Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Thiêng liêng hai tiếng bình yên

Thiêng liêng hai tiếng bình yên!

Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K02) tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (15.4.1974 – 15.4.2024) và tổng kết Trại sáng tác Âm nhạc, Văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động – Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” do Cục Công tác Đảng, Công tác Chính trị (X03) Bộ Công an tổ chức cuối năm 2023. Nhà văn Đức Dũng đoạt Giải thưởng của Trại sáng tác này, với bút ký “Thiêng liêng hai tiếng bình yên” – như một bức tranh toàn cảnh khắc họa sinh động, đậm nét hình tượng cán bộ, chiến sĩ gồm các đơn vị: Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3, Phòng CSCĐ Công an tỉnh Quảng Nam, Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu số 31, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và Trung tâm Huấn luyện và phòng chống khủng bố.
Vanvn xin trích giới thiệu một vài “gam màu” sống động trong bức tranh tổng thể, “cỡ đại” đó của K02.
Kỳ I: “Lá chắn thép” ở khúc ruột miền Trung
Nhớ lại những năm giữa của thập kỷ chín mươi, tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng” (Nxb Văn học, 1995) của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã gây xôn xao công chúng văn học. Sức hấp dẫn của tác phẩm là sự kết hợp đan xen giữa hai đề tài: Nông thôn và lực lượng Công an nhân dân, được tác giả mô tả những diễn biến, những “nút thắt”, xung đột, mâu thuẫn, kịch tính … thỏa mãn độc giả đến phút trót, đúng như bản chất vụ án.
Hiện thực đời sống là thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) vào năm 1992 khi nơi đây xảy ra vụ tranh chấp đất đai dẫn đến án mạng, gây mất an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Trịnh Khả . Sau khi tu nghiệp ở Liên Xô cũ về, gã vào giảng dạy ở Trường Đại học Hàng Hải (Hải Phòng), nhưng do bất mãn với chế độ, gây bè cánh, mâu thuẫn với lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp, bị tẩy chay nên gã xin về hưu non tại địa phương. Là một trí thức lưu manh và lọc lõi, gã tập hợp những phần tử xấu, những cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, thậm chí cả thân nhân liệt sỹ ở làng Lạc Nhuế…đâm đơn khiếu kiện lên huyện, tỉnh và Trung ương tố cáo chính quyền xã tham nhũng kinh tế, đất đai; cho rằng huyện “cắt” 75 ha đất cho xã khác (Tam Sa) là không đúng quy định của Luật đất đai. Vin vào Ban tiếp công dân của Trung ương ra công văn mang số 447 (thực chất là công văn tiếp công dân), gã lòe dân nói rằng Trung ương chấp nhận giải quyết qua công văn này để thành lập Ban 447, đề ra Cương lĩnh hoạt động do chính gã làm Tổng thư ký.
Theo đó, gã còn cho thành lập Đội cực nhanh có nhiệm vụ rào làng, lập chốt kiểm tra người ra vào vô cớ, chế bom xăng và chuẩn bị các hung khí khác để chống lại lực lượng an ninh địa phương và công an huyện. Mặt khác, Trịnh Khả còn lên loa truyền thanh của Ban 447 ngày đêm đọc những thông báo, “bản tin” để người dân tin việc tham nhũng, tiêu cực kinh tế và đất đai của cán bộ xã là có thật, tin TW chấp nhận việc đòi đất khiến dân càng bất bình sẵn sàng đứng về Ban 447; sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức để sau này “sẽ lấy lại đất đã mất” – như gã đã lừa dân, tiền bỏ túi. Chưa hết, ngoài tuyên truyền và “nhồi sọ”, Trịnh Khả tiếp tục kích động, xúi giục hàng trăm người dân của làng Lạc Nhuế kéo ra cánh đồng của làng Tam Sa cướp lại 75 mẫu đất, nên diễn ra cảnh hỗn chiến, xô sát giữa 2 làng, nếu không có sự can thiệp kịp thời của lực lượng an ninh. Đỉnh điểm của cuộc gây rối, đấu tranh phi lý này là án mạng đã xảy ra: Có 2 thanh niên ở xã Sơn Ngọc lạc vào Ban 447 của Trịnh Khả khi đêm tối đi hỏi mua cá giống. Nghi là người của công an “cài” vào theo dõi, Khả đã cho lũ đàn em say máu, đánh đập, tra tấn cho đến chết. Đã thế còn không cho người nhà nạn nhân đến lấy xác, bắt đóng tiền chuộc. Đó là “cao trào” của tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng”. Kết cục cho kẻ chủ mưu kích động người dân chống chính quyền, gây rối ANTT, gây án mạng có tên Trịnh Khả đã phải đền tội bằng án tử hình. Các đồng phạm tùy theo mức độ phạm tội mà nhận các khung hình phạt khác nhau.
Dựa trên tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thiều, năm 1998, phim “Chuyện làng Nhô” chính thức phát sóng, thực sự tạo cơn sốt phim truyền hình và cơn sốt độc giả. Khi nhạc phim “Những bàn chân lặng lẽ” của nhạc sỹ Vũ Thảo sáng tác về Cảnh sát Hình sự (CSHS) âm vang, hàng triệu khán giả khắp các vùng miền đất nước chăm chú vào màn hình theo dõi. Cứ sau mỗi tập phim được phát vào “giờ vàng” của VTV hồi đó, hàng loạt các loại hình báo chí “ăn theo”. Chuyển thể sang ngôn ngữ điện ảnh, hàng loạt các tuyến nhân vật từ chính diện đến phản diện “nói lên” tất cả qua sự hóa thân tài tình của các nghệ sỹ, diễn viên. Không chỉ nhân vật chính Trịnh Khả với tính cách nham hiểm, mưu mô, độc ác  do nghệ sỹ Nguyễn Hải đảm nhận “tròn vai” phản diện, những hình tượng như Nguyễn Chức (Phó Giám đốc Công an tỉnh), Lê Thanh Hòa (Công an tỉnh), và một số các cán bộ, chiến sỹ công an khác hiện lên thật sinh động với hành động mưu trí, dũng cảm – đúng như 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.
