Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Mẹ và ngọn đèn dầu

Mẹ và ngọn đèn dầu

Thời nghèo khó ở Quy Nhơn, thi thoảng có tiền tôi hay rủ Lê Văn Ngăn đi uống rượu. Anh nhiều tuổi hơn tôi nhưng xem nhau là bạn vong niên nên không ngại dốc bầu tâm sự. Khi đã ngà ngà say, nhà thơ “không bao giờ lớn tiếng” thường rầm rì kể chuyện. Anh có tâm trạng riêng để sống và đối diện với cuộc đời.
Giọng Huế trầm ấm, chậm rãi, anh kể chuyện bằng thứ ngôn ngữ cô đọng, giàu hình ảnh như làm thơ. Lê Văn Ngăn là thế, một cách rất tự nhiên, ngôn từ anh nói ra chắc lọc đậm đặc như thơ. Và thơ anh cũng vậy, không niêm luật vần điệu, đầy chất tự sự, rất giàu xúc cảm và suy tưởng. Có lần anh kể tôi nghe câu chuyện về ngọn đèn dầu đã theo anh suốt cuộc đời.
Mẹ anh mưu sinh bằng nghề bán bún dạo nên từ bé hằng đêm lúc trời còn chưa sáng, anh đã thức dậy cầm đèn soi đường cho mẹ gánh hàng qua con xóm nhỏ. Ánh đèn dầu chỉ soi đủ cho đôi chân khỏi vấp ngã nhưng với anh là cả một vầng sáng hướng về phía trước. Gánh bún không chỉ là cơm áo của cả nhà mà còn gánh cả chuyện học hành của những đứa con. Trong đêm sâu, dưới cơn mưa phùn, nghĩ đến việc bán đắt hàng để con có thêm chút tiền ăn học, người mẹ mỉm cười. Ngoảnh nhìn lại, con trai của mẹ lại rưng rưng nước mắt bởi ý nghĩ chẳng biết mẹ sống với mình được bao lâu nữa.
Lớn lên, theo dòng đời xuôi ngược, người con rời quê đi biền biệt và trở về khi hay  tin mẹ mất. Chiếc đèn dầu cũ vẫn còn đó giờ lau bụi để đặt lên quan tài người quá cố. “ Bấy giờ ngọn đèn đã từng soi đường cho người sống/ đã được đặt lên phía trên mái đầu người chết”, sau này đọc thơ Lê Văn Ngăn mới hay anh viết những câu này trong bài thơ Mẹ, con và ngọn đèn dầu. Ngọn đèn dầu đã lặng lẽ theo anh suốt một đời: “ Ngọn đèn ấy đã thắp lên từ lúc tôi mới bước vào đời/ dầu lóng lánh như thể làm bằng mồ hôi của cha của mẹ” Những câu thơ đầy ám ảnh để khi nhớ về anh tôi lại nghĩ về ngọn đèn dầu lúc mờ lúc tỏ nhưng soi rõ những phận người.
Chơi thân với Lê Văn Ngăn, đọc thơ anh mới hiểu anh là một nhà thơ khá đặc biệt. Anh là người kể chuyện trong thơ, những câu chuyện ngỡ đã xa xôi, đã úa nhàu bỗng dưng sống lại trong thơ anh gợi lên nhiều cung bật cảm xúc rất khác lạ.
“Sống dầu đèn, chết kèn trống”, ông bà ta ngày xưa đã nói như vậy. Tìm hiểu về ngọn nguồn vì sao gọi là đèn Hoa Kỳ mới biết chiếc đèn dầu xuất hiện đầu tiên ở Baghdah ( Iraq) là từ thế kỷ thứ 9. Mãi đến năm 1853 nhà bác học người Ba Lan Lukasiewicz mới tạo ra chiếc đèn dầu hình dáng giống như bây giờ. Chiếc đèn dầu theo bước chân thuyền buôn ngoại quốc vào Việt Nam có tên gọi đèn dầu Hoa Kỳ là câu chuyện được báo chí đương thời nhắc tới nhiều.
Vào nhũng năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hãng Shell buôn bán dầu lửa nổi tiếng của Mỹ đã chọn Việt Nam và Ấn Độ làm thị trường chính. Để người Việt nhanh chóng làm quen với đèn dầu, bỏ dần thắp sáng bằng dầu đậu phụng có bấc đựng trong đĩa hay thắp nến, Shell tung chiêu khuyến mại cứ ai mua dầu hỏa đều được tặng một chiếc đèn có khắc tên hãng Shell và logo giống hình con sò. Dần về sau những người Việt sáng tạo cải tiến làm đèn bằng đồng, sứ, thủy tinh gọi là dèn hột vịt nhưng tên gọi đèn dầu Hoa Kỳ vẫn còn trong ký ức dân gian.
Chiếc đèn dầu tuy bé nhỏ nhưng đã gắn bó với biết bao thế hệ, bao cuộc đời vất vả, gian nan.
 
