Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Tiếng thơ nữ từ đại ngàn

Tiếng thơ nữ từ đại ngàn

Từ sau Cách mạng tháng Tám, khu vực miền núi phía Bắc nổi lên nhiều nhà thơ thành danh, đóng góp tiếng thơ độc đáo của mình vào nền thi ca Việt Nam. Có thể kể ra các tên tuổi như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Vương Trung, Vương Anh, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Mai Liễu, Pờ Sảo Mìn, Dương Thuấn, Lương Định, Dương Khâu Luông…
Điều lạ ở đây là từ thế hệ 2X (Nông Quốc Chấn), mãi đến thế hệ 5X, 6X mới xuất hiện một số gương mặt thơ nữ, như: Nông Thị Ngọc Hòa, Chu Thị Minh Quang, Triệu Thị Mai, Thu Bình, Lộc Bích Kiệm, Đoàn Ngọc Minh, Hà Thị Hải Yến… Tuy nhiên thơ của họ mới lác đác xuất hiện chứ chưa nhiều.
Từ thế hệ 7X trở đi, khu vực này rộ lên nhiều khuôn mặt mới tạo dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc, như: Bùi Tuyết Mai, Hoàng Thanh Hương, Nông Thị Hưng, Nông Thị Tô Hường, Vi Thùy Linh, Phùng Hải Yến, Phùng Hương Ly, Hà Sương Thu, Hoàng Thị Hiền, Thèn Hương, Tú Anh, Muồng Hoàng Yến, Lò Thị Na Ly, Lường Thị Hồng Vân…
Từ cộng đồng Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao… chị em sáng tác chủ yếu bằng tiếng Việt, thi thoảng mới thấy Lò Thị Na Ly, Lường Thị Hồng Vân viết song ngữ, vừa tiếng mẹ để lẫn tiếng phổ thông. Ngoại trừ nhà thơ Vi Thùy Linh sinh ra và lớn lên ở thủ đô, mang hệ mỹ học hiện đại đậm chất thành thị, còn thì hầu hết không gian thơ của các nhà thơ nữ dân tộc thiểu số phía Bắc là miền núi. Các thi liệu đậm nổi là núi rừng, sông suối, nhà sàn, bếp lửa, chợ phiên, sắc chàm, thổ cẩm, cùng các điệu múa xòe, múa khèn, nhảy lửa, đàn môi…
Không gian thơ trong sáng tác của các nhà thơ này trải rộng trên những cánh đồng, thung lũng, làng mạc; vút cao theo đồi núi trập trùng; chảy dài theo con sông, con suối hoặc nhỏ bé, khiêm nhường bên khung cửi, vuông cửa sổ, bếp lửa bập bùng. Ở đó bật lên cảm hứng chủ đạo: Thiên nhiên – Con người – Tình yêu.
Nhà thơ Thèn Hương tham luận tại buổi “Tọa đàm khoa học – Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam từ sau năm 1975”
1. Không gian thơ
1.1. Yêu quê hương, các nhà thơ nữ gọi tên ngọn núi, dòng sông, khe suối, lối mòn, đèo dốc. Rừng trong con mắt của Nông Thị Hưng không phải “rừng thiêng nước độc” mà ẩn chứa oai linh sâu thẳm, vừa uy lực vừa đầy chất thơ:
Ta đã đi nhiều ngày/Ta đã thức nhiều đêm/ Ta đã hót bằng tiếng thác reo của suối/ Ta đã ru sâu thẳm rừng già/ Cho con hươu con nai đi lạc/Bầy thú dữ nháo nhác ngồi im. (Nơi rừng thiêng, Nông Thị Hưng)