Vì là phim lấy thể loại chung là “Cảnh sát Hình sự” cho toàn bộ các tập của “Chuyện làng Nhô”, tôi kẻ “ngoại đạo” ngành Công an cứ mơ hồ rằng, những cán bộ chiến sỹ (CBCS) trong việc chỉ đạo, tham gia trấn áp trực tiếp những kẻ gây rối ở làng Nhô là…. CSHS hoặc Cảnh sát “tổng hợp” gì đó?
Nếu từ tiểu thuyết đến điện ảnh qua Chuyện làng Nhô có Ban 447 và Đội cực nhanh thì ở vụ gây rối ANTT, chống người thi hành công vụ ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức – Hà Nội) xảy ra tháng 1.2020 cũng có cái gọi là “Tổ đồng thuận” do Lê Đình Kình và Lê Đình Công làm chủ mưu dựng lên. Cũng là đòi hỏi những yêu sách vô lý về đất đai trên đồng Sênh, thôn Hoành, chúng ngăn cản Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn. Với tính chất manh động được chuẩn bị sẵn để đối phó, các đối tượng đã bắn pháo hoa, gõ kẻng, sử dụng gạch đá, bom xăng tấn công các lực lượng làm nhiệm vụ. Trong vụ Đồng Tâm chấn động cả nước này, được biết Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K02) đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an (CA) điều động 2.590 CBCS, các lực lượng trong ngành tăng cường phối hợp và hỗ trợ Công an Hà Nội thực hiện phương án đảm bảo ANTT. Và trong việc triển khai phương án tấn công trấn áp, khống chế, bắt giữ các đối tượng manh động, máu của CBCS Cảnh sát Cơ động đã đổ. Những gương hi sinh anh dũng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” như”: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh – Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn CSCĐ Thủ đô; Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân – cán bộ Tiểu đoàn 1 Trung đoàn CSCĐ Thủ đô (Bộ Tư lệnh) CSCĐ đã tô thắm thêm những trang vàng truyền thống ngót 50 năm của K02. Và phải chăng, máu các anh đã đổ trên mọi miền đất nước cho sự bình yên cuộc sống là không uổng phí, không tiếc một đời xanh?
Đến đây, sự mơ hồ của “kẻ ngoại đạo” là tôi đã dần được hóa giải. Rằng, không phải là Cảnh sát Hình sự đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt đó như phim “Chuyện làng Nhô”. Càng được hóa giải và cụ thể hơn khi đầu mùa thu năm Quý Mão 2023 này, tôi được Cục Công tác Đảng, Công tác chính trị (X03) mời tham gia Trại sáng tác Âm nhạc, Văn học chủ đề “Cảnh sát cơ động – Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”. Thì ra, trong các lực lượng của ngành Công an, còn một lực lượng nòng cốt, tinh nhuệ là “quả đấm thép” trong công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, hình thành suốt nửa thế kỷ qua.
Trước khi đi xâm nhập thực tế, các nhạc sỹ và nhà văn đã thăm Bảo tàng Bộ Tư lệnh CSCĐ, được tiếp cận để nghiên cứu, hiểu thêm Lịch sử truyền thống của K02 từ 1974 đến nay; đặc biệt được sự đón tiếp thân mật, trang trọng của lãnh đạo Tư lệnh tại Trụ sở của K02. Tại đây, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu – Tư lệnh CSCĐ có lời phát biểu chào mừng và kỳ vọng lớn vào các thành viên Trại sáng tác. Qua phần trình bày, giới thiệu khái quát của Thiếu tướng về đặc điểm, tình hình và những thành tích nổi bật từ khi thành lập đến nay, chúng tôi được rõ thêm: Ngày 15.9.2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2009/NĐ-CP (kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ CA); theo đó Bộ trưởng Bộ CA ban hành Quyết định 4058 ngày 11.12.2009 thành lập Bộ Tư lệnh CSCĐ trực thuộc Bộ trên cơ sở tách từ Cục Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục Cảnh sát).
Được khoác trên mình “chiếc áo mới” đó, Bộ Tư lệnh CSCĐ có nhiệm vụ chính: Tổ chức vũ trang cơ động tuần tra kiểm soát, giữ gìn ANTT, cơ động chiến đấu, trấn áp kịp thời các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, chống khủng bố, không tặc, bắt cóc con tin. Tham gia cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả, bão, lũ lụt, hỏa hoạn; thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính và tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Với hơn 16 nghìn CBCS của toàn lực lượng K02 được cơ cấu bởi 36 đầu mối, các đơn vị đóng quân trên hầu hết các địa bàn chiến lược, trọng điểm từ Thủ đô, các thành phố lớn đến các vùng miền của Tổ quốc, trong đó có 3 cơ quan Thường trực “đứng chân” tại: Tây Bắc; Miền Trung -Tây Nguyên và Khu vực Miền Nam – sẵn sàng đáp ứng kịp thời, hiệu quả với chức năng, nhiệm vụ cụ thể được giao. Với cách phân bố lực lượng, đầu mối như thế này, tôi bỗng liên tưởng tới thiên tùy bút nổi tiếng “Đường chúng ta đi” của nhà văn Nguyễn Trung Thành, thời chống Mỹ: “…Mặt trận của chúng ta mở khắp nơi. Một cuộc nội công ngoại kích rầm rập, ào ạt. Không có hậu phương, đâu cũng là tiền tuyến; không có phía sau đâu cũng là phía trước. Một cuộc chiến tranh và một cuộc khởi nghĩa rùng rùng…”
Nhớ lại hôm khai mạc Trại sáng tác, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Tư lệnh CSCĐ rạng rỡ, phấn khởi cho biết: là một trong những đơn vị đầu tiên của Bộ CA được Chính phủ phê duyệt hiện đại hóa CSCĐ. Ông còn nhấn mạnh và lưu ý thêm: Dù Bộ CA đứng ra tổ chức Trại sáng tác này, nhưng chủ đề xuyên suốt vẫn là hướng tới 50 năm Ngày truyền thống của CSCĐ (1974-2024).
