Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Pơ Thi mênh mang mùa gió

Pơ Thi mênh mang mùa gió

So với nhiều vùng khác của cao nguyên Ban Mê, Buôn Đôn nóng hơn đến vài ba lần. Cuối mùa khô. Lác đác Yang đã trút xuống cho đất khát một vài cơn mưa đầu tiên, khiến không khí không còn cái hầm hập gay gắt của những thời khắc chuyển mùa ở cao nguyên nữa. Đất đai và cây lá trong rừng trở mình sau vài đợt tưới tắm, dẫu còn hiếm hoi, vẫn bừng nảy ngay lộc biếc. Đa số nhành khô khỏng còn nguyên đó, nhưng màu xanh nõn của lá non đã làm dịu mát hẳn mắt người. Lũ ve rừng tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, dán thân hình dẹp lép vô các nếp nứt nẻ trên vỏ thân cây khô hớn hở hát ca inh ỏi chào mưa. Mùa này người ta đang hối hả lo dọn rẫy, chờ mưa xuống nhiều hơn nữa là trồng tỉa. Khắp các triền đồi cỏ cây khô cháy rừng rực, khói trắng khói đen toả che đặc kín cả một vùng trời.
Mùa khô cũng là mùa gió, những cơn gió cao nguyên lồng lộng lang thang đi khắp đất trời, gói ghém mang theo nhiều loại mùi hương khác nhau. Hương hoa cà phê những tháng cuối cùng của năm, tháng ba mùa xuân về là hương các loại hoa rừng, mùi khói đốt rẫy vào những tháng mùa khô bàn giao quyền lực thiên nhiên cho mùa mưa, mùi cà phê rang ấm những đường phố mùa đông se se hơi lạnh… Mùi thơm của cỏ cháy lẫn trong mùi khen khét của khói lửa than mùa đốt rẫy, không biết vì sao vẫn thường ám ảnh tâm trí người  xa quê ghê lắm.
Sau vài đêm cột rượu cần, hỏi ý kiến tất cả  các vị cao tuổi buôn phía đông, plei phía tây trong dòng họ nội ngoại, ama Phi đã quyết định được ngày làm lễ Pơ thi cho bố vợ. Việc bỏ mả là một trong những lễ nghi quan trọng của dòng tộc, là cuộc chia tay vĩnh viễn với  người đã khuất, để cho linh hồn được đầu thai và tái sinh ở những kiếp sống khác. Còn người ở lại, sau lễ bỏ mả, cũng bắt đầu một cuộc sống có thể khác trước đó. Thường thì người ta không quy định thời gian nào, bao nhiêu lâu phải làm lễ Pơ thi, chủ yếu là gia đình bớt thương nhớ và chuẩn bị đầy đủ gạo, thịt mà đãi đằng bà con, bè bạn thôi. Xem ngày còn là để đừng trùng với việc lớn của các bếp khác là được. Như tuần trăng trước nữa là Pơ thi của nhà Ama Then ở buôn Yang Lang, tuần trăng vừa mới đây, mọi người đi tận M’Drăk làm Pơ thi cho Aê Tha La đó. Cũng phải làm sớm, vì đến mùa trồng tỉa rồi, bắt bà con buôn sang nghỉ mấy ngày đi dự việc lễ nhà mình cũng không nên.
Con bé H’Lin cứ lâu lâu lại hỏi mẹ:
– Còn mấy ngày nữa đến Pơ thi cho ông ngoại hả amí?
– Còn một tháng.
– Còn mấy ngày…
– Còn mười ngày! Mà sao con hỏi hoài vậy. Lớp 11 rồi. Tính lui đi là biết chớ.
– Tại con sợ biết đâu mấy người già với ama lại thay đổi ý kiến thì sao?
Lúc khác con bé lại băn khoăn:
– Ami ơi, hồi nào giờ con không biết múa suang,đến lễ làm sao theo cho kịp mọi người?
– Thứ đó ở trong máu người Jrai mình rồi, con cứ nắm tay vô vòng suang một lúc là chân bước theo được thôi mà .
Con bé sốt ruột cũng đúng thôi, 17 tuổi, nó biết tộc người Jrai của mình có lễ Pơ thi vui lắm, không chỉ có tụ tập đông thiệt đông người đến để  ăn uống, có nhiều món ăn từ thời ông bà xưa, thỉnh thoảng mới được nấu nữa chớ, mà còn đánh chiêng trai gái múa hát suốt đêm. Nhưng là chỉ mới nghe nói lễ Pơ thi, chứ từ lúc biết ghép vần cho tới mùa cây blang ở sân trường nở hoa đỏ này nó đang ngồi ghế lớp 11, con bé chưa được tham gia lần nào. Thì những năm trước cũng có chỗ này, chỗ kia làm bỏ mả, hoặc lễ hội này nọ, nhưng là nhà người ta, nên chỉ ama hoặc cả ama, amí của H’Lin đi, chứ con nít đâu có được theo. Những lễ hội theo phong tục dân tộc mà ba nó khởi xướng từ hồi còn làm công tác ở huyện Đoàn, vẫn còn được duy trì cho tới bây giờ, khi ông đã là cán bộ huyện (nghe nói đã được ghi vô cả sách du lịch thế giới). Ngoài đua voi và đua thuyền độc mộc ở ngay buôn, còn lại nó cũng không mấy ham xem, vì người ta làm ở trong khu riêng, lại còn thường bán vé và chỉ toàn thấy khách ở đâu đâu tới. Hơn nữa, suốt gần hết quãng thời gian học phổ thông, nó được gửi ở nhà người mẹ nuôi để đi học ngoài thành phố Buôn Ma Thuột, năm nay mới về trường ở huyện, có biết gì mấy đến tập tục của dân tộc mình đâu. Còn  bây giờ là lễ bỏ mả của ông ngoại mình, sao con bé không nôn nóng chớ.
Mà không riêng gì cô bé H’Lin, dì H’La của nó cũng chộn rộn không kém. Vừa tốt nghiệp thạc sĩ y khoa ở Mỹ chưa đầy tháng, nhưng cô phải về ngay cho kịp trúng lễ lớn của gia đình. Hồi ở bên đó, mấy cuộc xemina của lớp, H’La đã có dịp giới thiệu với thầy cô và bè bạn một số bài hát về Tây Nguyên, do các ca sĩ người dân tộc thể hiện, cả bộ phim Video “lễ ăn cơm mới của người Êđê” nữa. Cũng may là chị Ba đã rất chu đáo, ngày H’La chuẩn bị lên đường, mới nói vài câu, chị đã lo ngay băng Video và đĩa VCD cho H’La mang đi. Các bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường với mấy nhạc sỹ người Êđê qua giọng hát của ca sĩ Y Moan, Siu BLack, Y Zăk… thì nổi tiếng khắp đất nước, chứ không riêng ở Tây Nguyên rồi. Nhưng đem qua Trường Đại học ở một bang khá là xa của nước Mỹ, nơi mà H’La theo học chương trình thạc sĩ y khoa cộng đồng, cũng được bạn bè các nước ai xem cũng thích. Không chỉ vì lạ đâu, mà còn vì nghệ thuật âm nhạc và tính nhân văn của lễ hội mà KSơr H’La thuyết trình. Ông giáo sư còn năn nỉ H’La cho mượn in sang lại để mang về nhà cùng vợ con xem nữa chớ.
