Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Nguyễn Tham Thiện Kế - Người mang "Chất chữ" đến truyện ngắn Việt Nam đương đại

Nguyễn Tham Thiện Kế - Người mang
"Chất chữ" đến truyện ngắn Việt Nam đương đại

Cái đẹp trong văn Nguyễn Tham Thiện Kế là cái đẹp xuất phát từ tình yêu thương con người và cuộc đời, cái đẹp của tâm hồn, hồi ức và hoài niệm
Truyện ngắn trong văn chương Việt Nam hiện đại, nếu tính từ những tác phẩm ở “làn sóng thứ nhất”, kiểu như “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn, đến Nguyễn Tham Thiện Kế thì cũng đã có cả trăm năm vận động, phát triển và biến đổi. Nhiều tác giả truyện ngắn đã nổi danh trên văn đàn, nhiều tác phẩm truyện ngắn, ngoài Bắc lẫn trong Nam, đã xuất hiện và khắc ghi những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử của cái thể loại luôn được xem là rất cơ động này. (Ấy là còn chưa bàn đến truyện ngắn thuộc nhiều nền văn chương nước ngoài mà chúng ta có điều kiện được tiếp xúc). Có cảm giác như, cả về chủ đề, đề tài, nhân vật, nghệ thuật tạo tình huống, phong cách, lối viết v.v... – tóm lại là cái mà nhiều người thường gọi chung là “thi pháp” – truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế không/ chưa mang lại một cái gì đó thật sự mới lạ, đặc sắc, độc đáo “đến kinh người” vào bức tranh chung.
Vậy nhưng vẫn có. Trong bài viết có tính chất tổng kết về giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 của hai tác giả Yên Ba và Nguyễn Chí Hoan, phần về tập truyện ngắn đoạt giải của Nguyễn Tham Thiện Kế, có những đánh giá nồng nhiệt: “Trong tập truyện này, Nguyễn Tham Thiện Kế, vẫn tự nhận là “người quá yêu tiếng Việt”, đã kỳ khu dọn ra một bữa tiệc ngôn ngữ đẹp, sang chảnh, lịch lãm… Mất tới 15 năm mới hoàn thành trọn vẹn “Một mùa hè dưới bóng cây”, tập truyện không chỉ cho thấy sự bền bỉ trong lao động nhà văn mà hơn thế nữa, đọc từng truyện trong tập sách có thể nhận thấy sự kiên nhẫn vô bờ của tác giả khi dụng công sử dụng những từ ngữ đẹp đẽ trong tiếng Việt để diễn tả vẻ đẹp văn chương. Tác giả chủ ý lựa chọn cách hành văn chậm rãi, tỉ mỉ như chọn chữ cho thơ” (“Can đảm viết, bản lĩnh trao (giải)”, in trong Viết và Đọc, chuyên đề mùa xuân 2024). Cá nhân tôi chia sẻ với những nhận định này, và nói thêm: chú ý lọc lựa, trang hoàng để có một tiếng Việt đẹp và tinh tế đến mức rất gần với “điêu khắc chữ” như Nguyễn Tham Thiện Kế, trong văn xuôi nghệ thuật Việt ngữ đương đại, ở đây ta đang nói thể loại truyện ngắn, thật ra không nhiều. Đọc xong tập truyện “Một mùa hè dưới bóng cây”, đặc biệt ở những truyện hay nhất – vì không phải tất cả các truyện đều hay như nhau – tôi mới nghĩ tới một người mang “chất chữ” tương tự Nguyễn Tham Thiện Kế, là Trần Vũ, hiện đang sống và viết ở hải ngoại. (Một trong những tác phẩm của Trần Vũ, tập truyện “Phép tính của một Nho sỹ”, đã được xuất bản và phát hành trong nước mấy năm trước). Đó là số ít những nhà văn thuộc về một kiểu người viết, dù sự thương hải tang điền có đến đâu chăng nữa, vẫn nỗ lực giữ cho văn chương được thực sự là văn chương, thực sự là nghệ thuật của ngôn từ, nghệ thuật của chữ.
