Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn của Cao Duy Thảo

Nghệ thuật trần thuật trong
truyện ngắn của Cao Duy Thảo

Nghệ thuật trần thuật (người kể chuyện, ngôi trần thuật, vai trần thuật và điểm nhìn…) của nhà văn Cao Duy Thảo ở thể loại truyện ngắn đã khẳng định tài năng và những đóng góp của ông trong dòng chảy của văn xuôi đương đại.
1. Những truyện ngắn trong “Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học” (1) của nhà văn Cao Duy Thảo là những tác phẩm thể hiện quan niệm nghệ thuật đầy tính nhân văn và tinh thần nhân đạo trong việc cảm nhận và thể hiện con người ở những vẻ đẹp và góc độ phản ánh khác nhau. Trong 12 truyện ngắn ở tuyển tập có 2 tác phẩm đạt giải thưởng: “Cá trắm đẻ” – Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn năm 1982; “Thời gian” (1984) – Giải Nhì Tạp chí Văn nghệ Quân đội, in trong Tuyển tập Truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1985, truyện cũng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học địa phương của tỉnh Khánh Hoà.
Nghệ thuật trần thuật (người kể chuyện, ngôi trần thuật, vai trần thuật và điểm nhìn…) của nhà văn Cao Duy Thảo ở thể loại truyện ngắn đã khẳng định tài năng và những đóng góp của ông trong dòng chảy của văn xuôi đương đại.
Về mặt thể loại, những truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết như: “Thành phố lúc bình minh; Thời gian; Mùa hè ngắn ngủi; Xứ bình yên; Cỏ chân vịt”… không chỉ mở rộng biên độ và quy mô phản ánh hiện thực, mà còn thông qua số phận những cá nhân, những nhân vật để gia tăng tính đối thoại của tác phẩm đối với những xác tín về hiện thực. Là nhà văn – người lính (vào chiến trường từ năm 1966), nên đề tài về chiến tranh chiếm đa phần trong cảm hứng sáng tác của ông. Nhiều tác phẩm phản ánh sự nghiệt ngã của chiến tranh bằng việc thể hiện cái di chứng của nó trong đời sống sau chiến tranh, trường nhìn này tạo nên một thứ ngôn ngữ mới, giọng điệu mới.
“Truyện ngắn Cao Duy Thảo, kể cả những tác phẩm viết về chiến tranh đều mang một đặc điểm chung là: truyện thường không có một cốt truyện rõ ràng, cũng rất ít các sự kiện, tình huống gay cấn có tính chất thắt nút. Ngược lại, cốt truyện, tình huống truyện của Cao Duy Thảo lặn vào bên trong. Trên bề mặt chỉ còn hình tượng người trần thuật với giọng văn thủng thẳng, đều đều và có phần nhẩn nha khi kể chuyện… Mỗi truyện của ông dường như đều theo đuổi một suy tư, một suy tưởng triết lí nào đó. Khi những suy tưởng triết lí ấy kết hợp với lối tư duy hình tượng tài hoa, truyện ngắn Cao Duy Thảo mang tính gợi mở, tính đề xuất vấn đề và cao hơn nữa là tính dự báo khá rõ nét. Có thể kể đến các trường hợp như thế với các truyện ngắn: Im lặng của đá, Chuyện ở Tân Phú, Thời gian, Bác người lớn ngộ nghĩnh, Cỏ chân vịt…” (2)
2. Sự thành công của truyện ngắn “Mùa hè ngắn ngủi” là ở phương diện thể loại, tình huống truyện và nghệ thuật trần thuật. Câu hỏi lặp đi lặp lại “Tại sao em yêu anh?” trong tác phẩm đã giải mã những băn khoăn, lo nghĩ của biết bao đôi lứa sau ngày giải phóng.
Câu chuyện được kể bằng giọng kể khách quan bởi ngôi kể thứ 3, tác giả tự giấu mình đi và gọi tên các nhân vật. Nhân vật tư tưởng được tô đậm ở Tuấn và Quỳnh Dung. Cuộc hôn nhân của người lính và cô giáo vào thời điểm đó gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về vật chất; chỉ có tình yêu và sự hi sinh của mỗi người mới níu giữ tình yêu của họ. Cô giáo Quỳnh Dung vừa làm dâu, vừa làm mẹ, lại xa chồng biền biệt; người lính như Tuấn có muốn giúp đỡ cho vợ con cũng quá nhiều eo hẹp về thời gian và tiền bạc.
