Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Cánh rừng bát ngát bên đèo Khau Co

Cánh rừng bát ngát
bên đèo Khau Co

Mỗi con đèo đều mang vị trí độc đáo của tự nhiên và đều gắn với những dấu ấn lịch sử và biết bao kí ức của con người. Khau Co, cái tên Cửa Gió đã gợi cảm giác kì vĩ của đất trời và hẳn nhiên tiềm ẩn những dấu ấn lịch sử, cuộc sống và thiên nhiên phong phú.
Chúng tôi đến Khau Co của tỉnh Lào Cai vào thời điểm “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, cái rét đã qua và nắng hè chang chang chưa tới. Ấy vậy mà gió thổi phần phật, tạt những dải mây mỏng và cái lạnh se se từ Đông sang Tây. Những cây mua nho nhỏ bám trên vách ta luy con đèo rung rung những bông hoa tím.
Đứng trên đỉnh đèo, nhìn xuống phía Tây là Than Uyên bát ngát, chếch lên phía trên xa mờ là Tân Uyên tách ra từ Than Uyên. Dõi tầm nhìn xuống trập trùng đồi núi, tôi nhớ đến những cái tên Mường Cang, Mường Kim, Khoen On, Ta Gia, Tà Hừa, Hô Mít, rồi Thân Thuộc, Nậm Cần, Nậm Sỏ, Mường Khoa. Trạm trưởng Kiểm lâm Khau Co – Nậm Mu Lò Văn Toản giới thiệu với tôi, nhà Toản ở Mường Cang, Than Uyên. Xuôi dốc từ đỉnh đèo xuống dưới kia rồi tạt xuôi là đến nhà.
– Nghỉ cuối tuần phóng xe về chứ? Tôi hỏi:
– Không ạ! Một tháng mới về một lần, có khi hơn. Công việc trực trạm và tuần tra các chốt, buộc phải báo cáo vợ lâu lâu mới về!
Trong câu chuyện, người trưởng trạm luôn nở nụ cười vui vẻ, rất gần gũi thân tình.
Dãy Hoàng Liên Sơn đồ sộ hùng vĩ, chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Cả một vùng Tây Bắc bát ngát mênh mông và vùng Đông Bắc qua lại hai chiều bằng những tuyến đường vắt qua những con đèo hiểm trở. Trên kia là đèo Ô Quy Hồ, cách mấy chục cây số xuống phía Nam là đèo Khau Co. Con đèo Khau Co – Cửa Gió này có từ xa xưa, khi người ta còn vượt núi bằng đôi chân, khá hơn thì có con ngựa giúp sức. Bây giờ có đường Quốc lộ 279, qua mấy lần nâng cấp, mở rộng, sự đi lại ngày càng nhộn nhịp hơn. Con đèo có gió chả bao giờ ngừng thổi đón khách từ Điện Biên, Sơn La, Mù Cang Chải – Yên Bái và Lai Châu sang Lào Cai, Hà Giang và rẽ theo cao tốc Lào Cai – Hà Nội về xuôi. Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn gắn với con đèo hiểm trở nhưng có vị thế quan trọng.
Diện tích toàn khu Bảo tồn rộng 15 nghìn héc ta, trải một vạt dài rộng phía Đông dãy Hoàng Liên bao gồm các xã Nậm Xé, Nậm Chày, Nậm Xây và Liêm Phú. Địa giới phân cách với Than Uyên của tỉnh bạn Lai Châu và với Mù Cang Chải tỉnh bạn Yên Bái theo đường phân thủy dọc theo đỉnh núi. Cái sự giáp ranh ở miền rừng núi hiểm trở thường kéo theo những khó khăn phức tạp trong quản lí bảo vệ rừng. Lâu lâu về trước, cũng có tình trạng lâm tặc liều lĩnh khai thác gỗ quý. Có cán bộ kiểm lâm đã bị kẻ phá rừng liều lĩnh chống đối, hắn vung dao chém, kiểm lâm bị thương, để lại vết sẹo dài trên tay. Chuyện đó đã thành dĩ vãng. Cái khó bây giờ là bà con hai bên đèo vẫn chưa rời bỏ hoàn toàn cây thảo quả. Trồng mới thì không, nhưng chăm sóc khai thác nương cũ vẫn còn tiếp tục.
