Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Chị tôi và Duyên phận long đong

Chị tôi và Duyên phận long đong

Ngày thằng con trai đúng tuổi cúng căn cũng là ngày anh dắt về nhà người đàn bà mới. Thì ra, cái người từng là bạn hàng mối trái cây chị chở qua bán bây giờ là người của chồng chị. Chị có hơi chút bất ngờ nhưng rồi cũng cố thản nhiên ra vẻ bình thường với mọi người. Sau bữa tiệc hôm ấy người ta thấy mẹ con chị không còn ở trong ngôi nhà ấy nữa...
CHỊ TÔI
Đang ở đợ nhà người ta, má bắt về gả. Lúc ấy chị mới mười bảy tuổi. Chồng chị lớn hơn hai tuổi. Nhìn cô dâu chú rể nhỏ xíu trong cái đám cưới nghèo, được tổ chức sơ sài bên cái lò gạch cũ ai thấy cũng chạnh lòng. Không biết rồi cuộc sống sau này sẽ ra sao khi mà cả hai còn nhỏ quá, chỉ cầu mong sao hai người có cuộc sống vợ chồng thật hạnh phúc. Vậy là mừng rồi.
Ừ, mà thời gian đầu về sống chung nhau vợ chồng chị ấm êm, hạnh phúc thiệt! Anh hiền lành, ít nói cũng giỏi giang, chịu khó làm ăn. Chị thì từ nhỏ đã biết bươn chãi, làm công việc của người giúp việc nên chị luôn tháo vát trong công việc nhà, từ dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng nói chung là quán xuyến giỏi. Bên chồng có cho mảnh vườn nhỏ nên vợ chồng chị cũng trồng thêm mấy chục gốc xoài, vài cây bưởi và thêm mấy gốc mận. Cuộc sống ở quê mà, nghèo nàn, đơn giản cứ thế trôi qua một cách nhàn hạ, nhưng được cái anh chị lúc nào cũng thương nhau.
Rồi chị sanh con, một thằng con trai giống hệt chồng chị. Anh thích lắm, suốt ngày cứ bên thằng nhỏ. Những lúc ở ngoài vườn thì thôi chứ hễ ở trong nhà là xề bên thằng nhỏ, cứ nựng nịu, nói ngọng nói đớt với cục vàng, nhiều lúc nhìn chồng như thế chị cảm thấy vui trong bụng rồi chị hay mĩm cười một mình.
Ngày thằng nhỏ lớn cũng là ngày anh chị có cuộc sống sung túc hơn. Sẳn tiện mảnh vườn có chút ít huê lợi cây trái, anh chị đi thu gom thêm trái cây từ mấy mảnh vườn lân cận rồi chở qua chợ đầu mối bên Tiền giang. Ban đầu thì thuê ghe ( thời đó đa phần chuyên chở bằng tàu ghe), dần về sau này anh chị sắm được chiếc ghe cho riêng mình và công việc kinh doanh ngày càng khấm khá hơn. Cả cái xóm Rạch giồng thời đó ai cũng trầm trồ, khen ngợi, vợ chồng nhỏ mà biết lo làm ăn. Anh thì cũng vậy, chỉ cười một cách hiền lành, rất ít nói trong khi chị thì cứ vui trong bụng và thầm mong cuộc sống của gia đình luôn vui vẻ, công việc lúc nào cũng xuôi chèo mát mái như thế này.
Nhưng sự đời mà đâu ai có thể biết trước được điều gì. Tai họa đã đổ ập xuống gia đình chị. Những chuyến đi giao hàng chỉ mỗi mình anh càng lúc càng nhiều ( do chị phải ở nhà để đi gom hàng), trong khi tiền vốn và lời càng lúc càng thâm hụt, hỏi anh thì anh trả lời một cách cộc cằn, dữ tợn, thậm chí có thể cho chị thêm cái tát tay. Chị giật mình bởi trước giờ anh nào có tánh vậy. Những lúc đó chị buồn rồi lủi thủi ra sau nhà ngồi, rồi khóc. Chị không nghĩ rằng anh lại tệ đến như thế. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, anh càng ngày càng quá quắt, lo làm ăn thì ít nhưng đi chơi bời ăn nhậu thì càng ngày càng nhiều hơn.
