Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Định hình một giọng văn Trịnh Minh Hiếu

Định hình một
giọng văn Trịnh Minh Hiếu

Truyện Trịnh Minh Hiếu như giọt nước vắt ra từ lòng đất, chảy theo các khe núi, kẽ đất, lặng lẽ, âm thầm, thế mà ngấm, thế mà thấm như giọt nước nuôi cây. Một đường văn lặng lẽ, một giọng văn lặng lẽ, một người văn lặng lẽ, đã thế, cứ thế làm nên một giọng điệu của riêng Trịnh Minh Hiếu trong đời sống văn học…
Tôi biết Trịnh Minh Hiếu có lẽ cũng xấp xỉ hai mươi năm, quãng thời gian đủ để hiểu một đường văn. Do công việc và có lẽ cũng chưa có duyên, tôi chỉ được đọc truyện “lẻ” mà chưa đọc thành tập, “ra tấm ra miếng”. Trong hai năm liên tục, Trịnh Minh Hiếu cho ra mắt 2 tập truyện ngắn, Tiếng chuông trên đỉnh Cô Thình (năm 2013), Thúy Mầu (năm 2014). Bẵng đi mười năm, Trịnh Minh Hiếu cho ra mắt tập truyện ngắn Giấc cỏ dụ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2023).
Trịnh Minh Hiếu gửi tặng sách với lời nhắn: Đọc để biết. Đọc lời nhắn của nhà văn, tôi nghĩ, Trịnh Minh Hiếu không mong muốn điều gì ngoài bạn văn đọc của nhau. Tôi thầm hiểu thế và chia sẻ với Trịnh Minh Hiếu. Thực ra, dường như có thói quen, thành “tật”, các nhà văn ít đọc của nhau. Ngay cùng in trong tạp chí hay báo nào đó, cơ bản chỉ đọc tác phẩm của mình xem Ban biên tập sửa chữa, biên tập như thế nào để biết cái “gu” phục vụ cho các tác phẩm sau nếu có ý định gửi tiếp, còn dường như ít đọc của bạn viết khác. Chính vì thế, khi nhận được sách của Trịnh Minh Hiếu, tôi dành thời gian để đọc. Tính Trịnh Minh Hiếu vẫn thế. Sâu sắc mà gần gũi, nhẫn nhịn và chiều bạn, luôn nhận về phía mình sự thiệt thòi. Đã có đôi lần tôi nghĩ, nếu cuộc đời là dòng sông, phía Trịnh Minh Hiếu mãi cứ là bên lở.
Khi chạm vào tác phẩm của Trịnh Minh Hiếu, điều tôi nghĩ đầu tiên. Trịnh Minh Hiếu sẽ chọn cho mình phong cách nào? Ngôn ngữ nào? Định hình cho giọng văn riêng chỉ có ở Trịnh Minh Hiếu. Tôi nghĩ thế bởi, mỗi người cầm bút, điều đầu tiên phải là cái riêng, cái tôi đặc trưng không trộn lẫn. Sự định hình phong cách là sự lựa chọn riêng để không lẫn trong số đông đi chung trên con đường văn. Đó là điều tự khẳng định mình, giữa số đông, tôi vẫn là tôi, duy nhất. Và qua cả 3 tập truyện ngắn, tôi nhận ra, Trịnh Minh Hiếu đã như thế, có con đường riêng, con đường khác biệt, chỉ có ở Trịnh Minh Hiếu, không trộn lẫn. Đó là lối kể tưng tửng, như cái cách, tôi kể bạn nghe chuyện này, điều này mà tôi chứng kiến trong đời sống. Trong giọng kể ấy, có chút hài hước, bông phèng, giễu nhại của lối văn thời công nghiệp nhưng vướng vất chút cổ điển, thâm trầm, thân phận và pha chút liêu trai, thực mà hư, đưa bạn đọc có cảm giác, hình như, câu chuyện này đã gặp, đã thấy ở đâu đấy trong đời sống xã hội còn nhiễu nhương hiện nay.
