Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Tiểu thư Thiên Kim

Tiểu thư Thiên Kim

Thiên Kim hất mái tóc xoăn, ném cho tôi một cái nhìn hậm hực rồi bỏ luôn chiếc xe vẫn đang nổ máy, giận dỗi, vung vẩy bỏ vào nhà trong. Tôi im lặng ra tắt máy, dắt xe vào…
Cha nàng là hợp huyết Pháp - Ê Đê, mẹ nàng người Thái Sơn La, nàng sinh ra giữa cánh đồng mênh mông bắp của Tây nguyên trù phú. Nàng dong dỏng cao, tóc nâu loăn xoăn phủ qua vai, mũi dọc dừa và đôi mắt to hiếu động. Năm đó tôi hai mươi, đang trọ ngoài thị trấn học lớp mười hai. Nhà nàng ở gần trường cấp ba, một cơ ngơi đông đúc gia nhân. Dãy mặt tiền quốc lộ là tiệm vàng, cây xăng và cửa hàng vật tư nông nghiệp hợp doanh với nhà nước, quán cà phê… do mẹ nàng quản lý. Sau lưng là đất rộng đến mấy héc ta kéo dài hàng trăm mét đến tận bờ sông. Cha nàng du học Pháp về làm Chánh án ở Ban Mê Thuột. Sau khi chính thể mà ông phục vụ tan rã, ông đưa gia đình về lại quê hương là huyện lỵ Đức Trọng – cách Đà Lạt hơn ba mươi cây số về phía Nam, tạo dựng cơ ngơi này. Vợ và con gái ông ở khu nhà lầu mặt tiền để kinh doanh, ông ở ẩn trong ngôi nhà sàn sang trọng cạnh bờ sông hoang vu.
Ông là quý tộc Ê Đê, cũng như tổ tiên, ông mê nhà sàn. Căn nhà sàn của ông mang đậm văn hóa Pháp từ kệ sách, đồng hồ treo tường, tủ rượu, đàn dương cầm… trong nhà có cả ti vi, điện thoại. Tôi biết rõ gia đình nàng nhờ mỗi tuần ba buổi chiều và cả ngày chủ nhật đến làm mướn cho họ. Lúc đầu tôi cùng năm, bảy người khác gieo trồng hoặc thu hoạch nông sản, chăm sóc trại heo, trại gà; trồng hoa quanh nhà sàn. Sau này ông cựu chánh án dạy tôi lái máy cày, máy đánh, sử dụng hệ thống máy bơm nước sông lên tới vườn cà phê. Thỉnh thoảng bà chủ còn gọi tôi lên phụ bán cây xăng hay sửa chữa những hư hỏng vặt trong nhà. Tôi kiếm được chút tiền trọ học đỡ đần cho gia đình ở cách thị trấn mười mấy cây số…
Người làm trong nhà đều gọi Thiên Kim là “cô chủ”, chỉ có tôi gọi là “tiểu thư”. Năm đó nàng mười sáu tuổi, chẳng thấy học hành, suốt ngày rong chơi, đua xe, đua “đốt tiền” cùng đám bạn con nhà giàu. Mấy bà giúp việc xì xầm mỗi ngày nàng xài cả lượng vàng, bằng cả chục năm lương của họ. Đã mấy lần tôi thấy ông chủ nổi nóng với con gái. Ông la nàng bằng tiếng Pháp, tiếng Ê Đê để đám gia nhân không thể hiểu. Mặt ông đỏ bừng, mắt trợn giận dữ… Thiên Kim rất láu cá, cô cứ xáp vào ôm ba nũng nịu. Thế là ông hết giận, có khi còn móc tiền ra cho con gái. Bố con họ giống hệt nhau ở cái dáng cao cao, tóc xoăn, da ngăm, mũi dọc dừa và đôi mắt to với lông mi dài…
Hôm ấy là sáng chủ nhật, bà chủ bảo tôi leo lên sửa bóng đèn neon ở tiệm vàng. Sửa xong tôi định vác cái thang tre ra sau nhà cất thì Thiên Kim ngoắc tôi đến nhờ đạp máy chiếc Vespa Sprin của ba cô (Thời đó – đầu những năm tám mươi thế kỷ hai mươi, chiếc Vespa Sprin đắt hơn căn phố lầu, đắt hơn xe tải, xe hơi; chỉ người giàu có mới xài xe này). Cô hối tôi:
– Hôm qua em đua bằng Honda 90 thua tụi nó, tức lắm. Hôm nay lấy chiếc 150 phân khối này trả thù mới được. Nhanh lên… lỡ ba em thấy…
Tôi đạp xe nổ, dắt ra sân. Thiên Kim mặc bộ đồ da với dây kéo ngang dọc, móc khóa hình đầu lâu, súng, kiếm lủng lẳng. Dưới chân là đôi ủng da cao gần đến gối… cô nhảy cẩng lên đắc ý rồi bất ngờ hôn chụt lên má tôi, khen:
– Giỏi lắm anh thợ, hôm nay mà đua thắng em thưởng cho!
