Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Dặm về nẻo thương

Dặm về nẻo thương

1. Tháng bảy.
Nắng như nung. Nước mưa đọng trong những hố bom lớn cũng cạn khô trên khắp đồi Rạng. Gió Lào lùa hơi đất thốc lên mùi khét cháy. Túp nhà tranh dựng tạm của mẹ con Phúc nằm nép dưới gốc mít già trong khoảnh đất được chủ nhà cho mượn cuối khu vườn nay vắng tiếng gà liếp chiếp. Chủ nhà tốt bụng đã giúp cô dựng được mái nhà riêng, ngăn cho khoảnh đất để trồng rau, nuôi tạm ổ gà. Rất nhiều gia đình của nhiều xí nghiệp và trường học sơ tán từ Vinh về đây khiến cuộc sống của cư dân đồi Rạng này gặp rất nhiều xáo trộn. Gần trận địa pháo cao xạ nằm trên đồi, nên khu dân cư sơ tán cùng các xí nghiệp chuyển về này cũng thành mục tiêu oanh tạc của máy bay địch chẳng kém các vùng đô thị là mấy. Quen dần, con nít cũng bình thản chạy nấp hầm khi còi báo động khi người lớn lao động sản xuất hàng ngày.
Phúc phơ phẩy miếng mo cau quạt cho ru giấc cho hai dứa trẻ, buồn rầu ngó đám cải già khằn, trơ những lằn xơ nơi cuống lá táp quéo dưới gốc cây bồ kết. Con mái mẹ và ổ gà con mẹ con cô nâng niu canh chừng trong cái bu chụp dựng sát cửa sổ buồng lần lượt ngã chết. Nước này thì chẳng những con Vân, con Hạnh đều đói hơn mà đứa bé trong bụng ra đời không biết có nổi nước cơm mà dặm không nữa. Mỗi khẩu một ký gạo, phần còn lại là hơn mươi ký khoai lát hay bo bo hoặc đại mạch vàng sậm. Con bé Vân dài nhẳng, xanh xao nhưng bụng dạ đã ổn hơn hồi bé nên đỡ lo, nhưng cái Hạnh thì còn bé quá. Có khi nhìn con thở dốc như kiệt sức chỉ để tống được thứ còn lại sau khi tiêu hoá ra khỏi bụng, ruột gan Phúc như thắt lại. Khoai ép còn đỡ, đại mạch dù bung cả ôm củi thì lúc nguội nhai vẫn cứng đanh đanh, lạt thếch và xạm đến đau cuống lưỡi. Hơn hai tuổi đầu, Hạnh đã không hề khóc đòi bất cứ điều gì. Nó cứ lẳng lặng làm theo chị, đôi mắt to tròn lay láy như thông hiểu nỗi khổ của mẹ như đứa trẻ đã lên mười.
Phúc đã viết thư kể cho chồng nghe về trận B52 ấy. Bé Hạnh khi đó mới vừa chập chững. Có lẽ cả đời Phúc không quên được lúc gào tên con và lắng nghe tiếng khóc để tìm con bé sau trận bom rải thảm suốt gần hai tiếng đồng hồ. Cái cảm giác vừa hy vọng, vừa tuyệt vọng bóp chặt lấy hai thái dương lẫn lồng ngực Phúc. Con bé chưa đủ cái xiết chặt của một cánh tay ôm, nhẹ như trái bầu non và luôn miệng ê a tập nói dễ thương đến mức ai nhìn cũng muốn đưa tay nựng chiếc má phính hồng. Con bé biết tự tay bưng cái bát sành mẻ, lựa chỗ lành mà chóp chép chút nước cơm quậy xíu mật mía làn lạt, nhoẻn cười chào mẹ rồi quay sang ôm cổ thằng Mẫn để anh cõng đi chơi. Mẫn là học sinh lớp sáu, con trai út của gia đình mà mẹ con Phúc đang trọ. Mẫn lanh lợi, thường ngày quấn hai chị em Vân, Hạnh như anh trai lớn chơi đùa với hai cô em gái. Bữa đó lớp Mẫn học ca tối nên ban ngày nó ở nhà. Phúc giao con Hạnh cho Mẫn, chỉ kịp dặn nhớ trông em giúp cô, nghe báo động thì đưa em xuống hầm cùng rồi tất tả chụp cái nón rơm đi dạy.
Bom dội rất nhanh sau tiếng còi báo động, học trò lớp Phúc quen chạy hầm mà còn cuống khiến cô phải chạy đi chạy lại xếp chúng xuống những chiếc hầm chữ A còn lại rải rác. Bom nổ, tiếng pháo phòng không rít làm tai ù đặc. Sức ép của bom khiến những đứa trẻ yếu ớt ho rũ rượi, máu cam ộc xuống khăn quàng đỏ. Tâm trí Phúc như bị xé ra nhiều mảnh. Con Vân gửi nhà o Đắc, có hai cái hầm kiên cố lắm, đỡ lo vì con bé đã quen. Chỉ còn bé Hạnh, người nhà lên rú hết chỉ còn cu Mẫn chưa đầy mười hai tuổi với em.  Điểm danh đủ số học trò lớp mình khi báo yên, Phúc chạy như bay về nhà. Nghe con bé Vân chạy theo gọi mẹ lanh lảnh, Phúc chỉ kịp gật đầu rồi chết sững giữa mảnh sân cùng ngôi nhà kiên cố đã bay mái. Giữa đống tan hoang, tiếng cô gào gọi tên bé Hạnh như tự cấu vào ruột gan mình.
