Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

 

Người già khó ngủ

Chiếc xe tải rầm rầm chạy qua con đường dẫn vào khu công nghiệp sau nhà làm lão Tư thêm khó ngủ. Lão tưởng như cái chõng tre của mình cũng đang run lên bần bật theo nhịp xóc của chiếc xe đáng ghét ấy. Cái thứ gì đâu ầm ầm cuốn bụi ngày cũng như đêm! Từ ngày khu công nghiệp manh nha hình thành tới giờ hình như bệnh mất ngủ của người già đã trở thành bạn thân của lão Tư. Lão nghĩ chắc tại mình già quá rồi. Chớ còn gì nữa! Bây giờ, sáng sáng bưng có thúng lúa trộn từ trong nhà ra đến chuồng vịt ngoài sân, lão đã thở hổn hển. Hồi đó bao lúa hai giạ lão vác một lần hai bao như chơi…

Nhà văn Nguyễn Ngọc Đào Uyên sinh năm 1983, hiện là giáo viên ngữ văn ở An Giang, đã xuất bản 02 tập truyện ngắn: “Mùa ấm”, “Lặng lẽ bến chờ”; được nhận Giải Ba Cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long lần IV (năm 2011), lần V (năm 2015).  

Hồi đó… Trời ơi, hai cái chữ “hồi đó” nghe nó mênh mông như con nước tràn bờ, mà nó xốn xang khó chịu trong bụng làm sao! Hai chữ ấy gợi lên trong đầu lão Tư những cánh đồng nước nổi lút bờ, ngút ngát tầm mắt với những tay lưới mắc đầy cá; nhắc lão nhớ lũ cá linh non nhảy lao xao trong dớn và nồi mắm cá linh kho bốc khói thơm lừng, lão với thằng Lúa chấm vét nồi tới cọng bông súng cuối cùng trong mâm, bụng no căng mà vẫn còn thèm! Má thằng Lúa kho mắm là hết sảy! Hồi đó… những đêm neo xuồng dưới mấy gốc cây chờ tới giờ thăm câu, tha hồ mà ngửa mặt ngắm trời sao mà lai rai mấy câu vọng cổ. Đồng không mênh mông đẩy tiếng hát dài theo mặt nước, tiếng ếch nhái rền theo phụ họa, tiếng mấy trái bứa rụng xuống sông cái tủm như tiếng nhịp song loan…

Đối với lão, cuộc sống như vậy còn gì vui thú cho bằng! Lão yêu những âm thanh đồng ruộng ấy, kể cả tiếng “tủm” của trái bứa rụng xuống sông – cái tiếng mà mỗi lần nghe vợ lão hay cười mím chi nói: “Ông nghe nó giống tiếng song loan thì tại ông văn chương quá; chứ tui thì tui thấy nó giống âm thanh khác… nó gợi hình hơn…”. Cái bà! Nói chuyện vô tâm gì đâu! Lão mà văn chương gì. Hồi nẳm lão chỉ học được hết lớp nhất trường làng thì phải nghỉ học vì nhà nghèo quá. Tía má lão phải bơi xuồng vô tận miệt núi Sập hái lá sen về bán, đong gạo từng bữa thì làm sao lo cho lão ra trọ học trường huyện? Lão phải dẹp hết sách vở với những bài thơ mình yêu thích để gắn với câu, lưới, lợp, lờ, cày, bừa, cấy, gặt… của một kiếp bần nông! Nhưng thi thoảng những ước mong lại trở về trong những giấc mơ, lão thấy mình là một ông giáo dạy văn đang giảng cho trò nghe về một đoạn thơ tâm đắc…