Cũng từ những cuộc xemina ở tận bên nước Mỹ xa xôi ấy, bác sĩ H’La mới nhận ra tình cảm quê hương, lòng tự hào văn hóa dân tộc nằm ẩn đâu đó trong mình sâu xa đến chừng nào. Những đêm sau khi thuyết trình, chính H’La lại là người thao thức vì nỗi nhớ đến thổn thức cả tâm trí. Cô không ngờ rằng mùi khói đốt rẫy hăng hăng đến cay xè cả mắt mũi của lá cỏ kmrâo, âm thanh bing bing boòng boòng rạo rực của dàn ching arap, tiếng đàn goong tửng tưng tỷ tê tỏ tình của lũ con trai những đêm trăng, nơi chiếc cầu bắc ngang dòng suối giữa buôn, đến cả mùi phân voi ngai ngái nóng sực sau nhà, lẫn màu vàng  của những đồi hoa dã quỳ rừng rực giữa mùa mưa… đều ám ảnh giấc ngủ và tâm thức cô hàng đêm. Có những giấc mơ thật và gần đến nỗi H’La giật mình thức giấc, vì những nhồi xóc lắc lư trên lưng chú voi Bặc Khăm chở lúa từ rẫy về…
Những ngày làm thủ tục xin học bổng đi học, viết tự giới thiệu về mình và trả lời phỏng vấn, cô cũng chỉ nói chung chung rằng dân tộc Jrai mình có một nền văn hóa truyền thống rất độc đáo, quê hương Buôn Đôn của cô là một vùng văn hóa đa sắc tộc, nơi duy nhất có nghề săn bắt, thuần dưỡng voi, cũng là nơi có đàn voi nhà đông nhất ở Việt Nam. Nhưng nơi đây chưa được phát huy hết tiềm năng, người dân còn thiếu trầm trọng sự chăm sóc y tế, nếu có người không chỉ biết nghề, mà còn có tâm huyết và chăm lo tới sự phát triển đời sống xã hội của cộng đồng, dân trí sẽ được nâng lên, đồng nghĩa với việc ý thức bảo tồn văn hoá cũng sẽ được khơi dậy. Ngay cả chị Ba, khi viết thư giới thiệu cô với tổ chức cấp học bổng, cũng nhận xét bác sĩ H’La là người toàn tâm với sự phát triển của văn hoá xã hội cộng đồng tộc người thiểu số. Nhưng ý tứ sâu xa của những từ ấy, H’La chỉ nhận thức được đầy đủ sau những đêm mất ngủ ở ký túc xá đại học tận một vùng xa đến khủng khiếp đối với Buôn Đôn quê cô, tại nước Mỹ. Ý thức được trách nhiệm của mình, nên cô đã nỗ lực để có một kết quả học tập không phải hổ thẹn với gia đình và buôn làng. Khi thành phố ven biển nơi cô học bị sóng thần tàn phá, H’La cũng nằm trong số những người quay lại gần như đầu tiên, để giúp các nhân viên y tế cứu chữa các nạn nhân, bằng chính nghề nghiệp của mình. Cũng vì quyết tâm học để quay trở về Buôn Đôn phục vụ, mà năm ngoái cha mất, cô không có mặt ở nhà. Vậy nên tâm trạng nôn nao mong chờ ngày Pơ thi cho ama, với thạc sĩ – bác sĩ  KSơr H’La dường như cũng chẳng khác gì con bé H’Lin 17 mùa gió kia là mấy .
Quyết định được ngày làm lễ bỏ mả Pơ thi cho bố vợ rồi, Ama Phi lại lo chuyện khác. Việc xây nhà mồ mới cho Âe Phi đã làm anh đau trong đầu không ít. Amí Phi thì nói dựng nhà mồ gỗ như ông bà xưa, anh lại muốn vẫn xây theo đúng hình dạng truyền thống, nhưng cột ốp gạch men, sàn lát gạch bông, mái lợp tôn giả ngói. Mấy người bạn và anh chị em trong dòng họ còn dè dặt bàn góp điều này điều nọ, chớ chị Ba của anh, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tây Nguyên thì rất băn khoăn  :
– Cậu là lãnh đạo, xây nhà mồ lát gạch bông, gạch men như vậy sau này thành phong trào, gia đình nào trong các buôn cũng cố bắt chước theo, thì tiền đâu bà con làm? Cậu biết rõ người mình hay theo nhau mà.
– Chị có lạc hậu không thế? Việc xây nhà mồ bằng gạch phổ biến khắp Tây Nguyên từ hàng chục năm nay rồi nhé. Bắt đầu từ hồi vận động dời buôn định canh định cư, nghĩa là cách đây tới hơn hai mươi mùa cà phê rồi bà chị yêu quý ơi. Mà bây giờ lấy đâu ra gỗ hả chị? Không lẽ chặt mấy cây khộp còng queo khô khốc trong khu nhà mả ấy ư?
– Mỗi một lễ Pơ thi theo phong tục tốn kém bao nhiêu thời gian và lương thực. Bây giờ lại còn xây to, ốp cả gạch bông như cậu muốn, thì gia đình mình không chỉ góp phần làm mất phong tục truyền thống, mà còn  tạo nên phong trào đua nhau xây nhà mồ tốn kém theo kiểu  làm “thành phố người chết” đấy nhé. Mà làm nhà mồ gạch, lấy chỗ nào cho mấy tượng gỗ chim công với ngà voi chứ?
– Sao lại mất phong tục được? Vẫn giữ đúng kiểu nhà mồ xưa mà. Chị muốn bao nhiêu tượng mồ em cũng bảo thợ xây làm cho đủ nhé. Đến lễ em mời cả hai đội ching chêng già, trẻ nữa đó. Ai muốn suang kiểu nào cũng được hết. Chị chờ đó mà coi.
Đêm nằm gối đầu lên ngực vợ, nghe tiếng gió mùa khô xiết đám lá cành trên mái nhà rào rạo, cả tiếng tranh cãi đến khản cả giọng của lũ ve wai jut, wai tê, nghĩ tới nghĩ lui, cho dù nhiều ý kiến qua lại, cuối cùng Ama Phi vẫn quyết định xây theo ý mình. Anh nói với vợ, mà cũng là cố thuyết phục chị Ba luôn:
– Anh Hai đi đã hơn ba năm chưa về lại buôn. Bây giờ bỏ mả, báo tin rồi mà cũng không chắc ảnh có về được không? Năm ngoái  ông già mất, ảnh không về, vợ chồng mình đã  tang lễ chu tất, nay chỉ còn bỏ mả, ngoài việc lo ăn uống cho đầy đủ, thì quan trọng nhất là dựng cho ông cái nhà mồ đẹp đẹp một chút, ở vĩnh viễn mà. Thôi cố lên Amí Phi ạ.
