Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Dưới tán cây gạo mồ côi

Dưới tán cây gạo mồ côi

Chẳng biết từ khi nào vợ chồng lão Vần sinh ra thói đam mê hóng hớt chuyện quê. Nghe nói quê nghèo xưa của vợ chồng lão bây giờ đã đổi mới thành công, giàu sang tân tiến lắm. Ai sống ở thành phố về thăm quê cũng đều nói như vậy. Thậm chí có không ít chị em khi về thăm quê bỗng nhận ra mình mới là kẻ quê mùa nên phải quay trở lại thành phố sớm hơn dự định để tút tát nâng cấp cho đỡ tụt hậu.
Mỗi lần nghe ai đó kể chuyện văn minh tân tiến quê nhà, lão Vần lại hả hê nói với vợ: “Đấy, bà thấy chưa, mấy người ở phố ở tỉnh đừng tưởng là mình ngon rồi về quê vênh váo. Không lo mà đầu tư chưng diện, chỉnh trang nhan sắc, tập tành nhảy múa thì có khi lại bị người ở quê cười cho thối mũi. Thành phố có thứ gì quê ta có thứ đó. Mà nghe đâu thứ gì cũng rầm rộ máu lửa chứ chẳng phải hình thức lớt phớt như kiểu thành phố đâu nhé”!
Vợ chồng lão Vần chưa bao giờ quên cái thuở cả hai cùng học trường huyện, cùng đậu đại học rồi cùng chung một tình yêu. Tốt nghiệp đại học, cả hai lại cùng trăn trở khi phải rời bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn để cùng vào công tác tại một thành phố ở tận miền Nam. Cái sự ra đi đó cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, chứ chẳng phải là đi theo tiếng gọi non sông như sau này người ta tô vẽ. Giờ đây vợ chồng lão tuy đang hưởng cuộc sống an nhàn nhưng vẫn luôn mong nhớ và có phần áy náy với quê nhà.
Càng hóng hớt chuyện quê, vợ chồng lão Vần càng tăng dần sự thôi thúc trong lòng. Đến một hôm, vợ lão thủ thỉ:
– Hay là ông về quê một chuyến. Coi như là ông về tiền trạm vậy. Chế độ hưu trí thì ở đâu cũng thế. Vợ chồng ta về quê an hưởng tuổi già có khi lại là sáng suốt ông ạ.
– Ừ, bà nghĩ thế cũng phải. Dân Việt kiều mà còn hồi hương thì huống gì mình. Cây cối cũng biết “lá rụng về cội” nữa là người. Lão Vần gật gù.
Nhưng lão sẽ về tìm hiểu quê hương vào dịp nào đây? Mùa hè quê lão nắng nóng như đổ lửa. Hết mùa nắng nóng lại đến mùa mưa bão, lũ lụt khó lường. Mùa rét thì lão chưa quên cảnh mưa phùn gió bấc. Sau bao lần đắn đo suy tính, cuối cùng lão Vần cũng chọn được mùa hoa gạo là dịp phù hợp nhất để làm một chuyến trở về nghiên cứu quê hương. Thuở trước người quê lão luôn sợ mùa hoa gạo vì đó là kỳ giáp hạt, cái đói nó hoành hành khắp làng trên xóm dưới. Còn bây giờ thì ngược lại, nghe nói người quê lão đang có phong trào ăn kiêng để xoá béo giảm mập.
Cả đời mới có một lần được vợ giao phó cho nhiệm vụ trọng đại như thế nên lão cứ xốn xang. Vợ lão vốn rất chu đáo, đặt sẵn vé máy bay và mua thêm vé hành lý ký gửi. Từ lọ dầu gió, đôi tất, cuốn sổ, gói sâm cho đến bánh kẹo, hải sản làm quà biếu được vợ lão đóng gói cẩn thẩn. Thấy vậy lão Vần cằn nhằn:
– Bây giờ ở quê ta chẳng thiếu thứ gì. Có khi còn sẵn hàng hoá hơn cả thành phố.
– Biết là vậy, nhưng quà ít lòng nhiều. Không ai nỡ chê cười đâu ông ạ.
Sáng sớm hôm sau, trong khi chờ xe đến đón lên sân bay, vợ lão lại tranh thủ dặn dò thêm lần nữa:
– Số quà này ông cứ tuỳ cơ mà biếu, đừng để ai phật ý. Ông nhớ liên lạc thường xuyên đấy nhé.
– Biết rồi, mệt lắm, dặn mãi. Mọi thông tin tôi đều báo cáo hằng ngày với “nóc nhà”. Bà yên tâm chưa?
– Về quê ông cứ thăm thú bạn bè cho thoải mái nhưng nhớ là chỉ ở nhà chú Xoay thôi nhé.
– Biết rồi, mệt lắm, dặn mãi! Ở quê còn ai thân thiết hơn vợ chồng chú Xoay nữa đâu mà bà phải dặn.
