Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Những khuynh hướng phê bình trong nghiên cứu văn học của Võ Quốc Việt

Những khuynh hướng phê bình trong
nghiên cứu văn học của Võ Quốc Việt

Trong nghiên cứu về văn hóa dân tộc, Võ Quốc Việt thể hiện được sự hòa quyện giữa tình yêu quê hương và nỗ lực khai mở nền tảng triết lý dân gian (gồm cả đạo nhà, đạo đời, đạo trời) nhằm  hướng đến nền đạo học dân gian sâu rộng; đồng thời trong nghiên cứu văn học, họ Võ cũng cho thấy ngòi bút của mình rất nhiều màu sắc với nhiều khuynh hướng phê bình đa dạng.
Trên địa hạt này, Võ Quốc Viêt thực chứng nội lực suy tưởng và tinh thần hăng say tham gia sinh hoạt văn học cùng các bạn văn trẻ Nam Bộ đương thời. Ở đó, người đọc có thể tiếp nhận nhiều khuynh hướng phê bình trải dài từ thời kỳ hiện đại đến thời kỳ hậu hiện đại. Và hơn thế, trang nghiên cứu lý luận phê bình của chàng trai đất Rừng Dầu Tân Mỹ tỏ rõ tinh thần liên lý thuyết cởi mở, cập nhật và linh động.
1. Phê bình Ấn tượng (Impressionist Criticism)
Văn chương xưa nay vốn không có những lằn ranh hoàn toàn rạch ròi. Người đọc văn chương vì thế cũng bất khả triệt để rào phên dậu chữ nghĩa. Vì thế, sự đọc văn chương khó tránh khỏi cảm nhận mang dấu ấn cá nhân. Chú trọng cảm thụ cá nhân, phê bình ấn tượng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho sự tiếp nhận tác phẩm văn chương. Theo GS. Nguyễn Văn Trung: “Phê bình ấn tượng là một hướng phê bình không có chủ đích tìm hiểu ý nghĩa giá trị khách quan của tác phẩm, nhưng là bày tỏ những phản ứng chủ quan của người đọc, tác phẩm; người phê bình đi tìm mình trong tác phẩm của người khác nhân đọc tác phẩm của người khác, bày tỏ những thắc mắc, bận tâm, những yêu thích của chính mình như Anatole de France đã nói: “nhà phê bình giỏi là người kể lể những cuộc phiêu lưu của lòng mình qua các tuyệt phẩm”[1]. Như cuộc phiêu lưu chữ nghĩa, chàng trai họ Võ đã dấn thân hết mình vào “sinh giới” của văn bản văn học. Ở thời kỳ khởi sự cầm bút, Võ Quốc Việt cho thấy lối phê bình ấn tượng nhiệt huyết và chân thành qua các trường hợp như Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Dương Nghiễm Mậu, Trùng Dương, Nhất Hạnh, … Ngay từ đầu, nhà nghiên cứu trẻ đã bộc lộ dự phóng chữ nghĩa đáng kể với khả năng cảm nhận và liên tưởng phong phú, bất ngờ – nhiều bất ngờ lý thú.
Dõi theo trang viết của Võ Quốc Việt, người đọc phát hiện cuộc phiêu lưu “ấn tượng” của chàng trai họ Võ; nhưng sau khi suy ngẫm, người đọc khó có thể hoàn toàn nhận rằng Võ Quốc Việt biểu thị lối phê bình ấn tượng trọn vẹn. Bởi “phê bình ấn tượng đưa đến thái độ thưởng ngoạn, người đọc chỉ muốn tạo được những cảm giác khoan khoái về tinh thần hay về thẩm mỹ khi tiếp xúc với tác phẩm”[2]. Tâm thế thưởng ngoạn của nhà phê bình, cảm giác khoan khoái trong cuộc tương ngộ với tác phẩm, hai phương diện này có lẽ không hoàn toàn trùng khít với trang viết của Võ Quốc Việt. Thay vì tâm thế thưởng ngoạn, người đọc thấy một tâm hồn trẻ cùng “lên bờ xuống ruộng” với tâm thức của trang văn. Thay vì niềm khoan khoái, bạn thấm ngấm mối sầu u uẩn, nỗi suy tư, cuộc truy vấn khôn nguôi của nhà phê bình, tưởng như đã nhập đồng chủ thể sáng tạo.
“Hỡi những kẻ quanh đi quẩn lại trên cuộc thế, vầy võ u buồn trong những chuyện kiếm sống thường ngày, những kẻ chẳng bao giờ thoát khỏi được phạm vi chủ thể của bản thân, những kẻ chết hằng ngày, trương thối ngay giữa lòng đời. Cuộc sống chỉ là triệu chứng của cái chết!”[3].
Dường như, trong tâm can người trai trẻ ấy là cả trời suy tưởng. Hoặc giả, tác phẩm chỉ như mồi lửa suy tưởng, như kíp kích hoạt của nhà phê bình. Sự xông pha của nhà phê bình vào văn bản văn học cùng với trường liên tưởng của nó đã kết dệt những suy tư thành hai chiều: từ nhà phê bình vào hồn chữ nghĩa và từ nhà phê bình trở lại đời sống. Bằng cách đó, nhà phê bình họ Võ cùng đau niềm đau đời của tha nhân. Chẳng hạn, khi viết về Dương Nghiễm Mậu, đây thực chất là sự suy tư của nhà phê bình trẻ họ Võ về nhân tính (chí ít là nhân tính trong bối cảnh văn học ở các đô thị Miền Nam).
“Sau khi đã mộng du trong ngã đạn oan nghiệt quá sá thì bạn đọc chắc sẽ nhận ra vấn đề quá chừng vấn đề: NHÂN TÍNH. Có lẽ một trang viết có thể sống được, khi nó chỉ đơn phương, chân phương và thành thực bàn chuyện con người thuần túy. Chính vì thuần túy, lắm người có thể thấy tập truyện hầu như chẳng có tích sự gì đáng theo dõi. Nhưng lẩn khuất trong ấy, những vấn đề cốt lõi lập thành Nhân Tính, chí ít là những suy nghĩ buộc người ta phải nghiêm túc nghĩ ngợi về sự lập thành Nhân Tính. Sự lập thành nhân tính, có bao giờ lỗi thời. Hôm nay, giữa thời đại dịch bao bủa kiếp người, giữa buổi tao loạn toàn cầu hóa, NHÂN TÍNH thực sự còn nguy cấp, cần kíp băn khoăn nhiều hơn nữa!”[4].
Và, những suy tư nhân tính đó thể hiện nhiều khía cạnh gần gũi với quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh. Như thế, liệu người đọc có thể xem lối phê bình của Võ Quốc Việt như phê bình ấn tượng-hiện sinh. Có lẽ cần cứu xét thêm! Song, có thể thấy, khi nói đến khuynh hướng phê bình trong trang viết của Võ Quốc Việt thì, tức là, không phải khuynh hướng phê bình thuần nhất, có những lằn ranh rạch ròi hoặc có tính cách trường quy (nên càng không phải trường phái). Mà, đúng hơn, khuynh hướng phê bình của Võ Quốc Việt là sự dung hợp, chuyển hóa, sáng tạo nhiều “chiêu thức” của nhiều “môn phái” khác nhau. Cũng tức là, nhà phê bình trẻ họ Võ không nhất nhất tuân thủ một lối phê bình nào. Mà, ở đó, có sự chuyển hóa, biến đổi, tích hợp tùy theo nhu cầu khai thác cốt ý của văn bản.
Nghiên cứu văn học của Võ Quốc Việt không chỉ việc thực hành khoa học, còn cho thấy ít nhiều tính nghệ sĩ trong việc sử dụng ngôn từ. Nhiều đoạn, người đọc nhận ra lời phê bình cũng là lời thơ. “Tách rời đôi bên làm sao minh định, chia biệt đôi bờ sao có tương giang!”[5]. “Kỳ đười ươi ngộ nam mô/ Bối phương đảo lại điên rồ trổ bông/ Hường phôi phai nữa mai hồng/ Lão kia vẫn đại còn không vượn người![6]”. Có lẽ, đó là tương ngộ với thi nhân chăng! Khi phê bình thơ, Võ Quốc Việt đặc biệt có lối viết rất tình tứ. Lắm khi, người đọc không nghĩ chàng họ Võ đang lập luận để nêu ra vấn đề khoa học mà rằng ngỡ như chàng đang đối ẩm với thi nhân. Điều này, ít nhiều bộc lộ nhãn quan của Võ Quốc Việt: với thi ca, không thể áp dụng chặt chẽ phương pháp khoa học thực chứng, không thể hoàn toàn rào chặn hồn thơ bằng khoa học minh xác. Thi ca luôn có khả năng vượt ra ngoài ý muốn nghiêm mật của nhà nghiên cứu. Có lẽ vậy, Võ Quốc Việt đã phê bình nhập cuộc, để cùng “lận đận bên trời” một lứa với thi nhân. Nhập vào hồn thơ, trang nghiên cứu của chàng cũng phảng phất ý vị thi ca.
Bên cạnh đó, từ lối phê bình ấn tượng, Võ Quốc Việt có thế mạnh trong việc luận giải. Đặc điểm này, không chỉ ở phê bình còn ở cả văn bản chuyển ngữ và sáng tác. Đây vừa điểm mạnh vừa thách thức đối với Võ Quốc Việt. Bởi, suy tưởng có thể đưa bước quá xa vào cõi mù sương chữ nghĩa và ngày càng bỏ rơi chính đối tượng phê bình. Nhưng, cũng chính chỗ này, người đọc cảm và phát hiện khả năng liên tưởng phong phú khác thường của chàng họ Võ. Văn chương như thể chân trời rộng mở, cũng nhờ đó, tâm tưởng chàng trai Rừng Dầu có thể cân đẩu bay lượn. Cuộc sống có thể có những giới hạn với hầu hết mọi người, thế nên, để vượt thoát những giới hạn ấy, Võ Quốc Việt tìm đến văn chương. Kết nối tâm tư với trang văn của nhiều người khác nhau và bằng cách đó, Võ Quốc Việt nối dài sinh mệnh của mình.