Tất nhiên là Amí Phi nghe lời chồng. Vì thực ra theo tập quán cho tới bây giờ vẫn thế của người Jrai, mọi việc do con gái lớn trong nhà lo lắng thôi. Chồng mình là người ngoài mà đã muốn vậy sao không mừng chớ, nhất là trong lúc anh Hai, cho dù là  người quan trọng nhất của dòng họ, lại chẳng có ở đây.Việc tiền nong không đáng lo. Nhà mồ cho ông bố vợ, ama Phi chuẩn bị đầy đủ hết từ thiết kế, tới kêu thợ, rồi nguyên vật liệu, tiền công… Còn gạo, thịt càng không ngại, vì cả hai bên gia đình nội ngoại đều là trưởng tộc, nên  có việc lớn thì theo tập tục, cả dòng họ phải chung tay giúp nhau rồi. May mắn là năm nay nhiều gia đình trúng mùa cà phê, lại được giá nữa chớ. Ama Phi cũng đã gặp gỡ người già các bếp lửa trong dòng họ để tính xem hai con trâu, ba con bò là chính, lấy của những hộ nào? Mấy con heo, lớn chừng bao gang tay, cũng đã có gia đình đảm nhận. Vài tấn gạo, gọi điện thoại đại lý ngoài huyện chở thẳng vô nhà mả là xong ngay. Riêng gà, rượu ghè và gạo nếp thì không cần hỏi, không cần tính, cả buôn, cả vùng, ai cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu, hai ba nhà góp một ché, gà một con cũng được, gạo một lon cũng xong. Đó là chưa kể người mấy buôn bên huyện Ea Suop nữa, không bà con thì cũng bạn bè, nghe tin là tự nguyện tới và đóng góp thôi, tập quán chia sẻ của người Tây Nguyên mình từ xưa tới nay là như thế.
Chị em gái nói với nhau cũng dễ, cuối cùng thì chị Ba đành tặc lưỡi để vợ chồng ama, amí Phi kêu thợ xây nhà mồ ốp gạch men cho Âu Phi (nho nhỏ thôi và tất nhiên là phải đúng kiểu dáng nhà mồ gỗ rồi, kể cả làm tượng mấy con chim công, nồi đồng, con khỉ nữa…). Mọi việc chuẩn bị đầy đủ, cũng đã báo tin cho  dòng họ  bạn bè khắp nơi xong xuôi đâu vô đó, chỉ còn chờ đến đúng ngày đã định là ching chêng sẽ nổi lên thôi .
– Chuyện vợ chồng tôi đến với nhau gian nan lắm.
Suốt mấy ngày cùng đi, từ lúc đón ở sân bay cho đến khi qua lại từ thành phố Buôn Ma Thuột về Buôn Đôn, cảm kích sự giúp đỡ chu đáo của chị tài xế taxi, Suzana đã kể hết, bằng một thứ tiếng Việt hoàn toàn thiếu hoặc sai dấu, nhưng nghe vẫn có thể hiểu được.
– Anh ấy ngồi yên lặng bên cửa sổ ngó ra mặt hồ suốt mấy ngày làm lòng tôi cũng ngổn ngang. Khi gọi đi ăn hay đến giờ ngủ lại lặng lẽ đứng lên làm như cái máy. Thường ngày Y Khoan đã ít nói, có lẽ cũng do mặc cảm về ngôn ngữ, nên anh ấy ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh. Tôi phải tế nhị phân công anh hai ngày ra cửa hàng mua thực phẩm một lần, để có dịp trò chuyện cùng người bán hàng và hàng xóm. Rất hiểu tâm trạng anh, vì chưa kiếm được việc làm, do đó mặc cảm “đàn ông mà ở nhà ăn bám vợ”, nên không bao giờ tôi nhắc tới việc phải chi tiêu những gì trong gia đình. Lần này cũng vậy, bụng anh muốn về Việt Nam lắm mà không dám nói ra với vợ thôi.
Căn nhà của chúng tôi ở ven bờ hồ, tuy nhỏ bé nhưng rất xinh đẹp và ấm cúng. Chọn nơi này vì vừa gần nơi tôi dạy, lại có khung cảnh thiên nhiên xung quanh gợi nhớ đến quê hương xa xôi của anh ấy. Những súc gỗ to làm tường có thể liên tưởng tới những căn nhà sàn gỗ. Rừng ở đó sạch, thơm mùi nhựa thông và khí hậu mùa đông không khắc nghiệt lắm,có lẽ giúp anh thấy gần gũi hơn là nếu phải sống ở một vùng hàn đới buốt giá nào đó. Trong  nhà, tôi cũng cố ý trang trí sao cho gần với sự quen thuộc của giác quan anh ấy. Rèm cửa sổ, khăn trải bàn, trải giường… là những tấm thổ cẩm với những hoa văn cánh bướm, con nhện, những đường kỷ hà zích zắc…, chắc để nhắc nhở, nên mỗi năm mẹ và em gái anh lại dệt và gửi qua một ít, vậy mà anh ấy vẫn buồn, thỉnh thoảng lại ra ngoài gom ít lá thông thành đống nhỏ, đốt lên rồi hít hà “ nhớ mùi khói đốt rẫy quá”.
Con gái riêng của tôi có chồng, đã đi làm ở thành phố, không sống chung với chúng tôi. Lương giảng dạy môn sinh thái môi trường rừng nhiệt đới ở trường đại học cách nhà chỉ gần hai giờ chạy ôtô, giúp tôi thoải mái chăm lo cho cái gia đình bé nhỏ chỉ có hai người. Ngoài giờ lên lớp, tôi dành hết tâm trí giúp anh luyện tiếng Pháp, bằng việc cùng đọc các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới. Nhưng do qua Thụy Sĩ lúc tuổi đã lớn, nên việc tiếp thu ngoại ngữ đối với anh không phải dễ. Sau ba năm, anh có thể trò chuyện thoải mái, nhưng để làm một công việc gì đó ở công sở thì có lẽ chưa ổn lắm. Chúng tôi dự kiến sẽ đăng ký cho anh ấy theo học ngành gì gần với chuyên môn của tôi, để hai vợ chồng có thể cùng tham gia. Có anh ấy nên hai năm rồi tôi không nhận cộng tác với dự án nào nữa.
Đúng là hai chúng tôi nên duyên không dễ dàng gì. Để đưa anh vượt đại dương đến được nơi đây cùng nhau chung sống, cũng phải trải qua muôn vàn sóng gió, từ gia đình, bè bạn đến thủ tục hành chính cả hai bên Việt Nam và Thụy Sĩ, nên chúng tôi rất trân trọng mỗi ngày được sống bên nhau. Cũng may là con gái tôi rất ủng hộ, nó có gia đình riêng rồi, nên mong cho mẹ được hạnh phúc.
Tôi đã tham gia nhiều dự án “Bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng“ ở khắp mọi miền trên thế giới. Cảnh quan thiên nhiên và những phong tục tập quán khác nhau của mỗi vùng đất có sức quyến rũ ghê lắm. Nhưng cũng chính sự đam mê ấy đã làm hỏng cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi. 7 năm, từ ngày cha của con gái bỏ tôi đi theo người bạn gái thân nhất, tôi khép chặt lòng mình, gửi con cho mẹ, dành hết tâm trí theo đuổi nỗi đam mê với những thảm thực vật rừng. Tôi đến Tây Nguyên của bạn cũng vì một dự án như thế.
Anh ấy đã tốt nghiệp trung cấp lâm sinh, được xã phân công làm trợ lý bản địa cho các chuyên gia của dự án. Có sự hiểu biết nhiều về cây cối rừng nhiệt đới, tính lại cởi mở dễ gần, tận tuỵ với công việc nên các vị chuyên gia rất quý mến anh ấy. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi có anh cùng đi thực địa, hay tham gia toạ đàm với các nhóm dân cư. Riêng tôi không biết từ lúc nào, chợt nhận ra trái tim tưởng chừng đã tê liệt hoàn toàn những sợi cơ xúc cảm riêng tư của mình, bỗng thường lỗi nhịp khi cái anh chàng ít nói hay cười ấy xuất hiện.