Mỗi khi nghe vợ dặn dò là lão thường bật ra phiên bản câu nói cửa miệng của nhân vật cụ cố Hồng trong tác phẩm Số Đỏ. Chỉ là chút phản xạ theo tàn tích gia trưởng còn sót lại chứ lão hiểu vợ dặn dò như vậy cũng phải. Chú Xoay là em con cậu nhưng lại gắn bó tin tưởng hơn cả anh em ruột. Lão còn nhớ cái ngày cậu mự thuốc thang, xoay xở mãi mới sinh ra được đứa con đầu lòng. Khi đó mừng quá nên cậu mự chưa kịp nghĩ ra được tên gì thật ý nghĩa để đặt cho con trai. Sẵn có đứa anh tên Vần đang đứng bên nôi, thế là cậu đặt luôn tên con trai là Xoay. Không biết vì cái tên hay vì cái tuổi mà anh em Vần và Xoay hợp nhau đáo để.
Vợ chồng chú Xoay mặc dù đã biết kế hoạch lão Vần về thăm quê nhưng khi thấy lão xuất hiện trước cửa thì vẫn cứ quýnh quáng vui mừng. Lão vừa bước vào nhà chưa kịp ngồi, vợ chú Xoay đã ấp úng trình bày:
– Thế này bác Vần ạ, lát nữa có trận chung kết bóng chuyền nữ giữa khối 3 với khối 7. Em là cây chuyền hai nên không thể vắng được. Bác thông cảm cho em…
– Ồ hay quá! Vậy thì cho bác đi cổ vũ luôn nhé, chẳng mấy khi gặp may thế này.
Lão Vần cùng chú Xoay lập tức đến sân làm cổ động viên. Lão không ngờ người xem vòng trong vòng ngoài đông nghẹt. Trang phục, giầy rớ của các đội rực rỡ hơn cả đội tuyển quốc gia. Tiếng hò reo tưng bừng muốn vỡ cả sân bóng. Phải sau năm hiệp đấu đội thím Xoay mới giành được chiến thắng. Khán giả bên phía sân của đội bóng khối 3 như vỡ tung, nhiều người nhảy lên gào lạc cả giọng. Lão Vần hớn hở cùng với các cổ động viên của khối 3 vui mừng nắm tay nhau nhảy tưng tưng quanh sân.
Nhờ quy hoạch mở rộng nên cái thôn của chú Xoay cũng đã trở thành khu vực nội thị. Bây giờ nhà chú Xoay chẳng khác gì nhà ở thành phố. Vợ chồng chú Xoay thuộc diện cán bộ xã dư dôi nên được về hưu sớm kèm theo khoảng trăm triệu tiền chế độ. Cuộc sống tưởng sẽ thảnh thơi ở vùng quê mà hoá ra lại bận rộn hơn cả khi còn công tác.
Mỗi việc đưa đón thằng cu Hóa cháu nội, con của vợ chồng thằng Chuyển đang đi xuất khẩu lao động gửi nhờ ông bà nuôi hộ cũng đủ mệt phờ. Ngày hai buổi đưa cháu đi học trong trường, tối lại tiếp tục căn giờ đưa cháu đi học thêm ngoài trường. Tính ra thời gian chạy trên đường cũng không kém dân ship hàng. Chú Xoay nói khó nhất là bố trí việc nhà để tham gia các hoạt động. Mỗi người hưu trí đều là hội viên của gần chục cái hội và khoảng chừng đó câu lạc bộ nữa. Hội nào cũng quan trọng nên hội viên cứ xoay như cái chong chóng. Riêng chị em phụ nữ thì còn bận bịu hơn nhiều. Hằng ngày thời gian tập luyện của những đội bóng chuyền nữ và các câu lạc bộ dân vũ là cố định. Mọi hoạt động của các tổ chức khác đều phải tránh khung giờ đó.
Đêm đầu tiên tại thị trấn quê hương, lão Vần quá ngỡ ngàng. Các gia đình đều mua sắm loa kéo, cứ tối đến là kéo loa ra trước cửa, tiếng nhạc rền vang khắp nơi. Ai đi dạo qua cũng được mời hát vui vẻ. Dân quê lão bây giờ thân thiện và mê hát karaoke lắm. Bất ngờ hơn là các cơ sở dạy nhảy, dạy yoga mọc lên như nấm. Buổi tối chị em không quen ở nhà nữa mà kéo nhau đi luyện khiêu vũ, yoga, aerobic… Nhóm thì váy ngắn, nhóm thì quần đùi, có nhóm lại mặc cả áo dài trông thật sướng mắt. Từ nhạc Tây nhạc Tàu cho đến mấy bài nhạc ta như “Nổi lửa lên em”, “Gặp nhau giữa rừng mơ”, “Con bướm Xuân”, “See tình”… chị em đều nhún nhảy lắc mông đánh ngực tưng bừng.