Lại một chiếc xe nữa rầm rầm lao qua. Lão đưa tay vuốt ngực chặn cơn ho kéo đến… thôi chắc đêm nay hết ngủ được rồi! Lão chui ra khỏi mùng chắp tay sau đít đi ra sau nhà ngó khu công nghiệp. Đã có mấy nhà máy đưa vào hoạt động, mấy ống khói đen phụt khói lên trời. Đằng kia, chỗ đang san ủi làm một đại lộ, ngày xưa là chòi vịt của tía con Mùa – thằng ba Trúng, bạn nối khố của lão. Cái chòi vịt ấy từng là nơi tụ họp của ban đàn ca tài tử của lão vào những đêm trăng sáng, mà má thằng Lúa lại hay cằn nhằn là chỗ tụ tập của mấy cha anh hùng rơm Lương Sơn Bạc! Giờ cái chòi vịt mất tiêu rồi! Đó, cái chỗ đầu cua mà thằng xe tải đang quẹo vô, hồi xưa là chỗ chôn cất ông bà lão – là cái “long mạch” nhà lão, lão cũng định đến lúc theo ông bà sẽ nằm ở đó. Mà không biết ông tằng tổ nào chọn vị trí ấy để táng cốt ông bà, cứ truyền với con cháu là “long mạch” nhưng chắc trúng rồng đất, rồng không biết bay nên tới giờ có thấy ai phát đâu! Bây giờ thì thành “long lộ”! Nè, cả cái con đường trước mặt, ngày xưa cũng là một con kênh. Còn nhớ mỗi lần lão đi thăm câu về, từ xa đã thấy thằng Lúa với đám nhóc trong xóm vừa tắm vừa lội rượt nhau chí chóe, nước văng tung tóe y như bầy vịt con giỡn nước! Nhớ mấy bữa gần tết, má thằng Lúa, má con Mùa, thêm mấy bà sồn sồn trong xóm kéo nhau ra bến giặt giũ mùng mền, vút nếp gói bánh cứ gọi là ì xèo… Nhớ! Nhớ nhiều lắm! Tiếc! Tiếc cũng dữ lắm! Nhưng mà đã là phát triển thì phải chịu. Thằng Lúa hay nói với lão: “Cái gì cũng có được – mất hai mặt mà tía! Thì tía mất cái hồi ức nhưng những thay đổi này sẽ làm đất nước mình đi lên!”. Ừ, nó có ăn học nói nghe sướng cái lỗ tai; nhưng mà… nhưng mà lão vẫn thấy tiếc, tiếc lắm “hồi đó” ơi!

***

Lão nhấp ngụm cà phê, nheo nheo mắt nhìn đám choai choai bên kia đường. Tụi này mới sáng sớm mà rần rần tụ tập, chắc định kéo đi đâu đây; ừ, cũng hổng chừng đi suốt đêm giờ mới về. Thiệt là… “nhàn cư vi bất thiện”! Ngẫm lại ông bà nói chớ có sai! Thói đời, “bần cùng sinh đạo tặc” – con người dễ lâm vào con đường “tặc” khi quá bức bí, quẫn bách. Mà khi người ta có chút của ăn của để thì bắt đầu đẻ ra đủ thứ lễ nghi trau chuốt, mà cũng từ cái chỗ dư ăn dư để, nhàn rỗi không làm việc lại nảy sinh “bất thiện”. Chi bằng như cổ nhân nói “tri túc hà thời túc”! Lão tự cười thầm suy nghĩ của mình. Có mấy ai trong cuộc đời này có thể “nhìn xem phú quí tựa chiêm bao”! Thì cứ nhìn cái xóm nghèo của lão đang thay đổi từng ngày thì biết! Gần hết xóm này nhà nào giờ cũng có tivi, đầu đĩa, tủ lạnh, xe gắn máy… có nhà còn có ba cái in – tẹt –nét chi đó.