Ở cách nhìn, cách tiếp cận khác về Trại sáng tác, Thiếu tướng Nguyễn Công Bảy – Phó Cục trưởng Cục X03 thì trăn trở: Đã có nhiều tác phẩm âm nhạc, văn học hay, để đời về ngành Công an nói chung. Nhưng với CSCĐ là một lực lượng chuyên biệt, đặc thù riêng thì chưa có tác phẩm nào xứng tầm xuất hiện. Vậy Bộ quyết định mở trại sáng tác Âm nhạc, Văn học với chủ đề này hi vọng sẽ có những tác phẩm “gọi tên”. Nói rộng ra và rõ hơn, theo Thiếu tướng: Mỗi loại hình sáng tác, cần khắc họa sinh động hình tượng nghệ thuật của Cán bộ chiến sỹ CSCĐ thông qua vẻ đẹp tâm hồn cũng như hành động của họ, sự hi sinh quả cảm của họ xứng đáng là “lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” – như chủ đề và âm hưởng chủ đạo của Cuộc thi và Trại sáng tác!
Ngay sau Lễ khai mạc, trong sáng thu hanh hao, se lạnh của Hà Nội, 30 thành viên gồm 2 chuyên ngành Âm nhạc và Văn học cũng lập tức “khai hỏa” đi xâm nhập thực tế do Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền (Trưởng phòng 4, X03) làm Trưởng đoàn. Sau hơn một giờ bay, chuyến chuyên cơ hãng hàng không Việt Nam – Airline cũng hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.
Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 3 đứng chân trên địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng ở trước mắt chúng tôi. Đến cổng đơn vị, đã nghe những âm đồng thanh vọng lại “Một/hai/ba/bốn…”) với âm vực mạnh mẽ và dứt khoát khi các chiến sỹ đang tập luyện. Những hàng cau vua mập mạp, thẳng tắp, uy nghiêm cao đến trọc trời xanh, lá tướp rách vì giông bão, như đón chào đoàn văn nghệ sỹ – Tôi thầm nghĩ và bao quát. Với tổng diện tích 1,6ha, lại ở chung với cơ quan thường trực Miền Trung – Tây Nguyên, nên điều kiện CSVC, sinh hoạt và tập luyện của CBCS Tiểu đoàn còn nhiều hạn chế mà K02 đang tìm cách tháo gỡ.
Tiểu đoàn trưởng – Trung tá Trần Bảo Chiến; Tiểu đoàn phó, Trung tá Hứa Đại Phúc và Tiểu đoàn phó, Trung tá Nguyễn Hùng Cường (phụ trách Chính trị) cùng các cán bộ Đại đội, phòng ban tiếp chúng tôi trong căn phòng hẹp. Máy điều hòa bật hết công suất. Khái quát về đơn vị, theo Tiểu đoàn trưởng Trần Bảo Chiến, Tiểu đoàn thành lập đến nay sang năm thứ 13 (2010-2023), được phân công làm nhiệm vụ trên địa bàn Miền Trung – Tây Nguyên trải rộng trên 14 tỉnh, thành, có địa hình khí hậu, dân cư, văn hóa đa dạng; kinh tế còn nhiều khó khăn lại thường xuyên bị thiên tai bão lụt, nên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác huấn luyện. Do vậy đơn vị phải linh hoạt và thích ứng “sống chung với bão lũ”. Mặc dù vậy, 13 năm qua đơn vị luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương trong công tác nắm, phân tích dự báo, tham mưu kịp thời cho Đảng ủy, lãnh đạo K02 xây dựng triển khai các phương án, biện pháp công tác đảm bảo ANQG, giữ gìn TTATXH.
