Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Màu áo vô ưu

Màu áo vô ưu

Bà Tường giữ chiếc áo mưa cho đứa nhỏ khỏi bị ướt, bà đi trong mưa gió như người mê sảng. Bà loay hoay trong một mớ hỗn độn. Con người sao lại ác độc tới như thế. Bà nhìn đứa bé mà như thấy ánh mắt van lơn của con gái bà.
Chùa Linh Sơn ở huyện X, vốn là một ngôi chùa cổ, trải qua nhiều đời không có sư trụ trì, chỉ có vị sãi già nọ trông coi. Khi sãi chết đi, có một ni cô đến thay quán xuyến mọi việc trong chùa. Ni cô đến chùa vào một ngày bão vừa tan, trên tay bế một đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn. Ni cô hiệu là Thích Nhiên An còn rất trẻ, mặt cúi gằm, bế đứa bé đi qua những ánh mắt ngạc nhiên, những lời bàn tán xì xào để bước tới cổng chùa.
Chẳng bao lâu sau những lời đồn thổi được lan truyền trong huyện X. Ni cô trẻ người non dạ chẳng may nhỡ nhàng, hận đời nên quyết cắt tóc đi tu, vì chùa này ở nơi thâm sơn cùng cốc nên được điều đến để tránh tai tiếng của thiên hạ, cũng là một cách lánh đời. Một đồn mười, mười đồn trăm, những con nhang đệ tử xưa hay lui tới chùa thì nay lảng tránh dần, chùa mất thiêng. Không còn trông mong gì vào lễ lạt của dân chúng vào tư rằm mùng một, sư cô Thích Nhiên An tự trồng cấy lấy lương thực nuôi mình và nuôi con. Ngày hai buổi sớm chiều, người ta vẫn nghe tiếng chuông trên chùa Linh Sơn đanh đanh vẳng xuống chân núi.
Sư cô Thích Nhiên An cứ như vậy vượt qua sự nghi kị của người đời nuôi chú tiểu Dương khôn lớn. Chú tiểu Dương nhanh nhẹn hoạt bát nhưng phải cái lời chú thốt ra thường chữ nọ níu lấy chữ kia thành ra không ai nghe được chú ta đang muốn nói điều gì, dân gian tục gọi là ngọng. Vì chú tiểu Dương ở chùa, mỗi lần ra chào khách thay vì chào hỏi bình thường, chú sẽ chắp tay trước ngực, mặt hơi cúi xuống để thể hiện ra sự trang trọng. Sư cô dặn như thế nào, chú tiểu Dương cứ y thế mà làm, ngoan ngoãn, không bao giờ cãi lại nửa câu.
Ông Tường là một trong những đại gia ở huyện X. Vợ đại gia Tường là một người tín tâm, mặc mọi lời lẽ dèm pha sư trụ trì, bà vẫn thường xuyên lui tới chùa Linh Sơn để cúng dường, làm công quả cho chùa. Một ngày nắng chang chang, dường như có bao nhiêu lửa trong người lão mặt trời đổ cả xuống trần gian, cả huyện X bàng hoàng nghe tin đại gia Tường chết. Ông Tường ra đi đột ngột không kịp trăng trối gì lại với vợ con. Bà Tường sai người nhà lên chùa Linh Sơn báo với sư trụ trì xuống để hộ niệm cho người chết. Sư cô Thích Nhiên An lật đật sai chú tiểu Dương chuẩn bị để đi theo mình xuống núi.
Lần đầu chú tiểu Dương được theo sư phụ vào phố huyện thì thích chí lắm. Chú tiểu Dương cứ ngẩn tò te ra mà nhìn phố xá thênh thang, hàng quán bầy biện đầy ra hai bên đường với những tấm biển to lớn đủ màu sắc, chỗ này bán cơm ăn, chỗ kia bán quần áo, bánh kẹo, bán đá, bán đặc sản rừng, gi gỉ gì gi cái gì cũng có, đầy đủ thuận tiện. Sư cô Thích Nhiên An mấy lần phải giật tay áo chú, chú mới kiềm lại được sự vui thích của mình, đầu chú luôn phải tự nhẩm câu “A Di Đà Phật” để trấn tĩnh thân tâm.