Đối trọng của đôi vợ chồng người lính là đôi vợ chồng chị gái Quỳnh Dung (Mỹ Khánh, San) vừa giàu có, vừa lanh lợi. Nhà văn đặt nhân vật Tuấn vào vị trí quan sát, suy ngẫm, triết lý khi Tuấn xin San đi nhờ một chuyến vào thành phố Hồ Chí Minh trong nửa tháng nghỉ phép. Sau một tuần Tuấn trở về kể cho vợ nghe về những gì tai nghe mắt thấy: từ thuế vụ, trạm kiểm soát, trạm gác, buôn lậu…
“Tuấn bảo với Quỳnh Dung rằng anh đi chuyến này là cốt để xem người ta làm giàu bằng cách nào, sung sướng trên cái gì, và anh đã rõ. Khốn nạn thật đấy, nhưng không phải không có lúc phân vân, cái ác nhiều khi đến gõ cửa phòng anh, phòng chị với vẻ mặt bình thản, thậm chí là một nụ cười” (sđd – tr.177).
Ở truyện ngắn “Thành phố lúc bình minh”, người kể chuyện ngôi thứ nhất thể hiện quan điểm của mình về nhân vật Phương Mai. Từ bi kịch gia đình của cô (khi lính Mĩ vào, người mẹ thao túng gia đình, người anh trai chê cha mẹ hủ lậu, rồi đi lính…) đến những dằn vặt, trăn trở, hoang mang của cô thời hậu chiến. Câu chuyện giữa hai người như hai mảnh ghép – người lính thì kể chuyện ở rừng; cô sinh viên thì kể chuyện giảng đường.
Truyện thành chuyện khi Phương Mai bất ngờ tìm đến “chỗ tôi ở” lúc đã khá khuya. Lúc này điểm nhìn trần thuật đã thay đổi, không còn là giọng kể của “tôi”, mà là giọng của Phương Mai, cô khóc và kể về bi kịch gia đình: sự bỏ chạy, sự toan tính của anh cô và cha mẹ khi quân giải phóng về… Cô đã gặp những người lính ngay trong ngôi nhà của mình, và rồi những lời “đồn thổi” về bộ đội đã được sáng tỏ, trắng đen rõ ràng. Phương Mai tìm đến “tôi” khi anh cô trở về, bắt cô phải đến chỗ Hòn Bia Gành Ráng, cô đi trong lo sợ, trong vô thức cho đến khi “bàn chân chạm vào bậc thềm có vuông cửa đóng… gõ cửa phòng tôi” (sđd – tr.103). Quá trình gặp gỡ, chuyện trò cùng “tôi” mỗi tuần khoảng hai lần, mỗi lần chia tay trước 9 giờ tối đã đóng đinh vào tâm hồn Phương Mai một niềm tin, để đến khi cùng đường, sợ hãi, cô đã tìm đến với anh.
Phần kết của câu chuyện quá hay, “Rồi ra, cô Phương Mai ấy với người kể chuyện như thế nào?” (tr.105) và bức thư Phương Mai gửi cho anh. Ngỡ chuyện đã hết, mà chưa hết, cái chưa hết của chuyện cũng là cái bộn bề trong cuộc sống của những ngày mới giải phóng; sự đổi thay tâm lý của mỗi người trong cái nhìn so sánh, trong trải nghiệm và còn là điểm nhìn tâm lý của người lính từng trải cùng cái háo hức của cô giáo Phương Mai. Cốt truyện trùng với kết cấu, một lối viết hiện đại trong dòng chảy văn học đương đại đã làm nên sự khác biệt trong truyện ngắn của nhà văn Cao Duy Thảo.
Kết cấu lắp ghép, kết cấu đa tầng trong các truyện ngắn của nhà văn Cao Duy Thảo tạo ra kiểu truyện lồng trong truyện; việc dịch chuyển ngôi kể và điểm nhìn trần thuật, không gian và thời gian… khiến người đọc khi đọc xong tác phẩm vẫn còn nghĩ suy, day dứt.
