Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Kỷ vật của người thầy

Kỷ vật của người thầy

Câu chuyện mà thằng Ngoan, bạn tôi, kẻ trộm cây bút máy, nay là giáo sư, tiến sĩ, giám đốc bệnh viện kể cho tôi, mãi đến giờ tôi mới có điều kiện ghi lại. Bây giờ hắn cũng đã nghỉ hưu, nhưng vẫn ký hợp đồng nhận tham gia những ca mổ phức tạp khi các bệnh viện có nhu cầu…
Ngoan tiễn tôi ra tận cổng bệnh viện:
“Về nhà, mày phải nhớ bồi dưỡng và uống thuốc đều đấy nhé! Cơ thể mỗi người đều có cái riêng, không trộn lẫn vào một ai, cũng như tính khí vậy. Phải biết lắng nghe, nương nhẹ và chăm sóc cho cơ thể mình, đó mới là người thông minh.  Khi nào có điều kiện, tao sẽ về thăm quê…”
Tôi nắm chặt bàn tay  ấm nóng của hắn  mãi mới buông.
Xe từ từ lăn bánh. Qua cửa xe, tôi chăm chăm nhìn Ngoan. Thằng bạn học ngày xưa, nay là giám đốc một bệnh viện lớn. Dưới nắng sớm, người hắn trắng muốt trong bộ blouse trắng, da mặt trắng, đầu cũng đã bắt đầu bạc trắng. Cái gì trong cuộc đời rồi cũng chuyển thành màu trắng. Trắng mắt, trắng đêm, trắng ngày chờ đợi rồi đến khi nhắm mắt buông xuôi cũng chỉ có hai bàn tay trắng…
***
Tôi với Ngoan cùng học với nhau từ ngày lớp một. Nhưng đến lớp tám thì hắn bị đuổi học vì tội trộm cắp.
Tôi còn nhớ năm ấy, chúng tôi vừa lên cấp ba, học lớp 8B, sau giờ kiểm tra toán, cả lớp ra chơi, đến khi vào, tự nhiên có đứa con gái kêu toáng lên bị mất trộm cây bút máy. Thời ấy, bút máy là vật hiếm, có tiền cũng không mua được vì thuộc “hàng bán phân phối nội bộ”, chỉ con cái nhà khá giả hoặc cha mẹ làm cán bộ mới có. Đứa con gái bị mất trộm được mệnh danh là “Thủy tiểu thư”, vì bố nó làm phó chủ tịch huyện.
“Ai trộm bút máy của bạn thì tự giác đứng lên!”
Thầy Lư chủ nhiệm còn trẻ, dáng người gầy gò, có cái cổ cò lộ hầu hầu, nhấp nhô ẩn hiện khi thầy giảng bài, rất nghiêm khắc, nói to. Học trò đứa nào cũng sợ. Một phút, hai phút rồi ba phút…. Không khí căng như giây đàn. Lũ học trò chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, đứa nọ ngờ vực đứa kia.
“Tất cả để cặp sách lên bàn, tự giác lộn túi quần túi ra ra!” Thầy Lư ra lệnh.
Tất cả cặp sách lập tức được mở tung, túi áo, túi quần đều lộn mề gà. Đứa nọ nhìn vào túi đứa kia, mắt ngơ ngác đầy vẻ đầy vẻ hoài nghi.
Thằng Ngoan ngồi ở bàn cuối, nghe thầy giáo ra lệnh, mặt hắn bỗng nhiên nghệt đi. Soi cặp mắt rất nhanh, thầy Lư đi xuống, nghiêng đầu nhìn xoáy vào mặt hắn như muốn nói rằng, thầy đã thấu tâm can kẻ gian manh rồi. Xong, thầy tự thò tay vào các ngăn cặp của hắn khám. Không đến một phút, thầy Lư lạnh lùng giơ chiếc bút máy hiệu Kim Tinh vàng chóe do Trung Quốc sản xuất lên cho cả lớp xem. Con Thủy mặt tươi tỉnh, nhận đúng bút của nó. Danh tính kẻ trộm cắp đã được xác định. Tên hắn là Nguyễn Hữu Ngoan!
Ngoan miệng lắp bắp định phân bua điều gì đó. Nhưng hắn còn gì mà phân với bua! Mà ai thèm nghe, khi mà vật mất trộm nằm trong cặp của hắn. Tang chứng vật chứng rành rành! Thầy Lư tỏ thái rất giận, quay ngoắt một góc 180 độ, cắp cặp đi thẳng sang lớp 10A giảng toán, tỏ vẻ không muốn nhìn mặt  kẻ cắp nữa. Thằng Ngoan đứng như trời trồng trước cái nhìn ghẻ lạnh của mọi người.
