Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Hờ Piếc - Truyện ngắn của Lý Thị Thủy

Hờ Piếc - Truyện ngắn
của Lý Thị Thủy

Hờ Piếc ngồi cúi mặt, hồi hộp và lo âu, thầy Hiệu trưởng đang đọc bản thông báo của sở giáo dục về vấn đề phát triển nguồn nhân lực cán bộ người dân tộc thiểu số. Thầy bảo đây cũng là chủ trương của tỉnh Phú Yên mình, theo thông báo này nhà trường sẽ chọn một giáo viên người dân tộc thiểu số đi học lớp cán bộ quản lý tại thành phố Tuy Hòa trong vòng sáu tháng tới.
Nhà văn Lý Thị Thủy còn có bút danh Mộc Miên, người dân tộc Nùng, hiện là giáo viên Trường PTDT nội trú tỉnh Phú Yên. “Hờ Piếc” là truyện ngắn của Lý Thị Thủy vừa được trao Giải nhất Cuộc thi Sáng tác tác phẩm Văn học nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1.7.1989 – 1.7.2024)
Hờ Piếc chẳng bao giờ dám nghĩ mình có thể được đi học mấy cái xuất học tập kiểu này. Nhưng nay thì cái công văn thầy hiệu trưởng vừa nhắc đến là đang hướng về Hờ Piếc, cả trường này có mỗi mình cô là người dân tộc thiểu số chứ còn ai vào đây nữa. Chỉ mình cô có cái tên Hờ Piếc, cái tên mà vị già làng đã ưu ái đặt cho cô. Cái tên mang không khí, mang tín hiệu đầu tiên của người đồng bào thiểu số. Đấy, rõ ràng chỉ mình cô thôi chứ có thể ai còn đáp ứng được yêu cầu là người dân tộc thiểu số nữa.
Thế nhưng Hờ Piếc vẫn cứ hồi hộp lo vì sợ mình sẽ không được đi. Biết đâu cô vẫn chưa đủ tiêu chuẩn, là giáo viên mới ra trường chưa đầy năm năm chẳng hạn, trẻ quá, để từ từ đã, dù năm năm đó cô đã có không ít những thành tích thì cũng vẫn còn quá trẻ. Cái sự lo lắng khiến cô cảm thấy thời gian như dãn ra, dài vô tận. Cô nhắm mắt lại hòng xua đi cái suy nghĩ mình sẽ thất bại thì hình ảnh của anh Toàn dạy thể dục với cái miệng mà nguyên cả hàm răng bất kể lúc nào cũng chĩa về phía trước hiện lên rõ rệt trong đầu cô. Cứ với cái bộ răng ấy, anh ta chĩa vào cô những câu nói mà nghe một lần cũng chẳng thể nào quên mỗi khi cô cố gắng hoàn thành tốt một việc gì đó kiểu:
– Đàn bà mà sao hăng phấn đấu thế, mộng làm sếp à?
– Ôi, em chỉ muốn làm tốt công việc mình được giao để khỏi bị khiển trách thôi ạ.
– Vừa thôi, giỏi việc nước thì sao đảm việc nhà cho được. Anh không hiểu nổi đàn bà các cô, tham vọng gì lắm thế? Chồng con yên ấm, đi làm tèng tèng rồi về chăm lo cho chồng con, nhà yên cửa ấm là được rồi! Tham lắm có ngày mất chồng.
Rồi chị Ly dạy toán nữa, chị xinh đẹp có cái eo con kiến và đôi mắt lúng liếng biết cười. Chị là một hình mẫu của phụ nữ đảm việc nhà đúng như mọi người trong trường vẫn dùng câu ca dao để khen chị “Đàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con” và chị luôn cười tít mắt khi nghe được lời khen như thế. Chồng cùng cơ quan, cùng dạy một môn nên giáo án chồng thiết kế, chồng soạn rồi chồng in cho, chỉ việc theo đó mà dạy. Bài vở học sinh có khi chồng cũng chấm cho và vào điểm cho nốt. Chị đảm việc nhà và sướng việc trường nên thấy Hờ Piếc, chị bỏ nhỏ: “Việc nước là việc của đàn ông, để các ông vùng vẫy, mình an phận và được chồng yêu thương là được. Đàn bà nhiều tham vọng thì phải đi nhiều, giao tiếp nhiều, chồng nào chịu nổi, rồi không khéo mình còn đâm hư. Mà nếu chồng không vùng vẫy được thì càng không nên giỏi quá, vợ giỏi quá mấy ông tự ái cũng dễ sinh chuyện lắm à!”. Hay gương mặt đầy tàn nhang với cái thân hình mũm mĩm của chị Mai dạy địa lúc nào cũng cong cớn lên khi bình phẩm về người khác mà Hờ Piếc tình cờ chứng kiến “Ui dào quy hoạch cán bộ nữ hả chị, trường mình bao nhiêu chị em, em thấy chẳng ai hơn ai, mà đàn bà mơ làm sếp chi cho rách việc, cứ để cho mấy ông đàn ông làm lại hóa hay”. Câu chuyện được dừng lại khi Hờ Piếc xuất hiện nhưng chừng đấy thông tin cứ ám ảnh cô mãi, cho đến lúc này.