Thảo quả không sinh lời nhiều như trước nữa, nhưng vẫn là một nguồn thu nhập. Cái giống cây ấy chỉ ưa sống dưới tán rừng già. Trồng nó, người ta không ngả những cây to, không đốt rừng, nhưng phải phát những cây nhỏ, làm hại những thế hệ cây tiếp nối bổ sung cho rừng trường tồn. Mùa thu hoạch, người ta có thể thồ địu về nhà phơi sấy, nhưng thường sấy tại chỗ. Nói rằng chọn cành khô làm củi, nhưng dễ gì ngăn chặn chặt cây đang sống. Và than lửa gắn với hoạt động con người, một đốm lửa nhỏ sơ sẩy cũng dễ thành vụ cháy dữ dội. Khi lửa đã bùng lên thì, nguy lắm!
Thế nên cán bộ kiểm lâm và bảo tồn rừng phải vận động, phải kiên trì tuyên truyền, để bà con thu hẹp dần diện tích nương thảo quả, để một ngày không xa, không còn nương thảo quả nào nữa, để lớp cây con lớn lên kế tiếp lớp cây già, cho cánh rừng trường tồn màu xanh bát ngát.
Lò Văn Toản kể, phức tạp thì cũng có, nhưng huyện nhà hay huyện bạn, tỉnh này tỉnh kia thì vẫn là bà con nhân dân ta cả, khéo vận động thì yên ả cả thôi. Toản nở nụ cười tự tin.
Hỏi về sự đa dạng sinh học của khu rừng bát ngát do Trạm quản lí, Lò Văn Toản chuyển cho tôi tài liệu dài dằng dặc lướt trên màn hình máy tính, đầy những thuật ngữ khoa học địa chất, địa mạo, phân loại động vật, thực vật, những khái niệm và danh từ ghi tiếng Việt còn lạ hoắc, huống chi nhiều thuật ngữ, nhiều tên giống loài động vật, thực vật ghi bằng kí tự la tinh, nhìn hoa cả mắt.
Tôi cố nhặt ra 10 loại cây phân loại theo công dụng. Xếp hàng đầu là cây cho gỗ, toàn là gỗ quý, những là pơ mu, tứ thiết đinh, lim, sến, táu…, mỗi nhóm cây lại có mấy loại khác nhau. Tiếp đến là cây cho dầu béo, cây cho dầu thơm, cây cho nhựa, cây cho sợi, cây cho màu nhuộm thực phẩm và màu nhuộm công nghiệp, cây cho chất ta nanh (tanin), cây dược liệu, cây cho tinh bột, cây làm rau, riêng cái mục cây làm rau đã kê ra mấy dòng, nghe đã dậy mùi vị ẩm thực lành sạch của núi rừng.
Cái mục cây cho dược liệu để làm các vị thuốc chữa bệnh, bồi bổ cơ thể con người và gia súc rất phong phú, nào là ba kích, thảo quả, sa nhân, ngũ gia bì gai, ngũ gia bì chân chim, đau xương, lan hài gấm, thạch hộc, dây đau xương, chân chim, bưởi bung, đơn buốt, ba đậu, trầu không, lá lốt, dạ cẩm, lá khôi, sâm nam, dây máu người, hoàng nàn, hoàng đằng, hồng, cẩu tích, hoàng liên gai, bình vôi, củ dòm, đậu khấu, riềng,… nghe tên đã gợi mùi hương nam dược quý giá. Rồi cây cho quả, cây cho vật liệu đan lát và cây bóng mát, cây cảnh. Có những loại cây đa tác dụng. Nhìn bề ngoài chỉ thấy một màu xanh, nhưng bên trong cái màu xanh ấy là cơ man các giống loài quý giá.
Cái sự đa dạng của hệ động vật trong khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn rất đặc trưng cho khu hệ động vật vùng Tây Bắc Việt Nam, thể hiện ở con số 486 loài động vật thuộc 89 họ và 27 bộ. Trong đó lớp Thú có 60 loài, lớp Chim có 310 loài, lớp Bò sát có 64 loài, Lưỡng cư có 52 loài.