Sáng thứ hai tuần sau, xong giờ chào cờ, thầy hiệu trưởng Lê Bá Thâu, có nét mặt nghiêm nghị, nước da nâu đen trông như ông như Bao Công trên bàn xử án, thông báo về hành vi trộm cắp của học sinh Nguyễn Hữu Ngoan lớp 8b và đọc quyết định của hội đồng kỷ luật nhà trường bằng hình thức “buộc thôi học”. Tôi nhớ thầy còn nói thêm rằng. “Tôi rất buồn vì cha mẹ đặt tên em là Ngoan mà lại không ngoan. Rất thương em nhưng kỷ luật là kỷ luật, không thể nương nhẹ, phải làm gương cho những em khác!”
Hôm ấy trời rét mà thằng Ngoan mặc mặc rất phong phanh. Áo sơ mi vải phin trắng cũ, bên ngoài có mặc thêm áo cổ tròn, đan bằng sợi len gai thưa màu xám, chắc là mẹ hắn đã thức nhiều đêm để đan cho hắn. Mắt hắn mở to vẻ bất ngờ nên trông càng ngơ ngác. Vai hắn so lại, người run lên, không biết vì rét hay là xấu hổ. Có lẽ hắn cũng không thể hình dung mình bị kỷ luật nặng đến thế. Nghe công bố xong, hắn tách khỏi đội hình lớp, đi như chạy lên bục hội trường nhận tờ quyết định kỷ luật rồi trở vào lớp học lấy cái cặp cũ, lủi thủi ra cổng trường. Bóng hắn khuất dần sau rặng phi lao vi vút gió trong buổi sáng mùa đông rét căm căm năm ấy…
***
Lần ấy, tôi phải nhập viện mổ cấp cứu, tình cờ lại đúng vào bệnh viện của Ngoan.  Phải hơn một tháng sau, khi đã qua các khoa phòng chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra rất khắt khe về các chỉ số an toàn sau mổ, chuẩn bị xuất viện thì giám đốc Ngoan mới mời tôi lên phòng riêng chơi. Từ lần hắn bị đuổi học năm ấy, sau gần ba chục năm, hai thằng mới gặp nhau. Chắc chắn hắn mời tôi lên để kể cho tôi nghe tường tận khúc nhôi cuộc đời của hắn từ ngày ấy đến giờ. Còn tôi cũng tò mò, muốn biết những năm tháng khốn khổ của hắn sau lần bị đuổi học như thế nào và do đâu mà hắn lại được ăn học tử tế và tiến bộ một cách đáng ngờ như thế? Bao nhiêu năm trôi qua, khi ngồi đối diện, nhìn vào mắt nhau, tôi có cảm giác như hắn vẫn còn buồn vì cái quá khứ chẳng mấy tốt đẹp từ thuở học trò.
“Mày ngồi xuống đi. Tối nay ngủ lại với tao, ôn chuyện cũ. Số mày còn may, phát hiện sớm. Giờ thì ổn rồi. Về nhà nịnh vợ cho tốt, nhờ bồi dưỡng, ăn uống đúng chỉ định, uống thuốc đều đặn, chịu khó vận động nhẹ.”
Tôi gật gù và chăm chăm nhìn hắn. Hắn cũng nhìn tôi, trong ánh mắt của hắn, thừa biết trong lòng tôi đang nghĩ gì? Tự nhiên hắn lặng người đi, mắt thẫm lại, rượi buồn, như thể bầu trời thu trong sáng bỗng bị áng mây đen nặng nề thoáng lướt qua.
“Gặp tao, mày ngạc nhiên lắm phải không?” Hắn cười rất tự nhiên. “Mấy chục năm nay, tao chả gặp lại đứa bạn học cũ nào. Đôi lúc nhớ mái trường xưa, nhớ các bạn, rồi nghĩ tới cái chuyện mất bút của con Thủy tiểu thư ngày ấy, lại thấy buồn cho cái quá khứ khốn khổ của tao. Hôm hội chẩn, lướt qua bệnh án, tao nhận ra mày nên mới trực tiếp cầm dao mổ cho thằng bạn. Sao mày phải ra tận đây để khám?”
“Vợ chồng tôi ra thăm con trai đang công tác ở Học viện Chính trị. Lâu nay tôi cứ thấy vùng gan đau âm ỉ, nhấn tay vào thì nhói, ra đây con trai nghe mẹ kể, mới đưa bố đi khám, may vào bệnh viện của ông. Thật đúng là duyên trời! Nhà tôi có phúc lớn mới gặp được ông, chứ không thì toi rồi.”