Hơn ai hết, tôi hiểu rõ những rào cản về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán, ngay khi chỉ tham gia thực hiện dự án với bà con người Êđê, Jrai ở vùng đệm quanh cái vườn quốc gia gần như rộng nhất Việt Nam này thôi, đã khó rồi, chứ đừng có nói gì đến chuyện tình cảm trai gái lẫn hôn nhân. Chắc chắn lại càng phức tạp hơn. Cách ăn uống, mọi sinh hoạt, thậm chí đến cả việc giải quyết những nhu cầu thiết yếu của con người cũng khác xa nhau lắm, chưa nói gì đến học vấn chênh lệch. Nhiều lúc tôi tự dằn vặt mình, cố quên đi thứ tình cảm trái khoáy vừa nảy sinh ấy. Nhưng trái tim có lý lẽ của riêng nó, đâu có chịu sự điều khiển của lý trí. Chính những ngày cùng tham gia hướng dẫn, vận động người dân địa phương bảo vệ sinh thái rừng, những đêm điều tra thực trạng hệ động vật móng guốc tại nguồn nước… đã kéo xích chúng tôi lại với nhau. Tuy anh rất e dè.
Mấy chuyên gia cùng tham gia dự án không ai nói gì, vì người phương Tây thường có thói quen không can thiệp vào mọi suy nghĩ và tình cảm của cá nhân. Nhưng anh bạn người Việt phụ trách điều phối dự án phía địa phương, một người cũng lấy vợ gốc Êđê, thì đã thẳng thắn đến quyết liệt khi trò chuyện với tôi :
– Bà không thể để chuyện này phát triển thành tình cảm thật sự đâu.
– Tại sao chứ? Chúng tôi đều độc thân. Theo chỗ tôi biết, nước anh cũng không hề có điều luật nào cấm quan hệ hôn nhân với người nước ngoài.
– Đúng là không cấm! Nhưng bà đã nghĩ đến những sự cách biệt không chỉ là tuổi tác, ngôn ngữ, mà còn cả tri thức lẫn phong tục tập quán giữa một tộc người thiểu số ở vùng sâu vùng xa, với một giáo sư của đất nước vẫn thường tự coi mình có nền văn hóa hàng đầu thế giới chưa?
– Anh quên là tôi đã từng làm việc với người da đen ở Nam Phi, người da đỏ ở Bắc Úc, người Indonésia ở Đông Ti Mo à?
– Chính vì bà là một trí thức ở cấp độ cao, nên tôi rất sợ bà làm tổn thương họ bởi cái cách công khai bày tỏ tình cảm của người phương Tây, hoặc ngay cả thiện chí ban phát quà tặng của bà.
– Tôi yêu! Đó là lỗi ư?
– Tôi không nói tình yêu là lỗi lầm. Nhưng bà phải hiểu rằng họ chỉ mới quen với sự hiện diện của bà bên ngoài căn nhà dài của họ, chứ chưa thể và chắc chắn không muốn làm quen với việc bà xâm nhập vào ý thức hệ của gia đình họ. Sự khác biệt về tập quán rất có thể sẽ gây nên những hiểu lầm không đáng có giữa bà và gia đình anh ta.
– Tình yêu và sự chân thành sẽ giúp chúng tôi hiểu nhau
– …?
Y Khoan thật sự rất bối rối. Dẫu có chất phác đến đâu, thì bản năng người đàn ông cũng mách bảo rằng mối cảm tình của Suzana dành cho anh, khác với những đồng nghiệp cùng làm trong dự án. Cô ta lại còn không có ý định dấu giếm điều ấy. Lúc nào cũng có những hành động thân mật riêng với Y Khoan, cứ như là muốn mọi người đều phải biết cô ta thích anh. Anh lẳng lặng né tránh những lần phải đi riêng chỉ có hai người. Lại càng ít xuất hiện ở văn phòng dự án những khi không có việc phải đến. Sự công khai bày tỏ tình cảm theo cách của người phương Tây của Suzana khiến Y Khoan rất ngại. Con trai con gái Jrai, Êđê mình thương nhau cũng qua ánh mắt để tỏ bày, nhưng bằng lời thì phần nhiều phải qua những câu hát đối từ xa đến gần, bằng những ý bóng gió, xa xôi, rằng “Ktrâo bay vòng có đôi/ Con cá lội dưới sông có bạn/ Anh cũng muốn hai mình  thành đôi  bướm dạo” (*)
Chỉ khi nào bị cha mẹ, dòng họ ngăn cản mới dẫn đến những sự quyết liệt “Sống không được gần nhau/ Chết rồi ta sẽ chôn chung một hòm/  Em hoá thành chớp sáng/  Anh hóa thành thần sét thét vang” (*)
Trai gái Tây hay ta  ở gần nhau cũng như lửa ở bên cạnh rơm, sao tránh khỏi điều này khác.Thế cả thôi, yêu rồi cũng dám lắm đấy “ Ướt váy em treo cành cây tang/ Ướt khố anh phơi cành cây Tung/  Ướt người ta cùng sưởi bên lửa hồng…” (*)
Mặc dù từ sau giải phóng, đàn voi nhà đông nhất nhì trong buôn của cha anh không còn có mấy tác dụng, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, ama đã phải bán mấy con voi cho người làm du lịch ở Huế, Đà Lạt để lấy tiền nuôi bảy anh em Y Khoan ai cũng đi học một mạch từ phổ thông đến trung cấp hoặc đại học. Vừa ra trường, chưa kịp bắt ánh mắt gởi trao nào của lũ con gái trong buôn, tự nhiên bây giờ lại có người phụ nữ tóc vàng, mắt xanh chẳng giống ai theo đuổi. Không phải anh không có cảm tình với Suzana (có đàn ông nào mà không thích khi phụ nữ cứ sát vô?). Nhưng anh không thể hình dung được cô ấy trong trang phục Jrai, đi ra vô trong căn nhà dài mẫu hệ của amí? Không chỉ riêng ngôn ngữ bất đồng, mà anh ngại nhất luật tục khắt khe, liệu Suzana có hiểu và thông cảm hết? Tất nhiên người đàn bà trong gia đình Tây Nguyên hiện nay, có thể đi làm, kết hôn rồi sống ở cơ quan. Nhưng không phải vì thế mà hết trách nhiệm với dòng họ và gia đình.
Đã có nhiều con trai, con gái người Êđê, Jrai lấy người Kinh, lấy người nước ngoài, rồi đến sống ở các thành phố của Việt Nam, hoặc sang bên Tây sinh sống. Nhưng ở vùng anh thì chưa, bản thân anh cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ là một ai trong đó. Là con trai, anh phải ở bên nhà vợ, cũng đồng nghĩa rằng nếu chấp nhận tình yêu của Suzana, anh sẽ đứng trước sự lựa chọn có ra đi cùng cô ấy không? Học trung cấp nghề rừng như anh, ngoại ngữ không rành, sang bên đó phụ thuộc hết vào vợ ư? Cũng có khác gì con trai Êđê, Jrai là phải về  bên nhà gái theo luật tục đâu. Nhưng tập quán của Thụy Sĩ đâu có giống tập tục Jrai? Mà bỏ gia đình đi xa thế có thể được sao? Anh là dăm dei  của sáu đứa em gái, phải thay mặt họ giao tiếp tất cả những việc lớn trong và ngoài nhà. Có lấy vợ người buôn khác thì gặp việc gì chị em trong nhà cũng báo cho anh về bàn bạc. Anh đi rồi, ama già yếu, amí và mấy chị em làm sao? Người con trai vốn hiền lành, chỉ biết cần cù với gia đình và công việc được giao, chưa bao giờ đi xa khỏi nhà quá 50 cây số, bỗng dưng mất ngủ vì những nghĩ suy dằn vặt. Mà anh cũng không biết nói với ai? Ai có thể hiểu và chỉ vẽ cho anh được chứ? Đã có những ngày Y Khoan lang thang trong rừng, lăn người trên những bãi cỏ, ngụp lặn trong nước dòng sông Srêpôk như người “mát”, thả cái đầu nóng bừng lẫn thân thể mệt nhoài của mình cho gió rừng, nước suối, khỏi phải suy nghĩ thêm.
