Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

Trăn trở - Truyện ngắn của Vũ Việt Thắng

Trăn trở - Truyện ngắn
của Vũ Việt Thắng

Khói màu tan dần, tiếng động cơ trực thăng càng to hơn. Nhìn theo hướng căn cứ của Mỹ, tôi đếm được tất cả chín chiếc trực thăng chở quân. Đi kèm là hai chiếc trực thăng chiến đấu, nó có thân hình hơi lép, chứ không bầu bĩnh như những chiếc trực thăng chở quân. Dân trong vùng quen gọi là chiếc cá nẹp. Mỗi chiếc trực thăng chở ngót nghét chục thằng Mỹ; vị chi chúng đánh úp chúng tôi là cả đại đội.
Nhận được lệnh: Tối nay đi yểm trợ du kích diệt ác. Đơn vị cử sáu người trong đó có tôi, là xạ thủ B-40. Bảy giờ đã tới điểm tập kết. Đơn vị được chúng tôi yểm trợ là mấy tay du kích và an ninh huyện. Nhiệm vụ của họ là vào ấp chiến lược xã bên bắt một tay ác ôn xử tội. Mò mẫm cả tiếng đồng hồ, mới thấy ánh đèn dầu nhấp nháy; được treo trước cửa các căn nhà dân trong ấp chiến lược.
Chúng tôi bò theo bờ ruộng, vào sát hàng rào ấp. Tiếng kẻng từ hai điếm canh đầu, và cuối ấp lâu lâu lại vang lên. Sau khi cắt lớp hàng rào. Mấy tay an ninh, du kích đi vào giữa ấp. Chúng tôi nằm phục hai bên đường chính trong ấp đón lõng. Chặn tụi nhân dân tự vệ từ hai điếm canh có thể tràn vào giữa ấp. Mấy tay du kích, an ninh đi tới đâu là tiếng chó trong các căn nhà sủa vang lên tới đó. Đồng hành với tiếng chó sủa là tiếng súng Ga-Răng: Chóc đùng, chóc đùng… họa theo. Tiếng hô: Việt Cộng! Việt Cộng…cùng tiếng chân chạy về phía nằm phục ở giữa ấp của chúng tôi. Khi đã thấy bóng người đang chạy tới gần, tiểu đội trưởng hô to:
– B-40 bắn!
Tôi đưa súng nhắm vào những bóng đen đang chạy tới, bóp cò: Oành đùng! Khói bay mịt mù phía quả B-40 nổ, cùng tiếng A-K rền vang. Tụi nhân dân tự vệ la hét bỏ chạy như đám vịt. Im re chẳng dám bắn lại viên nào. Từ giữa ấp chạy ra mấy bóng người, khi tới gần tôi mới nhìn rõ: Họ đang lôi một người mặc áo trắng từ trong ấp chạy ra.
Chạy lúp xúp cả cây số, luôn nghe tiếng tay du kích hối thúc người bị bắt:
-Đ.M. lão già chạy nhanh lên!
Bây giờ thì tôi mới hình dung ra, người ác ôn đó chắc cũng lớn tuổi, nên tay du kích mới gọi là lão già.
Ra tới bờ sông Vàm Cỏ Đông, cách xa cái ấp hồi nãy mấy cây số. Chẳng nghe tiếng chó sủa, tiếng kẻng báo động nữa. Ngồi nghỉ, tôi đi lại nhìn mặt tay ác ôn. Dưới ánh trăng mờ mờ, nghe tiếng trả lời sau những câu hỏi của tay an ninh. Tôi ớ người ra, thốt lên:
-Bác Năm!
Ông già giật nảy người ngẩng mặt lên nhìn tôi chằm chằm. Tôi lên tiếng:
-Cháu tên Thành ở đơn vị…hay đóng quân nhà bác này. Nhà bị bắn cháy rồi, bác ở với ai trong đó?
Ông già chỉ ừ hử chẳng dám nói gì.
