Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Đò ngang một thuở

Đò ngang một thuở

Bên này Xóm Chài nhìn qua bên kia sông là phố thị Cần Thơ lấp lánh ánh đèn. Nhà tôi ở rạch Ngã Bát thông ra rạch Cái Đôi, xưa nếu đi đường bộ muốn qua chợ Cần Thơ phải đi đò ngang qua sông.
Từ vàm rạch Cái Đôi lên vàm sông Cần Thơ bọc qua vàm Cái Da có mấy bến đò ngang. Bến đò qua cồn ấu, bến đò chỗ trường học tiểu học Mỹ Hưng cũ đi ra (sau gọi là bến đò 1), bến đò qua chợ cá còn gọi là bến đò Giữa, hoặc bến đò Lò Tương vì ở đoạn đó có lò tương Hữu Hưng Long (sau gọi là bến đò 2), bến đò qua chợ Sân Heo (sau gọi là bến đò 3), bến đò Cầu Xéo từ Xóm Chài qua cuối chợ Tân An.
Bến đò qua cồn Ấu sau này mới có do nhu cầu của người từ Xóm Chài có đất ở bên cồn, ngày ngày phải qua đó làm ruộng rẫy, trồng ấu, nuôi thủy sản. Dần dà có một số người dân qua cồn Ấu ở hẳn vì vậy họ có nhu cầu đi qua Xóm Chài, qua chợ Cần Thơ để mua bán, sinh hoạt nên có thêm vài bến đò tự phát nhỏ chở khách sang sông cho khách quen. Bây giờ cồn Ấu đã là một dự án còn đang trong giai đoạn thực hiện chưa biết khi nào xong, người dân nhận tiền bồi thường đi nơi khác sinh sống. Giữa sông Hậu, đất đai phù sa tươi tốt, một ít người vẫn qua lại cồn Ấu bắt cá, hái rau cải thiện cuộc sống, có người đi, đò ngang qua cồn Ấu vẫn tồn tại dù khách thưa thớt.
Lúc học cấp 1 và cấp 2 tôi học bên Xóm Chài, cái trường cấp 1 và 2 ngày đó gọi là trường Thuận Đức, sau này khi chia tách phường Thạnh Phú thành hai phường Hưng Thạnh và Hưng Phú. Ngôi trường được có tên trường cấp 1 và 2 Hưng Phú. Sau này tách ra trường tiểu học riêng, trường trung học cơ sở riêng. Hết cấp 2 tôi thi vào trường cấp 3 thành phố Cần Thơ sau này đổi tên là Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm. Mỗi ngày tôi đi bộ từ nhà lên Xóm Chài hơn cây số tới bến đò 3 đi đò ngang qua bến Sân Heo (nơi bán đa số heo con cho người ta mua về nuôi)  rồi  đi bộ qua các dãy phố lên trường cấp 3. Đò ngày đó là những chiếc ghe tam bản bằng gỗ, đóng be thêm hai bên cao thêm một tấm ván, sau đó đóng miếng ván dài hai bên be ghe cho khách đi đò ngang làm chỗ ngồi.
Một đò ngang chỉ chở 7 người, tính luôn người lái đò là 8. Mỗi bến có mấy chục chiếc đò, họ sắp thứ tự gọi là sắp tài đưa khách qua lại ngang sông suốt ngày đêm. Người xuống trước ngồi đợi, đủ 7 người chủ đò mới chèo, nếu dư người cứ lên đò theo tài kế tiếp. Có ai cần gấp, bao đò đi ngay chịu trả hết tiền một tài đò 7 người là chủ đò vui lắm vì chèo ghe nhẹ, rồi đi nhanh qua bến bên kia sắp tài chờ khách trở về. Chiếc đò ngang ngày đó là phương tiện mưu sinh của biết bao người dân Xóm Chài. Nhà có chiếc ghe đò, cả nhà thay phiên nhau sắp tài chèo suốt ngày đêm. Một số bạn học của tôi thời ấy sau giờ học phải phụ gia đình chèo đò. Mưu sinh trên chiếc đò ngang dù nắng hay mưa không giàu có gì, nhưng tiền đủ để lo cơm áo cho gia đình là vui rồi.