Khuya về, thấy lão Vần vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ngỡ ngàng, chú Xoay nói nhỏ: “Sáng mai mời bác đi ăn sáng, bác sẽ thấy còn nhiều bất ngờ nữa”.
Mới 5 giờ sáng lão Vần đã giật mình bởi cái loa treo trên cột điện của thị trấn chỉa thẳng vào nhà chú Xoay. Tiếng nhạc hào hùng rồi giọng nói vang lên lanh lãnh: “Đây là đài truyền thanh thị trấn Sông Ngàn…”. Quái lạ! Đài truyền thanh của quê lão mà cái loa lại nói toàn giọng Hà Nội. Mấy phút sau là tiếng còi toe toe, tiếng hô một hai ba bốn, tiếng nhạc thể dục buổi sáng thúc dục. Già trẻ, lớn bé đều hăng hái dậy tập thể dục giống như doanh trại quân đội. Cả đời lão đã bao giờ tập thể dục buổi sáng theo loa phường đâu. Đúng là quê một cục!
Đến gần 6 giờ sáng, chú Xoay dặn:
– Bác vệ sinh xong thì mời bác đi ăn sáng cùng với nhóm của em luôn ạ.
Thím Xoay nói cắt ngang:
– Không được, sáng nay bác Vần phải đi ăn sáng mừng chiến thắng với nhóm bên em. Có mấy bà chị là bạn cũ của vợ chồng bác Vần đã mời rồi đấy. Tối qua em cũng hứa chuyển lời mời rồi, không hoãn được.
Thế là lão Vần phải vui vẻ đi ăn sáng với nhóm của thím Xoay. Vào đến quán ăn lão Vần lại bất ngờ tiếp. Chị em diện váy đồng phục đẹp như đi hội. Cả nhóm vui mừng chào đón lão, vậy mà lão cứ ngờ ngợ chẳng nhận ra ai cả. Một phần cũng vì các chị em đều xăm môi xăm mày tại cùng một thợ làm đẹp nên trông mặt mũi cứ na ná giống nhau như chị em ruột.
Món ăn sáng hoàn toàn mới lạ, vừa thơm vừa bắt mắt nhưng lão chẳng thấy ngon. Chắc là do mấy chục năm qua lão đã quen ăn cơm vợ nấu nên mới quê mùa tận đáy như vậy. Đến lúc trả tiền, lão định thể hiện một tý, chẳng gì cũng là người từ thành phố về. Nhìn lão loay hoay mở ví lấy tiền mấy cô cười khúc khích. Một cô nói:
– Bác Vần ơi, quán này không dùng tiền mặt. Mà hôm nay là chị em được vinh dự mời bác.
Lão ngây người chưa biết phải làm sao thì một cô liền rút điện thoại ra, bấm nhoay nhoáy. Mấy giây sau bà chủ quán nghe điện thoại kêu tinh tinh liền liếc qua rồi gật đầu tươi cười với hai tiếng “OK” nở xòe trên môi.
Ăn sáng xong, lão Vần kiếm cớ từ chối đi uống cà phê với nhóm chị em để được tự do lang thang dọc bờ sông Ngàn. Đang mơ màng tìm lại chút ký ức, lão bỗng nghe tiếng gọi:
– Vần! Phải ông Vần đó không?
Giật mình ngoái lại, lão Vần thấy người vừa gọi rất quen nhưng chưa kịp nhớ ra. Người ấy lại nói lớn:
– Văn đây! Văn nướng đây! Mày quên tao rồi sao?
Thì ra đó là lão Văn, người bạn nối khố từ thời tắm mưa. Lão Vần chợt nhớ thuở bé Văn có hai việc chính, một là phơi nắng trên lưng trâu, hai là ngụp lặn dưới nước. Vì quanh năm sao tẩm giữa nắng trời và nước sông nên hắn có nước da đen trũi như củ khoai nướng. Cả làng ai cũng gọi hắn là thằng Văn nướng. Bây giờ Văn nướng đã trở thành một tay thầu cát sông có tiếng. Hai lão ôm chầm nhau như hai cậu học trò, những lời hỏi han không đầu không cuối cứ tuôn ra. Mất một lúc hai lão mới kéo đến quán cà phê gần đó, nơi có view đẹp thơ mộng nhất thị trấn. Nhân viên bước đến lịch sự chào hỏi và đưa menu tận tay. Lão Vần khá bất ngờ vì không những cuốn menu rất sang trọng mà hầu như có đủ các loại đồ uống thịnh hành nhất hiện nay. Bất ngờ hơn là giá chỉ từ 10k đến 25k mà thôi. Nửa tin nửa ngờ, máu cảnh giác nổi lên, lão hỏi nhân viên:
– Quán có đủ món như trong menu này không cháu?