Muồng Hoàng Yến lại có cách chấm phá về vùng đất Tây Bắc khác hơn. Cô gọi tên những địa danh thân thuộc bằng thủ pháp nhân hóa:
Chưa lần hẹn/ Mộc Châu thênh thang nỗi nhớ/ Chưa lần chờ/ Sông Mã gầm lên khúc đợi// Chiều pha giọt nắng/ Ủ hương cỏ mềm/ Em về/ Pha Luông ngóng/ Đợi em Tây Tiến mùa say. (Đêm qua núi thức, Muồng Hoàng Yến)
Nếu như tiếng thơ vút lên từ cái đẹp chốn rừng thiêng thâm u huyền hoặc, đỉnh Hoàng Liên cao vời vợi, sông Đà, sông Mã dũng mãnh khiến người đọc có phần choáng ngợp, thì qua liên tưởng của Hà Sương Thu, con suối nhỏ cũng khiến người đọc tha thiết nhớ nhung:
Suối Lủng Quang mượt dài như tóc mế/ tuôn chảy cả bốn mùa./ Rì rầm thác đổ/ xõa mây.//[…] Suối Lủng Quang/ cho người đi xa biết tìm về. (Lủng Quang, Hà Sương Thu)
Dẫu sao thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng phía Bắc không cố định hằng hữu mà luôn dịch chuyển, thay đổi không ngừng. Nhà thơ là kẻ nhạy cảm với cái mới, với sự đổi thay ít người nhận biết được. Nước mắt của Phùng Hải Yến khóc về sự biến thiên của thời gian, hồi sinh và cái chết, bừng sáng và u tối qua đỉnh Hoàng Liên, sông Đà dấu yêu:
Trên vách đá một ngàn bốn trăm lẻ một mét/ Em đã khóc khi nhìn thấy bờ bên kia/ Hoa Đỗ Quyên bung từng chùm trên cao/ Ngạo nghễ hớp gió trời/ Nở hòa vào mây/ Xòe tay ôm Hoàng Liên ngàn tuổi.//[…] Em đã ôm mẹ cổ thụ cháy khô/
Máu đen bám phủ trời những ngày rần rật lửa/ Nhựa sống trôi quánh đặc sông Đà. (Khóc trên đỉnh Hoàng Liên, Phùng Hải Yến)
1.2. Các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc đều sống quây quần trong bản làng. Họ có thể sống xen cư, cộng cư dân tộc này với dân tộc khác, hoặc sống riêng biệt theo từng tộc người duy nhất. Các nữ thi sĩ sinh ra, lớn lên từ đại ngàn không ai rời bỏ không gian thơ đậm chất vùng miền này. Thèn Hương có lối nhìn và cách ví von riêng:
Như chàng dũng sĩ đứng canh gác cho cánh đồng yểu điệu/ núi ôm vào lõi triệu triệu câu chuyện ngàn ngàn thế hệ của một vùng quê/ thấm đẫm vào mình nước mắt, mồ hôi và cả máu xương ông bà đã đổ/ để đất này có tên. (Trường ca Giấc mơ của một loài cỏ, Thèn Hương)
Hồn thơ của mỗi tác giả là kết tinh của “triệu triệu câu chuyện ngàn ngàn thế hệ”. Họ thấu hiểu “để đất này có tên”, lớp lớp cha ông đã đổ vào đó bao “nước mắt, mồ hôi và cả máu xương”. Vậy nên sáng tác của họ gắn chặt với làng bản, nhà sàn, bếp lửa, khung cửi, bờ rào đá. Đến cả  những vật dụng nhỏ bé thân thuộc như cối giã gạo, con dao, cỏm lài (vật đựng kim, chỉ), đến bát cháo ngô, ang nước chàm… cũng trở nên tươi mới, sinh động.