Chuồng trâu là nơi cuối cùng mọi người ngó tìm. Bom nổ, con trâu đực hoảng loạn lồng chạy ra phía bụi tre bên cạnh cái ao lớn rồi mảnh bom phạt đứt cả bụi tre lẫn cổ nó. Mái chuồng đổ sập một bên, khi người ta nâng những vắt cọ lợp lên, con Hạnh vẫn đang thu lu lưng áp vào cọc chuồng, hai tay bịt tai và ngồi quỳ trong lớp phân trâu lấp xấp. Nó khóc oà khi nhìn thấy mẹ. Đôi má phính tái nhợt, lấm tấm phân trâu xanh đen đã khô. Nhưng chỉ khóc đến khi nó ôm chặt được vào cổ mẹ là thiếp lả đi. Đêm ấy thằng Mẫn mới mò về, nó lí nhí với cha mạ rằng khi bom nổ gần, nó quíu quá vấp té làm văng con bé Hạnh khỏi tay đúng hóc chuồng trâu, còn mình thì chỉ kịp chạy nhào xuống hầm tránh …
Trẻ con mà. Trước đạn bom và cái chết gần tới thế, đâu ai nỡ trách.
Những đứa trẻ xung quanh thường làm xáo động buổi cơm chiều bằng tiếng cười đùa, la hét hay phàn nàn về đủ chuyện. Từ mách tội nhau điểm thấp ở trường hay giành phần ăn ít ỏi là miếng cháy đáy nồi, củ khoai mót, nắm lạc non. Thậm chí chúng còn làm người lớn cười xoà vì cả những trò nghịch trẻ con kiểu khều những con giun trong bãi phân chúng vừa đi ra đem vứt vào chân đứa nhà bên hay mè nheo về lũ giun kim nổi loạn nơi lỗ đít. Thời chiến, đến bãi phân cũng quý, để gom cho ruộng vườn huống chi là những thứ lương thực cân đong, phân phối theo tem phiếu tiêu chuẩn. Những người mẹ như Phúc, dọn bãi phân cho con cũng chỉ lẳng lặng mà xót xa trước những hạt mạch ra khỏi bụng con mình còn nguyên chẳng khác gì lúc chúng chưa vào bụng. Đói, có khoai sắn hay bo bo đại mạch mà ăn cho đầy bụng đã là may rồi, còn nghĩ mơ gì tới chất bổ cho trẻ con khi hàng ngày, cả bọn trẻ cũng đương đầu với bom đạn cùng người lớn.
Cái nóng mùa hè năm 1968 dường như còn bị tăng lên bởi bắt đầu có những tin tức thương vong từ cuộc chiến Tết Mậu Thân. Những gia đình có người đi B như nhà Phúc ai cũng bồn chồn chờ đợi tin tức người thân. Sau Tết, lác đác có giấy báo tử từ chiến trường Quảng Trị về nhưng đa phần là sự chờ đợi thư từ, tin tức làm người ta bồn chồn căng thẳng cực độ. Phúc lần bàn tay lên bụng. Đứa nhỏ vừa đạp mạnh, rồi gót chân nó như gác lên thành bụng mẹ, để trôi xuống từ từ thành một lằn nhô trượt xéo sang hông. Chắc chắn nó là con trai rồi. Trong những bức thư Phúc viết cho chồng, cô khẳng định với anh điều đó. Cả linh cảm đàn bà lẫn cảm giác thai nghén khác biệt với hai lần trước khiến cô đoan chắc sẽ đúng như thế. Phúc đã gửi cả sự hi vọng mang lại niềm vui cho chồng về đứa con trai sắp chào đời theo cánh thư. Hẳn là anh ấy sẽ mừng lắm. Nhưng rồi anh sẽ lo lắng cho bốn mẹ con cô nhiều hơn.
Người đâu lạ rứa, đến ôm con gái còn đỏ mặt, lắp bắp vì ru không được. Tranh thủ cắt phép tạt về thăm vợ đẻ lần đầu, giặt mớ tã xô với dăm cái đồ lót của vợ mà chui vào buồng tắm đóng kín cửa, chờ dãy lán tập thể vắng sạch bóng người mới lén mang ra phơi. Con bé Vân sinh năm 1963, hồi Phúc còn dạy ở Vinh có lẽ là đứa may mắn nhất vì được cha ôm ấp trọn vẹn ba ngày. Nửa đêm hết phép, anh ngồi ngó sững hai mẹ con trong ánh đèn dầu tù mù, rồi hít hà hơi sữa trên má con vài lần mới chạy ra xe đang chờ.
