêm 1, 2 ngày nữa đi rồi hẳn đưa ra quyết định.”
Vừa bước về khu hành lang, đồng nghiệp chạy đến hỏi tôi khi thấy hai mắt tôi sưng húp.
“Ổng la em cái gì đấy?”
Tôi cười thầm “Không, em la thầy đó chớ.”
Tôi không dành thêm thời gian để suy nghĩ mà dành thời gian để dọn dẹp chờ ngày về. Một cảm giác của tự do.
“Mai cô về lấy chồng hay gì mà vui dữ cô?”
“Ui, em còn chưa rủ được cô đi xem phim mà giờ cô đi mất tiêu rồi!”
Tụi nhỏ xếp thành hàng dài quanh co như những người đi kinh hành “không chánh niệm”, xếp hàng để được ra về.
Tôi rời Sài Gòn với chiếc đàn ghita trên lưng, và một thùng carton đựng vài thứ lỉnh kỉnh.
Tôi vẫn thường vào facebook của đồng nghiệp cũ để xem họ có còn công tác ở đó không. Có người đi đã chuyển 2, 3 ngôi trường khác, người vẫn ở lại với sự trưởng thành hơn hẳn. Đôi khi tôi tự hỏi, đâu là ranh giới của “KHÔNG HỢP” và “CHƯA CỐ GẮNG KẾT SỨC”.
28/7/2022
Trần Phan Đinh Lăng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...