Có dễ, ai cầm bút cũng thế. Cuộc đời là những chuyến đi “nhặt” câu chuyện của cuộc sống rồi chọn các chi tiết, chép lại, ghép lại trong một tuyến xuyên suốt tư tưởng tác phẩm. Những lát cắt cuộc sống ấy miễn sao tạo được sự liên kết trong một sự thống nhất của ý tưởng tác giả muốn đề cập. Trịnh Minh Hiếu cũng thế, đã thế nên đọc truyện của Trịnh Minh Hiếu cứ phảng phất ta gặp đâu đây, gần gũi và cũng rất đời, rất người.
Ở thể loại truyện ngắn, các nhà văn thường chọn cách cô đặc, điển hình nhân vật, đẩy các chi tiết đến tận cùng, tạo nét nhấn, điểm nhớ trong bạn đọc. Những chi tiết ấy là dấu ấn của người viết để khi ai đó nhắc đến điều gì đó tương tự xảy ra trong cuộc sống, sẽ đánh thức vùng nhớ về một tác phẩm đã đọc. Không như lối nghĩ, tư duy của nhiều người, truyện của Trịnh Minh Hiếu không trọng chi tiết lắm mà coi trọng tính tư tưởng của hệ thống sống truyền thống, nhân sinh. Có lẽ vì thế, truyện ngắn của Trịnh Minh Hiếu luôn có tính triết lý nhân sinh. Đó là hãy sống tử tế, cho tốt. Cái tâm tưởng “sống như thế nào, có quỷ thần hai vai chứng giám, có lưới trời lồng lồng soi xét”, cuộc đời có nhân có quả. Sống hãy cứ tử tế đi, có phúc có phần, cuộc đời này, có luật nhân quả đấy, “giọt mưa trước rỏ đâu, giọt mưa sau rỏ đấy”, “ăn mặn khát nước”, dù cái ác trong một điều kiện nhất định nào đấy có thể trội lên nhưng sớm hay muộn, cái ác sẽ bị ngăn chặn và chịu sự trừng phạt.
Giấc cỏ dụ – Tập truyện ngắn của Trịnh Minh Hiếu
Là hắn trong Độc thân, câu chuyện kể về một người đàn ông có lối sống khác người, mẫn cán công việc nhưng thích sự cô độc, sống chung trong chung cư với một người đàn bà già tên Lan, đã về hưu. Vốn thích sự yên tĩnh. Thế mà, đùng cái, người đàn bà chung nhà đón cô cháu gái về ở trong thời gian sinh con. Dù hắn đã chạy trốn không gian “bà đẻ” ấy. Nhưng cuối cùng hắn đành phải chấp nhận sự phồn tạp của đời sống. Sự va chạm, qua lại với người bà, người mẹ cùng đứa trẻ đã dần tạo nên sợi dây kết bện của tình người. Hắn quen dần với cái mùi “trẻ con”, với sự ồn ào, vui vẻ của một gia đình mà hắn chỉ là kẻ độc thân. Hắn nhận chân ra chính hắn mới kẻ “khó ưa”. “Một công chức như hắn, giá trị chẳng khác gì đống giấy đã được oạch dấu đỏ làm sang”. “Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản cũng không thực bằng chủ nghĩa cơm áo gạo tiền”. (Trang 23- Giấc cỏ dụ).