Điểm nhìn trần thuật của nhà văn đã chi phối kết cấu trong truyện ngắn “Im lặng của đá”. Từ điểm nhìn không gian, thời gian, tâm lý… tác giả đã lột tả cái không khí đạn bom nóng bỏng ở mỏm Hòn Chè: “Mỏm đồi chói lòa đến nhức mắt. H34 tung một đám bụi đỏ sẫm. Đã là chuyến thứ ba rồi. Những thằng lính Pak Chung Hy chui ra từ trong đám bụi, rạp người tạt xuống mé công sự” (sđd – tr.6). Hỏa lực của giặc dồn hết vào nơi đây, mà đối đầu với chúng chỉ có Ca và Thôn còn cầm súng được cùng 12 thương binh đang ở trong hang. Không gian chiến trận khốc liệt đối lập với không gian trong hang tối tăm, phải quen thuộc nhiều lắm thì mới đi lại được, một mình Ca phải di chuyển trong hang để phát gạo rang cho thương binh, người thì bị nặng đến mê man, người thì lên cơn mê sảng; giọng nói của Lê như càng tăng thêm cái cảm giác yên lặng, ngột ngạt.
Cầm bàn tay mà đoán tướng số của Lê lúc này như tô đậm thêm bóng tối nơi đây. Bên ngoài, với những đợt tấn công dồn dập của địch là sự suy tính của Ca và Thôn để chuyển thương binh đi nơi khác, trước các thương binh Ca không biết nói gì “nếu công việc là một trận đánh, thì anh phải đánh đến trăm trận, để có thể nói được một lời” (sđd – tr.22). Giữa tiếng bom đạn, lời của Lê nói với Ca như là đối thoại mà cũng là độc thoại “Bàn tay cô Liên đó…”. Thời gian chiến trận và thời gian tâm lý đối lập nhau. “Hôm nay là ngày thứ bao nhiêu? Quên rồi…”. Bút pháp trần thuật ở truyện ngắn này như kiểu nghệ thuật “phân mảnh” trong văn chương hậu hiện đại. Các giọng nói trong đối thoại, độc thoại như lồng ghép vào nhau, ngôi kể thứ ba mờ nhòe…
Hành trình vượt biên bi ai và khủng khiếp của nhân vật Năm Bồng trong truyện ngắn “Xứ bình yên” được nhà văn đẩy đến đỉnh điểm: cô con gái bị hãm hiếp; bọn đầu gấu tranh nhau ăn thịt người… chị thành kẻ điên dại. Sau khi hứng trọn một trận mưa giông, chị “lai tỉnh”; chị tìm đến trại Cây Me – chị muốn xưng tội với ông Tư Ngà – giám thị trước đây của trại Cây Me (cả vùng ai cũng biết ân đức của ông); chị được nhận vào làm việc nơi đây. Rồi chị nhận diện được kẻ thủ ác đã từng hãm hiếp con chị, hắn trốn trại… chị biết mặt hắn, nên chị xung phong đi vào nơi hắn lẩn trốn, và khi trúng đạn, chị không thấy đau chỉ kịp nhận ra “Phía trước, một cánh rừng cây lá xanh tươi vừa hiện ra, vẫy gọi. Chị đang bay về phía ấy – về với xứ bình yên” (Xứ bình yên – tr.215). Viết về bi kịch con người với những mất mát đau thương cùng với sự ăn năn dằn vặt khi mù quáng vượt biên sau ngày giải phóng thì “Xứ bình yên” là truyện ngắn hay bởi thể loại mang tư duy tiểu thuyết này chứa đựng biết bao tầng nghĩa.
Đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật nhà văn giúp độc giả phần nào hiểu được những bí ẩn sâu kín trong tâm hồn con người. Truyện ngắn “Quà tặng của biển” chỉ có hai nhân vật, đẹp như một bài thơ trữ tình, có cả điệp khúc và điểm nhấn: “Bất giác Hưng chạnh nhớ tới quãng thời gian sống của mình vừa qua, phải chăng có cái gì đấy yên ả và thuận lợi quá, như thể là từ lâu anh đã có những niềm vui và nỗi lo âu khác?… Và cái phần riêng cơ hồ không ai bắt bẻ được ấy có thể gọi là khiêm nhường và trong sạch, dần dà như một sự tự đến, một thói quen, đến nỗi chưa bao giờ anh nghĩ có lúc phải xa nó. Vậy mà bây giờ khi đã ở giữa biển anh lại thấy có điều gì đó bất ổn, dường như ở đó vẫn còn thiếu vắng điều gì?” (sđd – tr.194)…
Cái bất ổn của anh vẫn là sự bình thường của biết bao con người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; phải đến khi đối mặt với biển cả; với sự hồn nhiên, vô tư, mạnh mẽ… của lính đảo thì Hưng mới ngộ ra. Con người với sự hi sinh thầm lặng và tận tâm đã thức tỉnh Hưng: “Giữa biển tối ngỡ chỉ còn lại cái nhìn của Cười dõi theo như một sự khích lệ dịu dàng” (sđd – tr.198). Độc thoại nội tâm, đối thoại trực tiếp, đối thoại tưởng tượng, kể chuyện theo dòng suy tư và các thủ pháp trong nghệ thuật trần thuật đã giúp nhà văn Cao Duy Thảo thể hiện tối đa năng lực phân tích tâm lý nhân vật của mình.