Cô đeo kiếng đen, mang găng tay da rồi rồ ga phóng xe theo hướng lên Đà Lạt. Tôi rờ tay lên cái má còn ươn ướt, thơm thơm, lặng đi. Lần đầu tiên tôi được con gái hôn, rùng mình với nụ hôn! Tôi đã luống cuống, nhột nhạt sau đó lâng lâng, lơ lửng rồi chìm ngập trong thích thú kỳ lạ. Tôi sờ tay lên má, nhớ nhung mùi vị lạ lùng, quyến rũ đó ngơ ngẩn như người mất hồn, chỉ giật mình sực tỉnh khi bà chủ nhắc nhở:
– Cất cái thang về chỗ cũ đi!
Tôi “dạ”, rồi lụi cụi đưa thang tre ra nhà sau, treo lên hai cây đinh dài, áp sát lên tường cho gọn. Tôi quay lên nhà trên, định bụng nếu bà chủ không sai bảo gì thêm thì chào bà rồi xuống vườn. Tôi vừa ra trước cửa tiệm vàng đã thấy hai công an mặc đồ vàng nhạt chở nhau trên xe Sim Son kè theo Thiên Kim chạy Vespa vào sân. Mặt Thiên Kim nhăn nhó, bực bội, vừa thấy tôi cô la toáng lên:
– Anh rờ vô xe tôi là xúi quẩy, chưa đến chỗ đua đã gặp công an!
Hai anh công an dẫn Thiên Kim vào gặp bà chủ:
– Cháu mới mười sáu tuổi sao gia đình mình lại cho cháu đi xe máy phân khối lớn hở chị? Nguy hiểm lắm!
Bà chủ hối nhân viên mang nước ra rồi phân trần:
– Vợ chồng tôi cấm, cháu lén lấy xe đi đấy. Để tui nói ba nó đánh cho một trận. Làm phiền hai chú quá, cho chị cảm ơn!
Quay sang Thiên Kim bà gằn từng tiếng:
– Vô nhà quỳ xuống chờ mẹ giải quyết!
Thiên Kim hất mái tóc xoăn, ném cho tôi một cái nhìn hậm hực rồi bỏ luôn chiếc xe vẫn đang nổ máy, giận dỗi, vung vẩy bỏ vào nhà trong. Tôi im lặng ra tắt máy, dắt xe vào…
Tôi dạy Nga văn các lớp đại học rồi dạy kèm, dạy thêm các lớp đêm nên thu nhập đủ sống thoải mái. Một lần tan lớp đêm, thấy đói bụng, tôi thả bộ khu Hòa Bình định kiếm tô phở. Trời lạnh căm căm, tôi mặc sơ mi, áo len rồi khoác cái áo dạ dài tới gối, nặng trịch, mang từ Liên Xô về. Nguyên năm thứ ba lớp tôi được học và thực tập ở Liên Xô, năm thứ tư mới về nước làm tiểu luận tốt nghiệp. Sau đó tôi quay lại Liên Xô học thêm hai năm sau đại học rồi mới trở về Đà Lạt giảng dạy. Đi ngang cầu thang chợ Đà Lạt, mùi bắp nướng thơm thơm theo hơi sương buốt giá phả vào mặt làm tôi đổi ý định ăn phở. Tôi sà xuống một bà nón lá lụp xụp có nồi than đỏ hồng với mấy trái bắp nướng vàng ươm, nổ tí tách trên lửa ấm. Tôi thọc cả đôi bàn tay tê cóng vào bếp lửa để sưởi rồi hỏi bà bán bắp:
– Có trái nào dòn dòn không?
Bà bán bắp ngước lên… đôi mắt to với hai hàng lông mi cong vút. Tôi há hốc, sững sờ… Thiên Kim! Trời đất ơi Thiên Kim! Tôi thốt lên. Kim cũng đã nhận ra tôi, cô cúi gầm mặt… rồi bật khóc…
– Sao tiểu thư lại ra nông nổi này?
– Ba mẹ từ em, đuổi em… em còn biết làm gì để kiếm sống bây giờ?