Là Tôi trong Uất ngải hương kể về một chàng trai, có tình yêu với một cô gái dân tộc. “Lòng trai chí lớn” cuốn người trai vào những tham vọng, vướng vào sự phồn hoa, đánh rơi lời thề hẹn. Cuộc sống hiện thực cuốn “bông hoa của núi rừng”, người con gái đẹp của miền sơn cước vào bể trầm luân kiếp người với những thói đời đen bạc. Chàng trai ngày một quyền thế, cô gái ngày một “bùn lầy”, khoảng cách địa vị đẩy họ càng xa. Gặp lại nhau sau bao năm, chàng trai xưa tưởng là vinh hoa nhưng thực ra chất chứa bên trong là sự đổ vỡ. Đổ vỡ niềm tin là điều đau đớn nhất. Đánh mất niềm tin là đánh mất lớn nhất. Còn cô gái, như loài uất ngải hương, loài hoa đẹp, “hoa hậu của các loài hoa” nhưng vì sắc hương mà lũ bướm sâu luôn tìm đến “châm kích” gây hại. Mối tình đẹp một thời xưa chưa xa còn đó nhưng cuộc sống không có tình yêu sẽ trở thành vô vị và không đáng sống. Cuộc tình gian dối đã là mầm mống của cái ác chưa gọi tên.
Là Bà ấy trong Bóng nghiệp, góc nhìn khác về cuộc đời giữa hư và thực của một nữ diễn viên. Cuộc sống trên sân khấu là ông hoàng bà chúa, trở về với đời thực là những cơm áo gạo tiền. Mọi sự ca tụng rồi sẽ theo thời gian, sẽ tàn phai theo năm tháng. Thực tại là sự hiển hiện với bao bề bộn kiếp người, đừng để chút bóng bẩy, hào nhoáng, hoa mĩ không thực đánh cắp cuộc đời. Có chăng, chỉ để lại sự ám ảnh từ “bóng nghiệp”. “Kinh thành xa hoa rực rỡ chỉ dựng lên rồi hạ xuống trong một đêm diễn. Dù có ông hoàng, bà chúa, một tiếng thét dài làm ngả nghiêng thiên hạ” nhưng “đến hồi kết, trong phút chốc, khi hai cánh màn sân khấu khép lại, tất cả lại trở về xưa cũ” (Trang 49, Giấc cỏ dụ). Thực tiễn luôn cay đắng và đầy trắc trở, hãy đối đầu với nó, hãy sống thực, thấy đủ là sẽ đủ, có tham sân si rồi cũng vẫn kiếp cỏ. Có phải chăng, đó là cái căn cơ nhất, cái đích cần đến của mỗi con người? Cuộc đời là con đường ta dấn bước. Và đích đến, điểm dừng chân cuối cùng rồi vẫn chỉ hư không.
Là Nó trong Cõi bờ yêu thương của hai ông cháu. Một cuộc sống gia đình bóng ông cứ âm thầm lặng lẽ làm tất cả chỉ để cho người cháu trưởng thành là người. Người cháu lại không hiểu được tâm ý, sống chạy theo những ham muốn đời thường, để rồi, khi chia xa, lúc ấy nhận ra “Mọi thứ trên đời đều có thể nới sóng, so kè” (Trang 55, Giấc cỏ dụ) nhưng đến khi nhận ra được sự thật, chân lý của cuộc sống, quy luật muôn đời thì đã muộn. Dẫu sự sám hối đã muộn nhưng cũng là còn hơn không. Lời sám hối muộn mằn để kéo cuộc đời về với đích giá trị thực là người. Nhưng có lẽ, điều cần nhất ở cuộc đời này, đừng để phải sám hối bởi quãng thời gian trên trần tục cũng chỉ là dấu chấm nhỏ li ti trong quãng dài của thời gian vô tận.
Là Nó trong Hoa tiêu đất, chối bỏ những giá trị cuộc sống để được tự do tự tại theo ý thích cá nhân. Tự do là quyền được sống cao nhất nhưng trong một xã hội có giai cấp, sự tự do chính là biết chính mình là ai và như thế nào. Khi cuộc sống xã hội thay đổi, giá trị bất động sản (đất) lên ngôi, nó quay lại với những suy nghĩ tội lỗi. Tất cả đã muộn khi nó tỉnh giấc. Cây hoa tiêu đất liệu có đủ sức kéo nó trở về với cuộc sống khi “đi đâu, làm gì, sống thế nào, vẫn bị vây chặt bởi cái căn cước đen của tuổi trẻ. Cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời hắn đã biến thành vũng tối” (Trang 76, Giấc cỏ dụ). Cây cỏ dại dẫu có được tỉa tót, chăm sóc, uốn nắn đến đâu, có thể khoe sắc màu rực rỡ đến đâu thì cỏ dại vẫn cứ là cỏ dại. Vẫn là bản chất của cuộc sống, sự hiện hữu của con người.