Cũng mừng! Nhưng mà cũng lo lo! Hổng phải tự nhiên cả xóm phất cái ào lên thành triệu phú như vậy. Ừ. Thì cũng có nhà căn cơ, như nhà thím Năm giáo viên, cặm cụi cả đời, giờ bầy con có việc làm ổn định trong cơ quan Nhà nước, hổng giàu có nhưng cơ bản là bền vững. Rồi nhà chú Chín làm ruộng, làm rẫy chắt mót, giờ có máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp, vô mùa là lãnh mối mệt nghỉ!… Nhưng số đông còn lại qua một, hai đêm bỗng dưng thành triệu phú – nhờ… khu công nghiệp! Đó là mấy hộ được đền bù giải tỏa. Cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời có người còn chưa sắm nổi một cây vàng cưới vợ cho con, có người chưa biết đếm tiền tới một triệu mà tự nhiên cầm được trong tay một số tiền lớn, hỏi ai không chới với! Và sau những giây phút chới với đó người ta bắt đầu tìm cách xài tiền, để dành tiền. Cái khoảng người ta để dành tiền thì lão hổng thấy rõ. Nhưng cái khoảng xài tiền thì rõ lắm! Đầu tiên là sửa lại cái nhà; kế đó là mua sắm tiện nghi, trong mấy món tiện nghi món không thể thiếu là chiếc xe gắn máy; kế đó nữa là thay – thế – những – cái – không – còn – phù – hợp; kế đó nữa rồi kế đó nữa…

Đại khái là vậy chứ không hoàn toàn như vậy, vì nhà này làm cái này trước, nhà kia làm làm cái khác trước chứ hổng phải mua sắm, thay đổi cùng lúc giống nhau. Chỉ có cái mà lão thấy họ giống nhau là đám con! Mấy thằng thanh niên nào giờ chỉ biết có cày ruộng, giờ ruộng vô khu quy hoạch – đâu còn làm gì nữa. Một số đứa lên thành phố, ra Bình Dương xin việc; số khác ở lại đợi khu công nghiệp hoàn thành xin vô làm công nhân (như lời hứa của mấy ông doanh nghiệp tới mua đất). Rảnh quá, lại sẵn tía má có tiền, tụi nó bắt đầu học xài tiền, học cúp đầu xe, cà chân chống xe xuống đường cho nẹt lửa đua cho vui! Mấy tiệm Ka – ra –ô – kê “đặc biệt” mọc lên dọc tỉnh lộ, vùng ven đô dưới kia có mấy quán bar – hai mươi mấy cây số, có mấy phút chạy xe đâu, có tiền vào đó là thượng khách! Nên chẳng còn mấy đứa thèm nhớ tới việc xách tay lưới, tay câu đi giăng thả ở mấy cánh đồng xa hơn bắt con cá, con ếch như hồi đó! Cũng là một cách tụi nó thay- thế- những- cái – không –còn –phù- hợp! May mà đất đai nhà lão không nhiều để thằng Lúa có thể rảnh quá học làm “tiểu thiếu gia”. Giờ này chắc nó đang chuẩn bị lên giảng đường…

– Bác Tư! Bác nhìn cái gì mà nhìn dữ thần ôn ạ?

Đi kèm câu hỏi là bản mặt đen thui và hàm răng trắng ởn của thằng Hai hiện ra chần dần trước mắt. Thằng miệng bằng tay, tay bằng miệng hay xuất hiện cái kiểu hú hồn như vậy! Chẳng đợi lão nói gì, Hai đã bô bô:

– Lát nữa, uống cà phê xong, bác ghé nhà, coi cân tiếp con mấy mùng lươn, cỡ này có giá nè! Con kêu lái rồi!

A painting of a person's face

Description automatically generatedTranh của họa sĩ Thành Chương

Không uổng cái tình thương của lão dành cho nó chút nào! Giữa lúc đám “tiểu thiếu gia” trong xóm quay lưng với nghề nông thì thằng này vẫn đeo dính cái gốc rễ đã nuôi nó lớn! Đất nhà nó cũng thành đất khu công nghiệp, nó cũng có một số tiền mà chưa thấy nó xài. Không ra đồng được nó xoay qua nuôi lươn. Vài ba mùng lươn căng bằng cao su mà nó cũng có đồng ra đồng vô! Nhờ chịu khó đi bắt ốc bươu vàng về cho lươn ăn nên chi phí bỏ ra không nhiều mà lời cũng khá. Cũng hiếm có đứa nào ham học  hỏi như nó! Vì hoàn cảnh nên học hết 12, nó phải dừng cái sự học. Không được học tiếp Đại học, không được bước chân vô những trường nghề mà nó thích nhưng thằng Hai không bỏ cuộc. Nó vẫn tha về các loại sách để mày mò tự học, rút tỉa kinh nghiệm từ sách vở và thực tiễn. Bởi vậy vốn kiến thức về nuôi trồng của nó cũng kha khá. Trước đây, thỉnh thoảng ruộng lúa hay heo, gà nhà ai có bệnh cũng hay ới “thầy”  Hai qua trị giúp.