Tôi ngồi phụ bán bắp nướng cho Kim đến gần nửa đêm. Đèn đường vẫn sáng, nhưng khách du lịch đã vắng. Khu Hòa Bình – trung tâm của Đà Lạt sầm uất là thế bây giờ chỉ còn những dãy phố im lìm, với những ngọn đèn phủ sương mờ ảo. Kim đổ nước dập bếp than hồng, rồi sắp xếp mọi thứ lỉnh kỉnh vào đôi quang gánh. Cô đứng lên, cái bụng bầu lặc lè, bộ quần áo cũ kỹ với cái áo nỉ bên ngoài có nhiều mảnh vá. Dưới chân cô tiểu thư quen đi ủng da để đua xe cho hầm hố, bây giờ là đôi dép nhựa mòn vẹt, quai đứt được cột lại bằng cọng kẽm nhỏ xíu. Kim quẩy gánh lên vai, cất giọng buồn buồn:
– Anh về đi, em cũng về…
Tôi đỡ cây đòn gánh trên vai bà bầu, rồi nắm tay nàng:
– Đi đường nào?
Kim quệt nước mắt:
– Anh thương hại em phải không?
– Anh đưa em về... À! Mình ghé ăn phở đã…
Kim vân vê gấu áo, thầm thì:
– Anh sang trọng như vầy, đi với em vào quán phở, anh không sợ bị người ta cười sao?
Một tay tôi giữ đòn gánh, tay kia quàng vai Kim lôi đi, rồi hỏi nhỏ vào tai nàng:
– Có một lần em đã hôn anh, nhớ không?
– Ngày đó em còn dại dột, xin anh bỏ qua!
Tôi im lặng nghe tiếng đế giày của mình, đế dép của Kim miết trên mặt đường hoang vu buồn bã. Nụ hôn nghịch ngợm của nàng đã làm tôi khổ sở suốt ba nghìn ngày, ba nghìn đêm. Bây giờ nếu tôi hôn lại nàng, chắc chắn sẽ làm khổ nàng như nàng từng làm khổ tôi…
Ăn khuya xong, chúng tôi đi về hướng Cẩm Đô, vào một con hẻm tối om chật chội, lủng bủng nước… quẹo trái, quẹo phải thêm vài lần, nàng dừng lại ở một cánh cửa bằng tole xám xịt. Trên đời chắc không còn căn nhà nào tệ hơn, tôi đã nghĩ như vậy khi Kim bật bóng đèn sáu mươi W vàng khè lên. Nhà là căn phòng mỗi bề ba thước, chỉ có vách ở mặt trước, ba vách còn lại là tường xây, vách gỗ mượn của hàng xóm. Nền nhà bằng đất nhão nhoẹt sình vì mưa dột, bốc mùi ẩm mốc. Mấy tấm ván kê lại xộc xệch trải chiếu làm giường ngủ. Bếp là cái kiềng ba chân kê giữa nhà, trên mớ tro lạnh tanh. Sát vách tường căng dây kẽm treo mấy bộ quần áo cũ. Vài cái xoong móp, mấy cái thau nhựa bể, lỏng chỏng chén, dĩa… Tôi đặt quang gánh vào góc, nhìn khắp lượt, ghê ghê người khi thấy buồng vệ sinh là tấm bạt tả tơi, vá víu quây lại ở góc nhà. Kim có vẻ mệt, cô thả dép ngồi lên “giường” ôm bụng bầu thở hổn hển:
– Anh về đi cho em nghỉ một tí!
Tôi lắc đầu:
– Anh không thể để mặc em thế này được, lỡ tối nay em sanh, ai giúp?
– Em tự lo được, anh không nợ nần gì em cả, đừng thương hại em làm gì!
Tôi kiếm một cái thau nhỏ, múc nước từ cái lu to ra, bưng đến:
– Rửa mặt rửa tay đi rồi anh rửa chân cho!
Kim nhìn tôi sững sờ… bật khóc:
– Anh làm vậy em càng tủi thân. Anh về để mai còn đi dạy!
Tôi rút cái khăn nhỏ cũ kỹ trên dây phơi, nhúng vào thau nước lau mặt cho Kim. Mặt Kim đầy mụi than, bụi bặm, lau xong xả thau nước đen sì. Tôi lại lấy khăn lau hai bàn tay vất vả của Kim rồi kì cọ gót chân chai sần, bị sương ăn nứt nẻ của nàng. Kim ngồi như tượng, nước mắt ràn rụa. Tôi bảo Kim nằm sát vào vách rồi cởi áo dạ, tháo giày, lên nằm cạnh. Cái chăn bông vá chằng đụp của nàng pha mùi ẩm mốc, mùi dầu cù là hăng hắc. Trong đời tôi chưa bao giờ phải đắp một cái chăn u ám, buồn thảm như thế. Trời rất lạnh, có lẽ chỉ mười độ, một tay tôi quàng qua cái bụng bầu của Kim, tay kia vuốt ve mái tóc rối bời, ám khói bếp than và rin rít vì mấy ngày Kim chưa gội. Kim vuốt má tôi thì thầm:
– Ngày xưa anh có yêu em không?
