Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024

Xóm chợ - Truyện ngắn của Võ Văn Trường

Xóm chợ - Truyện ngắn
của Võ Văn Trường

Đám tang Năm Nhạc rình rang cả chợ. Nghe đâu có rước cả mấy sư nữ một ngôi chùa đâu đó đến tụng niệm, cầu siêu. Lão Quành gánh nước thuê ở chợ đưa mấy thông tin làm đám thanh niên hay ngồi ở chiếc bàn gỗ tạp góc chợ chuyên úp mặt, úp mày vào mấy trò sát phạt đỏ đen thêm tò mò. 
– Bà ấy đi mà cứ mắt tròng thao láo, phải vuốt mấy lần mới xuôi xuôi.
– Miệng thì cứ năm, mười phút máu ở đâu rịm lên đỏ cả mấy tờ vàng mã.
– Nghề sát sanh. Nhân quả dữ thật… lâu nay cứ nghĩ nói chơi, ai ngờ…
– Mấy chú giỏi tán chuyện. Lão Quành to toe.
– Sát sanh cái gì, giết bò, giết heo đấy chứ. Cả đám thanh niên cười khùng khục, có vẻ thích thú cách nói năng của lão Quành.
– Lào ngồi xuống đây trò chuyện. Ừ ngồi thì ngồi. Đã đi bữa giỗ chấp chi  mất toi bữa cày. Tui thì cày gánh nước, thêm vài chục nghìn, dễ không mấy chú đây bớt đi chai rượu…Lão cười he he, đầy hàm ý.
Một thanh niên ngồi ngoài bàn rút ngay tờ hai chục ngàn chừng như nhét vào miệng lão. Lão lại he he…
– Bịt mồm này lại thì lấy ai kể chuyện… Cả đám lại cười khùng khục.
– Thường thì luật nhân quả hay đến muộn có khi người làm những việc ác nhưng phải rất lâu sau nhân mới hình, nhưng khi nó đến thì người ta mới nhận ra đó là quả báo. Lúc đó chỉ còn biết kêu trời chứ chẳng ai có thể cứu được cả.
Bà Năm Nhạc tên thật ít ai rõ, Năm Nhạc là tên người chồng hờ của bà. Nói chồng nhưng cũng chỉ qua qua lại lại, chứ nghề chính của ổng là cầu cơ, đề đám…
Thị tứ Tân Bàn này thành lập, chợ Mới ngã ba ra đời, hôm trước hôm sau, thì lò mổ của Năm Nhạc xuất hiện. Ngày đó, dân cư còn thưa thớt, mỗi ngày lò mổ chỉ thịt vài con heo, con bò… rồi ngày một tăng lên.  Chưa đủ tuần, chợ Mới đã hình thành đám cư dân cứ tạm gọi là dân xóm chợ. Ba, bốn giờ sáng heo, bò ra thịt thì cũng lúc miếng lòng nóng đã cắt ra thớt, chai rượu gạo đã rót ra ly… nên cơn say ở chợ bắt đầu có khai sinh sớm nhất giữa cái làng quê xưa nay vốn rất yên ả.
Lò mổ ở góc chợ. Còn chợ quê vùng bán sơn địa này cũng chỉ vài chục gian hàng. Đến chợ, người bán hàng dỡ hàng rồi bày ra hàng hóa của mình: măng, dầu, muối, cá khô, vải, giấy… từ dưới xuôi mang đến, từ các địa phương khác mang về. Trong những gian hàng được xây cất thành từng ngăn như dưới xuôi là các loại hàng hóa của những người chuyên buôn bán lớn. Dọc hai bên đường đi quanh chợ là hàng của bà con bán nhỏ lẻ, thường là bà con dân tộc thiểu số ba xã vùng cao của huyện. Những cây măng, những xấp vải, những cuộn chỉ màu được đặt trong gùi… thú là gian hàng ăn, có mì quảng, bún giò, cháo lòng, tiết canh… một hai bàn cuối dãy bao giờ cũng dành riêng cho khách được coi “người nhà” của chợ. Nơi đó ổn định, có rượu, thi thoảng là bia… đĩa lòng…
Lão Quành đầu quân cho Năm Nhạc từ những ngày đầu chợ Mới ra đời. Đời lão buồn hơn một khúc bolero. Lão từng nghĩ đến cái chết, nhưng đến với Năm Nhạc, lão biết ham sống, yêu đời. Bởi vậy, tin Năm Nhạc mất, lão cười he he như quán tính nhưng nước mắt lão lại giọt giọt. Lão khóc như thể 50 năm mới được khóc.
