Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Viết cho con trước mùa thi

Viết cho con trước mùa thi

Mọi thứ ở phía trước, có chông gai nhưng rộng mở; không tự đặt bàn chân lên sao thấy cát mềm hay đá thô, sỏi rát; sao thấy được hoa thơm, nắng mật? Bước đi con, ngã thì lại dậy. Chỉ cần mình nỗ lực, chẳng có điều gì là vô nghĩa cả…
Con gái!
Thế là con đã học lớp 9. Nhanh quá! Vừa ngày nào chập chững giữa sân nhà, vừa ngày nào bập bẹ gọi tiếng mẹ đầu tiên đầy háo hức; thế mà nay sắp trở thành thiếu nữ, sắp đối mặt với kì thi quan trọng đầu tiên của cuộc đời- kì thi chuyển cấp vào THPT. Người ta nói giữa bối cảnh hiện nay, kì thi này còn khốc liệt hơn cả kì thi vào Đại Học. Quả cũng không có gì là quá! Con có áp lực không, con có lo lắng không?  Chắc chắn là có. Bố mẹ cũng thế. Suốt từ đầu năm học, nhà mình cũng như bao gia đình có con cuối cấp 2 luôn trong tinh trạng “sẵn sàng chiến đấu”.
Thêm một nỗi lo nữa, lứa học sinh năm nay đông quá- năm lợn vàng mà. Ngay từ ngày sinh con mẹ đã nhận ra sự đông đúc đó. Từ lúc nhẩm số em bé sinh ra cùng ngày, cùng đợt trong bệnh viện đến khi đi khai sinh, tiêm phòng hay các hoạt động, chương trình cho trẻ nhỏ… Lại thêm mấy năm dịch bệnh triền  miên, chiếm đến ¾ số năm học cấp 2. Và năm nay, thời gian học online khá trường kì; để lại không ít hệ lụy về tâm lí, tinh thần cho những cô cậu học trò đang giai đoạn ẩm ương, dễ dao động. Chưa kể huyện mình lại thiếu hụt trường lớp nghiêm trọng so với số lượng học sinh. Khó khăn chồng chất khó khăn! Mẹ là giáo viên, mẹ càng hiểu rõ những khó khăn ấy. Mẹ hiểu sức nóng của kì thi này suốt bao năm qua từ trường, lớp đến gia đình học sinh, đồng nghiệp. Và năm nay, khi trực tiếp là phụ huynh, mẹ càng thấy “nóng”.
Con gái ạ!
Ngày xưa, kì thi chuyển cấp ấy không quá khắc nghiệt như bây giờ. Nhưng con có biết, mẹ cũng đã trải qua một năm lớp 9 đầy thử thách?
Dù  môn thi chỉ là Toán và Văn. Văn với mẹ vốn là thế mạnh nhưng Toán lại là nỗi hoảng sợ. Trong cuộc đua, người ta có thể bị tụt lại nếu sở hữu một bên chân mạnh nhưng chân còn lại yếu ớt trong khi các đối thủ có đôi chân bình thường nhưng cân đối. Mẹ hiểu điều đó và xác định phải cố gắng môn Toán ngay từ đầu nhưng oái oăm, năm đó mẹ phải ròng rã chiến đấu với các kì thi học sinh giỏi. Không chỉ thi huyện, tỉnh mà còn Quốc Gia. Trường kì ôn luyện rồi thêm ba tháng phải rời gia đình, trường, lớp xuống học và ôn ở một nơi xa lạ với lịch trình khép kín “ăn – ngủ – học Văn”. Sự kiện phải tách biệt bạn bè và xa nhà lần đầu tiên  không chỉ làm mẹ hẫng hụt, hao mòn mà lỗ hổng môn Toán cứ ngày một sâu thêm. Và khi kết thúc những kì thi học sinh giỏi, đối diện với kì thi chuyển cấp cận kề, mẹ thực sự hoảng hốt, chới với. Không biết bắt đầu từ đâu, không biết bấu víu vào đâu. Ông bà ngoại bận rộn với công việc không có thời gian để ý, cũng không hiểu được những khó khăn của một đứa học lệch để mà hỗ trợ.
Chưa bao giờ mẹ thấy căng thẳng, áp lực và khó khăn như thế. Không biết giãi bày cùng ai, càng không biết ai có thể giúp. Hằng ngày vẫn lặng lẽ hoàn thành công việc mà trong lòng như có gió bão cuồn cuộn thổi. Những ngày sắp thi lại trùng với vụ mùa. Tan trường về mẹ vẫn tranh thủ đi gặt, làm rơm, phơi phóng… Công việc nhà nông ngày đó triền miên vất vả, đâu đơn giản như bây giờ. Ông bà tập trung chợ búa, mẹ và bác là 2 nông dân thực thụ – 2 lao động chính trong những ngày thu hoạch. Mẹ thèm thời gian học, mẹ thèm có người chỉ dẫn, bảo ban, dắt tay trên đoạn đường chinh phục môn Toán ở giai đoạn nước rút đó biết bao. Không ai gây áp lực cho mẹ nhưng mẹ tự xác định mình đang trong những tháng ngày trui rèn trong lửa bởi điều gì xảy ra nếu mẹ không đỗ vào cấp 3? Một học sinh giỏi tỉnh- học sinh duy nhất của huyện được vào đội tuyển thi quốc gia môn Văn- điều mà trước đó chưa ai trong huyện làm được (mẹ nhớ, ngày đi thi chọn đội, đích thân thầy hiệu trưởng đèo đi) mà lại không đỗ trong kì thi đại trà ư? Nghe vô lý quá!
Nhưng mẹ biết, rất có thể, trong kì thi sắp tới, mẹ sẽ trượt – nếu không lấp được phần nào lỗ hổng môn Toán. Mẹ mơ hồ thấy một tương lai u ám rình rập; mẹ lo hơn bất kì một thí sinh nào khác trong kì thi năm ấy.
 