Là Sa, một người đàn bà nuôi những đứa trẻ trong trại mồ côi, với mong muốn “phải thay đổi phận mình” với ý nghĩ cuộc đời “hoan hỉ thì ít, cay đắng thì nhiều”; “cõi đời hư vô chỉ là cõi tạm” trong Giấc cỏ dụ. Cuộc tự đối thoại trong giấc mơ đã để Sa nhận ra chân giá trị cuộc đời. Triết lý “Lượng trời phúc đẳng hải hà cũng không cứu được khổ nạn kiếp người” (Trang 86, Giấc cỏ dụ). Là sự mong muốn nhận được mọi điều tốt đẹp, an lành, muốn tránh đi mọi đắng đót khổ đau. Mong ấy chính đáng nhưng điều ấy sẽ đến khi và chỉ khi biết chấp nhận, dám đương đầu với mọi bất an, mọi tủi cực như vốn có của cuộc sống.
Hiện thực cuộc sống đang diễn ra, có nhiều điều đã tác động nhất định đến quan niệm, tư tưởng xã hội. Để lý giải về những nhiễu nhương, khổ ải nơi trần thế, trước những u mê của người về những mong muốn khát khao về một cõi thiên đường kiếp người. Nhất là những gì đang diễn ra trong cuộc sống nhận thức về tôn giáo hiện tại. Trịnh Minh Hiếu đã chỉ rõ bản chất của cái gọi là sự “huyền bí”, mộng tưởng hão huyền về thiên đường và địa ngục. “Ta nói cho con hay. Mọi lẽ buồn vui, giàu nghèo, sướng khổ, đều từ duyên nghiệp. Cõi trần u mê, còn nhiều tham, sân, si, nên thấy đó là khổ đấy thôi” (Trang 86, Giấc cỏ dụ). Vậy điều gì là căn cốt của cuộc sống? Phải chăng đó là sự chấp nhận, dám chấp nhận và chính bản thân, phải tự thay đổi nhận thức, tự đánh thức chính bản thân. Khi biết về mình, hiểu rõ đời, biết quy luật của cuộc sống, những tác động trắng đen, phải trái khắc sẽ thấy sự thanh thản và an nhiên tự tại. Cũng thông qua tác phẩm, Trịnh Minh Hiếu chỉ ra nguyên nhân, cái đưa con người đến mọi tội lỗi, chính là cái tôi, cái tự cao tự đại, cái tôi siêu phàm, cái giống người cho mình nhất thống thế giới, đùa giỡn, xin xỏ đủ điều cả với thánh thần nhưng trong tâm thì coi không là cái gì, chỉ chót lưỡi đầu môi. “Thôi! Về đi! Phàm kẻ người khó giáo hóa! Các người khôn ngoan, ma quái, quỷ quyệt nhưng cũng đớn hèn, dục lạc…Các ngươi được phàm trần, hữu danh, hữu thực, một cõi trung dung. Vậy còn muốn gì hơn? Giỏi! Kẻ người quá giỏi!” (Trang 91, Giấc cỏ dụ).
Ngoài những truyện điểm trên, các truyện Bữa cơm nhà, Ngôi nhà có giàn hoa giấy, Chuyện thời thế, Bộ quần áo tết, Bức ảnh đêm chiến tranh, Những ngày xịn sò, Phiên chợ cuối năm, Vong của lửa, Ngày Covid, Trịnh Minh Hiếu vẫn đi theo lối đi riêng với giọng điệu riêng, phong cách riêng, hư mà thực, trầm lặng mà sâu sắc về những điều nhân sinh cần có, phải có của kiếp người giữa thói đời ô trọc, tham, sân, si mà không biết đến giới, định, tuệ của kiếp nhân sinh.