– Dạ có đủ bác ạ!
– Thế có bán đúng giá trong menu không?
Có lẽ cậu nhân viên đã nhận ra sự ngô nghê của lão nên cười thông cảm:
– Chắc bác mới ở thành phố về. Bác cứ chọn đi ạ, có đủ hết, đảm bảo chất lượng và đúng giá ạ.
Đến lúc đó lão Văn mới cười khà:
– Ông sống ở thành phố lâu quá nên bị… khờ thật rồi. Ông tưởng giá vậy là rẻ à? Quán này đắt nhất đấy. Luật bất thành văn, ở đây người ta lấy giá ăn làm chuẩn cho giá uống.
– Là sao? Lão Vần chưa hiểu nên hỏi lại.
– Là giá bán đồ uống như cà phê, nước cam, sinh tố không bao giờ được quá nửa giá tô cháo, tô phở. Mà ở thị trấn này thì ăn sáng từ 20k, sang nhất cũng chỉ đến 50k. Dân quê ta vẫn coi ăn là chính, uống là phụ. Không ăn mới chết, không cà phê sinh tố chẳng chết ai.
– Chân lý quê ta mới đúng là chân lý! Lão Vần phì cười.
Đến gần trưa, lão Vần một mình tìm lại khúc sông mà thuở xưa từng có cây gạo, cây đa bến nước con đò đẹp nổi tiếng. Đó cũng là nơi lão được sinh ra và gắn bó suốt thời niên thiếu. Khi đến đúng chỗ bến sông xưa, chỉ còn mỗi cây gạo đang lặng lẽ thắp lửa đỏ trời. Bao ký ức ùa về, lão như người mộng du, cỡi phăng đồ ngoài, còn mỗi cái quần xà lỏn rồi nhảy ùm xuống dòng sông vùng vẫy ngụp lặn. Dưới bàn chân lão vẫn là cát sông mịn êm, quanh lồng ngực lão vẫn là làn nước mát lạnh mơn man. Lão vục mặt vào lòng sông, vẫn là vị ngọt mát của nước sông Ngàn. Lão lặn xuống, hai mắt mở to để nhớ về những trò chơi thuở nhỏ. Trong đám bạn xưa, có những đứa chưa biết bơi nhưng đã biết lặn. Lặn để tìm những hòn sỏi đẹp như ngọc, lặn để đọ làn hơi với nhau. Cảm giác như đang được nô đùa cùng đám bạn, lão Vần gọi lớn: “Trung chạc ơi! Quế đất ơi! Văn nướng ơi! Sơn thủng ơi!…”. Giữa đôi bờ chỉ có tiếng vọng chơi vơi trôi theo dòng nước.
Vẫy vùng với làn nước trong veo, lão Vần như đứa con được sà vào lòng mẹ, được mẹ an ủi vỗ về, mọi tủi hờn toan tính đã được dòng sông rửa sạch cuốn đi. Khi người và sông thỏa nỗi nhớ nhung lão mới bừng tỉnh rồi bước lên bờ. Lão ngẩn ngơ nhặt những bông hoa gạo đẹp như ngôi sao lửa vừa đáp xuống. Có mấy người đứng bên bờ sông trố mắt nhìn, lắc đầu ngán ngẩm. Chắc họ tưởng lão là một gã điên trầm mình tự vẫn bất thành.
Ngồi bệt trên bãi cỏ xanh mướt, ngước nhìn cây gạo, mắt lão ngấn nước như một đứa con mắc lỗi. Không ngờ lão được gặp lại và ngắm nhìn cây gạo trong một tình huống mà lão chưa bao giờ nghĩ đến. Cây gạo như được mọc ra từ bầu trời. Thân cây vẫn xù xì vươn cao ngạo nghễ. Những cành ngang to lớn làm cho lão liên tưởng đến pho tượng Chúa khổng lồ đang giang tay che chở cho bao kiếp người. Lão miên man nhớ về cái thuở trẻ con trong làng đều được sinh ra tại trạm hộ sinh dựng ngay bên gốc cây gạo. Bộ rễ bành của cây choãi ra năm phía chia đều chỗ đất quanh gốc thành năm phần bằng nhau. Năm phần đất đó chính là nơi chôn rau thai của bao đứa trẻ mới lọt lòng. Những cái rau thai cứ nối nhau chôn theo từng phần đất vòng quanh gốc cây gạo. Chôn rau thai xong, người ta đánh dấu bằng cách lấy cái mảnh sành đặt lên. Mảnh sành thuôn dài đặt lên chỗ chôn rau của bé trai, mảnh sành to tròn đặt lên chỗ chôn rau của bé gái.