Màn biểu diễn Khí công, nội dung Ke chân  đập đá, đập gạch của các chiến sĩ Tiểu đoàn đặc nhiệm số 3
Đến với Cảnh sát đặc nhiệm (hay CSCĐ) mà không trực tiếp chứng kiến các chiến sỹ tập luyện biểu diễn võ thuật tức là chưa đến. Bởi thể, lãnh đạo Tiểu đoàn đã bố trí các hàng ghế cho các đại biểu, các văn nghệ sỹ tại sân thao trường, trong buổi sáng hôm sau. Trên loa phóng thanh, ca khúc “Tâm tình người Cảnh sát cơ động” của nhạc sỹ Hoàng Văn Hùng với nhịp đi hùng mạnh, khỏe khoắn, tiết tấu nhanh và rộn rã của tốp ca nam “Lính cơ động chúng tôi / Tuổi đôi mươi tràn trề sức sống/vì nhân dân vì hạnh phúc cuộc đời/ Quyết chung trái tim vì bình yên đất nước”. Trời Đà Nẵng quang mây. Nắng lửa nơi đây như thiêu da đốt thịt, nhưng thấm tháp gì với sức chịu đựng rèn luyện bền bỉ của người chiến sỹ. Trước khi vào phần biểu diễn nội dung võ thuật, một cán bộ của tiểu đoàn mang một thanh gươm và một dao nhọn tiến sát trước các đại biểu và văn nghệ sỹ, giơ lên sáng loáng chém vào nhau. Tiếng kim loại khô khốc, chát chúa, nghe rợn tóc gáy, để chứng minh là vũ khí thật (chứ không phải bằng gỗ hoặc bìa carton tráng lớp nhũ trắng) – như đạo cụ của ngành Sân khấu vẫn từng làm. Lần lượt các màn biểu diễn của chiến sỹ đặc nhiệm thể hiện. Đó là: Võ tổng hợp 38 động tác, 44 động tác; Bài quyền ứng dụng 25 động tác, 34 động tác và các màn Đánh tình huống như 1 đánh 1; 1 đánh 2 và 2 đánh 5. Bởi mỗi màn biểu diễn, xen vào đó là giọng thuyết minh, tường thuật truyền cảm của cán bộ chính trị, nên chúng tôi dễ hiểu hơn.  Nếu những màn biểu diễn võ thuật làm chúng tôi trầm trồ thán phục thì màn biểu diễn Khí công, thực sự khiến chúng tôi… thót tim, những người yếu bóng vía… nhắm mắt. Ấy là các nội dung: Ke chân đập đá, đập gạch; đặc biệt là Yết hầu công dùng huyệt Tinh minh trên mắt, đẩy cong thanh sắt; dùng một thanh sắt sắc nhọn kê vào yết hầu đẩy chiếc xe trọng lượng trên 3 tấn. Ngoài ra là các màn: Thả lê AK, nằm chồng 3 trên bàn đinh, trên thanh kiếm; Cường công; Công phá dừa, chặt ga và chai thủy tinh trên đất. Tất cả những bài tập này, mỗi CBCS phải có ít nhất 1 năm luyện khí công thuần thục và các bài tập ở các cấp độ khác nhau trên một nền tảng thể lực, sức khỏe cực tốt. Những động tác, những thế võ, những bài biểu diễn khí công qua âm thanh, tiếng động của chiến sỹ cùng giọng thuyết minh tường thuật, cả giai điệu trong ca khúc CSCĐ trên loa phóng thanh kia, đã lan tỏa trên thao trường, quyện vào những giọt mồ hôi chiến sỹ, vọng vào những nhà cao tầng, vách núi, làm xao động những vòm lá. Đó phải chăng là âm hưởng của CSCĐ?
Thiếu tá Trương Công Thái – Đại đội trưởng Đại đội 4 (Tiểu đoàn đặc nhiệm số 3) người tham gia truy xét, bắt giữ, tiêu diệt các đối tượng khủng bố,tấn công trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur tại huyện Cư Kuin ( Đắc Lắc ), tháng 6.2023.
Hôm nay, tại đây, giữa đất trời Đà Nẵng Miền Trung “mệnh danh” là vùng đất chảo lửa túi mưa, tôi gặp những con người bằng xương bằng thịt trong vụ tấn công, truy xét, bắt giữ, giải cứu con tin các đối tượng khủng bố, đột nhập, tấn công trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc vào tháng 6.2023 làm 4 công an xã hi sinh, 2 đồng chí bị thương và 4 người dân thiệt mạng. Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 được Bộ Tư lệnh giao 50 CBCS tham gia, trong đó có 20 chiến sỹ bắn tỉa thiện xạ. Chỉ huy tiểu đoàn là Trung tá Trần Bảo Chiến; yểm trợ có Tiểu đoàn phó, Thiếu tá Hứa Đại Phúc, Thiếu tá Lê Tấn Hùng – Đại đội trưởng Đại đội 3 và “khắc tinh” của tội phạm là Thiếu tá Trương Công Thái – Đại đội trưởng Đại đội 4.
Thiếu tá Trương Công Thái ( thứ hai từ phải sang) với các nhà văn
Phòng làm việc của đại đội Trương Công Thái đối diện với phòng chỉ huy tiểu đoàn, khoảng cách là một sân tập ở giữa. Tôi và các nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Đinh Phương, Nguyễn Văn Học vây quanh anh, máy ghi âm bật nút và những ánh chớp từ đèn máy ảnh trùm lên gương mặt anh, ánh mắt sáng “nhà nghề” của anh. Trương Công Thái sinh năm 1983 tại Tam Phú (Tam Kỳ, Quảng Nam). Anh nhập ngũ tháng 3.2002, được huấn luyện tại Sóc Sơn, Hà Nội. Sau thời gian công tác ở Đắc Lắc, năm 2010 anh về “đầu quân” cho Tiểu đoàn CSĐN số 3 này. Thái cao đến 1,8m, nặng 80kg, khuôn mặt vuông vức với đôi lông mày lưỡi mác, vành tai rộng, nước da sạm đen vì nắng gió. Một thân hình và dung mạo lý tưởng cho cảnh sát đặc nhiệm.
Thái kể, tường thuật tại vụ án (rồi cung cấp cả clip) cứ như một cuốn phim hành động. Vì sau khi gây án, các đối tượng đã nhanh chân lẩn trốn vào núi rừng, trà trộn với dân, buôn. Vậy xử trí, hợp đồng tác chiến sao đây khi chúng có vũ khí nóng và các hung khí nguy hiểm khác? 50/50 là tỷ lệ sống / chết mà CBCS luôn xác định. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đến ngày 20.6.2023 các lực lượng của Bộ Tư lệnh CSCĐ đã truy bắt thành công 115 đối tượng thì Tiểu đoàn CSĐN số 3 của anh góp công không nhỏ. Thế rồi Thái lấy cho chúng tôi xem lá chắn chống đạn nặng khoảng 50kg mà mỗi CBCS phải mang theo, chưa kể vũ khí kèm theo người khoảng 25 kg nữa. Cánh nhà văn “trói gà không chặt” chúng tôi … há hốc mồm kinh ngạc và nể phục. Chợt giai điệu câu hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/gian khổ biết dành phận ai” vọng lại. Đó, CBCS Cảnh sát Cơ động sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hi sinh cho sự bình yên và TTATXH, như là phương châm và lẽ sống.