Qua thời đò chèo đến thời, đò máy, máy móc thay sức người nên khi qua đò ngang nhanh hơn, người lái đò cũng đở mệt nhọc hơn. Thỉnh thoảng cũng có khách bao đi đò dọc, tùy theo lộ trình đi, người đưa đò bỏ tài đò ngang đưa đò dọc nhiều tiền hơn. Có thể đó là khách bao đò chạy một vòng cồn Ấu, hay đi dọc sông Cần Thơ vô Cái Răng xem chợ nổi, vô miệt vườn Phong Điền khám phá vườn trái cây, ăn các món ăn dân dã, có khi đi lòng vòng xuống rạch Cái Đôi, Cái Cui, Cái Sâu thăm bà con, hay đơn giản người nơi khác đến họ đi cho biết thế nào là sông nước Cần Thơ.
Từ khi có phà Xóm Chài được đưa vào hoạt động, lưu lượng người đi phà thuận lợi cơ động hơn đò ngang. Bến đò ngang vẫn còn, người đưa đò ít dần, họ chuyển sang làm nghề khác. Một số vẫn trụ lại vừa đưa đò ngang, vừa đưa khách đi tham quan các nơi. Chợ nổi dần phát triển theo hướng vừa là chợ trên sông theo kiểu truyền thống lại vừa bảo tồn để làm du lịch sông nước. Người đưa đò ngang một thuở nay có thể vừa đưa khách đi tham quan miệt vườn, chợ nổi vừa thao thao về các địa điểm du lịch Cần Thơ không thua gì hướng dẫn viên, thậm chí có một số lái đò chào hỏi khách du lịch bằng tiếng Anh.
Cầu Quang Trung, cầu Hưng Lợi rồi cầu Trần Hoàng Na hiện hữu sắp hoàn thành đưa vào sử dụng nối liền đôi bờ Cần Thơ. Dọc theo tuyến đường quang Trung thông xuống cảng Cái Cui đi tuốt xuống Hậu Giang, Sóc Trăng. Phường Hưng Thạnh, Hưng Phú, Phú Thú, Tân Phú cử quận Cái Răng thoắt cái trở thành những khu đô thị sầm uất. Người lái đò ngang thâm trầm nhớ khách sang sông đông vui một thuở. Mỗi bến giờ chỉ còn vài chiếc đò ngang cho ai đó có nhớ, có cần đi họ vẫn đưa. Chủ yếu là khách mối, khách quen, những người đi bán chợ khuya về, những người thức khuya đi chợ sớm. Từ Xóm Chài đi vòng qua cầu Quang Trung vừa xa, vừa vắng vào ban đêm trong khi chỉ cần sang sông là đến chợ, do đó đò ngang vẫn còn tồn tại. Những chiếc đò máy giờ có trang bị áo phao đầy đủ, có mái che nắng mưa cho khách, có băng ghế ngồi lịch sự. Chiếc ghe đò bây giờ không chỉ là đò gỗ mà còn được làm từ vật liệu composite.
Dần dần lái đò được hướng dẫn, tập huấn kỹ năng làm du lịch chuyên nghiệp hẳn so với trước. Người lái đò còn được học luật giao thông đường thủy. Chỉ có điều, người đưa đò giờ đây đa số là phụ nữ tuổi trung niên, người trẻ đưa đò ít hẳn. Có những chị, những dì gắn bó với nghề trên dưới ba mươi năm, da mặt họ đen sạm vì nắng gió. Ngày nắng ngày mưa, họ cần mẫn cho những chuyến đò ngang, những tua chở khách đi chợ nổi, miệt vườn khi khách muốn đi lẻ, muốn từ từ tận hưởng thú vui sông nước của cá nhân. Còn những chiếc tàu khách lớn chở du khách theo đoàn đã có những công ty vận tải phục vụ du lịch chuyên nghiệp làm rất bài bản, tài công lái tàu phải qua trường lớp đào tạo, tập huấn cụ thể. Đò máy, nhưng vẫn có cặp chèo phòng khi máy móc có lúc trục trặc có thể chèo về nơi sửa máy. Đò máy nên cuộc mưu sinh trên sông nước bớt nhọc nhằn dù nước ngược hay nước xuôi.
Đưa đò với các dì, các chị là mưu sinh, là niềm vui, nỗi buồn, là thói quen. Nếu lên bờ họ sẽ nhớ sông, nhớ bến. Còn người đi, dù ít, đò ngang còn tồn tại tuy chỉ vắng khách thưa người. Với người dân quê tôi, đò ngang luôn là nỗi nhớ, niềm thương. Với những con xa xứ đôi lúc nhớ quay quắt được trở về qua bến đò ngang một thuở.
13/11/2023
Kim Thanh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Th...