– Chúng ta có năm đồng chí nằm trong diện quy hoạch cán bộ nguồn, giờ hội đồng chọn ra một trong số năm người này để đi học lớp cán bộ quản lý sắp tới. Nhưng theo công văn này tôi thấy có cô Hờ Piếc đủ điều kiện, nếu không có người đồng bào dân tộc thiểu số thì mới lựa chọn đến các thầy cô người Kinh, các thầy cô thấy sao? – Tiếng thầy hiệu trưởng nhấn mạnh đưa Hờ Piếc rời dòng suy nghĩ của mình, về với thực tại – Các đồng chí có đề xuất gì không?
Thế rồi cái tên Hờ Piếc cùng với bốn người nữa được xướng lên với những cánh tay rồi những ý kiến chọn người này hay người khác. Cô lại cúi đầu và im lặng.
Cả phòng họp nhao nhao với những bàn luận, người này thế này, thành tích thế này, người kia thế kia, thành tích thế kia, có nhất thiết phải là người dân tộc thiểu số không?… Mỗi người một ưu thế, mỗi người có một số người ủng hộ riêng, cứ thế mà so đo chọn lựa, nhưng Hờ Piếc vẫn thấy tên các thầy được xướng lên.
Thầy hiệu phó lên tiếng: – Cô Hoa năm ngoái được cử đi học nhưng do tuổi đã cao nên cô xin thôi không học nữa nên giờ cũng thôi vậy. Ta còn lại bốn đồng chí. Tôi xét thấy trong hai năm qua về mặt thành tích của cô Hờ Piếc có nổi trội hơn, nên để cho cô Hờ Piếc đi là hợp lý.
– Còn thầy Đại nữa, cũng đâu có kém, thậm chí thầy Đại còn có quá trình công tác lâu hơn. –Một chị phía cuối phòng lên tiếng. Hờ Piếc nghe mà thấy mình như muốn ngộp thở, mình không được chọn rồi.
Thầy hiệu trưởng ôn tồn:
– Chương trình học này hàng năm đều có, ai chưa đi học thì sang năm sẽ đi, giờ để một người đi đã. Chủ trương của nhà nước ta bây giờ là phải ưu tiên cho nữ vì tiêu chí bình đẳng giới, đặc biệt là nữ người dân tộc thiểu số. Trường ta lại chưa có nữ trong ban lãnh đạo nên trong trường hợp này nếu nam và nữ ngang nhau thì ta cần ưu tiên cho nữ.
– Ôi, nữ lại sức khỏe, lại đi lại khó khăn, lại sinh nở như cô Phương năm ngoái ấy, cử đi học lớp cao học, học có nổi đâu, ốm về nằm kìa! – Một thầy phản đối.
– Đó là chuyện cô Phương không may, sao cứ vơ vào người đi sau được. Lần này nếu cô Hờ Piếc không hoàn thành nhiệm vụ học tập thì sẽ bị chi bộ, bị nhà trường khiển trách, xếp thi đua, kỉ luật! – Một thầy khác lên tiếng bảo vệ Hờ Piếc. Câu nói khiến cô bất ngờ, thường ngày thầy rất khắt khe với cô, làm gì thầy cũng bảo phải cố gắng hết mình. Cấm không được sơ suất. Thì ra đó cũng là cách thầy giúp đỡ cô. Lòng cô trào dâng sự xúc động và biết ơn thầy sâu sắc, cô cố nén cái tâm tình ấy vào trong không biểu lộ ra ngoài.