Lối viết của Cao Duy Thảo không gây sốc, nhưng cái nhìn trầm tĩnh cùng lối trần thuật đã để lại nhiều ấn tượng. Phương thức xây dựng nhân vật trong truyện ngắn “Cỏ chân vịt” gắn với tính thế sự, đời tư, nên thế giới nhân vật trong truyện khá đa dạng. Nhân vật sống vì lý tưởng cao cả như Thư, Hưng, Đức, Sương…; nhân vật cô đơn như Lý; nhân vật cá tính như cha con ông Ba Đực; nhân vật bảo thủ, cơ hội như Bình…
Trong thế giới nhân vật đó thì điển hình cho hình tượng nhân vật lý tưởng là Đức: xông xáo, năng nổ, quyết đoán, tình cảm…; nhân vật chịu bi kịch chiến tranh là Sương, chị là giao liên đồng bằng; Sương bị lộ và bị địch bắt đưa vô lao ở Quy Nhơn, khi cô vượt ngục, trở về thì không muốn gặp lại Đức “Đời con gái tù tội không còn gì cho anh nữa” (sđd – tr.255). Đức về phố, tìm gặp Sương, cô không cho anh quay trở lại, nhưng “anh vẫn như xưa, cho dù bây giờ tình yêu ấy càng trở nên đau đớn và mãnh liệt hơn” (sđd – tr. 256).
Trong đau khổ tận cùng của Đức thì cũng là lúc thức tỉnh Lý – lính đào ngũ – sống bệ rạc; giữa sinh tử, Lý đã nhào xuống giữ mũi xuồng ghìm chặt… “Sau cơn mưa, những dải cỏ Chân Vịt khô quắt chết lịm vào buổi trưa bắt đầu ngu ngơ thức dậy… Tất cả đều hân hoan sống lại. Chẳng mấy chốc những cây cỏ Chân Vịt tầm thường ít ai để ý bỗng nhất tề đứng thẳng xum xuê…” (sđd – tr.268, 269); “thứ cỏ này bẻ không gãy… có cảm giác khi đem vứt nó vào nước sôi rồi vớt ra trồng lại nó vẫn sống bình thường”. Hình ảnh mang tính biểu tượng về “cây Trường Sinh – cỏ Chân Vịt” được nhà văn miêu tả sinh động đã cho phép người viết thể hiện chiều sâu suy tưởng về sức sống mãnh liệt của lý tưởng sống đẹp. Sử dụng lối kết cấu lắp ghép cùng sự giao thoa thể loại giữa truyện ngắn pha chút tiểu thuyết, trữ tình nên 6 phần trong truyện như xoắn quyện vào nhau với điểm nhìn toàn tri của nhà văn Cao Duy Thảo.
Thông qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nhà văn đã phản ánh hiện thực ở dạng tinh túy, tầm khái quát và chiều sâu của nó. Trong truyện “Ngọn đèn”, chi tiết ngọn đèn mỗi đêm thằng Hà thắp sáng đã làm rõ nỗi nhớ mong của những người con xa cha, những người vợ xa chồng… trong chiến tranh; người Nam, kẻ Bắc mong ngóng từng ngày. Ở mỗi phần truyện trong “Chuyện ở Tân Phú” là chân dung một nhân vật tiêu biểu trong công tác, trong chiến đấu: “Tân Phú có mội liên hệ đặc biệt với biển cả. Một người ra khơi, ít nhất cũng có một cặp mắt nào đó từ đất liền ngóng theo, dõi đợi. nhưng Tân Phú còn có những mối dây tình cảm khác giăng mắc đến trăm miền. Hàng trăm thanh niên Tân Phú đã lên đường cầm súng. Biển cho cá, còn những mối giây giăng mắc kia đem lại niềm tự hào” (sđd- tr.59).