Nhiệm vụ yểm trợ của chúng tôi tới bờ sông là hoàn thành. Lúc chia tay một người trong nhóm du kích hất hàm hỏi tôi:
-Đồng chí có biết, hôm đơn vị nào đó đóng quân nhà lão già này; bị Mỹ đổ trực thăng đánh chụp là do chính lão già chỉ điểm không?
Tôi ớ người ra chẳng hiểu mô tê. Hình ảnh buổi chiều bị Mỹ đổ trực thăng đánh chụp đơn vị cứ hiện ra…
Ở nông thôn vùng Long An, do bom pháo của Mỹ, và phía Quốc Gia bắn phá ác liệt quá, nên nhà dân rời hết ra ngoài cánh đồng. Nhà bác Năm cũng ra đám ruộng cách bìa làng gần trăm mét.
Mỗi lần đơn vị tôi được lệnh vào pháo kích thủ đô của phe Quốc Gia. Từ vùng huyện Tân Trụ di chuyển luồn lách qua đồn bót của địch; tới sát Sài Gòn trong tầm pháo. Nói là vùng giải phóng cho oai, chứ thực tế chúng đã bình định gần hết vùng Long An này rồi. Ban ngày các đơn vị xé nhỏ ra, núp trong những đám dừa nước ven sông, hoặc rạch. Phải lấy được lòng dân, chứ không chỉ cần có ai đó chỉ điểm nơi đóng quân, là đơn vị sẽ bị càn quét bao vây. Chắc chắn gần như bị xóa xổ cả đơn vị đó; nên công tác bí mật rất là nghiêm ngặt. Chọn nơi đóng quân cũng phải xét kỹ càng từng gia đình, theo sự đảm bảo của du kích địa phương. Khi đã qua sông Vàm Cỏ Đông, thường thường đơn vị hay đóng quân nhà bác năm; vì nhà bác gần địa hình có những đám dừa nước rậm rạp, chạy dài theo bờ sông. Phần gia đình có con trai tham gia một đơn vị giải phóng, nghe nói đâu ở trên miền Đông. Tuổi tác bác có lẽ cũng ngấp nghé sáu mươi. Đặc biệt bác rất vui tính, và hay hát vọng cổ. Mỗi buổi tối khi từ dưới bờ sông lên nhà bác, nấu nướng nghỉ ngơi. Bác hay kể chuyện Tam Quốc. Khi kết thúc buổi kể chuyện, lúc nào bác cũng bình Tào Tháo giỏi, nhưng thất đức; Khổng Minh đa mưu túc trí nhưng nhân nghĩa.
Một buổi chiều, khoảng bốn giờ không nghe động tĩnh gì là chúng tôi lần lượt lên nhà bác Năm ở ngoài cánh đồng. Bữa nay cô con dâu ẵm cháu nội về quê ngoại chơi, thành thử còn có mình bác ở nhà. Cả trung đội lúc này chỉ còn 12 người lục tục đã lên đầy đủ. Cơm đang nấu, người thì lo tắm giặt, người thì còn ngồi tán gẫu. Bỗng từ xa nghe tiếng trực thăng bay lại gần; khi tới cuối ấp nó bay vòng lại, xiết dần vòng tròn là ngôi nhà bác Năm. Trung đội trưởng là tay đã dày dạn trong chiến đấu ở chiến trường này. Hô to:
Các đồng chí chuẩn bị, trực thăng trinh sát đó. Tiếng hô vừa dứt. Chiếc trực thăng hạ thấp độ cao, xà xuống gần sát mái nhà. Vòng thứ hai nó quay lại, quẳng xuống giữa sân nhà bác năm một trái khói màu vàng. Cả sân nhà chỉ rộng chừng năm mét, chiều dài cũng bảy tám mét. Ngoài ra là ruộng lúa, mùa cận tết nên dân vùng này toàn cấy giống lúa nàng thơm Rạch Đào; một loại lúa thơm của địa phương, thân cao khoảng một mét. Mọi người nháo nhào, lệnh được ban ra:
-Bằng mọi giá phải bắn trực thăng đổ quân.