2. Phê bình Ý thức (Consciousness Criticism)
Từ phê bình ấn tượng, Võ Quốc Việt đặc biệt hướng đến việc đào sâu vào tâm thức của chủ thể sáng tạo. Nhất là, diễn trình của ý thức sáng tạo. Có lẽ, mục đích của nhà phê bình là tìm hiểu cách thức tạo lập tương tác chủ thể – khách thể trong quá trình sáng tạo mà điểm tựa của nhãn quan phê bình khởi đi từ vị thế của chủ thể tạo lập văn bản. “Tương tác chủ thể – khách thể được khảo sát không phải ở bình diện sự thống nhất và đồng thuận của chúng, mà được khảo sát ở quan hệ chủ thể đối với khách thể”[7]. Hay nói khác, nhà phê bình nhắm vào sự lập thành quan hệ và sự tương tác về mặt ý thức như một định hướng phóng chiếu giữa chủ thể và khách thể. Để rồi, sự phóng chiếu về phía khách thể này ngược lại lập thành tính chủ thể của kẻ sáng tạo.
“Các nhà phê bình thuộc định hướng này [phê bình ý thức] ít quan tâm đến phẩm chất khách thể, nhưng lại quan tâm đến việc bằng cách nào khách thể đem lại tính chủ thể cho chúng ta. Quan niệm then chốt của trường phái là việc khẳng định rằng văn học là một dạng ý thức. Tác phẩm văn học là sự thể hiện một trạng thái tinh thần nhất định, một “cách ý thức” vốn nảy sinh bởi sự kết hợp tư tưởng và ngôn từ với tư cách là phương tiện biểu thị nó”[8].
Như cách thế ý thức, Võ Quốc Việt khảo sát diễn hiện của cách thế ý thức này trong văn bản văn học. Hay nói khác đi, “phê bình văn học là “sự ý thức về ý thức” của nhà văn được đưa ra phân tích. Sự phán đoán bề ngoài về tác phẩm nghệ thuật nhường chỗ cho sự tham dự nội tại vào một quá trình thuần tuý chủ quan là nhận thức tác phẩm ấy. Nhà phê bình có vẻ như đã bổ sung cho tác phẩm, đem lại cho nó sự hoàn bị”[9]. Sự tham dự này, phần nào đó, là sự nhập đồng ý hướng giữa nhà phê bình và chủ thể sáng tạo. Với trường hợp cụ thể, người đọc nhận thấy Võ Quốc Việt nắm được ba cốt yếu ý thức trong sáng tác Nguyễn Ngọc Tư.
“Nguyễn Ngọc Tư làm tê liệt “thói cảnh giác” của ta, làm ta có tâm thế tiếp nhận phù hợp để Ngọc Tư ra chiêu sát thương. Nguyễn Ngọc Tư đã làm ta “THỐN” và thổn thức bằng những nỗi đau đời mà Ngọc Tư chọn lọc, kết tinh thành những chi tiết truyện có vẻ ngoài xoàng xĩnh. Phi đao của Ngọc Tư là những “tiểu ngôn” không tranh phần bá đạo với thiên hạ! Nhưng chiêu ám khí của con nhím hiền lành mới thật là kinh khiếp. Vậy rồi, sau khi làm ta thốn, Ngọc Tư làm ta THỨC. Sự tỉnh thức trong giây phút hiện tại, trong khoảnh khắc. Những “công án” tiếp hiện của Ngọc Tư, người đọc có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống. Thế nên, Nguyễn Ngọc Tư chỉ là mồi lửa mà người đọc cầm lấy để nhóm cháy mớ lá khô ung mục trong lòng. Việc này ví như dọn dẹp lại hồn mình sau nhiều năm tháng “chất hằng phỉ phong”. Cuối cùng, ni cô Cà Mau gieo lại một “chủng tủ” THƯƠNG. Như giọt máu oan nghiệt dẫu gì cũng sẽ có tên là Thương, là Nhớ, là Dịu, là Xuyến, là Hường, … Truyện Ngọc Tư dẫu bắt đầu với nỗi đau THỐN nhưng rốt cuộc sẽ chuyển hóa thành niềm THƯƠNG. Ấy là phần năng lượng tích cực trong văn Nguyễn Ngọc Tư vậy!”[10].
Còn khi viết về Bùi Giáng, Võ Quốc Việt lại phát hiện nhận thức “khác thường” của Bùi Giáng là biểu hiện của tư duy chiều kích thứ tư. Ý thức về sự ý thức của thi ca Bùi Giáng, chàng họ Võ nắm bắt  ở đó lẽ “bất nhị” của minh triết phương Đông.
“Ngôn ngữ của chúng ta chỉ có thể huyễn hoặc gán định hiện thể. Đó là cái lưới rách nát chộp bắt hiện thể. Nói khác đi, ngôn ngữ đã phanh thây hiện thể để thực hiện cho mục đích cầm tù hiện thể trong tù ngục lí trí yếu nhược phải lê lết trên hai trục Không – Thời gian. Nhưng hiện thể bốn chiều cần có ngôn thị. Chỉ có sự phụng hiến của ngôn thị mới đẩy thần trí tìm về hiện thể bốn chiều và siêu cấp chiều kích khác nữa. Ngôn ngữ chộp bắt đối tượng. Ngôn thị mở phơi đối tượng, nó tạo ra một đường dẫn kết liên giữa rơi rớt tinh thần với hiện thể khai triển muôn vàn; nghĩa là khai mở cái trạng huống, cách thế dịch chuyển biến đổi không ngừng của thực hữu, ghi lại được cái đà sống bất tận, những mãi luôn vĩnh hằng của thực hữu. Ngôn thị nằm trong cái chiều hướng khai triển đó của hiện thể”[11].
Qua lối phê bình ý thức của chàng họ Võ, người đọc chợt nhớ “hai con chim cùng đậu một cành, một con chim ăn đủ trái ngọt đắng, một con chim nhìn mà không ăn”. Ý thức chứng kiến như thế, phải chăng lối phê bình ý thức của Võ Quốc Việt.
3. Phê bình Tiếp nhận (Receptive Criticism)
Ở chiều ngược lại, Võ Quốc Việt quan tâm đến sự vận động của văn bản về phía người tiếp nhận. Về phương diện này, thực hành nghiên cứu văn học của Võ Quốc Việt ghi dấu ấn của mỹ học tiếp nhận (trường phái Konstanz) cho tới nhãn quan của phê bình tiếp nhận ở Hoa Kỳ. Cụ thể, đó là, quan niệm “người đọc tiềm ẩn” từ nhãn quan của Wolfgang Iser (1926-2007).
“Một cách tổng quan có thể thấy quan điểm của Iser về tiếp nhận văn bản xoay quanh việc ông tìm hiểu quá trình đọc. Trong đó, Iser xem xét trên hai bình diện: bình diện thời gian và bình diện cấu trúc. Trên bình diện thời gian, ông đưa ra khái niệm tính không liên tục hay điểm nhìn lưu chuyển. Tính không liên tục này chính là quá trình bảo lưu – phóng chiếu hay hồi cố – tiên liệu mà người đọc tiến hành khi “dấn thân” vào văn bản để văn bản được đặt trên bệ phóng của quá trình đi từ chỗ tiềm tàng đến phát lộ. Trên bình diện cấu trúc, văn bản là sự kết nối các chất điểm tri nhận mà giữa chúng là các khoảng trống, khoảng mờ để người đọc bằng khuynh hướng “ảo tưởng hóa” – hay xu hướng kết nối, thống nhất hóa văn bản để làm nó có nghĩa, hiểu được sự nghĩa của văn bản. Tất cả các khái niệm đó giúp cho chúng ta hình dung về hình tượng một người đọc tiềm tàng mà văn bản hướng đến. Nói khác đi, người đọc tiềm ẩn là cái khả thể triển khai của văn bản”[12].
Bên cạnh đó, Võ Quốc Việt còn đối sánh trong liên hệ với quan điểm tiếp nhận văn học của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc. Cụ thể là nhãn quan tiếp nhận của của Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long. “Lưu Hiệp xét từ thể văn đến thanh luật ấy là đi từ bình diện bao quát đến chi tiết, từ chiều rộng đến chiều sâu vậy. […] Theo đó, thể văn là tư thế mà người đọc “phải tự thu xếp” để bước vào cương vực của văn bản. Đó là cái chiều hướng mà người viết phát xuất để chiếm lĩnh cái mà người đọc sẽ triển khai vô hạn. Kẻ viết lập nghiệm. Người đọc là sự ứng nghiệm. Thế nên văn bản ngay từ đầu là một chiều hướng. Và đó là gốc của cái vec-tơ ý hướng mà chúng ta có thể cứu xét: thể loại”[13]. Sở dĩ có cái nhìn tương liên như vậy, bởi nhà nghiên cứu họ Võ cứu xét thể văn tế của Đặng Đức Siêu. Để từ đó, nhà nghiên cứu phân tích véc-tơ ý hướng của thể văn tế, phân tích “trường hội tụ” trong sự tiếp nhận thể loại này. Võ Quốc Việt nhấn mạnh đến “sự lập nghĩa” như quá trình vận động vô hạn. Và khả thể tiếp nhận hay “người đọc tiềm ẩn” của văn tế là diễn trình từ bi ai đến cao thượng.
Rõ ràng, văn bản không phải một cái gì đã hoàn tất và ổn định. “Khi độc giả va chạm với những chỗ khó hiểu hoặc những lý giải khác nhau mà văn bản cho phép, độc giả chỉ giản đơn ‘buộc’ cho nó một nghĩa nào đấy. Như vậy, bản thân quá trình đọc trở thành cái biểu đạt mà độc giả kiêm nhà phê bình phải tìm cho nó cái được biểu đạt. Khi đã có cách nhìn này, nhà phê bình sẽ thôi không còn đối xử với tác phẩm như với một cái gì hoàn tất, có một hình thức xác định”[14]. Ở tiểu luận khác, khi nghiên cứu văn học và văn hóa Nam Bộ, Võ Quốc Việt biểu thị nhãn quan của phê bình tiếp nhận Hoa Kỳ. Lối phê bình này còn được biết như là trường phái phản hồi độc giả (phiên bản mỹ học tiếp nhận kiểu Mỹ).