Khi cái rau chôn trước đã hoá vào đất thì lại đến lượt cái rau chôn sau nối theo. Cặp đôi mảnh sành dùng chung cứ theo đó mà chuyển dịch quanh gốc cây gạo hết vòng này đến vòng khác. Mỗi khi trẻ con đến mùa khai trí hay làng xã bị dịch bệnh, người già trong làng lại lặng lẽ ra gốc cây gạo để nhấc vía mảnh sành. Nhấc bảy lần cho mảnh sành dài, nhấc chín lần cho mảnh sành tròn. Ai cũng tin nhờ nhấc vía như vậy mà trẻ con của làng có tiếng là học hành sáng dạ và luôn khỏe mạnh.
Chẳng ai nhớ được dưới tán cây gạo đã có bao nhiêu lần cắt rốn, bao nhiêu lượt chôn rau, bao nhiêu dịp nhấc vía nhưng nhiều người cứ quen gọi cây gạo này là “cây gạo hộ sinh”. Đến giai đoạn làng xã phát triển hơn, những cây cổ thụ như đa, sung, gạo, gác, ngô đồng, mùa cua, bời lời, bã đậu… rợp bóng bên bờ sông đều lần lượt bị đốn hạ để làm củi cho mấy cái lò gạch của hợp tác xã. Ngày đội quân chặt hạ kéo đến “cây gạo hộ sinh” cũng là cây cổ thụ cuối cùng ven sông thì được lệnh của ông chủ nhiệm hợp tác xã phải buông rìu búa lui quân. Thế là người làng được dịp đồn đoán cây gạo có phép thiêng nên không ai dám đụng vào. Chỉ có Ban Quản trị hợp tác xã mới hiểu rõ lí do nhưng họ lại im lặng. Họ im lặng vì bao nhiêu gạch ra lò nếu không bị cháy đen thì cũng bị sống sượng trắng bợt. Gạch không dùng được chất đống như núi, nhờ vậy mà “cây gạo hộ sinh” đã sống sót. Cũng từ đó “cây gạo hộ sinh” được dân làng gọi bằng cái tên mới: “cây gạo mồ côi”.
Đi về nhà chú Xoay, lão Vần kể chuyện vừa tắm sông. Chú Xoay kinh ngạc rồi nhắc lão tắm xả lại nước máy cho sạch vì nước sông bây giờ ô nhiễm chứ không còn sạch như xưa. Nghe vậy lão Vần lý sự phản bác:
– Ngày xưa trên dòng sông Ngàn có làng vạn chài sinh sống, có những đàn trâu đằm, có dân cư ra giặt giũ… Nói chung mọi thứ rác rưởi dơ dáy đều xả xuống sông, vậy mà người dân đôi bờ vẫn cứ sống phơi phới. Con gái những làng ven sông còn nổi tiếng xinh đẹp với làn da trắng mịn như hoa bưởi đấy thôi. Bây giờ không còn vạn chài, không còn đàn trâu, không còn ai xuống sông giặt giũ nữa… Vậy thì làm sao mà nước sông ô nhiễm? Chưa bao giờ sông Ngàn đẹp và trong xanh sạch sẽ như bây giờ.
Bỗng có tiếng vỗ tay vang lên trước cửa, nhìn ra thấy một người đàn ông vui vẻ cười nói:
– Bravo! Chính xác! Quá hay!
Người đàn ông ấy bước vào bắt tay lão Vần rồi nói như một nhà thơ:
– Sông Ngàn là báu vật, là di sản của quê ta vậy mà lâu nay chúng ta thờ ơ, xa lánh. Nhiều làng xã, ruộng đồng và cả thị trấn này đều quên mất sự sinh tồn của chúng ta đang gắn liền với dòng sông Ngàn. Người lương thiện có thể chưa biết yêu con sông quê nhưng người đã yêu con sông quê chắc chắn là người lương thiện!
Thấy lão Vần ngơ ngác, chú Xoay liền giới thiệu:
– Đây là bác Dụng, nguyên là cán bộ văn hoá thông tin, nghỉ hưu mấy năm rồi. Ngày xưa bác Dụng từng được sang Liên Xô học. Thổ địa và vui tính nhất vùng đấy, bác Vần muốn nghe chuyện quê ta là gặp đúng người rồi.
Ngồi nghe bác Dụng trò chuyện với cái miệng nhóp nhép, lão Vần thấy lạ. Đoán được ý lão Vần, bác Dụng bộc bạch luôn:
– Không phải tôi nhai trầu hay ngậm sâm đâu. Khoai deo đó. Cả thị trấn này chỉ còn mỗi tôi ăn khoai deo. Nói thật, hơn ba mươi năm rồi tôi chỉ ăn sáng bằng khoai deo. Khi chưa nghỉ hưu, sáng đạp xe từ nhà lên huyện tôi nhai hết một túi quần khoai deo là no cả buổi. Bây giờ sáng dậy đi bộ thể dục tôi vẫn cứ khoai deo.