“Toi thế đếch nào được! Ngày trước đánh trận, đạn bom như rắc trấu mà mày không toi, chứ bây giờ! Thế ngày ấy, mày ở chiến trường nào?”
Thì ra hắn biết tôi cũng đã từng đi lính. Hắn nhìn tôi, ánh mắt tỏ vẻ chân thành. Tôi biết, hắn muốn tạo cho tôi sự gần gũi, thân thiết của một thời từng là bạn bè chung trường, chung lớp với nhau. Sau rồi, tự nhiên hắn ngẩng cao đầu, soi thẳng vào tôi ánh nhìn thăm thẳm.
“Mày còn nhớ thầy Lư chủ nhiệm lớp ta ngày ấy không?”
“Sao lại không nhớ. Sau ngày tốt nghiệp cấp ba, tao với thầy cùng nhập ngũ một đợt.”
“Thế thì mày với thầy nhập ngũ sau tao có mấy tháng thôi. Vào chiến trường, tao đã gặp thầy Lư, cũng là lúc thầy trút hơi thở cuối cùng. Đúng là người ta có vận số!” Hắn dừng lại, mắt đượm buồn.
“Ông gặp thầy Lư à? Chiến trường rộng thế mà thầy trò gặp nhau. Đúng là duyên trời! Chắc ông còn thù thầy ấy lắm!”
“Chuyện đã xưa lắm rồi! Nhưng thực lòng, ban đầu tao cũng căm thầy ấy lắm. Nhưng sau này tao nghĩ, tất cả là lỗi của tao. Thực sự ngày ấy là tao không lấy trộm bút máy của con Thủy. Mày có nhớ là trước tiết đó, có kẻng báo động, cả lớp chạy ra hào giao thông để tránh máy bay không?” Ngày đó trường tôi sơ tán về Gò Cả, xung quanh trường đào hệ thống giao thông hào để tránh bom.
“Tao nhặt được chiếc bút máy ấy ở một góc giao thông hào. Tao chỉ chưa kịp thông báo với các bạn trong lớp là có ai đánh rơi bút không thôi. Thực ra thì tao cũng có chút máu tham. Đúng ra thì nhặt được thì thông báo ngay cho người mất luôn, nhưng tao còn đang đấu tranh tư tưởng. Mày bảo, cái bút đẹp như thế, là học trò, nhặt được của rơi, thằng nào mà chả thích. Thôi thì cứ coi như là tao trộm. Nhặt được của rơi không thông báo cho người mất.”
Ngoan ngồi yên, hít hơi, thở dài, có vẻ buồn về những tháng năm không mấy may mắn trong đời học trò của hắn rồi kể tiếp:
“Sau ngày tao bị đuổi học thì con Thủy có xuống nhà tìm tao. Nó khóc và xin lỗi tao. Nó bảo, giá như nó đừng kêu là mất bút thì có phải tốt hơn không… Tao bảo nó là Thủy về đi! Thực tình là mình nhặt được nó dưới giao thông hào. Nó lại càng khóc. Nó thừa nhận là có đến trú ở góc giao thông hào đó. Mấy chục năm qua tao cũng không gặp lại nó. Thực ra nó cũng là đứa tốt tính. Thầy Lư cũng xuống nhà tìm tao nhưng tao đã bị bố tao bắt đi mài dao thuê từ lâu rồi! Mày có tin gì về con Thủy không?”
“Không! Tôi kém may mắn hơn ông. Xuất ngũ, thi vào học sư phạm mười cộng ba, ra trường bị điều lên dạy miền núi gần mười năm trời, mới được thuyên chuyển về xuôi. Bạn bè xưa biệt tăm hết. Nhưng mà thôi, chuyện cũ, ông nhắc lại làm gì? Ông gặp thầy Lư trong trường hợp nào?” Tôi cắt đứt câu chuyện, muốn lôi hắn khỏi cái quá khứ u buồn đó.
“Trận chiến Thành Cổ Quảng Trị mùa hè năm 72, cuộc vượt sông Thạch Hãn…”
Nói đến đó thì hắn dừng lại, ngửa cổ ra đằng sau, lắc lư cái đầu khổ ải, tóc đã bạc quá nửa, như tìm về cảm xúc xưa, hồi tưởng lại giờ khắc gặp nhau của hai thầy trò hắn.