Tiếng phành phạch ầm ầm từ xa vẳng lại. Theo sự phân công nhanh của trung đội trưởng:
-Tất cả ra bám mé hè tìm địa thế, chờ lệnh!
Bác năm thì luôn miệng hét:
-Cái gì không cần thiết quăng hết xuống mương nằm sát vách sau nhà.
Bác cũng ôm phụ anh em, còn luôn miệng động viên:
-Bình tĩnh các cháu, ẩu đoảng lúc này là hư hết mọi việc đấy!
Tôi kéo cơ bẩm khẩu AK lên đạn. Chạy ra núp sau cái lu chứa nước mưa, còn các anh em khác, người thì núp sau cối xay lúa, người thì dựa vào cột nhà…
Khói màu tan dần, tiếng động cơ trực thăng càng to hơn. Nhìn theo hướng căn cứ của Mỹ, tôi đếm được tất cả chín chiếc trực thăng chở quân. Đi kèm là hai chiếc trực thăng chiến đấu, nó có thân hình hơi lép, chứ không bầu bĩnh như những chiếc trực thăng chở quân. Dân trong vùng quen gọi là chiếc cá nẹp. Mỗi chiếc trực thăng chở ngót nghét chục thằng Mỹ; vị chi chúng đánh úp chúng tôi là cả đại đội.
Chiếc trực thăng đi đầu hạ dần độ cao. Lúc này trong khói màu vàng mờ mờ; nhìn thấy rõ thằng lính Mỹ giữ khẩu đại liên đang nhắm về phía chúng tôi. Phía sau lưng hắn lố nhố những cái đầu đội nón sắt, tay nhăm nhăm súng A-R 15. Tiếng trung đội trưởng hét to trong tiếng ầm ầm của trực thăng, và những tràng đại liên của hai chiếc cá nẹp bắn chặn vào bìa làng:
-Tất cả đợi trực thăng hạ sát đất, có lệnh mới bắn!
Chiếc trực thăng đi đầu đã tới đám ruộng lúa trước sân, nó phành phạch nhích dần xuống trước sân nhà. Đã nhìn rõ từng khuôn mặt mấy thằng Mỹ; chúng đang khom người đợi trực thăng đáp xuống là nhảy ra. Tiếng trung đội trưởng hô vang:
-Bắn!
Tiếng AK rền vang, tôi nhắm thẳng vào mấy thằng Mỹ xiết hết băng đạn. Chiếc trực thăng lảo đảo, nghiêng qua, nghiêng lại rồi cất cánh bay về phía bờ sông Vàm Cỏ Đông. Nó đâm xuống đám dừa nước ven sông, kèm theo là những tiếng nổ; làn khói đen kịt bốc lên nghi ngút. Tất cả những chiếc trực thăng còn lại quay đầu bay về. Hai chiếc cá nẹp cứ ngỡ bị trong bìa làng bắn ra. Nên chúng cứ: Cảo đùng, cảo đùng… bắn hỏa tiễn và đại liên về phía bìa làng.
Biết trước tình thế, lệnh trung đội trưởng :
-Tất cả hãy tản vào trong các ruộng lúa, bò ngược ra đồng.
Hình như được mấy chiếc trực thăng chở quân báo lại. Hai chiếc trực thăng chiến đấu quay đầu bắn hỏa tiễn vào ngôi nhà. Lửa bùng lên, hòa trong tiếng đại liên bắn xuống, cùng tiếng ống tre nổ bôm bốp từ ngôi nhà đang cháy.
Bác năm mặc quần áo trắng chạy theo bờ ruộng. Nhờ mặc áo trắng mà tụi Mỹ biết là dân không bắn. Trung đội mạnh ai nấy bò tản mác vào trong các ruộng lúa. Tôi kéo lê khẩu A-K bò ngược ra giữa đồng dưới những ruộng lúa. Lúc này mà bò vào mé làng là bị trực thăng bắn; vì chúng đã tăng cường mấy chiếc chiến đấu, đang bắn hỏa tiễn và đại liên dọc bìa làng, hòng ngăn chặn Việt Cộng chạy xuống mé sông Vàm Cỏ Đông. Những chiếc trực thăng tháo chạy hồi nãy. Chúng  bay trở  lại đổ quân xuống một bãi đất trống; cách ngôi nhà bác Năm đang cháy ngùn ngụt chừng hai trăm mét.