Tôi im lặng…
Năm giờ sáng, thấy Kim đã ngủ say, tôi rón rén ra đầu hẻm đón xe ôm về nhà. Tôi nấu ấm nước nóng pha ra tắm, thay đồ rồi ăn đỡ tô mì tôm để kịp lên lớp. Từ sáng đến chiều tôi dạy bốn lớp, sau đó “chạy sô” thêm lớp đêm. Hai mươi giờ xong việc tôi lại tất tả chạy ra khu Hòa Bình, quạt lửa phụ Kim bán bắp nướng. Tôi đang nghĩ cách giúp nàng thoát khỏi cái bếp nóng rực với mùi bắp nướng; thoát khỏi căn trọ ổ chuột và chuẩn bị chuyện sinh nở.
Bác sĩ Hạnh là hoa khôi lớp Nga văn đêm của tôi, cô đang chuẩn bị sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, ba cô là thứ trưởng Bộ y tế cũng từng học Liên Xô về. Đã mấy lần Hạnh mời tôi đi ăn tối, tôi cũng vài lần đến chơi nhà Hạnh. Mẹ Hạnh người miền Trung tập kết ra Bắc, sau trở về làm phó ban tổ chức tỉnh ủy. Bác ấy thường hỏi thăm gia đình tôi và đã có lần ngỏ ý mời ba má tôi lên nói chuyện. Tôi hiểu như thế nghĩa là cả Hạnh và gia đình quyền quý của nàng đều đã “chấm” tôi. Nhưng tôi vẫn chỉ giữ tình bạn với Hạnh, không đi xa hơn…
Rồi cái buổi tối như trong phim ấy đã đến…
Tôi đang phụ bán bắp nướng với Kim thì ba cô gái với hai chàng trai đi xe hơi đen bóng lộn đến. Họ thích ăn bắp nướng và đã rú lên kinh hoàng khi nhận ra Kim. Cô gái khoác cái áo lông màu huyết dụ, to xù đã cười sặc sụa rồi cất giọng mỉa mai:
– Ê Kim mọi, sao tàn quá vậy mày? Hồi xưa cương lắm mà, lúc nào cũng muốn cạnh tranh với tụi tao… Đứa nào còn tiền lẻ không, cho nó mấy đồng!
Cô để tóc như con trai, mặc nguyên bộ đồ Jean đến hất nón lá của Kim, cất giọng the thé:
– Tao nhớ mày còn nợ một độ vũ trường chưa chung… À! Mà nó thành ăn mày rồi chung chi gì nữa. Hay là lấy bắp nướng của nó trừ nợ!
Cả bọn bá vai nhau cười hô hố. Tên mặt choắt, mặc nguyên bộ đồ trắng, tóc xịt keo bóng mượt cúi người dở nón lá của Kim, chọc ghẹo bằng giọng nhừa nhựa rất đểu:
– Thằng Hùng Bô nó lừa cho em cái bầu rồi trốn biệt phải không… tội nghiệp em gặp thằng sở khanh… gặp anh thì em đi xe hơi rồi, đâu phải bán bắp nướng nhục như vầy… thương quá! thương quá… chu choa…
Hắn diễn trò làm cả bọn cười rũ rượi…
Tôi ngồi bên cạnh Kim nãy giờ sôi máu nhưng cố nhịn. Chắc tụi nó tưởng tôi chỉ là khách mua bắp nướng. Phải cho lũ mất dạy này một bài học. Tôi nghĩ vậy, đứng lên đẩy vai thằng áo trắng:
– Mấy người cút hết đi!
Thằng áo trắng sừng sộ:
– Mày là thằng nào?
– Tao là… chồng của Kim, tụi mày muốn gì?
Tôi cao mét tám, là tuyển thủ bóng chuyền với cú đập sấm sét. Với hai thằng ăn chơi lỏng khỏng này, tôi đánh cho không còn đủ sức mà khóc.
Thằng áo trắng sấn tới, chửi bới:
– ĐM… mày muốn làm anh hùng cứu… con chó ghẻ hả?
Tôi tát một phát trời giáng, nó liểng xiểng, quỵ xuống. Ba con nhỏ ôm mặt sợ hãi, thằng đồng bọn mặc nguyên bộ rằn ri rất ngứa mắt tới đỡ nó dậy rồi chỉ vào mặt tôi hăm dọa:
– Mày chán sống nên mới dám đụng bọn tao. Chờ đó, tao xử mày không đẹp không ăn tiền!