Rừng khộp Buôn Đôn quê anh có hai mùa đẹp nhất trong năm, mùa đông trước Tết Nguyên đán của người Kinh, là mùa rụng lá. Trước khi trút hết tấm áo cũ xuống làm lá mục nuôi đất, toàn bộ cây rừng chắt chiu chút sức lực cuối cùng của mình hóa thân thành những chiếc lá màu đỏ, cố làm đẹp cho đời lần chót. Rừng rực, rừng rực như màu tấm thổ cẩm amí dệt mỗi ngày. Có bài hát gì đấy rất hay nhỉ “Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”? Đúng như vậy đó, một cơn gió mùa đông ào ạt cuốn hàng ngàn chiếc lá đỏ bay tít lên cao, rồi lại thả chúng chậm chạp liệng đáp xuống, phủ một tấm thảm đỏ lên nền rừng. Cây bút kỳ diệu của thiên nhiên hoang dã đã dùng cành khô và lá đỏ vẽ nên một khung cảnh tuyệt vời.
Bức tranh đẹp thứ hai là đầu mùa mưa. Đón nhận những giọt nước mát mẻ đầu tiên của đất trời ban tặng, rừng khộp đồng loạt thay màu áo  xanh mới. Mươn mướt, mềm mại run rẩy trong gió, những chiếc lá nõn nà dễ thương như ánh mắt trong veo của đứa bé vừa mở mắt chào đời, ngỡ ngàng với mọi sự quanh mình. Màu xanh của rừng cũng là mùa xuân của cao nguyên, mùa gọi hoa lá trên các sườn đồi he hé nảy nụ cho con ong đi lấy mật, cho nấm mối “theo dấu chân rùa” khe khẽ trồi lên trên mặt đất, khiến trái tim con gái, con trai rạo rực thèm yêu, thèm được ngực sát ngực, vú sát vú.
Sinh ra bên rừng, uống nước sông Srêpôk mà lớn lên làm nghề rừng, Y Khoan cũng như mọi người con Tây Nguyên khác, yêu rừng lắm. Rừng không chỉ cho con người sự sống bằng những sản vật, mà còn bằng cả những gì không nhìn thấy, không sờ thấy, xoa dịu tâm trí con cái của mình, mỗi khi có chuyện buồn phiền.
Các cán bộ người Việt thì xì xào hăng lắm. Hầu hết là phản đối và dè  bỉu
– Bà này chắc tâm thần nên mới ưng cái anh chàng vừa xấu trai vừa đần ấy?
– Xấu trai là thế nào? Anh ta cũng cao lớn, cười dễ thương lắm.
– Nhưng sao lại là anh chàng thổ dân mới học trung cấp ấy nhỉ? Thích lấy người Việt thì thiếu gì giáo sư, kỹ sư?
– Mà bà ấy đâu có đến nỗi xấu gái, lại còn là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về môi trường nữa chứ?
– Nhưng già hơn anh chàng đến bốn năm  tuổi…
– Thôi các ông ơi! Ghen tỵ à? Người ta lấy nhau có duyên số cả đấy!
Người trong buôn lại càng ồn ĩ hơn:
– Buih! Nu h’ưt! (**)
– Nu (nó) biết ăn lá mì, ăn vach không hè?
– Của Tây chắc tốt hơn của con gái buôn mình nên  nó mới thích!
– Tốt cái gì mà tốt. Một lá mít, một lá tre nhưng như nhau thôi chứ.
– Thì lá mít nó to hơn chứ sao?…
Ama ngồi rít  tẩu thuốc như hoá đá trên chiếc Jhưng, chỉ nói một câu “ Có đất măng mới thành cây le. Có tre gai mướp mới vươn lên nở bông, ra trái. Đất đai, cái lưng ông bà phải có người chăm nom. Con làm thế nào theo cho đúng cái ý phải ý trái trong đầu, trong bụng con, ama không cấm ngăn”. Amí lặng lẽ khóc hàng đêm. Sáu cô em gái thì hầu như im lặng suốt ngày, chúng cứ làm như không có mặt anh trai trong nhà vậy.
Nhưng số phận dường như không để cho con người được phép cưỡng lại.Nó đến vào cái đêm họ phải xác định lời đồn đại của đám thợ săn về sự xuất hiện của bày catoong (***) trở về uống nước ở vũng lầy giữa vườn, điều này đã gần chục năm nay không xảy ra. Nếu tin đồn là đúng, thì đồng nghĩa với việc rừng đang an toàn cho các loài thú móng guốc trở về tụ tập. Chuyên gia cùng trực ca với Suzana bất ngờ có việc phải ra thành phố, đêm ấy chỉ còn có hai người.
Ngay từ lúc chiều muộn họ đã đến khoảnh rừng sát bãi lầy mà đêm đêm muông thú trong rừng thường đến uống nước. Hoàng hôn nhuộm vàng những thân cỏ năn cỏ lác đang rung rinh theo từng cơn gió chiều. Những bông lau trắng quật vào nhau  xào xạc. Tiếng nước óc ách sau những cú nhảy của bầy nhái bén và tiếng lũ chim nhao nhác tranh nhau chỗ ngủ đêm giữa các vòm cây, khiến rừng chẳng thật sự lặng yên. Y Khoan thiết kế xong chỗ nấp và che kín nơi đặt chiếc máy quay cũng là lúc trăng 16 vằng vặc giữa trời. Sao nó lại tròn, xanh và sáng đến thế nhỉ, trăng trên vòm trời cao nguyên đêm ấy, soi rõ cả từng sợi lông mi dài trên mắt Suzana. Ánh mắt  ấy cứ long lanh, lóng lánh như mặt ché rượu cần đổ đầy nước ấy. Mắt con gái đang yêu, cho dù là Jrai hay phương Tây thì cũng như nhau sao? Nước da vốn đã trắng muốt của cô ấy lại càng trắng hơn trong ánh trăng. Mùi cỏ cây gãy dập quanh chỗ nấp của hai người hăng hăng thơm đến dễ chịu. Suzana ngắt một bông cúc dại nhỏ xíu xoay xoay trên hai ngón tay, rồi bất giác lần lượt bứt từng cánh trắng “yêu, không yêu, yêu, không yêu”… Trông cô hồn nhiên như một thiếu nữ mới lớn đang bói hoa.