– Vậy thì mọi người phải gọi bác Dụng là bác “khoai deo” mới đúng. Lão Vần nói đùa.
– Bravo! Chính xác! Tôi vẫn muốn phát triển món di sản khoai deo quê ta thành sản phẩm “ô cốp”.
Vừa nói bác Dụng vừa thò tay vào túi móc ra mấy lát đưa cho lão Vần. Hơn bốn mươi năm rồi giờ lão Vần mới được thưởng thức lại món “lương khô quốc dân” này. Chắc là đã lâu lắm không có ai chịu ngồi nghe kể chuyện nên khi vớ được lão Vần là bác Dụng hào hứng huyên thuyên bất tận. Cạn túi khoai đeo, cạn luôn ấm chè xanh mà câu chuyện vẫn chưa cạn. Tuy vậy lão Vần cũng tóm lược được bức tranh toàn cảnh với các mảng sáng tối như sau:
Từ ngày thị trấn Sông Ngàn được tái lập, người dân trong vùng trở nên tự tin và lãng mạn vô cùng. Bởi thế mà cả vùng quê đang yên bình bên dòng sông Ngàn bỗng dưng dậy sóng, nóng sốt hầm hập. Đất thị trấn đắt ngang ngửa đất thành phố lớn. Một cuộc tuyển chọn cư dân thị trấn diễn ra vừa công khai vừa âm thầm nhưng vô cùng quyết liệt. Ưu tiên trước hết thuộc về thành phần công chức của huyện và thị trấn. Tiếp theo là những đối tượng tinh hoa có máu mặt, nhanh nhạy thức thời ở khắp các làng xã trong huyện tìm cách quy tụ về thị trấn. Ngoài ra cũng có một số người dân vùng xa đua nhau bán sạch ruộng vườn, trâu bò, lợn gà cố mua bằng được cái nền đất bé tẹo ở thị trấn để nuôi giấc mộng đổi đời.
Theo đó, cư dân cả huyện phân hoá thành hai nửa. Nửa thiểu số thuộc thị dân mới nổi. Tuy chưa phải là tầng lớp thật sự giàu có nhưng nhờ có tiền lương và thu nhập buôn bán nhì nhằng nên so với đời sống vùng quê thì họ lại là những triệu phú tiền bạc rủng rỉnh, cuộc sống xênh xang mỡ màng khác biệt. Có lẽ do họ ý thức được vị thế của thị dân văn minh mà mọi tập tục đều nhanh chóng thay đổi. Họ hồ hởi từ bỏ lối sống tằn tiện cố hữu để thụ hưởng và tham gia đủ thứ hoạt động thời thượng. Cả thị trấn như một cái ốc đảo phồn vinh sôi động. Thời bao cấp thiếu thốn cuộc sống như cái đòn gánh cứ oằn xuống trên vai. Bây giờ là lúc vứt bỏ gánh nặng cơm áo để sống bù, sống cho bỏ một thời gian khó. Thế mới biết, khi cảm hứng sống thay đổi thì tất cả lề thói sẽ dễ dàng thay đổi theo.
Khác với cuộc sống thị dân, nông dân ở các làng xã lại đang trở thành nông dân kiểu mới. Làm nông mà việc đồng áng phải thuê mướn gần hết. Đổi thay thì đã rõ ràng nhưng chưa hẳn đó là sự khấm khá bền vững của đa số nông dân. Rất nhiều gia đình phải nhờ vào con cái đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa gửi tiền về hỗ trợ. Người ta cứ phải sống nhờ, sống chậm ngay trên thôn xóm của mình.
Khi đã đi qua những năm tháng tự tin và lãng mạn, mọi người đều bừng tỉnh. Đau nhất là mấy đại gia nhênh nhang vác tiền về làm dự án dân cư. Đổ vốn liếng ra rồi chính nhà đầu tư lại trở thành con nợ. Cái cần nhất là việc làm thì không có, thanh niên bỏ quê đi hết. Đám ma nhiều hơn đám cưới. Dân số cứ già đi, teo dần như miếng khoai deo thì lấy gì mà phát triển.
Đêm qua lão Vần trằn trọc khó ngủ. Nhịp sống của cư dân thị trấn dường như không còn khoảng lặng. Vợ chồng lão muốn hồi hương, một phần cũng là để tránh khỏi không khí xô bồ náo nhiệt của thành phố. Không ngờ giữa cái thị trấn này nhịp sống còn sùng sục ồn ã hơn nhiều. Lão quyết định chuyển sang phương án khác. Các xã vùng ven thị trấn chắc còn yên bình, phù hợp hơn với mong muốn trở về của vợ chồng lão.