Mái ấm vui vẻ ngày nào bây giờ chỉ còn hai mẹ con chị. Anh đi suốt có khi năm ba bữa mới về nhà, chuyện vườn tược nhà cửa cứ để mẹ con chị lo. Cũng mấy lần chị cũng ngồi nói chuyện, có cả dòng họ bên chồng, khuyên lơn anh lo chí thú làm ăn nhưng rồi càng ngày càng nhận ra sự hời hợt, vô tình từ anh. Chị không biết mình có lỗi gì mà hay bị những trận đòn vô cớ cứ mỗi khi anh đi nhậu về. Phải chăng chỉ vì sự chịu đựng?.
Ngày thằng con trai đúng tuổi cúng căn cũng là ngày anh dắt về nhà người đàn bà mới. Thì ra, cái người từng là bạn hàng mối trái cây chị chở qua bán bây giờ là người của chồng chị. Chị có hơi chút bất ngờ nhưng rồi cũng cố thản nhiên ra vẻ bình thường với mọi người. Sau bữa tiệc hôm ấy người ta thấy mẹ con chị không còn ở trong ngôi nhà ấy nữa. Bà con lối xóm thương cho chị bao nhiêu thì lại oán trách chồng chị bấy nhiêu. Thấy bất công quá nên có bà chị gần xóm đòi ra mặt, giành lại cái quyền cho chị thế nhưng chị chỉ lắc đầu rồi nói: thôi người ta đã không còn tình với mình nữa, có cố níu kéo cũng chẳng được gì, xem như hết duyên nên chị buông.
***
Chiều xuống tự lâu rồi nhưng mấy sợi nắng ham chơi vẫn còn rong rũi. Chúng nó như muốn sà xuống bên cái dáng người đàn bà lam lũ đang ngồi dưới bến sông trước nhà, đôi mắt cứ nhìn về phía xa xăm, trông buồn lắm. Mấy con bìm bịp có lẽ cũng cảm thông với cái cảnh buồn nên cứ kêu lên mấy tiếng nghe thảm thiết. Nước dưới bến cũng bắt đầu ngấp nghé tràn bờ.
Mười bảy tuổi má đã gả chị rồi…
Tranh của họa sĩ Lê Kiệt
DUYÊN PHẬN LONG ĐONG
 
Thằng nhỏ bước vào nhà với cái mặt méo xệch. Chắc là qua bên đó bị nói gì rồi. Hỏi nó sao buồn thì nước mắt ngân ngấn, cha điện biểu về gấp, qua cho 500 ngàn mà cứ hành cứ tỏi, hoạnh họe những câu thiệt khó nghe. Nó trả lời một cách ấm ức rồi bước vào phòng, đóng cửa lại.
Tôi lặng người chưa kịp hỏi gì thêm nhưng hơn ai hết tôi hiểu rõ tâm trạng của thằng nhỏ. Hơn hai mươi năm sống chung nên tôi biết rõ tâm tính của cha nó. Cuộc hôn nhân do người lớn xếp đặt đã gắn kết tôi và cha nó. Ngày ấy khi mới tốt nghiệp ra trường, tôi xin về dạy ở một trường cấp 2 tại vùng sâu. Vì có chút nhan sắc và mang thêm cái mác giáo viên ngoại ngữ nên rất được nhiều người để ý trong đó vừa có đồng nghiệp vừa có cha của thằng nhỏ. Tôi thì chẳng có cảm tình nhiều vì ảnh cục mịch, đen đúa. Ảnh đeo tôi dữ lắm và cũng khéo ăn nói. Đôi khi vồ vập tôi quá đôi lúc khiến tôi đâm ra sợ.
Tối nào cũng lại nhà chơi, nói chuyện với tôi thì ít nhưng với tía tôi thì nhiều. Mấy lần tía có hỏi ý tôi về ảnh, tôi cũng nói rõ cho tía biết thực sự tình cảm của mình, mỗi lần như thế tía cứ o ép, muốn tôi thương ảnh, nào là củi khô dễ nấu, chồng xấu dễ xài, rồi nào là nó cũng công chức nên kinh tế cũng ổn định, tìm hiểu nhau để tía gả. Vậy là không lâu sau đó một đám cưới đã diễn ra. Cũng bình thường như bao đám cưới ở miền quê nhưng cũng nghe nhiều tiếng xầm xì, cô dâu sao mà đẹp quá, còn chú rể sao vừa xấu vừa già.