– Thật ra cô Hờ Piếc còn thêm một điểm cần được ưu tiên nữa đó là nữ còn trẻ, mà còn là phụ nữ người dân tộc thiểu số nữa. Nên lần này cô ấy đi học là đúng với chính sách của Đảng và Nhà nước đưa ra là tạo cơ hội cho phụ nữ người dân tộc thiểu số cơ hội học tập và phát triển trong chiến lược thực hiện luật bình đẳng giới và tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số.- Thầy hiệu phó nữa tiếp lời.
Ý kiến được chốt lại bằng cách giơ tay biểu quyết, Hờ Piếc không tin vào mắt mình, cô được tập thể tán đồng nhiều nhất. Cô được đi học. Cô sẽ tranh thủ luôn thời gian học này, vào ban đêm ôn lại ngoại ngữ để tiếp tục thi cao học. Tiếp tục với ước mơ mà vì hai đứa con nhỏ lần lượt chào đời nên cô đã gác lại bấy lâu. Bây giờ là lúc cô bắt đầu lại với những gì mình từng ao ước. Hôm ấy, cô thấy con đường từ cơ quan về nhà đẹp hơn bao giờ hết, con đường đang trải ra trước mắt cô bao nhiêu dự định tốt đẹp.
Cũng con đường này, ngày xưa, Hờ Piếc đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn để đi tìm con chữ. Con đường đi học dễ hơn và sáng hơn con đường lên rẫy. Hờ Piếc biết điều đó rất rõ lúc cô lên lớp 8. Ngày ấy, Hờ Piếc phải lên rẫy phụ mẹ trỉa bắp, trỉa lúa, trồng mía, trồng bông, hay phụ ba làm than, đốn củi. Chao ôi là nhọc nhằn. Chao ôi là vất vả. Có lần mẹ ốm, ngoài giờ học, Hờ Piếc lên rừng thay mẹ giúp ba làm than. Cây đã đốn xong, cắt thành từng khúc. Hầm than cũng đã đào xong, hai cha con chỉ việc lăn cây xuống, xếp cho ngay ngắn để vùi mà đốt lò. Hờ Piếc nhỏ bé, khó nhọc dùng đòn bẩy, bẩy từng khúc cây cho lăn xuống hầm. Khi khúc cây lăn gần tới miệng hầm thì vướng phải một cục đá nhỏ và dừng lại. Hờ Piếc nghĩ chắc chỉ cần đạp nhẹ nó sẽ lăn xuống thôi. Cô vứt cây đòn bẩy sang một bên. Đứng đạp mạnh khúc gỗ tươi. Trượt chân, cô ngã nhào xuống hầm, khúc gỗ rơi theo, suýt nữa thì khúc cây rõ to đã rơi trúng người cô. Ba cô hốt hoảng, nhảy xuống đỡ cô con gái ngồi dậy hỏi han con có đau ở đâu không. Hờ Piếc ngồi im, lắc đầu, chực khóc òa. Nhưng có cái gì đó trỗi dậy trong cô, khiến cô như nghẹt thở, đau đớn, không khóc được. Cô nghĩ, sao khúc cây đó lại tránh cô. Sao không rơi trúng cô để cô không phải nghèo khổ nữa. Cô chỉ đau một lần thôi, là chấm hết. Cái hầm này, sẵn đất bên trên lấp luôn đời cô cho rồi. Khổ quá. Sống sao mà sống khổ thế. Cô muốn khóc mà không khóc được. Ba bế cô đưa lên miệng hầm than, bảo cô ngồi nghỉ chờ ba làm xong thì cha con cùng về.
Hờ Piếc ngồi đấy, nhìn ba, tự nhiên lại thấy mình vừa rất may mắn. Cô tự trách bản thân, sao mình có thể nghĩ dại như ban nãy nhỉ. Nếu khúc cây kia rơi trúng mình, thì ba sẽ phải sống làm sao, còn mẹ và ba đứa em ở nhà nữa. Không được, đã vậy mình phải sống, phải cố gắng giúp ba. Phải học giỏi, phải làm gì đó, không thể làm than mãi được. Không thể phá rừng mãi được. Ai ai cũng phá rừng làm than như mình thì mai này còn rừng đâu để mà phá. Phá rừng cũng có sướng gì đâu, mình vừa suýt chết đấy thôi. Ông bà bảo ăn của rừng rưng rưng nước mắt là thật chứ không đùa. Mình phải làm gì đó, trước tiên là giúp ba. Cô tự nhủ thế và cô không ngồi đó nữa, lại cố gắng hì hụi giúp ba cho nhanh xong việc để được về nhà. Cái chuyện chết hụt đó khiến cho Piếc chăm lên rẫy hơn để có cơ hội được đi trên con đường đến trường nhiều hơn. Mỗi khi đi bộ lên rẫy trong gùi là cơm nắm, cá khô, Hờ Piếc vừa đi vừa học bài cho thuộc, khi về, cái gùi trên vai chả bao giờ trống mà luôn nặng trĩu nào củi nào những thứ lá rừng có thể nấu ăn được, nhất là những thứ rau để về nhà nấu món canh bồi – món ăn mà những người Ê- đê như Hờ Piếc vẫn yêu thích.