“Những người chủ trương mỹ học tiếp nhận chống lại phương pháp luận “khách quan” của trường phái hình thức và của phê bình cấu trúc luận; họ ủng hộ phương pháp luận “chủ quan” của triết học và tâm lý học theo hiện tượng học. Họ xuất phát từ sự khẳng định cho rằng ở ý thức con người có những cấu trúc ấn định tính chất sự tiếp nhận của nó và do vậy làm biến đổi ý niệm của nó về các khách thể. Tác phẩm được khu trú ở ý thức độc giả và ở quá trình đọc. Mục tiêu của phê bình tiếp nhận Mỹ là miêu tả chính xác sự tiếp nhận văn bản của độc giả trong quá trình đọc sự tiếp nhận này được phát triển tuần tự trong thời gian tức là ghi nhận những cộng hưởng của ý thức độc giả trong hành vi đọc. Đối trọng với tư tưởng hình thức luận của phê bình Mới coi tác phẩm nghệ thuật như khách thể tự trị, phê bình tiếp nhận đưa ra cách hình dung tác phẩm văn học như là quá trình được tạo nên trong hành vi tiếp nhận bằng việc đọc. Tác phẩm có được ý nghĩa của nó chỉ do kết quả sự tương tác của văn bản chữ in với công việc của ý thức tiếp nhận của độc giả”[15].
Nhân vật tiêu biểu của trường phái là Stanley Fish. Từ khái niệm “cộng đồng diễn giải” của Fish, Võ Quốc Việt làm rõ diễn trình kiến giải dân gian tính. Nhận diện quyền lực của cộng đồng diễn giải, chàng họ Võ chỉ ra tác động của quyền lực này lên sự lập nghĩa và sự giải nghĩa của cộng đồng nhất định. “Nhìn một cách bao quát, kiến giải dân gian tính hay quá trình đi từ cộng đồng diễn giải tiền tiếp nhận và cộng đồng diễn giải hậu tiếp nhận”[16]. Bấy giờ, Võ Quốc Việt làm sáng tỏ quá trình vận động dân gian tính trong văn hóa Nam Bộ. “Đằng sau vị ngọt lành phù sa là cả phương trời náo động: truy vấn và kích hoạt”[17]. Điều này có thể giúp lý giải sự phát triển nhãn quan của Võ Quốc Việt (từ Hạt phù sa sông nước Cửu Long đến Dân gian triết) và nhận ra khả lực cách mạng năng sản dồi dào của tâm hồn bình dân Nam Bộ.
Điểm thú vị nữa, trong phê bình tiếp nhận của Võ Quốc Việt chính là sự kết hợp quá trình tiếp nhận văn bản với các khái niệm/mức độ nhận diện chân lý của Đạo Phật. Nếu, ở bài viết về văn tế Đặng Đức Siêu, người đọc nhìn thấy một nhà phê bình mực thước, trường quy; thì ở bài viết về Bùi Giáng, người đọc nhìn thấy một hình tượng phê bình vượt ngoài trường quy. Từ người đọc tiềm ẩn của văn tế Đặng Đức Siêu, Võ Quốc Việt giúp người đọc có thêm hiểu biết và quan niệm tiếp nhận văn học của lý luận phê bình phương Tây, nhận ra khả thể tiếp nhận của văn bản văn học. Từ “Ngàn thu rớt hột” của Bùi Giáng, Võ Quốc Việt cho thấy tích hợp nhãn quan Phật giáo trong cách thế tiếp nhận văn học. Và, nhà phê bình trẻ họ Võ sử dụng một số cấp bậc thức ngộ để chuyển dịch thành những cấp độ tiếp nhận văn bản văn học. Võ Quốc Việt gọi là “tiếp nhận trong cách thế Kim Cương”. Từ Tu Đà Hoàn đến Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, và sau hết là sự tiếp nhận trong cách thế toàn giác toàn ngộ. “Và ở vô thượng hoàng thiên bát ngát, tiếp nhận trong thể cách toàn hiện chánh đẳng chánh giác vô ngại, đã không còn gì để luận bàn nữa, bởi vì không thể luận bàn. Amita Buddha! Amita Budda!”[18]. Không riêng trường hợp Bùi Giáng, Võ Quốc Việt cho thấy dấu ấn nhãn quan Phật giáo trong nhiều bài viết khác. Từ nghiên cứu văn học đến nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình họ Võ dựa trên nhiều yếu lý của Đạo Phật: từ tứ diệu đế, đặc biệt lý duyên khởi đi tới đạo đức sinh thái Phật giáo. Đây cũng là điểm độc đáo trong trang viết của Võ Quốc Việt.
Và, cũng qua đây, người đọc có thể thấy ở Võ Quốc Việt sự cố gắng trong quá trình dịch chuyển tri thức Đông Tây với khuynh hướng vượt thoát ra những hạn định vốn có của lý thuyết và bằng cách đó, trang viết của chàng họ Võ mang lại nhiều gợi mở đáng suy ngẫm.
4. Phê bình Sinh thái (Ecocriticism)
Có thể nói, vấn đề môi trường sinh thái là vấn đề nổi bật hơn cả trong thực hành nghiên cứu của Võ Quốc Việt. Nghiên cứu mối quan hệ văn học và môi trường sống, Võ Quốc Việt đưa ra những quan niệm liên quan đạo đức sinh thái, hệ sinh thái nhân bản, sinh thái học từ nhãn quan Phật giáo, … Nhưng, hình như, mối quan tâm chủ yếu của chàng họ Võ là sự biểu hiện nhân tính của con người trong mối quan hệ con người – tự nhiên. Võ Quốc Việt thường xuất phát từ mối quan hệ con người – tự nhiên để quay lại soi chiếu tính người của con người. Nhà nghiên cứu muốn tìm kiếm nơi ấy vấn đề căn cơ lập thành nhân tính của nhân loại. Truy vấn nhân tính là cách thế giúp tái nhận thức nhân tính và nhất là, nhân tính được bộc lộ ra trong tương quan tương tác của con người với thế giới tự nhiên.
“Sự mất cân bằng trong “hệ sinh thái tinh thần” biểu hiện qua chữ tình là một ví dụ cho sự mất cân bằng của tính nhân văn trong xã hội loài người. Mất cân bằng hệ giá trị đời sống con người, giá trị sống hoặc bị bóp méo hoặc bị chà đạp, phủi bỏ. Thiên hạ ngày càng bát nháo, lòng người lần thêm giả trá. Hệ giá trị cuộc sống méo mó thì nhân văn-nhân tính của đời cũng mai một. Hệ sinh thái tâm hồn hoặc là sụp đổ hoặc là bạc ác. Người vây hãm tự nhiên, tự nhiên sẽ trở thành nấm mồ của người”[19].
Trọng tâm cứu xét sinh thái là vấn nạn nhân tính. Thậm chí, có thể nói, phê bình sinh thái của chàng họ Võ thiên về sự luận giải hệ giá trị nhân bản. Và cũng chính như vậy, Võ Quốc Việt (ít nhiều) có góp phần gìn giữ giá trị nhân bản của đời sống con người Nam Bộ. Những giá trị người vốn đã có trong đời sống thường nhật của người bình dân Nam Bộ, chỉ là cần phát hiện lại và khêu sáng thêm trong đời sống hôm nay. Bàn đến những vấn đề như mối quan hệ con người – tự nhiên, Võ Quốc Việt đồng thời vạch trần nền văn minh thiếu nhân tính, cảnh tỉnh “trí khôn-trí dại cũng rất có thể đưa tới sự tận diệt nền văn minh”[20].
Song, điều đáng chú ý ở phê bình sinh thái của Võ Quốc Việt, đó là: trong khi các nhà phê bình sinh thái “đọc lại những tác phẩm văn học quan trọng từ một cảm quan lấy sinh thái làm trung tâm với sự chú ý đặc biệt tới sự miêu tả thế giới tự nhiên”[21] thì Võ Quốc Việt không đặt con người ở vị trí trung tâm càng không đặt sinh thái ở vị trí trung tâm, mà còn phi trung tâm hóa cả tự nhiên và văn hóa xã hội. Nhà nghiên cứu nhờ đó không sa vào lối “giả danh sinh thái”, cũng không sa vào lối phê bình sinh thái “cơ học” vốn dựa trên cặp nhị nguyên tự nhiên/văn hóa xã hội, không sa đà phê phán sự khai thác tự nhiên của con người để gián tiếp thúc đẩy lối khai thác tự nhiên khác. Mà, hơn thế, nhà nghiên cứu dường như muốn hướng đến tồn tại bền vững phi nhị nguyên giữa con người – tự nhiên. Vấn đề này, cơ hồ, sẽ được tiếp tục làm rõ ở phê bình hậu nhân mà hiện nay, Võ Quốc Việt đang theo đuổi.
Đặc điểm nữa, đó là khi cứu xét quan hệ con người – tự nhiên, Võ Quốc Việt đã trở về với tư tưởng Á Đông, gắn vấn đề sinh thái, lấy nhãn quãn Âm Dương, Tam Tài và Ngũ Hành để nhìn nhận vấn đề tương tác con người và tự nhiên. “Từ nhu thuận, hòa phối lập thành Đạo; từ Đạo theo riềng mối ngũ hành lập thành Đức. Trong các đức tính, người sống với người bằng nghĩa. […] Cho nên, ngũ đức trong hệ sinh thái nhân bản phương Nam giữ được cân bằng cốt ở nhân nghĩa. Lập tự “Nhân”, thành tại “Nghĩa”, nhân là gốc, nghĩa là ngọn, đó là biểu hiện của nhân bản. […] Bên cạnh Nhân Nghĩa, hệ sinh thái nhân bản phương Nam còn thiết lập ở tình thương”[22]. Để rồi nhà nghiên cứu phá vỡ thế nhị nguyên đối kháng giữa con người với tự nhiên, nhìn thấy sinh giới/sinh cảnh ở cách thế tổng hòa, cách thế tương sinh tương khắc, cách thế tương liên tương tức không xa không rời.
Vì vậy, khuynh hướng phê bình sinh thái của Võ Quốc Việt là quá trình từ sinh thái học nhân văn đến đạo đức học của con người phương Nam.
5. Phê bình Xuyên văn hóa (Transcultural Criticism)
Như sự gia cố, nối dài, vi tế và xuyên thấu hơn, phê bình xuyên văn hóa chính là sự phát triển từ phê bình văn hóa. Do đó, để đề xuất vấn đề phê bình xuyên văn hóa cần nên trở lại với phê bình văn hóa (trong lĩnh vực văn học).
