Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Bài ca hoa lửa

Bài ca hoa lửa

Tựa khúc: Một trận thắng kép ngoài cả mong đợi, bắn máy bay rơi bắt sống phi công. Những bông hoa lửa từ trăm quả đạn pháo, cắt ngòi nổ nở bùng đan chéo trên không. Quảng Ninh ơi vùng kinh tế trọng điểm, máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá, “Chiến dịch Sấm Rền” ta sẵn sang hy sinh tất cả. Những chiến sĩ đôi mươi nguyện chiến đấu ngoan cường.
Nhóm cựu chiến binh sau bốn mươi năm quân ngũ. Ngồi bên nhau ôn lại chuyện xưa, nuốt nước trao dâng nuôi tình yêu huyền diệu… Một cuộc tình da diết yêu thương, vượt giông tố những ngày dài xa cách. Hoa lửa ngày xưa của đạn pháo bay lên trời, hòa với hoa lửa tuổi mười tám đôi mươi. Sôi nổi, âm vang như một bài ca theo suốt cuộc đời Người Lính.
1. Sáng nào cũng thế. Khi vầng dương ửng hồng lung linh trên mí biển phía cửa sông Bạch Đằng thì mọi ánh mắt của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Tràng Kênh đang trực chiến ở thị xã Uông Bí lại dồn tất cả sự chăm chú vào nơi ấy. Họ không hề bị thu hút bởi vẻ đẹp mê hồn của bình minh lung linh trên biển mà bởi ngoài đó ngay từ lúc giao thời tranh tối tranh sáng giặc lái Mỹ vẫn thường từ biển mò vào cắn trộm. Hơn một tháng nay, Quảng Ninh nơi tập trung nhiều yếu địa quan trọng đã trở thành mục tiêu đánh phá điên cuồng của máy bay Mỹ.
Trước đó, ngoài khơi mặt trời đã chờm nửa vành lên khỏi mặt nước; lũ máy bay vừa cất cánh từ con tàu mẹ khổng lồ đang bay những vòng tròn lớn nhỏ để ổn định đội hình. Mặt nước biển nơi ấy tím sẫm, nổi sóng lăn tăn in theo bóng những chiếc máy bay lao vun vút trên không trung, như những con cá mập hung hãn đua nhau săn mồi dưới biển tối đen, chết chóc.
Đại đội 3 pháo trung cao 85 ly ở trận địa Đồng Nối, chỉ cách nhà máy điện Uông Bí chừng 2 kilomet đường chim bay, chính trị viên Huỳnh Lúa cũng đang dõng dạc những lời động viên bộ đội. Anh đứng trên công sự hầm chỉ huy, nói: “Các đồng chí chú ý! Đêm qua, hàng không mẫu hạm U ét A mê ri ca đã lên vĩ tuyến 20. Sáng nay máy bay Mỹ sẽ đánh lớn. Các đồng chí hãy cảnh giác, phát hiện địch từ xa. Nổ súng kịp thời, trúng đích. Các đồng chí quyết tâm không”.
Đó là tin tình báo hàng ngày do tham mưu Trung đoàn đưa xuống các đơn vị để anh Huỳnh Lúa sáng sáng lại đứng trên công sự, dõng dạc chuyền lệnh cho pháo trường đang làm công tác khởi động chuẩn bị chiến đấu. Giọng miền Nam hiếm hoi, duy nhất của anh ở đại đội nên nghe lúc nào cũng hay hay, dễ mến. Anh Lúa chỉ thêm chút ít ở câu mở đầu tùy theo thời tiết “hôm nay trời nắng”, hoặc “hôm nay trời mưa…”. Câu động viên cán bộ chiến sĩ của chính trị viên Huỳnh Lúa thoạt nghe có vẻ gì đó như sơ khai cũ kỹ, nhưng lâu dần nó đã trở nên thân thương hiền lành nên chẳng ai thấy gì lạ lẫm, chê cười. Ngược lại nó còn tạo nên một không khí quen thuộc, giảm bớt đi những phút giây căng thẳng để rồi tất cả đồng thanh hô to vui vẻ “quyết tâm…” dậy khắp pháo trường. Nhưng sáng nay cả lời động viên và tiếng hô đáp lệnh đã có vẻ gì đó khang khác. Linh tinh người lính như mách bảo, sẽ có những trận đánh nảy lửa lại sắp diễn ra nên trong tiếng hô đồng thanh đã bật lên âm sắc đanh thép, dũng mãnh hơn hẳn những ngày khác.
Pháo trường Đại đội 3 đã ổn định cao thế được hơn 20 phút. Rađa Son 4 đã bắt được mục tiêu từ tít ngoài khơi. Nòng pháo đang nhất loạt quay đồng bộ theo phần tử của rađa thì bỗng rộ lên báo cáo của trinh sát và máy đo xa K6: “Tiêu! Hướng 34”, “34 chếch hướng số 4. Ba chiếc A.4D”. Rồi to hơn cả là tiếng tiểu đội trưởng trinh sát Quyết từ ống kính TZK có bội số lớn: “Hướng số 4. Ba máy bay bay vào”.
Rõ rồi. Vậy là máy bay địch đã đổi chiều. Đang bay thấp chếch từ hướng 34 – Đông Nam về hướng số 4 – chính Đông để tránh tên lửa của ta bắn lên từ Đông Triều, chúng bỗng  ngoặt trái, ngóc lên khỏi đỉnh núi Nưa lao thẳng vào Uông Bí. Bọn địch hòng giành thế chủ động với đường bay ngắn, hướng mặt trời lóa mắt để tấn công trực diện. Nhưng chúng đã sơ hở để cho ta được lợi thế Pê bằng không (P=0) – mục tiêu bay thẳng vào trận địa. Đại đội trưởng Đính dằn giọng: “Chiếc bên trái, phần tử tổng hợp. Chú ý!”. Cả trận địa, 7 khẩu pháo trung cao tà – hướng đều tăm tắp quay theo phần tử bắn của máy chỉ huy.
Pháo trường im phăng phắc. Một sự im lặng dồn nén sức vóc để bùng lên phóng đạn vào đầu thù. Cũng là lúc Linh trắc thủ cự ly cùng hai trắc thủ góc tà và hướng của máy do xa K6 đã đồng loạt báo “Xong”. Điều này có nghĩa là phần tử bắn đã được ổn định trong máy chỉ huy điện tử gắn chung với máy đo xa K.6, nhắm vào chiếc thứ 3 bên trái đang bay vào. Đại đội trưởng Đính đã chia hai cặp cờ lệnh. Lá cở đỏ lệnh bắn đã được cầm trên tay phải – tay cầm đũa chỉ huy của nhạc trưởng trong dàn hợp xướng.