Yêu làng mình, Nông Thị Hưng khẳng định:
Từ ngày tôi còn thơ dại/ Đã yêu làng mình thiết tha/ Tháng ba chim chuyền thánh thót/ Bỏ trâu lạc suốt cả mùa. (Ngôi Làng Nhỏ Của Tôi, Nông Thị Hưng)
Với Trịnh Thị Thứ, ngôi nhà sàn không chỉ là nơi để ở, mà đó còn là phần hồn của người cha – người nông dân nhọc nhằn một nắng, hai sương. Cha về cõi vĩnh hằng, máu, hồ hôi, bóng dáng của cha còn ở lại:
Ngôi nhà sàn của cha/ Còn hằn nguyên nhọc nhằn thời trai trẻ/ Từng hàng cột vẫn còn ứa máu/ Bậc cầu thang ướt đẫm mồ hôi. (Ngôi nhà sàn cũ, Trịnh Thị Thứ)
Trong mỗi ngôi nhà sàn đều có bếp lửa. Bếp lửa ấy là nơi đun nấu, nơi sum vầy quần tụ của gia đình. Bếp lửa nhóm lên sự sống đời tiếp đời. Bếp lửa là nơi trao truyền văn hóa, như trong thơ của Phùng Thị Hương Ly:
Bên bếp lửa vuông/ Nghe âm ba núi rừng/ Ngân lên trong cung bậc tính tẩu/ Câu hát trở về mùa hội/ Chị mặc áo chàm rung reng xà tích. (Ngày xuân bên bếp lửa, Phùng Thị Hương Ly)
Gian bếp nhỏ của Vân Du, tác giả thế hệ 9X gợi bao niềm vui. Chỉ một bát cháo ngô giản dị mà ấm áp, chứa chan tình mẹ:
Gian bếp nhỏ thanh củi vui tanh tách/ Chiếc nồi gang cười ngả nghiêng vung/ Khi em còn trên nôi say giấc/ Bát cháo ngô được mẹ khuấy thơm lừng. (Bát cháo ngô, Vân Du)
Với Hà Sương Thu, bếp lửa như người bạn tâm giao chất chứa bầu tâm sự của cô gái chôn vùi tuổi xuân:
Em cời hòn than đỏ/ Trên tay những bỏng rát/ Ngoài kia là ánh trăng ngập ngụa mái hiên/ Em tìm tuổi mình quanh bếp. (Trước mùa hẹn, Hà Sương Thu)
Người dân tộc thiểu số ở vùng núi cao luôn có những vật dụng đan bằng mây, tre, nứa rất độc đáo. Vân Du có nhiều bài thơ mô tả về vật dụng trong ngôi nhà của người dân tộc Nùng. Trong mắt tác giả thế hệ 9X này, chiếc khung cửi, cối đá, cỏm lài, đai lưng, nải chàm, chiếc địu… đều trở nên rất sinh động. Chúng tựa những phụ kiện điểm xuyết cho bài thơ thêm phần độc đáo:
Cỏm lài quấn lụa quai/ tung tăng theo điệu nhói ới/ về nhà mới/ đựng gì? (Cỏm lài, Vân Du)
Bất chợt nhìn bờ tường rào đá, Muồng Hoàng Yến như thấy cả bầu trời tuổi thơ ở đó. Tường rào đá như một mốc son đánh dấu ngày cô được sinh ra. Tường rào đá vững chãi như người cha, để con vịn vào đó mà lớn khôn:
Mé sinh con/cha xếp tường rào đá/ cao dần// Những hòn đá xù xì/ Giằng giữ nhau/ cho tường rào/ cao mãi…// Con tập đi/ vịn tay rào đá/ lớn khôn. (Bờ rào đá, Muồng Hoàng Yến)
2. Con người, con đường và nỗi niềm tha hương
2.1. Chủ nhân của vùng núi cao bốn mùa sương giăng mây phủ chính là những người nông dân chân lấm tay bùn. Trong bài thơ mang tựa đề “Nông dân”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã viết: “Có người nói nông dân không tư tưởng/ Nông dân làm cản trở bánh xe lăn/ Tôi đã thấy nông dân suốt một đời làm lụng/ Nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn”. Thử hình dung Nông Thị Hưng phác họa chân dung “người miền núi”:
Người miền núi/ Chân quen đi đất/ Thắt phẻn dao/ Ăn sương uống nắng.// Người miền núi/ Lời nói chắc như gỗ lim/ Thẳng như cung đã bắn.// Người miền núi/ Quý người xa tới/ Thương người gần bên/ Uống một mình không uống/ Đi một mình không đi// Người miền núi là thế cái mình ơi! (Người miền núi, Nông Thị Hưng)
2.2. Gắn với thiên nhiên, núi non tươi đẹp là những con đường. Con đường cho ta thấy giữa chốn đại ngàn có bóng dáng con người. Còn hơn thế, con đường chính là sự khẳng định chủ quyền của con người với mỗi vùng đất. Hoàng Thị Hiền nhìn thấy con đường chở giấc mơ đi:
Con đường đèo tựa thế núi hình sông/ trên lưng chở giấc mơ của người khác/ cả đời này muốn một lần đi thẳng (Bản ở trên tay, Hoàng Thị Hiền)
Nông Thị Ngọc Hòa lại lý giải lịch sử hình thành nên mỗi con đường theo cách khác. Những bước chân con người tạo nên con đường. Núi có cao, vực có sâu hay suối có quanh co tớ đâu, con người vẫn tìm được lối đi để mở ra con đường. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, trăm năm ngàn năm để trở thành quen thuộc. Đây không phải khuất phục thiên nhiên, mà tìm đường sống giữa thiên nhiên, hòa với thiên nhiên:
Núi thẳng đứng/ Con đường thì cong/ Con đường lượn quanh sườn núi/ Con đường cắt ngang dòng suối/ Dấu chân người đi mãi thì thành đường thôi (Con đường, Nông Thị Ngọc Hòa)
2.3. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” – câu thơ Chế Lan viên đã trở thành câu cửa miệng truyền đời. Thời hiện đại, không thể cứ bám đất quê mà sống. Thế là chúng ta đi, vì kế sinh nhai hay bất cứ nguyên do nào khác, đất quê hương “đã hóa tâm hồn”, mãi sống trong bề sâu tâm khảm ta.