Thường thì xong vụ gánh nước, lão ra ngồi làm ly rượu, tô cháo, khi bát mì. Lão thu thập tất cả các thông tin và cũng là người phát đi thông tin từ chợ ra bên ngoài sớm nhất.
Đám dân xóm chợ Mới coi Năm Nhạc là chị đại khả kính. Bởi Năm Nhạc vừa là bà chủ cầm quân, thanh toán tiền công, thưởng phạt và nếu cần bà hét ra lửa mấy tay chậm việc, “lóng ngóng như vợ đóng dập chim”. Câu cửa miệng ấy của chị Năm làm mấy tay thanh niên vừa sợ vừa thú. Là phụ nữ nhưng Năm Nhạc đảm trách toàn bộ công việc khó nhất để lò ra thịt, đó là  gõ nhát búa vào đầu con bò hay xắn quần lên quá bắp vế sồ sộ như thân chuối cây, đặt một chân vào chuồng heo đang nhốt thịt, kéo từng con một ra, thọc dao vào cổ… còn lại là phần việc của đàn ông.
Lý lịch Năm Nhạc xuất thân ở đâu và cả hai đứa con vẫn là điều bí ẩn, chỉ mỗi lão Quành là cặn kẽ. Lão biết con gái lớn của Năm Nhạc là Mây học hết 12, đậu đại học lên thành phố rồi không thấy về. Thằng Án em con Mây học giữa lớp 10, bỏ nhà, đàm đúm, hút sách… hơn năm nay cũng biệt tích.
– Đấy, có con trai, gái đầy đủ mà mẹ mất không đứa “mũ gai, đai chuối, chống gậy”. Quả thật là buồn.
Việc chôn cất xong xuôi, gần 11 giờ trưa mấy người thân làm việc ở lò mổ mới quay lại ngôi nhà Năm Nhạc bên lò mổ ở chợ hương khói.
*
Khi mọi người ra về cả, lão Quành mới lại bàn thờ lặng nhắm kỹ càng ảnh thờ hình Năm Nhạc. Khói nhang phảng phất mờ mờ, lão thột dạ khi thấy thấp thoáng như có hình bóng lão trong đôi mắt bà Năm. Trời xui đất khiến, cái đầu rét rỉ, bụi đất lèm hem của lão lại nhớ nhớ quên quên.
– Ông ở đây giúp tôi, nước non, mỗi buổi sáng năm bảy gánh chi thôi.
– Giếng cách đây mấy chục thước.
– Chiều tối quét dọn vệ sinh chỗ lò mổ nhắng cái là xong.
– Cơm nước cứ ra quán trước.
– Khi mô đau ốm thì nghỉ. Tiền nong không lo.
Bà ấy sòng phẳng, gai góc nhưng theo ông là rất có tình. Tự dưng lão thấy trách nhiệm hương khói lúc này là của lão. Hai đứa con Năm Nhạc chúng nó lưu lạc đây đó nhưng rồi sẽ hay tin để về.
*
Tối đó thằng Án con út Năm Nhạc quay về thật. Mẹ hắn đã chôn cất xong, hắn hối hận lắm, là thằng con trai mà mẹ mất… Chừ chỉ mỗi ngồi nhà để khóc. Lão thấy cũng thương cho nó thật.