Từ cổng vào đến nhà chính của ông Tường phải đi qua một vườn cây với đủ các loại kỳ hoa dị thảo mà chú tiểu Dương chưa từng thấy bao giờ. Mặc dù đương lúc tang gia bối rối nhưng chú tiểu Dương cũng thấy rõ sự cắt đặt chu đáo của chủ nhà, mọi thứ đều rất hợp lý, buồn nhưng lại sang trọng quá thể. Chú tiểu Dương cứ ngây ra, lạc lõng ở một thế giới khác nhiều so với cảnh chùa thanh tịnh tịch mịch.
Chú tiểu Dương được sắp xếp ngồi ngay bên cạnh sư phụ, ngay cạnh xác chết nằm trong quan tài, gương mặt vẫn còn hồng hào như đang say ngủ. Tất cả mọi người trong ban hộ niệm đều giữ vẻ mặt thanh tịnh, nghiêm trang tụng niệm để hướng hồn người chết siêu thoát về cõi cực lạc. Sau tám tiếng, gia chủ bắt đầu đưa xác đi khâm liệm, trời đã quá tối không thể trở về chùa, sư cô đành nghe theo sự vật nài của gia chủ mà ở lại qua đêm.
Sau khi dùng qua loa bữa chay cho gia chủ yên lòng, chú tiểu Dương được sắp xếp một phòng ngủ mà theo sự quan sát của chú rất là đẹp đẽ, sạch sẽ, lịch sự.
Một ngày dài mệt nhọc, đang tuổi ăn tuổi lớn, chú tiểu Dương nằm xuống là ngủ ngay. Nửa đêm chú tiểu Dương bất chợt tỉnh giấc bởi những tiếng động rất khẽ.
Lần đầu ngủ ở một căn nhà lạ, nhà lại đang có người chết khiến chú tiểu Dương bất chợt rùng mình, một luồng không khí lạnh chạy dọc lưng chú khiến gai ốc trên tay chân kéo nhau nổi lên hết cả.
Tiếng động khẽ khàng, kì cạch rồi chuyển sang tiếng rầm rì to nhỏ. Chú tiểu Dương mặc dù rất sợ hãi nhưng vẫn không chiến thắng nổi sự tò mò mà bước chân lần ra cửa. Luồng gió lạnh từ điều hòa thổi xuống liên tục khiến chú càng cảm giác thấy như mình đang đạp trên mây trên gió chứ không thực sự là chân của mình nữa. Lấy hết can đảm, chú tiểu Dương khẽ khàng mở cánh cửa, hé mắt ra nhìn. Là sư phụ Thích Nhiên An, bên cạnh là bà vợ của đại gia Tường. Mặc dù hai người nói chuyện rất nhỏ nhưng trong đêm tối yên tĩnh, từng tiếng nói cứ hồn nhiên chui vào tai chú tiểu Dương như chú đang trực tiếp ngồi nghe vậy.
– Này chị, bây giờ ông ấy chết rồi, chị vẫn định giữ bí mật này mãi hay sao?
Sư cô Thích Nhiên An hỏi, vẻ mặt bà Tường đột nhiên trở nên căng thẳng. Chú tiểu Dương chưa bao giờ thấy sư phụ nói chuyện thân thiết như vậy với vợ đại gia Tường thì càng lấy làm lạ.
– Tôi vẫn thấy nên giữ kín thì hơn thầy ạ.
Bà Tường trả lời, khuôn mặt không giấu nổi sự lúng túng.
– Bây giờ thằng bé cũng đã lớn, nó cũng đã hiểu chuyện. Chị còn muốn chờ tới bao giờ nữa. Hơn nữa… Hơn nữa, con gái chị cũng đã có gia đình, còn gì đáng để trở ngại nữa?
– Suỵt!
Bà Tường ra dấu, rồi nhìn quanh quất đầy vẻ lo sợ.
– Tôi xin thầy. Tôi biết tôi nợ thầy nhiều lắm. Nhưng tôi xin thầy, thầy đã giúp thì giúp cho trót. Ông nhà tôi mất, tôi có gọi điện cho con bé. Thầy có biết nó nói gì không? Nó bảo đáng đời ông ấy. Thế mà rồi nó cũng có thèm về nhìn mặt bố nó lần cuối đâu? Hu hu hu.