Những thức quà từ rừng xanh giúp bàn chân của Hờ Piếc thêm vững bước đi tìm con chữ. Năm Hờ Piếc học lớp 10, ba ốm, cái nắng cứ như từ khắp gầm trời này dồn lại như chỉ để đổ xuống quê hương của Hờ Piếc. Đất đồi khô rang, từng đám lúa non chưa kịp trổ bông, lá đã co quắp lại, vàng úa, chết từng bãi. Mùa màng thất thu. Mía thì nhà máy chẳng mua, người ta chẳng buồn chặt. Đốt từng bãi, khói bay nghi ngút mang theo niềm hi vọng ấm no của buôn làng về với trời xanh. Hờ Piếc thấy ba lầm lũi, ít nói hơn. Mẹ nhìn chị em Hờ Piếc thờ thẫn. Chị em Hờ Piếc không đứa nào dám xin tiền mua bút dù bút đã hết mực vì sợ mẹ khóc. Cô bác hàng xóm khuyên mẹ cho Hờ Piếc và đứa em kề nghỉ học vì con gái là con người ta, học chi nhiều. Cũng đâu đến lượt mình làm quan, nên để chúng ở nhà giúp ba mẹ kiếm tiền nuôi em. Nhưng nhìn bốn đứa con chăm chỉ thế người mẹ đồng bào lại không nỡ. Cứ thế, rau cháo qua ngày, chị em Hờ Piếc lần lượt vào đại học.
Vì là sinh viên người dân tộc thiểu số nên chị em Hờ Piếc được tỉnh trợ cấp học bổng, ba mẹ Hờ Piếc cũng đỡ vất vả hơn. Hờ Piếc ra trường, được đi dạy liền, lại phụ ba mẹ lo cho các em ăn học. Rồi Hờ Piếc lấy chồng, sinh con. Bây giờ Hờ Piếc không phải lên rẫy nữa mà chỉ chuyên tâm cho việc dạy học, truyền cái lửa quyết tâm cố gắng đi tìm con chữ của mình đến với các học trò, nhất là học trò người dân tộc thiểu số như Hờ Piếc. Con đường từ nhà đến ngôi trường ngày xưa Piếc học còn là đường đất, mùa mưa nhão nhoẹt, trơn trợt, mùa nắng bụi bay mù mịt thì giờ đây đã trải nhựa phẳng lì sạch đẹp trải dài tít tắp hai bên đường được người dân trồng hoa giấy nở thắm cả bốn mùa. Ngôi trường ngày xưa Hờ Piếc đi học là nhà cấp bốn sập sệ giờ đã là ngôi trường ba tầng khang trang, đầy đủ trang thiết bị và Hờ Piếc là cô giáo ở đấy. Quê hương của Hờ Piếc hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt, mà rõ nhất đó là con đường này. Hờ Piếc cảm thấy yêu và tự hào biết bao. Càng tự hào Hờ Piếc lại càng dặn lòng mình phải cố gắng hơn nữa vậy. Nhưng còn bao nhiêu vất vả phía trước. Hờ Piếc biết rõ điều đó.