Lúc lão về gánh nước cho Năm Nhạc, thằng Án mới lớp 5. Nó khá thân thiết và mến lão bởi nhà chỉ có mẹ và chị gái nhưng mẹ thì cấm đoái hoài gì nó.  Công việc mẹ nó bắt đầu hằng ngày từ khi nó còn mê man trên gường, thi thoảng tiểu đêm nó dậy, lúi húi tè vào bụi chuối nhưng đâu ngờ lại tè lên gường.
Thằng Án nhớ mãi lần bị mẹ phát hiện, bà trừng mắt, giật cái chăn lôi qua cửa sổ. Không có chăn quấn, nó còng người nhưng không giấu được đôi tay thừa thải. Cái rét khuya về sáng làm nó không tài nào ngủ được. Lại thêm cạnh đó, rõ to tiếng huỳnh huỵch, tiếng heo éc… liếc mắt ra ngoài lò mổ cách mấy bước chân nó thấy máu me, phân, rác lều bều. Hắn lại nhắm mắt.
Những lúc như thế chị Mây, nhẹ nhàng đưa tay vào lưng xoa cho nó ngủ. Bàn tay chị như có phép lạ, chỉ thoắng cái hắn đã chìm vào giấc ngay. Có hôm, chị Mây bảo, sao ngủ lắm thế, có thích nghe chị kể chuyện không.
– Mà chị kể chuyện gì kia chứ… em chúa thích chuyện ma…
– Chuyện ma lại sợ sao ngủ được. Thế là Mây lại kể về lão Quành. Thằng Án cứ xít xoa, thế rồi sao nữa chị…
– Mai chị lại kể tiếp.
Đã thành quen, đêm nào Mây bận rộn chuyện gì, hay mệt không kể được thằng Án lại thấp thỏm trông chờ.
Làng xưa của chị em thằng Án bên con phà. Con phà cũng có từ đời nảo đời nào. Chừ có cầu rồi, hết cách trở đò giang, nên bên ni bên tê phát triển đùng đùng. Còn xưa nghe đâu rậm rạp, cọp beo còn nhiều. Dân làng sợ mỗi khi cọp về bắt heo, trâu bò, nên nhà nhà làm chuồng cẩn thận lắm. Ngoài còn mấy lớp rào, trời chưa cập quạng người lớn đã nhắc lũ trẻ lùa trâu bò trên đồi, trên rẫy về tra cổng, chốt cẩn thận. Heo nuôi cũng vậy. Rứa mà chuyện cọp bắt heo, bò làng trên xóm dưới là chuyện cơm bữa.
Cọp ở đây tinh khôn, nhảy vô bấm con heo chỉ keo cái éc là lôi đi. Giữa khuya, có người trong làng còn thấy cọp cõng cả con bò nhảy qua bờ rào cái ào, mất hút.
Nhưng điều lạ nhà nào có người ngang ngược, chửi thề coi thường ông cọp, thì y rằng ổng ra tay nhà đó trước. Đi rừng người ta kiêng dè hay gọi trớ tên là ông Nghè, ông Ba Mười là vậy.
Chị Mây bảo, người già kể, làng cũ của chị em hắn ngày xưa có cái bốt của đám nhóm ngụy quân, do thằng Đỗ Hân làm trưởng bốt. Thằng trưởng bốt cậy quyền thế có Mỹ chống lưng nên hà hiếp dân lành, cướp bóc giữa ban ngày. Đàn bà, con gái trong làng hễ ai xinh đẹp, ưng mắt là thằng Hân đánh tiếng sang chơi, lựa thế ép vô phòng chốt cửa, mặt người thân gia đình bên ngoài. Hắn quen thói sàm sở, đứa con gái mô chống trả, hay chửi bới xóc gan hắn, lựa lúc vào rừng đi củi, hái rau thế nào hắn cũng đón lõng, rồi kéo cả lính tráng tham gia cuộc chơi chung như cầm thú.