Rời “thủ phủ” tỉnh Quảng Nam, từ TP. Tam Kỳ chúng tôi ngược ra phía Đông đến một huyện ven biển – nơi mà điệu dân ca Hô bài Chòi như thiết tha, mời gọi “về thăm mảnh đất Thăng Bình/ có núi cao biển rộng,  hiếu tình (lắm) bạn ơi”. Nơi có những trận mưa cường suất lớn, kéo dài gây úng ngập cục bộ và một mùa khô hanh nắng nóng như nung.
Thiếu tá Phan Hải Hoàng – Đại đội trưởng Đại đội cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Phòng K02 (Công an tỉnh Quảng Nam) trong buổi gặp gỡ các nhà văn, nhạc sĩ.
Kỳ II: “Lá chắn thép” ở xứ “chưa mưa đã thấm”
“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”
Theo âm điệu câu ca dao xưa (đồng thời là ca từ) trong ca khúc để đời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu để chúng tôi về “Quảng Nam yêu thương. Nơi đón tiếp các thành viên của trại sáng tác là Phòng CSCĐ (PK02) Công an tỉnh Quảng Nam. Trước khi xâm nhập thực tế, đoàn đến thăm quan, dâng hoa, dâng hương khu quần thể Tượng đài Mẹ VNAH do Đại tá Nguyễn Thị Thúy Hiền – Trưởng phòng 4, Cục X03 dẫn đầu. Đại tá – Trưởng Phòng K02, Lê Quang Vịnh báo cáo khái quát về chức năng, nhiệm vụ và một số kết quả trong quá trình công tác, chiến đấu của đơn vị. Ông cho biết dù Phòng K02 có 195 đồng chí (trong đó có 137 chiến sỹ nghĩa vụ) và biên chế 05 đơn vị trực thuộc; địa bàn của tỉnh lại rộng với nhiều địa hình phức tạp, nhưng Phòng K02 luôn tập trung xây dựng lực lượng CSCĐ thật sự vững mạnh, có tính cơ động cao, chiến đấu nhanh.
Đặc biệt là với các đối tượng hình sự, Phòng K02 phối hợp cùng các lực lượng công an tỉnh triệt phá các tụ điểm đánh bạc, tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy, mua bán trái phép  chất nổ; tham gia bắt giữ khám xét nhà ở các đối tượng phạm tội, nhất là tội giết người, cho vay nặng lãi, trộm cắp, cướp giật; triệt xóa các băng nhóm sử dụng công nghệ cao để phạm tội; ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, triệt phá các tụ điểm về tệ nạn xã hội, đẩy, đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Mỗi một vụ “phá án” – theo Đại tá Vịnh, có nhiều tình huống xảy ra khác nhau mà CBCS phải rất cơ động, linh hoạt. Ví như vụ tham gia cưỡng chế xây dựng nhà ở trái phép ở huyện Duy Xuyên; Truy quét thường xuyên các đối tượng khai thác vàng ở Bồng Miêu huyện Phú Ninh và bãi vàng Phước Sơn, đặc biệt là vụ xảy ra mới đây nhất (năm 2022) ở huyện Quế Sơn: Một đối tượng định giết một em bé, cố thủ trong nhà, ngoan cố “tuyên chiến”.
Chính Đại tá, Trưởng phòng K02 trực tiếp chỉ huy 19 CBCS đột nhập, tấn công và chỉ sau 20 phút bằng các biện pháp nghiệp vụ đã khống chế, bắt giữ, áp giải đối tượng về Trại giam Công an tỉnh. Vừa nghe Trưởng phòng Lê Quang Vịnh kể chuyện “đánh án”, tôi vừa dõi mắt lên 3 bức tường phòng chỉ huy kín mít những bằng khen, cờ thưởng, huân, huy chương các loại về nhiều thành tích khác nhau. Có phải đằng sau những tấm huân, huy chương lấp lánh kia là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của các anh đã giỏ xuống – cũng không ngoài vì sự bình yên cuộc sống và TTATXH cho con người, tài sản nơi mảnh đất nghèo khó, khắc nghiệt nhất miền Trung?
Bên tiếng còi lanh lảnh nơi sân tập của các chiến sĩ CSCĐ, tôi gặp Thiếu tá Phan Hải Hoàng – Đại đội trưởng Đại đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu. Hoàng 45 tuổi quê ở huyện Núi Thành (Quảng Nam). Với thân hình to cao (nặng 72 kg, cao 1,7m) da hơi đen, cặp lông mày hơi xếch, mắt nhỏ, anh cho biết: Đại đội có 27 CBCS làm các nhiệm vụ: canh gác, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm của tỉnh như: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, Ngân hàng NN, Kho bạc và Đài PT-TH tỉnh; bảo vệ các cán bộ lãnh đạo tỉnh và các chuyến hàng đặc biệt. Anh nhớ lại, có rất nhiều các cuộc tụ tập đông người (chủ yếu khiếu kiện về đất đai) đến cơ quan Ủy ban tỉnh, Công an tỉnh và VKSND tỉnh đòi quyền lợi, yêu sách.
Lần đông nhất có dễ 300 người kéo đến cổng Ủy ban tỉnh la hét, chửi bới, Đại đội huy động 150 CBCS của Phòng K02 và các lực lượng như Công an TP. Tam Kỳ, các đơn vị PA02, PA03 phối hợp giải thích và giải tán đám đông quá khích. Bên cạnh đó còn phát hiện các đối tượng đột nhập mục tiêu để phối hợp kịp thời bắt giữ, xử lý. Nói về Đại đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Hoàng kể không xuể những chiến công, chiến tích. Nhưng anh tự hào Đại đội có những tấm gương như Trung sỹ Nguyễn Thanh Dương, Hạ sỹ Trần Quốc Vũ, Binh nhất Hồ Tấn Lợi… Các anh xứng đáng là những quả đấm thép, lá chắn thép, bất chấp gian khó, hiểm nguy, được chính Trung tá, Nhạc sỹ Nguyễn Đăng Vinh, Đội trưởng PA02 khắc họa bằng ngôn ngữ âm nhạc: “Hỡi anh người chiến sỹ Công an Quảng Nam/ hiểm nguy không ngại nắng mưa chẳng sờn…”
Chiến sĩ Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ tập luyện, vượt chướng ngại vậtChiến sĩ Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ đang tập dây, đột nhập phòng và tiếp đất.