– Cả bọn dìu thằng bị đánh lên ghế trước rồi nổ máy phóng xe đi. Kim đổ nước dập lửa, hớt hải kéo tay tôi:
– Đi đi anh, tụi nó sẽ quay lại với bọn giang hồ có mã tấu đó…
Tôi quẩy gánh rồi dắt tay Kim ra bến xe lam. Tôi kiên quyết đưa Kim về khu tập thể giáo viên cho an toàn…
Hôm sau tôi bảo Kim ở nhà, rồi vẫn đi xe lam đến lớp đêm như thường lệ. Hôm nay Hạnh không có mặt, tôi bỗng linh cảm có chuyện gì đó. Lúc tôi cho lớp ra về, cô gái ngồi chung bàn với Hạnh đưa cho tôi lá thư dán kín. Tôi xé luôn ra đọc. Bình thường Hạnh vẫn gọi tôi là thầy, xưng em. Nhưng trong thư lại gọi bằng anh, xưng Hạnh.
… “Đêm qua Hạnh đứng sau lưng anh. Phục anh vô cùng, nhưng cũng buồn anh vô cùng. Phục anh đêm nào cũng ra chợ bán bắp nướng phụ vợ, dám đánh bọn du côn để bênh vợ. Buồn là vì anh đã có vợ sao không dám nhận điều đó? Vì vợ anh quê mùa, lam lũ nên anh sợ mất mặt chứ gì? Hạnh thấy thương vợ anh vô cùng, may là Hạnh chưa nghe lời dối trá của anh, làm điều có lỗi với chị ấy. Hạnh không muốn đến lớp nữa, không muốn phải gọi một người đàn ông tệ bạc bằng thầy nữa. Hãy mua cho chị ấy vài bộ quần áo, đừng để vợ anh mặc áo vá tội nghiệp lắm!”…
Tôi sững sờ khi đọc xong lá thư. Giải thích thế nào với Hạnh đây? Có cần không? Nghĩ mãi tôi thấy… không cần!
Tôi trở về nhà không thấy Kim cùng đôi quang gánh. Tôi sang đồng nghiệp ở phòng bên mượn chiếc xe đạp rồi chạy về nhà trọ của Kim. Tôi dựng xe trước cửa, ào vào nhà. Kim đang ngồi bên bộ phảng, khóc rấm rức. Tôi vừa ngồi xuống cạnh Kim thì sau tấm bạt buồng vệ sinh, một người đàn ông bước ra. Tôi đã nghe Kim kể nên đoán đây là Hùng Bô. Hắn chỉ cao cỡ Kim, hơn mét sáu một chút, đầu trọc, ốm nhom, mặc bộ đồ đen, áo khoác cũng đen, chân đi giày thể thao xám. Hắn nhìn tôi với đôi mắt vằn lên dữ tợn, hất hàm hỏi xấc xược:
– Mày là thằng thầy giáo khốn khiếp muốn cướp vợ tao phải không?
Tôi điên lên với câu hỏi láo lếu đó:
– Anh ăn nói cho đàng hoàng, tôi chỉ giúp đỡ cô ấy!
Kim từng kể Hùng đang ở tù chung thân về tội buôn ma túy. Hắn xuất hiện ở đây nghĩa là đã trốn trại. Tôi phải đề phòng tên tù vượt ngục này, chắc chắn hắn có vũ khí. Tôi đoán không lầm, chuẩn bị không thừa. Hùng vừa thò tay ra sau lưng tôi đã lao bổ vào hắn. Tiếng súng nổ vang động cũng là lúc tôi dùng hết sức mạnh, hết sức nặng của cơ thể dộng đầu hắn vào tường. Tôi tính bồi thêm mấy cú đấm thì thấy tay cầm súng của Hùng rã rời, mắt hắn trợn ngược và máu chảy ra từ mũi, từ tai hắn. Hùng quẹo đầu một bên… Xóm làng la hét kinh động, rồi tiếng chân rầm rập chạy đến. Xe cảnh sát, hú còi inh ỏi ngoài đầu hẻm. Tôi cũng chẳng còn đủ sức đứng lên khi biết chắc mình vừa... giết người!.
Hùng Bô đã chết và tôi bị khởi tố, tống giam. Bên công an với Viện kiểm sát đang tranh luận xem khép tôi vào tội gì – “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hay “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”? Gia đình tôi chắc là đau đớn lắm, ba mẹ tôi sẽ vật vã, ngất lên xỉu xuống với hung tin. Tất cả là số phận, tôi còn biết làm gì!
Một tuần sau khi bị bắt, B.S Hạnh vào trại giam thăm tôi. Ngay cả ba mẹ, anh em ruột còn không thăm tôi được, Hạnh làm thế nào để có cái giấy vào trại? Tôi hỏi, Hạnh trả lời bằng chuyện khác:
– Kim sanh rồi, bé gái ba ký ba, nhắc anh suốt. Đến bây giờ cô ấy vẫn chưa biết tên thật của anh, chỉ gọi là “anh thợ” hay “thầy giáo”…
Tôi gật đầu:
– … Kim nói đúng! Có ai chăm sóc cho cô ấy không?