Bước chân vào nhà, mệt oài, muốn một cốc nước, muốn gieo mình xuống giường làm một giấc nhưng chẳng thể được, còn nấu nướng, còn chăm con, còn dọn dẹp nhà cửa. Lại bắt đầu điệp khúc quăng cặp lên bàn và bắt đầu quay cuồng với mớ công việc không tên nhưng dài gần như vô tận ấy. Đến khi con đã ngủ say, có thể trở lại với cái cặp trên bàn thì lúc ấy đồng hồ đã điểm chín hoặc mười giờ đêm. Nhiều lúc Hờ Piếc thấy mình phải chịu nhiều bất công và cô ganh tị với chồng ra mặt, với vai trò là cán bộ tư pháp của xã, anh làm tám tiếng ở cơ quan xong về là rảnh rỗi. Cô đâu được thế. Về nhà còn khối việc về theo nào giáo án, nào chấm điểm, nào sổ sách, những việc ấy anh không thể giúp. Anh không biết để giúp. Anh càng không giúp làm việc nhà – những việc anh cho là việc của đàn bà. Thế nhưng, ngược lại cô phải giúp anh làm việc, những công việc liên quan đến công nghệ thông tin, đến soạn thảo văn bản, kế hoạch, báo cáo, khó một tí là đến tay cô làm giúp anh. Việc chồng việc, từ việc nước đến việc nhà, từ việc cơ quan đến việc họ hàng, việc làng việc xóm đến việc bếp núc khiến Hờ Piếc bận bịu suốt ngày, chẳng còn thời gian mà chăm chút bản thân.
Cô không hiểu cái bếp có mối thâm thù truyền kiếp hay nhân duyên gì với đàn bà mà nó cứ đeo bám đàn bà mãi từ kiếp này sang kiếp khác thế. Đàn bà là vào bếp, luật bất thành văn rồi, luật truyền đời, chẳng biết từ đời nào nhân gian đã ban ra cái luật ấy để đến giờ đây, đã có nguyên một mớ lý luận rất chặt chẽ để bảo vệ cho mối quan hệ giữa đàn bà và cái bếp như chẳng thể tách rời kiểu: nào là đàn bà xó bếp, là nội tướng, đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm,… Ôi, ra ngoài đàn bà chúng tôi cũng có thể thành tướng, cũng có thể xung trận lập chiến công vậy, chúng tôi cũng có thể “xây nhà” vậy! – Hờ Piếc nghĩ thế. Tự nhiên cô thấy oán kiếp đàn bà ghê gớm, cô từng lẩm bẩm, nếu kiếp sau được chuyển thành kiếp chó thì chắc chắn cô cũng cố gắng tu để được làm con chó đực. Làm giống cái khổ quá!
Chẳng biết khi nào thì hết kiếp, mà Hờ Piếc cũng không chắc chắn được nếu hết kiếp thì cô có phải chuyển sang kiếp chó hay không. Và nếu cô biết bị chuyển sang kiếp chó thì cô có thể có cơ hội được tu để được làm con chó đực không nữa. Không lẽ kiếp trước cô đã vụng đường tu để giờ cô phải mang kiếp đàn bà và gắn với bếp núc. Để giờ đây cô khổ thế! Không được, nhất định không thể mãi thế này được, cô phải tìm cách thay đổi cuộc sống của mình. Cô sẽ giúp cho những kiếp đàn bà xung quanh cô thấy rằng phụ nữ như cô có đủ khả năng để khẳng định mình và xứng đáng được hưởng những gì mà các đấng mày râu xưa nay vẫn cho rằng đó là quyền độc tôn của phái mạnh.
– Làm sao hôm qua anh về nhà được nhỉ? Chồng Hờ Piếc vừa nói vừa chui ra khỏi chăn.
– Anh thật sự không nhớ gì à?
– Không, à như thằng Tài nó đưa anh về thì phải.
– Ôi, làm sao anh nhớ được cái cảnh cô giật mình khi nghe giọng lè nhè : “Vợ ơ..i…! Anh…v…ề..!” nhỉ? Chồng với chả con, suốt ngày nhậu nhẹt. Cô đã mở cửa đón chồng, rồi cái thân cao lực lưỡng như đổ ập lên vai khiến cô muốn ngã khuỵu. Phải khó khăn lắm mới dìu anh vào phòng được. Anh gieo mình xuống giường và chẳng biết gì đến xung quanh nữa. – Anh làm sao nhớ được! – Hờ Piếc cố gắng dịu giọng – Anh về được là may rồi. Mà anh nhậu ít thôi, còn sức khỏe rồi còn tranh thủ giúp em chăm con và nhà cửa nữa chứ. Với lại anh nhậu cỡ này, tiền nào chịu nổi. Mình để dành tiền còn làm nhiều thứ nữa đó anh.
– Lại tiền, tiền, tiền! Với cô chỉ có tiền thôi sao? Được rồi, tôi biết rồi, lương tôi ít, ba cọc ba đồng, không bằng cô, được chưa? Cô giỏi hơn tôi, việc gì cô cũng biết, cô có bằng đại học, hơn hẳn thằng bậc trung cấp, nhân viên quèn của tôi, được chưa? Bao nhiêu thằng hơn tôi đấy, đi mà lấy nó đi! – Anh trừng mắt về phía vợ và giọng ngày càng to.
– Em đâu có ý vậy, em chỉ muốn anh giúp em bớt việc nhà thôi.
– Không có ý, cái mặt của cô, ánh mắt của cô đang phản bội cô kìa! Anh hét lên.
Hờ Piếc uất nghẹn, đó là điệp khúc của anh khi cô muốn khuyên anh điều gì đó. Cái tự ái của người đàn ông thua vợ về học thức, về thu nhập khiến anh cáu bẳn. Anh bù vào sự thiếu hụt so với vợ đó bằng cách ngày càng gia trưởng. Chỉ việc sai khiến và vợ cứ phải vui vẻ phục tùng cấm ý kiến. Anh chỉ mong sao cô ngu bớt đi, cô thất bại trong công việc đi, cô cứ thua kém anh đi. Như vậy mới tốt. Anh chẳng thể nghĩ rằng cần phải phấn đấu cho bằng vợ. Anh khó chịu khi nghe ai đó khen vợ mình. Anh càng khó chịu hơn khi vợ gặp những người khác giới có quyền có địa vị vì công việc. Cô chỉ còn cách về nhà thì giả ngu bớt, không nói chuyện cơ quan, không nói chuyện xã hội, không nói chuyện chuyên môn, không nói chuyện tiền bạc. Để rồi, giờ đây gần như cô chẳng còn chuyện gì để nói với anh nữa, không thể nói chuyện với anh được. Cái ý định khoe với chồng chuyện mình được đi học bỗng dưng tắt ngấm. Thôi thì lựa lần khác vui vẻ hơn mà thông báo vậy- cô tự nhủ.
Bật tivi xem, bộ phim về một người phụ nữ với hai cậu con trai vò võ trong căn nhà rộng thênh thang của mình. Tấm bằng thạc sĩ của người phụ nữ ấy được trả giá bằng sự thông minh, giỏi giang và cả những lần cáu bẳn của người chồng về sự tự ti mặc cảm vì thua vợ. Chức trưởng phòng của cô được đánh đổi bằng những cơn ghen vì cô phải vùi đầu vào công việc, phải họp hành phải tiếp khách. Chức phó giám đốc sở tài nguyên môi trường được đổi bằng tờ chứng nhận ly hôn sau những lời chì chiết, miệt thị và cả những trận đòn nữa vì cái tội dám giỏi hơn chồng, dám nổi bật hơn chồng. Người đàn ông của cô từ bỏ cô để đến với một người đàn bà bán hàng vải ngoài chợ huyện. Rồi cô ngồi vào ghế giám đốc sở tài nguyên và môi trường để rồi gồng mình lên mà làm tròn nhiệm vụ vừa làm mẹ vừa làm cha của hai đứa con. Vẫn làm việc vẫn cống hiến và thăng tiến nhưng cô thực sự cô đơn.
Hờ Piếc chợt rùng mình, có khi nào mình cũng chia tay giống như trong phim? Không thể nào, mình đâu thể tiến xa như cô ấy. Thôi nào, đó chỉ là phim thôi. Nếu có thì mình cũng muốn tổ ấm của mình luôn bình an trước đã. Mình phải làm sao để anh thay đổi để giúp mình thực hiện những gì mình mơ ước. Hờ Piếc tự nhủ như thế. Cô tin vào những chính sách rất nhân văn của tỉnh là tạo điều kiện cho những người đồng bào dân tộc thiểu số như cô có được cơ hội để học tập và phát triển bản thân. Không chỉ một mình cô, rất nhiều, rất nhiều người phụ nữ đồng bào như cô được học tập như thế sẽ trở về góp phần xây dựng, phát triển, làm đẹp thêm cho buôn làng mình. Ngày xưa đói nghèo, biết bao khó khăn, mình còn vững bước đi tìm con chữ được thì sao bây giờ lại không?
