Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Tháng mười còn nhớ chưa quên

Tháng mười còn nhớ chưa quên

Vậy là tháng chín đã đi qua, tháng mười lại đến dẫu thu vẫn còn vương vấn chưa muốn rời xa. Những chiếc lá vàng còn sót lại trên cành như muốn níu kéo mùa thu ở lại. Thời điểm giao mùa chưa đến do năm nay nhuận. Tuy nhiên, sớm hay muộn mùa đông cũng sẽ đến. Tôi đã đi qua hơn một phần hai của cuộc đời, bao mùa đông đã qua và còn biết bao mùa đông sẽ đến.
Có một điều rất lạ, có không ít tâm hồn con người luôn muốn nhìn lại quá khứ, để rồi hoài niệm, thao thiết nhớ thương những mùa đông của đời người mà mình đã đi qua, được trải nghiệm, rung cảm và một chút khắc khoải luyến tiếc, nhớ nhung và tôi cũng không nằm ngoài phạm trù ấy.
Theo quy luật của tạo hoá thiên nhiên đất trời, thì tháng mười đã bước vào mùa đông. Mùa của cái lạnh giá và mưa bão lên ngôi, với bao nỗi lo toan rình rập. Nhất là mình Trung quê tôi, chiếc đòn gánh của hai đầu đất nước, khúc ruột yêu thương máu thịt của cơ thể một con người. Nên miền Trung có mệnh hệ gì là cả nước cùng hướng về để chia sẻ những khó khăn và mong rằng vết thương sớm bình phục lành lặn và ngược lại, tuy người miền Trung nghèo khó hơn, bởi do địa lý và thiên nhiên và các yếu tố khác, song người miền Trung cũng không kém tình thương yêu, chia sẻ và hào sảng…
Tháng mười đến, những cơn mưa bão luôn rập rình, bão đi kèm mưa, gió lốc xoáy, nước dâng ở vũng trũng đồng bằng và sạt lở đất ở niềm núi… luôn là nguy cơ cho con người miền Trung phải hứng chịu. Tuy nhiên, con người không thể chối bỏ quê hương, phải sống chung với bão, lũ… và tìm cách khắc phục, để giảm thiểu những mất mát về con người và tài sản.
Tôi còn nhớ như in, những năm của thập niên 80, 90 cứ mỗi lần nghe tin đài báo báo còn gọi dự báo thời tiết là ba mẹ tôi lại lo chống bão suốt ngày đêm vì hồi đó là nhà tạm tranh tre, vách nứa. Nên không có khả năng chống chọi với bão lũ. Nếu không quan tâm gia cố thì cơn bão đi qua sẽ làm sập nhà, cây cối, và có nghĩa sẽ mãi nghèo bền vững, khó mà thoát nghèo, chứ mong chi khá hơn. Ngày ấy, chị em tôi mới học cấp 2 còn nhỏ chưa giúp ba mẹ được nhiều, mọi công việc nặng nhọc do ba đảm đương, không kể trưa chiều. Ba nhanh tay ra vườn chặt những gốc tre đài già to hoặc những cây thân gỗ cứng cáp trong vườn nhà để chèn chống bão bốn góc nhà, còn trên mái nhà thì ba tôi chặt những tàu dừa còn tươi bắt thang để đè những tàu dừa còn tươi lên mái tranh sau đó dùng tre đè lên và dùng lạt tre buộc chặt lại vào đòn tay hay rui mè, cốt sao nếu bão có đi vào thì nhà không bị hất tung và sụp đổ. Những giọt mồ hôi mặn chát chảy trên lưng, trên mặt ba tôi thấm ước chiếc áo nâu với vài mảnh vá và chiếc nón cời ngày ấy vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi mỗi khi mùa đông về. Sau khi chèo chống nhà xong, ba tranh thủ đội mưa dùng cuốc xẻng vét lại các mương nước do ba tôi đào để cắt nước, không cho nước lũ trên núi chảy vào vườn nhà. Vì nhà tôi sát chân núi ở vùng bán sơn địa của xứ Quảng miền Trung.
Mẹ tôi sức khoẻ không tốt, nên không thể làm những việc nặng, chỉ phụ ba và lo nội trợ, nhen bếp lửa, nấu những bữa ăn đơn sơ nhưng thật ấm ấp tình quê. Sau này tôi đã viết thành thơ trong bài “Nhớ!”:
Nhớ lắm nồi sắn ngày mưa/ Nhớ quay quắt nhớ vẫn chưa phai mờ/ Mùa đông giá lạnh vô bờ/ Nồi sắn nóng hổi bở tơi ấm lòng.
Cùng với bát nước chè xanh, có củ gừng tươi mẹ hái trong vườn nhà, với bếp lửa củi  ấm áp đã giúp gia đình tôi vượt qua mùa đông lạnh giá.
Những mùa đông đã thầm mong với ước mơ giản dị sáng trong cuộc đời, đâu có mơ mộng xa vời, chỉ cần ấm áp tình người đông qua và không thể nào quên những mùa đông đã đi qua tuổi thơ tôi, để giờ đây chạnh nhớ, hoài niệm về quá khứ một thời gian khó không thể lãng quên, nên tôi đã chuyển tải:
Nhớ sao phên vách gió lùa/ Nhà tranh, cột chống khi mùa bão giông/ Cái lạnh se thắt mùa đông/ Nhớ sao vất vả nhà nông cơ hàn.
Mùa đông người dân quê tôi vất vả là vậy. Nên ai ai cũng chịu thương, chịu khó. Tuy nhà tôi rất nghèo, nhưng ba mẹ tôi dành dụm tiết kiệm nuôi ba chị em tôi học và tốt nghiệp cấp ba thời điểm đó cũng là niềm vinh dự. Tôi không thể vào đại học và thực hiện ước mơ; một năm sau tốt nghiệp cấp ba tôi phụ ba mẹ làm nông và đi buôn nông sản trước khi bước vào quân ngũ.
Khi đất nước đổi mới và phát triển, người dân quê tôi dần khá hơn, thì ba tôi đã về với tổ tiên, chưa được con cái báo đáp được bao nhiêu và hơn 10 năm sau mẹ tôi lại tiếp tục theo ba về miền cực lạc: Theo ba, mẹ về thiên đàng/ Còn đây nỗi nhớ vô vàn bến thương/ Con còn lặn lội con đường/ Mưu sinh sự nghiệp bốn phương đời này.
Nhưng trong tâm trí tôi luôn mong sao cuộc sống sẽ đổi thay, con cái của tôi sẽ khá hơn tôi, có điều kiện tốt hơn để thực hiện được ước mơ, tình yêu, lẽ sống tháng ngày sẽ đơm hoa, kết trái…
25/10/2023
Võ Văn Thọ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung Người mẹ vốn cao đẹp trong cuộc đời, khởi đầu của sự sống và suối nguồn yêu thương không bao g...