Ngày Phúc sinh bé Hạnh, kỷ niệm với người chồng vụng về còn đáng nhớ hơn nữa. Lúc này trường cô dạy đã sơ tán về Thanh Chương, dựng lớp ven đồi Rạng này. Sơ tán, thiếu thốn khó khăn trăm bề. Phúc luôn giữ tác phong Đảng viên, nếp ăn ở của nhà giáo. Họ quý trọng chồng cô là bộ đội cụ Hồ, quý cô là cô giáo dạy giỏi, tận tâm với trò, luôn đi đầu các phong trào thi đua của nhà trường và địa phương. Dân thương, đùm bọc nhau từng cây kim sợi chỉ nhưng phong tục, hủ tục nơi đây cũng nhiều. Cô lẳng lặng chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Gần ngày sinh, sáng nào Phúc cũng nắm hờ mang theo nắm khoai kén để lỡ khi chuyển dạ có cái lót lòng. Và chiều sinh con bé Hạnh, cô còn chẳng kịp dặn dò ai, lấy vội mớ đồ tã lót bông băng rồi te tái đua với con trở dạ. Cái lán ở của cô nơi trường dã chiến đã có sẵn ôm củi, thau và ấm đun nước. Việc sinh nở với cô lần này chẳng có gì đáng sợ bởi cô đã có kinh nghiệm sinh bé Vân một mình.
Thừa về tới nơi sơ tán, nghe mọi người nhốn nháo rằng từ chiều không thấy Phúc đâu. Anh chỉ kịp ôm bé Vân vào lòng, dúi vào tay con túi cu đơ mua dọc đường rồi lại trao con bé vào tay chủ nhà để đi tìm vợ. Chẳng ai hiểu Phúc bằng anh. Chắc Phúc sợ chủ nhà lẳng lặng đi sinh. Anh hiểu, cô ấy thương anh và kiên cường biết bao. Làm vợ thời chiến, khoảnh khắc đàn bà sinh nở đúng cái nghĩa hiểm nguy, cô đơn như đi biển một mình vậy. Hai vợ chồng chưa từng nói ra, nhưng người này hiểu nỗi khó khăn của người kia rất rõ. Cô ấy dù đã làm vợ, làm mẹ hai đứa con nhưng chẳng khác cô giáo Phúc dạy văn đầy nhiệt huyết yêu nước, cống hiến hết mình, tự lực tự cường những ngày đầu hai đứa mới gặp nhau ..
Đêm ấy thật dài. Phúc đã nhóm lửa, nhai nhếu nháo miếng khoai khô ép trộn lạc bở ngậy nhưng khô khốc, khó nuốt giữa những cơn gò dạ con. Thừa đến lúc cô đang oằn mình giữa tấm liếp nứa, đầu tóc rối bời và mồ hôi tháo đẫm khắp mình. Có lẽ đứa trẻ hờn giận hay lo sợ cuộc sống chạy hầm, đói khổ mà làm khó mẹ. Lần đầu chứng kiến vợ trở dạ, Thừa cuống quýt lo sợ. Dãy lán không người tĩnh lặng dưới tán rừng vi vút gió và màn đêm như chực chờ điều gì đó bất an. Nhìn vợ bé nhỏ, thở dốc từng cơn, anh chỉ kịp nói vội:
– Mình ráng đợi anh. Lúc chiều qua xóm trên, còn thấy o Huê đỡ đẻ ngồi đâm lạc ở cửa. Đợi anh tìm o xuống trợ cho em. Cố gắng đợi anh…
Tiếng còn đó mà tấm lưng gầy đã mất hút vào màn đêm. Phúc biết chồng thương lo cho mình, nhưng hai vợ chồng tiền bạc không dư. Hơn hai chục đồng lương giáo viên của cô không trụ được nửa tháng, kiếm bà đỡ có thể mất cả nửa số tiền cô dành dụm mãi cho kì sinh nở. Hai đứa đều nghèo, gia đình anh tận Hà Tĩnh, còn người thân của Phúc vẫn ở ngoài Quảng Trị. Tất cả phải tự lực và làm tròn bổn phận. Nhưng tiếng gọi ngăn chồng của cô yếu ớt rớt lại sau lưng người chồng đang hốt hoảng vì thương vợ.
Lúc Thừa cùng o đỡ về tới cửa lán thì con bé Hạnh đã ra khỏi bụng mẹ. Đáp lại tiếng đập của liếp là tiếng thở ngắt quãng của Phúc;
– Chờ chút! Chờ chút thôi, em ra mở ngay.