Cuối cùng, ơn trời, với sự cố gắng hết mình, điều đáng sợ đã không xảy ra. Mẹ đã vượt qua kì thi – thừa khá nhiều điểm. Mọi người coi đó là một việc hiển nhiên, có biết đâu, mẹ vừa qua tâm bão.
Con gái!
Mẹ chưa bao giờ kể tường tận cho con về những điều đó. Trong mắt mọi người, trong câu chuyện của người thân quen, mẹ luôn được nhắc đến với sự học hành giỏi giang. Không biết đó là vinh dự hay áp lực cho con nữa? Nhiều người tò mò về sức học của con, dự đoán con cũng học rất tốt. Nhưng thực tế, con học bình thường, không có gì nổi trội – điều đó cũng đâu có gì khó hiểu và mẹ không lấy làm buồn phiền hay xấu hổ; mẹ biết con có hứng thú, thế mạnh khác. Điều mẹ lo lắng là khả năng tập trung của con không cao, sự tự lập hạn chế, việc sắp xếp thời gian chưa khoa học, hợp lý.
Và từ trải nghiệm của bản thân mình, mẹ muốn đồng hành cùng con, chỉ dẫn những điều gom góp suốt bao năm chinh chiến thi cử. Nhưng con cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, lo lắng đấy mà chưa biết cách; chưa biết cách nhưng nhiều khi ngang bướng- thích làm theo ý mình; áp lực đấy nhưng bố mẹ, thầy cô không để ý lại lệch ngay sang quỹ đạo khác. Nên tưởng cứng rắn mà hóa ra cực kì mong manh. Tưởng là đá mà thực ra giống thủy tinh.
Giữa những bộn bề, dự cảm của người lớn với ẩm ương của tuổi đang lớn; những chênh lệch thế hệ, va chạm quan điểm…đã làm xuất hiện bao nhiêu tiếng quát tháo, mắng mỏ, giục giã, gào thét, nước mắt, dằn vặt… giữa bố mẹ và con.
Đã có thời điểm mẹ vô cùng mệt mỏi vì công việc trường lớp, nhà cửa nối nhau, chồng chất. Thậm chí hoang mang, thất vọng. Khi ngày ngày lên lớp với học trò đang tuổi ẩm ương, về nhà cũng đối diện với các con tuổi chanh cốm.
Để có lúc, giật mình, mẹ tự hỏi, chẳng lẽ mọi chuyện cứ căng thẳng như vậy sao? Mục đích cuối cùng của cuộc sống là gì?  Lẽ nào học hành lại khổ ải, vật vã như vậy? Không, không thể như thế, quyết không phải là như thế. Việc học của các con còn rất lâu dài, là cả một hành trình và là công cuộc khám phá, háo hức chứ không thể là những chặng dài khổ hạnh. Các kì thi sẽ là những mốc quan trọng để đánh dấu mức độ trưởng thành, tạo đà cho các con bước tiếp chứ không thể là những hố sâu, hào gai rùng rợn.
Mẹ ngồi xuống và tự nhủ, sẽ học cách dịu lại, bớt lo lắng, bớt ôm đồm, bớt kéo căng không khí xung quanh. Sẽ hỗ trợ khi con cần chứ không sắp xếp, nhắc nhở từng li, từng tí nữa. Con đã lớn, không còn bé bỏng như xưa để chấp nhận mọi sự sắp đặt, chăm lo của mẹ. Có những thứ, có lẽ mỗi người phải tự trải nghiệm để lớn lên. Mẹ buông bớt để dành cho con khoảng không gian để vươn ra đón khí trời, nắng gió (dù phấp phỏng, âu lo). Nhưng  con phải xác định được mục tiêu, nỗ lực để đạt được nó; chứng minh khả năng của mình- bằng hành động chứ không phải lý thuyết. Con phải có trách nhiệm với bản thân, với quyết định của mình. Vì bố mẹ có giỏi giang đến đâu cũng không thể học và sống thay con được, càng không thể mơ ước thay con. Và bố mẹ dù cận kề, gần gũi cũng không thể hiểu hết khó khăn, càng không thể đo đếm hết khả năng còn tiềm ẩn trong con.
Hãy lắng nghe  bản thân để tự tin bước và biết giãi bày, chìa tay khi cần trợ giúp con nhé! Đường sẽ bớt xa và bàn chân đỡ mỏi.
Mọi thứ ở phía trước, có chông gai nhưng rộng mở; không tự đặt bàn chân lên sao thấy cát mềm hay đá thô, sỏi rát; sao thấy được hoa thơm, nắng mật? Bước đi con, ngã thì lại dậy. Chỉ cần mình nỗ lực, chẳng có điều gì là vô nghĩa cả.
Con gái!
Có biết bao khó khăn trong năm học đặc biệt này, trong kì thi quan trọng sắp tới nhưng con hãy nhớ, đó không phải là khó khăn của riêng con. Tất cả các bạn đều cùng chung khó khăn như vậy. Kết quả ngọt ngào sẽ dành cho người xứng đáng- là những người không thở than mà biết nỗ lực vượt qua chông gai, trở ngại.
Mẹ chúc con sẽ chinh phục được mục tiêu của mình- mục tiêu mà con đã tô đậm trên tờ giấy dán trang trọng phía trên bàn học. Để rồi chinh phục  những mục tiêu tiếp nữa.
Mạnh mẽ, quyết tâm, tự tin và chiến thắng!
Mẹ sẽ luôn bên con!.
28/9/2022
Nhất Mạt Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...