Phải rời xa cuống rốn quê hương, ai mà không nhớ? Quê hương là hơi thở, là tiếng gọi thiêng liêng, là một phần máu thịt của mỗi người con Việt Nam. Với nhà thơ Bùi Tuyết Mai, nỗi nhớ cứ nhè nhẹ, nhè nhẹ, nhưng khắc khoải, đậm sâu:
Mùa em xa Mường/ Bước như chân con nai nhỏ/ Mùa em xa Mường/ Đêm cựa mình nhớ lời ru của Mẹ (Mùa em, Bùi Tuyết Mai)
Nhớ quê là nhớ mẹ. Mẹ là quê hương, quê hương là mẹ. Mẹ và quê hương là mạch nguồn chảy mãi không bao giờ cạn trong mỗi người con. Đứa con dân tộc Tày Trịnh Thị Thứ ghi lại một cảm nhận, như nói thay cho người quê hương:
Thành phố ngủ rồi/ Chỉ còn đôi mắt mỏi nhớ quê/ Đôi khi chỉ ước về gần mẹ/ Tối trời, bếp lửa ấm nhà sàn.//[…]/ Đôi khi… nỗi nhớ không là nỗi nhớ/ Cứ vậy thôi ngày nào cũng muốn trở về. (Đêm thành phố mơ quê, Trịnh Thị Thứ)
Nhìn những bông hoa chuối đỏ tươi, kiêu hãnh giữa xanh thẳm núi rừng phải về thành phố làm hoa cảnh, Phùng Thị Hương Ly khẳng định:
Những bông hoa rời xa nguồn cội/ Vẫn kiêu hãnh như đứng giữa núi rừng/ Nơi khe suối ầm ào ngang dọc/ Trút hết mình hoa đỏ rưng rưng// Những bông hoa chuối về đây thay thế/ Cho mùa hoa trước đã tàn/ Nhưng không có loài hoa nào có thể thay thế/ loài hoa chuối đỏ bốn mùa cháy miên man. (Hoa chuối đỏ, Phùng Thị Hương Ly)
Này là lời nhắn nhủ của mẹ cho cô con gái phải xa quê qua thơ của Muồng Hoàng Yến:
Mé dặn/ qua Đèo Mã Phục nhớ ngước lại nhìn/ để biết rằng con ngựa cũng chùn chân,/ Hạ Lang núi đá cao như khi con đội cái mũ ngó lên rơi xuống/ Ruộng trong thung sâu/ Nước chảy từ khe đá/ Mặt trời dậy muộn và đi ngủ sớm/ Nơi ấy mé được sinh ra…(Thăm quê mẹ, Muồng Hoàng Yến)
Người con xa quê vì cuộc sống, nhưng vẫn đau đáu với quê hương. Thế hệ trẻ phải ra đi để hội nhập với thế giới bên ngoài, hồn quê ai người sẽ giữ?