Bởi sợ thú hoang quậy phá lúc lâm bồn, Phúc cài chặt gióng ngang tấm liếp cửa. Đồi hoang, bom đạn, ban đêm lũ thú rừng đói khát hay động rừng do bom thường xuống kiếm ăn. Buông con dao cau, đặt khúc dây rốn vừa thắt lên bụng con, Phúc khó nhọc trở dậy lết đến bên cửa. Đôi bàn tay ướt dịch và run rẩy của cô mãi cũng đẩy được thanh cài. Thừa đỡ vội lấy cơ thể vợ hâm hấp nóng, bế đặt cô nằm cạnh ổ bếp lửa liu riu lép bép. O đỡ lau gột, vỗ lưng con Hạnh đã khóc tràng khoẻ, bọc lại trong tấm khăn bông mềm đặt vào tay anh. Phúc nằm thở đều, nghe rõ từng cái nhấn vuốt của bàn tay o đỡ trên bụng mình kèm tiếng ọt ọt trong ổ bụng. Bánh nhau tuột ra theo lần vuốt thứ ba. Cảm giác nhẹ bỗng và ấm áp khiến cô lơ mơ. Tiếng o đỡ như thảng từ xa lắm:
– Oa chà, bông nhau đẹp quá! Tui xin về om mặn cho bầy nhỏ nhà tui hen chú….
Sau này nhớ lại, bữa con bé Hạnh chào đời là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất Phúc trách chồng. Lẽ ra tự hai vợ chồng đón con bé là đỡ tốn hết năm đồng bạc. Lẽ ra tiết kiệm được số tiền ấy, có thể mua chui thêm cho bọn nhỏ vài lon sữa đặc Ông Thọ, ít gạo trắng để dành.. Anh chỉ cười lỏn lẻn:
– Anh lo cho mình quá. Tuy là không phải lần đầu được làm cha, nhưng đúng là lần đầu anh chứng kiến vợ đau đớn vậy, muốn đứt ruột.
Khuôn mặt lành hiền và hạnh phúc của Thừa lúc ấy, là khuôn mặt Phúc luôn mường tượng khi mỗi đêm về. Ôm con trong hầm tối, che con khỏi đất văng rào rạo khắp mình hay cho qua cơn lo sợ mảnh bom quật trúng hầm, khuôn mặt ngời ngợi sự yêu thương ấy như luôn bên cạnh cô và các con.
Vậy mà bặt tin hơn tám tháng nay.
Lần cuối cùng được ở bên nhau là đầu tháng 12 năm 1967. Ba ngày phép mới nghỉ được hai ngày thì có công văn hoả tốc từ Trường Quân chính điều động đồng chí Trung úy Nguyễn Đình Thừa nhận lệnh bổ sung vào ban chỉ huy Trung đoàn 1. Hai ngày đêm bên nhau mặn nồng, anh chỉ kịp dặn Phúc, nếu có con thì sinh con gái, sẽ đặt tên là Phước Hoà. Nếu sinh con trai, sẽ đặt tên con là Phước Thành. Hoà là hoà bình. Thành là thành công. Lá thư cuối cùng cô ý nhị báo tin, thế nào ngày về anh cũng sẽ gặp Phước Thành đấy nhé.
Có lẽ giờ này, sau tám tháng anh đi, bức thư ấy chưa tới tay anh bởi chiến sự ác liệt quá. Có thể thư thất lạc. Có thể anh đã nhận và hồi âm nhưng bưu chính trở ra trục trặc chưa tới tay cô. Cô hi vọng là thế. Bởi gặp bất cứ ai từ Quảng Trị trở về, cô đều tìm hỏi. Và câu trả lời khiến cô tiếp tục hy vọng anh còn sống, còn đang chiến đấu ở mặt trận cam go nhất của chiến dịch Mậu Thân.
Cô cũng sẽ làm tốt phần việc của mình ở hậu phương. Đã ba năm nay, cô đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh trong khối Giáo dục. Cô phải là niềm tự hào của anh và gia đình, là điểm tựa cho các con. Nghĩ như thế, cô mới vững tâm tin vào ngày đoàn tụ.
2. Rừng đêm âm u. Bóng tối như thạch đặc được điểm xuyết bằng tiếng động của thú hoang và gió. Thường chỉ cánh đàn ông đi nứa bởi công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Chiến tranh bòn rút lần mòn đàn ông khỏe mạnh, cả phụ nữ khỏe mạnh nữa. Làng ngoài cư dân sơ tán, đa phần còn lại là người già, phụ nữ và trẻ con. Đi nứa, mệt và hiểm nguy đấy nhưng lại có tiền vì nhu cầu nhà tạm, hầm ụ đều cần đến tre nứa. Lác đác phụ nữ tham gia những chuyến đi rừng ấy, thay cho những người đàn ông ngoài mặt trận hoặc trên thao trường. Nhưng bụng bầu sắp tới ngày sinh mà đi nứa như Phúc chuyến này thì là lần đầu tiên. Ngoại lệ.
Tay nải vải nhỏ vắt chéo lưng Phúc. Trong đó chỉ có một bộ quần áo sạch, chai dầu gió và vài nắm khoai kén, ít nhút mít. Một mảnh giấy dầu lớn gói ba chiếc tã vải phin, con dao cau bọc cột trong lớp giấy dày và ít bông băng, hai chai thuốc đỏ. Không biết thằng bé sẽ chào đời lúc nào nên Phúc luôn mang sẵn trong người những thứ ấy, để lỡ như không kịp về tới nhà, có thể tự đón con dọc đường.