– À! Bác Tư ơi, con định bàn với bác việc này, hay lắm nè!- Hai lại bỗ bã nắm tay lão lắc một cách nhiệt tình – con định gom tiền vô mấy cánh đồng trong mua đất. Con dọ thử rồi, chắc con đủ tiền mau cỡ vài ba công. Vậy cũng được hé bác Tư, chứ ôm tiền như vầy con sợ xài hết mà không hay!

Lão gật đầu cái rụp! Đúng là ý hay! Lần trước hai bác cháu bàn tính hùn tiền mua miếng đất cất nhà trọ cho thuê, đón đầu những công nhân tứ xứ sẽ đến làm việc ở khu công nghiệp này trong thời gian không xa nữa. Tiếc là lão không đủ tiền và không đủ sức để hùn với nó vô đồng trong chuyến này. Cũng có mấy nhà trong xóm đầu tư nhà trọ, chỉ tiếc số gia đình thức thời như vậy trong xóm không nhiều! Thằng Hai tính như vậy là nặng tình không dứt được với nghề nông. Mà nó còn nặng tình với… con gái nữa! Kìa, nó đang vội chạy qua bên kia lộ chỉ kịp dặn với lại một câu gấp gáp:

– Chừng nào thằng Lúa về bác kêu nó chỉ con lên mạng nghe!

Nó phải “phi thân” vội vã như vậy vì con Mùa vừa xuất hiện bên kia, trong đám choai choai. Thằng Hai mê con Mùa ai còn lạ gì nữa! Con Mùa giỏi việc đồng áng, nội trợ lại trắng trẻo, đẹp gái nên bao nhiêu con trai mê nó chứ không riêng gì thằng Hai. Con Mùa cũng “gãy cánh” năm mười hai. Rớt Đại học nó ở nhà học làm móng, uốn tóc. Tiệm của nó là chỗ lui tới thường xuyên của mấy bà nội trợ trong xóm. Nhưng mà… Hai đứa nó có vẻ đang cãi nhau. Lão Tư lại thấy hơi bồn chồn khi thấy con Mùa có mặt trong đám choai choai ấy. Lão mơ hồ lo cho thằng Hai, sợ cho con Mùa. Hổng lẽ cả đàn bà con gái cũng đang thay- thế- những- cái – không –còn –phù- hợp? Lão nghĩ chắc mình cũng rảnh quá nên mới để ý ba cái chuyện vu vơ hình như chẳng liên quan gì đến mình như vậy? Nhưng không lo, không xót sao được khi nhìn mấy sòng bài mà đa phần mấy tay chơi bài là đàn bà trong xóm. Trừ hai bữa cơm, hình như việc chủ yếu của họ là đánh bài! Mấy bà mẹ xúm vào nhau ăn thua trên chiếu bạc (dù chỉ một, hai ngàn một ván) mặc kệ đám con nít lao nhao lích nhích, mặt mũi lem luốc túm tụm chơi ngoài sân hay lang thang, vơ vẩn dưới gốc cây, bụi chuối. Có khi tối mịt mà mẹ chúng chẳng thèm gọi về! Hồi đó, vợ lão chỉ có cái ăn nói “thẳng ruột ngựa” thôi chứ có bao giờ bỏ thằng Lúa nhếch nhác như thế, dù có bận đến mấy đi nữa. Hay tại lão già rồi nên khó tánh? Khó tánh nên nghĩ ngược, nghĩ xuôi gì lão cũng không chấp nhận được việc vợ ba Trúng làm thầu đề! Cào ốc, lưỡi hái bị bỏ chỏng chơ bên chái nhà; ngón đàn ba Trúng tan nát theo bầy vịt. Giờ ba Trúng chỉ còn biết “hát” đề vào mỗi chiều khi xổ số. Thiếu cha gì nghề không làm, đi làm cái nghề phạm pháp, giàu đâu chưa thấy chỉ thấy nó làm người ta tan cửa nát nhà… Can ngăn hết lời có được đâu!