Ba chữ “Rừng là vàng” được cụ thể bằng những cái tên liệt kê điểm danh trong cánh rừng xanh bát ngát kia, mục nào cũng vẫn phải dùng vân vân và dấu ba chấm ở cuối dòng.
Trong khu rừng xanh một màu trầm tĩnh bát ngát này, có cả một quần thể cây cối, quần thể các con vật đang tồn tại, sinh sôi, duy trì nòi giống.
Lò Văn Toản cắt nghĩa cho tôi hiểu tường tận về hai chữ “bảo tồn”. Kiểm lâm và bảo tồn không phải là mấy tiếng bảo vệ rừng chung chung mà là hàm chứa những nội dung vô cùng hệ trọng. Giữ cho rừng không bị cháy, không bị chặt phá khai thác, hiển nhiên là quan trọng rồi. Nhưng còn có nội dung cụ thể hơn, tỉ mỉ hơn và rất trường kì. Trong hàng trăm giống loài cây và các con vật kia, có cây, có con đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, bị xóa tên vĩnh viễn không chỉ ở Việt Nam mà là ở trên mặt đất này. Có đến 34 giống loài cây quý hiếm, được ghi tên trong Sách Đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong số 34 loài ấy, có 2 loài cực kì nguy cấp, 14 loài đang nguy cấp và 18 loài sẽ nguy cấp.
Hệ động vật Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn có giá trị bảo tồn rất cao. Ngoài 84 loài động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, trong Danh mục đỏ Việt Nam và trong Sách Đỏ của tổ chức IUCN thế giới, trong khu vực có một số loài đặc trưng cho kiểu khí hậu á nhiệt đới núi cao chỉ phát hiện được ở Hoàng Liên Sơn hoặc một số vùng núi cao khác như Tam Đảo, hay cao nguyên Lâm Viên trên dãy Trường Sơn. Bạn có thể là người sành điệu trong việc nuôi chim cảnh, bạn đã bao giờ nhìn thấy những chú chim có tên gọi rất lạ tai này chưa? Những là chuối tiêu họng đốm, khướu đuôi cụt, hoét đuôi cụt xanh, hoét đuôi cụt mày trắng, oanh đuôi cụt mày trắng, oanh đuôi cụt bụng vàng, chích choè nước đốm trắng… Những chú chim này có ở cánh rừng Khau Co – Nậm Mu đấy.
Chưa hết. Còn một số loài lần đầu tiên được phát hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn là trèo cây lưng đen, cóc bùn Sa Pa, nhông đuôi, rắn bình mũi Sa Pa, rắn lệch Bắc, rắn sọc tím Lêona v.v… Những đợt biến đổi khí hậu khắc nghiệt, những hoạt động của con người từ bao đời vác lưỡi rìu, lưỡi cưa khai thác gỗ, bật ngọn lửa đốt rừng làm nương rẫy và dùng những mũi tên, những họng súng, những cạm bẫy đủ các loại là mối đe dọa rình rập, dù các con vật có tinh ranh trốn tránh, chống cự trong cuộc tự vệ sinh tồn, cũng khó tránh khỏi tình trạng bị tiêu hao, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Lò Văn Toản cùng các đồng nghiệp của mình ngày đêm chăm lo canh giữ khu rừng, tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia gìn giữ cho khu rừng bình yên, nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học của cánh rừng quý giá.