Thời tiết mùa hoa gạo vô cùng dễ chịu, lão Vần lượn xe máy đến các xã đang dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới. Đường bê tông phẳng lì vào đến tận từng ngõ xóm. Có điều hơi khác thường, lão thấy đường làng vắng vẻ, ruộng đồng thưa vắng bóng người. Đâu đó vọng đến tiếng chó sủa nhí nhách, tiếng gà gáy te tói mỏng như lá cỏ bay dạt theo cơn gió nồm nam rồi lẫn vào âm thanh xào xạc của lũy tre làng. Lão dừng xe bước đến bên đám đất khá rộng nhưng chỉ trồng vài luống lạc. Một bà cụ đang lom khom nhổ cỏ. Lão bắt chuyện, bà cụ thật thà than thở:
– Chỉ trồng trỉa vài luống lạc thôi bác ơi. Làm nhiều lỗ nhiều. Trồng lúa cũng vậy, trừ công, trừ phân, trừ giống, trừ phun thuốc này thuốc nọ là chẳng còn mấy nữa.
– Chẳng còn mấy nữa thì bà con nông dân còn trồng trỉa làm gì cho vất vả ạ?
– Biết thế nhưng cũng phải làm bác ạ. Làm cho siêng người. Tết con cháu về còn có cái cho nó xách đi. Chẳng lẽ mấy đời làm nông mà vài nắm lạc lại phải ra chợ mua sao?
Trong lòng lão Vần cái cảm giác thanh bình êm ả của làng quê cứ tuột dần, nỗi chênh chao trống vắng từ từ tràn đến. Bỗng dưng lão da diết nhớ tiếng mõ trâu lọc cọc, nhớ tiếng sáo diều vi vu, nhớ làn khói lam chiều trên mái rạ… Lão tiếp tục lượn xe thêm mấy cây số dọc theo con đường ven vùng đồi mà ngày xưa trường huyện thường tổ chức cho học sinh lao động trồng cây gây rừng. Thấy một ông cụ đang ngồi trên cái chõng tre đu đưa trước sân, lão liền ghé vào trò chuyện. Cụ vui vẻ kể:
– Thời trước, con cái nhà ai đi xa cũng viết thư dặn cha mẹ đừng làm lụng vất vả. Tổ cha chúng nó, không làm thì lấy gì mà nhét vào mồm. Giờ thì người già chẳng phải làm gì mà cũng có cái đổ miệng. Thằng con trai thuê cha mẹ cứ ngồi nhà đừng làm gì cả. Hằng tháng hắn gửi tiền về cho. Gạo ga mắm muối có người chở đến tận nhà. Vợ chồng già này đang sống thuê đấy bác ạ.
Cuộc sống nhiều khi cứ lặp lại những cái mà không ai muốn lặp lại. Ngày xưa thế hệ của lão phải “tha phương cầu thực”, ngày nay lớp con cháu lớn lên lại vẫn tìm cách kéo nhau đi làm ăn xa. Hèn gì làng xã vắng bóng thanh niên, đám cưới trong làng xã cũng ít hẳn. Người già không sinh đẻ được nên trẻ con khan hiếm dần, thi thoảng mới có trường hợp cha mẹ gửi con về quê nhờ ông bà nuôi hộ. Xưa trẻ em nhiều, các xã đều có trường cấp 1, cấp 2. Nay học sinh ba xã nhập lại một trường mới tạm đủ lớp.
Qua mấy ngày tìm hiểu quê hương, lão Vần nhận ra cảnh vật thiên nhiên, môi trường sống đang dần “hoàn nguyên” trở về ngày xưa. Người ở quê có thể không nhận ra nhưng những ai đi xa về như lão đều cảm nhận rất rõ. Trên quê hương không còn lâm trường, không còn nông trường, không còn lò vôi, không còn lò gạch, không còn lò than, không còn lò rèn, không còn làng vạn, không còn trại chăn nuôi của hợp tác xã… Không khí trong lành, dòng sông Ngàn lặng lẽ hồi sinh, cá tôm lại trở về sinh sôi nảy nở.
Con đường phát triển làm giàu của quê lão sau nhiều nhiệm kỳ cùng với vô số kế hoạch để giải bài toán: “Trồng cây gì, nuôi con gì”? Kết cục, đáp án cũng chỉ là trồng những cây, nuôi những con mà người dân quê lão đã thực hiện từ hàng trăm năm trước. Định hướng giá trị nhất được gói gọn trong mấy chữ “chế biến sâu các sản phẩm truyền thống”. Từ bao thất bại, trả giá giờ đây quê hương lão mới được trở về với thế mạnh vốn có của ngày xưa.
Trở lại nhà chú Xoay. Sắp xếp mãi mới có được bữa cơm đầy đủ vợ chồng chú Xoay và cu Hoá cháu nội. Khi cả nhà vừa chuẩn bị cầm đũa thì nghe tiếng kèn trống đám ma vọng lại. Chú Xoay nói: “Đám tang cụ Phó Đản, tội nghiệp lắm, cụ nằm một chỗ mười mấy năm rồi, bây giờ đã hơn trăm tuổi mới ra đi được. Bác Vần có nhớ cụ Phó Đản không?”