Lúc này, trên đầu núi Nưa – vật chuẩn hướng số 4, bằng mắt thường đã có thể nhìn thấy tốp máy bay to bằng 3 con ruồi vàng. Đại đội trưởng Đính vươn hơn nửa người trên công sự, giơ cao lá cờ lệnh. Anh nhíu mày, chọn thời cơ tích tắc, hô lớn: “Ba phát bắn nhanh. Chuẩn bị…” – một giây, hai giây “Bắn!”. Tiếng lệnh gầm lên đanh thép. Hòa nhịp, trong đúng 7 giây, đã có 21 quả đạn pháo cỡ 85 ly với đầu đạn nặng hơn 10 kilogam của 7 khẩu đội đồng loạt lao vút lên trời.
Chỉ vài giây sau, hàng chục vầng hoa màu da cam từ những quả đạn cắt ngòi nổ bung nhị, văng ra hàng trăm ngàn mảnh gang vây quanh lũ máy bay Mỹ. Mà không. Chính xác thì phải gọi đó là những quả đạn 85 ly đã nở bung thành các bông hoa lửa đỏ rực, bắn ra ngàn nghìn vòi nhị và cánh hoa là những mảnh đạn sắc lẹm bủa vây lũ giặc lái.
Dạo trước, cán bộ tham mưu trung đoàn huấn luyện xạ kích cho Đại đội 3 có lần đã bảo, một quả đạn cắt ngòi nổ sẽ có bán kính sát thương là 50 mét. Khi nó bung ra sẽ thành những vầng lửa màu da cam mà máy bay địch ở xa có thể trông thấy để bẻ lái né tránh. Như vậy, tuy không rơi máy bay nhưng cũng khiến bọn chúng tan tác không thể đánh trúng được mục tiêu. Vì thế muốn bắn trúng đích thì đầu đạn phải được cắt ngòi nổ thật sát, thật trúng chiếc máy bay mà ta đang bắn, hoặc lý tưởng hơn là đón đúng lúc nó đang lao tới để trùm những vầng lửa màu da cam vào đầu nó. Xem ra như thế thì đủ thấy để bắn rơi được một chiếc máy bay Mỹ nó gian khổ và kỳ công tới mức nào. Chả thế mà dạo ấy Đại đội 3 cơ động suốt mấy tháng trời ở Tây Bắc, nổ súng hơn bốn mươi trận mà cũng chỉ bắn rơi được nhõn một chiếc. Mà lại không phải rơi tại chỗ, phải chờ mãi mới được trên Trung đoàn công nhận.
Nhưng bây giờ thì lũ máy bay đã bị những đóa hoa rực lửa màu da cam vây tứ bề. Bây giờ thì mày không kịp rồi – Nam Đồng, bạnh cằm dán mắt vào chiếc ống nhòm bội số 10 bám theo chiếc máy bay vừa bị bắn – nghĩ. Chiếc A.4D mục tiêu của Đại đội 3, sau khi bị loạt đạn đầu tiên chao cánh bay lệch sang phải giờ đây đã to bằng con cào cào. Thấy vậy, đại đội trưởng Đính chớp thời cơ, giơ tiếp cờ lệnh giọng đanh gọn: “Trung đội 1, ba phát bắn nhanh. Bắn!”. Bốn khẩu pháo của Trung đội 1 tiếp tục nhả loạt đạn 3 viên. Dứt điểm. Bỗng Nam Đồng lắp bắp vội vã: “Máy bay bị thương. Cháy, cháy!”. Tiếng nổ các loạt đạn từ pháo trường vẫn còn để lại dư âm inh tai nhức óc, nhưng đại đội trưởng Đính đã nghe thấy tiếng lắp bắp của Nam Đồng. Anh gần như quát: “Cái gì. Trinh sát báo cáo ngay”. Đáp lời, Quyết tiểu đội trưởng trinh sát dời mắt khỏi ống kính TZK quay về phía hầm chỉ huy, giọng dứt khoát: “Báo cáo! Máy bay bốc cháy”. Ngay lúc đó, pháo trường đã râm ran tiếng reo vui, “Ô! máy bay cháy” – “Máy bay bốc cháy…”.
Ngay từ loạt đạn thứ nhất, lũ giặc lái đã tách đội hình, mạnh tên nào tên nấy chạy. Riêng chiếc máy bay “bên trái – bay vào” bị quây bốn bề giữa những cụm hoa lửa của Đại đội 3 thì lại có kiểu bay rất lạ. Nó chao cánh khựng lại một giây rồi lấy đà vọt lên cao, lao thẳng về phía Bắc – hướng nhà máy điện Uông Bí, nhả ra 2 quả bom rồi chuệnh choạng vòng trái bay ra biển. Đúng lúc này, bụng chiếc A.4 bùng lửa bốc khói mù mịt, nó tròng trành kiệt sức rồi bất ngờ khoan mấy vòng trước khi cắm đầu lao xuống bãi sú vẹt Điền Công bên bờ sông Đá Bạc. Phía bên kia là dãy núi Tràng Kênh với vách đá dựng đứng, lởm chởm phủ đầy những mảng địa y in bóng xuống mặt nước xanh thẳm huyền bí. Tràng kênh – cũng chính là tên của Trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ nhà máy điện Uông Bí, vừa bắn những loạt đạn chát chúa vào đầu giặc thù.
Bỗng tiếng một trinh sát lanh lảnh reo vui: “Phi công nhảy dù. Báo cáo! Phi công nhảy dù”. Thì ra trong lúc mọi con mắt còn đang dồn vào chiếc máy bay cắm xuống đất nên đã lơ đãng không để ý đến một chiếc dù trắng bung ra lơ lửng trên cao, in loãng giữa nền trời trong veo. Mà trời hôm nay cũng thật lạ, trong xanh vòi vọi. Mọi khi mỗi lần bắn xong thì bao giờ trời cũng đầy mây. Nó được hình thành từ những bông hoa lửa nở bung tàn đi tạo thành mây và hút những đám mây lẻ tẻ thành những vầng mây lớn nhẹ nhàng trôi bảng lảng. Hóa ra bắn rơi máy bay có khác, không phải cảnh vui theo lòng người mà xa kia chiếc dù với thằng phi công lủng lẳng ngọ nguậy như con cá lớn đang treo dưới móng vuốt đại bàng lừ lừ chậm rãi rơi khuất sau đám bụi gai trên bãi sú vẹt. Khắp đại đội lúc này cũng rộ lên tiếng reo: “Phi công nhảy dù” – “Bắt phi công các đồng chí ơi”. Tình thế không phù hợp một chút nào với trận chiến đang được tính bằng giây. Chính trị viên Huỳnh Lúa lập tức đứng trên công sự ra lệnh: “Tất cả ở nguyên vị trí. Đề phòng máy bay đánh vào trận địa”. Đúng rồi. Máy bay địch mà tập kích lúc này là dễ nhất. Pháo trường còn mù mịt bởi khói bụi chưa tan sẽ ngẫu nhiên trở thành một vật thể được chỉ điểm rõ mồn một.