Không ít những gian nan vất vả. Rừng bát ngát mênh mông, chênh vênh, hiểm trở. Trạm có 6 người, cùng với 36 người bảo vệ, 28 người tham gia tuần tra, dù khỏe mạnh dẻo dai đến mấy cũng lọt thỏm trong trùng điệp núi rừng. Phải lấy tấm lòng yêu rừng cùng với ý chí nghị lực để vượt lên. Và quan trọng là phải huy động được mọi người dân cùng đồng lòng yêu rừng, giữ rừng, coi rừng là tài sản quý giá của chính mình. Rừng khi tĩnh lặng thì yên ả, chỉ nghe lá rừng lao xao như hát, nghe tiếng chim hót véo von, nhìn những cánh hoa mua tím ngát trên vách núi và những bông phong lan buông rủ từ thân cây cổ thụ thơ mộng. Nhưng khi cơn mưa ập xuống, tiếng sấm rền chuyển núi, mưa trút như thác dội thì người tuần rừng phải mau mau lựa cho mình vị thế an toàn tránh sét, chờ cho mưa ngớt mới đi tiếp lộ trình. Ngày hè nắng trải hay những ngày của mùa đông ấm áp chả có gì đáng ngại. Nhưng cái rét cắt da cắt thịt xuống gần không độ, có khi có băng tuyết bám trắng cành cây, khi nằm ở chốt thực sự là thử thách dai dẳng. Mưa có trận rồi dứt. Rét thì kéo xuyên ngày sang đêm, có đợt mấy ngày liền. Nhưng nhiệm vụ đã thành mặc định. Một chuyến trực chốt và tuần tra: 5 ngày. Máy móc, gạo, thực phẩm, túi ngủ, chăn, đồ dùng cá nhân, tất cả chừng 20 cân, đeo trên vai, địu trên lưng, chầm chậm, chắc chắn từng bước đến chốt. Không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, chốt cũng chỉ là nhà tạm. May mà được trang bị máy bắt sóng vệ tinh, khi muốn chụp hình ảnh cây này, con vật này là hiện rõ hình ảnh, tọa độ, ngày giờ chụp. Chỉ huy trung tâm theo dõi được hết.
Đi như thế có gặp thú dữ không? Tôi tò mò hỏi. Toản kể là ít gặp. Mà có gặp cũng chả ngại. Bản năng sinh tồn của các loài là phản xạ tức khắc trốn tránh đối phương để thoát thân. Chỉ khi nào bị tấn công thì chúng mới chống lại để tự vệ. Mà kiểm lâm và các nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ và bảo tồn cho cả khu rừng, là bảo vệ mọi loài, thì có bao giờ làm cho chúng phải sợ. Có lần bất chợt gặp con gấu ngựa, Toản giật mình, gấu cũng giật mình. Con gấu ngựa cao to. Nó đứng lên bằng hai chân sau, đầu nó nhô cao hơn lùm cây. Nhưng rồi hai bên đều trấn tĩnh. Gấu đi đường gấu, mình đi việc của mình. Nhưng nếu là gấu trong mùa giao phối hay đang nuôi con, nó sẽ hung dữ tấn công. Cuộc sống hoang dã buộc chúng phải có tập tính ấy để bảo vệ con của chúng. Gặp rắn, kể cả rắn hổ mang chúa là chuyện không lạ với người kiểm lâm. Toản kể: ngay ở gần trạm đây cũng có con rắn hổ mang chúa rất to. Có lần nó ngoằn ngoằn bò qua đường chỗ gần trụ sở Trạm, chiều dài nó gần bằng chiều rộng mặt đường nhựa. Con chó của Trạm to khỏe, tinh khôn là thế, thấy con hổ mang chúa này chỉ sủa mấy tiếng rồi cụp đuôi chạy vào nhà. Hổ mang chúa có thể cắn chết gà, vịt, nhưng nó không ăn. Nó chỉ ăn các loại rắn khác. Bây giờ chắc nó vẫn nằm quanh quẩn khu này. Không đánh nó à? Không! Đánh nó chả khó gì, nhưng làm bảo tồn thiên nhiên, không đánh. Bình