Nhà văn Cao Duy Thảo đã thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình và tính cách trong truyện “Cá trắm đẻ”: “Nha vốn có thói quen nhìn các cô gái như nhìn vợ mình, một cô giáo nhu mì, cung cách của Thuận như là sự vượt trội đầy thách thức khiến anh khó bề chấp nhận, nhất là cô ta ra trường sau anh những hai năm” (sđd – tr.139); “Quả tình đó là một con người thông minh. Thi nhận thấy điều đó lóe lên một lần trong mắt Nha như một ngọn lửa âm thầm, gần như là một khát vọng. Nhưng nó lập tức bị dìm xuống ẩn náu, bao che lại và trở nên một thứ độc quyền không được san sẻ” (sđd – tr.143)
3. “Thời gian” – Truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Cao Duy Thảo. Trong tùy bút “Tôi viết truyện ngắn “Thời gian”(3)” nhà văn đã kể về hành trình sáng tạo tác phẩm: bắt đầu từ một câu chuyện khác – nỗi ám ảnh về một cô gái giao liên đã hi sinh mà 8 năm… – “tôi mơ hồ chạm tới một vấn đề nào đó thật hệ trọng nói về sự sống và cái chết” (sđd – tr.135); rồi khi có một bà mẹ tìm đến nhà văn để hỏi về sự mất tích của con bà thì “trong tích tắc đã hứng trọn giọt nước trong lành vào ly nước sắp tràn… Cái việc đi tìm sự thật của bà mẹ, với tôi, lập tức chuyển thành cái cảm hứng đi tìm trong văn học…” (sđd – tr.136). Từ những nguyên cớ để viết nên một tác phẩm mang lại tên tuổi cho nhà văn, thì còn có sự tham gia của Ban biên tập để cái kết của tác phẩm có thêm tầng nghĩa mới. “Ban biên tập thì không muốn câu chuyện dừng tại đó… Và trong ký ức của tôi… cũng vụt nhớ rất rõ rằng chính đêm ấy Long… đã cho đồng chí phó đoàn mượn đồng hồ của mình (…) Hôm đó anh phó đoàn dẫn đầu” (sđd, tr.137) …
Mỗi truyện ngắn cần phải có một hạt nhân. Hình thái biểu hiện của hạt nhân thường là một chi tiết, một vật dụng, một tình cảm điển hình. Tình tiết có thể xoay quanh chi tiết đó mà triển khai. Tác dụng của chi tiết, nhiều khi lớn hơn cả tác phẩm, khi chi tiết được coi là điển hình, kinh điển thì toàn bộ tác phẩm nhất định phải khác thường. Ở phần 1 của tác phẩm “Thời gian” là chi tiết cái đồng hồ mẹ Long tặng cho anh, thỉnh thoảng anh lại cho anh em mượn để đi công tác và sự mất tích của anh cùng với phó đoàn với một thông tin khá mù mờ: “Có người nhìn thấy bác sĩ Long đang nhởn nhơ trong một trại chiêu hồi của địch” (sđd – tr. 111).
Phần 2 là chuyện bà Chín đã đi tìm con từ lúc còn cuộc chiến cho đến sau hòa bình – suốt 7, 8 năm liền – người mẹ đi tìm con với mong muốn biết được sự thật. Phần 3 là câu chuyện về bộ hài cốt tìm được cùng hình ảnh bà Chín tìm ra cái đồng hồ trong cái kẹt đá: “Bà mẹ đưa cả hai tay nâng chiếc đồng hồ lên, và lạ thay, khi tay bà vừa chạm đến cái vật nhỏ tưởng chết lịm vĩnh viễn ấy, chiếc kim giây mảnh mai của chiếc đồng hồ bỗng vụt chạy như một cơ thể sống. Và trong ký ức của tôi cũng vụt nhớ rất rõ ràng chính đêm ấy Long đã cho đồng chí phó đoàn mượn đồng hồ của mình để xem chừng…” (sđd – tr.123). Sự chuyển động của chiếc kim giây là báo hiệu sự sống cho cỗ máy thời gian, và đó không chỉ là niềm vui, mà còn là niềm tin của người mẹ với sự hi sinh của con mình.