Bà vợ đại gia Tường sụt sịt, nước mắt rơi ra lã chã. Sư cô Thích Nhiên An nhìn thấy cũng động lòng thương cảm mà không nói gì nữa. Chú tiểu Dương nhẹ nhàng khép cửa rồi leo nhanh lên giường nhưng cứ hễ nhắm mắt là từng câu từng chữ trong đoạn hội thoại ấy lại hiện ra. Thằng bé? Thằng bé nào thế nhỉ? Chú tiểu Dương chập chờn đi vào giấc ngủ với câu hỏi không sao có được lời giải đáp.
Ngày hôm sau đã bắt đầu lễ viếng đại gia Tường. Người tới viếng xếp hàng dài dằng dặc, vòng hoa to nhỏ đủ kiểu dáng, màu sắc, hàng chữ “Kính viếng” được in to nổi bật. Người tới viếng xong, uống được chén nước rồi vội vã rời đi, phải tội vì thời tiết nóng nực quá, ông chủ Tường đáng thương chết vào giữa thời điểm nóng nực nhất trong năm.
Chú tiểu Dương chẳng mấy khi rời khỏi sư phụ trừ những lúc sư phụ sai cậu làm việc lặt vặt, vì vậy hầu như chú luôn luôn túc trực ở bên cạnh linh cữu. Có lần đi lấy nước, chú thấy vài người xầm xì to nhỏ, sau lại chỉ trỏ vào chú. Vốn tính e ngại, chú tiểu Dương chỉ cúi mặt xuống làm qua quýt rồi lại vào trong nhà với sư phụ. Có lần tụng đến Bát nhã tâm kinh, chú tiểu Dương nhập tâm quá tụng ra thành tiếng. Chẳng ai nghe rõ ra chú đang đọc gì, có người bụm miệng, có người còn đem cả điện thoại ra quay. Chú tiểu Dương chẳng để ý, chú tâm đọc:
– Nhiết nhế nhiết nhế, nha nha nhiết nhế, nha nha nhăng nhiết nhế, nhồ nhề nhát nhà nha* …
Câu cuối của Bát nhã tâm kinh với nghĩa “qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó” của đại minh chú bị chú tiểu Dương đọc thành ra như thế. Dù tâm chú tiểu Dương trong sạch, không vẩn chút tà ý nào vẫn thành ra có ác ý, trở thành trò cười của thiên hạ, thực là đáng thương hơn đáng trách. Sư phụ của chú tiểu Dương – sư cô Thích Nhiên An ngay lập tức nhìn ra sự tình, sư cô nhíu mày, giật tay áo chú tiểu Dương. Chú tiểu Dương thôi đọc thành lời, chỉ lẩm nhẩm ở trong miệng, bồ tát trên cao chứng giám cho tấm lòng của chú.
Khi ông Tường được đưa ra nghĩa trang, chỉ có bà vợ vật vã than khóc, còn người nhà mắt ráo hoảnh, chỉ cúi đầu ra vẻ rầu rĩ. Ông Tường không có con trai, có hai người con gái thì một người đã mất từ lúc nhỏ, còn lại một cô con gái thì không thấy về chịu tang cha. Người ta đi đưa đám ông không ai thắc mắc điều ấy nhưng trong lòng nhiều người thì hiểu rõ.
Ông Tường là một người buôn bán, giỏi tính toán, trên thương trường chưa từng thất bại. Ông cũng từng giúp đỡ nhiều người nhưng những kẻ thù ghét ông cũng không ít. Một trong số những kẻ đối nghịch đã khiến đứa con gái ông yêu quý dù chưa đến tuổi lấy chồng đã phải làm mẹ. Ông căm phẫn nhốt đứa con dại dột đó vào trong nhà, mặc cho nó gào thét đập phá đòi đi với người yêu, mặc cho cả “thằng kia” quỳ sống quỳ chết trước cửa nhà ông giữa trời nắng bỏng.