– Em đỡ sanh cho cô ấy rồi chạy tới chạy lui luôn.
Hạnh lấy trong giỏ quà ra mấy tờ báo. Tôi cầm lên đọc cái tít thật to, tô đậm ở trang bìa “Chuyện tình ái ly kỳ – Đại ca vượt ngục cầm súng về đòi vợ”… Kỳ một “Mối tình vụng trộm của thầy giáo đại học với cô bán bắp nướng”… Tôi ném tờ báo lên bàn, thở dài:
– Chưa đọc đã biết họ viết cái gì rồi. Họ dựng chuyện để thỏa mãn bạn đọc, để bán được nhiều báo mà không nghĩ đến hậu quả cho các nạn nhân. Hạnh đừng đưa mấy tờ báo này cho Kim đọc…
Hạnh nhìn tôi chằm chằm với đôi mắt đỏ hoe, chực khóc:
– Kim đã kể hết… em xin lỗi vì đã nghĩ sai về anh! Bây giờ muốn đến lớp để nhìn thấy anh cũng không được nữa!
Tôi buồn bã ngước nhìn trần nhà:
– Nếu hôm đó Hùng Bô bắn anh chết mọi thứ sẽ không rắc rối như bây giờ…
Hạnh òa khóc:
– Anh giúp pháp luật loại bỏ được tên tội phạm nguy hiểm, lẽ ra anh phải được khen thưởng, sao họ lại bắt anh vào tù?
Tôi thở dài chán chường:
– Không bất công, phi lý không phải là công lý!
Đã hết giờ thăm gặp, Hạnh đẩy giỏ quà về phía tôi đứng lên:
– Em tìm luật sư cho anh nhé!
– Mọi chuyện đã rõ ràng, không cần thuê luật sư đâu! Em chăm sóc mẹ con Kim hộ anh.
Ngày tôi ra tòa, Kim cũng có mặt với tư cách vợ nạn nhân đồng thời là nhân chứng duy nhất. Đã sinh con nên trông Kim gọn gàng trong bộ đồ mới mà tôi đoán Hạnh mua cho. Mặt cô xanh mét, mười ngón tay cũng xanh xao. Những lúc phải đứng lên trả lời hội đồng xét xử, Kim trao đứa bé quấn trong cái khăn hồng sang trọng cho Hạnh bồng giúp. Kim hết lời bênh vực cho tôi. Kim lấy nước mắt cả khán phòng bằng câu chuyện “duyên nợ” của tôi với nàng. Lòng nặng trĩu với thân phận bị cáo, tôi cũng phải bật cười cùng các vị quan tòa khi Kim thút thít kể “Tối nào anh ấy cũng rửa mặt, rửa tay chân cho em nhưng chẳng bao giờ hôn em !”… Tôi tin cô đã trải lòng chứ không phải nói những lời luật sư hay Hạnh đạo diễn. Cuối cùng tòa tuyên tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, chịu mức án nhẹ nhất theo khung hình phạt của điều 102 – Bộ luật hình sự 1985 là ba tháng tù giam, bằng với thời gian bị tạm giam. Tôi được trả tự do ngay tại phiên tòa…
Hạnh và Kim ôm tôi khóc vì mừng. Trong đám đông theo dõi phiên tòa, có cô gái tóc ngang vai, đội nón kết mặc áo ký giả, quần kaki màu kem đi giày thể thao. Kim nhận ra:
– Nhà báo Bích Thủy…
Tôi nhìn cô ta không thiện cảm, Bích Thủy lôi trong túi xách đeo trên vai ra tờ báo, lật ra chỉ vào bài to nguyên trang, có cả ảnh Kim vừa sinh con, nằm trong bệnh viện, thanh minh với tôi:
– Lúc vụ án mới xảy ra em vội quá nên viết về anh với Kim chưa “chuẩn”, nay em viết lại bài này để tạ lỗi… Mà anh đúng là người đàn ông tuyệt vời!
Tôi đã muốn nổi khùng, muốn quát lên cho hả giận, nhưng nhìn nét mặt Bích Thủy có vẻ hối lỗi chân thật nên kịp chuyển giận sang mỉa mai:
– Cảm ơn cô đã giúp tôi nổi tiếng!
Thủy sốt sắng chỉ vào chiếc ô tô Lada màu trắng sữa đậu ở góc sân tòa:
– Cả nhà mình lên xe đi, em đưa về…
Hạnh nhìn Thủy châm chọc:
– Lại muốn độc quyền khai thác nhân vật à?
Chẳng hiểu sao tôi gật đầu, Hạnh xịu mặt giận dỗi:
–  Xe em chở được cả hai người, nhưng anh thích đi ô tô thì tùy!