“Khi trung đoàn tao vượt quá nửa sông thì bất ngờ pháo địch dội xuống. Lưới lửa dày đặc của đối phương khiến đội hình quân ta tan tác. Mày biết là khi vượt sông, quần áo bộ đội đều cởi ra cho vào tấm tăng buộc túm lại, vừa làm phao bơi vừa là bệ gác súng để có thể vừa vượt sông, vừa tác chiến. Tao chứng kiến bao nhiêu cái chết âm thầm của đồng đội ngay bên cạnh mình. Khi được lệnh vượt sông, mày có hình dung được không? Cả một mặt sông nhấp nhô hàng ngàn cái chấm đen, mỗi cái chấm đen là một cái mũ cối, là mỗi mạng người. Thế mà chỉ qua một làn pháo dập, còn lại non trăm cái. Có một quả đạn pháo rít chói tai, xoáy tít nổ gần như ngay trước mặt tao. Tao vội buông tay cho thân thể chìm sâu xuống rồi mới trồi lên để tránh quả đạn. Ở ngay phía trước, sát cạnh tao, có mấy chục cái mũ cối nhấp nhô. Cứ nghe một tiếng ục là biến đi một vài cái mũ cối. Rồi lại ục ục, mấy cái mũ cối cũng mất tăm luôn. Ngoan nhìn tôi, mắt bỗng ngơ ngác như quả đạn vừa mới nổ bên tai hắn. Tao có cảm giác như những người lính tụt xuống đi dưới đáy sông chứ không phải họ chết. Làm sao cái chết lại có thể đến nhanh chóng và dễ dàng đến thế? Tao cố nhoài người lên thật nhanh. Lại gặp một cái mũ cối nhấp nhô. Người này bị thương nặng nhưng còn cố bám vào phao, nhưng phao bị thủng và ngấm nước nên anh ta bắt đầu chìm. Tao vội bơi lại xốc nách anh ta lên để bám vào phao của tao. Khi bỏ cái mũ cối ra cho khỏi vướng, trong ánh sáng ma quái của đèn dù và pháo sáng của địch rõ như ban ngày, nhìn khuôn mặt khắc khổ, cái cổ cò lộ hầu, cái cằm nhọn, tao nhận ra đúng thầy Lư. Trời ơi! Số phận thật nghiệt ngã, trớ trêu để hai thầy trò gặp nhau trong một tình cảnh khốn khổ như thế này. Tao hít một hơi dài để tăng sinh lực rồi cứ thế dìu thầy di chuyển chậm chạp trên mặt sông. Một lúc sau thì chân tao đã tiếp cận bờ đất. Tao chỉ còn đủ sức kéo thầy ghé lên bờ rồi nằm thở. Quân ta còn sống sót người nào thì ào lên, không kịp mặc quần áo, trần thùi lụi, trắng lốp, cứ thế tiến vào, lẩn vào bóng đêm, tiến về hướng Thành Cổ. Tao để thầy nằm ngửa, nửa người dưới nước, nửa trên bờ. Cái cổ lộ hầu của thầy như nhô hẳn ra, thụt ra thụt vào, trông rất tội.
“Thầy Lư! Trời ơi thầy! Thầy có nhận ra em không? Em là thằng Ngoan lớp 8b đây!”
Thầy Lư nhìn vào mặt tao một lúc, chớp đôi mắt đã lờ đờ, rồi sau đó thầy cũng nhận ra tao. Thầy kêu lên khe khẽ vì sức thầy cũng đã yếu lắm rồi. ‘Ngoan! Em…’
“Em đây thầy!”
Tao ôm lấy thầy, kéo hẳn lên bờ cát. Cả hai thầy trò ôm lấy nhau. Giây phút ấy, bom đạn giống như rắc trấu, chắc chả ai tin là mình còn sống sót. Máu từ ngực thầy vẫn rỉ ra, thấm đỏ đỏ trên cát. Thầy giơ bàn tay đã gần hết sinh lực sờ vào mặt tao. Thầy bảo:
“Ngoan! Chắc em còn thù ghét thầy lắm phải không? Thầy biết. Năm ấy, sau khi nhà trường kỷ luật em, thầy ân hận lắm. Thầy đã tìm đến nhà em mấy lần nhưng không gặp. Em bỏ đi đâu hay cố trốn không muốn gặp thầy? Thầy biết, thầy đã sai. Ba năm sau, nghe tin em vào bộ đội, thầy cũng lên đường nhập ngũ. Chiến tranh mà! Không ai có quyền đứng ngoài cuộc. Thầy thầm khấn trời Phật là vào chiến trường sẽ gặp được em. Đúng là trời Phật đã phù hộ thầy trò ta em ạ!” Nói rồi thầy khóc không thành tiếng.