Phê bình văn hóa như khuynh hướng phê bình xem xét cách tác phẩm văn học phản ánh, đồng thời xem xét cách tác phẩm văn học bộc lộ nhãn quan về phía các phương diện (kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật, pháp luật, …) của nền văn hóa cụ thể. Như vậy, phê bình văn hóa thừa nhận mối liên hệ mật thiết giữa văn học và văn hóa. Về phương diện này, chàng họ Võ đã cho thấy tác phẩm văn học như “nhiệt kế” văn hóa Nam Bộ. Và, dựa trên sự phản ánh của tác phẩm văn học, Võ Quốc Việt khái quát hóa những đặc điểm của nền văn hóa phương Nam, nhìn thấy ở đó những “hằng số văn hóa” trong dòng chảy sinh mệnh văn hóa của dân tộc Việt. Ví dụ, như khi nhìn về văn hóa ẩm thực trong cái nhìn so sánh, Võ Quốc Việt làm rõ đặc điểm riêng rất thú vị của đời sống ẩm thực Nam Bắc, cũng như đời sống ẩm thực các dân tộc ở Nam Bộ. Và, nhà nghiên cứu khái quát nên nhãn quan “địa văn hóa” khi tìm hiểu nghiền ngẫm văn hóa ẩm thực quê nhà.
Hơn thế, phê bình văn hóa trở nên phê bình xuyên văn hóa. Bởi, nhà nghiên cứu trẻ đặt cái nhìn cứu xét trong tương liên tương tác giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Trên vùng đất Nam Bộ, chí ít với văn hóa người Việt, Hoa, Khmer, Chăm. Trong đó, “tính hỗn dung” được nhà nghiên cứu đặc biệt bàn luận.
“Sự va chạm văn hóa ở đây có chăng là biểu hiện của ý thức hệ vương quyền như cách dùng từ của Huntington, là xung đột giữa các “quân vương” để tranh giành quyền lực cho dòng họ chứ không phải xung đột văn hóa thuộc về dân tộc. Trái lại, trên bình diện dân tộc, có một thực tế dễ thấy là các dân tộc trên vùng đất mới buộc phải “hỗn dung”, giao lưu tiếp biến văn hóa lẫn nhau để tồn tại và phát triển trên vùng đất mới. Hai mục đích này tương ứng với hai cấp độ của Xuyên văn hóa”[23].
Tính hỗn dung trên trang nghiên cứu của Võ Quốc Việt biểu thị nhãn quan “giải cấu trúc chủ nghĩa vị chủng” (tức xu hướng cho rằng nền văn hóa của mình là cao hơn/ưu việt hơn/tối tân hơn/tiến bộ hơn nền văn hóa khác). Và, mặc dù tiếp thu không ít yếu tố tiến bộ của văn hóa Pháp, song trong quá trình “tiếp biến”, nhà nghiên cứu trẻ cho thấy người bình dân Nam Bộ có sức kháng cự mạnh mẽ đối với “chủ nghĩa lấy châu Âu làm trung tâm”. Cách nghĩ của Võ Quốc Việt còn biểu thị trong nghiên cứu văn học Minh Tân.
“Nhìn vào cơ cấu hệ trường, hiện tượng văn học Minh Tân trong tương quan với trường kinh tế-chính trị như vận động nhằm thay đổi/lật đổ cơ cấu phân bố vốn liếng độc quyền của thực dân Pháp. Đó là ý hướng nhằm lật đổ cơ cấu độc quyền về vốn liếng trong xã hội (gồm thực dân Pháp và những vị trí cùng quỹ đạo vận động với nó). Có ba vấn đề ở sự lật đổ/thay đổi của trường văn học Minh Tân đối với thiết chế bấy giờ: đó là tính độc quyền phân bố vốn, tính chính thống áp đặt và tính bất chính đáng trong việc phân bố vốn. Văn học Minh Tân đã phơi bày và chỉ ra sự bất cập trong ba khía cạnh này. Nhất là ở các bài tiểu luận của Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Chánh Sắt”[24].
Và, như thế, lý giải cho sự kháng cự chủ nghĩa lấy châu Âu làm trung tâm, phê bình xuyên văn hóa của Võ Quốc Việt cũng bộc lộ tinh thần “giải thực dân”. Từ phê bình xuyên văn hóa, nhà nghiên cứu họ Võ còn rút ra một số điểm đáng chú ý: tính xuyên văn hóa kéo theo việc tái thiết hệ thống giá trị văn hóa từ nội tại đến kết thông với hệ giá trị văn hóa ngoại lai; vận động ly tâm nội tại của thực thể văn hóa; tự do sáng tạo như sự giải phóng trong trạng thái xuyên văn hóa. Sự thấu hiểu bối cảnh nền văn hóa đưa tới nhận thức về sự khác biệt/cách biệt văn hóa nhưng nhờ đó tạo điều kiện cho sự gặp gỡ/đụng độ giữa các nền văn hóa. Quá trình ấy được thể hiện một cách đa dạng, phức tạp trong không gian văn học Nam Bộ cũng như trên thực tiễn văn hóa Nam Bộ (hơn ba trăm năm qua). Võ Quốc Việt giúp người đọc xâu kết diễn trình văn hóa đầy biến động của vùng trời đất phương Nam. Từ cuộc thiên di của các lưu dân vào Đàng Trong đến cuộc tranh hùng giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, đến cuộc đụng độ xâm lược của văn hóa Pháp giữa thế kỷ XIX, đến các phong trào cách mạng thời kỳ đầu thế kỷ XX và thực tiễn hỗn dung giữa các tộc người trên vùng đất Nam Kỳ xưa Nam Bộ nay, trang nghiên cứu của Võ Quốc Việt chỉ ra được những đặc điểm chính yếu của diễn trình văn hóa Đàng Trong – Nam Kỳ – Nam Bộ. Qua trình tiếp biến dẫn tới xuyên vượt dựa trên căn tính hòa/huề, không phải “tha thứ” mà “bỏ qua”, cơ chế này khiến cho xuyên văn hóa trên vùng đất Cửu Long không phải “đụng độ” mà xuyên vượt để hóa giải dị biệt. Vì thế, văn hóa Nam Bộ ngày thêm sống động, ngày thêm tươi mới.
Đáng nói, Võ Quốc Việt xem văn hóa Nam Bộ như sinh thể, tức là có đời sống, có vận động phát triển. Sự sống của sinh thể văn hóa Nam Bộ biểu hiện qua sự dung hợp của nó đối với các yếu tố văn hóa ngoại lai, để rồi chuyển hóa và tiêu hóa các yếu tố ấy. Nhất là, khi ta kết hợp nhãn quan “liên lý thuyết” của nhà phê bình trẻ họ Võ khi nhìn về người phụ nữ Nam Bộ và “hằng số văn hóa” Nam Bộ, sẽ thấy phải chăng nữ tính-mẫu tính Nam Bộ ấy là kháng thể giúp cho giống nòi Việt giữ được hồn cốt dân tộc, đất đai bờ cõi. “Trong thể tính nước, ta còn thấy thể tính Mẹ – Mẫu tính”[25]. Thậm chí có thể nói, sinh thể văn hóa Việt là sinh thể nữ (ý tưởng này sẽ được bàn tiếp ở mục sau).
Có thể nói, điểm nổi bật trong phê bình xuyên văn hóa của nhà nghiên cứu họ Võ đó là: không chỉ dừng lại ở việc nhấn mạnh vào tác động giữa các nền văn hóa (Việt-Pháp, Đông-Tây, Việt-Hán), tương tác giữa các nền văn hóa dân tộc (Việt, Hoa, Khmer, Chăm) nó còn tập trung vào các không gian giao thoa, hòa trộn, hợp nhất vi tế của các yếu tố văn hóa thuộc các nền văn hóa khác nhau; không chỉ dừng lại ở việc xem xét cách mà các nền văn hóa tác động lẫn nhau mà còn xem xét kết quả tiếp biến/chuyển hóa/lai ghép của các nền văn hóa ấy. Nhờ đó, Võ Quốc Việt giúp ta nhận ra sinh thể văn hóa Nam Bộ là thể trạng sống động, linh hoạt, cởi mở, mới mẻ nhưng cũng rất bền vững, kiên cố và truyền thống.
6. Phê bình Hậu nữ quyền (Post-feminist Criticism)
Nếu như phê bình nữ quyền thường tập trung vào năm tiêu điểm chính (sinh học, kinh nghiệm, diễn ngôn, vô thức, những điều kiện kinh tế và xã hội[26]) dính líu đến hầu hết thảo luận về giới nữ để bàn luận và chỉ ra sự áp chế của “tính nam trung tâm”, “tính nam bá quyền”; thì ta thấy nghiên cứu của Võ Quốc Việt qua trường hợp người phụ nữ Nam Bộ tiến đến giai đoạn sau: hậu nữ quyền. Hậu nữ quyền (tức sự tra vấn về chính sự tra vấn nữ quyền-nữ tính). Không lấy luận giải nữ quyền của châu Âu làm trung tâm, sự luận giải về người nữ ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
“Các nhà nữ quyền hậu thuộc địa và các nhà nữ quyền thế giới thứ ba nỗ lực chỉ ra những áp chế ngầm đối với phụ nữ tiềm ẩn trong những chiến lược chính trị của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và các mưu đồ toàn cầu hóa; các nhà hoạt động nữ quyền da màu nêu lên vấn đề về chủng tộc và sắc tộc ngay trong bối cảnh xã hội các nước thế giới thứ nhất; các nhà nữ quyền có khuynh hướng tính dục đồng giới lại xem xét các vấn đề về bản năng tính dục và khám phá cơ chế của sự thể hiện giới. Và, trước một loạt các khuynh hướng nghiên cứu khác nhau trên, nhiều tác giả cho rằng, chúng ta đã bước sang giai đoạn hậu-nữ quyền (post-feminist phase)”[27].
Nếu nữ quyền luận trước đó chủ yếu là phong trào vận động xã hội đấu tranh cho quyền của phụ nữ trong xã hội phương Tây, người đọc hẳn thấy một số nhãn quan của lý thuyết đó tỏ ra bất cập trong việc cứu xét văn hóa Á Đông, trong đó có văn hóa Việt. Nhưng, phải thừa nhận rằng, chính sự bất cập đó lại giúp người đọc nhận ra đặc điểm nổi bật của nữ tính và nữ quyền của phụ nữ Việt. Điều này,  được Võ Quốc Việt trình bày, khởi đi từ: “Simone de Beauvoir cho rằng phụ nữ là nạn nhân, là chư hầu trong vòng vây nam quyền (male domination). Rằng “giống đực” đã gán định cho “giống cái” nữ tính dưới cái nhìn của đàn ông, nghĩa là dạng nữ tính giả danh”[28]. Cũng bởi điều này, người đọc sẽ thấy khi Võ Quốc Việt bàn về nữ quyền luận của người phụ nữ Nam Bộ thì đó không phải cuộc tranh đấu, kháng cự tính nam và sự áp chế mà đúng hơn, là quá trình tái truy xét và nhận diện lại một cách đúng mực hơn nữa vai trò của phụ nữ trong cơ tầng văn hóa Việt.