   ***

Chập tối thằng Hai ghé về hồ hởi:

– Bác Tư ơi! Mùa này con có lời đó. Chớ để lúc con mua đất cậu Sáu Xà cứ chê rậm rề “ Mua chi có mấy công, làm lời lóm gì hôn?”!

Và thằng thanh niên 25 tuổi ngồi khoe với lão về mô hình Cánh đồng mẫu lớn mà cánh đồng trong đã làm, về sáng kiến của những nhà khoa học, của những doanh nghiệp có tấm lòng với nông dân đã cùng người dân dồn thửa, đặt kho chứa, cung cấp thuốc… để giảm tối đa chi phí cho người dân, bảo đảm cho nông dân được mùa, được giá. Mắt nó sáng lên khi nói đến dự định mua thêm đất, về dự án nhân rộng mô hình Cánh đồng mẫu lớn ra khắp đồng bằng sông Cửu Long, về kế hoạch xóa bỏ luôn bờ đê ranh đất “Chà, chắc lúc đó con phải lên mạng xem ranh đất con được định vị bằng thiết bị định vị toàn cầu hé bác Tư!”. Nó kết thúc câu chuyện về Cánh đồng mẫu lớn như thế để tiếp tục bắt sang một ước mơ nữa: ước mơ vào Đại học! “Con biết, con nông dân thì cần gì bằng cấp. Nhưng mà con ham học để biết ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Vừa học vừa làm cũng tốt phải không bác? Con tính chừng nào Đại học tỉnh mình mở hệ vừa học vừa làm con sẽ đăng kí học một ngành phù hợp. Biết đâu lúc đó con rủng rỉnh tiền bạc rồi hé bác?”

Say sưa… Câu chuyện hai bác cháu đang say sưa thì bỗng: “ Trời ơi! Hai đứa bây đang làm cái gì vậy hả? Trời ơi là trời! Tao giết mày Bảy ơi!”. Tiếng quát tháo và tiếng con nít khóc ré lên mé cuối xóm; sòng bài mé đầu xóm cùng ồn ào hơn…

– Để con đi coi chuyện gì nghe bác Tư!

Thằng Hai lại hớt hãi chạy đi hóng hớt. Lão Tư dợm bước ra đường. Rồi bần thần lui tới đầu ngõ. Tiếng quát tháo rõ mồn một. Lão đã hiểu chuyện gì rồi! Cái gì phải xảy ra thì nó sẽ xảy ra! Lão đã mơ hồ lo sợ và đã phải đắng lòng chấp nhận khi cái mơ hồ ấy hiển hiện rõ ràng thành sự thật. Mấy hôm trước là chuyện thằng Bé con Hai Vó đua xe té gãy tay. Mấy hôm trước nữa là chuyện con Mùa và cái bầu bị chối bỏ. Nghe đâu nó quen một thằng nào đó là kĩ sư trong công trình, tóc tai như nghệ sĩ. Cũng bảo là sắp cưới tới nơi, bỗng đùng một cái, thằng kĩ sư ấy biến mất (không biết kĩ sư thiệt hay giả nữa!). Con Mùa té ngửa vì chẳng biết nhà cửa của nó ở đâu, điện thoại thì không liên lạc được. Đang điêu đứng vì cái bụng con Mùa bắt đầu nhu nhú, chưa biết làm thế nào thì hôm qua, vợ chồng ba Trúng “được” công an mời về làm việc vì tội thầu đề. Cả xóm cứ gọi là loạn cả lên!…Và đêm nay tới cái chuyện đau lòng nhất này đây!

– Hai đứa bây làm như vầy mấy lần rồi hả? Đồ quỷ quái, đồ con nít quỷ! – Tiếng một bà mẹ ré lên the thé.

– Quân mất dạy! Con tao mà có bề gì tao kéo cả dòng họ mày ra tòa! Đồ không biết dạy con! – Tiếng một bà mẹ rủa sa sả.

Thịch… Thụi…Bốp…Bốp – Tiếng của những “bài học”, tiếng của sự “dạy dỗ”!