Tao nhìn sắc mặt thầy và giọng nói, biết thầy đã quá yếu rồi, khó qua khỏi. Tao mới bảo thầy. Thầy ơi, thầy có  dặn lại  gì không? Sau này, nếu em còn sống, em sẽ …
Thầy Lư nấc lên mấy cái, mặt giàn giụa nước mắt.
“Ngoan ơi! Em mở hộ cái túi vải nhỏ thầy đeo trên cổ, có gì trong đó, em lấy hết ra cho thầy”.
Bây giờ tao mới để ý, trên cổ thầy có một sợi dây nhỏ. Tao lần sợi dây đeo ở cổ thầy, thấy có buộc một cái túi vải nhỏ. Tao lồng qua cổ thầy, mở vội và lấy ra một gói giấy bọc ni lon rất cẩn thận giơ ra trước mặt thầy.
Có phải cái này không thầy?
Thầy Lư thì thào:
“Ừ! Đúng rồi em. Đây là những thứ thầy đã chuẩn bị sẵn, để khi vào chiến trường nếu may mắn gặp được em thì thầy sẽ trao cho em. Vì biết rằng, thầy trò có gặp nhau thì cũng không có thời gian tâm sự. Ngoan ơi! Đó là cây bút máy hiệu Kim Tinh mạ vàng, giống hệt cây bút của cái Thủy, thầy đã tìm mua tặng cho em. Tờ giấy tiếp nhận của ban giám hiệu nhà trường đồng ý nhận em trở lại học do thầy đề xuất ý kiến. Thầy đã tìm em suốt hai năm trời nhưng không gặp. Khi nhà trường kỷ luật buộc em thôi học, em mới mười lăm tuổi đầu. Thầy đã nhẫn tâm đẩy em ra đường. Đáng lẽ phải nghe em trình bầy, ít nhất thì cũng tạo cho em cơ hội sửa chữa lỗi lầm, nhưng thầy quá mô phạm, quá tin vào nhận định của quan của mình. Em hãy tha thứ cho thầy. Ngoan ơi! Thầy không xứng đáng…
Nghe thầy nói thế, tao ứa nước mắt. Tao cũng khóc. Tao muốn khóc to lên nhưng giữa trận chiến ác liệt, nhưng làm gì có thời gian để mà khóc lớn? Hai thầy trò ôm nhau khóc ri rỉ. Tao cảm thấy cơ thể thầy đang lạnh dần. Khi tao buông thầy ra thì thầy Lư đã ra đi mãi mãi…”
Tôi ngẩng mặt lên nhìn Ngoan. Mắt tôi cũng ướt nhòe từ lúc nào. Câu chuyện của hắn kể khiến tôi xúc động quá. Tôi đứng dậy ôm lấy hắn. Ôi Ngoan ơi, thầy Lư ơi! Vào chiến trường, đối mặt với cái chết, con người ta mới nhận diện ra cái bản ngã của mình, mới biết thương nhau. Đôi khi, sống đời thường, con người ta đâu có nghĩ ra điều đó. Thầy Lư cũng thế, là người thầy, chỉ lo tròn phận sự, đâu đã thấu cảm hết những nét riêng trong tâm hồn mỗi đứa học trò của thầy?
Ngoan đứng dậy, đi về phía tủ lạnh. Hắn pha cho tôi cốc nước chanh đá, còn hắn thì rót đầy một cốc nhỏ rượu vodka. Tôi biết thần kinh của hắn có vấn đề, tâm hồn đang cảm xúc mạnh. Tôi nhìn thấy ánh mắt của hắn như còn thảng thốt, đớn đau như cuộc gặp của thầy trò mới vừa hôm qua thôi. Tôi với hắn cùng ngồi lặng yên như thế rất lâu, đợi cho cảm xúc lắng xuống.
“Mấy chục ngày đêm chiến đấu trong Thành Cổ, đồng đội xung quanh tao ngã xuống rất nhiều mà sao tao không hề hấn gì mới lạ. Tao dám chắc là linh hồn thầy Lư đã phù hộ cho tao.”
Nhấp một ngụm rượu nhỏ, vẻ mặt hắn trở lại sắc diện bình thường.