Con cứ nghĩ đến ngày mai/ Khi trở về, bếp lửa còn ấm/ Chín bậc còn reo vui đợi chờ/ Ai rồi cũng phải già đi/ Hồn quê ai giữ, ai kể về sau? (Hồn quê ai giữ về sau, Trịnh Thị Thứ)
3. Kiêu hãnh một tình yêu
3.1. Nói đến thơ nữ không thể không nói đến thơ tình. Đa phần các tác giả nữ dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc đều sinh ra, lớn lên ở vùng núi sương giăng, mây phủ, họ vẫn giữ được sự mộc mạc, chân chất của tình yêu truyền thống thời ông bà họ.
Tình yêu trong thơ nữ dân tộc miền núi phía Bắc chan hòa với thiên nhiên, làng bản, với văn hoá dân tộc đậm chất vùng miền với hệ mỹ học đậm chất truyền thống.
Từ lúc còn là “mầm”, em bé vùng cao đến thế giới này đã thấm đẫm văn hoá dân tộc qua thơ Hà Sương Thu:
Mẹ bảo những em bé núi sinh ra từ tiếng đàn trời./ Qua bảy núi, ba sông mới thành mầm thành hạt./ Tiếng cười lanh lảnh/ Địu trên lưng mà lớn/ Từ những vuông thổ cẩm của bà. (Đàn trời, Hà Sương Thu)
Đến khi trưởng thành, họ là những người con gái thôn quê chân chất:
Em nói tiếng nói của rừng/ Em thương tiếng thương của núi/ Bước chân như đá xếp ngày dài/ Tình em như con suối nguồn lặng lẽ. (Lời nhắn gửi ve tròn hạt thóc, Nông Thị Hưng)
Những người phụ nữ miền núi, họ hồn nhiên như cây cỏ. Họ không xinh đẹp mà thậm chí xù xì, chai sạn, ám khói như cô gái Tày của Trịnh Thị Thứ:
Anh này…/ Anh thương cô gái Tày thật chứ?/ Cô gái Tày chất phác như cây rừng, đá núi/ Bàn tay to đầy những vết chai sạn/ Khuôn mặt sạm vì khói bếp, khói nương.(Duyên áo chàm, Trịnh Thị Thứ)
Yêu, người phụ nữ vùng cao nhẹ nhàng nhắn gửi người mình yêu về tấm lòng thủy chung như nhất:
Đã yêu xin đừng ngoảnh mặt/ Kẻo bén vía rừng già/ Đã thương đừng ngã nước thung xa/ Kẻo mùa yêu lỡ bước. (Lời nhắn gửi ve tròn hạt thóc, Nông Thị Hưng)
Khi được đối phương đáp trả, họ không ngần ngại trao trọn yêu thương, vững tin vào tình yêu lớn, tương lai phía trước:
Nắm tay chặt thêm/ Chân càng dẻo bước/ Xòe cho hoa nở vàng đĩa xôi cúng ngày hội/ Xòe cho lúa chật bồ, bông lúa căng mẩy ruộng bậc thang/ Xòe cho tỏ rõ lòng nhau/ Trong tiếng đàn tính hòa điệu then cổ xưa ông, bà để lại (Xòe đêm, Phùng Hải Yến)
Từ ngực núi Hoa/ Đêm thì thầm gió núi/ Đêm câu lượn đành rớt xuống sàn nhà/ Dưới sân rượu đầy chum/ Một trăm đôi bánh dày mặt phết giấy hồng nằm im khoang giậu/ Trăm con lợn béo/ Chú rể mặc chiếc áo chàm mặt đỏ như bông chuối/ Mừng sắp rước được nàng về.(Từ ngực núi Hoa, Hà Sương Thu)
Yêu nhau rồi, họ dựng nhà, xây tổ ấm:./ Anh chọn cây không cụt ngọn làm kèo../ nhà của chúng mình dựa lưng vào núi../ trước cửa không vướng tảng đá hộc./ kho thóc của trời bày hai bên suối/ bờ gối lên nhau như những vỉa vàng. (Dựng nhà ở Mường Hoa, Hoàng Thị Hiền)
Cùng nhau vun đắp tình yêu, hạnh phúc, họ không quên lời dạy của ông bà, cũng là “lời xóm lời làng” như cách nói của Bùi Tuyết Mai. Còn ví dù tình yêu không được may mắn, hay khi lửa lòng đã tắt, thì hương tình kia vẫn còn giữ lại trong vùng kỉ niệm:
Nếu không được ngửi chân người/ Lâu lâu không còn đường nữa/ Quên ngửi hơi nhau/ Trái tim không còn lửa// Mình đừng làm mất con đường/ Đừng đánh mất tình nhau (Con đường, Nông Thị Ngọc Hòa)
3.2. Đất nước đổi mới, bản làng cũng nhiều thay đổi, nhà thơ nữ dân tộc miền núi đã rời khỏi quê hương bản quán, tầm nhìn ngày càng rộng mở. Mở ra các dân tộc khác ở tỉnh thành khác, mở rộng ra cả đất nước. Từ đó tình cảm cũng mở rộng hơn, tiếng thơ vì thế cũng rộng mở.