Tuy nhiên có một khác biệt cơ bản giữa văn họ Nguyễn và văn họ Trần. Ở chỗ, cùng là mỹ văn, nhưng cái đẹp trong văn Trần Vũ là cái đẹp lạnh lùng, khắc bạc, đôi khi đầy nghiệt ngã và rất bạo lực, thì cái đẹp trong văn Nguyễn Tham Thiện Kế là cái đẹp xuất phát từ tình yêu thương con người và cuộc đời, cái đẹp của tâm hồn, hồi ức và hoài niệm, cảnh trí thiên nhiên và lao động sinh hoạt đã được thăng hoa bởi một niềm yêu chân thành và một nghệ thuật điêu luyện trong sai sử, phối trí chữ nghĩa tiếng Việt. (Không khỏi có những lúc cái chữ nghĩa tiếng Việt ấy trở nên điệu đàng quá mức cần thiết, nhất là khi nó được nhà văn dùng vào việc mô tả, kể chuyện những gã đàn ông phong lưu lãng tử gặp gỡ những người đàn bà đài các kiêu sa, những bồn tắm rải cánh hoa hồng đỏ thắm, những phòng ngủ thơm nức nước hoa, những bữa tiệc sang trọng với cigar thượng hạng và rượu vang cao cấp…).
Ở vệt truyện này, chất truyện và chất tùy bút hòa quyện, đôi khi từ trục chính của truyện vẫn rẽ ra một nhánh để tác giả cho bung nở hết vẻ đẹp của chữ nghĩa tiếng Việt. Tóm lại, tôi có thể tạm kết luận: với truyện ngắn, Nguyễn Tham Thiện Kế đã nỗ lực đi đến tận cùng cái giới hạn văn chương của thế hệ mình ( Nguyễn Hoài Nam)
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây: đọc truyện ngắn Nguyễn Tham Thiện Kế chúng ta sẽ thấy, bối cảnh không gian của truyện, dù đó là một cái làng cổ vùng trung du Bắc Bộ, hay một miền quê toàn gió nắng và cát bỏng vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hay những cung đường đèo trồi sụt khúc khuỷu, gió lạnh táp điên cuồng hoặc những phiên chợ ồn ào nồng mùi rượu ngô, mùi thắng cố và phân ngựa trộn lẫn ở miền núi cao phía Bắc…, thì bao giờ chúng cũng đẹp cái vẻ đẹp mang đặc thù của cảnh sắc, con người và sinh hoạt văn hóa các vùng miền. Ở đó, bao giờ cũng xuất hiện một nhân vật khách lữ hành “đường trần gian xuôi ngược” mang tâm hồn nghệ sĩ, hoặc bản thân anh ta cũng là nghệ sĩ – nhà báo, nhà văn, nhiếp ảnh gia, họa sĩ, kiến trúc sư v.v... – kẻ luôn tìm kiếm những vẻ đẹp trên đời và sẵn sàng dấn thân để trải nghiệm cảm giác được hòa mình vào những vẻ đẹp ấy, một cách trọn vẹn nhất, như sự nỗ lực được sống nhiều hơn một cuộc đời hữu hạn.
Hãy thử lấy ví dụ trước nhất bằng chính cái truyện ngắn được tác giả dùng làm chung tên cho cả tập truyện: “Một mùa hè dưới bóng cây”. Thời gian của chuyện kể thì đã rõ: một mùa hè. Không gian của chuyện kể: đâu đó ở miền duyên hải Nam Trung Bộ, nơi có đại dương xanh thẳm, có những vách núi đá dựng đứng sát biển, có những cồn cát chập chùng nhấp nhô trải ra vô tận, thơ mộng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất trắc. Địa điểm để nhân vật người kể chuyện xưng Tôi lần đầu tiên gặp gỡ các nhân vật của mình chính là bóng râm duy nhất của cây bàng trơ trọi bên bờ kè trên bến cá thiếp ngủ giữa dãy quán, kho đông lạnh lụp xụp, nơi hai gã trai miệt biển đang nhậu, “ôm oang giật nắp bia, cụng cụp cụp, chốc lại tiếng vỗ đùi tèn tẹt. Khói thuốc lửng lơ”. Màn chào hỏi làm quen giữa nhân vật người kể chuyện xưng Tôi với hai gã trai này, cùng ba người đàn bà làm những nghề biển lặt vặt khác, là một cuộc nhậu dân dã và hảo sảng, đủ để các nhân vật tự bộc lộ thân phận như là những người dân biển bình thường, dẫu phải lam