Bốn ngày, chặt rồi bó, rồi vác và đẩy cho xuôi những bó nứa xuống bãi tập kết Phúc làm năng suất chẳng kém một ai. Những bó nứa đều tăm tắp, được cột lên kết với nhau thành bè và đẩy xuống dòng Lam cho xuôi về phía Thanh Chương. Ngồi trên cái bè dập dềnh trôi chầm chậm ấy, để tiết kiệm sức thay vì đi bộ cắt rừng về, Phúc thầm vái trời cho thằng bé đừng đòi ra đời ngay lúc ấy. Và như đứa trẻ cũng thấu hiểu, về tới bến cuối là lúc bụng Phúc lâm râm. Cơn trở dạ đến rất nhanh, chỉ kịp cho cô tắm gội sạch sẽ và ăn bữa cơm ấm bụng của chủ nhà nơi tập kết nứa cạnh bờ sông, nhưng không kịp với tốc độ của trận bom bi dội đến ngày hôm đó. Phúc chỉ kịp quơ tay nải, vừa đỡ cái bụng đang trằn cứng trong những cơn co dồn dập vừa cố gắng chạy tới cái hầm cá nhân gần nhất. Thằng bé ra trong khi cô chưa kịp trải hết vuông ni lông che kín đáy hầm.
Cu Thành khóc khoẻ. Tiếng khóc sau hai lần vỗ lưng của thằng bé khiến Phúc trào nước mắt. Cắt rốn, bọc con trong tấm áo sạch và tự vuốt bụng mình cho nhau rơi ra, Phúc làm chậm rãi như một nghi lễ. Cô nghe tiếng con khóc, nghe cả tiếng mình nói chuyện với Thừa trong tiếng nổ bung, bay rít, bụp bụp tiếp đất của những quả bom bi quân địch rót như rải thóc. Có lẽ do cô sợ. Sợ nhất là thứ bom bi khủng khiếp có thể bắn sâu giết chết cả những người dưới hầm. Phủ phục che trên con, Phúc thầm cầu nguyện cho hai đứa con gái cũng an toàn dưới mái hầm ở nhà…
Trận bom kéo dài. Tiếng pháo rít bắn trả nổ chát chúa tưởng như không dứt. Những lằn sáng cắt xé màn đêm đặc quánh như dao chém vào sự run rẩy. Sự tĩnh lặng sau trận bom cũng đáng sợ không kém. Ôm chặt đứa con vừa chào đời vào đôi bầu vú đau nhưng nhức, Phúc liên tưởng đến chông mình ở nơi đầu trận tuyến. Sau ngày anh đi, vài thương binh trú tạm ở bệnh viện dã chiến chờ chuyển về tuyến sau đã vô tình hé lộ thông tin về trung đoàn Một. Mất mát hy sinh khủng khiếp. Và ban chỉ huy trung đoàn cũng không còn lại mấy người.
Phúc nhớ, quyết định điều động của chông cô – Trung uý Nguyễn Đình Thừa được ghi là Cán bộ bổ sung Ban chỉ huy Trung đoàn Một. Nước mắt cô bất chợt rơi xuống má, rớt trên mặt đứa trẻ còn chưa biết đòi tìm vú mẹ. Trong bóng tối dưới lòng đất, lần đầu tiên Phúc nghĩ đến chuyện thằng bé sẽ không bao giờ được thấy mặt bố, đến việc bốn mẹ con cô mãi mãi không còn được gặp anh.
Nhưng rồi cô bắt mình nghĩ đến những điều khác. Bây giờ, cô là tất cả của các con, là người vợ hậu phương của một sĩ quan kiên trung của Trung đoàn Một Anh hùng chứ không thể là một phụ nữ yếu đuối, mong đợi và yếu mềm. Trong cơn đau co tử cung lúc gần về sáng, cô nghĩ đến những chuyến đi nứa khác, việc mà cô có thể làm như một người đàn ông vào những ngày được nghỉ dạy. Khoản tiền từ việc đi rừng cực nhọc ấy sẽ là cứu cánh của mẹ con cô trong những ngày vắng anh.
3. Con rắn vô nhà lần đầu bằng cách quấn quanh cái phích như cách người ta quấn dây điện quanh chuôi dao. Lần thứ hai là trên đình màn. Tinh mơ, tẽ cửa màn với chân tìm đôi dép, Phúc hết hồn khi thấy thân mình con rắn đòng đưa ngay cạnh góc màn như đang nhìn cu Thành ngủ. Cũng như lần truớc, gặp người nó lại đủng đỉnh trườn đi. Cái tư thế cuộn tròn trên trụ nối, đầu chui vào thân im lìm thật kì lạ. Ánh xanh trên lớp vảy màu xám đen của nó giống màu sao hôm vào những đêm trời yên nhất. Đem chuyện con rắn bò vào nhà ở một thời gian dài như vậy hỏi những người biết về loài rắn, Phúc cũng yên tâm nó không phải là rắn độc. Chỉ có màu ánh xanh kì lạ của nó khiến cô đôi lúc thắc thởm hoang mang…
Ngày cu Thành thôi nôi, ông nội xách đùm nếp và con gà theo xe khách đêm từ Hà Tĩnh về Thanh Chương thăm cháu. Biết ý cha chồng, Phúc nhờ ông vô giường nằm với thằng cu con cho cháu lấy hơi hướng đàn ông. Mờ sáng, bắc chõ xôi dưới bếp lên nhà thì cô thấy cha chồng đang ngồi xếp bằng trên giường, đưa cây thước gỗ chỉ vào đầu con rắn đang khoanh tròn, ngóc cổ trên nền đất phía chân giường bên ông, nói nhỏ:
– Con ra vườn đi. Đừng có vô trong nhà quấy mấy đứa con nít kẻo chúng sợ nghe chưa!