thường ấy mà, chả có gì đáng sợ đâu! Thú dữ thì ít gặp, bởi chúng là của rất hiếm. Chúng tinh khôn nhất trong muôn loài, nên đâu có dễ lộ mặt. Nhưng khỉ, chồn, cầy, sóc thì gặp thường xuyên. Chúng rất đẹp, con nào cũng đẹp. Khỉ mặt đỏ to con, sống theo đàn, con đầu đàn phải đến hơn chục cân. Nó chỉ huy cả đàn. Đôi mắt nó tròn, giương thao láo, tinh nhanh. Gặp người, nó chỉ huy cả đàn chuyền cành chạy biến. Nhưng có con khỉ mặt đỏ đầu đàn đã quen kiểm lâm, thấy kiểm lâm xuất hiện, nó ngồi trên cành nhìn thản nhiên, các con trong đàn cũng cứ mỗi con một vị trí, lặng yên. Gặp Toản cũng thế, gặp anh em kiểm lâm khác cũng thế. Chắc nó biết mầu áo ấy, dáng vẻ và nét mặt ấy quen thuộc, chẳng động gì đến bầu đoàn của nó, nên nó yên tâm. Sóc ở đây có nhiều. Đặc biệt có loài sóc xanh to con, đuôi vổng lên, rất đẹp. Bụng nó màu xanh, mang vẻ đẹp rất riêng. Toản kể về loài cá quý hiếm ở đây, là cá cóc Tam Đảo. Gọi là cá, nhưng thực ra nó là loài lưỡng cư, sống cả dưới nước và cả trên cạn. Gọi cá cóc Tam Đảo vì người ta phát hiện thấy ở Tam Đảo, nay lại thấy ở khu bảo tồn Hoàng Liên – Văn Bàn này. Toản cho tôi xem ba bức ảnh cá cóc Tam Đảo do chính anh chụp. Một con nằm trên đá, một con nằm dưới nước, và một con trên bàn tay anh. Con này có vân hoa trên lưng màu nâu đậm rất lạ mắt. Nó xíu xíu thế thôi, nhưng được ghi tên trong sách đỏ cần bảo vệ khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Trên bước đường ngày tiếp ngày của người đi tuần rừng, gác rừng và bảo vệ rừng, Toản thấy thú vị với những cảnh nào? Tôi hỏi. Toản trả lời mộc mạc, chân thành nhưng cũng gửi gắm sự trải nghiệm đúc kết sâu sắc. Có những cảnh hấp dẫn với mọi người, nhưng cũng có những cảnh gắn với công việc chuyên môn thì cảm nhận những nét đẹp riêng. Khu rừng bát ngát này tự màu xanh uốn lượn theo dáng núi đã đẹp. Nhìn từng vạt rừng, từng vòm cây, từng lùm hoa đều thấy đẹp. Lên trên đỉnh cao Sinh Tcha Pao, ngày đẹp trời sẽ thấy biển mây bồng bềnh, cảm giác lâng lâng nhẹ nhõm như đang bay trên mây, bao nhiêu mỏi mệt như tan biến. Đi trong tán rừng già, ánh nắng vàng lọc qua kẽ tán lá xanh rọi xuống, thấy cánh rừng tĩnh mịch kì ảo. Tuần tra bên bờ suối, nghe suối chảy dạt dào, rồi gặp thác nước như dải lụa trắng từ trời cao buông xuống, rất kì vĩ. Và hoa rừng. Rất nhiều hoa rừng. Mỗi loài hoa một sắc màu, một dáng vẻ, một mùi hương. Những chùm phong lan đủ loại. Dưới thành phố, từ vài tuần trước tết, các loại phong lan rực rỡ chợ hoa, nhưng là hoa lan công nghệ, hoa bung nở, sặc sỡ sắc màu. Phong lan ở trên này là lan tự nhiên, chùm hoa buông dịu dàng, cánh hoa mềm mại sắc màu trên nền cây chủ phong rêu giữa không gian tự nhiên tĩnh lặng êm đềm. Cuối xuân là mùa hoa đỗ quyên bừng nở. Đỗ quyên có nhiều sắc hoa, loại nào cũng đẹp. Ở cánh rừng này chủ yếu là đỗ quyên đỏ và phớt hồng. Trên nền lá xanh nổi bật lên những chùm hoa đỗ quyên đỏ và phớt hồng trong nắng xuân sang hè, cánh rừng trở nên lộng lẫy.