Ngoài những bài thơ về quê hương bản quán, tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa, họ còn hướng đến tình yêu lớn là tình yêu biên cương, biển đảo, Tổ quốc thiêng liêng:
Này là những người nông dân giản dị, chất phác nhưng sống đúng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” qua thơ Vi Thị Thu Đạm:
Sống giản dị yên lành như cỏ/ Khi đất nước bão giông cỏ dựng thành đồng/ Qua giông bão lại khiêm nhường như cỏ/ Dưới mặt trời, thanh thản, mênh mông… (Chùm thơ về người nông dân, Vi Thị Thu Đạm)
Bài thơ “Căm đen mưỡng” (Chiều biên giới) được viết bằng tiếng Thái của Lò Thị Na Ly gợi nhớ đến bài thơ cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Lò Ngân Sủn. Yêu sao “Cẳm đen mưỡng ta vến lặp chom pũ” (Dải biên cương vời vợi) – ở đó có các anh lính biên phòng canh giữ cho Tổ quốc bình yên. Tác giả dịch nghĩa như sau:
Chiều biên giới em ơi*!/ Bước chân người lính trẻ/ Chùng chình qua bao suối/ Dấu chân mòn sỏi đá// […] Dải biên cương vời vợi/ Thắm nghĩa tình biên giới/ Có anh canh giấc ngủ/ Cho Tổ quốc bình yên. (Chiều biên giới, Lò Thị Na Ly)
Hướng về biển đảo dấu yêu, Muồng Hoàng Yến xúc động viết:
Nỗi nhớ thương em gói tự quê nhà/ qua Đèo Gió, Đèo Giàng xuôi về biển cả/ nhờ cánh hải âu qua muôn trùng sóng vỗ,/ gửi anh, người lính đảo Trường Sa.// […]
Trường Sa ơi em gửi trọn tình thương./ thổn thức bao đêm trái tim em ngóng về phương ấy./ nơi đảo xa, anh ơi có thấy?/ Tổ quốc mình xa mấy vẫn Quê hương.
(Tổ quốc mình xa mấy vẫn Quê hương, Muồng Hoàng Yến)
Vẫn là Muồng Hoàng Yến, rưng rưng trước con đèo Colia, ở tỉnh Cao Bằng, khóc thương nữ kỹ sư người Pháp đã thiệt mạng khi tham gia xây dựng con đèo hồi đầu thế kỷ XX:
Em đến từ biên kia trái đất/ Viết tên mình vào nỗi rưng rưng// […] Em còn đây/ Tựa đèo đứng đợi/ Mỗi khúc quanh như khúc ruột bao người/ Nhắc tên em…(Qua đèo Colia, Muồng Hoàng Yến)
4. Ngôn ngữ và nghệ thuật
Ngoại trừ một số tác giả như Lò Thị Na Ly, Lường Thị Hồng Vân viết bằng tiếng Thái là tiếng mẹ đẻ, còn lại hầu hết nhà thơ nữ dân tộc thiểu số phía Bắc chủ yếu làm thơ bằng tiếng Việt. Họ có ngôn ngữ thơ khá hiện đại. Mỗi bài thơ giống như một câu chuyện kể về vùng đất, con người, văn hoá truyền thống của quê nhà. Họ chủ yếu sử dụng thể thơ tự do (có vần hoặc không vần) để diễn đạt ý tưởng. Một số tác giả mạnh dạn thử nghiệm thể thơ xuôi như Thèn Hương. Dù có ngôn ngữ hiện đại, song nhiều bài thơ của chị em vẫn mang đậm âm hưởng của lối nói và làn điệu dân ca truyền thống.