Kì lạ thay, con rắn như hiểu tiếng người, nó lắc lư cái đầu mấy cái rồi duỗi mình trườn qua ngạch cửa. Phúc chết lặng. Rồi như cục đá lèn trong ngực bấy lâu đang vỡ ra. Nước mắt mặn đắng lặng lẽ chảy dài trên đôi má đàn bà rám nắng, chảy xuống khuôn ngực đã bắt đầu cạn sữa của cô. Cô ngồi thụp xuống nền đất, ôm lấy ngực để không phát ra âm thanh nào, để không nhìn vào đôi mắt già nua của cha chồng cũng đang ầng ậng nước. Cô biết, lời nào với ông cũng là thêm gánh nặng. Ông đã gà trống nuôi con từ ngày tiễn vợ hạ sinh đứa út, rồi quẩn quanh nuôi cháu sau khi lần lượt tiễn năm đứa con trai ra chiến trường.
Chuyện Thừa hy sinh được xác tín sau đó ít lâu. Phát là cán bộ quân nhu, lớp lính đàn em của Thừa được điều động ra Đông Hà tầm sau Tết Mậu Thân. Bữa đó tổng kết năm học và báo cáo thành tích thi đua cấp Tỉnh, Phúc đi ngang sân Uỷ ban chợt nghe Phát nói với nhóm đồng đội của anh về cứ điểm Gio Hà và khó khăn về công tác báo cáo, truy điệu liệt sĩ khắp mặt trận Đông hà – Quảng Trị. Phúc chờ đến khi Phát còn một mình, chuẩn bị lên xe tiếp tục chuyến công tác thì túm chặt cổ áo anh lại:
– Anh nói thật với tui đi. Anh Thừa mất rồi phải không? Anh ấy mất như thế nào? Từ bao giờ?
– Tui hoàn toàn không biết o à. Chưa có tin gì về thì chắc anh ấy còn sống và đang chiến đấu thôi. O biết đó, bom đạn cắt nát hết mọi liên lạc, chuyện thư tín thất lạc là thường..
– Xin đừng có giấu tui nữa. dù gì anh cũng là đồng đội, là cấp dưới của anh ấy. Hãy cho mẹ con tui biết để biết ngày mà cúng cơm, an ủi linh hồn anh ấy..
Nước mắt bắt đầu trào ra khỏi đôi mắt quyết liệt của Phúc. Phân vân giây lát, Phát nói nhỏ:
– Theo nguyên tắc tổ chức thì tôi không dược phép nói. Bởi tôi ra Gio Linh sau anh Thừa khá lâu. Nhưng nghe các anh kể lại, trận tháng Hai năm 1968 toàn bộ hầm cán bộ bổ sung chỉ huy Trung đoàn Một đã mất do B52…
Bàn tay Phúc buông thõng khỏi ngực áo Phát.
– Mộ chồng tôi ở đâu? Có ai biết xác anh ấy nằm lại nơi nào ở Quảng Trị không?
– Có người biết đó. Sau trận đó có lệnh rút quân, ban chỉ huy còn có người lập  báo cáo lại nhưng điều quân cấp bách, họ lại chuyển đến chiến đấu ở địa bàn khác rồi.
Câu nói cuối cùng của Phát xuôi theo gió khi chiếc xe công vụ lao vào con đường bụi mù.
Phải sau đó hai năm, đến khi quân địch đánh bom leo thang ra tới Hà Nội năm 1972, sau bao lần tìm kiếm những người đi quân cùng đợt với chồng, Phúc mới gặp được người đồng chí đã chôn Thừa.
4. Mặt đất nóng như cát rang vào giữa ngọ. Phía hàng rào Mc Namara nước sông Gio Hải dội hắt lên sáng lấp loé. Cả triền đất trống trải như sa mạc, đất sỏi bạc phếch và chi chít hố bom. Đội trưởng Nông hội xã Gio Hải kiên nhẫn chỉ dẫn cho Phúc vị trí đám gạch ngói vụn nát trước đây từng là ngôi chùa phía đông trong sơ dồ vẽ tay trên tờ giấy. Chiếc la bàn rung rinh hai đầu kim nháy quay liên tục. Con đường trong bản vẽ trước đây giờ tan nhoà vào khoảng mênh mông đất chẳng còn dấu tích. Đến những cái cây to, bờ ruộng cũng tan nát nhoà vào nhau. May mắn thay, người đàn ông này bám trụ quê hương đủ lâu để định vị chính xác theo những mảnh ruộng và nền nhà còn lại
Đầu năm 1972, may mắn Phúc gặp được Thiếu tá Sinh, một trong những người sống sót sau những trận B52 oanh tạc trận địa Gio Linh ngày 27/2/1968 và những ngày trước đó. Chính tay anh và hai đồng đội đã chôn cất chồng cô cùng ba sĩ quan khác hy sinh vì sức ép trong cùng hầm chỉ huy. Chính anh cũng có ý định tìm cô để báo tin, nhưng hành quân điều chuyển không cùng tuyến đường nên không thể tới gần Đồi Rạng. Thiếu tá Sinh còn trao cho cô chiếc la bàn quân sự, hướng dẫn cách định vị và dặn rằng, chính tay anh đã dùng vỏ đạn đục tên Thừa trên tấm tôn kẽm thay cho bia mộ.