Thằng nhỏ được chào đời cũng một năm sau đó. Cả hai vợ chồng cũng thương yêu nhau, cùng chia sẻ nhau trong việc vun vén cho gia đình. Ảnh thì có tính gia trưởng, cái gì cũng phải khuôn phép. Sống chung với nhau cũng xảy ra mâu thuẫn, không ít thì nhiều, có lúc chỉ là nhỏ rồi dần dần to thêm. Nghĩ đến gia đình, con cái nên tôi cũng cố chịu. Con càng lúc càng lớn thì tánh tình ảnh càng thay đổi nhiều hơn. Ảnh hay cáu gắt, hay mắng chó chửi mèo mà chuyện cũng có gì đâu. Cứ hễ hôm nào ở trường có việc về trễ tí thì như là nhà có hoả hoạn, ảnh la hét, đập phá thậm chí thượng tay hạ chân. Những lúc đó tôi cứ chịu đựng, tức muốn chết mà có nói được gì trong khi thằng nhỏ thì sợ xanh mặt, đứng nép vào góc phòng mà khóc thét lên.
Càng ngày tôi càng trở nên lầm lì, ít nói. Vào trường thì cố vui vẻ, hoạt bát với đồng nghiệp, thân thiện với học trò nhưng trong lòng chất chứa bao nhiêu nỗi niềm. Tôi hiểu vì thời gian sau này ảnh gặp trục trặc về sinh lý, không gần gũi được với tôi, cũng có đến bác sĩ điều trị nhưng không được cải thiện. Bản chất ảnh lại gia trưởng nên rất đặt nặng vấn đề về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Vợ chồng cũng có tuổi với nhau, tôi cũng đâu còn ham muốn, đòi hỏi chi cái chuyện chăn gối, chỉ mong được ảnh quan tâm, chia sẻ cùng nhau trong cuộc sống hôn nhân gia đình là được rồi. Vậy mà, ảnh nào thấu hiểu, cứ dằn vặt, giày vò, cứ thấy tôi ăn mặc đẹp, chưng diện tí là lại kiếm chuyện để rồi thằng con chứng kiến hết tất cả sự vũ phu của cái người mà nó gọi là cha hàng ngày.
Thằng nhỏ tốt nghiệp xong lớp 12 cũng là lúc tôi quyết định ly hôn. Cũng chịu đựng suốt một khoảng thời gian dài bởi sợ thằng con bị tổn thương rồi sa sút trong việc học. Giờ nó đã trưởng thành và rất hiểu chuyện nên luôn ủng hộ quyết định của mẹ. Hai mẹ con sống chung dẫu có chút gì đó thiếu vắng nhưng rất vui vẻ, bình an. Thỉnh thoảng tôi vẫn bảo con sang thăm cha và bên nội. Thằng con ngoan nên luôn nghe lời. Mỗi lần qua bên đó về nó đều tâm sự. Ông bà nội thì không có gì nhưng cha thì ngộ quá. Thay vì hỏi thăm việc học hành của con như thế nào, đằng này cha cứ chì chiết, móc khóe, nghe nói mẹ mày lúc này đẹp lắm, sửa soạn lắm phải không, chắc có thằng nào rồi. Cả mày nữa, đeo mẹ mày quá, lúc nào cũng bênh vực nó nên riết rồi đâu còn biết tao là ai… Nghe con kể mà lòng tôi chua xót. Là người lớn với nhau, hơn nữa lại là cha của thằng nhỏ mà lại có suy nghĩ hẹp hòi như vậy. Làm vợ tôi đã chịu đựng sự hằn học, sự giày vò ngần ấy năm trời vậy mà giờ này lại muốn hành hạ thêm con. Hôn nhân gãy đổ, con cái chịu nhiều thiệt thòi. Hiểu rõ vấn đề nên tôi muốn con mình vẫn duy trì mối quan hệ hai bên nội ngoại và nhất là vẫn giữ mối quan hệ cha con. Vậy mà…
Hôm bữa thấy lâu quá sao thằng nhỏ không qua thăm cha nó, tôi có ý nhắc chừng. Thằng nhỏ trả lời: thôi, từ nay con không qua cha nữa đâu. Mẹ đã khổ với cha nhiều lắm rồi, con mà qua đó để nghe cha mắng nhiếc, làm tổn thương mẹ nhiều hơn, con không thể chịu đựng được. Tôi nghẹn lời khi nghe từng câu nói của thằng nhỏ, cố quay mặt nhìn ra mé sông trước nhà để giấu đi mấy giọt nước mắt cứ chực trào, trong lòng lại thảng thốt nghĩ: làm người cư xử tốt với nhau hơn được chút bộ khó lắm hay sao?!.
7/10/2022
Trương Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...