Nhà văn Đoàn Tuấn đã viết: “Và khi bà cầm chiếc đồng hồ lên, kỳ lạ thay, chiếc đồng hồ vẫn chạy. Chỉ riêng chi tiết này, chứng tỏ nhà văn Cao Duy Thảo  là người rất giỏi sử dụng chi tiết. Khi xem phim “Đàn sếu bay”, có cảnh, bom Đức ném xuống những ngôi nhà Moskva. Trong đống đổ nát, chiếc đồng hồ treo tường vẫn chạy. Thầy giáo Nga của tôi dạy môn phân tích phim, bình một câu đích đáng: “Chiến tranh có thể phá hủy mọi thứ, nhưng không bao giờ tàn phá được thời gian”(4) .Sau hai tháng, người mẹ đã thanh thản ra đi vì tin rằng con mình đã hi sinh chứ không phải là kẻ phản bội. Người kể chuyện đứng ở ngôi thứ nhất “tôi” đã tạo cảm giác chân thực. Điểm nhìn bên trong thể hiện nỗi lòng trăn trở “Tôi không thể nói ra sự thực kia… Hãy cứ để cho Phượng cũng như bà mẹ tin những điều mà cả hai từng hằng nghĩ như vậy…” (sđd – tr.123).
Khi đọc truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O.Henry với những thông điệp nhân văn sâu sắc về cuộc đời, về nghệ thuật… thì người đọc đã nhận ra bút pháp của O.Henry là có riêng kiểu kết thúc một câu chuyện. Những tình tiết của câu chuyện được chú trọng trải dần ra, thẩm thấu, xâm nhập, để dốc toàn bộ sức lực vào cái kết chuyển biến đột ngột, đó là cách kể làm lộ rõ dần chân tướng của câu chuyện; đường dây tường thuật loại ấy, là đường dây trực tuyến, chạy thẳng tới phần kết…
Đọc cái phần kết ấy, giống như người mò mẫm trong đường hầm, cuối cùng một ngọn đèn bật lên, cả câu chuyện bừng lên. Đọc truyện ngắn “Thời gian” của nhà văn Cao Duy Thảo thì nghệ thuật trần thuật đã lấy những chi tiết dẫn dắt sự ổn định của toàn truyện, nó giống như giọt nước tí tách rơi, hoặc giống như kim giây đồng hồ chạy tích tắc. Với ý nghĩa đó mà nói, truyện ngắn “Thời gian” là nghệ thuật tí tách… vì vậy khi đọc xong tác phẩm, cảm giác như chưa xong. “Tôi đọc Thời gian đã ba mươi năm, đến nay vẫn còn mãi ấn tượng. Truyện ngắn này rất tiêu biểu cho lối viết của Cao Duy Thảo: không cố ý tạo những tìm tòi đột phá về kỹ thuật; cũng không cố tình bố trí những “thắt nút”, “cao trào”, “cởi nút”… khéo léo, gay cấn; một lối kể chuyên đêu đều, từ tốn, với rất nhiều chi tiết cụ thể, gây cảm giác hoàn toàn là chuyện thật…
Cuối cùng một chi tiết rất nhỏ, dấu trong những chi tiết khác, bỗng phá vỡ tất cả cái dòng chảy hầu như tầm thường đến nhàm chán kia, và ta bỗng nhận ra: vậy đó, đằng sau cái bằng phẳng êm ả hằng ngày, là những bi kịch của con người, vừa sâu thẳm, đau đớn lắm, vừa nhân hậu biết bao, mà người cầm bút tinh tế nhỏ nhẹ phát hiện cho ta. Đấy là cái tài riêng của Cao Duy Thảo, tạo một giọng riêng, như một vầng sáng nhỏ, khiêm nhường, soi cho ta một góc khuất lặng của cuộc sống ngổn ngang mà ta thường vô tư bỏ qua” (5).
Chú thích:
(1) Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học – Cao Duy Thảo, Nxb Hội Nhà văn, 2012 – (Im lặng của đá; Ông già Gò sỏi; Ngọn đèn; Chuyện ở Tân Phú; Thành phố lúc bình minh; Thời gian; Bác người lớn ngộ nghĩnh; Cá trắm đẻ; Mùa hè ngắn ngủi; Quà tặng của biển; Xứ bình yên; Cỏ chân vịt)
(2) Truyện ngắn và bút ký Cao Duy Thảo – TS. Trần Viết Thiện
(3) Đi nhiều thành đường, Tùy bút, Cao Duy Thảo, Nxb Đà nẵng, 2017
(4) Nhà văn Cao Duy Thảo – Lắng tiếng thời gian – https://cand.com.vn/.
(5) Lấy từ bìa Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học của Cao Duy Thảo - Nguyên Ngọc.
24/8/2024
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Con Heo Gàn Dở Thế là mọi sự bắt đầu từ chuyện con heo mà vợ tôi mua cách đây sáu tháng. Những ngày đầu, chuyện con heo đối với vợ...