Rời “thủ phủ” tỉnh Quảng Nam, từ TP. Tam Kỳ chúng tôi ngược ra phía Đông đến một huyện ven biển – nơi mà điệu dân ca Hô bài Chòi như thiết tha, mời gọi “về thăm mảnh đất Thăng Bình/ có núi cao biển rộng,  hiếu tình (lắm) bạn ơi”. Nơi có những trận mưa cường suất lớn, kéo dài gây úng ngập cục bộ và một mùa khô hanh nắng nóng như nung. Ở đó có một đơn vị của K02 “trấn ải” nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ . Theo Đại tá, Trung đoàn trưởng Đỗ Ngọc Anh, Trung đoàn có 6 đơn vị trực thuộc đóng quân trên địa bàn các tỉnh Trung Bộ gồm: Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tuy thời gian thành lập của Trung đoàn đến nay mới chỉ ngót 10 năm (2014-2023), nhưng những cống hiến, đóng góp của tập thể CBCS ngày một “nối dài” thành tích. Ấy là Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Chủ tịch nước; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 8 Bằng khen của Bộ CA; 7 Bằng khen của Bộ QP, UBND các tỉnh, thành phố cùng nhiều phần thưởng khác cho trung đoàn, các đơn vị trực thuộc và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, học tập và huấn luyện; 7 năm liền (2016-2022) Trung đoàn đều đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng trở lên; Nhiều lượt tập thể, cá nhân được Bộ CA, Bộ Tư lệnh biểu dương Điển hình tiên tiến, gương Người tốt việc tốt.
Những ghi nhận qua các phần thưởng cao quý đó được chứng minh bằng việc: Đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH; Tăng cường 102 CBCS cho CA tỉnh Thừa Thiên Huế (thời gian hơn 1 tháng) và 250 CBCS cho CA tỉnh Bình Dương (thời gian 04 tháng) thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (năm 2001) và đặc biệt là sau các cơn bão lũ đã kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả ở một số xã ở huyện Thăng Bình; xã Phước Giang (Hiệp Đức); các xã thuộc quận Liên Chiểu, Hòa Vang (Đà Nẵng); đồng thời Trung đoàn còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai và các gia đình chính sách. Thật là ấm áp tình người trong bão lũ!
Dưới chân dãy nhà tầng cạnh thao trường mênh mông của Trung đoàn, tôi tranh thủ trò chuyện với Thượng úy Trần Quang Vinh ở Đội đặc nhiệm khi anh cùng đồng đội tập dây, đột nhập phòng vừa tiếp đất. Nắng gắt Thăng Bình tỏa lên khuôn mặt rắn rỏi tuổi 30 của anh; mồ hôi thấm đẫm trên áo, còn lấp lánh trên logo “Hoa cài trên lá chắn”. Vinh cho biết, về huấn luyện có đến 70% là huấn luyện trong năm, gồm huấn luyện võ thuật, kỹ, chiến thuật chiến đấu, các dạng phương án tác chiến. Anh tự hào cho biết, Đại đội anh có những CBCS chăm chỉ tập luyện, tính kỷ luật cao như: Đại úy Nguyễn Thành Đạt, Thượng úy Nguyễn Bá Nguyên, Nguyễn Đăng Hoan, Trung úy Huỳnh Công Lợi và Hạ sỹ Briu Trung…Chính các anh (trong gần 40 CBCS của đơn vị) tham gia chuyên án truy bắt vài chục đối tượng nguy hiểm chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích trên địa bàn xã Ia Chim, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum (năm 2019), trả lại bình yên cho một vùng đất của Tây Nguyên hùng vĩ.
Tôi bỗng rùng mình, thán phục khi nghe các CBCS kể lại: Đã từng nằm trong rừng hòa cùng cây cỏ, ẩn nấp hàng giờ, thậm chí nửa ngày đến 1 – 2 ngày thời tiết nắng nóng có khi bị kiến đốt, rắn rết cắn, nếu động đậy sẽ lộ bí mật mục tiêu; từng trầm mình lẫn trong bùn đất, đầm lầy, sông nước bất kể ngày đêm trong cái lạnh, cái rét thấu xương.
Nhà văn Đức Dũng (giữa) với các chiến sĩ Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về phòng chống khủng bố.
Kỳ III: Ở nơi huấn luyện lính đặc nhiệm đặc biệt, nặng nhọc
Có một đơn vị thành viên của Bộ Tư lệnh CSCĐ ra đời tuy mới 2 năm nay, nhưng đã thực sự trở thành một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ nhất, với mô hình huấn luyện nặng nhọc nhất, trong các địa hình phức tạp nhất. Đó là Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về phòng, chống khủng bố (PCKB). Và lại vào ngày thu Hà Nội, xe ô tô con của K02 đưa chúng tôi vượt khoảng 120km tiến ra phía Đông Bắc đến với Trung tâm tại thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh.