Có những vẻ đẹp ẩn chứa trong sự quý hiếm của loài cây, mọi người bắt gặp có thể nhận thấy, nhưng những người làm nhiệm vụ bảo tồn rừng mới cảm nhận được chúng quý giá như thế nào. Cây bách tán Đài Loan chỉ còn ở khu bảo tồn Văn Bàn, các cánh rừng khác không có. Cây này thân to, đường kính đến hai mét, tán lá đẹp. Gọi là bách tán Đài Loan vì người ta điều tra rừng, phát hiện thấy ở Đài Loan, liền lấy tên xứ sở nó còn tồn tại đặt tên cho nó, sau đó thấy có ở Văn Bàn của Việt Nam ta. Cây quý hiếm này được Hội Di sản trao bằng công nhận. Đơn vị Kiểm lâm và Khu Bảo tồn đã nhân giống thành công cây này. Tại nơi nhân giống đã có cây đường kính hai gang tay, cao chục mét, vươn thẳng, cứng cáp, đầy hứa hẹn. Cây thông tre lá ngắn cũng là loại quý hiếm. Thân thẳng vút, tán xòe ngang, thông tre lá ngắn sống xen với các cây khác, ở độ cao 1.500 mét trở lên. Đi tuần rừng, đứng dưới gốc những cây này ngước nhìn lên, thấy vẻ đẹp khỏe khoắn hiên ngang và sức sống trường tồn, càng thêm trân quý tự hào bởi sự hiếm hoi cần giữ gìn bảo vệ.
Khu rừng bát ngát bên đèo Khau Co cùng với rừng già Ý Tý và khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên gắn với đỉnh Phan Si Păng của Lào Cai, cùng với những cánh rừng khác của các miền là vốn quý của cả nước. Nguồn tài nguyên quý giá này có giá trị dài lâu mà cũng đang lặng lẽ làm đẹp cho đất nước quê hương, lặng lẽ thực hiện sứ mệnh của lá phổi xanh làm trong lành nguồn dưỡng khí cho con người. Nó lặng lẽ điều hòa nguồn nước cho dòng Nậm Mu đổ vào Suối Chăn chảy ra sông Hồng. Nó lặng lẽ giữ nguồn nước mát cho ruộng vườn, cho làng bản cả một vùng quê hương xứ sở. Công việc bảo vệ bảo tồn khu rừng tạo việc làm cho hơn sáu chục lao động có thu nhập ổn định. Nhà văn hóa các thôn bản được hỗ trợ xây dựng khang trang, tô thêm diện mạo mới cho cuộc sống bà con các dân tộc, góp phần tạo nên hình ảnh nông thôn mới dưới chân cánh rừng nguyên sinh quý giá.
Vẫn còn một tiềm năng tiềm ẩn trong khu rừng xanh tươi bát ngát này cần được khai thác phát huy. Lò Văn Toản say sưa kể về khả năng phát triển du lịch đang được đề xuất nghiên cứu.
Đỉnh đèo Khau Co lộng gió có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Gió và mây trời với cảnh quan vị trí nơi đây phóng tầm mắt có sức hấp dẫn du khách. Từ đỉnh đèo vượt một đoạn dốc là di tích đồn người Pháp xây từ đầu thế kỉ XX. Tháng 10 năm 1949, quân dân ta tiêu diệt địch, phá đồn. Nơi đây có thể xây dựng thành điểm du lịch thưởng ngoạn cảnh quan và gió ngàn nơi Cửa Gió và ôn lại truyền thống kháng chiến năm xưa.
Một hướng nữa, xuất phát từ trạm Khau Co vượt dốc lên Sinh Tcha Pao cao gần 2.800 mét, lồng lộng mây trời. Du khách có thể leo dốc một ngày rưỡi, trải nghiệm một đêm nghỉ giữa chặng đường. Lên đến Sinh Tcha Pao, người ta có cảm giác được đứng trên mây, ngắm nhìn mây bồng bềnh phủ trên cánh rừng, phóng tầm mắt ngắm nhìn ra bốn phía, đón nhận cảm giác lâng lâng sảng khoái, thanh thản.
Có thể khai thác chặng đường từ thôn Si Tan của Nậm Xé, lên với cánh rừng pơ mu. Du khách từ từ men theo bờ suối nước chảy dào dạt, hơi mát của dòng nước phả ra mát lạnh. Từng đoạn đường sẽ qua ba bốn con thác dội nước trắng xóa, có con thác cao vài chục mét. Mạch nguồn khu rừng tuôn ra dòng nước không khi nào vơi cạn suốt bốn mùa. Hơn ba tiếng vừa đi vừa ngắm cảnh, khi dừng chân ngắm thác, khi dầm chân trong vũng nước trong ngần lạt xạt sỏi đá, ngắm cá suối lượn lờ. Lên đến nơi, cái mát xanh của rừng pơ mu, cái mát mẻ dào dạt của suối nước, sẽ níu bước chân du khách chả muốn về.