“Tao tin là linh hồn thầy phù hộ cho tao thật mày ạ, nên cấp trên mới điều vào đội tải thương. Khi đưa thương binh vượt sông sang bờ Bắc, tao lại chứng kiến bao nhiêu cái chết thương tâm của những người lính đang bơi vào. Thằng sắp tử thì ra, thằng đang tuổi thanh xuân mơn mởn thì vào thay thế. Liệu khi ra thì còn lại bao nhiêu thằng sống? Chiến tranh thật khủng khiếp! Sang bờ Bắc, tao không phải quay vào mà tải thương ra hậu cứ luôn. Thế là tao thoát chết.”
“Thế ông xuất ngũ năm nào?”
“Sau năm 75. Tao không về học trường cũ nữa mà học trường bổ túc văn hóa quân đội dành cho quân nhân xuất ngũ. Tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa, tao thi vào Đại học Y Hà Nội…”
Ngoan lại đứng dậy, mở cánh cửa tủ đứng, quay ra, hắn đưa cho tôi xem cây bút máy hiệu Kim Tinh của thầy Lư tặng hắn. Mấy chục năm rồi mà nước mạ của chiếc bút vẫn còn óng ánh như mới.
“Cái bút máy của thầy Lư tặng tao đây mày! Mày thừa biết, ngày ấy, chiếc bút này là cả một tháng lương của thầy. Thầy đã dành dụm từng đồng lương còm mua cho tao. Sáu năm đại học, rồi sau này theo học lên cao học, tao giữ gìn như báu vật. Không biết linh hồn thầy linh thiêng thế nào mà mỗi khi cầm vào cây bút, đầu óc tao trở nên thông tuệ, sắc sảo, đọc đến đâu hiểu, đến đó. Giống như tao sinh ra là để cống hiến cho khoa học vậy! Sáu năm học, năm nào tao cũng được nhận học bổng.”
Tôi cầm cái bút máy do chính tay thầy mua Lư mua tặng hắn mà lòng dâng đầy biết bao cảm xúc. Ba mươi năm trước, nó đã từng là ước mơ của bao cô cậu học trò. Cây bút đã đi qua một thế hệ chúng tôi, những người lính trẻ sẵn sàng xả thân vì nước, đã từng theo thầy trò thằng Ngoan vượt sông Thạch Hãn, thấm máu bao nhiêu đồng đội tôi, chứng kiến cuộc đối đầu lịch sử khốc liệt với quân thù trong cuộc chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
“Tao đã hai lần mò vào tận Nghĩa trang Quảng Trị, tìm rất kỹ mà vẫn không thấy mộ thầy. Khi thầy hy sinh, tao chỉ kịp bới một hố cát nông choèn đủ vùi kín thi thể gầy nhom mà trần thùi lụi của thầy cùng với cái túi vải thầy đeo ở cổ có đựng số hiệu quân nhân trong đó. Mày bảo, lúc ấy, pháo bầy của địch dập liên tù tì, có cái xác vừa vùi xong lại bị đạn pháo bật tung lên.”
Để không khi bớt nặng nề, tôi lái câu sang hướng khác.
“Thế sau lần bị đuổi học, ông biến đi đâu mà mất tăm mất dạng thế? Tôi đã sang nhà tìm ông bao nhiêu lần, hỏi mẹ ông, bà chỉ nói là nó đi làm ăn rồi. Làm ăn gì vậy?”
Nghe tôi hỏi, hắn cười tươi lắm nhưng miệng lại méo xệch.