Cái nắng ở Quảng Ninh có hơi nước biển tạt vào cũng chói chang gay gắt như “gió Lào cát trắng” ở nơi miền Trung mà chúng tôi vừa “nhuộm’ vậy. Con đường bê tông từ phường Minh Thành (Thị xã Quảng Yên) vào trụ sở do đơn vị mới mở cũng hầm hập hơi nóng bốc lên. Phóng tầm mắt ra xa, cả một diện tích doanh trại và tập luyện mênh mông tới hơn 500 ha gồm các địa hình đồi núi, đầm lầy và sông nước. Thu tầm mắt lại, xung quanh sân bãi của Trung tâm rực rỡ những chậu hoa, cây cảnh, cây bóng mát mới trồng, liền kề là những khoang đất đơn vị tăng gia sản xuất – một màu xanh đang lên, một “sự sống chẳng bao giờ chán nản” với lính đặc nhiệm.
Để tạo sự bất ngờ cho một khoa mục huấn luyện, Đại tá, Giám đốc Trung tâm Triệu Văn Minh đưa chúng tôi ra một cánh rừng. Bên ông là hai cán bộ chỉ huy cho khoa mục “Chiến thuật đánh bắt khủng bố trên địa bàn vùng núi”. Đó là Thiếu tá Hoàng Đình Công – Trưởng ban Huấn luyện kỹ, chiến thuật quân sự tác chiến tổng hợp và Thiếu tá Lê Văn Hải – Phó Trưởng ban bắn súng ứng dụng và sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Núi rừng Quảng Yên (Quảng Ninh) buổi xế trưa im phăng phắc. Dưới chân chúng tôi phủ đầy những lá bạch đàn khô và keo tai tượng trút xuống. Ngược lên đỉnh dốc cách khoảng hơn 1 cây số là một căn chòi bưng bằng tre, gỗ, trong đó một nhóm khủng bố nước ngoài có vũ khí, đi đường rừng vào lãnh thổ Việt Nam đang ẩn nấp (giả định). Công và Hải cho biết, chính ở đây đang có hai tổ biệt kích gồm 10 chiến sỹ, mỗi tổ 5 người mai phục, ngụy trang bằng lá khô trên mặt đất và lá tươi (cùng màu xanh ở trên cây). Tức là các chiến sỹ hóa trang không thể phát hiện được vị trí nào . Được lệnh của chỉ huy, 2 tổ bắt đầu tiến công đánh bắt, truy sát. Các “hình nộm” ngụy trang khéo léo kia bỗng “độn thổ” từ các hướng, lăn lê, bò, toài ôm súng lần lượt vượt qua các chướng ngại vật.
Vật cản đầu tiên là Hàng rào cũi. Lực lượng đánh bắt vượt bằng kỹ thuật toài bí mật nhanh, dễ dàng tiếp cận mục tiêu. Tiếp đến là Tường cao 2m. Tổ 1 làm giá cảnh giới cho Tổ 2 vượt bằng kỹ thuật đạp chân, rút người qua tường. Tiếp đó, di chuyển qua Hầm sâu áp sát khu vực Bãi chông. Lợi dụng 2 cây đổ, 2 tổ đánh bắt dùng kỹ thuật leo bằng tay kết hợp 3 chân chắc 1, di vượt qua. Sau đó, vượt thành công tiếp cận khu vực Đất thấp đầm lầy để vào khu vực Khe hẹp. Đến vị trí Qua hố sâu, đồng loạt 3 chiến sỹ lợi dụng địa hình địa vật vượt qua vật cản bằng dây thừng đu người, dây thừng ngang, cầu độc mộc. Bật nhảy qua Hào sâu dài 2m. Tổ 1 tiếp cận khu vực thang tay; Tổ 2 phối hợp hiệp đồng 5 người cùng vượt qua Vách núi cao 5m. Tiếp tục là di chuyển bằng Dây cáp.
Được lệnh, các lực lượng đồng loạt vượt lớp hàng rào cuối cùng. Chính giữa là Hàng rào mái nhà, lực lượng 2 bên còn lại vượt Tường cao bằng gỗ, áp sát mục tiêu. Đến gần căn chòi, bọn khủng bố chống trả quyết liệt bắn ra. Bất ngờ 2 đối tượng di chuyển ra khỏi mục tiêu tuần tra canh gác xung quanh, các lực lượng đánh bắt sử dụng quả nổ nghiệp vụ khói dày đặc để khống chế các đối tượng khủng bố, không cho chúng bỏ chạy thoát ra khỏi mục tiêu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, mưu trí, các chiến sỹ CSĐN đã nổ súng tiêu diệt hai tên canh gác phía ngoài (áo cộc đen) rồi phối hợp dùng võ thuật khống chế, bắt các tên trong chòi (áo cộc trắng) áp giải chúng về nơi giam giữ. Một trận đánh, bắt khủng bố diễn ra… như thật. Súng nổ như ngô rang và những tiếng hô của chỉ huy để chiến sỹ thực hiện mỗi hạng mục; tiếng từ bộ đàm liên lạc reo réo, dồn dập xé tan không trung núi đồi Quảng Yên.
Nữ chiến sĩ thuộc Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về phòng, chống khủng bố đang diễn tập khoa mục “ Chiến thuật dánh bắt khủng bố trên địa bàn vùng núi”
Sau màn “đánh bắt khủng bố” thắng lợi, an toàn, ngay tại lưng đồi tôi ngồi bên 10 chiến sĩ đặc nhiệm (gồm 3 gái, 7 trai)… Ba “bông hồng thép” mà tôi tiếp cận là hạ sĩ Triệu Thị Yến (SN 1999) quê Bắc Kạn; Hạ sỹ Nguyễn Thị Mơ (cùng tuổi Yến) quê miền Trung – Phú Yên và hạ sỹ Nguyễn Thị Dung (SN 1988) ở vùng quê quan họ Bắc Giang – nơi có điệu dân ca dùng dằng, bịn rịn. Là lính đặc nhiệm nhưng ba cô lại rất trắng trẻo, xinh xắn. Lúc tập luyện thì dẻo dai mạnh mẽ nhưng trở lại đời thường (khi ăn cơm trưa) thì mềm mại, nữ tính… đến lạ thường. Ba cô ở cùng phòng với nhau, rất đồng quan điểm “Đây là một môi trường tốt để rèn luyện bản thân và hài lòng với con đường đã chọn”. Khi về phòng khách của Trung tâm xem băng hình khoa mục Bắn súng, lại là ba cô trong quân phục khỏe khoắn của CSĐN, bắn đủ các loại súng, nhanh và chính xác mục tiêu. Hình ảnh đó, các cô cứ như phim Biệt động Sài Gòn với “Phương án ba bông hồng” tái hiện trên vùng núi non sông nước miền Đông Bắc Tổ quốc.