Có thể mở tuyến du ngoạn từ làng Tày Minh Lương đầy bản sắc văn hóa Tày ngoài kia lên Thác Ba Tầng giáp ranh Nậm Xé và Nậm Xây, nhẩn nha bước chân ba tiếng là đến Thác Ba Tầng. Dòng nước bạc chảy giữa rừng nguyên sinh, đá ngắt suối thành ba tầng thác, mỗi tầng hàng chục mét. Dòng nước mát lạnh, trong veo. Cánh rừng và ba tầng thác cho du khách cảm nhận sự kì vĩ, kì thú của thiên nhiên.
Lò Văn Toản truyền niềm say xưa dự kiến đề xuất khai mở du lịch cánh rừng sang tôi. Nhưng tôi chen vào niềm say sưa ấy bằng sự canh cánh băn khoăn. Rừng đã bao phen bị con người tàn phá thu hẹp, do đời sống thiết thân. Công nghiệp phát triển, rừng bị tổn thương do mở đường, do khai mỏ, do làm thủy điện, do mở mang phố xá. Toàn là những công việc cấp thiết cả, nhưng ngoảnh lại, con người mới nhận ra rừng bị tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái của chính con người. Thế nên mới phải bảo vệ, bảo tồn rừng. Thế thì phát triển du lịch khám phá trải nghiệm lên khu rừng, liệu khu rừng đang trầm tĩnh yên ả có bị xáo động, tổn hại không?
Hiểu nỗi băn khoăn của tôi, Lò Văn Toản cười, vẫn nụ cười điềm tĩnh của cán bộ kiểm lâm bảo tồn rừng. Toản nói: đó là bài toán đặt ra. Nhưng có lời giải. Toản nói mấy điều ngắn gọn. Tôi hiểu rằng, phát triển du lịch ở đây, sẽ khai thác và phát huy vốn văn hóa phong phú của bà con các dân tộc Hmông, Dao, Tày, Thái cả bên này và bên kia đèo Khau Co. Những ngôi nhà sàn, những sắc màu trang phục, những dân ca Hmông, Dao, những hát then, khắp Tày, những kèn lá, khèn Hmông, đàn tính, những điệu múa, điệu xòe, những thức món ẩm thực với hương vị và cách nấu nướng của bà con nơi đây được khai thác, cải tiến, nâng cao, những vị thuốc cổ truyền sẽ hấp dẫn du khách. Bước chân du khách sẽ đi trên những lối mòn có sự sắp xếp sửa sang thành bậc đá, thành lối đi cho người trải nghiệm được leo, được trèo, được níu bám vượt khó, chứ không bạt núi ngả cây phá đá mở đường. Điểm dừng chân cũng chỉ nương theo thế núi tạo căn trạm nhỏ xinh giữa rừng với trời mây bát ngát.
Một đoạn đèo Khau Co
Hẳn rằng khi dự án hình thành, sẽ phải có sự nghiên cứu cẩn trọng, để nhất quyết rừng được bảo vệ, bảo tồn.
Chủ nhật trước, tôi gọi điện, hỏi thăm xem Toản về nhà thăm vợ con, tình hình thế nào. Lò Văn Toản bảo vẫn trực ở trạm, nhường cho anh em về. Toản mời tôi hôm nào lại xuống Khau Co chơi lâu lâu, Toản sẽ kể nhiều hơn về Khau Co, về khu rừng nguyên sinh bát ngát kì vĩ này. Những điều Toản kể hôm trước, chỉ là một phần rất nhỏ về khu rừng nguyên sinh này thôi.
Qua máy điện thoại, tôi nghe gió rừng thổi rì rào qua đèo Khau Co – Đèo Cửa Gió…
26/8/2024
Cao Văn Tư
Nguồn: Văn Nghệ Lào Cai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bộ óc rô bô Không ai biết ông ta tên thật là gì. Người ta gọi danh ông ta dựa vào tấm quảng cáo treo ở góc đường. Nhà Đại Tiến Sĩ - đó...