Dù đã dặn trước Suzana không được dùng nước hoa để tránh sự phát hiện của bầy thú, nhưng mùi da thịt đàn bà là lạ kề sát bên cạnh vẫn khiến Y Khoan nôn nao. Anh cố kìm giữ sự cựa quậy của đàn ông đang bị đánh thức bằng cách nói chuyện luôn miệng. Dẫu thì thầm, họ cũng đã nói với nhau nhiều có lẽ  gấp mấy chục lần so với cả gần một năm trời cùng cộng tác. Cho đến khi con catoong đầu đàn xuất hiện, cái đầu mang nặng bộ sừng tới ba nhánh gạc in lên khoảng rừng trống sáng ánh trăng trông thật đồ sộ, nó đang nghiêng tai nghe ngóng canh chừng sự an toàn cho cả đàn trước khi ra uống nước. Có con gì bay vào mũi, khiến Suzana toan bật ra tiếng hắt xì. Y Khoan vội vàng một tay bụm miệng, một tay ghì chặt đầu chị vào ngực mình, sợ kinh động con thú. Sự đụng chạm bất ngờ quá gần gũi của da thịt khiến họ sững sờ một giây.
Y Khoan từ từ nới lỏng đôi tay đang siết chặt. Hơi thở gấp gáp nóng bỏng phả lên mái tóc, mùi mồ hôi đàn ông ngầy ngậy khiến Suzana lả đi không còn chút sinh khí nào, vẫn phải tựa mặt vào ngực anh. Cảm nhận được sự bủn rủn của chị, anh bất giác lại siết chặt vòng tay gìn giữ. Suzana hôn nhẹ nhàng trên khuôn ngực rộng, rồi lên dần, lên dần, hai đôi môi bỗng ập vào gắn chặt. Và rồi như dòng suối bị dỡ đi những kè chắn giữ, họ cuống quít ào vào nhau, lặn sâu trong nhau đến không còn kịp thở, cũng chẳng biết cả đất trời lẫn lũ catoong ra sao nữa. Sự tiếp xúc lần đầu với người khác giới và sự lãng quên của cơ thể gần chục năm trời sau vụ ly hôn, giúp cả hai cùng đi trọn tới cảm xúc dâng tràn hạnh phúc. Khi rã rời buông nhau ra, Suzana chợt nhận thấy mình lăn từ trên tấm thân trần đẫm mồ hôi của Y Khoan xuống. Cô xấu hổ đỏ bừng mặt, gục đầu lên đám cỏ. (Cũng may là chiếc máy quay phim trên cao đã đặt ở chế độ làm việc, hình ảnh đàn catoong vẫn hiện rõ mồn một).
Y Khoan dẫn Suzana đến một khúc sông Srêpốk đẫm ánh trăng. Gió dào dạt xô sóng vỗ bờ sông bên lở oàm oạp, túm giật lúc lắc những vòm lá rụt rè cong vòng sát xuống mặt nước và trăng bạc nhảy nhót trên mặt sông, như hoan ca  niềm hạnh phúc của hai người. Họ sải tay bơi, đuổi bắt, nằm ngửa trong vòng tay nhau thả mình trôi trên dòng nước mát, hồn nhiên trở về với bản thể nguyên sơ nhất của con người giữa thiên nhiên, rồi lại đi sâu vào nhau ngay trong dòng sông. Không phải là chàng trai Êđê nước da sẫm màu đất, không còn là người phụ nữ châu Âu da trắng tóc vàng. Chỉ có hai kẻ yêu nhau, dìu nhau tới tột đỉnh của khoái cảm hạnh phúc, thong thả, sít chặt và thành kính như một lời ước hẹn thiêng liêng giữa đêm trăng xanh mênh mang, có hương đất trời và sóng sông nước cao nguyên chứng giám… Tiếng chim rừng đã tao tác trong từng vòm lá ven sông. Một ngày mới đang rạng lên trên ngọn rừng phía bên kia sông.
Ama Phi dự kiến lễ sẽ kéo dài hai ngày hai đêm (rút bớt một ngày so với phong tục cũ). Ngày thứ nhất đón khách ăn uống vui chơi cho sáng đêm, rạng ngày thứ ba là tiễn khách và thu dọn. Phải hai đêm cho khách xa, khách gần. Ngày thứ hai bàn việc chia của cải và nối dây cho bà mẹ vợ. Xong việc thì đấy, không ngắn hơn được nữa đâu, vì đây là dịp lũ trai gái gặp gỡ, không chỉ nhảy múa mà còn làm quen, nên vợ nên chồng. Người đứng tuổi cũng gặp lại bà con, bè bạn, lâu nay mải miết kiếm sống không có dịp thăm hỏi.
Lễ Pơ thi khởi đầu từ mờ mờ sáng, khi hàng đoàn xe cày chở người và vật dụng từ các buôn nối nhau chạy về khu nghĩa địa. Xe chở thùng phi chứa nước, xe chở trâu bò, chở heo, gạo, xe lắc lư các ghè rượu, xe chất đầy đu đủ và thân cây môn làm rau…Tiếng máy nổ phành phành, tiếng người cười nói xao xác, tiếng bò rống, heo gà kêu… hòa với dàn hợp ca lanh lảnh của lũ wai jut wai tê ồn ã cả một góc rừng khộp. Mùi khói bếp, khói thui trâu bò heo len lỏi lan xa đến mấy khoảnh rừng.
Một đàn voi nhà mười con không biết khởi hành ở các buôn quanh đây từ lúc nào, đã tập hợp bên bờ sông ngay sát nghĩa địa, mỗi con hai nài. Các nài đều mặc khố kpin hoa, ở trần, đầu bịt khăn đen, một người ngồi trên cổ voi cầm búa điều khiển, một người cầm dáo đứng thẳng trong bành phủ tấm chăn thổ cẩm lớn. Một trong số đó là mjâo, ông mang theo một chiếc bình đựng rượu bằng bạc. Nài và voi chuẩn bị cử hành lễ tiễn biệt Gru Âe Phi, một trong vài  dũng sỹ săn voi hiếm hoi còn sót lại ở trong vùng. Theo hiệu lệnh tù và của bặc gru (***) Ama Công mái tóc bạc phơ rủ xuống phủ đầy bờ vai, bầy voi đồng loạt từ từ bước xuống sông. Chúng đứng thành vòng tròn, tất cả cùng dương vòi lên trời. Lại một hồi tù và nữa rúc lên, những người nài ngồi trên cổ voi nâng những chiếc vòng kết bằng hoa lá rừng thả xuống mặt nước, mjâo cũng nghiêng mình đổ rượu trong chiếc bình bạc xuống dòng sông. “Hãy trôi đi, trôi đi, đưa linh hồn Aê Phi về với đất nước ông bà. Từ nay ở xa hồn uống nước Yang sông Blang, hồn ăn cơm Yang núi Mlan, người sống, người chết chúng ta từ nay không còn có gì liên hệ với nhau nữa… ơ Yang Atâo”. Bầy voi hạ vòi hút nước, rồi lại đồng loạt dương lên, chụm vào làm một cùng phun nước lên cao. Những vòi nước tỏa xuống như một bông hoa lớn. Tiếng ching trong khu nhà mồ nổi lên ngân nga lan dài trên mặt sông, đuổi theo những vòng hoa đang dập dềnh tiễn linh hồn Aê Phi trôi về nơi vô tận.
Vợ chồng Y Khoan và Suzana về, vừa còn đúng ngày hai ngày nữa là lễ. Nghe hết mọi việc Ama Phi kể, thấy Suzana đưa cho Amí Phi một khoản tiền đóng góp thêm cho gia đình. Yên tâm với mọi sự chu đáo của người em rể, Y Khoan đưa vợ đi thăm một vài khu du lịch quanh đó .