Dân tình oán thán nhưng kêu trời không thấu. Không hiểu sao ông cọp ở núi Lớn cũng căm tức. Một hôm thằng Hân đang hà hiếp một cô gái đi củi về giữa dốc Ré, hắn bắt cô gái phải xuống con suối cạnh đó tắm, còn củi để hắn trông. Thật ra cái ý đồ của hắn đã rõ. Cô gái vừa thả bó củi định chạy thì hắn chàm tới nắm áo cô gái giật bay khỏi người. Nhìn cô gái hai tay ôm ngực khư khư như che đôi mắt ăn tươi, nuốt sống của hắn thì bất ngờ một tiếng gầm vang lên.
Ông cọp nhảy bổ ra sừng sững trước mặt hắn. Thất kinh còn hơn như đất đâu sụt dưới chân hắn. Chới với, chới với… thì ông đã tát cho một cái, làm rụng một nửa hàm răng. Hắn ôm mặt máu me chạy về bốt. Cả tháng sau chữa trị, mặt mũi chưa bình phục hẳn thì hắn đã cầm đầu đám lính quay lại chỗ dốc hôm nọ phục bắn ông cọp. Nhưng rồi cũng hoài công, tối ngày cả đám vác súng quay về.
Vợ lão Quành ngày xưa có tiếng trẻ đẹp. Và chính cái đẹp ấy đã mang tai họa về. Vợ lão trở thành nạn nhân, bởi một cái chết không rõ ràng khi đi củi về ngang qua dốc Ré. Vợ lão bị hãm hiếp tập thể. Bởi vậy, lão thù thằng bốt trưởng, căm lũ lính còn hơn căm cọp rừng. Và thế là lão quyết trả thù cho vợ, bằng cách bỏ con ở nhà, vác dao vào rừng mai phục…
Một hôm từ rừng trở về thì có tin con trai lão chăn trâu cùng đám bạn trong xóm ở bìa rừng đã bị cọp vồ chết. Lạ là thân xác còn nguyên nhưng bộ đùm “làm giống” của nó thì bị bứt đi đâu mất. Rồi nghe đồn đoán, thằng con trai lão mới lên mười mà ngỗ nghịch, khi chúng bạn hỏi, mày có sợ ông cọp không, thì nó trỗ C. Hôm trước hôm sau, nó đánh trâu lên mé rừng thì ổng ra tay bứt ngay bộ đùm. Hết tang vợ đến tang con, một mình bơ vơ giữa đời, lão đâm dở điên, dở dại… lang thang… lang thang mãi đến tận khi nhập tịch về làm công dân xóm chợ, gánh nước cho Năm Nhạc.
– Chuyện có thật vậy không chị.
– Nghe đâu sâu xa cái chết của đứa con trai lão Quành là do thằng Hân giết. Hắn thù lão. Dân làng từng nghe nó bảo, lão Quành là Việt Cộng nằm vùng. Dọa cọp, dọa hổ cho đám lính tráng nó sợ, không đám vô rừng để Việt Cộng về hoạt động. Chuyện heo, rồi bò trâu mất cũng là Việt cộng giả cọp mang đi. Con cọp tát nó mất nửa hàm răng nghe nó bảo cũng chưa chắc là cọp thật hay Việt Cộng nữa.
-Trả thù như rứa con người còn ác hơn dã thú chị nhỉ.
Thằng Án bức xúc nói theo. Gần lúc phải dậy lo cơm nước đi học, chị Mây tóm tắc nhanh, đoạn kết câu chuyện, sau này thằng Hân bị dân làng giết chết.
– Đó là quả báo.
– Rứa lão Quành làm gì nên tội mà quả báo vợ con đều chết oan…
– Mây không nói gì. Kéo thằng Án cùng dậy ra ảng nước đánh răng.