“Người nữ Nam bộ không đấu tranh theo lối hạ bệ nam quyền hay vạch ra các thiết chế bất bình đẳng do xã hội của “giống đực” áp chế lên người nữ; người đàn bà Nam bộ khiến mày râu kiêng nể, trân phục bởi ý chí và tâm hồn “chánh nghĩa” không dễ gì khinh nhờn; khiến cho các ông lắm khi phải đỏ mặt tía tai và cụt đuôi trơ mỏ”[29].
Đi xa hơn, chàng họ Võ góp phần làm rõ mẫu tính Việt. Mẫu tính này còn được nhà nghiên cứu liên lý thuyết với sinh thái nhân văn và minh định: mẫu tính sinh thái đậm chất Việt.
“Vậy nên, nữ tính Tây phương chính là giãy thoát tách biệt, chia lìa. Ngược lại, nữ tính của hồn Việt chính là giao hòa, bồi tụ. Nữ tính này đã có bản mệnh của Việt tộc. Đi xa hơn Tây phương, nữ tính hồn Việt đã về lại căn cơ lòng mẹ (mẫu tính) mà từ đạo lập đức bản nhiên thành ra tính mệnh khai sinh và hy sinh. Hằng số nữ tính chính là thi triển đến tận cùng hai yếu tính này. Người đàn bà Nam bộ vì thế là những người đàn bà tiêu biểu cho thời cuộc và đất đai quê mình… Bởi hy sinh nên có nữ tính; vì khai sinh nên có Mẫu tính. Ấy là căn cơ bung nở hoa nắng trên khắp dải đất bình nguyên phương Nam”[30].
Mẫu tính sinh thái này chính là kháng thể giúp văn hóa Việt đề kháng xâm thực văn hóa qua nhiều thời kỳ bị xâm lược. Từ nữ quyền đến nữ tính (hay mỹ học của người nữ phương Nam) tới mẫu tính (hay Âu Cơ Túy) để thành toàn cho một không gian văn học nữ phương Nam, trang nghiên cứu của Võ Quốc Việt giúp người đọc nhận biết hệ thống giá trị, hệ thống hằng số văn hóa của dân tộc Việt mà trong đó, tính nữ đóng vai trò như hạt nhân cốt lõi. Tiếng mẹ và tình mẹ không tranh đấu, không đòi hỏi, không giành lấy mà như nhiên nhuần nhị xuyên suốt bao thế hệ. Cho nên, “một lòng thờ mẹ kính cha”(Ca dao).
7. Phê bình Tân duy sử (New Historicist Criticism)
Nghiên cứu văn học Nam Bộ, Võ Quốc Việt cũng đối diện với lịch sử vùng đất Nam Bộ qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Và, khi “đọc lịch sử” Nam Bộ, Võ Quốc Việt đã sử dụng phép đọc song song (parallel reading) để đọc văn bản văn học Nam Bộ và văn bản phi văn học trong các giai đoạn lịch sử thời đại tương ứng. Để từ đó, nhà nghiên cứu trẻ làm rõ dân gian sử trong thế tương liên mà tương phản với chính sử (soi chiếu lại chính sử) – mà các nhà tân duy sử gọi là “chất vấn lẫn nhau”[31]. Bấy giờ, trang nghiên cứu góp phần làm rõ “sử mệnh phương Nam”.
“Qua đó, vận động sử tính và sử mệnh vùng đất phương Nam hiện lên chân thực, sống động, mới mẻ. “Mới”, không phải bởi nhà văn sáng tạo lịch sử, mà ông trả lại bản tính sử mệnh. Sử tính và sử mệnh vương quyền, người anh hùng, người trí thức, … chung quy vận động trên sử tính và sử mệnh dân gian của người bình dân. Dù viết về đối tượng nào thì, sau cùng chỉ còn lại và nổi bật sử nghiệp người bình dân phương Nam […]: Mở cõi, bảo vệ đất nước và hồn cốt dân tộc”[32].
Có thể có giao thoa nào đó giữa khái niệm “liên văn bản” với “văn bản cộng sinh” trong nhãn quan của các nhà tân duy sử; nhưng rõ ràng nhãn quan tân duy sử xem “lịch sử như là văn bản”. Qua trang viết của Võ Quốc Việt, người đọc có thể hiểu sâu sắc hơn tính chất phản thiết chế (anti-establishment), khi nhà nghiên cứu họ Võ sử dụng văn bản dân gian sử như tấm gương chiếu xét chính sử. Bấy giờ, ta nhận ra quyền lực thực hành diễn ngôn của thể chế “vọng canh” đã phổ chiếu ý hướng của nó vào mọi phương diện đời sống, khiến tạo ra những huyền thoại ma quái phủ trùm lên sự diễn hiện lịch sử.
“Coi như, ngó thấy dừa nước mà không hiểu vì sao nó mọc ngang, không hiểu mấy lời cụ Thử nói với Tư Noãn, nghe nói rạch Ông Tang mà không hiểu vì sao vợ chồng ông dúi vào tay Chúa vài đồng lộ phí hòng chạy trốn Tây Sơn, tới khi lên ngôi vua, hận thù che mắt Tư Noãn khiến thiên tử xiềng mộ quất roi vì cái tội “dưỡng bất giáo[33].
Để đi tới sự minh định sử mệnh phương Nam, Võ Quốc Việt đã thực hiện các công việc: đọc văn bản văn học nhờ vào ánh sáng phát ra từ văn bản phi văn học; các “chất điểm” lịch sử vốn được xem như “rõ ràng là đúng” lại được nắm bắt và mổ xẻ; đặt các chất điểm đó trong các khung tham chiếu được kết dệt từ văn bản văn học và văn bản cộng sinh để xem xét chất điểm lịch sử đó biến đổi như thế nào; giải cấu trúc sự “văn bản hóa” của các chất điểm lịch sử ấy nhằm làm lộ ra thâm ý “sử hóa” của quyền lực nào đó. Nhưng, người đọc thấy trong đó niềm tin tưởng của nhà phê bình: “Dù bị hạch tội, đấng anh hùng thuộc về sử mệnh còn phổ truyền trong lòng người bình dân phương Nam”[34]. Điều này, giúp phân biệt với “bất tín” của hậu hiện đại.
Từ trang nghiên cứu của Võ Quốc Việt, người đọc có thể nhận ra: nếu phê bình lịch sử (historical criticism) nhấn mạnh lập trường cho rằng hiểu một tác phẩm văn học, chúng ta cần hiểu tiểu sử và bối cảnh xã hội của tác giả, cũng như những tư tưởng lưu hành vào thời điểm đó và môi trường văn hóa; thì nhãn quan tân duy sử tìm kiếm ý nghĩa trong một văn bản bằng cách xem xét tác phẩm trong khuôn khổ những ý tưởng và giả định thịnh hành trong thời đại lịch sử của nó. Sự giả định này ví như dịch chuyển hệ quy chiếu, việc này sẽ giúp làm lộ ra những luận giải sử tính của trang văn.
“Giờ phút nầy, quyền lợi gia đình là trên hết, mọi chuyện khác gác qua một bên. Út Hén đã khéo léo tiếp thêm động lực, gỡ bỏ nút thắt đè nặng trong lòng Hai Vững, làm cho ông càng thêm “VỮNG”; cũng như cô gái nhỏ tuổi đã nhận ra nền tảng cốt lỏi “quyền lợi gia đình” (hay lợi ích dân tộc) để kết nối những chủ trương/thái độ khác nhau với kẻ địch, hòng thâu hết sức mạnh về một mối. Trước nguy cơ bá quyền, lấn chiếm, tình máu mủ ruột rà, ơn nghĩa ông bà sẽ khiến cho những kẻ yếu nhược thức tỉnh. Điều đó kẻ thù mang dã tâm xâm chiếm không ngờ tới”[35].
Nhà nghiên cứu họ Võ làm rõ thêm khuynh hướng phê bình từ nhãn quan tân duy sử ở chỗ nó nhấn mạnh vào chức năng chính trị của văn học và đặc biệt, là nhấn mạnh vào khái niệm quyền lực và cơ cấu phân phối quyền lực, những phương tiện phức tạp mà qua đó các nền văn hóa sản sinh, vận hành, tái thiết. Bấy giờ, người đọc sẽ nhận ra mô hình cụ thể về mặt lịch sử của sự lập thành huyền thoại chân lý và sự lập thành thẩm quyền đời sống xã hội.
Tiến xa thêm, nhà phê bình trẻ Võ Quốc Việt luận giải vấn đề triết văn triết sử. Chàng họ Võ luôn có khuynh hướng đào sâu vào tận nền tảng của thực hành sáng tạo. Tiểu luận “Triết văn triết sử trong văn học” cho thấy truy vấn vào gốc rễ khởi tạo của tư duy nghệ thuật – hay sự cấu thức. “Biểu hiện trực tiếp triết hóa trong/về văn học có thể nhận diện qua hành động lập thức của chủ thể sáng tạo hoặc sự lập thức của các chất điểm phát ngôn trong diễn ngôn nghệ thuật. […] Biểu hiện gián tiếp của triết hóa trong/về văn học có thể nhận diện qua việc không chủ đích hành động lập thức; cứ như phi triết/phản triết theo kiểu “vô vi nhi vô bất vi”. Nhưng phi triết cũng là hình thái triết”[36]. Hành động triết (hay triết hóa) được Võ Quốc Việt phóng chiếu thành hai chiều hướng. Từ chỗ xác định hành động triết, nhà nghiên cứu trẻ nhìn thấy dường như có hai địa hạt “văn học hướng nội” và “văn học hướng ngoại”, theo đó là sự xác định mức độ triết hóa. Và nhà nghiên cứu họ Võ nhận định: “chỉ đến khi văn học thấm nhuần tư tưởng hay triết hóa chín muồi thì bấy giờ diễn ngôn văn chương mới kết tạo khả lực xuất chúng có thể chiếm lĩnh tâm hồn bạn đọc và phảng phất hương thơm thâm trầm ý nhị”[37].
Để người đọc tiện suy ngẫm, Võ Quốc Việt còn phân biệt triết hóa trong triết học, trong văn học, trong sử học. Mỗi địa hạt có thực tiễn triết hóa khác nhau, nhưng có những điểm giao thoa, điểm tương đồng. Việc này giúp ta thấu hiểu thêm về đặc điểm vốn đã phổ biến trong truyền thống văn học Á Đông: văn sử triết bất phân. Và, ở bài tiểu luận rất ngắn, song bạn đọc bắt gặp cuộc tương ngộ tư tưởng Đông Tây rất thú vị, với những hiền sĩ như: Fyodor Dostoyevsky, Lev Tolstoy, Friedrich Nietzsche, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Jean-Marie Gustave Le Clézio … với Tuệ Trung thượng sĩ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Matsuo Bashō, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Rabindranath Tagore, Nhất Hạnh, … Điều thú vị ở trang viết Võ Quốc Việt, ấy là nhãn quan khởi đi từ nền tảng triết sử phương Tây. Quan niệm triết sử, chí ít từ Hegel, giúp nhà nghiên cứu trẻ nhận ra một số nền tảng tư duy (trong văn chương, cũng như trong triết học và sử học). Và, chắc hẳn người đọc hiểu, chàng họ Võ dù dựa trên nền tảng tư tưởng phương Tây nhưng ánh mắt luôn hướng về phương Đông. Đúng hơn, luôn hướng về quê nhà. Điều này, càng cho thấy, quá trình vận động tư tưởng của Võ Quốc Việt từ quy phạm đến giải quy phạm, từ triết học phương Tây đến minh triết phương Đông. Và, càng về sau, chàng họ Võ càng thể hiện dấu ấn minh triết phương Đông rõ rệt hơn, với ánh mắt và tâm trí hướng về truyền thống văn chương của dân tộc.
Ở cuối bài tiểu luận, người đọc liền nhận ra dụng tâm của triết văn triết sử, kỳ thực là nỗ lực gây tạo mối quan tâm nhiều hơn đến hành động triết trong thực tiễn văn chương Việt thời nay. “Phàm đã người thường tình thực hiện hành động sống thì (dù ít dù nhiều, dù nông dù sâu) cũng đã thực hiện hành động triết về phía cuộc đời. Còn nền triết, hướng triết và thực tế triết hóa như thế nào, tùy thuộc vào căn cơ, thiên hướng mỗi người. Thiết nghĩ, người cầm bút Việt nên chăng tái kết nối và khai thác triết hóa của dân Việt!”[38]. Trong bài tiểu luận ngắn, Võ Quốc Việt đặt ra nhiều câu hỏi (bạn nghĩ trong sáng tác văn học nên thế nào: triết hóa như là triết hóa hay triết hóa như là phi triết hóa?). Chàng trai trẻ không vội trả lời, để phần trả lời ấy cho tự thân mỗi người cầm bút nghiền ngẫm. Bởi, mỗi người cầm bút có hành trình sáng tạo khác nhau. Thể như gieo một hạt mầm tư tưởng, bài tiểu luận của Võ Quốc Việt có thể ví như bông trái của mùa sau.
Trong cách diễn giải, người đọc nhận rõ ở tiểu luận của Võ Quốc Việt có sự kết hợp cả ngữ thức Đông Tây. Nhưng, sau nữa, chẳng còn phân biệt Đông Tây, bởi ý hướng của nhà nghiên cứu họ Võ là khát vọng tìm kiếm triết lý nhân sinh đại đồng.
“Đôi câu thơ “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa” có khả năng diễn hoạt độc lập tương đối với toàn bộ văn bản Truyện Kiều. Đôi câu thơ bộc lộ ngộ tính của Tố Như và qua đó khai thị triết lý nhân sinh. “Biết người là trí khôn, biết mình là trí huệ, tức giác ngộ”. Cái giật mình như chớp lạch đêm giông! Hốt giác đốn ngộ ra mình giữa cuộc thế cũng là ngộ ra cuộc thế dâu bể hồng trần. Ta không thể khép ngộ tính này vào cửa Nho, Lão, hay Thích. Bởi vì, nền học vấn hay tôn giáo nào cũng đều dựa trên chân lý, còn chân lý thì không dựa trên bất kỳ học vấn hay tôn giáo nào. Đưa tri nhận hướng về phía ngộ tính, thi ca Tố Như dường như không triết hóa hay lý sự gì mà đã ở chỗ uyên ủy của triết vậy! Với Hối Trai tiên sinh, “Trước đèn xem chuyện Tây Minh/ Ngẫm cười hai chữ nhân tình éo le”. Người đặt ra thế tương ứng giữa tâm và phi tâm để soi rọi đôi bên. Và, nụ cười ý nhị kín đáo trước nỗi éo le nhân tình đã khai mở cả thảm trạng nhân sinh”[39].
Triết văn triết sử rốt cuộc là ý hướng tiệm cận triết lý nhân sinh. Võ Quốc Việt nhìn thấy trong địa hạt văn chương, dòng chảy triết hóa. Dòng chảy tư tưởng như vậy vừa có thể góp phần định vị chủ thể sáng tạo vừa có thể xâu chuỗi để thấu hiểu vận động tư tưởng văn chương qua thời đại nối tiếp nhau. Chẳng hạn, từ Tố Như, Hối Trai rồi đến Nguyễn An Ninh, trang viết của Võ Quốc Việt có thể gợi ý cho nghiên cứu toàn diện hơn.
8. Phê bình từ nhãn quan của Lý thuyết trường văn học (Literary Field Theory)
Lý thuyết trường văn học mang lại cách tiếp cận xã hội học trong phân tích văn học. Trên thực tiễn, văn học như trường lực tồn tại trong mạng lưới trường lực xã hội phức tạp. “Lý thuyết trường nói chung và trường biểu tượng nói riêng đã được lập thành từ những năm 1960 do nhà xã hội học Pierre Bourdieu (1930-2002) khởi xướng. Phiên bản hoàn chỉnh nhất của lập thuyết này có lẽ được trình bày trong công trình quan trọng của ông, Quy tắc của nghệ thuật [Les Règles de l’art] (1992)”[40]. Nhà nghiên cứu trẻ họ Võ vận dụng lý thuyết trường của Pierre Bourdieu vào nghiên cứu trường văn học Minh Tân trong bối cảnh xã hội Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. Trên cơ sở lý thuyết này, nhà nghiên cứu phát hiện ra tập tính vận động của ý hướng Minh Tân.
“Từ quan điểm trên, có thể nói về tập tính vận động hiện tượng VHMT: xiển dương tinh thần tự hào tự cường dân tộc, với mục tiêu tranh đấu cho sự phát triển dân tộc tính đồng thời tính hiện đại. Tập tính “minh minh đức”, “tác tân dân” hướng đến phát triển toàn diện con người. Tựu trung, với tập tính được hình thành dựa trên vốn và mục tiêu tranh đấu (mục tiêu này đã bao gồm ý thức và phương thức nhập trường) thì có thể tóm lược tập tính và quỹ đạo vận động của VHMT như sau: + Vốn VHMT là sự kết hợp chắt lọc cả nền văn hóa tư tưởng Đông Tây dẫn đến vận động theo quỹ đạo hiện đại hài hòa giữa bản địa và ngoại lai, giữa đề kháng và xuyên văn hóa; + Vốn VHMT với mục tiêu kiện tráng quốc thể mà cốt lõi là tinh thần tự tôn dân tộc, tạo nên quỹ đạo vận động hàn gắn đứt gãy văn hóa dân tộc, đồng thời tái cấu trúc dân tộc tính; + Quan hệ tương tác giữa văn học với văn hóa, văn học với giáo dục cho thấy tập tính đề cao con người, tạo nên quỹ đạo vận động về phía duy trì bảo tồn chủ nghĩa nhân văn mang bản sắc dân tộc Việt”[41].
Nhất là, chỉ ra đóng góp lớn và vai trò lịch sử ý hướng Minh Tân không chỉ trong phạm vi thành viên Minh Tân Hội, còn là trường lực thúc đẩy vận động đấu tranh yêu nước ở Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
“Văn học Minh Tân còn là diễn ngôn kiến giải, diễn ngôn tái sản xuất, diễn ngôn kiến tạo niềm tin vào giá trị của trường trong quá trình sử dụng vốn và tương tác hệ trường. Hay nói rõ hơn, đó là: kiến giải thực trạng lạc hậu lệ thuộc của quốc dân, kiến tạo ý thức và hình tượng con người thời đại mới, tái sản xuất thông qua “biến số thứ cấp” như sự chuẩn bị cho “mùa sau”. Quả thực, hiện tượng văn học Minh Tân trong tương quan hệ trường vừa như “hệ miễn dịch” vừa như “hệ tuần hoàn” luân chuyển ý hướng “tác tân dân”, dung chứa mối hoài vọng thiết tha của những trái tim yêu nước thương nòi”[42].
Về mặt lý thuyết, tiểu luận nghiên cứu của Võ Quốc Việt qua trường văn học Minh Tân còn giúp người đọc hiểu rõ hơn khái niệm cấu trúc luận tạo sinh của Pierre Bourdieu. Với hai phương diện, khái niệm ấy gồm cả diễn hiện xã hội nội tại và diễn trình xã hội ngoại hiện. “Ý tưởng này chắc chắn xuất phát từ chính nguyên lý mà Bourdieu gọi là “cấu trúc luận tạo sinh” (structuralisme génétique). Theo nhà xã hội học, có hai cách thế tồn tại mang tính xã hội. Thứ nhất, là tồn tại ngoại tại: cách thế này thường cho ta thấy sự phân bố không đồng đều của các nguồn tài nguyên và các khả năng để tiếp cận và chinh phục nguồn tài nguyên. Thứ hai, là cách thế tồn tại nội tại: cách thế này thể hiện quá trình chủ thể xã hội kết nhập các điều kiện tồn tại khách quan của mình, dưới hình thức các sơ đồ tinh thần và vật chất”[43]. Và những chất điểm trường lực như Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Chánh Sắt, Trương Duy Toản, … góp phần “tạo sinh” thực hành xã hội thông qua trang văn. Diễn hiện xã hội bên trong và bên ngoài này không tách rời, ngược lại tương tác thúc đẩy lẫn nhau, mà trang văn là cách vật chất hóa diễn hiện xã hội bên trong thành diễn hiện xã hội bên ngoài. Trang văn như sự trung chuyển lực tác động từ trong ra ngoài và ngược lại.