Cho dù đã từng làm việc ở vùng này hơn hai năm, nhưng bây giờ trở lại Suzana vẫn ngỡ ngàng trước những đổi thay. Sự xuất hiện của một số nhà gạch sơn đủ màu, phá vỡ cảnh quan hoang sơ giữa những căn nhà sàn cao lênh khênh tre nứa mộc mạc ở các buôn làng. Chị vẫn còn treo trong phòng khách ở Thụy Sĩ, tấm ảnh chụp được ở một địa điểm gần vườn Quốc gia hồi đang tham gia dự án: một con bò bình yên gặm thảm cỏ xanh mướt, bên hông một căn nhà sàn mái tranh rủ xuống, đẹp và buồn như một câu chuyện cổ tích.Thế mà nay… những hình ảnh ấy còn đâu? Còn may, tại các khu du lịch vẫn còn những nhà lợp tranh. Nhưng sản phẩm phục vụ du khách thì chỗ nào cũng thấy na ná nhau, chỉ có cưỡi voi, đi cầu treo, ăn xôi nướng trong ống nứa…là hết. Hàng hoá bán tại đây, ngoài những chiếc gùi, đều  không phải do người bản địa làm ra.Dường như người dân vẫn đứng ngoài mọi  hoạt động của du lịch. Ở nhiều nơi, ngay tại Việt Nam thôi, Suzana đã chứng kiến người ta khai thác tour du lịch sinh hoạt cùng cộng đồng dân tộc bản địa, rất được du khách nước ngoài ưa chuộng. Sao Buôn Đôn lại bỏ qua thế mạnh này của mình?
Ở một Trung tâm du lịch, Suzana rất vui khi gặp chị Ba của Ama Phi đang dàn dựng chương trình nghệ thuật dân gian, diễn viên toàn là con em các buôn quanh vùng. Thêm cả sự giải thích của chồng,Suzana hiểu chị ấy bắt các em diễn cho ra phong cách của mỗi dân tộc qua từng tiết mục. Chỉ có… cái mông thôi, mà khác nhau rõ lắm nhé: múa Jrai phải đưa hông sang hai bên rất sâu, còn múa Mnông cái mông phải cong lên. Ba ngón tay giữa cụp xuống để ngón út và ngón cái giang ra như cánh chim là của múa Êđê… thật là thú vị. Lâu nay Suzana chỉ quen với nghiên cứu khoa học, bây giờ mới được biết sâu thêm về văn hoá bản địa.Chị náo nức, hối hả thu vào ống kính máy quay mọi hình ảnh.
Những đêm lễ hội của các tộc người thiểu số thế này Suzanna đã từng gặp ở châu Phi, ở Đông Ti Mo… Nhưng lúc ấy chị chỉ là người ngoài chứng kiến, còn hôm nay của chính gia đình chồng, chị mới hiểu như thế nào là vai trò “ chủ thể hưởng thụ lẫn sáng tạo” của người dân trong lễ hội.
Đêm đã sâu lắm.Vòm trời đen thăm thẳm và mịn như mặt nhung. Sao dày đặc. Hình như có bao nhiêu sao trên trời đều hiện ra hết để lắng nghe tiếng binh bong của dàn ching. Đám con trai gồm hai người khiêng trống, hai người khiêng hàng chục chiếc ching núm nhỏ cho một người đánh, và mấy chàng trai ngực trần khỏe mạnh nữa, mỗi người một chiếc cùng hoà tấu suốt từ lúc bóng tối sập xuống đến giờ, dường như vẫn không mệt mỏi. Lâu lâu như bộc lộ tất cả sự hứng khởi, một gã trai gân cổ gào lên một câu hát, tất cả đám thanh niên đồng loạt hét phụ hoạ. Âm thanh như vọng đến tận nơi sâu thẳm nhất của bóng tối và rừng già. Bất kể  bụi tung mù mịt và cái nóng nung người cuối mùa khô còn bốc lên từ đất, rầm rập, rầm rập hàng trăm bước chân con trai con gái mê mải sát hông bên nhau trong vòng múa dường như bất tận. Không có động tác, chỉ có tay nắm tay, hông chạm vào hông và những bước chân đều tăm tắp. Xoay vòng, xoay vòng, xoay vòng… Suzana đã thấy cô em gái của chồng, bác sỹ mới đi học từ Mỹ về, cứ ngơi tay, ngơi việc bếp núc là bước vào vòng múa. Con bé  H’Lin kéo theo một lũ bạn cùng tuổi, lúc đầu thì làm một vòng tròn nhỏ bên cạnh rồi sau cũng nối tay theo các bà, các chị lúc nào không biết.
Y Khoan kèo nài mãi Suzana mới dám nắm tay chồng và H’La cùng bé H’ Lin bước vào dậm chân theo nhịp ching. Không phải chị không muốn hoà đồng, mà chỉ sợ mình không theo được bước chân rất đều của đoàn người. Nhưng với sự dẫn dắt rất tận tình và say sưa của hai dì cháu bé H’Lin, Suzana cũng dần dần bắt được đúng nhịp chân của mọi người.Và rồi trong lồng ngực chị như có một luồng khí nóng bốc dần lên, khiến bước chân cứ lâng châng, lâng châng theo nhịp chiêng bồng bênh, bồng bênh nâng con người bay vào cõi đêm vô tận. Suzana say rồi, say mê mải không phải vì rượu bia mà vì đắm mình giữa cái không khí nửa thực nửa hư trong đêm trăng xanh xa xôi này.
Đêm sâu dần. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Ama Phi ở ngoài phố, trong huyện, mang hàng chục thùng bia đến chia sẻ, uống hết các ghè rượu lẫn vài trăm lon, đã lần lượt lên xe ra về. Ở nghĩa địa chỉ còn lại người trong gia đình và đám thanh niên các buôn trong vùng bị tiếng ching hút đến mỗi lúc thêm đông đảo.
Suzana đung đưa trên chiếc võng Y Khoan buộc giữa hai gốc cây ngay gần nhà mồ. Chị bất giác bật cười khi thấy lần lượt, lần lượt lướt qua trước mắt là sin sít hàng trăm cặp mông bó chặt trong những chiếc quần jean kiểu cách khác nhau, thỉnh thoảng mới có vài tấm váy đen dài của những phụ nữ trung niên. Giá không có tiếng ching dẫn dắt có lẽ người ta tưởng cuộc vui ở đâu đó ngoài phố thị chứ không phải đang diễn ra giữa rừng đại ngàn. Lạ cho sự trường tồn của văn hoá bản địa, sức cuốn hút của “nó” không từ bất cứ đối tượng nào. Thêm một điều mà chị thấy mình dường như vừa được khai sáng, rằng đừng có nghĩ là họ lạc hậu nhé! Rất nhân bản đấy. Đây là cuộc tiễn đưa, cuộc chia tay dứt khoát và trọn vẹn, để người đã khuất “đi ” hẳn và rồi qua bảy lần hoá thân, được tái sinh trở lại làm người dưới một hình hài khác…
Suzana giật mình bật dậy vì một tiếng ching rất trầm, rất ấm chợt vang lên. Đúng là không phải tiếng ching của đám trai trẻ chơi suốt từ lúc bóng đêm chìm xuống đến giờ, lũ trai gái cũng đã ngừng múa từ lúc nào. Điệu ching chầm chậm, trang trọng và rất vang, rất đầm của một bộ ching lớn, do bảy tám người đàn ông đã lớn tuổi vừa đi vừa đánh quanh nhà mồ. Cũng rất trang trọng như thế, ba bà lão tóc bạc phơ mặc trang phục Jrai áo dài tay, váy kín gót (Suzana cũng được mẹ chồng dệt cho một bộ như vậy mặc hôm cưới), không phải là bước mà lướt đi rất chậm theo nhịp ching ngân nga, hai cánh tay chắp lại trước ngực đung đưa lên xuống rất nhẹ nhàng. Bây giờ thì Suzana đã nhận thấy sự đánh đưa mềm mại của hông và lưng những người phụ nữ, mà mới hôm qua chị Ba của Ama Phi hướng dẫn cho các cô gái múa. Nhưng không thể sánh được với các bà lão đang say mê lướt đi kia. Dường như họ không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì ở chung quanh ngoài nhịp ching và sự đối diện tâm linh trong cuộc trò chuyện với người đã khuất. Tiếng Y Khoan nho nhỏ bên tai “điệu ching và múa tiễn đưa linh hồn lần cuối cùng đấy”. Suzana nhìn vội lên mặt đồng hồ “gần hai giờ sáng”.