Sáng sớm, khi căn góc đường với nền ngôi chùa này, Phúc đã linh cảm đúng nơi chồng nằm lại. Nhưng vốn cẩn thận, cô nhờ đưa tới địa điểm từng là ngôi chùa kia trước, xác định kỹ rằng không đúng, hai người lại trở về nơi này. Bước chân trần trên nền đất cát bỏng rát, giữ cây chiếc bàn ổn định trong lòng bàn tay, Phúc run rẩy tiến tới đúng vị trí được đánh dấu.
“Hai chân anh ấy gác trên bờ ruộng, đầu hướng vô phía chùa. Vội lắm, tui chỉ kịp đục tên anh ấy trên tấm kẽm kèm ngày hy sinh”. Câu nói của thiếu tá Sinh văng vẳng trong đầu Phúc khi tay cô bới lớp đất pha cát khô xốp. Ngón tay cô đau nhói. Miếng tôn kẽm được lấy lên, những lỗ tròn đục vội bằng vỏ đạn ngay ngắn chữ “ Thừa 27/2” khiến cả người Phúc run bần bật. Hai ống quyển song song ngay ngắn lộ ra ngay sau tấm kẽm. Rồi như mê đi, tay cô bới thoăn thoắt sâu xuống về hướng đầu gối, hai gióng đùi nằm ghếch chéo đúng tư thế “chân gác lên bờ ruộng” mà thiếu tá Sinh mô tả. Nắng chiều phủ lên cát lấp loá, hình hài còn lại của chồng cô sáng bóng, khô sạch hiện ra trong ánh lấp loá vì nước mắt của cô.
– Thôi o à, chừ muộn rồi, không kịp đón chú về ngay hôm nay đâu .O làm vầy tội cho chú ấy. Để mai sáng biện nhang hoa đủ đầy rồi hãy rước chú về o à.
Phúc ngồi thẫn thờ trước phần di hài vừ lộ ra của chồng. Rồi chợt nhận ra, mình chỉ đi tìm anh bằng sự thôi thúc, nhớ mong và cả sợ hãi mất anh thêm lần nữa. Bà con trong xóm đã tan làm trên những khoảnh ruộng còn canh tác được rất xa về ngang qua, mỗi người thêm một câu động viên cô. Nước mắt tới giờ mới chảy dài trên mặt cô, rơi xuống lớp đất cát tơi xốp hay tay cô đang gạt phủ che đi những gì cô vừa run rẩy tìm gặp.
Bữa cơm tối ở nhà người Đội trưởng dường như hoàn toàn yên lặng. Cả gia đình chăm chút nhường cô phần cơm trắng được hớt trên những miếng sắn độn và bát canh khế nấu thứ tép khô quê cô ngọt đậm đà. Quảng Trị, cô sinh ra, trưởng thành, mất dần đi những người thân và cả người chồng thương yêu của mình tại nơi đây. Bữa ăn đượm nặng tình người, tình quê hôm ấy như an ủi vỗ về những canh cánh trong lòng cô.
Mờ sáng, khi Phúc ra tới nơi chôn cất Thừa thì bà con trong làng đã có mặt từ bao giờ. Mùi nhang ngát quyện lấy gió sớm, loãng trong những tiếng thì thầm về những ngôi mộ không bia lẫn chìm vào đất. Hoa để tưởng niệm Thừa cũng chỉ là vài bông trang và nhánh hoa cau còn sót lại góc vườn nhà ai đó. Chút rượu quê nồng hơi men đổ lên phần đất anh nằm. Phúc tự tay bới đất, đặt từng mảnh xương chồng lên trên hai lớp giấy báo cô đã chuẩn bị đem theo trong cái túi du lịch cũ. Phúc chưa từng chứng kiến việc bốc mộ. Cũng chưa từng tìm hiểu trình tự nhưng từng nghe người ta nói, việc bốc xương phải xếp đúng thứ tự. Nếu sơ ý xếp không đúng người đã khuất sẽ khó việc siêu thoát kiếp sau.