Nhà tôi nghèo, lại ở quê nên mọi thứ phải tằn tiện, chắt chiu từng chút. Thường khi nắng tắt, hoàng hôn xuống là lúc mọi nhà trong xóm lên đèn. Riêng nhà tôi bóng tối phủ đầy, chỉ thắp đèn khi không còn nhìn rõ mặt người. Hôm nào cũng vậy, khi cơm tối vừa xong, mẹ lại tỉ mẩn lấy giẻ lau kỹ bóng đèn để các con học bài. Chiếc bàn hẹp có ngọn đèn chong ở giữa, mấy anh em mỗi đứa một góc. Học bài phải đọc to mới dễ nhớ, riêng anh em tôi phải đọc thầm vì không thể khác. Ngoài hiên gió xào xạc qua hàng chuối nhưng trong nhà chỉ có tiếng động rất khẽ của trang vở lật qua lật lại.
Mãi sau này trong những giấc mơ của tôi vẫn còn vang vọng cái âm thanh mơ hồ ấy. Khổ nhất là những lúc túng tiền, mẹ không mua dầu trắng mà dùng dầu mazut để thắp đèn. Không chỉ tỏa ra cái thứ ánh sáng đỏ quạch mà khói dầu còn bốc lên mùi khét lẹt. Những lúc như thế, không học được, anh em tôi mỗi người nghĩ ra một cách để khỏi phải học bài. Tôi xoay người để ánh đèn hắt bóng lên vách và thế là một thế giới của riêng tôi hiện ra như thần thoại, cổ tích. Có lúc tôi như Thạch Sanh cầm búa chuẩn bị nhảy vào chém yêu tinh, lúc lại hiên ngang như Nguyễn Huệ cỡi voi ra trận. Hai bàn tay tạo hình thành những con vật được ánh sáng mờ ảo, kỳ quái hắt lên vách trông như những thước phim quay chậm rất ngộ nghĩnh.
Bên cái quầng sáng nhỏ nhoi ấy, hôm nào không học bài mẹ lại kể cho anh em tôi nghe nhiều câu chuyện về xóm làng, nội ngoại và ba tôi. Trong những câu chuyện dung dị một cách rất ý nhị bao giờ mẹ cũng chen vào câu răn dạy về đạo đức làm người. Đừng có tham vàng bỏ ngãi, sống phải có thủy có chung. Học là học để làm người/ Biết điều hơn thiệt biết lời thi phi. Đói cho sạch, rách cho thơm… Đại loại là như thế, toàn những câu trong ca dao, thành ngữ. Mẹ tôi cũng lạ, thường ngày không dạy con cái làm điều này điều nọ mà chỉ răn dạy, nhắc nhở qua những câu chuyện kể. Sau này khi đã lớn, tôi mới hiểu người xưa là vậy, lấy đời để huấn đạo và luôn xem đạo lý là căn cốt của đời người.
Bên chiếc đèn dầu có nhiều chuyện không dễ nguôi quên. Có đêm đông giá rét, túm tụm bên ngọn đèn dầu, mấy anh em chia nhau củ khoai lang lùi bếp tro còn nóng hôi hổi. Có đêm hè nóng bức, mẹ ngồi trong tối đen bên hiên nhà tước tàu cau làm chổi vì để dành chiếc đèn dầu cho con học bài. Và không ít lần lặng lẽ trong  đêm, mẹ bật dậy se sẽ khêu ngọn đèn rồi ngồi một mình đối diện với hư vô lạnh lẽo. Hình như những lúc ấy mẹ nghĩ về ba tôi ở thế giới bên kia xa cách nghìn trùng.
Khi hết thời đèn dầu thì mẹ tôi đã già. Nhà có điện nhưng mẹ vẫn giữ lại chiếc đèn dầu ngày trước. Có lần tôi buộc miệng “Không thắp đèn nữa mẹ còn giữ lại chiếc đèn dầu làm gì?” thì mẹ trả lời: “Ông bà, tổ tiên ngày trước sống với đèn dầu nên nếu ngày Tết, ngày giỗ không có chiếc đèn dầu thì mọi người không biết đường để mà về”. Nghe mẹ nói, tôi thật xấu hổ vì không hiểu được điều sâu xa trong suy nghĩ của người lớp trước.
Ngọn đèn dầu bây giờ đã là dĩ vãng nhưng với tôi chúng gợi lại một thời cơ cực. Chiếc đèn dầu không đơn thuần chỉ là để thắp sáng.
1/8/2022
Thanh Tánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...