*
Lão Quành hiểu vì sao thằng Án nhận ngay ra giọng chị nó, trong cái băng tụng kinh mà một sư nữ gửi đang chạy re re trong cái máy cát sếch để dưới chân bàn thờ mẹ nó. Lắng nghe lần nữa, thằng Án thốt lên, đúng rồi giọng chị Mây.
Hai mươi tuổi đầu mà nó khóc như trẻ lên ba. Lão Quành dỗ nó nín, lão hứa sẽ tìm chị Mây. Nói vậy thôi, nhưng lão biết tìm đâu, khi ngày này qua ngày nọ lão không đi ra ngoài mấy mươi mét vuông của cái chợ Mới thị tứ Tân Bàn.
Đêm đó Thằng Án không ngủ, nó nhớ chị Mây. Còn với mẹ tuy có hắt hủi lạnh nhạt với nó, nhưng nó không ghét mẹ, bởi nó biết tất cả công việc của mẹ làm là để nuôi hai chị em nó. Mẹ nó còn dang tay giúp đỡ lão Quành. Mẹ nó không phải là người ác tâm. Nó nhớ ngày mẹ còn sống…
Ngày nào cũng thế, từ 2, 3 giờ sáng, khi nhà nhà vẫn say giấc thì mẹ đã dậy, chọn vài con heo làm thịt. Tiếng kêu vang động cả xóm. Mọi người phàn nàn vì mất giấc ngủ nhưng lâu dần thành quen. Hình ảnh những con heo tiếp tục được hóa kiếp sau tiếng éc… éc mỗi ngày. Ám ảnh với nó là những giấc mơ khủng khiếp luôn đến. Những vết máu tấy lên chiếc áo trắng có bảng tên nó, tên trường.
Có lần chị Mây khuyên mẹ, gia đình bây giờ cũng không còn quá khó khăn, hay mẹ nên tìm nghề khác nhẹ nhàng hơn. Song không lay chuyển được mẹ.
Thằng Án lại theo chị Mây ăn chay.
Chị Mây đi xa, thằng Án đâm hư hỏng khi vào tuổi dậy thì… nó ăn chơi, theo bạn bè, bị ả phù dung quyến rũ, lâm vào con đường hút chích, buộc phải đi cai nghiện ở một cơ sở trên địa bàn. Đã có lần Án từng đi tìm chị nhưng chưa biết tung tích ở đâu. Chừ thì hắn ngờ ngợ một ngôi chùa nào đó chị Mây đang ở.
Hết hạn ba ngày, mai thằng Án phải quay lại trại. Trong đầu Án nảy ra một quyết tâm, phải cai bằng được để còn có dịp trở về đi tìm chị Mây. Bao ý nghĩ trong đầu hắn lóe ra. Giá như mẹ hắn không quá chạy theo đồng tiền, giá như gia đình hắn không chuyển xuống cái chợ Mới này và giá như hắn…
Cũng may còn có lão Quành. Mai hắn sẽ bảo lão ở lại hẳn nhà để lo hương khói giúp. Nếu lão thấy muốn thờ vợ con thì cho lão lập thêm cái áng thờ. Đời lão cũng đã khổ quá nhiều rồi.
Gần sáng gà eo óc gáy, xóm chợ thị tứ Tân Bàn chìm trong màn đêm vắng ngắt. Trằn trọc mãi rồi thằng Án cũng thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chập chờn hắn mơ thấy mình như hồi còn bé. Tè dầm bị mẹ trừng mắt, rút cái chăn qua cửa sổ, lạnh quá không ngủ được, chị Mây lại đưa tay thoa lưng cho hắn ngủ.
Tỉnh dậy thằng Án lại nghe giọng tụng kinh của chị Mây đều đều. Nhón chân lại phía bàn thờ mẹ đốt mấy que nhang, khói trầm bay lên làm hai mắt hắn cay xòe.
9/5/2020
Võ Văn Trường 
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...