Nhặt từng mảnh xương chồng, gói cẩn thận vào từng miếng giấy báo và đặt xuôi theo hình hài anh khi còn sống. Một việc mà Phúc chưa từng nghĩ sẽ có ngày vợ chồng mình trọn dạo phu thê bằng cách ấy. Đầu cô trống rỗng, mỗi động tác đều cẩn trọng như lời tâm sự cuối cùng của vợ với chồng. Gần sáu năm được là vợ chồng, chỉ duy nhất cái Tết năm 1965 anh và cô được ăn Tết cùng nhau. Gần  sáu năm, có với nhau ba mặt con mà số ngày ở bên nhau đếm kĩ không được tròn dăm tháng. Vậy nhưng, anh đã cho cô trọn vẹn được yêu, được tin, được kính trọng và được sẻ chia tới tận cùng tâm hồn và thể xác. “Với em, như vậy là đủ Thừa ơi. Em sẽ thay anh nuôi dạy các con nên vóc, nên người, giữ nếp nhà gia đạo và tận hiếu, tận trung như lời anh dặn.” . Những lời nói thốt trong thâm tâm cô vang vọng khi bàn tay cô gói ghém tới di vật cuối cùng của chồng.
Chuyến xe đò trưa ấy đưa Phúc cùng bé Vân ngược về Thanh Chương. Con gái lớn lặng im bên mẹ y như khi đi, nó cũng lặng im vì biết là chuyến đi đón cha. Phúc thầm biết ơn con, mới hơn mười tuổi đầu mà dường như nó hiểu nỗi đau trong lòng mẹ đến mức nén nỗi đau trong lòng nó để mắt sâu hút nhưng không rơi lệ. nắm cơm người đội trưởng Nông hội ở Gio Hải gói cho giữ cho hai mẹ con về tới Đông Hà. Mình cô ôm túi ngồi im trên xe, con bé chạy ù đến nhà cậu họ nhờ trợ giúp chút tiền để đủ tiền vé đưa hai mẹ con về Vinh. Nắm cơm được đùm cho đỡ lòng hai mẹ con về tới Vinh khi trời đã tối mịt. Xe khách hư, nằm lại Vinh gần suốt đêm, Phúc nhờ người quen đưa bé Vân về ở nhờ, mình cô ôm khư khư chiếc túi tiếp tục hành trình sang Hà Tĩnh, đưa Thừa về với mái nhà anh.
Buổi lễ truy điệu sáng hôm sau, 3/7 năm 1973 được diễn ra trọng thể đón nhận liệt sĩ – Trung uý Nguyễn Đình Thừa về lòng quê mẹ. Cha chồng Phúc run run mở từng tờ giấy báo, lẩm bẩm như nói với đứa con trai ông thương nhất về sự tự hào của ông về cả hai vợ chồng nó. Có ai đó đứng sau lưng ông nói khẽ:
– Này, cái nhà o Phúc giỏi dữ. Sao mà sắp xếp di hài chú ấy chuyên nghiệp như bác sĩ giải phẫu ấy. Rõ bốc ra răng xếp ra rứa, không hề sai lệch chút nào.
Khi lá cờ phủ lên quách đưa Thừa đến nghĩa trang quê hương, Phúc chỉ kịp chào cha, chào mọi người rồi lại tất tả ra bến xe cho kịp chuyến. Ba đứa trẻ đang đợi cô. Sáng sớm mai lớp học bổ túc cũng chờ cô khai giảng. Thi thoảng, bom đạn vẫn rít trên bầu trời khắp dải miền Trung bất khuất, nhưng lòng cô đã thanh thản khi trước mặt chỉ còn một trận tuyến duy nhất. Trận chiến của một cô giáo, một chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh đem đến tinh thần yêu nước và tình yêu với con chữ, với văn chương cho nhiều thế hệ học trò. Trận tuyến của một người mẹ đơn thân sẽ nuôi ba con trưởng thành như ý nguyện của hai vợ chồng. Cô thầm hứa với anh, trọn đời còn lại cô sẽ dành cho những điều thiêng liêng ấy.
Vĩ thanh: Tôi ngồi và viết tóm lược nội dung câu chuyện này với nhà giáo Nguyễn Thị Kim Phúc trong khu tập thể Bách khoa một chiều mùa hạ. Cô đã bước sang tuổi 85 và ba người con của cô đều đã trưởng thành như nguyện ước của vợ chồng cô. Họ người theo chân mẹ trở thành giáo viên dạy văn giỏi ngay tại mảnh đất Thanh Chương – Nghệ An. Người trở thành Tiến sĩ làm việc tại Moskva và người con út tốt nghiệp Bách Khoa hiện công tác tại Hà Nội. Cả đời, cô vẫn sống như có chồng bên cạnh. Dường như ông chưa hề mất đối với cô. Cho tới tận bây giờ, cô vẫn gọi người chồng đã mất 56 năm của mình là “anh”. Có lẽ thế hệ cô đa phần là như thế. Có lẽ, mảnh đất Nghệ An kiên trung bất khuất sinh ra rất nhiều những chuyện tình bởi những người con ưu tú như vậy. Cảm phụ và tự hào, tôi viết nên những dòng này tri ân với Miền Trung, với Nghệ An.
8/8/2024
Nguyễn Thu Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...