Hạnh có chiếc Honda DD70 phân khối đẹp và sang nhất Đà Lạt những năm đầu đổi mới . Tôi từng chở Hạnh đi chơi, ăn vặt và uống cà phê trên chiếc xe đỏ tươi niềm ao ước của bao nhiêu người. Thấy Hạnh dỗi, tôi có sáng kiến:
– Nhờ Thủy chở giúp mẹ con Kim, cháu bé đi ô tô cho đỡ lạnh. Tôi đi chung xe với Hạnh cũng được!
Nói xong nhìn mặt Kim buồn hiu, lại không đành lòng. Hạnh giúp tôi gỡ bí:
– Em với Kim đi xe chị Thủy, anh chạy xe máy của em!
Tất cả vui vẻ với phương án này. Đi đâu? Mọi người lại hỏi. Thủy bảo trưa rồi, mời mọi người đi ăn, cô muốn khao bằng nhuận bút loạt bài “mối tình tay ba”… cho đỡ áy náy. Tôi sởn gai ốc với cách nói trắng trợn của Thủy. Hạnh theo phe tôi liền:
– Ăn như thế ai mà nuốt nổi!
Thủy vẫn nói thoải mái:
– Em đưa Kim với chị Hạnh về. Sau đó gặp anh làm thêm phỏng vấn cho bài về phiên tòa hôm nay.
Hạnh nhún vai:
– Lại bệnh nghề nghiệp! Anh ấy mới ra tù, sao chị không buông tha?
Kim ôm con nhìn Hạnh rồi nhìn Thủy, buồn đến tội nghiệp. Tôi thấy mình cần bày tỏ quan điểm cho nàng bớt lo lắng:
– Tôi về với Kim. Tôi đã hứa trước tòa sẽ lo cho đứa bé đến trưởng thành!
Thủy nhìn tôi châm chọc:
– Chung thủy từng phút, từng giây à? Khiếp!
Hạnh cũng tấn công tôi bằng giọng hờn lẫy:
– Anh sợ mất Kim đến thế ư?
Tôi thở dài mệt mỏi trước cuộc tranh luận bất tận này. Tôi nói nhỏ, đủ để cả ba cùng nghe:
– Tôi với Kim sẽ đi bộ về!
Kim vô tư hỏi lại:
– Về đâu hở anh, em ở nhà chị Hạnh từ hồi xuất viện đến giờ?
Tôi thầm kêu trời!
Nghỉ ngơi được đúng một ngày, hiệu trưởng gọi lên nên tôi đoán sẽ bị buộc thôi việc, trả lại nhà ở khu tập thể giáo viên. Hiệu trưởng vui vẻ đón tôi ở văn phòng, ông bảo:
– Ngày mai cậu lên lớp lại…
Tôi đang mừng rơn, ông tiếp:
– Đó là lệnh từ một vị lãnh đạo. Tôi nghĩ cậu nên cảm ơn ông ấy. Đến lúc bảy, tám giờ tối là tiện nhất, cậu biết địa chỉ rồi chứ?
… Tôi đứng trước hai cánh cổng sắt của căn biệt thự hồi hộp với ngón tay bấm chuông. Ra mở cổng là một cô gái, tôi ngờ ngợ rồi suýt rú lên vì kinh ngạc khi nhận ra Bích Thủy. Phòng khách rộng mênh mông với hai bộ salon gỗ quý bề thế, chạm trổ như những ngai vua, được đặt nối nhau trên thảm đỏ. Trên tường treo đầy các đầu hổ, đầu trâu rừng, bò tót, sơn dương… Bích Thủy mặc váy hoa tha thướt, trông duyên dáng nữ tính hơn so với lúc cô hoạt động báo chí. Thấy tôi nhìn mãi lên tường, cô cười giải thích:
– Căn biệt thự này của một ông tướng Sài Gòn cũ. Lúc tiếp quản, cấp cho ba em nó đã như vầy. Ba em giữ nguyên luôn.
Tôi thấy nhỏ bé giữa phòng khách quyền uy, ngượng ngùng, xấu hổ với Thủy trước cặp rượu bèo bọt mang theo làm quà biếu vị lãnh đạo. Hiểu ý tôi, Thủy chu môi đùa cho bớt căng thẳng:
– Anh đem rượu tới, muốn em say cùng anh à? Uống lại em không?
