Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Còn một bờ vai để tựa

Còn một bờ vai để tựa

Sau chặng đường dài hơn năm trăm cây số, nơi chúng tôi đến là nhà khách Công Đoàn tỉnh. Tôi từng tham gia không biết bao nhiêu trại sáng tác từ Nam ra Bắc, từ cao nguyên cho đến đồng bằng. Vậy mà lần nào cũng cứ như cô dâu mới về nhà chồng, háo hức, lo âu… cảm xúc lần nào cũng mới mẻ tinh khôi.  
Đoàn gồm mười lăm người chỉ có mình tôi là nữ. Cũng không phải là lần đầu tiên. Mặt trận này hình như không dành cho bọn đàn bà, nhất là đàn bà tỉnh lẻ. Cũng có một số ít nhà văn, nhà thơ nữ trong hội. Nhưng những chuyến đi xa nhà, vất vưởng ăn quán xá, ngủ lang chạ như thế này, ít chị em phụ nữ nào được các bậc phụ huynh nhất là các đấng ông chồng cấp phép. Có lẽ vì thế, tôi luôn ở vào tầm ngắm của ban tổ chức khi cần thiết có một người phụ nữ cho mát mẻ không khí trại, bởi dẫu gì, tôi cũng thuộc dạng “tự do vô tổ chức”.
Thành phố nằm bên con sông. Từ trên sân thượng nhìn xuống, quang cảnh buổi chiều phảng phất cái gì đó sắp rồi, sắp xong, sắp tàn…Tôi tuột mấy vòng cầu thang xuống đất chờ cơm chiều.
Tuột xuống tới đất cũng vừa lúc anh trưởng đoàn thông báo tới giờ cơm. Tôi đang giảm cân, nhìn mâm cơm không có lấy một cọng rau xanh, tôi nhăn mặt, anh bạn, nhà thơ Nguyên Tiêu biết ý lụi hụi xuống bếp “ngoại giao” cho tôi được mấy cọng cải đã ngả màu. Lần đầu tiên, tôi biết món cá nâu kho trái giác. Dây giác quê tôi mọc hoang rất nhiều nhưng chủ yếu chỉ để người ta hái lá về nấu nước cho con nít tắm. Thịt cá nâu thơm, ngọt và bùi cộng với vị chua chua của trái giác, hấp dẫn quá, tôi bới liền một lúc hai chén cơm đầy, không nhớ mình đang giảm cân.
Chợ đêm Cà Mau mới chạng vạng đã nhộn nhịp, mặt hàng chủ yếu là giày dép, quần áo, đa số là đồ may sẵn, giá bình dân. Những mặt hàng như thế này không phải là cái gu của tôi. Tôi mua vài thứ về tặng cho các chị em trong xóm. Tặng quà cho người khác là sở thích và niềm vui của tôi. Người nhà quê vốn đơn giản, chỉ cần có vậy là “cô hai nhà thơ tử tế lắm”.
Có người tử tế nào bị chồng bỏ hôn? Tôi đem câu này hỏi Nguyên Tiêu. Nó trả lời không thèm suy nghĩ: “Có! Bà đó!”. Nó chưa dứt tiếng thì có mấy anh trong đoàn gọi đi… lai rai. Tôi trở vô phòng định mở ti vi xem thời sự, tìm hoài không thấy cái rờ mốt, chán quá, lên giường trùm mền nhớ lại câu trả lời của Nguyên Tiêu, tức lộn ruột. Nhưng tự an ủi dẫu sao nó cũng nhìn nhận tôi là người tử tế.
Tôi với Tiêu vốn biết nhau từ hồi còn sinh hoạt chung trong chi đoàn thanh niên xã, cùng học sư phạm, cùng dạy chung trường, cùng sinh hoạt chung trong Hội văn nghệ tỉnh. Cũng có lần tôi và nó tính yêu nhau. Sau, nghĩ lại, tôi  nói với nó: “Tui và ông, cả hai đều mê đắm văn chương, đều ăn trăng, uống gió, hồn gửi chín tầng mây, thân phiêu linh vô định, lấy nhau chắc chắn sẽ… chết đói…”. Nó ừ luôn: “Bà nghĩ cũng phải”. Vậy là thôi, không yêu.
Hết một đêm ở nhà nghỉ Công Đoàn, sáng hôm sau, cô em nhà văn Cà Mau kéo cả đoàn ra đầm Thị Tường. Nước! Chao ôi, mênh mông là nước. Màu nước quyện màu chiều nhuộm tím cả một vùng không gian rộng lớn.Chiếc võ lãi bé xíu chất đầy người trôi đi giữa bao la trời nước trông càng nhỏ nhoi lẽ mọn. “Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu…”: mặt đầm rộng nhưng lòng đầm thì rất cạn. Cho nên trong khi ai nấy tỉnh bơ thì cái mặt tôi lộ rõ nỗi sợ hãi vô biên, cậu em nhà văn chung đoàn bèn lấy iPad ra địa một “bô” làm bằng chứng. Cũng may mà không bao lâu đã tới nơi. Leo lên nhà, cậu em vừa cho tôi xem hình vừa cười ngạo: “Bà chị sợ, cái mặt thấy thương ghê nơi. Có thước nước hà bà ơi!”.
Với những ai đã từng đến Cà Mau thì đầm Thị Tường là một nơi không thể bỏ qua sau chỗ cột mốc số 0 và cái mũi đất địa đầu Tổ Quốc. Nơi chúng tôi đóng quân đêm nay là một căn nhà sàn rộng, nằm giữa bốn bề mênh mông nước. Đập vào mắt tôi là cái vẻ hoang sơ, hữu tình thật quyến rủ mà có lẽ còn rất ít nơi sỡ hữu được sau khi bàn tay con người lạnh lùng giáng những cái tát hả hê vào thiên nhiên. Đêm, Thị Tường càng lung linh mờ ảo trong trăng, trăng mùng mười không đủ vằng vặc sáng, nó phủ một màu vàng phai lên nước khiến mặt đầm như lan xa, như trải rộng, gieo vào lòng tôi nỗi trống trải cô đơn, cũng may mà xa xa rải rác còn hiện rõ những mái nhà sàn lớn bé rực rỡ ánh điện khiến không gian đỡ lạnh lẽo hiu quạnh. Tôi ngồi trên cây cầu dẫn được chấp bằng những nhánh đước cong vênh, thấy mình lắc lư, gập ghềnh, bồng bềnh, lênh đênh… (không biết tả sao cho đúng).
Nguyên Tiêu từ trong nhà bước ra, khệ nệ một bình trà, cái phích nước sôi và hai cái ly nhỏ. Nó đặt xuống trước mặt tôi, không nói không rằng, tự tay pha một bình trà quạu, chậm rãi rót ra ly đưa ngang mặt tôi. Mùi trà thơm rù quến, tôi hớp một ngụm, vị trà ngọt chát lan ra toàn thân. Hèn gì từ sớm tới giờ cứ thấy thiếu thiếu cái gì. Thì ra, bao giờ Nguyên Tiêu cũng là thằng bạn hiểu tôi hơn hết thảy. Dưới trăng, gương mặt ngà say của nó trông ngồ ngộ. Tôi hỏi: “Sao đang nhậu mà bỏ ra đây?”. Nó nhìn tôi đăm đắm: “Vì tui biết giờ này bà đang thèm trà và thèm… tui. Đúng không?”. Ừ! Thì đúng.  Tôi trả lời cho nó vui lòng. Gió trên đầm lộng lộng thổi, giọng Nguyên Tiêu bạt gió đung đưa: “Thấy chưa, tui biết mà”. Nói đoạn, nó buông bình trà xuống, xích lại, đưa vai cho tôi tựa đầu. Ba mươi năm nay, Tiêu vẫn làm như vậy và đều vào đúng lúc tôi cần.
Lần đầu tiên tôi tựa đầu vào vai nó khóc như cha chết vì bị phụ tình là vào năm tôi hai mươi hai tuổi. Bận đó, tôi cho ra đời một tập thơ thất tình vào loại thất điên bát đảo. Vậy là tôi trở thành “nhà thơ”.
Lần thứ hai tôi khóc trên vai Nguyên Tiêu êm ái nhẹ nhàng hơn, đó là buổi tối trước hôm tôi theo chồng. “Có xa xôi gì đâu, cách con sông ngắn hơn một tiếng hú, chống mấy cái là mũi xuồng đụng bờ, khóc cái gì”, nó an ủi tôi. “Ông nói nghe nhẹ hều, từ con gái tui trở thành đàn bà, khoảng cách đó xa lắm, xa không thể quay lại được, ông biết không?”, nói rồi tôi rấm rức khóc, tựa đầu vào vai nó, hai đứa ngồi làm thinh cho đến tàn con trăng mới ai về nhà nấy.
Lần thứ ba, tôi tựa đầu vào vai Nguyên Tiêu là ngày tôi quyết định trở về với thế giới của tôi, thế giới của những cánh diều và bầu trời xanh đầy gió. Tôi trở về thong dong, tự tại, đầy niềm tin và sự mạnh mẽ.
Hôm đó là một buổi chiều mưa, gió ầm ào quăng quật hai hàng cây bên đường trông thật đáng sợ. Mọi người không ai ra phố.
Gió vẫn từng hồi xốc mặt nước chênh chao. Tôi lắng nghe tiếng muỗi vo ve, tìm   âm thanh tiếng sáo trong liên tưởng của người xưa. Phía trong kia, cuộc nhậu đã tàn. Mọi người xếp lớp trên sàn nhà bất kể muỗi mòng, gió mái. Anh Hai chủ nhà cùng hai ông nhà văn già, không biết do chưa đủ đô hay do cái máu nghệ sĩ lãng tử, tiếp tục rủ nhau chống võ lãi ra neo giữa đầm làm tiếp tăng hai cùng với cây đàn guitar phím lõm. Tôi thôi không tựa đầu lên vai Nguyên Tiêu nữa. Bây giờ mới thấy mỏi, nó vươn vai mấy cái, cúi xuống đưa tay khoát nước dưới đầm vỗ vỗ lên mặt. Tôi tỉnh buồn. Tiêu tỉnh rượu. Trăng tàn. Tôi dỗ giấc ngủ muộn màng bằng hơi ấm bờ vai vững chải của Nguyên Tiêu cùng điệu Nam ai vọng về từ tiếng ca của ông bạn nhà văn già trong bữa rượu tàn.
Từ giả đầm Thị Tường vào buổi bình minh, trên đường về, chúng tôi ghé qua U Minh Hạ. Thời gian không cho phép, chúng tôi chỉ được ngắm toàn bộ cảnh rừng từ phía trên cao. Cũng giống như cưỡi ngựa xem hoa, tôi lên tháp canh xem rừng. Vốn sợ độ cao, tôi nhắm mắt lại tựa vào vai Nguyên Tiêu nương theo nó mà lên đỉnh tháp. Chỉ thấy một mảng xanh ngút ngàn hiện ra trước mắt, không cái gì là rõ nét. Có tiếng anh bạn nhiếp ảnh gia ới ngược lên: “Ngó xuống đây, anh chụp cho một bô nè”. Theo phản xạ, tôi nhìn xuống, thế là cảnh vật như cái màn hình bị nhiễu sóng méo mó, dập dềnh, chao đảo, tôi nôn thốc, nôn tháo. Nguyên Tiêu đỡ tôi ngồi tựa đầu vào vai nó, móc trong túi áo ra chai dầu nước xanh thoa hai bên thái dương rồi đưa lên mũi cho tôi ngửi. Hơi dầu cay nồng làm tôi chảy nước mắt nhưng thấy dễ chịu.
Nguyên Tiêu hỏi tôi: “Bà khỏe chưa? Tui dắt bà xuống nghe”. Tôi gật đầu, nhắm mắt lại, tựa vào vai nó, cứ thế từ trên đỉnh tháp canh tuột xuống.  Cách hôm đi trại mấy bữa, khi không nó nhắc lại “Hay mình yêu nhau đi!”. Tôi nói với nó: “Thôi đâu để yên đó đi ông ơi”. Lần đầu tiên tôi thấy mình có một quyết định sáng suốt.  Hổng chừng như vậy mà tôi còn có một bờ vai để tựa.
Xe bắt đầu vào địa phận Bến Tre. Nguyên Tiêu ấn đầu tôi vào vai nó: “Ngủ đi, một giấc là tới nhà”. Tôi nghe lời nó, nhắm mắt lại. Ừ, một giấc là tới nhà.
30/7/2024
Ngô Thị Thu Vân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...