Rõ nhất là thủ pháp liệt kê:
Bản Nùng bước vào mùa mận đào rực rỡ/ Mỗi góc vườn những chàng trai bổ củi chất cao bằng cột kèo/ Mỗi góc sân những cô gái cười vui bên khung cửi kẽo kẹt/ Mỗi gian bếp nhỏ ông bà chăm chút lò chưng rượu tí tách giọt hương (Người Nùng tháng giêng, Vân Du)
Sau đó là thủ pháp điệp từ, điệp ngữ, lắm lúc điệp cả câu:
Đã tàn rồi tháng ba/ Còn một đốm than nhiều đốm than vật vờ đầu nương// Đã tan rồi mùa hoa/ Còn một người đàn bà nhiều bông hoa gạo// Đã sắp qua sắp qua mùa lúa xanh rì (Chiều, Bùi Tuyết Mai)
Xòe đêm/ Tiếng tính tẩu bập bùng làm bước chân bối rối/ Tóc xõa che ái ngại thuở đầu/ Môi ngân giọng hát then/ Lời suối mở/ Lời hoa bó mạ vàng làm cánh ong bay/ Lời sâu kín trôi cùng tiếng hát. (Xòe đêm, Phùng Hải Yến)
Thủ pháp so sánh cũng rất được ưa dùng, tuy thế nhìn chung vẫn là lối so sánh đơn với những chất liệu cụ thể, gần gũi với sinh hoạt ngày thường của đồng bào dân tộc miền núi:
Mắt em như giọt nước trên khe/ tiếng em cười như chim rừng tìm chốn ngủ/ nhìn vào má em anh thấy màu hoa sở/ trắng chiều biên cương. (Gái Nùng, Vân Du)
Em như con chim ve tròn hạt thóc/ Em như con sóc ở chốn rừng già/ “po me” cho em khôn ngoan/ Đất lành cho em xinh đẹp. (Nông Thị Hưng)
Thủ pháp truyền thống với lối nói mộc mạc, chân chất thế nên ngay cả khi triết lí thì tư duy ấy vẫn là tư duy liên quan với lối nghĩ dân gian, gần gũi với ltư duy của người đồng bào dân tộc miền núi:
Đêm ngồi ngẫm ngợi trước đèn/ Viết gì trên trang giấy mới/ Giấy phẳng mà đời không lặng/ Mực đen, tình bạc như vôi.// […]/ Thì viết hay là chẳng viết/ Mực đen, giấy trắng vô thường/ Giữ lòng như trang giấy mới/ Dâng đời ân nghĩa, yêu thương.(Trước đèn, Vi Thị Thu Đạm)
Kết
Thơ nữ dân tộc thiểu số phía Bắc đương đại làm nên tiếng nói độc đáo, giàu bản sắc với sự thuần khiết của giọng thơ rất đáng trân trọng. Nói như nhà thơ Inrasara: “Khi người kẻ chợ đã quá oải cuộc sống hiện đại với lối kiến trúc tạp nham nhếch nhác, ngột ngạt mùi khói xe, hàng ngày phải chứng kiến bao nhiêu ô uế từ cơ man nhà máy thải vào môi trường thành phố, nhiều người muốn tìm tới không khí tươi rói sót lại nơi miền quê yên tĩnh, hẻm núi trong lành. Ở đó có thơ dân tộc thiểu số. Cũng vậy, choáng ngợp giữa ngôn ngữ thi ca đương đại ắp đầy ý tưởng với ẩn dụ, siêu thực với tượng trưng, lắm lúc không ít người thèm lối nói, lối nghĩ trong trẻo thuần phác của người miền sâu vùng xa. Tại nơi đây, có thơ của người dân tộc thiểu số”.
Các tác giả nữ dân tộc thiểu số góp tiếng thơ từ đại ngàn, hòa vào dòng chảy thi ca đương đại của cả nước, đáng quý lắm thay!.
22/8/2024
Thèn Hương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Cánh vạc bên đời Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra...