Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Người lính hay lẩy Kiều

Người lính hay lẩy Kiều

Quê tôi là làng Đồng Vi, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình giữa bốn bề bát ngát cánh đồng và san sát ao chuôm. Bố tôi là anh tá điền sức vóc khá cường tráng, khỏe mạnh. Cũng may là sống giữa thời người dân gần như mù chữ, bố tôi vẫn được ông bà nuôi ăn học đủ đầy.
Nghe mẹ tôi kể, bố tham gia du kích từ khi còn rất trẻ. Ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 19 tuổi. Song, giữa lúc con đường phía trước đang rộng mở thì gia đình được tin, bác tôi (anh trai của bố) đi bộ đội thời chống Pháp đã đầu hàng giặc. Ông bà nội tôi khóc hết nước mắt vì sợ hãi và tủi nhục. Bố tôi đã nhiều lần tìm gặp, viết thư động viên bác ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của nhà nước.
Bác tôi nghe theo. Ra đầu thú, rồi bác bị bắt đi cải tạo 6 năm. Bố tôi thì bị đưa vào đối tượng phải xem xét, theo dõi vì gia đình có người theo giặc. Nhiều lần bố bị viết kiểm điểm về những việc làm sai do quy chụp. Chán nản, ông làm đơn xin ra khỏi Đảng, thôi giữ chức chính trị viên xã đội.
Đã bao lần, bố tôi muốn đi làm ăn xa nhưng lại thương mẹ già nên đành ở lại. Thời kỳ tất cả nông dân phải vào hợp tác xã, bao nhiêu ruộng đất của ông bà, của bố mẹ tôi đều phải sát nhập hết. Ở làng tôi có gia đình ông Khắc kiên quyết không vào hợp tác xã. Thế là ông bị dân quân du kích trói lại điệu ra đình làng. Ruộng nhà ông cứ cấy đến đâu thì bị cán bộ cho người nhổ lúa lên hoặc phá bờ ruộng cho nước chảy đi… Một nhóm thợ cày được điều đến cày nát ruộng lúa đang lên mơn mởn của nhà ông, mặc cho ông và vợ ông nằm lăn ra ruộng mà kêu khóc.
Cuối cùng, sức mạnh tập thể đã bắt gia đình ông Khắc phải tuân theo. Từ ngày trở thành xã viên hợp tác xã, bố tôi làm việc rất chuyên cần. Trong lúc làm việc tập thể, bố tôi luôn có sáng kiến khiến cho những người cùng tổ làm rất nhàn, rất nhanh mà công việc được giao khoán lúc nào cũng đạt. Các bác, các chú làm cùng tổ rất quý nể.
Bố tôi có biệt tài tính nhẩm (sau này khi đã hơn 80 tuổi, ông vẫn tính toán rất nhanh, đôi khi nhanh hơn cả mấy người mải mê bấm máy tính). Mấy bác thư ký đội, đội trưởng các đội sản xuất toàn phải nhờ bố tôi tính công điểm quy ra thóc để chia cho xã viên. Ông làm đâu ra đấy. Họ trả công điểm cho bố tôi rất cao, hơn cả đi gánh đất đắp đê hay đi cày bừa ngoài ruộng. Trong làng, trong xã hồi ấy cũng ít người được đi học, nên ai có việc gì cần viết đơn, cần khai lý lịch cũng tìm đến nhờ bố tôi làm. Thậm chí, có người viết thư cho người thân cũng sang nhờ ông viết hộ… Họ hay trả ơn bằng những nải chuối, củ khoai hay mớ cá, mớ tôm bắt được ở ao nhà.
Bố tôi vui tính. Ông hay hát, ngay cả lúc làm việc nặng. Ông thường lẩy Kiều bằng giọng vang, sang sảng.
Chúng tôi lần lượt được sinh ra và lớn lên tự nhiên như người ta trồng khoai trồng lúa. Bé một tí đã tự ăn, tự chơi, lớn hơn một chút thì phải bế em, quét nhà, rửa bát, lớn thêm tí nữa thì theo bạn theo bè đi bắt cua, mò ốc, mót lúa, mót khoai trên đồng để có được những bữa ăn no và tiết kiệm để đóng tiền học hay mua áo mới vào dịp Tết.
Ở quê tôi, ao chuôm rất nhiều: trước cửa, sau nhà, ngoài ngõ,… chỗ nào cũng có ao. Đầu năm học lại là mùa mưa bão, nước ngập hết đường đi, người ta có thể cất vó bắt cá trên sân nhà. Bố tôi hay cõng chị em tôi đến lớp vì sợ chúng tôi chết đuối. Có hôm trời mưa to tầm tã, bố cõng một lần cả chị tôi lẫn tôi; có cái áo mưa, bố che cho chúng tôi. Tôi nằm trên lưng bố, bị áo mưa che kín chẳng nhìn thấy gì, cho đến khi bố bảo:
– Về đến nhà rồi!
Và mở áo mưa, tôi mới tụt khỏi lưng bố chui ra, mở mắt nhìn thấy bố ướt hết.(Bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn khóc).
Thời kì ấy, ở làng tôi rất nhiều nhà đói khổ, mấy đứa bạn học cùng lớp với tôi, có đứa đã bị ngất khi đi học vì đói quá. Nhà ông Chẩn cách nhà tôi hai cái ao, cả nhà đều khỏe mạnh lại chịu khó, thế mà vào độ giáp hạt, bà Chẩn phải nấu cháo bằng bồng khoai nước, lất phất vài hạt gạo (gọi là cháo bồi) ăn thay cơm. Bằng sự thông minh, tháo vát của mình, bố mẹ tôi chưa bao giờ để chúng tôi phải nhịn đói hay thất học.
Bố tôi gần như chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Sáng sớm, tôi ngủ dậy đã thấy ông đi làm rồi. Trưa đứng bóng, ông mới về, mồ hôi nhễ nhại. Chiều ăn vội bát cơm trưa, ông lại đi trong cái nắng chang chang. Tối nào có trăng, thì đi guồng nước, mưa gió thì làm sổ sách để đổi lấy công điểm,…
Bố tôi không ham mê rượu chè bê tha như một số người trong họ ngoài làng. Bố cũng chẳng mấy khi quát nạt chúng tôi. Hồi còn bé, tôi hay ốm nên bố thương rất nhiều. Năm học lớp 3, tôi bị ốm nằm liệt giường, người chỉ còn da bọc xương, bố đã nghỉ làm, bế tôi trên tay, ru cho tôi ngủ bằng những câu lẩy Kiều quen thuộc.
Một hôm, bố đi làm về, vẻ mặt vui tươi, bố bảo với mẹ:
– Ở xã có đợt cử người đi đắp đê ở Diêm Điền (bãi biển Diêm Điền huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình). Công điểm cao hơn ở nhà. Hay là tôi đi đợt này, bà nhá!
Mẹ tôi ngồi thừ ra một lúc rồi hỏi:
– Có chắc là công cao hơn không?
– Chắc chứ! Đằng nào cũng đi làm, nơi nào được nhiều điểm thì được nhiều thóc hơn. Người nào đi thì còn được thêm ba tạ bột mì.
Ngồi một lúc bố lại bảo:
– Lũ trẻ con lớn cả rồi, chúng nó ăn như tằm ăn rỗi ấy. Mình phải chịu khó để tôi đi xa thì mới kiếm đủ thóc gạo nuôi con cái!
Mẹ tôi lặng lẽ gật đầu…
Thế là bố đăng ký đi và được cử làm đội trưởng. Ngày hôm sau, nhà tôi được chia ba tạ bột mì. Mì loại 1 thì trắng và thơm, còn mì loại 2 thì vàng vàng và thỉnh thoảng còn có cả sâu. Nhưng không sao, ăn được là sướng rồi! Mẹ tôi xúc cho hàng xóm mỗi nhà một tô, còn bao nhiêu thì đổ vào bao ni lông đặt trong mấy cái chum to để ăn dần…
Tôi nhớ, một thời thực phẩm sao mà khan hiếm! Nhà nào nuôi được vài con gà hay con lợn cũng phải mang ra bán cho cửa hàng hợp tác xã. Muốn mua một miếng thịt về ăn thì phải mua bằng tem phiếu. Đàn lợn đẻ ra con nào thì có đại diện hợp tác xã đến ghi số lượng và theo dõi. Chú Thuân (chú út tôi)  khi con lợn nái nhà chú đẻ ra được 8 con, chú vội giấu bớt đi một con. Chú đào một cái hang ở sau vườn để nuôi con lợn ấy. Ngày nào chú thím cũng bớt một ít cám đổ riêng cho lợn ăn. Việc làm này hết sức bí mật, đến nỗi mấy đứa con của chú thím cũng không được biết vì sợ chẳng may bị lộ. Sắp đến ngày giỗ bà nội, tôi thấy bác, bố tôi và cả chú Thuân họp nhau rì rầm bàn, vẻ quan trọng lắm. Sau đó, tôi nghe bố dặn mẹ:
– Nửa đêm nay, mấy anh em tôi sẽ làm thịt con lợn còi nhà chú Thuân để cúng bà. Sáng sớm mai, mình mua thêm ít cá, mang sang anh Ngợi góp giỗ.
Mẹ tôi ngạc nhiên:
– Chú Thuân sao lại có lợn mà giết?
– Chú ấy nuôi trộm, giấu ở mãi cuối vườn gần một năm rồi, chắc cũng được tầm 20 cân.
– Thế giết ở đâu? Nó mà kêu, người ta phát hiện thì chết!
– Đem ra nghĩa địa mới giết. Lúc bắt phải bỏ nó vào bao đựng tro. Nó sặc, không kêu được!
Thế là ba anh em bắt trộm con lợn còi nhà mình đem ra mãi nghĩa địa làm thịt trộm vào lúc nửa đêm để hôm sau có miếng thịt làm mâm cơm cúng mẹ! Nghĩ lại mà thương! Thương ông bà, bố mẹ, chú bác tôi, thương chúng tôi, thương biết bao người phải sống trong những ngày cơ cực!
***
Chiến tranh ngày càng dữ dội, cả nước tổng động viên. Làng tôi vắng dần bóng những anh chị thanh niên và các bác, các chú. Họ lần lượt ra chiến trường. Người đi bộ đội, người đi thanh niên xung phong. Bố tôi cũng đi. Trong số những người ở xã tôi ra chiến trường năm ấy, bố tôi nhiều tuổi nhất. Đơn vị của bố đóng quân ở khu vực huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình, có khi di chuyển, chiến đấu những khu lân cận rồi vào phía Nam. Mẹ con tôi mong chờ thư của bố từng ngày. Thư nào gửi về bố cũng ghi rõ tên và nhắc nhở từng đứa chúng tôi phải chăm chỉ, chịu khó học hành. Riêng tôi, hồi bé hay nghịch ngợm leo trèo, bắt chước mấy đứa con trai bơi ra tận giữa ao nên bố dặn: “Không được nghịch ngợm để mẹ không phải lo.”
Thư bố còn kể, tuần trước, bố gặp anh trai cả của tôi khi hai bố con tình cờ gặp nhau tại một trạm giao liên ở Trường Sơn. Bố bảo, rất mừng khi thấy anh Vĩnh còn sống, vẫn khỏe mạnh. Gặp nhau, hai bố con chỉ kịp hỏi nhau vài câu. Bố chỉ kịp dúi cho anh một gói đường viên, rồi vội vã lên đường.
Ngày giải phóng miền Nam. Hôm đó, tôi đang đi chơi cùng các bạn ở thị xã Thái Bình (Lúc này tôi đang học lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Thái Bình, để chuẩn bị thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc) Được ngày chủ nhật nghỉ, các thầy cho đi chơi, tôi thấy một chiếc xe ô tô chăng băng đỏ, vừa chạy vừa rải truyền đơn và phát loa rất to: “Miền nam giải phóng rồi!”, “Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng!”. Ngỡ ngàng vài giây, rồi tất cả thầy trò chúng tôi nhảy lên. Vỗ tay! Reo hò!: “ A! Miền Nam giải phóng rồi!”
Lúc ấy, tôi nhớ ngay đến bố và anh Vĩnh tôi. Nhất định, bố và anh tôi sẽ chiến thắng, trở về!
Thi học sinh giỏi xong, tôi về nhà. Ngày nào chị em tôi và cánh trẻ con trong làng cũng ra tận ngã ba đầu làng đón bố và anh. Đi đâu cũng nghe tiếng cười, nói ở những nhà có người đi chiến đấu trở về. Lễ truy điệu những người không về nữa cũng vẫn diễn ra thường xuyên trong tiếng khóc của những gia đình có người đã hy sinh.
Chờ mãi mà chẳng thấy bố về, cả nhà tôi lo lắng lắm. Rồi giây phút kì diệu ấy cũng đến. Ấy là, trưa đi học về, mấy đứa bạn rủ tôi đi hôi cá trong ao hợp tác xã. Hôi cá là khi ao đã được bơm cạn nước, các bác xã viên sẽ dồn cá vào lưới, bắt cá to, sau đó mới tháo khoán cho trẻ con xuống mò, bắt những con cá con tép còn sót lại.
Giữa lúc tôi bắt được một con cá quả khá to, thì nghe tiếng reo:
– Các chú bộ đội về kìa!
Tôi vội nhìn lên và nhận ra bố tôi.
Thế là tôi vứt cả thau lẫn cá dưới ao vội vàng leo lên bờ, rồi cứ để nguyên cả chân tay người ngợm đầy bùn đất, tôi chạy lao về phía bố cùng mấy chú bộ đội khác. Vừa chạy tôi vừa gọi toáng lên:
– Bố ơi! Bố ơi!
Nhìn thấy tôi bố bảo:
– Sao con lấm lem thế này!
Tôi vừa chỉ xuống ao vừa cười sung sướng. Thế là bố tôi đã trở về từ nơi mưa bom bão đạn. Bố gầy và đen đi nhiều so với ngày xưa nhưng vẫn dáng người cao cao, vầng trán rộng, đôi tai to, mắt sáng lấp lánh. Tôi chợt nhận ra, mái tóc ông đã điểm nhiều sợi bạc. Nhìn ông thật đẹp, thật hiền. Bà nội tôi thường bảo: “Bố mày có tướng làm quan, chỉ hiềm nỗi vì việc của bác mày mà lỡ làng, hỏng cả.”
Bố tôi được tặng giấy khen, danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cùng với bằng ghi công của Chủ tịch nước. Bố không treo mà cuộn lại bỏ vào ống nứa cùng với giấy khai sinh của chúng tôi rồi gác lên mái nhà.
Mấy tháng sau, anh Vĩnh tôi cũng được về thăm nhà trước khi đi học. Anh được đơn vị cử đi học quân nhạc và sẽ ở lại phục vụ quân đội chứ không phục viên như bố.
Bố trở về, cuộc sống tuy có phần ấm áp hơn nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn bao trùm lên khắp xóm làng, nhà tôi cũng rất khó khăn. Một hôm, đi lên Ủy ban xã, vừa về đến nhà, bố gọi tôi mang cái điếu bát và gói thuốc lào ra ngoài hè cho bố rồi đi gọi mẹ tôi đang tưới rau ngoài vườn về. Bố tôi vừa vê thuốc lào bỏ vào điếu vừa bảo:
– Tôi định đăng ký đưa cả nhà vào miền Nam xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước!
Mẹ tôi vứt rổ rau xuống sân, trợn mắt:
– Đi cả nhà là đi thế nào! Ông định không cho con cái học hành gì à!
– Thì vì muốn cho chúng nó học hành nên mới phải đi! Bà cứ ngồi đây, tôi nói cho nghe đã….
Bố tôi hết lời giảng giải cho mẹ và chúng tôi nghe về chủ trương xây dựng kinh tế mới của nhà nước : “Đây là cơ hội, có đi mới phát triển được. Ở lại làng, nơi đất chật người đông, quanh quẩn đến bao giờ mới được đổi đời?!”
Lúc đầu mẹ tôi khóc lóc phản đối, đến khi mẹ xuôi xuôi thì lại đến họ hàng kéo đến, người mắng, kẻ khóc. Nào là: Bỏ quê cha đất tổ, đem nhau vào nơi rừng thiêng nước độc, mà chịu trận…
Lần nữa, bố tôi lại phải giải thích cặn kẽ cho mọi người, rồi sau cùng ông kết luận:
– Các bác, các chú thương các cháu nên lo lắng vậy là phải. Nhưng trong ấy cũng có chỗ học lại dễ làm ăn nên tôi đi trước. Nếu khó khăn quá, tôi lại đưa các cháu về. Nhà cửa đã bán đâu mà sợ!
Thế là, cuối cùng, bố mẹ tôi Nam tiến.
Vào vùng đất mới, bố tôi làm việc không ngơi nghỉ. Gia đình tôi được cấp một căn nhà mái tranh, vách lồ ô; trong nhà, ngoài sân còn lởm chởm gốc tre, gốc gỗ. Giữa một vùng đất đỏ, nắng thì bụi mù, mưa thì lầy lội, xung quanh bạt ngàn là rừng, đường lắm dốc cao.
Với hai bàn tay cần mẫn, với phẩm chất người lính từng vào sinh ra tử, không ngại bất kỳ khó khăn nào, bố tôi ngày đêm chặt gốc, san nền dựng nhà, phong quang, sạch sẽ.
Bố mẹ tôi trồng trọt quanh nhà đủ thứ. Những vạt sắn, luống khoai, luống đậu xanh, đậu đen, luống cà, gốc bí cứ chen nhau vươn lên xanh tốt. Những con gà mang từ ngoài Bắc vào đã đẻ trứng. Rồi thì những đàn gà con ríu rít quanh sân. Trên đám đất đã được phát quang, đốt cháy lộ ra những lớp than đen, bố mẹ tôi bắt đầu gieo lúa. Ở ngoài miền Bắc phải cày, bừa, tát nước, gieo mạ rồi mới cấy; còn ở đây, phát cây cỏ cho khô, đốt cháy rồi lấy hai cái gậy, vót hơi nhọn chọc thành hàng trên mặt đất, thả những hạt lúa vào lỗ, sau đó lấy cành lá kéo qua, lấp lớp đất mỏng lên hạt lúa. Thế là xong. Đất tốt, lúa lên nhanh, làm cỏ chừng hai lượt là thu hoạch.
Lần đầu tiên, gia đình tôi được làm chủ cả một vùng đồi lúa chín mênh mông. Gặt đập đến đâu là được mang về nhà mình ngay đến đó. Lúa phơi đầy trên các cót đan bằng tre ở ngoài sân. Lúa đóng trong các bao được xếp chồng lên nhau ở góc nhà, đầu hè,… Thật là sung sướng! Sắn, khoai thì nhiều vô kể, ăn không hết thì băm ra phơi cho lợn, cho gà. Nhớ lại ngày trước, phải chờ đợi mới được chia vài trăm cân thóc đem về phơi rồi lại phải gánh ra sân kho trả lại cho hợp tác xã, người phơi chỉ được hưởng phần trăm thôi. Còn trẻ con, phải đi mót, nhặt từng bông lúa rơi,… mà vẫn chẳng đủ ăn. Khoai trồng đầy trên đồng mà người dân vẫn đói.
Vụ mùa đầu tiên thu hoạch thắng lợi, bố mẹ tôi vui lắm. Bố tôi phát cây, dọn đất mở rộng thêm diện tích trồng lúa, chắc phải rộng đến vài hec-ta. Bố mẹ không bắt chúng tôi làm rẫy, mà tìm trường cho học. Hai chị gái tôi đều xin vào trường sư phạm. Còn tôi, thì tiếp tục học cấp III. Lúc ấy, các ngành đều dễ vào như: y, kinh tế, ngân hàng, thương nghiệp. Chỉ cần học trung cấp ra là đã rất dễ xin việc làm. Chị tôi muốn đi thương nghiệp nhưng bố khuyên chúng tôi nên chọn ngành sư phạm, ông bảo: “Ngành sư phạm tuy không giàu nhưng nó bền. Chẳng lo bị cám dỗ nào. Với lại, Trời sinh mỗi người một phận. Các con là gái, chọn nghề giáo là phù hợp.”
Nhiều người bảo bố tôi dại, con cái giỏi không cho đi học kinh tế để mà giàu có, đeo đẳng nghề dạy học chỉ nghèo cả đời. Bố tôi chỉ cười không nói. Có người lại bảo: “Con gái thì học làm gì cho lắm! Chúng nó học xong, lấy chồng, về nhà người ta thế là trắng tay. Bắt chúng nó ở nhà làm rẫy vài năm rồi gả chồng phứt đi.” Bố cũng chỉ cười.
Việc rẫy nương, bố tôi vẫn lầm lũi làm và cho chúng tôi đi học. Bố bảo:
– Ai nói gì, kệ họ. Các con phải cố gắng học cho đến nơi đến chốn!
Chúng tôi trưởng thành bao nhiêu thì tóc bố càng nhiều sợi bạc bấy nhiêu. Ở vùng kinh tế mới này, gia đình tôi là một trong rất ít những gia đình có bảy người con thì có sáu người tốt nghiệp đại học, một người tốt nghiệp trung cấp vào những năm việc thi cử còn rất khó khăn. Riêng tôi và Mai (em gái kế) thì đều có hai bằng đại học ở hai lĩnh vực khác nhau. Rồi con của chúng tôi cũng học hành thành đạt trên mọi lĩnh vực. Bố mẹ rất tự hào về chúng tôi. Lo cho con cái xong, bố lo làm nhà. Bố làm nhà gỗ to, lợp ngói đỏ, xây sân gạch khang trang. Rồi chúng tôi lần lượt lập gia đình, bố trở thành trung tâm hội tụ của các chàng rể. Năm chàng rể, từ lớn đến nhỏ đều một lòng yêu kính bố. Bởi bố luôn độ lượng, yêu thương các con và sẵn lòng giúp đỡ. Anh rể thứ hai mắc vài tật xấu, chị gái tôi chạy về nhà khóc, kể cho bố mẹ tôi nghe. Mẹ tôi giận quá, sang bắt chị về. Mấy hôm sau, anh rể đi làm qua chỗ bố tôi đang cuốc đất, ngại quá định trốn đi đường khác. Bố tôi nhìn thấy, ông gọi lại và bảo:
– Con sang đón vợ về đi! Hôm trước mẹ giận, nay nguôi rồi đấy!
Anh rể tôi ấp úng:
– Con cảm ơn bố, nhưng con sợ mẹ.
– Cứ sang đi, rồi bố nói đỡ cho!
Anh rể tôi cảm ơn bố rối rít. Nhờ có bố hậu thuẫn, mẹ tôi làm ngơ cho hai vợ chồng đưa nhau về.
Trong số các anh chị em, tôi ở xa nhất nên không được thường xuyên về nhà bố mẹ. Nhưng mỗi khi được ăn món gì ngon hay thấy những người trạc tuổi bố tôi mặc đẹp thì thế nào tôi cũng tìm cách mua món ấy biếu bố mẹ hoặc may quần áo như vậy gửi tặng bố. Các anh chị em ở gần thường xuyên nấu những món ăn quen thuộc biếu bố mẹ. Còn tôi, ở xa, nên tôi chỉ biết chăm bố mẹ bằng việc: mua thuốc, sắm giày dép, mũ nón, áo quần, khăn mặt cho bố,… Mỗi khi thấy tôi vào mà mua nhiều thứ, ông đều bảo:
– Con phải biết dành tiền mà lo cho bản thân. Nhìn con không được khỏe đâu, da dẻ nom xám lắm!
Bố mẹ tôi hay dành dụm từng lứa gà, ổ trứng để cho chúng tôi khi con cháu có đứa nào ốm đau hay có công kia việc nọ. Dù bây giờ, chúng tôi, ai cũng có lương, lại có vườn có rẫy, cuộc sống chẳng còn vất vả, thiếu thốn như xưa. Mỗi lần, nhận quà của bố mẹ, bao giờ lòng tôi cũng thổn thức, rưng rưng. Ngày tôi mua được nhà ngoài phố, bố rất mừng. Tôi làm mấy mâm cơm mời người thân. Bố mẹ và em ra thăm nhà mới của tôi và vẫn không quên bắt cho mấy con gà, bố còn cầm ra cho tôi cả con dao và cái thớt mới để chặt. Bố bảo:
– Mày vụng, làm cái gì cũng lóng ngóng, nhỡ chặt vào tay. Bố cho con dao chắc, chặt nó đằm.
Chúng tôi phương trưởng, bố mẹ bắt đầu xây nhà to, rộng rãi thoáng đẹp. Nhà có sân vườn rộng, xung quanh cây trái trĩu cành. Hòn non bộ thật đẹp với những con cá đủ màu lội tung tăng. Rồi bố mẹ còn mua cả xe ô tô để đi thăm con cháu. Bố vui lắm. Ông thường vừa tưới cây, vừa hát hoặc se sẽ lẩy Kiều.
Từ ngày nhà tôi làm ăn khấm khá, bà con cô bác ở quê lần lượt vào mua vườn điều, vườn cao su ở gần nhà tôi. Bố mẹ tôi lại thường xuyên giúp đỡ các gia đình bà con. Nhà của bố mẹ tôi trở thành nơi tập kết của các gia đình khi vào mùa thu hoạch. Nhà nào cũng từ ngoài Bắc vào, phát cỏ, nhặt điều. Hết mùa lại về ngoài Bắc, mang theo những khoản tiền không nhỏ vừa thu hoạch được. Thế là, nhờ sự quyết đoán sáng suốt của bố tôi ngày nào mà cả gia đình tôi, dòng họ, xóm giềng tôi được khá giả, đổi đời.
Nhưng quy luật đời người thật nghiệt ngã. Bố tôi lâm bệnh nặng. Bố   gầy rộc đi, rên đau làm cho lòng tôi đau nhói. Tôi xin nghỉ dạy, cùng mẹ và các em đưa bố về bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh. Bố nhập viện giữa những cơn đau vật vã. Vì bố biết bệnh mình, bố nhất định đòi về nhà. Ông bảo:
– Đưa bố về! Bố muốn ở nhà! Chúng mày còn công việc. Ở đây, sao nhãng cơ quan, người ta đuổi việc mất!
Thế là chúng tôi đành mời hai bác sĩ luân phiên nhau đến nhà chăm sóc bố. Nhưng thuốc nào cũng chỉ dịu đau được từng cơn. Bố bảo mẹ lấy trong áo khoác treo trong tủ áo những cuộn tiền nho nhỏ, đếm được bao nhiêu thì chia cho các cháu gái thêm cặp làm vốn, sau này chúng nó đi lấy chồng.”.
Nhìn những đồng tiền buộc dây thun, tôi biết rằng đó là tiền chúng tôi biếu bố để ăn quà. Nhưng bố chẳng bao giờ dùng đến. Giờ thì bố giành lại cho các cháu. Bố còn bảo mẹ:
– Tôi sống với bà ngần ấy năm, có nhiều điều không phải, bà bỏ qua cho tôi!
Mẹ tôi bật lên tiếng nấc. Lòng tôi đau quặn thắt, nước mắt cứ tuôn rơi.
Rồi một ngày, khuôn mặt thân yêu với nụ cười ấm áp, yêu thương và đôi mắt hiền từ, độ lượng của bố đã vĩnh viễn khép lại! Tôi nắm mãi bàn tay bố không nỡ rời. Đôi bàn tay suốt một đời cực nhọc, làm lụng nuôi con. Tôi muốn thét lên trong đau đớn tột cùng.
Ngày đưa tiễn bố tôi,  nghi thức phủ quân kỳ lên linh cữu. Bốn đồng chí Cựu chiến binh mặc tang phục đứng bên linh cữu ông. Rất nhiều cơ quan đoàn thể, học sinh các trường qua nhiều thế hệ đến viếng. Có người hỏi:‘- Ông cụ làm chức vụ gì mà lễ viếng trang trọng thế?’. Bác Chủ tịch Hội cựu chiến binh nói với mọi người:  “Cụ Bùi Phó Phô là một cựu chiến binh gương mẫu, cả cuộc đời sống và cống hiến thầm lặng cho quê hương, cho gia đình và Tổ quốc. Cụ còn là người cha, người ông nhân ái, yêu thương đã sinh thành, dạy dỗ những người con, người cháu giỏi giang, thành đạt có ích cho xã hội,…. Cuộc đời cụ là một tấm gương sáng trong và cao đẹp.”
Ôi bố tôi. Cả cuộc đời ông là những tháng ngày lao động, sống đàng hoàng chính trực với sự dũng cảm và trái tim nhân ái. Bố cũng từng là người du kích, người lính cầm súng anh dung chiến đấu với quân thù. Và cũng là người lính rất hay… lẩy Kiều!.
11/11/2023
Bùi Thị Biên Linh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Th...