Con gái ông Tường trở dạ vào một ngày mưa gió. Ngay sau đó, đứa trẻ bị mang đi mất. Con gái ông Tường nhớ con gào khóc đến điên dại mà lòng ông vẫn lạnh tanh. Ông Tường đưa con đi học ở thành phố nào xa lắc cốt để quên đi đoạn quá khứ đau buồn. Người yêu con gái ông Tường vì chán đời mà từ bỏ mọi cơ nghiệp đi lang bạt tận đẩu tận đâu không ai rõ.
Đấy là những câu chuyện mà chú tiểu Dương nghe lỏm được trong đám ma. Thật tội nghiệp cho cả ba người, cuối cùng thì chẳng ai được gì, tất cả đều tổn thương nhau chỉ vì cái thù oán day dứt. Đám ma xong xuôi, chú tiểu Dương theo sư cô Thích Nhiên An về lại chùa. Mấy hôm sau, vợ đại gia Tường lại lên chùa gặp sư cô Thích Nhiên An. Sư cô sai chú tiểu Dương ra sân trước quét lá nhưng vì quá tò mò chú nấp lại sau cửa để nghe trộm câu chuyện của hai người.
– Bây giờ nhà tôi chẳng còn ai thầy ạ. Ra vào lủi thủi một mình thì tôi buồn lắm. Tôi đã nghĩ kỹ những lời thầy nói hôm trước. Tôi mang ơn thầy thật nhiều. Thầy đã không quản ngại thị phi mà nuôi nấng, chăm bẵm thằng bé. Cả đời này tôi nợ thầy.
Nói xong thì nước mắt bà Tường rơi lã chã. Sư cô Thích Nhiên An còn nói thêm điều gì đó đại loại như đó là chữ duyên, là cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, là sứ mệnh của người tu học. Chú tiểu Dương nghe không còn rõ nữa, đầu óc chú bung biêng, đôi chân nhũn cả ra chẳng còn sức sống. Chú tiểu Dương chạy vụt đi nước mắt chú rơi xuống thấm ướt chiếc áo nâu sòng.
Trở lại hơn mười năm trước, vào một đêm mưa to gió lớn, bà Tường ẵm đứa nhỏ còn đỏ hỏn đi trong trời mưa gió. Đứa trẻ là con trai, giá mà nó là con của bà, bà đã mong ngóng biết bao nhiêu. Bà đã quỳ xuống chân ông Tường, bao nhiêu năm làm vợ ông bà cam chịu mọi thứ, chưa bao giờ xin xỏ ông ấy bất cứ một điều gì. Thế mà ông ấy vẫn nhẫn tâm. Bà đã không thể lay chuyển được sự thù ghét của ông Tường, đứa trẻ có tội tình gì đâu.
Bà Tường giữ chiếc áo mưa cho đứa nhỏ khỏi bị ướt, bà đi trong mưa gió như người mê sảng. Bà loay hoay trong một mớ hỗn độn. Con người sao lại ác độc tới như thế. Bà nhìn đứa bé mà như thấy ánh mắt van lơn của con gái bà.
Đúng lúc ấy, ni cô Thích Nhiên An cũng vừa tới nhận nhiệm vụ trị sự ngôi chùa Linh Sơn thì gặp bà Tường ở trên đường. Nghe bà Tường kể rõ sự tình, ni cô Thích Nhiên An đã đồng ý nhận nuôi đứa trẻ. Bà Tường trở về nhà nói với chồng đứa trẻ đã chết, kỳ thực nó đã được ni cô Thích Nhiên An nuôi nấng và chính là chú tiểu Dương sau này.
Nhiều năm sau, cũng vào một ngày trời nắng chang chang, chùa Linh Sơn có sư thầy về thuyết giảng. Thầy nói chuyện rành rọt, dễ hiểu, nghe đâu thầy học cao hiểu rộng lại là một vị thầy giảng pháp hay nổi tiếng. Những người già nhìn thấy khuôn mặt thầy nhang nhác quen quen như chú tiểu Dương đã bỏ chùa đi ngày nào…
Chú thích:
* Nguyên văn: “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” trích Bát Nhã tâm kinh.
9/8/2024
Đặng Thùy Tiên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...