– Cô ấy bị suy thận giai đoạn II, tôi thông báo để cho anh biết mà chuẩn bị tinh thần và có chế độ điều trị kịp thời vì từ giai đoạn II chuyển sang giai đoạn III và IV rất nhanh nếu không có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống và điều trị phù hợp. – Bác sĩ vừa khám cho Hờ Piếc thông báo mà chồng cô há hốc miệng như không tin vào tai mình – Anh lắp bắp – Vợ tôi vẫn khỏe mà. Cô ấy chỉ nói chỉ hơi mệt và choáng, chắc do làm việc quá nhiều thôi.
– Mệt mỏi đó cũng là một trong số những triệu chứng của suy thận, từ nay cô phải bớt việc nhà đi. Việc cơ quan chẳng đừng được thì cũng vừa sức thôi, việc nhà thì nên tránh bớt, để nghỉ ngơi. Sức khỏe là vàng đấy. Thuốc đây về cứ uống theo toa tôi đã kê. Nhớ uống đúng giờ, đúng liều. Anh bác sĩ chìa bọc thuốc về phía Hờ Piếc.
Chồng Hờ Piếc như trầm tính hẳn, chẳng còn quát tháo, cứ từ cơ quan về là vùi vào việc nhà. Như thể cố gắng bù đắp cho cô mọi thứ khi còn kịp. Anh chẳng còn bù khú với bạn như trước nữa, anh tự học làm những việc xưa nay cô vẫn làm cho anh kiểu “Em cứ yên tâm mà dưỡng bệnh, anh sẽ làm thật tốt, em không phải lo lắng gì cả”. Căn bếp bỗng rộn ràng, ấm cúng hơn mỗi khi anh về. Anh cho cô học lớp quản lý mà còn trách khéo rằng thích được đi học mà lại giấu anh, không cho anh biết rằng cô được cử đi. Cô dặn anh khoan cho mọi người biết, con cái và ông bà sẽ lo lắng và cả cơ quan cũng vậy. Hờ Piếc vẫn uống thuốc đều đặn, được chồng lo lắng, nên ngày càng khỏe hơn, đôi lúc còn thấy mình xinh đẹp ra nhiều nữa. Rồi anh chở cô đi khám. Được nhận cái gật đầu của bác sĩ rằng thật kì diệu, bệnh đã giảm hẳn, cô đang khá lên. Mọi người xung quanh từ người thân đến hàng xóm, đến đồng nghiệp đều tròn mắt trước sự thay đổi của anh. Mỗi lần hai vợ chồng cùng xuống phố để anh học lớp đại học tại chức và cô học lớp quản lý cán bộ, anh lại ngoái về sau hỏi nhỏ: “Có lạnh không em!”. Anh kéo tay cô vòng qua eo của mình, dù trời se lạnh nhưng cô nghe lòng mình thật ấm áp, rồi nhận ra nước mắt mình đã rơi tự lúc nào chẳng biết.
– Một năm qua anh bạn của tôi chăm vợ giỏi thật, không những vợ hết bệnh mà còn giúp vợ lên chức phó hiệu trưởng nữa chứ! Bác sĩ thông báo kết quả cho vợ chồng Hờ Piếc.
– Vợ tôi khỏi thật rồi hả? – Như muốn reo lên, chồng Hờ Piếc hỏi dồn.
– Ừ, gần như khỏi rồi! Cứ cố gắng làm việc nghỉ ngơi, ăn uống điều độ như thế này thì không lo lắng gì cả. Tiếp khách cũng vừa phải, tránh rượu bia quá chén nhé! Cả anh nữa, cùng đừng vui quá mà chè chén cho nhiều, không chừng lại bệnh nhiều hơn vợ đấy.
Chỉ cần nghe đến đấy, anh cảm ơn bác sĩ rối rít. Lâu lắm rồi mới thấy anh vui vẻ, hạnh phúc như vậy. Niềm hạnh phúc trong sự tự tin trước vợ, thực sự là chỗ dựa vững chãi cho vợ. Ngồi sau xe anh, Hờ Piếc mân mê vỉ thuốc mà bác sĩ vừa đưa, cô mỉm cười hạnh phúc. Cảm ơn những viên thuốc bổ đã giúp cô khỏe hơn và giúp chồng cô thay đổi nếp nghĩ về phụ nữ của mình. Cô thầm cảm ơn anh bạn bác sĩ đã nghĩ ra căn bệnh để nhờ đó mà chồng cô biết thông cảm và chia sẻ, giúp cô thành công hơn trong cuộc sống. Cô vòng tay ôm lấy người chồng đầy yêu thương của mình  siết nhẹ, nghe đời thật bình yên.
11/8/2024
Lý Thị Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...