Đáng ghi nhận không chỉ công sức của nhà nghiên cứu trẻ họ Võ trong việc thống kê dữ liệu (phải nói bề bộn) của trường văn học Minh Tân, điều đáng nói hơn chính là đóng góp của nhà phê bình trẻ trong việc minh định và xác định đúng mức vị trí của văn học Minh Tân trong dòng chảy lịch sử xã hội và tư tưởng đấu tranh yêu nước của Nam Kỳ từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Tập tính thể hiện cái “đà”, “xu hướng”, “thiên tính” mà có lẽ hậu thế rất nên tìm hiểu và tiếp nối. “Vốn” hay có thể hiểu đơn giản như di sản, giá trị tiềm tàng sẵn có trong đời sống xưa nay còn hằn lại trong chữ nghĩa. Đó là những “khả lực” quý báu mà người sau cần thiết cộng hưởng. Theo đó, Võ Quốc Việt giúp người đọc rút kết những bài học quý giá từ công trạng của tiền nhân. Thực học, thực nghiệp gắn liền tình yêu nước thương nòi đáng là giá trị nền tảng cho bạn trẻ thời nay hướng đến.
9. Phê bình hậu nhân (Posthumanist Criticism)
Đã nhắc tới hậu nhân luận từ một số bài viết trước đó nhưng phải đến bài báo khoa học “Từ hậu nhân luận đến phê bình hậu nhân” thì Võ Quốc Việt mới phác họa một cách tổng quan trào lưu tư tưởng này. Đồng thời, nhà phê bình trẻ họ Võ còn góp phần xác lập một phép đọc hậu nhân luận. Hay, người đọc có thể nói đến như là phê bình hậu nhân (chí ít trong hai lĩnh vực: điện ảnh và văn học).
Để phát triển khuynh hướng phê bình hậu nhân trong diễn ngôn văn học, Võ Quốc Việt đã đào sâu trước hết vào chính lịch sử hình thành phát triển và cốt lõi của trào lưu tư tưởng hậu nhân. “Hậu nhân luận như hệ thuyết mà quá trình vận động của nó về phía tương lai của tồn tại người và ngày càng dịch chuyển xa hơn phản nhân bản luận. Nó hướng tới thế giới hậu nhân với nền văn hóa hậu nhân mà biểu hiện chủ đạo trong thế giới đó: thực thể hậu nhân”[44]. Đây là, trào lưu tư tưởng phương Tây dù có lịch sử hình thành chí ít từ cách mạng công nghiệp lần I đến nay nhưng vẫn còn khá mới mẻ và đang tiếp tục vận động phát triển. Ở Việt Nam, có thể nói, Võ Quốc Việt là một trong số ít người sớm nhất đưa trào lưu tư tưởng này vào nghiên cứu văn học. Không chỉ vậy, chàng họ Võ còn cho thấy đây là khuynh hướng phê bình triển vọng khi ứng dụng lối phê bình này cho cả lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc.
“Ngoài ra, loạt phim về cuộc sống ngoài hành tinh, du hành liên sao cho thấy khát vọng thuộc địa hóa không gian và trở thành giống loài liên hành tinh của con người, đồng thời phản ánh cuộc chiến chạy đua vào không gian của các cường quốc công nghệ hiện nay (Hoa Kì, Trung Quốc, Nga, Nhật, Ấn Độ…). Trong khi đó, dòng phim tận thế và hậu tận thế, đặt ra những truy vấn về nguy cơ hủy diệt toàn cầu, các mối đe dọa ngoài hành tinh, cũng như đe dọa từ chính dã tâm của con người”[45].
Phê hình hậu nhân được Võ Quốc Việt góp phần giới thiệu và xác lập có những điểm đáng chú ý, đó là: lối phê bình này thể hiện mối tương liên cả phản nhân bản luận lẫn hậu nhân luận công nghệ; thể hiện tương liên giữa hậu nhân luận lẫn tương lai học; tập trung khảo cứu truy vấn hình tượng con người (tân nhân, hậu nhân); luận giải thực thể hậu nhân trong thực hành văn hóa; luận giải sự xuyên vượt người-vật, hữu sinh-vô sinh, vật chất-phi vật chất. Những đánh giá của nhà phê bình trẻ họ Võ thể hiện tầm nhìn mới mẻ và sự táo bạo của sức trẻ tràn nhựa sống. Đáng nói hơn, tầm nhìn ấy phóng chiếu vào truy vấn cốt lõi của tồn tại người và tính người. Nhà nghiên cứu trẻ không ngừng cứu xét các biểu hiện (vừa cơ hội vừa thách thức) cho đời sống con người hiện nay. Thời đại mà công nghệ ngày càng đi sâu vào từng ngóc ngách của cuộc sống thường ngày. Và,, thay vì kháng cự hoặc tránh né, Võ Quốc Việt cho rằng con người phải thích nghi và lựa cách thích nghi sao cho phù hợp để có thể tiếp tục tiến về tương lai.
“Việc thúc đẩy, điều hướng diễn biến nhân tính trong thời đại hậu công nghiệp – thời đại mà dù muốn dù không thì nhân hình nhân tính cũng phải vận động biến đổi để thích nghi – đồng thời cho thấy quá trình đi từ hậu nhân luận phê phán đến hậu nhân luận công nghệ. Phê bình hậu nhân không dừng lại và thực tế đã vượt qua tính phê phán để trở thành “tương lai học” trong nghiên cứu văn học nghệ thuật”[46].
Sự tiên báo của Võ Quốc Việt hẳn cần thêm thời gian minh chứng nhưng rõ ràng, không chỉ riêng Võ Quốc Việt… dường như một thế hệ trẻ đầy hứa hẹn đang ngày càng trưởng thành hơn. Đó là tín hiệu vui cho sinh hoạt học thuật, sinh hoạt văn nghệ đương thời.
Thay lời kết
Từ hành trình phê bình của Võ Quốc Việt, người đọc ắt hẳn nhận ra một vài đặc điểm – cũng có thể xem như những điểm sáng, những đóng góp nhỏ – của nhà phê bình trẻ này vào sinh hoạt phê bình văn học hiện nay. Trước hết, đó là quá trình vận động từ trường quy đến vượt ngoài trường quy. Cố  nhiên, cũng là quá trình vận động chung của những cây viết trẻ trong quá trình trau dồi và từng bước trưởng thành. Người đọc cảm nhận nơi nhà nghiên cứu họ Võ tinh thần cầu tiến, luôn luôn cập nhật và vì vậy, ở Võ Quốc Việt luôn thể hiện nhãn quan mới mẻ trong thực hành luận giải; đồng thời nâng cao tinh thần liên lý thuyết trong phê bình văn học. Với tinh thần như vậy, Võ Quốc Việt thể hiện khuynh hướng giao hòa tư tưởng Đông Tây (triết học hiện đại phương Tây và Phật giáo, Nho giáo).
Cho đến nay, hành trình phê bình văn học của Võ Quốc Việt là quá trình vận động từ nhãn quan phê bình của thời hiện đại dần tiến đến nhãn quan phê bình của thời hậu hiện đại bằng nền tảng kiến văn rộng rãi, đa dạng. Điều này, bộc lộ sở học vững chắc từ trường ốc đến thực tiễn sinh hoạt văn học đương thời. Ở thời kỳ đầu chập chững trang viết, chàng trai họ Võ có khuynh hướng trường quy song càng về sau, trang viết của chàng trai trở nên nhuần và nhuyễn hơn với tín hiệu mới mẻ, thú vị.
Nhìn qua các địa hạt phê bình, có thể nói, Võ Quốc Việt đóng góp vào nghiên cứu văn học Nam Bộ từ những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh, Nguyễn An Ninh cho tới thế hệ người viết văn hiện nay ở Nam Bộ (như Nguyễn Ngọc Tư, Huỳnh Trọng Khang). Trên dòng chảy đó, Võ Quốc Việt cũng có nhiều tiểu luận đánh giá văn nghiệp và thực hành luận giải sáng tác của một số nhà văn ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 (như Nhất Hạnh, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Trùng Dương, Phạm Công Thiện). Từ địa hạt văn học, nhà phê bình trẻ còn phóng tầm nhìn sang lĩnh vực điện ảnh. Đặc biệt với sự góp phần xác lập phê bình hậu nhân, trang viết của Võ Quốc Việt cho thấy triển vọng trong thực hành luận giải điện ảnh và văn học (nhất là các tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng).
Ở Võ Quốc Việt, phê bình hậu nhân có thể nói là đóng góp về mặt lý thuyết rất đáng chú ý. Từ phê bình ấn tượng, phê bình ý thức, … cho đến phê bình xuyên văn hóa, phê bình hậu nữ quyền, phê bình từ nhãn quan lý thuyết trường và đặc biệt phê bình hậu nhân, chàng họ Võ ngày càng vươn đến những chân trời mới, ngày càng dấn thân vào khu vườn văn chương nhiều hương sắc.
Tìm hiểu những khuynh hướng phê bình trên trang viết của Võ Quốc Việt, người đọc có thể cảm thông, động viên và chia sẻ ý hướng của chàng trai họ Võ với đam mê, khát vọng được đóng góp, được cống hiến cho nền lý luận phê bình văn học nước nhà.
Chú thích:
[1] Nguyễn Văn Trung (1968). Lược khảo văn học – Tập III. Nghiên cứu và phê bình văn học. Sài Gòn: Nam Sơn xuất bản, tr.115.
[2] Nguyễn Văn Trung (1968). Lược khảo văn học – Tập III. Nghiên cứu và phê bình văn học. Sài Gòn: Nam Sơn xuất bản, tr.116.
[3] Võ Quốc Việt (2022). Thôi rồi dương tính Trùng Dương! Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 04/5/2022. Nguồn: https://vanvn.vn/thoi-roi-duong-tinh-trung-duong-tieu-luan-cua-vo-quoc-viet/
[4] Võ Quốc Việt (2023). Thần chết mang tên Dương Nghiễm Mậu hay “nhân tính” qua “Ngã đạn”. Trang thông tin Văn nghệ Quảng Ngãi. Trích xuất ngày 04/11/2023. Nguồn: https://vanhocnghethuat.quangngai.gov.vn/i1332-than-chet-mang-ten-duong-nghiem-mau-hay-nhan-tinh-qua-nga-dan.aspx
[5] Võ Quốc Việt (2023). Trường thơ loạn qua mỹ quan Dionysos. Trang thông tin Văn nghệ Quảng Ngãi. Trích xuất ngày 02/11/2023. Nguồn: https://vanhocnghethuat.quangngai.gov.vn/i1330-truong-tho-loan-qua-mi-quan-dionysos.aspx
[6] Võ Quốc Việt (2022). Bất khả thuyết đười ươi: Giải tiếp nhận Thích Nhất Hạnh qua “Nẻo về của ý”. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 01/02/2022. Nguồn: https://vanvn.vn/bat-kha-thuyet-duoi-uoi-giai-tiep-nhan-thich-nhat-hanh-qua-neo-ve-cua-y/
[7] I. P. Ilin và E. A. Tzurganova (đồng chủ biên, 2018). Các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỉ XX: Khái niệm và Thuật ngữ (người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Trần Hồng Vân). Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia, tr.240.
[8] I. P. Ilin và E. A. Tzurganova (đồng chủ biên, 2018). Các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỉ XX: Khái niệm và Thuật ngữ (người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Trần Hồng Vân). Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia, tr.240.
[9] I. P. Ilin và E. A. Tzurganova (đồng chủ biên, 2018). Các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỉ XX: Khái niệm và Thuật ngữ (người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Trần Hồng Vân). Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia, tr.240.
[10] Võ Quốc Việt (2023). Nguyễn Ngọc Tư đã làm gì đời ta? Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 10/5/2023. Nguồn: https://vanvn.vn/nguyen-ngoc-tu-da-lam-gi-doi-ta/
[11] Võ Quốc Việt (2020). Chiều kích thứ thư trong Mưa nguồn và Lá hoa cồn của Bùi Giáng. Tạp chí khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 17, Số 1 (2020), tr.45 (37-48).
[12] Võ Quốc Việt (2018). “Người đọc tiềm ẩn” trong một số bài văn tế của Đặng Đức Siêu. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 15, Số 11 (2018), tr.47-48 (45-60).
[13] Võ Quốc Việt (2018). “Người đọc tiềm ẩn” trong một số bài văn tế của Đặng Đức Siêu. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 15, Số 11 (2018), tr.46 (45-60).
[14] I. P. Ilin và E. A. Tzurganova (đồng chủ biên, 2018). Các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỉ XX: Khái niệm và Thuật ngữ (người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Trần Hồng Vân). Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia, tr.243.
[15] I. P. Ilin và E. A. Tzurganova (đồng chủ biên, 2018). Các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỉ XX: Khái niệm và Thuật ngữ (người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Trần Hồng Vân). Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia, tr.242.
[16] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.199.
[17] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.204.
[18] Võ Quốc Việt (2022). Luận về thể tính thơ Bùi Giáng qua “Ngàn thu rớt hột”. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam ngày 23/01/2022. Nguồn: https://vanvn.vn/luan-ve-the-tinh-tho-bui-giang-qua-ngan-thu-rot-hot/
[19] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.65.
[20] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.63.
[21] Peter Barry (2023). Nhập môn lý thuyết văn học và văn hóa (nhiều người dịch). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.330.
[22] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.75-76.
[23] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.168-169.
[24] Võ Quốc Việt (2024). Văn học Minh Tân Hội ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX. Hội thảo khoa học quốc tế: “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ”. Trường Đại học Tây Đô và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.
[25] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.267.
[26] Raman Selden (2016). Phê bình nữ quyền (Hồ Liễu dịch). Trong Phùng Gia Thế và Trần Thiện Khanh (biên tập, 2016). Văn học và giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử). Hà Nội: Nxb. Thế giới, tr.48-49 (46-71).
[27] Chris Weedon (2016). Lý thuyết và phê bình nữ quyền (từ 1990 đến nay) (Thái Hà dịch). Trong Phùng Gia Thế và Trần Thiện Khanh (biên tập, 2016). Văn học và giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử). Hà Nội: Nxb. Thế giới, tr.155 (155-167).
[28] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.205-206.
[29] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.206.
[30] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.23.
[31] Peter Barry (2023). Nhập môn lý thuyết văn học và văn hóa (nhiều người dịch). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, tr.221.
[32] Võ Quốc Việt (2023). Dân gian triết (Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.70-71.
[33] Võ Quốc Việt (2023). Dân gian triết (Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.58-59.
[34] Võ Quốc Việt (2023). Dân gian triết (Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.66.
[35] Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.216.
[36] Võ Quốc Việt (2024). Triết văn triết sử trong văn học. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam Trích xuất ngày 03/6/2024. Nguồn: https://vanvn.vn/triet-van-triet-su-trong-van-hoc-tieu-luan-cua-vo-quoc-viet/
[37] Võ Quốc Việt (2024). Triết văn triết sử trong văn học. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam Trích xuất ngày 03/6/2024. Nguồn: https://vanvn.vn/triet-van-triet-su-trong-van-hoc-tieu-luan-cua-vo-quoc-viet/
[38] Võ Quốc Việt (2024). Triết văn triết sử trong văn học. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam Trích xuất ngày 03/6/2024. Nguồn: https://vanvn.vn/triet-van-triet-su-trong-van-hoc-tieu-luan-cua-vo-quoc-viet/
[39] Võ Quốc Việt (2024). Triết văn triết sử trong văn học. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam Trích xuất ngày 03/6/2024. Nguồn: https://vanvn.vn/triet-van-triet-su-trong-van-hoc-tieu-luan-cua-vo-quoc-viet/
[40] Phạm Văn Quang (2022). Lược khảo lý thuyết trường văn học của Bourdieu. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 6(1), tr.1477 (1476-1483).
[41] Võ Quốc Việt (2024). Văn học Minh Tân Hội ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX. Hội thảo khoa học quốc tế: “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ”. Trường Đại học Tây Đô và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.
[42] Võ Quốc Việt (2024). Văn học Minh Tân Hội ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX. Hội thảo khoa học quốc tế: “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ”. Trường Đại học Tây Đô và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.
[43] Phạm Văn Quang (2022). Lược khảo lý thuyết trường văn học của Bourdieu. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 6(1), tr.1477 (1476-1483).
[44] Võ Quốc Việt (2024). Từ hậu nhân luận đến phê bình hậu nhân. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 21, Số 4 (2024), tr.651 (650-664).
[45] Võ Quốc Việt (2024). Từ hậu nhân luận đến phê bình hậu nhân. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 21, Số 4 (2024), tr.661 (650-664).
[46] Võ Quốc Việt (2024). Từ hậu nhân luận đến phê bình hậu nhân. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 21, Số 4 (2024), tr.662 (650-664).
Tài liệu tham khảo
– Peter Barry (2023). Nhập môn lý thuyết văn học và văn hóa (nhiều người dịch). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
– P. Ilin và E. A. Tzurganova (đồng chủ biên, 2018). Các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỉ XX: Khái niệm và Thuật ngữ (người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Trần Hồng Vân). Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia.
– Phạm Văn Quang (2022). Lược khảo lý thuyết trường văn học của Bourdieu. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 6(1), tr.1476-1483.
– Raman Selden (2016). Phê bình nữ quyền (Hồ Liễu dịch). Trong Phùng Gia Thế và Trần Thiện Khanh (biên tập, 2016). Văn học và giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử). Hà Nội: Nxb. Thế giới, tr.46-71.
– Nguyễn Văn Trung (1968). Lược khảo văn học – Tập III. Nghiên cứu và phê bình văn học. Sài Gòn: Nam Sơn xuất bản.
– Võ Quốc Việt (2018). “Người đọc tiềm ẩn” trong một số bài văn tế của Đặng Đức Siêu. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 15, Số 11 (2018), tr.45-60.
– Võ Quốc Việt (2020). Chiều kích thứ thư trong Mưa nguồn và Lá hoa cồn của Bùi Giáng. Tạp chí khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 17, Số 1 (2020), tr.37-48.
– Võ Quốc Việt (2021). Hạt phù sa sông nước Cửu Long (Bước đầu tìm hiểu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
– Võ Quốc Việt (2022). Luận về thể tính thơ Bùi Giáng qua “Ngàn thu rớt hột”. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 23/01/2022. Nguồn: https://vanvn.vn/luan-ve-the-tinh-tho-bui-giang-qua-ngan-thu-rot-hot/
– Võ Quốc Việt (2022). Bất khả thuyết đười ươi: Giải tiếp nhận Thích Nhất Hạnh qua “Nẻo về của ý”. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 01/02/2022. Nguồn: https://vanvn.vn/bat-kha-thuyet-duoi-uoi-giai-tiep-nhan-thich-nhat-hanh-qua-neo-ve-cua-y/
– Võ Quốc Việt (2022). Thôi rồi dương tính Trùng Dương! Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 04/5/2022. Nguồn: https://vanvn.vn/thoi-roi-duong-tinh-trung-duong-tieu-luan-cua-vo-quoc-viet/
– Võ Quốc Việt (2023). Dân gian triết (Nghiên cứu văn xuôi Trần Bảo Định). TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
– Võ Quốc Việt (2023). Nguyễn Ngọc Tư đã làm gì đời ta? Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam. Trích xuất ngày 10/5/2023. Nguồn: https://vanvn.vn/nguyen-ngoc-tu-da-lam-gi-doi-ta/
– Võ Quốc Việt (2023). Trường thơ loạn qua mỹ quan Dionysos. Trang thông tin Văn nghệ Quảng Ngãi. Trích xuất ngày 02/11/2023. Nguồn: https://vanhocnghethuat.quangngai.gov.vn/i1330-truong-tho-loan-qua-mi-quan-dionysos.aspx
– Võ Quốc Việt (2023). Thần chết mang tên Dương Nghiễm Mậu hay “nhân tính” qua “Ngã đạn”. Trang thông tin Văn nghệ Quảng Ngãi. Trích xuất ngày 04/11/2023. Nguồn: https://vanhocnghethuat.quangngai.gov.vn/i1332-than-chet-mang-ten-duong-nghiem-mau-hay-nhan-tinh-qua-nga-dan.aspx
– Võ Quốc Việt (2024). Văn học Minh Tân Hội ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX. Hội thảo khoa học quốc tế: “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ”. Trường Đại học Tây Đô và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.
– Võ Quốc Việt (2024). Triết văn triết sử trong văn học. Trang thông tin Hội Nhà văn Việt Nam Trích xuất ngày 03/6/2024. Nguồn: https://vanvn.vn/triet-van-triet-su-trong-van-hoc-tieu-luan-cua-vo-quoc-viet/
– Võ Quốc Việt (2024). Từ hậu nhân luận đến phê bình hậu nhân. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM – Tập 21, Số 4 (2024), tr.650-664.
– Chris Weedon (2016). Lý thuyết và phê bình nữ quyền (từ 1990 đến nay) (Thái Hà dịch). Trong Phùng Gia Thế và Trần Thiện Khanh (biên tập, 2016). Văn học và giới nữ (Một số vấn đề lý luận và lịch sử). Hà Nội: Nxb. Thế giới, tr.155-167.
4/8/2024 
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...