Tôi cứ nghiêng người mà bò, khi nghe tiếng trực thăng tới gần lại nằm im. Lúc này mấy chiếc cá nẹp đang quần thảo; tìm cho ra tung tích mấy tay Việt Cộng đã bắn cháy chiếc trực thăng đổ quân hồi nãy. Trời cũng dần chuyển sang tối, tiếng hú gọi nhau lẫn trong tiếng trực thăng và tiếng súng. Rồi đơn vị cũng tập hợp đông đủ chả có ai bị sứt mẻ; nhờ những ruộng lúa nàng thơm cao ngút đầu che chở.
Màn đêm buông xuống. Tổng cộng Mỹ đã đổ quân mười bảy chiếc trực thăng, vị chi cả hai đại đội. Bầu trời sáng rực bởi pháo sáng 105 và 155. Chiếc Đầm Già O-V10 bay đảo trên đầu luôn phát ra những lời kêu gọi: “ Hỡi anh em cán binh Việt Cộng! Anh em đang bị quân lực hùng hậu đồng minh Mỹ bao vây. Con đường duy nhất để cứu mạng sống; là hãy trở về với chính nghĩa quốc gia và quân lực đồng minh…”
Luồn lách trong màn đêm, đơn vị cũng thoát ra khỏi vòng vây của gần hai trăm lính Mỹ.
Địch mở rộng bình định, phần đất xôi đậu giữa ta và địch, cứ mất dần về tay địch. Lâu lâu có dịp đi ngang, chúng tôi cứ đứng trên nền nhà cháy sém của bác Năm mà nhắc về bác. Cầu mong bác còn sống để có ngày gặp lại.
Hòa bình. Sau bao năm lăn lộn trong bom đạn. Lưỡi hái thần chết đã không chém trúng, tôi vẫn lành lặn; với thân hình gày nhom cộng thêm mấy căn bệnh mãn tính. Được xuất ngũ với ân huệ là 90 kg tem phiếu và mấy trăm đồng phụ cấp.
Về quê nai lưng làm việc trong hợp tác xã mà chả đủ ăn.Tính chất Nam Bộ cởi mở; khí hậu hiền hòa, rất hợp với bệnh dạ dày và thấp khớp của tôi. Hai bàn tay trắng tôi khoác ba lô quay lại miền Nam.
Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở. Tôi quyết tâm tìm về cái ấp ngày xưa bác Năm ở; để coi bác còn sống hay chết. Vã mồi hôi sau hơn một tiếng đồng hồ đạp xe; tôi đã tới xóm bờ sông Vàm Cỏ Đông năm xưa. Nhìn cánh đồng lúa xanh mướt chẳng còn ngôi nhà nào ngoài đồng. Hòa bình dân đã trở lại xóm gây dựng lại vườn tược.