“Năm ấy tao mới mười lăm tuổi đầu, bị tống cổ khỏi trường học thì còn biết làm gì? Đi công nhân hay lính thì chưa đủ tuổi. Về nhà đưa tờ quyết định thôi học, mẹ tao thương con, chỉ biết khóc. Còn bố tao thì lặng lẽ nhìn tao từ đầu đến chân, cứ như tao là người xa lạ từ đâu đến. Một buổi sáng, ông ấy kiếm đâu ra hai hòn đá mài to, được gọt đẽo vuông vức, một thô, một tinh, buộc vào hai đầu đòn gánh rồi bảo: ‘Lớn rồi! Không học được thì phải vào đời mà kiếm sống, không ai nuôi báo cô loại trộm cắp vặt! Thằng học trò bị đuổi học, cũng giống như con dao cùn, phải kiên tâm mài, mới sắc được. Dao không mài, dao cùn, người không rèn luyện, người hư.’ Trời ơi! Ông ấy nói giọng đầy triết lý sâu xa. Ông ấy đã nghĩ kỹ như thế, không đi thì ông ấy đánh chết! Tao đành quảy toàng teng hai đầu đòn gánh hai hòn đá mài rời khỏi cống nhà mình, cất bước chân đầu tiên đi ra thiên hạ kiếm ăn. Bị bố đuổi ra khỏi nhà, tao vừa buồn vừa nhục. Nhưng tao tạc dạ từng lời của ông ấy. Mày bảo sao không nhục? Nhà trường còn gửi quyết định kỷ luật về địa phương để “chính quyền và gia đình quản lý giáo dục”. Mày bảo tao còn dám vác mặt đi đâu nữa chứ! Đi khỏi cái làng mình trong lúc này, âu cũng là một điều tốt. Thế là tao gánh hai hòn đá mài cắm cúi bước. Tao cứ bước miết, không muốn quay đầu trở lại. Mà cũng không dám quay đầu. Tao chỉ có một con đường, phải bước ra ngoài đời kiếm sống. Không kiếm được thì nhảy xuống Cầu Sành mà tự tử. (Nghe hắn nói đến cầu Làng Sành, tôi chợt nhớ đến cây cầu ở quê tôi, được xây từ thời thuộc Pháp, xưa kia theo lời các cụ kể, đầy bọn cướp đêm cướp ngày. Đã có mấy cái xe khách đi trật bánh rơi xuống, cả người và xe bị cháy thành tro.) Tao cứ cắm cúi đi cho đến khi nhìn lên, thấy mặt trời sắp lặn, thấm mệt mà bụng đói kinh khủng, tao mới ghé vào một bản người Mường ở ngay chân núi. Tao liều bước vào ngõ một ngôi nhà sàn nhỏ, vào sân, thấy có một bà mế đang giã gạo và một cô con gái chừng độ tuổi tao ngồi sàng sảy. Thấy tao vào, họ dừng công việc nhìn ra, tưởng tao là khách. Tao mới bảo là nhà có dao cùn để mài không? Cháu là người dưới xuôi, làm nghề mài dao thuê. Nhà bác có tiền thì đưa, không thì cho cháu xin bữa cơm cũng được. Chả biết lúc ấy ai xui mà tao nói lưu loát được như thế. Sau này mới nghĩ lại là do cái bụng đói mà ra cả. Các cụ ngày xưa từng nói “Đói thì đầu gối phải bò” là gì? Nghe tao nói thế, người mẹ đi nhanh vào nhà đưa ra mấy con dao liền. Tao ngồi ở góc sân cắm cúi mài cho đến gần tối thì xong. Tao mài dao sắc lắm, vì trước khi đi, bố tao cũng bày cho mấy đường cơ bản. Đúng lúc đó thì ông chồng đi nương về, nhìn tao có vẻ ngạc nhiên. Nghe họ nói một tràng tiếng Mường với nhau, tao không hiểu hết nhưng đại khái là ông ấy bảo vợ là nhà có đàn ông sao phải thuê thợ mài dao. Người vợ nói lại, giọng hiền mà êm ái như ru, là thương nó còn nhỏ mà phải đi mài dao thuê, chắc nhà nó nghèo khổ lắm…
Đêm hôm ấy, tao được ăn cơm với món măng chua nấu cá suối. Ăn xong, tao xin ngủ trọ lại, đợi sáng mai mới đi được chứ giờ tối rồi còn biết đi đâu. Vợ chồng nhà ấy đồng ý. Đêm ngồi bên bếp lửa, con bé ấy cứ nhìn tao chăm chắm như muốn nói điều gì. Tao nhìn mắt nó, mắt con gái Mường, lạ mà dễ thương lắm mày ạ, vừa ngây dại, và dễ tin người. Chắc nó thấy tao mài dao xoèn xoẹt cả chiều mà chỉ xin một bữa cơm, nên thương và có cảm tình với tao. Một lúc sau thì người bố quăng mảnh chiếu và một cái gối mây vào góc nhà sàn, bảo tao lại đó mà ngủ. Thế là ngày đầu tiên, tao đã kiếm được cái ăn và có một chỗ ngủ tạm cho là tử tế.”
Kể đến đó, Ngoan cười lên ha hả, có vẻ thú vị và ý còn hào hứng kể tiếp, nếu tôi thích nghe. Tôi cứ lặng người nghe hắn kể. Tôi không hình dung được cuộc đời của hắn lại rẽ sang lối khác như thế. Ngày ấy, tôi là con trai một, cha tôi chiều chuộng lắm. Giả như tôi lâm vào hoàn cảnh như hắn, chết đói là cái chắc.