Ở các đơn vị CSĐN hay CSCĐ của K02, các chương trình huấn luyện vũ trang đã là nặng nhọc, nhưng với Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về PCKB còn đặc biệt nặng nhọc và nguy hiểm hơn. Ấy là: Sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ và hỗ trợ phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ; Kỹ thuật vận động và khắc phục vật cản; Huấn luyện thể lực; Võ thuật; Bắn súng; Kỹ thuật hóa trang, ngụy trang, chiến thuật trấn áp tội phạm; Chiến thuật chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Kỹ năng sinh tồn trong địa bàn, địa hình, môi trường, thời tiết khắc nghiệt; Huấn luyện nâng cao, diễn tập tổng hợp hợp đồng phương án tác chiến giữa các lực lượng và Huấn luyện diễu, duyệt binh. Với chừng ấy chuyên đề, rõ ràng sản phẩm của Trung tâm là đào tạo ra một lực lượng đặc nhiệm đặc biệt, xứng tầm Quốc tế – niềm tự hào của K02 và Bộ Công an. Tôi bỗng rùng mình, thán phục khi nghe các CBCS kể lại: Đã từng nằm trong rừng hòa cùng cây cỏ, ẩn nấp hàng giờ, thậm chí nửa ngày đến 1-2 ngày thời tiết nắng nóng có khi bị kiến đốt, rắn rết cắn, nếu động đậy sẽ lộ bí mật mục tiêu; từng trầm mình lẫn trong bùn đất, đầm lầy, sông nước bất kể ngày đêm trong cái lạnh, cái rét thấu xương. Và đó là ý chí thép, tinh thần thép để có những “quả đấm thép” với tội phạm khủng bố mà Trung tâm luôn rèn luyện, giáo dục cho CBCS.
Nếu ở Lễ khai mạc Trại sáng tác, ở “điểm cầu” Hà Nội, Phó Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh rạng rỡ bao nhiêu, kỳ vọng bao nhiêu…, thì ở “điểm cầu” miền Trung khi Lễ bế mạc diễn ra tại Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ, Thiếu tướng Phó Tư lệnh Lê Văn Hà phụ trách Cơ quan Thường trực Miền Trung -Tây Nguyên cũng hài lòng, mãn nguyện bấy nhiêu, bởi Trại sáng tác Âm nhạc, Văn học chủ đề ‘CSCĐ – Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” do X03 (Bộ Công an) đảm nhiệm, thành công rực rỡ. Có những tác phẩm hoàn thành ngay trong thời gian mở trại; có những tác phẩm đã được lên “khung” hình thành ý tưởng trong mỗi trái tim nhạy cảm của nhạc sỹ, nhà văn. Thiếu tướng Lê Văn Hà như “tái hiện” lịch sử của CSCĐ qua những dấu mốc chính, những chiến tích chính của các “quả đấm thép”: Trung đoàn CSCĐ miền Trung – Tây Nguyên, đơn vị có bề dày thành tích, góp phần tiêu diệt bọn phản động PulRô (1991); Chống bạo loạn (2001-2004) đặc biệt là Chuyên án tháng 6.2023 mới đây. Trung đoàn Tây Bắc ngày đêm bám trụ, gian nan trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy. Ở địa bàn Tây Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, Trung đoàn CSCĐ miền Tây Nam Bộ … cùng các lực lượng vũ trang tham gia chống buôn lậu quyết liệt. Đúng là “mặt trận của chúng ta mở khắp nơi” – như tùy bút bất hủ của Nguyễn Trung Thành.
Lần giở từng trang sử truyền thống lực lượng CSCĐ trong ngót 50 năm Xây dựng, chiến đấu và phát triển, cùng bản Tóm tắt thành tích nổi bật từ khi thành lập Bộ Tư lệnh CSCĐ từ 2009-2003, mới thấy quá khứ và hiện tại đan cài, sao mà hào hùng, mà liệt oanh đến vậy? Nhìn những bộ quân phục, những đôi giày, dép đã sờn, bi đông, ống nhòm, các vật dụng cùng các loại súng ống, vũ khí thời đó đặt trong các khoang kính trưng bày của Bảo tàng K02, ta mới thực sự ngỡ ngàng, cảm kích. Chưa hết nhìn danh sách liệt sỹ của lực lượng CSCĐ trải dài khắp các vùng miền đất nước, làm ta se lại. Các anh và lớp lớp các thế hệ CBCS hôm nay đang viết tiếp những trang sử vẻ vang, tô thắm ngọn cờ truyền thống, xứng đáng là Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống. Và, Bình yên – Hai tiếng ấy thật thiêng liêng. Có lẽ, bao nhiêu những áng văn hay, bao nhiêu những khuôn nhạc lúc mạnh mẽ thiết tha, lúc xuống trầm lặng lẽ… cũng không thể diễn tả, khắc họa hết được vẻ đẹp tâm hồn, hành động và sự xả thân cao cả ấy.
Đơn giản, chính các anh là những nốt nhạc xanh, là những khúc ru xanh, mãi mãi, cho sự bình yên đất nước!.
7/8/2024
Đức Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...