– Hu hu…tha…đừng đánh con nữa!…- Tiếng của những đứa trẻ được mẹ “quan tâm”!

Hai đứa trẻ vừa được lôi ra khỏi bụi chuối! Hai bà mẹ vừa được kéo ra khỏi sòng bài! Hơn tám giờ đêm! Phải chi hai bà mẹ ấy rời khỏi sòng bài sớm hơn, phải chi hai đứa trẻ ấy được nhìn ngó tới, không bị bỏ mặc cho lang thang vơ vẩn vào bụi chuối hay xó xỉn nào cũng được; phải chi khi thằng bé tập “lên nét” mẹ nó biết để giám sát, bảo ban… Phải chi và phải chi…

Lão thở dài, trở vô nhà. Sòng bài vẫn lao xao cười nói, tỉnh như không có gì xảy ra. Dù hai đứa bé ấy gọi họ bằng cô, bằng thím, bằng mợ… Không có gì xảy ra! “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”! Lão ngao ngán lắc đầu. Biết là chuyện con nít mà sao vẫn nhoi nhói khó chịu! Biết chuyện này không phải là lạ nhưng lạ là ở cái tình người với nhau…

– Bà à! Hay tại tui già quá nên lẩm cẩm?

Lão quay qua hỏi má thằng Lúa. Bà vợ nhìn lão lâu thật lâu bằng ánh mắt hiền hiền. Cũng bằng ánh mắt ấy bà đã đón nhận con dâu tương lai khi thằng Lúa dẫn về ra mắt. Nhớ tới thằng Lúa và con dâu tương lai lão mắc rộn ràng trong bụng. Thằng Lúa khéo lựa! Con nhỏ lễ phép, dễ thương lại có ăn học. Ngày mai hai đứa nó sẽ cùng xúng xính trong áo cử nhân, ngày mai hai đứa nó làm lễ tốt nghiệp! Con bé được giữ lại trường Đại học, thằng Lúa đã được một công ty trong khu công nghiệp mời vào làm. Cái cảnh nhà “nghèo gia truyền” như lão được vậy cũng đáng tự hào chứ bộ! Nhớ hồi nhỏ, thằng Lúa đi tiệm mua đồ cho má nó, bị con bà chủ tiệm chê: “Bận cái quần gì mà chó táp hổng tới vậy trời!” vì thời đó chưa có mốt quần lửng như bây giờ mà cái quần nhà nghèo của nó cứ lưng tưng trên bắp chuối chọc tức mắt người giàu …

– Thì mình nghèo mà biết vươn lên lương thiện, thằng Lúa có nghề nghiệp đàng hoàn ai dám coi khinh hé bà?

Lão cắm thêm nhang vào lư hương, nhìn đôi mắt bà vợ hiền hiền trong khung hình thờ… Gà trống nuôi con mà lão cũng làm nên chuyện rồi đó chớ… Tổ cha thằng Lúa! Đi mua sắm chuẩn bị gì mà giờ này chưa về, phải nghỉ ngơi sớm mai tươi tỉnh mà làm lễ chứ! Chắc ghé nhà con vợ tương lai ở xóm trên rồi… Cái sòng bài đầu xóm lại ré lên, chắc nhà cái bù, tiếng cười nói, tiếng chửi thề dội qua xốn xốn lỗ tai. Chuyện hồi nãy hình như không đọng được chút gì để họ suy nghĩ. Thiệt là… Lão tư chắp tay ra sau đít, đi ra sau nhà ngó khu công nghiệp đang phụt khói lên trời, lòng lẫn lộn buồn vui. Chắc đêm nay lão lại mất ngủ. Không hẳn vì nôn nóng được nhìn thằng con mặc áo Cử nhân. Lão nghĩ về Cánh đồng mẫu lớn, về sòng bài đầu xóm, về “hồi đó”… Biết là lấp sông thì có cây nước máy mà sao lòng vẫn thương nhớ một dòng trôi… Thèm gì đâu tiếng trái bứa rụng xuống sông cái “tủm” …

6/8/2024

Nguyễn Ngọc Đào Uyên

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...