“Tao chợp mắt được một giấc thì tỉnh vì lạnh. Đêm miền núi, khi lạnh từ núi đá tỏa ra theo làn sương mù dày đặc lùa qua ‘cửa vóng’ khiến tao rét run. Ngoài vườn trăng khuya nhợt nhạt như da mặt người chết. Tao nghe có tiếng cú rúc và tiếng bay lạch phạch của mấy con chim lợn ăn đêm kêu éc éc làm lay động cành lá một góc vườn khuya. Tao bắt đầu sợ. Ngay lúc đó có bước chân bước nhẹ trên sàn, rồi một chiếc chăn thổ cẩm ném xuống người tao. Tao vội trùm lên, đắp kín đầu cho đỡ sợ. Người mang chăn không nói gì, nhưng tao biết, chính xác là cô bé người Mường ấy.”
“Ông bịa chuyện giỏi đấy! Cứ như một cuốn tiểu thuyết!”
“Tao xin thề với mày là một trăm phần trăm sự thật. Nếu sai, mày cứ ném tao vào rừng cho hổ ăn thịt.” Tôi cười, nhớ lại ngày còn bé, đã mấy lần hắn đã thề với tôi như thế.”
“Sáng hôm sau, cô bé người Mường lại dẫn tao đến các nhà quen để mài dao. Lần nào cô ta cũng dặn trước khi ra về. Mài dao xong rồi thì về nhà mà ăn cơm, anh người Kinh nhé! Thế là tao đã có việc làm, có chỗ ăn, chỗ ngủ như một gia đình thực thụ. Mày bảo số tao có may không?”
– Mày phải lòng cái thằng người Kinh đó rồi phải không? Hơn hai năm, sau ngày tao tá túc tại nhà con bé Mường xinh đẹp ấy, ông bố bắt đầu nghi ngờ và tra khảo nó vì thấy bọn tao có vẻ quyến luyến nhau. Con bé lại hay dẫn tao vào suối để tìm đá mài. Rồi đêm nào tao với nó cũng ngồi rất lâu bên bếp lửa. Con bé gật đầu. Ông ta nghiêm mặt, quay sang nhìn tao, ánh mắt sắc như con dao mới mài.
– Mày đã mài cái ấy vào con gái tao chưa?” Tao lắc đầu. Ông ta lại bảo: -Tao không tin cái thằng người Kinh mày. Mày với nó vào suối cả ngày, khi về tao thấy cái váy của nó đã ướt, lại xộc xệch mà mày bảo không làm gì nó. Từ giờ mày không được đi đâu khỏi cái bản này. Phải để xem cái bụng của con gái tao có sưng như bị ong đất đốt không đã. Nó cứ to dần lên là mày phải ở lại đây làm rể tao, ở lại cái bản này mà mài dao hết đời mày. Ở bản tao còn nhiều dao cùn lắm, mà nhiều người cũng thích mày! Nghe bố già dọa thế, tao hoảng mới trốn về làng. Mấy tháng sau có đợt tuyển quân, mà cái lý lịch trộm cắp của tao người ta cũng quên lâu rồi, nên trúng luôn.”
“Thế mày nhẫn tâm bỏ mặc cô bé người Mường ấy để cho ông bố hành hạ à?”
Hắn thì thầm: “Đâu có! Không lúc nào tao quên cô ấy. Sau này, khi xuất ngũ, tao đã lên tìm cô bé Mường tốt bụng và xinh đẹp, ân nhân của đời tao, định trồng cây si ở bản Mường ấy nhưng cô ấy đã chết trong một trận lũ quét rồi! Mà cô ấy bị nước lũ cuốn ngay ở con suối mà tao với cô ấy hay vào tìm đá mài. Có thể vì nhớ tao nên cô ấy vào tìm lại dấu xưa chăng?” Hắn nhìn vào tôi, mắt ướt nhòe.
Thằng Ngoan bảo tôi ngủ lại với hắn một đêm nhưng tôi từ chối. Câu chuyện hắn kể, nghe như thế đã đủ, ở lại, chỉ làm cho hắn buồn thêm. Cuộc đời vốn là thế. Khi mọi sự đã qua rồi, cứ phải để cho nó qua đi…
Câu chuyện mà thằng Ngoan, bạn tôi, kẻ trộm cây bút máy, nay là giáo sư, tiến sĩ, giám đốc bệnh viện kể cho tôi, mãi đến giờ tôi mới có điều kiện ghi lại. Bây giờ hắn cũng đã nghỉ hưu, nhưng vẫn ký hợp đồng nhận tham gia những ca mổ phức tạp khi các bệnh viện có nhu cầu. Cuộc sống mỗi đứa đã an bài theo một hướng nào đó của số phận…    12/8/2024
Trịnh Tuyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...