Chả thế mà hồi đầu khi máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc, các đơn vị pháo trung cao đều được trang bị súng máy hạng nặng giống như ở Liên Xô thời chiến tranh vệ quốc, chỉ để chuyên việc bảo vệ trận địa. Đó là khẩu 14 ly 5 bốn nòng, đặt trên 4 bánh xe, có tốc độ bắn mỗi phút hơn một nghìn viên đạn. Hai năm sau, kể từ một chín sáu sáu, các tiểu đội súng máy này được rút đi bổ sung cho tuyến đường Trường Sơn trở vào để đón lõng bắn máy bay bay thấp. Đại đôi 3, lúc đầu thiếu vắng súng bảo vệ trận địa, mỗi lần nổ súng lính ta cũng thấy gai gai sống lưng. Nhưng rồi cũng quen dần và nó đã trở thành chuyện cũ, không mấy ai nhớ. Còn lúc này, do lính ta hứng chí nên bột phát hô toáng lên như đùa, khiến chính trị viên lo lắng, chứ ai mà dám bỏ trận địa đi bắt phi công bao giờ.
Máy bay địch còn gầm gào khoảng 5 phút sau rồi mất dạng, để lại tiếng ầm ì lục bục như cơn lũ đại ngàn vẳng xa, trả lại sự tĩnh lặng cho thinh không. Nếu không có vài cột khói rải rác bốc bên từ những hố bom đạn giặc thì không ai biết một trận chiến ác liệt vừa diễn ra nơi đây. Kể lại thì dài, nhưng thực ra trận đánh chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Nghĩa là từ lúc máy đo xa bắt gọn mục tiêu trong ống kính để 5 giây sau máy chỉ huy ổn định phần tử, đến lúc Đại đội trưởng Đính phát lệnh “3 phát bắn nhanh”, lập tức trong 7 giây pháo thủ số 5 đã tiếp đạn, quay ngòi nổ để pháo thủ số 2 rút đạn khỏi máy cắt ngòi nổ, xuống tấn tống vào nòng pháo tạt cò, cho 3 viên đạn lao vút lên không trung nở bung những bông hoa lửa vây quanh chiếc máy bay “bên trái bay vào” thì chỉ vẻn vẹn trong vòng 45 giây. Nuôi quân 3 năm đánh giặc một phút có lẽ rất đúng với pháo cao xạ lúc này. Độ chính xác được tính bằng giây. Đây cũng là lúc Đại đội trưởng Đính nói vào với các chiến sĩ Trung đội chỉ huy đang trực chiến ở trong hầm một lệnh ngắn gọn: “Thông tin. Đăng ký phần tử bắn”. Điều này có nghĩa phần tử bắn cùng lệnh bắn của Đại đội đã được bấm giây báo cáo lên tham mưu Trung đoàn để trên đó tính toán, xác định đại đội 3 là đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay này. Đây là công việc phải được thực hiện kịp thời, chính xác hệt như thời gian chạm đích của vận động viên điền kinh môn chạy 100 mét. Nó phải được tính bằng một phần mười giây.
Đoàn Tràng Kênh khi ấy được trang bị mạnh, gồm 3 tiểu đoàn pháo tiểu cao với 6 đại đội pháo 37 ly và 4 đại đội pháo trung cao với 28 khẩu pháo 85 ly. Nhắm bắn vào “3 chiếc A.4D bay vào” là đạn của tất cả các đơn vị này. Nếu máy bay không bị bật lên lộn nhào bởi đầu đạn pháo 37 ly cắm vào bụng, hoặc bắn vỡ toang cánh, theo kiểu “một phát ăn ngay” mà vẫn gượng bay được một đoạn rồi mới lao đầu xuống đất thì đích thị là dính mảnh đạn từ các “bông hoa lửa” của pháo trung cao. Để xem xét công nhận đơn vị nào bắn rơi chiếc máy bay đó, đòi hỏi đơn vị đó phải đăng ký phần tử bắn sao cho lúc pháo phát hỏa khớp như in với lúc máy bay khựng lại, chòng chành, bùng khói lửa bốc. Thế thì đích danh Đại đội 3 là đơn vị đã bắn cháy chiếc A.4D này.
Bắn rơi máy bay, ngoài thành tích ghi vào truyền thống của đơn vị còn được thưởng nóng một con bò để bộ đội ăn tươi. Điều này vui lắm. Một tốp lính ba người, xuất thân từ nông thôn rành chuyện trâu bò sẽ được nhong nhong trên xe Gaz lên trại nuôi bò của sư đoàn đóng ở sườn núi Yên Tử. Đến nơi, họ sẽ được hướng dẫn rắc muối để dử bắt một con bò to nhất đang được thả rông, thịt chắc như súc gỗ trai. Ở nhà, dao thớt và đồ tể lò mổ thị xã được mời vào giúp đã sẵn sàng cho một bữa liên hoan mừng công giữa đơn vị với thủ trưởng cấp trên và đại diện chính quyền, dân quân địa phương. Chiều hôm đó nếu không báo động thì niềm vui sẽ trọn vẹn, ngất trời.
Nói chung thì vậy. song với riêng cánh lính Hà Nội đậm chất sĩ diện thì lại ao ước rồi tiếc rẻ. Cứ phải có báo động về cấp 1 để bộ đội bỏ dở bữa tiệc, lao ra vị trí chiến đấu với dáng chạy điệu đà như tài tử lên sân khấu. Đầu đội mũ sắt, đôi mắt rực lửa nghênh chiến trước cặp mắt thán phục của các em dân quân. Đời lính phải thế mới là oách.
Nhưng đó là chuyện thi vị sẽ diễn ra vào mấy hôm sau. Còn lúc này, máy bay địch đang trở lại, lồng lộn gầm rú như vớt vát mấy phút thất trận. Đôi lúc một vài chiếc cắn đuôi nhau lao dọc sông Đá Bạc, chắc là chúng hy vọng tìm cơ hội để cứu phi công.. Bầu trời bỗng trở nên im ắng một cách kỳ lạ. Nếu không có vài cột khói bốc lên từ những hố bom đạn thì không ai biết rằng một trận chiến ác liệt vừa diễn ra nơi đây. Khoảng mười phút sau, Đại đội 3 được phép về cấp 2 để thông nòng và chỉnh đốn lại kỹ thuật binh khí. Vì chiến đấu diễn ra liên tục nên việc thông nòng cũng được tham mưu Trung đoàn chỉ định luân phiên nhau để đảm bảo đội hình, quân số sẵn sàng chiến đấu.
Nhân lúc, trung đội chỉ huy để lại bộ phận thông tin và tiêu đồ trực chiến, Nam Đồng, lính Hà Nội được xổ lồng. Anh tranh thủ ghé sang khẩu đội 1 nơi có Phúc Khánh bạn đồng hương để giúp “đội bạn” thông nòng, nhưng cái chính là để tán dóc cho thỏa cơn thèm khát được san sẻ cảm xúc vốn giữa kín trong lòng trong những phút chiến đấu căng thẳng vửa qua. Đồng là lính trinh sát với chức năng sục sạo lùng bắt mục tiêu từ xa và theo dõi máy bay trong lúc đại đội nổ súng, nên chuyện của anh được mô tả bằng hình ảnh hấp dẫn hệt như chiếu phim.