Hỏi thăm và đi theo con đường làng rợp bóng dừa đã lên cao. Tôi tới nhà bác năm, ra đón tôi là chị con dâu. Hỏi thăm trong mừng mừng tủi tủi, chị bảo chú cứ tự nhiên để chị xuống bếp nấu ấm nước pha trà. Còn một mình, tôi ngước nhìn lên bàn thờ thấy: Di ảnh bác Năm trai, và bác Năm gái, cùng di ảnh người con trai còn trẻ.  Tôi vã mồ hôi khắp người: “Thế là bác năm đã chết!” Đợi chị con dâu pha xong ấm trà, tỉ tê hỏi chuyện tôi mới hay:
Hồi còn con gái chị cũng là cô gái đẹp nhất nhì trong ấp. Có nhiều người theo tán tỉnh, nhưng chỉ có hai người  đeo đuổi chị nhất. Anh nhà đây tính tình chín chắn, lo làm ăn, tay kia bản tính lấc cấc, mới lớn lên đã hay nhậu nhẹt. Nhà anh ta có nhờ người mai mối, chị không chịu mà chị đồng ý về làm vợ anh ở nhà này. Ở với nhau được đứa con thì chiến tranh tràn tới, chồng chị vào du kích. sau đó được đưa lên bộ đội miền. Đơn vị hoạt động tít trên mấy tỉnh miền Đông. Hắn kia cũng vào du kích. Biết chồng chị không có nhà; lâu lâu nhậu nhẹt kiếm chuyện vào nhà trêu ghẹo. Đã nhiều lần bị chị mắng cho mà vẫn không bỏ tính dê tầm bậy đó. Chứng nào tật ấy. Một buổi chiều đi nhậu ở đâu về, ghé nhà chị, ghẹo bằng lời chẳng xong; chạy lại ôm chị. Bị bác Năm vác cái xẻng xúc đất nện vào lưng mấy cái. Mặt đỏ gay vì rượu và tức giận; chẳng xin lỗi hắn còn đưa tay chỉ mặt ông già chồng chị:
-Nhớ  mấy nhát xẻng này nha, hãy đợi đấy ông già!
Mỹ đổ trực thăng trước sân nhà là do một du kích chiêu hồi hôm trước chỉ điểm. Nhà bị máy bay Mỹ bắn cháy tan tành. Không có chỗ ở, cả gia đình phải về ở nhờ nhà người em ở trong ấp chiến lược xã bên. Vin vào chuyện này, tay du kích thù vặt quyết kết tội ông già là thông đồng chỉ điểm, sợ nên bỏ chạy vào ấp chiến lược của địch. Vì hắn đang làm tổ trưởng an ninh ấp. Chả hiểu mấy ông an ninh huyện truy xét thế nào mà cũng kết tội bác Năm là thành phần ác ôn. Thay vì xử bắn như mọi người, có lẽ vụ án hơi khuất tất nên họ trói ông, neo đá, chở xuồng ra giữa sông Vàm Cỏ Đông thả xuống. Chẳng biết họ thả chỗ nào mà mướn người mò xác. Thành thử chị lấy ngày bác Năm bị bắt làm ngày cúng giỗ.
Chị cứ khóc ngất khi kể chuyện, tôi cũng ngậm ngùi ứa nước mắt. Vừa lấy khăn rằn lau nước mắt chị kể tiếp: “Trời bất dung kẻ bất nhân chú ạ! Đâu vài tháng hắn quen tính nhậu nhẹt, buổi sáng không có lính càn, là xế chiều hắn đã lên nhà dân ở ngoài đồng vào mấy quán ăn nhậu. Một buổi chiều hắn đang lơn tơn đi ra, bị bọn biệt kích nằm phục bắn chết. Chúng kéo xác lên lộ nhựa phơi ba ngày mới cho thân nhân làm giấy bảo lãnh về chôn.”
Hòa bình, chẳng thấy chồng về. Chị ngóng ngày, trông đêm, vài tháng có giấy báo tử ghi vỏn vẹn: “Hy sinh anh dũng mặt trận miền Đông.” Chị bảo nhiều lúc chả thiết sống nữa. Má chồng bị chết vì bom pháo Mỹ. Ba chồng thì chết oan ức tức tưởi. Chồng chết ở đâu cũng chẳng biết ngày và nơi chôn. Nhà cửa thì tan nát; cũng may là còn đứa con trai nối dõi mà chị cố bấu víu vào nó để sống qua ngày.
Lau nước mắt tôi xin phép chị được đốt mấy nén nhang. Vặn to ngọn đèn dầu, châm lửa đốt mấy cây nhang. Tôi nhìn rõ ảnh bác Năm trên bàn thờ; đang mỉm cười như ngày nào, mỗi khi kể chuyện và bình hai nhân vật nổi bật trong truyện Tam Quốc là khổng Minh và Tào Tháo. Lúc nào bác cũng có câu kết:
“Tài giỏi mà thất đức, ngàn đời sau vẫn bị nguyền rủa!”.
30/4/2020
Vũ Việt Thắng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...