Tất nhiên là lão Vần còn nhớ rõ. Lão nhớ câu chuyện ngày trước vợ chồng cụ Phó Đản chỉ mất có tám năm để sinh ra sáu đứa con trai. Đàn con được đặt tên rất khí thế: Quyết Tâm Chiến Thắng Anh Hùng. Trong chiến tranh, đàn con lần lượt lên đường đi bộ đội. Ngày anh Quyết, anh Tâm rồi đến anh Chiến phục viên, hai cậu em út là Anh và Hùng quyết noi gương các anh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Điều kỳ diệu là cả sáu người con trai của cụ Phó Đản tung hoành khắp mọi chiến trường mà không bị hề hấn, hoàn toàn nguyên vẹn trở về. Thế là gia đình cụ Phó Đản lại quay về cảnh chen chúc như trước. Cuộc sống ngày càng khó khăn nhưng rồi anh trước em sau, tất cả đều lấy vợ thành công. Cũng may là cái vườn cụ Phó Đản rất rộng nên đủ chia cho cả sáu anh em dựng nhà ra ở riêng.
Sáu anh em luân phiên đưa cha mẹ về nuôi theo tháng. Hầu như mỗi lần đến lượt giao ca mà gặp phải tháng thiếu hay tháng thừa là đám dâu con nhà cụ Phó Đản lại khẩu chiến loạn xạ. Đau khổ nhất chính là vợ chồng cụ Phó Đản. Hơn chục năm trước, khi còn lê lết được, không ít lần cụ Phó Đản đã bò ra giữa ngã ba đường gào lên: “Trời ơi! Đất ơi! Sao mà nhà tôi vô phúc thế này? Sao mà không có đứa nào chết trận chết mạc cho tôi được nhờ? Sao mà cả sáu thằng cứ sống nhăn răng rồi kéo về cắn nhau. Trời ơi là trời”! Khi người ta rơi vào túng quẫn cùng cực thì những cái thân xác lành lặn chỉ là vô nghĩa và mọi sự tử tế cũng lạnh lùng biến mất.
Lão Vần tranh thủ đến thắp cho cụ Phó Đản nén hương mà lòng nặng trĩu. Bà con đến viếng khá đông, hầu như ai cũng có tâm trạng vừa thương vừa mừng cho cụ. Thương vì hiền lành hiếm có như cụ mà phải sống tủi nhục với lũ con cháu bất hiếu. Mừng vì cụ đã được giải thoát.
Rời khỏi đám tang, lão vẫn còn nghe văng vẳng tiếng kèn trống bi ai sầu thảm hoà lẫn với tiếng karaoke của mấy cái loa kéo và âm thanh xập xình từ những tụ điểm chị em đang luyện nhảy, luyện yoga. Biết làm sao được, sinh tử vui buồn chẳng thể nào dừng lại được. Ai buồn cứ buồn, ai vui cứ vui. Cuộc sống chẳng dừng lại chờ ai cả.
Đêm đó, lão Vần lại trằn trọc với bao nỗi niềm vui buồn lẫn lộn. Lão ngồi dậy lọ mọ cầm điện thoại soạn thư gửi cho vợ:
“Những gì mà suốt mấy ngày qua tôi đã cảm nhận và mắt thấy tai nghe, không biết đó có phải là thành quả và giá trị của cuộc sống mới ở quê ta hay không. Nhưng tôi tin đó không phải là thứ để vợ chồng ta kiếm tìm bà ạ. Hình bóng quê hương mà tôi với bà mang theo hành trang cuộc đời là hình bóng của quá khứ. Lâu nay chúng ta thương nhớ quê hương thực ra là thương nhớ cái thời dĩ vãng. Nỗi niềm đó cũng như một thứ xa xỉ làm cho chúng ta càng thêm lạc lõng giữa quê hương.
Bà cứ suy nghĩ cho thoáng lên. Yêu quê hương đâu cứ phải trở về sinh sống nơi chôn rau cắt rốn, nơi có cây gạo mồ côi luôn nở đúng mùa, nơi có con sông ta từng tắm mát, nơi có con đường ta từng đi học. Quê hương là nơi ta đang sống, là cả đất nước rộng lớn này bà ạ.
Ngày mai tôi sẽ lên đường về với “cái nóc nhà”, về với con cháu, về ăn cơm bà nấu, về với những gì mà cứ đi xa là nhớ. Với tôi, đó cũng là quê hương, là cuộc đời và từ nay không phải loanh quanh tìm kiếm nữa”.
Vũng Tàu, 17/8/2024
Trần Vinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyển Kiếp Từ ngày Hân nhận chức trưởng phòng kinh doanh, cuộc sống của anh có phần lạ, không như trước đây. Giờ, nhiều đêm anh phải th...