– Cái thằng A.4D vừa bị mình bắn ấy mà. Nó chẳng phải máu lính, dũng cảm gì đâu. Chẳng qua là bị ăn đạn không vòng gấp được nên nó đành liều sẵn đà bay về phía nhà máy điện để trút 2 quả bom cho nhẹ cánh để vòng trái bay ra biển. May mà cả hai quả bom đều trượt mục tiêu, còn nó thì không kịp bay về tàu mẹ nên đã cắm đầu xuống bãi sú Điền Công. Quả là dịp may hiếm có.
Câu chuyện của Nam Đồng kể ở khẩu đội của Khánh, được Linh cũng là lính Hà Nội đang đứng bên bệ máy đo xa K6 gần đó dỏng tai ngóng sang gật gù, thích thú. Kẻ tung người hứng râm ran cả một góc trận địa, khiến có ai đó đã phải “suỵt cún” nhắc nhở. Cánh lính Hà Nội chỉ thiếu có mỗi Quang tiêu đồ vẫn phải ở dí trong hầm chỉ huy trực nhìn vòng là không được nghe. Chắc hẳn cụ cậu thèm lắm.
Nghề tiêu đồ của Quang được mệnh danh là “lính nhà tằm”. Nghĩa là, suốt ngày ở lỳ trong hầm, tai đeo ống nghe, nghe tín hiệu từ nhìn vòng tay kẹp bút chì dầu màu đen, xanh đánh theo tọa độ 5×5. Dạo đầu tác chiến theo mô hình Liên Xô, tiêu đồ số 1 đánh đường bay từ rađa nhìn vòng phải trực chiến gần như 24 trên 24. Thế nên, nói Quang thèm được nghe Đồng tường thuật lại trận đánh vừa qua kể cũng đúng. Nhất là cái chuyện máy bay cháy, phi công nhảy dù.
Dạo trước khi chưa chuyển sang tiêu đồ, Quang đã được chứng kiến các trận đánh ở Hà Tây. Lúc đó anh đã quen dần với trận mạc nên đã cảm nhận ra rằng, Hoa lửa đạn pháo nổ nở bung in dấu trên bầu trời xanh cao thăm thẳm mới ngoạn mục làm sao. Với lính ta, hoa lửa không chỉ là chết chóc, tiêu diệt kẻ thù mà hoa lửa có âm thanh màu sắc, nó bừng lên thôi thúc, hy vọng. Hoa lửa như một bài ca có tiết tấu, có giai điệu và cao trào,. Nó gồm một chuối âm thanh từ tiếng lệnh bắn đến tiếng đạn lao vào hộp khóa nòng; từ tiếng tạt cò của pháo thủ số 2 như tiếng nhịp gõ giữ nhịp, đến tiếng miết mờ hồ của đầu đạn bay rít trên không trung, rồi một phần mười giây im lặng để bùng lên thành cao trào với hợp âm của bộ gõ, bọ hơi và bộ giây trong dàn nhạc giao hưởng được hòa nhịp bơi những chùm pháo hoa ngũ sắc – Hoa lửa. Hoa lửa tỏa theo ta suốt chặng đường hành quân – Người lính. Và rồi đây nó lại theo ta cho đến tận sau này. Lình Hà Nội ra trận lãng mạn quá chăng.
Hồi mới nhập ngũ, Đại đội 3 có nhiều tân binh Hà Nội lắm. Tổng cộng cả thảy tới hai mươi chín người. Nhưng rồi lẻ tẻ lần lượt số lính Hà Nội được điều chuyển đi đơn vị khác, hoặc thành lập đơn vị mới bổ sung cho chiến trường miền Nam, nên ở đại đội chỉ còn lại có bốn mống, Thịnh Quang tiêu đồ, Phúc Khánh là pháo thủ số 2; Cát Linh, trắc thủ máy đo xa K6, còn Nam Đồng là trinh sát. Lính Hà Nội xưa nay vẫn thế, tất cả đều có thỏi quen gọi nhau bằng hai chữ, tên chính và họ đệm. Gọi như thế để nghe cho có vẻ lịch sự, nên thơ và lại cả thêm phần oai oai nữa. Thế nên.
Ngay từ khi còn ở khóa học tân binh, ai cũng thấy nhóm bốn đứa Hà Nội thân nhau một cách khá đặc biệt. Về sau nghe kể, bốn anh chàng ở cùng binh Khu phố này hợp lại ngẫu nhiên thành bốn địa danh văn hóa nổi tiếng của Khu Đống Đa, chính trị viên Huỳnh Lúa đã bảo “Thế thì gọi các cậu là “Bộ tứ” đi. Bộ tứ Đống đa, hả”. Vậy là cái tên “Bộ tứ” ra đời từ ngày đó.
Còn bây giờ, từ tường thuật của Nam Đồng về cách đánh ma quái của giặc lái Mỹ, lính Hà Nội lại khơi mào chuyển sang chuyện bắt phi công. Đây là lần đầu tiên tận mắt được nhìn thấy phi công nhảy dù, nên ai nấy đều tiếc rẻ: “Dân quân lại vớ bở chúng mày ạ” – “Đất này phi công chả chạy đi đâu được. Không cần hen-xơ-hấp thì nó cũng giơ tay quá đầu rồi. Sướng thật” – “Đưa phi công về đâu nhỉ. Thị đội à?” – “Sao lại thị đội. Của Trung đoàn mình mà” – “A… Trung đoàn trưởng là người Hà Nội đấy. Giỏi tiếng Anh phải biết” – “Thủ trưởng mình mà quay cung phi công thì nhất”… Cứ thế, bàn tán lúc đầu còn nhát gừng rụt rè, nhưng sau… quên chuyện phải be bé cái miệng, càng ngày càng nổi hứng nên thu hút tới gần nửa đại đội. Lòng vả như lòng sung, cùng hòa thanh rầm rộ, râm ran khắp pháo trường.
Vừa thông nòng vừa chuyện vui, việc chạy ào ào nhoáng một cái đã xong công đoạn thông khăn ướt nhúng nước mù tạt, chuyển sang lau khô rồi lấy lại nivô – bọt nước, cân bằng pháo. Đến đây thì mọi việc đã hoàn tất để cả trận địa lại trở về tư thế sẵn sàng bắn một cách ngon lành. Trung đội trưởng pháo trường gọi bộ đàm báo với chỉ huy đại đội để thông tin điện lên Trung đoàn báo cáo “Đại đội 3 đã thông nòng xong”. Chắc trên đó sẽ điện xuống cho một đơn vị khác đến lượt được thông nòng, tranh thủ chút xả hơi trước khi vào trận chiến đấu mới.
2. – Tôi đố các ông biết, chỗ mình đang ngồi đây, ngày xưa là gì?
Một ông nói. Còn hai ông cựu chiến binh thì nhìn nhau. Im lặng và cái nhìn như đã thay cho câu trả lời của họ. Chịu.
Mà chịu là phải. Những trận đánh ngày ấy trôi qua đã hơn bốn mươi năm rồi. Gần phân nửa thời gian ấy trở lại sau thì Uông Bí từ một thị xã sơ tán vắng tanh, đã nâng cấp lên thành một thành phố sầm uất nằm giữa tuyến du lịch hấp dẫn Hà Nội – Hạ Long, người xe qua lại như mắc cửu.
–  Đây chính là nơi có 2 chiếc sà lan chở than cho nhà máy điện Uông Bí bị bom bốc cháy rừng rực suốt một tuần hồi đó đấy. Các ông nhớ chưa.
– Nhớ… Nhưng thay đổi thế này thì bố ai nhận được. Một ông cựu chiến binh trả lời thay cho bạn ngồi bên.
Họ chính là ba trong số bốn người lính của nhóm “Bộ tứ” đã từng chiến đấu trong các đợt máy bay Mỹ hòng hủy diệt nhà máy điện Uông Bí năm xưa. Người ra câu hỏi rồi tự trả lời là Trịnh Phúc Khánh pháo thủ, hiện là dân sở tại sống ở thành phố này. Khánh cũng chính là chàng trai đã dời khỏi Đại đội 3 đợt thứ hai để vào Nam chiến đấu. Người thứ hai là Vũ Nam Đồng, “thất nghiệp” ở Vọng quan sát xa khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc phải chuyển đi đơn vị khác làm công tác sửa chữa và xây dựng các cơ sở hậu cần. Hòa bình, Đồng về làm lái xe, chỉ đơn giản là được đi đây đi đó. Chính nhờ thế mà Nam Đồng đã tìm ra mộ của Cát Linh được quy tập ở Nghĩa trang Trường Sơn. Còn người thứ ba là Bùi Thịnh Quang, lính trinh sát tiêu đồ, cầm kỳ thi họa, đàn giỏi hát hay lại văn thơ lai láng. Anh là người cuối cùng dời khỏi Đại đội 3 thân yêu ngày ấy.
Hôm nay, chính Thịnh Quang là người đề xuất chuyến đi thăm Phúc Khánh sống ở thành phố Uông Bí này. Sau hòa bình, Quang vào Nam làm báo viết văn, tận đến lúc có zalo, messinger gắn camera biết được tin tức của nhau hàng ngày, nhưng giáp mặt và đến thăm cơ ngơi của gia đình Khánh thì Quang vẫn chưa một lần nào. Chỉ có anh em trong nhóm đồng hương Hà Nội, người này người kia năm nào cũng qua lại Hạ Long thì thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Cuộc café hôm nay có cả Yến Nhi – vợ của Phúc Khánh ngồi cùng. Yến Nhi chẳng phải ai xa lạ – cô chính là người yêu của Phúc Khánh từ những ngày Uông Bí diễn ra những trận đánh nảy lửa với máy bay Mỹ năm xưa.
Hòa Bình là lúc Khánh đang chiến đấu trong một đơn vị pháo 37 ly ở mãi tít tận Tây Nguyên. Không lâu sau, anh được giải ngũ, về Hà Nội thăm bố mẹ đúng hai ngày, đến ngày thứ ba Khánh tức tốc lên thị xã Uông Bí cưới Nhi làm vợ. Yến Nhi là cô thợ may xinh xắn mà anh đã yêu bí mật từ hồi còn là lính phòng không chiến đấu ở đây. Khánh gặp Nhi trong một lần lỏn đến căn nhà tranh của cô sơ tán trong núi để sửa quần áo. Lính Hà Nội là thế. Quân phục phát đúng số nhưng vẫn cứ phải sửa để mặc vừa cho khít với người, để cho đẹp và khỏe mạnh. Tất nhiên, việc này cấm nên mới gọi là bí mật. Lần ấy Khánh chỉ ngồi nán lại đúng 5 phút, nói dăm ba câu nhát gừng, thế mà cũng đủ để bùng lên ngọn lửa tình le lói. Và họ yêu nhau.
Cả tuần sau đã quá ngày hẹn lấy quần áo mà Khánh vẫn không có dịp nào được ra ngoài. Trận chiến diễn ra liên miên, lính trực chiến bên cỗ pháo lạnh ngắt hơi sắt thép, giữa trời giá lạnh của vùng đất “quê hương” của gió mùa Đông Bắc khắc nghiệt mà trong lòng Khánh lại rừng rực, cồn cào nỗi nhớ Yến Nhi. Cuối cùng thì, may quá Thịnh Quang đến lượt đi chặt lá ngụy trang. Thế là Quang được giao nhiệm vụ đi lấy giúp quần áo và quan trọng hơn cả là chuyển một bức thư của Khánh viết cho Yến Nhi.
Được Khánh cho đọc bức thư ngỏ vài dòng, nhất là lại cộc lốc đến mức vô lý, Quang góp ý thẳng thừng: “Ba chấm là tình trong như đã đấy. Nhưng yêu rồi thì cứ viết mẹ nó ra, Yến Nhi yêu quý hay Yến Nhi yêu thương đi. Đằng này.., việc gì mà phải trống không thế”. Rồi, nữa: “Thư tình thì cứ phải dán kín để em nó thấy đây là riêng tư, là rất thiêng liêng và trân trọng. Hiểu chưa?”.
Hiểu rồi. Nhưng nghe xong lời chỉ dẫn tỷ mỷ của Quang, Khánh vẫn ái ngại vò giấy vài lần, cuối cùng vẫn chỉ dám viết Yến Nhi… (ba chấm) rồi nói lý do mong ngóng ngày ra lấy quần áo nhưng còn bận chiến đấu vân vân và vân vân. Rồi dán kín phong bì. Quang bực lắm, lẩm bẩm: “Bố khỉ. Nói mãi mà vẫn ba chấm. Thôi được. Để tao”.
Thực ra, “ba chấm’ cũng đã từng là ước mơ của Quang.
Quang và Khánh lại cả Đồng và Linh nữa đều bằng tuổi nhau, cùng đi bộ đội lúc vừa mười bảy. Nhưng Quang có vẻ khá hơn Khánh cái khoản văn vẻ, dù chính anh cũng chưa hề một lần được nắm tay con gái. Cũng giống như Khánh, trong sổ lưu niệm của Quang chỉ có mỗi một mống bạn nữ cùng lớp. Nhưng được cái đặc biệt hơn là sau mấy dòng lưu niệm chúc tụng “chân cứng đá mềm” chung chung, sổ lưu niệm của Quang đã được đính hẳn một chiếc ảnh 3×4 của một cô gái xinh xắn tết hai bím tóc đuôi sam. Vào bộ đội, Quang đã bóc ra để hy vọng có dòng chữ “Tặng Quang …” ba chấm ở đằng sau tấm ảnh. Nhưng tại đó trắng tinh, khiến anh đành lấy bút giả nét viết của con gái ghi vào đó chữ Quang và… ba chấm. Để rồi sau đó, hơn một chục lần khoe với đồng đội về nghĩa thầm kín ý tại ngôn ngoại của dòng ba chấm này.
Quang đến nhà Yến Nhi lấy quần áo giúp bạn. Tưởng “ông mối” phải nói năng khéo léo ngọt ngào thế nào, hóa ra Quang cũng chỉ là thằng mạnh bạo trong công sự. Chưa đến nỗi phải gãi đầu bẻ khục tay, nhưng anh chẳng biết nói gì đành vào thẳng vấn đề: “Khánh nó nhớ em lắm. Kể về em suốt. Nhưng không dám viết gì đâu, chỉ có ba chấm. Thế tức là yêu đấy. Em viết gì cho nó đi. Anh chờ”. Ấy vậy mà vừa nghe xong, Nhi đã bật dậy chạy vào buồng lục bút, xé tờ giấy ở cuốn sổ tay viết ngay cho Phúc một lá thư rồi dán kín. Ra ngoài đồi vắng, Quang bóc trộm thư ra xem thấy cũng “Anh Khánh…” – ba chấm, xuống dòng. Nhưng nội dung thì tuy ngắn gọn song chứa đựng tình cảm… cực kỳ, khỏi chê: “Em cũng nhớ anh nhiều lắm, nhưng không có cách nào gặp được anh. Anh đừng buồn nhé. Lúc nào em cũng nghĩ đến anh. Nhất định anh em mình sẽ gặp được nhau, anh ạ”. Thế này là được quá rồi. Quang khoái chí, trên đường về rẽ vào bếp anh nuôi xin cơm nguội dán lại, đến khẩu đội đưa bức thư cho Khánh. Như vừa lập được chiến công lớn, Quang vênh mặt lên, giọng tỉnh queo: “Này. Mở ra đọc tao nghe. Chắc là ngon đấy”.
Nhưng mối tình đầu của đôi uyên ương còn non nớt, chưa đủ sức cất cánh bay đã bị cơn cuồng phong dữ dội như vòi rồng ở cửa sông Bạch Đằng hút vào vùi dập quăng quật. Đơn vị chưa biết, nhưng ngoài thị xã thì dư luận đã chín nẫu với những lời dèm pha đâm bị thóc, chọc bị gạo biến họ thành những kẻ tội đồ. Đầu tiên là gia cảnh của Yến Nhi. Cô là con gái của một nhà may gia truyền khá giả có cửa hàng lớn giữa thị xã từ hồi còn Pháp chiếm đóng,mà như thế thì có khi còn may quần áo cho cả lính Pháp nữa. Vậy là tư sản rồi, lại còn dính líu cả với địch nữa, đã thế, gia đình Yến Nhi đã mấy đợt khất lần không chịu vào hợp tác xã may mặc. Yến Nhi là thợ may “cha truyền con nối” lành nghề ngay từ khi mới mười ba mười bốn tuổi, tốt nghiệp lớp 10, em vẫn chưa phải là đoàn viên. Nhắm tình cảnh ấy em khó có thể thi được vào đại học nên bố mẹ Nhi đã cho em ở nhà mở một cửa hiệu may mặc riêng. Gia cảnh như vậy là lạc hậu rồi, có đơn vị nào lại cho bộ đội của mình yêu một cô gái như thế.
Cuối cùng là đến hoàn cảnh bản thân của Khánh cũng chẳng có yếu tố nào tốt đẹp, thuận lợi cho cuộc tình mỏng manh. Trai Hà Nội, phổ cổ đấy em ơi. Nó khéo miệng lắm, chót môi đầu lưỡi thôi. Gái Hà Nội xinh xắn mỹ miều thiếu gì, chưa kể đời lính thì nay đây mai đó, nó sẽ còn gặp biết bao cô gái trẻ đẹp khác, dại gì lại đi yêu gái phố núi. Yến Nhi đẹp thì có đẹp thật, nhưng cũng chỉ là con cá vàng trong bể kính ở tỉnh lẻ thôi em ơi. Tưởng thế đã hết chuyện dèm pha nhưng đến cả cái họ tên của hai người cũng là cái cớ để những tọc mach chia duyên rẽ thúy. Trịnh Phúc Khánh và Nguyễn Thị Yến Nhi tức là Trịnh Nguyễn phân tranh đấy. Làm sao mà yêu nhau cho được.
Song gay go nhất chính là mấy anh thợ mỏ ở Vàng Danh. Chủ nhật nào họ cũng dập dình quanh cái cửa hàng không dán bảng hiệu của Yến Nhi ở vùng đồi sơ tán vắng vẻ. Sửa quần áo chỉ là cái cớ để họ ngồi lại hàng giờ bên cô tán chuyện. Họ khỏe mạnh, thẳng thắn, tương lai của họ với lương thợ mỏ cộng phụ cấp độc hại cao chót vót. Đến ngay cả quần áo bảo hộ lao động cũng được nhập từ nước ngoài; tiêu chuẩn nhu yếu phẩm đường sữa, thịt cá của họ ưu tiên chỉ dưới mức chuyên gia Liên Xô của nhà máy điện Uông Bí. Họ mạnh bạo với lời hứa có độ chênh lệch một trời một vực so với anh binh nhất Phúc Khánh, mặt non choẹt chẳng biết trói gà có chặt không; chưa kể – không dám nói độc nhưng đời lính sống chết cũng chẳng biết thế nào. Ôi… chỉ như thế thôi đã cho thấy cuộc tình của Nhi Khánh xa vời, eo le cách trở đủ để viết thành một thiên tiểu thuyết.
Kệ. Cặp đôi không lời thề non hẹn biển ấy vẫn yêu nhau và yêu nhau khăng khít tới mức khó hiểu. Thời gian họ được gặp nhau tính bằng phút còn xa nhau là những tháng ngày không bấm đủ đốt ngón tay. Cuối mùa đông rét mướt năm một chín sáu tám, Khánh dời Uông Bí nhập vào một đơn vị pháo cao xạ 37 ly bổ sung cho chiến trường miền Nam. Thời gian chờ đợi tiếp theo là sáu năm với ba lá thư lỗi ngày sờn mép gấp. Cuộc tình lửa rơm, tưởng chỉ bùng lên rồi tắt. Vậy mà họ chờ nhau đến ngần ấy năm để nên vợ nên chồng. Điều gì đã làm nên chuyện ấy thì chính họ cũng không nghĩ ra nổi. Đã có lần Phúc Khánh hỏi Yến Nhi điều ấy thì cô cũng chỉ biết trả lời: “Em cũng không biết. Thế còn anh?”. Rồi cô nói thêm: “Chắc tại thấy hồi ấy anh là người tin cậy”.
Cưới vợ xong, Khánh ở lại Thị xã Uông Bí, sắm một chiếc xe ba bánh với thùng đựng xăng và dầu hỏa, lắp hai chiếc máy bơm tay. Ban ngày đi bán lưu động, chiều về đỗ ngay trước tiệm may của vợ bơm cho bà con lối xóm đun bếp và công nhân xa nhà lỡ độ đường, hết xăng. Nhỏ lẻ thế thôi, nhưng đồng đội cũ ở Hà Nội vẫn nhắc đến anh với cái tên đầy khâm phục: “Khánh – Vua dầu hỏa”. Năm một chín chín mốt, mở cửa biên giới, Khánh lên Móng Cái lập đầu mối gom hàng hóa Trung Quốc cho dân buôn đường dài “đánh” về Chợ Đồng Xuân và làng vải Ninh Hiệp, Hà Nội. Vốn mỗi ngày vài ba triệu đến dăm mười triệu nhưng lời gấp đôi rồi lãi mẹ đẻ lãi con, sắm chiếc mô tô đi đi về về.