Âm vang ching trầm hùng, khoan nhặt, nhịp múa và vẻ mặt thành kính trang nghiêm của những người phụ nữ khiến Suzana rùng mình. Đi nhiều nơi trên thế giới, tận mắt thấy nhiều tầng văn hóa, nhưng chưa bao giờ chị được thưởng thức một thứ âm nhạc nghi lễ nào lạ mà lại hay đến thế. Tiếng ching xoay xoáy vào bóng đêm, trôi lang thang vô tận giữa rừng già, lặn xuống đáy dòng sông Srêpôk sâu thẳm. Âm thanh binh boong ấy vẫn là tiếc thương, vẫn là níu kéo đấy nhưng không phải là tiếng than khóc, mà lại lịch lãm và trang trọng dành cho sự tiễn biệt vĩnh viễn. Tiếng thầy cúng bỗng nổi lên trên “Ơ Yang Atâo, ơ Yang”… Suzana trôi đi, trôi đi theo nhịp điệu và âm thanh của dàn ching. Trong đêm, tiếng ching loang xa khắp đất trời, rừng cây. Đỉnh núi Cư Minh như mỗi lúc một nghiêng thấp xuống, thầm lặng nghe .
Một áng mây đen che khuất mặt trăng. Rừng tối lại. Gió dường như ngừng thổi. Vẳng tiếng nói khiến Suzana giật mình quay lại, một bà lão trong bộ váy áo thổ cẩm, tóc bạc trắng xoã dài đến tận gót chân. Người phương Tây như chị là cao, mà bà cũng lớn người không kém, dáng vươn thẳng, uy nghiêm, bên cạnh là một người đàn ông mặc khố, ở trần, dáng thấp đậm cường tráng, đầu vấn khăn đỏ, tay chống một chiếc lao dài :
– Này cô kia! Ngươi là ai?  Làm gì ở đây?
– Bà là ai mà lại hỏi tôi?
– Ta là chủ nhân vùng này. Chính ta đã nhường phần đất đai để Y Thu Rnul đây lập buôn.
Tiếng người đàn ông trầm trầm như phát ra từ rất sâu trong lồng ngực
– Chúng ta về đón linh hồn của Âe Phi và bảo vệ cho con cháu bình an trước sự có mặt của kẻ lạ.
– Bà là Yă Wam ư? Tôi có nghe chồng  kể về bà và ông Vua Voi đây rồi.
– À! Người chính là kẻ xa lạ đã đến đây đem đứa con trai rời xa khỏi cánh tay người mẹ !Khiến cho nó khác nào “con chim ngói tìm theo nắng, con chim két tìm theo gió  mà bỏ tổ” (1).
– Nhưng thưa bà, chúng tôi thật lòng thương yêu nhau. Bà thấy đó, chúng tôi đã về ngay khi gia đình báo tin làm lễ bỏ mả cho cha anh ta đấy thôi.
– Điều đó thì ta biết ! Nhưng ngươi không thấy sự khác nhau rất dài giữa hai bên chúng ta hay sao? Không thấy rằng việc ngươi đứng đó nhìn các lễ nghi của con cháu ta đã là một sự khó chịu sao?
– Tôi yêu chồng tôi! Chúng tôi đã phải rất khó khăn mới qua được những luật lệ ông bà đặt ra từ xưa để thành vợ chồng. Và tôi chấp nhận tất cả, thậm chí còn ngưỡng mộ những nét văn hoá đặc sắc đang diễn ra trước mắt kia. Hà cớ gì bà không chấp nhận tôi?
– Luật tục của chúng ta không cấm nam nữ chưa vợ chưa chồng thương nhau. Không có sự kết đôi giữa đàn ông với đàn bà, làm sao cuộc sống trên cao nguyên này có sự nối tiếp? Nhưng chúng ta luôn phải nhắc nhở con cháu không được rời xa nhau, đồng lòng gìn giữ đất đai, cái nong cái nia, cái lưng ông bà, cả những tập tục khác của dòng tộc. Chỉ có như thế buôn sang chúng ta mới sống mãi mãi hàng ngàn năm nay. Vì ngươi yêu nó, nên bây giờ chúng ta cho phép người có mặt ở đây. Nhưng ngươi hãy nhớ, vòng đồng người đã  cầm, rượu cần dâng các Yang Atâo linh thiêng ngươi đã uống, nếu chỉ có một lời nói, một cử chỉ  nào chê bai, sẽ phải gánh lấy hình phạt theo luật tục của ta đấy .
– Ngươi cũng sẽ phải chịu hình phạt nếu làm cho Y Khoan “khi uống rượu ngon nó quên, lúc ăn trâu uống heo nó không nhớ đến bố mẹ đẻ”.
– Nhưng thưa bà, thưa ông….
Trăng ló ra khỏi đám mây, mặt đất sáng rỡ. Dào dạt gió. Mơ hồ sương. Một làn khói mong manh bay vút lên tan biến trong vòm xanh lơ mờ mờ hun hút của bầu trời. Suzana giật mình mở choàng mắt. Dàn ching và những bà lão vừa múa đó đã biến đâu mất? Vẫn là đám con trai ngực trần ngả nghiêng như vừa ra khỏi những ghè rượu cần, vừa đi vòng tròn vừa đánh ching. Vòng suang của gái trai lại đã hình thành từ lúc nào. Lướt qua, lướt qua trước mắt Suzana lại những chiếc quần jean đủ kiểu. Cứ như là chưa bao giờ có sự hiện diện của  những ông bà già trong nghi lễ tiễn biệt cuối cùng vậy. Nếu không có những hình ảnh lưu giữ trong máy quay phim, có lẽ Suzana tưởng mình vừa mơ. Nhưng còn bà tù trưởng Yă Wam và ông Vua Voi?….
Cây cối, cỏ lau rạp mình xuống chào Thần  Yang angin(*****) một lần nữa lại quét ngang qua đại ngàn.Rừng khộp luyến tiếc gửi nốt theo cái đuôi dài lê thê của gió những chiếc lá đỏ cuối cùng còn sót lại trên cành, làm thành một vệt mỏng uốn lượn trên không trung. Nơi chân trời bình minh đang hồng lên rất nhanh báo ngày đã đến. Binh boong, binh boong lẫn trong gió tiếng ching vẫn xa gần, gần xa…
Chú thích:
(*) Dân ca Ê Đê
(**) Nu h’ưt: nó điên
(***) Ca toong: nai rừng
(****) Bặc gru: thợ săn được hơn 100 con voi
(*****) Yang angin: Thần gió.
16/8/2024
H’Linh Niê
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...