Có lẽ vì tư tưởng trong các truyện của Trịnh Minh Hiếu luôn có tính triết lý nhân sinh nên kết thường có hậu, mở ra con đường mới cho lối sống mới, cho sự sám hối, cho sự tử tế con người sống tốt hơn lên. Có lẽ thế, các nhân vật trong truyện của Trịnh Minh Hiếu thường đứng ở ngôi thứ 3, nó, hắn, lão ấy, chị ấy, anh ấy…Đây cũng là cách tạo cho bạn đọc niềm tin về câu chuyện đang nghe, đang xem, đang đọc và cũng đem đến cho Trịnh Minh Hiếu tâm thế có tính khách quan hơn trong lối kể, cho sự dẫn dắt bạn đọc đọc tác phẩm của mình, nghe câu chuyện của mình.
Truyện Trịnh Minh Hiếu ít đối thoại, chủ yếu là những diễn biến tâm lý, những giằng xé, những toan tính, những trăn trở giữa cái thiện và cái ác, giữa điều tử tế và sự khốn nạn, giữa trong và đục, giữa làm người và không là người. Các trang viết của Trịnh Minh Hiếu là quá trình mổ xẻ những diễn biến trong đời sống nhân vật. Dẫu không phải là cuộc đấu tranh một mất một còn, căng thẳng và quyết liệt nhưng nó vẫn giằng xé, đau đớn, quằn quại. Để thoát ra khỏi vũng bùn, rũ sạch, đứng lên hoàn lương không phải là điều dễ dàng khi “tay đã nhúng chàm”. Trong số phận nhân vật của Trịnh Minh Hiếu đều là những quá trình đấu tranh nội tâm để bỏ tối về sáng, bỏ cái tôi về cái chúng ta, bỏ sự ích kỷ về với quảng đại nhân quần. Đây cũng là cách Trịnh Minh Hiếu lựa chọn riêng cho con đường văn, con đường của riêng Trịnh Minh Hiếu.
Đọc Trịnh Minh Hiếu tôi có cảm giác, có truyện mà lại không có truyện. Bởi truyện của Trịnh Minh Hiếu không chú tâm vào các chi tiết điển hình, chi tiết độc, lạ với lối nói quá, khuếch trương. Các chi tiết trong truyện Trịnh Minh Hiếu như thấy đâu đây, ngay bên cạnh, đang diễn ra, gần gũi có thể nhìn thấy, sờ thấy và cảm được. Tốc độ truyện chậm, như lối kể thủ thỉ, túc tắc nhưng không sa vào rề rà, dài dòng bởi Trịnh Minh Hiếu tiết chế trong lối văn cuộc sống, dung dị, nhẹ nhàng song cũng pha chút bông phèng, hài hước, tự trào trong giọng văn trong như sương, mờ như sương, long lanh như sương, óng ánh như sương nhưng cũng đục như sương, lạnh như sương, mờ mờ ảo ảo. Chính lối kể bằng thủ pháp hiện thực huyền ảo, có mộng có mơ, có thực có ảo, phảng phất chất liêu trai dẫn dụ, dẫn dắt bạn đọc đi hết các trang văn.
Đọc Trịnh Minh Hiếu không có tiếng suýt xoa, không có cảm giác rợn người bởi các chi tiết. Truyện Trịnh Minh Hiếu như giọt nước vắt ra từ lòng đất, chảy theo các khe núi, kẽ đất, lặng lẽ, âm thầm, thế mà ngấm, thế mà thấm như giọt nước nuôi cây. Một đường văn lặng lẽ, một giọng văn lặng lẽ, một người văn lặng lẽ, đã thế, cứ thế làm nên một giọng điệu của riêng Trịnh Minh Hiếu trong đời sống văn học và ghi dấu trong lòng bạn đọc.
2/8/2024
Phạm Thanh Khương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...