Biết đủ là đủ, bốn năm sau nhân lúc cửa hàng may mặc của Nhi ở nhà có nguy cơ sập tiệm vì vải vóc, thời trang người lớn trẻ con đủ mẫu mã đẹp hoa mắt từ Trung Quốc tràn sang, Khánh quay về thị xã Uông Bí, đập mặt tiền cửa hàng may được bố mẹ cho Nhi làm “của hồi môn” mở cửa hàng bán bia hơi, nước giải khát. Hơn chục năm sau Uông bí rục rịch lên thành phố, công nhân tứ xứ đổ về làm thợ xây. Một quán bia rộng rãi không đủ bán, thợ vẫn dài cổ ngồi chờ, Nhi thuê thêm 3 quán, rồi phát đạt mua đất xây nhà hàng, thành ông bà chủ của chuỗi Restauran Khánh – Nhi nổi tiếng thành phố Uông Bí đến tận bây giờ. Tiếng vang đến cả lái xe đường dài chở khách đoàn du lịch Móng Cái, Hạ Long vẫn dừng chân ghé lại thưởng thức.
Chuyện tình gọn gàng thế nhưng quá trình từ lấy nhau, lập nghiệp, sinh con đẻ cái của gia đình Khánh đã diễn ra trong gần bốn mươi năm trời. Đã hai mười năm nay, Vợ chồng Nhi Khánh lần lượt đăng cai 3 lần cuộc họp đồng hương lính Hà Nội 19 tháng 8. Chỉ riêng Thịnh Quang vào Nam lập nghiệp, hàng năm có ra Hà Nội một hai lần nhưng hứa lên hứa xuống mà bây giờ mới làm được một chuyến về thăm vợ chồng Nhi Khánh. Phải công nhận cuộc đời Khánh trắc trở khi yêu nhưng lấy nhau thì thuận lợi hơn các bạn cùng nhóm rất nhiều. Bốn mươi năm trời trôi qua, mọi việc lớp lang cư như đều thông đồng bén giọt, tuần tự nhi tiến.
Bốn người lính già và Yến Nhi – bà Nhi, người trong cuộc ngồi bên nhau, ôn lại đủ mọi chuyện. Từ trận đánh đầu đời ngô nghê đáng nhớ ở Sơn Tây đến hàng chục trận đánh sau, từ lúc còn ngẩn ngơ trước cảnh đẹp của núi rừng đến rộng tầm mắt trên ruộng đồng làng mạc ngút chân trời của vùng duyên hải… mờ mắt, thèm ngủ không còn ciết đâu là vẻ đẹp thiên nhiên… Từ một tân binh trẻ măng với những mạch máu ly ty mờ mờ trên má, họ đã trở thành những người lính da đen nhẻm quắc thước thiện chiến… và bây giờ là cựu chiến binh, những ông già.
Bốn ông già hôm nay, xưa được mệnh danh là “Bộ tứ”, họ đều là những người lính chiến đấu rất giỏi. Vũ Nam Đồng làm đủ nghề, từ quân khí đến pháo thủ, trong một lần bằng mắt thường đứng cảnh giới ở công sự pháo đã phát hiện ra máy bay bay thấp trên sông Văn Úc vào đánh cầu Lai Vu, giúp cho đơn vị kịp thời nổ súng. Nhờ thành tích ngẫu nhiên này, anh đã được chuyển lên trinh sát để “phát huy sở trường”. Ở trinh sát do may hay giỏi thì không biết, nhưng Đồng vẫn giữ vững truyền thống phát hiện được máy địch từ rất xa, khi chúng lẫn lộn trong những cánh bay lượn lờ của chim diều hâu ở mãi tít chân trời, lúc mà trong ống nhòm bội số 8 chúng chỉ to hơn con muỗi. Đinh cát Linh, cái tên có vần dễ nhớ ở máy chỉ huy K6 thì thuộc loại “mắt cú” cừ khôi hàng đầu, thành thạo tất cả các số trắc thủ từ cự ly đến tà, hướng. Giữa trưa nắng, hơi nóng bốc lên hầm hập nhòe mắt mà anh vẫn áp sát đường tin cự ly vào máy bay địch chỉ sai số trên dưới chục mét. Còn Phúc Khánh thì khỏi chê, đã có trận bắn liên tục 40 quả đạn pháo trung cao. Anh không mệt, nhưng máy hoàn xạ thì bị “liệt”, khiến cho nòng pháo xệ xuống đất, không trở về được vị trí ban đầu. Riêng Bùi Thịnh Quang thì có vẻ an nhàn hơn cả, chỉ duy nhất một nghề trinh sát từ khi nhập ngũ trụ lại cho đến bốn năm sau. Nhưng nhờ đàn hay hát giỏi, thơ văn lai láng nên cứ nhát nhát là được gọi lên trung đoàn biên tập nội san, đi hội diễn khối dân quân toàn tỉnh hoặc tập trung vào đội tuyên truyền xung kích của Sư đoàn. Sau giải nhất đơn ca Hội diễn Quân Dân tỉnh Quảng Ninh anh được điều về đoàn Văn công quân đội, là người cuối cùng trong “nhóm 4 tên” dời khỏi Đại đội 3 lúc đang ở Uông Bí.
Cuối cùng thì họ lại trở về với những trận đánh nảy lửa, cơ động để bảo vệ cụm vật thể liên hoàn là nhà máy điện Uông Bí, hai mỏ mỏ than Mạo Khê – Đông Triều và phà Yên Lập. Đó là thời gian gieo neo ác liệt nhất có thắng, có bại, thậm chí đã có một trận, bảy chiến sĩ của Khẩu đội 4 hy sinh.
… Tất cả tư lự, không ai đáp lời. Có vẻ trong họ chẳng ai muốn nhớ lại những năm gian lao chiến bại năm xưa; mặc dù họ đã đứng vững và đánh bật hàng trăm lượt máy bay Mỹ để bảo vệ an toàn cho nhà máy điện Uông Bí. Chỉ duy nhất một lần sơ sảy, máy bay địch đã đánh sập ống khói nhà máy khiến cho kỹ sư, công nhân phải ngày đêm khắc phục dưới bom rơi, đạn nổ. Cuối cùng họ đã nghĩ ra một sáng kiến được cho là có một không hai của ngành điện lực lúc bấy giờ, đó là làm “ống khói ngầm” chĩa ra bờ sông cho khói lảng bảng bay trên mặt nước rồi tản ra bốc lên cao. Thế là một tuần sau, nhà máy đã hồi sinh, lại rầm rầm phát điện.
Như kịp đổi đề tài, Phúc Khánh cắt ngang phút tư lự:
– Các ông có nhớ chuyện bắt phi công Mỹ không. Chính là anh Bính bếp trưởng anh nuôi của mình đấy. Hồi ấy chuyện còn lẻ mẻ, nhưng sau này được chắp nối, câu chuyện đã hoàn chỉnh như một bản anh hùng ca… Chuyện này thì bộ ba còn nhớ. Anh Bính, hiền lành như con gái, nhưng từng là đô vật lừng danh của của tỉnh Bắc Ninh, nơi có nhiều lò vật nổi tiếng. Chính anh đã từng ngồi xới thách đấu liền trong 3 ngày vậy mà 6 đô khác của các lò vật ở Hải Phòng, Bắc Giang, Sơn Tây đến nhận thách đấu vẫn trắng bụng đấy. Nhớ rồi. trong dịp Tết năm ấy đã thách đấu với anh Khải… Chỉ lúc ấy đơn vị mới phát hiện có hai anh từng là đô vật Hải Phòng và Bắc Ninh nổi tiếng. Hai ông người nhà vờn nhau, công thủ khoan nhặt thật đẹp mắt. Cuối cùng phải hòa về trùng đòn bắt gót chân… Tiếc cho đơn vị không được xem màn vật hấp dẫn. Nhớ rồi, anh Bính cần mẫn, tính tình hiền lành, lần ấy anh xung phong gánh cơm lên trận địa thì anh bỗng nhìn thấy bóng dù đang rơi. Lúc anh Bính lao đến đê ngăn nước mặn ở bãi sú Điền Công thì thằng giặc lái Mỹ đang đứng giữa bãi bùn, khom lưng thế thủ lia lia khẩu Col.6 trong tư thế bắn, mặc cho trên bờ nhao nhao la hét Hen sơ hấp và cả tiếng ta Ê! Giơ tay lên. Anh Bính không một phút do dự, bay người xuống bãi lầy, bước oàm oạp trên bùn, dùng đòn “trá tẩu” quét tên phi công ngã ngửa rồi nắm tay nó lôi xềnh xệch vào bờ. Đến lúc này dân quân ta mới nhào đến hè nhau đội tên giặc lái đưa lên bờ. Tên phi công như con sâu rau muống bị lũ kiến vống châu đầu vào cắn xé quằn quại. Lũ kiến cứ thế cùng nhau công kênh tha con sâu về tổ.
Nhớ rồi. Cả chuyện anh Khải sau lần thu gom xác liệt sĩ Khẩu đội 4 bị hy sinh, anh bị lẩn thẩn, suốt đêm đi lang thang ngoài ruộng vừng, miệng lẩm bẩm khóc hờ. Nhưng sáng sơm hôm sau lại vùng chạy về hầm trung đội giữa pháo trường, cầm cờ lệnh, chỉ huy chiến đấu như chưa hề một phút tâm thần. Bây giờ mới hiểu, anh Khải bị lẩn thẩn là chất Con Người. Còn anh chạy về vị trí chiến đấu khi kẻ thù đến để phất cờ lệnh hô bắn đanh thép là chất của Người Lính. Nhớ rồi.
Có cái phút hồi tưởng bi tráng, dường như lúc này ba ông già cựu chiến binh
mới yên tâm nói về chuyện xưa. Những chuyện rất dài và lặt vặt, chắp nhặt không biết đến bao giờ mới hết. Chuyện về những ngày trước khi Uông Bí lên thành phố, gia đình và huyện đội của 7 chiến sĩ đã lên quy tập họ về nghĩa trang địa phương, chuyện về kỳ công của Nam Đồng đi tìm mộ Cát Linh có lẽ là ly kỳ và vất vả nhất. Thoạt đầu, qua tin anh Huỳnh Lúa sau hòa bình đã chuyển về huyện đội trưởng huyện Cái Răng Cần Thơ đã đưa cả vợ con từ Vĩnh Phúc vào để đoàn tụ cùng gia đình, nên biết được tin Cát Linh ở trong một đại đội vị pháo 37 ly chiến đấu ở Quảng Trị, sau đó theo bước tiến của chiến dịch đến Buôn Mê Thuột. Từ đây Nam Đồng lần được tin Cát Linh đã hy sinh. Cuối cùng Nam Đồng phán đoán lính pháo đã hy sinh thì không thể không thể vô danh. Và bước cầu may của anh đã dừng lại ở Nghĩa trang Trường Sơn. Mất một buổi sáng loanh quanh trong khu mộ bộ đội quê Hà Nội, anh tìm thấy một chiếc bia có gắn hình ngôi sao vàng: Đinh Cát Linh. Quê quán: Khối 16, khu Đống Đa. Hà Nội. Hy sinh tháng 3.1975 tại Buôn Mê Thuột. Như vậy Cát Linh đã hy sinh trước ngày toàn thắng chỉ vừa tròn một tháng.
Mãi đến trưa, câu chuyện chưa vãn. Nhưng bà Nhi đứng dậy xin phép về trước để chuẩn bị cho sự kiện trưa nay. Phúc Khánh đỡ lời, giải thích: “Trưa nay bọn tôi làm lễ phát thưởng Quỹ khuyến học của Cựu chiến binh. Tôi đã bố trí rồi. Giờ mình về luôn. Các ông cứ lại rai ở tầng 2 – nửa tiếng sau xong việc, tôi lên. Bọn tôi tổ chức ở tầng 1. Hai chục cháu, mỗi cháu 5 triệu 2 cho 1 niên học. Phát thưởng xong cho các cháu liên hoan luôn thể. Toàn con nhà nghèo học giỏi. Cái ấy cũng hơn hẳn tụi mình ngày xưa đấy.
Phải thế. Chuyện hôm nay chỉ là “súc miệng” chuyện của ba thằng. Chỉ ngay ở Uông Bí này thôi chuyện chúng đã cần phải nhớ lại tường tận. Rồi còn chuyến ba thằng khi dời quân ngũ về đời thường cựu chiến binh nữa. Nó dài hơn cả 9 năm đời lính. Nó xứng đáng cho “các ông phải ở đây đến khi nào kể cho nhau hết chuyện đời lính tụi mình thì thôi”.
3. Ba ông già cựu chiến binh ngồi bên nhau. Họ ôn lai những chuyển từ đời nảo đời nào đã biết rõ tát cả nhưng tưởng mới mẻ diễn ra từ hôm qua.
Ba bốn cụm mây chiều chênh chếch trên nền trời xanh nhuốm ánh hoàng hôn rực hồng, ngẫu nhiên giống như cụm hoa lửa bung ra từ đạn pháo năm xưa. Nhưng giờ đây chúng đã trở nên những bông hoa mây tuyệt đẹp như chưa hề có ở đâu trên cõi đời này… Những bông hoa như đóa hoa hướng dương trên nền trời xanh thăm thẳm. Hòa binh.
TP Hồ Chí Minh, 3/5/2024
An Bình Minh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...