Tôi càng ngượng, cúi đầu lí nhí:
– Tôi không biết Thủy ở nhà này… định đến để cảm ơn…
Vị lãnh đạo bước ra phòng khách trong bộ đồ nỉ ấm áp màu xám. Tôi thấy ông trên báo chí, truyền hình rất nhiều nhưng giờ mới nhận ra Thủy giống ông y đúc. Ông bắt tay tôi rồi ngồi xuống ghế đối diện. Tôi đang còn ấp úng chưa biết mở lời thế nào, ông lại tỏ ra thân mật:
– Con là bạn thân của Thủy lại hay giúp đỡ Thủy, vậy là con cháu trong nhà, đừng khách khí! Công việc đó có làm con hài lòng không? Có muốn làm thư ký cho bác không? Làm thời gian rồi bác xếp việc cho…
Tôi kinh ngạc nhìn Thủy – người tôi mới gặp chỉ hai chục phút ở sân tòa hai hôm trước, gặp trong trạng thái chưa hài lòng về nhau… Thủy nháy mắt với tôi, cười kín đáo. Rõ ràng Thủy đã đạo diễn mọi chuyện vì tinh nghịch, vì thông cảm hay vì muốn tôi phải chịu ơn? Nhưng ở hoàn cảnh này, tôi còn biết làm gì. Tôi thưa với ba Thủy:
– Con cảm ơn bác, được trở về trường cũ là con rất mừng, rất biết ơn bác đã giúp con. Còn làm việc khác con không có chuyên môn, năng lực, không dám nhận đâu ạ!
Ông đứng lên bắt tay tôi, nói giọng Nam bộ rặt:
– Tùy con, lúc nào khó khăn cứ nói bác biết. Ngồi chơi với Thủy đi, bác có công việc…
Ông dành cho tôi được năm phút, năm phút đủ để một thầy giáo quèn thành quan nhân. Nhưng tôi không vồ vập với cơ hội đó, tôi chỉ thấy khó xử với Thủy. Nói thêm vài câu bâng quơ, tôi ra về. Thủy tiễn tôi ra cổng, lúc ngang qua khoảng sân thiếu ánh đèn, Thủy bất ngờ chồm lên hôn má tôi. Tôi sợ điếng người vì biết có thể ba mẹ Thủy đang nhìn ra cửa sổ. Tôi giữ tay Thủy hỏi mà muốn khóc:
– Sao Thủy làm vậy? Tôi lận đận, khổ sở thế này cũng vì một nụ hôn đùa nghịch của Kim tám năm trước, Thủy có biết không?
Thủy ôm chặt hông tôi:
– Biết, nên em mới yêu anh…
– Tôi còn nợ Kim…
– Anh lo cho cô ấy nhiều rồi. Ngày xưa cô ấy khinh khi, đùa giỡn chứ đâu có yêu anh. Việc gì anh phải hy sinh đời mình cho người như vậy…
– Nhưng giờ cô ấy khổ quá, còn biết trông vào đâu?
– Anh ngây thơ vừa thôi, ba mẹ cô ấy là đại gia. Kim là con một, trước sau gì gia tài đó cũng là của cô ấy. Anh mà quyết liệt đến với Kim là mang tiếng đào mỏ đấy!
Tôi lặng đi trước câu nói thẳng thừng tàn nhẫn của Thủy. Đẩy Thủy ra, tôi bước nhanh về phía cổng. Được mấy bước, nghe Thủy khóc nấc lên, tôi lại không đành lòng, lại rối bời khi nghĩ đến những gì Thủy đã làm cho mình… Đêm đó sương xuống lạnh, tôi cởi áo khoác choàng cho Thủy. Chúng tôi ngồi ở ghế đá trước hồ kiểng; trăng dưới hồ sóng sánh theo gió lạnh…
Tám năm rồi tôi mới gặp lại ông bà chủ cũ của mình. Họ già đi nhanh quá, chắc là vì buồn Kim. Họ đọc báo, hiểu hết mọi chuyện và đánh ô tô lên nhà B.S Hạnh tìm con gái với cháu ngoại. Trước lúc lên xe theo ba má xuôi đèo Prenn về Đức Trọng, Kim lại khóc, hôn lên má tôi, trách:
– Anh dám rửa chân cho em mà chẳng bao giờ dám hôn em…
Tôi lấy mùi xoa lau nước mắt cho Kim:
– Về đi “tiểu thư bắp nướng”, mỗi tháng anh lại mang tiền chu cấp cho con em như tòa đã tuyên.
Kim ngước đôi mắt to, lắc đầu:
– Em chẳng cần tiền, chỉ cần anh!
Hạnh nhìn tôi, nhìn Kim rồi cau có quay đi
Ba Kim ôm vai tôi, giọng nghẹn ngào:
– Kim khổ nhiều rồi, cháu thương nó với, hai bác mang ơn cháu!
Tôi thở dài, biết nói sao cho mọi người hiểu là tôi thương cả Kim lẫn Hạnh với Thủy, thương những ai thương tôi, thương những người đang cần tình thương! Tôi không muốn chọn một người để những người khác phải khổ - tôi khổ vì sợ người khác khổ!.
3/8/2024
Lại Văn Long
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...