lũ vất vả vì sinh kế hàng ngày nhưng vẫn không sao bỏ được những cái thú “tiêu dao” của mình: hoặc là cờ bạc lô đề (cu Nhỡ), hoặc là mê coi đào hát cải lương đến mức bỏ nhà bỏ cửa có khi cả tháng (cu Vược). Sau đó, cu Vược cu Nhỡ đã nhiệt tình giúp nhân vật người kể chuyện xưng Tôi đưa chiếc xe Ranger Raptor ra khỏi hố cát mà không nhận tiền công, vì một lẽ: “Tụi con luôn thiếu trước hụt sau, nhưng hổng nhận của chú đâu. Mới gặp đã chung độ là quá đã rồi”. Cu Nhỡ là người đã cho nhân vật người kể chuyện xưng Tôi được thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên lúc bình minh, trên đỉnh cao nhất của vách núi sát biển: “Chênh vênh. Ớn lạnh. Thế nào nhỉ, nếu tôi trượt chân ngã xuống. Dưới sâu 174 mét là sóng lừng giận dữ chồm nuốt giữa răng granit đen tua tủa. Cuối bãi là ghềnh hoa cương vàng như con kỳ nhông gai với cái sừng dị dạng. Nơi đỉnh vách cao cảm giác vỡ òa, gió lộng trời biển rợn ngợp. Tôi cay mắt tình yêu xứ sở mà tôi bỗng nghi hoặc cả chính mình. Bờ biển nguyên dấu cơn tạo sinh lật tung đáy đại dương sôi đùn đá phiến muôn dạng chồng lên nhau mà tạo hùng vĩ”. Và cũng chính cu Nhỡ, kẻ đang bị tầm nã vì nghi là thủ phạm tháo trộm máy xuồng cao tốc tuần tra của đồn biên phòng, cũng là kẻ đã tạo sinh một cái đẹp bạo liệt từ chính sự manh động của mình: “Tưởng người ta đến bắt, cu Nhỡ hốt hoảng cắm xuống vực liệng liệng như con mực một nắng. Chỉ thấy sóng nhòa váng đỏ sủi bọt bềnh bềnh một lát rồi lại xanh yên. Y như con cá heo nhiễu loạn sóng âm tự tận đâm vào đá ngầm”. Có thể nói, kể chuyện một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên trên con đường rong chơi thiên lý với những “công dân hạng bét” mà tâm hồn vô cùng đơn sơ khoáng đạt, Nguyễn Tham Thiện Kế đã viết nhẹ như đùa, nhưng mà thật, cái thật của sự đồng cảm và sẻ chia với những phận người khốn khổ.
Trong tập “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế có một mảng truyện kể trên bối cảnh không gian và cuộc sống lao động, sinh hoạt của con người ở những vùng Mường, vùng Thái, vùng Tày Nùng và vùng H’mong, trong đó truyện kể vùng H’mong thuộc vào hàng những truyện ngắn hay nhất. Tôi muốn nói đến hai truyện: “Lời hẹn mùa hoa cũ” và “Mùa hoa bạc hà chưa hết ở sơn nguyên”, kèm một niềm tin xác quyết, rằng đây là một cách tìm về căn tính H’mong rất đặc biệt của Nguyễn Tham Thiện Kế. “Lời hẹn mùa hoa cũ”, nghe tên truyện đã thấy như thể một chuyện tình yêu. Nhưng không phải, đây là lời hẹn giữa nhân vật Gã, một “phượt thủ” người Kinh với lão già người H’mong có tên Mí Chạ. Hai người ngẫu nhiên gặp nhau ở chợ Mèo Vạc, Hà Giang, với sự kết nối của rượu ngô Mèo Vạc và thắng cố, món ăn trứ danh miền cực bắc. Chảo thắng cố đã được miêu tả ngay từ đầu truyện, như một nét nhấn để phác ra cái khác biệt của vùng đất: “Chảo thắng cố ậm ạch, lỗ mỗ bục lên từng bóng khí rồi vỡ oạc. Bọt trắng trào tăm bềnh trên hỗn độn xương thịt ba chỉ nội tạng. Mũm như trái lê chính vụ, mắt nâu xanh, má hường sắc đào, thiếu phụ H’mong thận trọng đảo chiếc đũa dầm. Hơi nước bùng ngụt, sau mỗi âm đầu đũa xiết khồn khột đáy chảo. Hương thuốc bắc ùa lên lừng gừng xả lẫn vị gây gây thịt ngựa nồng tươi”. Bên chảo thắng cố và trong men nồng rượu ngô, Gã với Mí Chạ đã trở thành tri kỷ, bởi cả hai người đều yêu chó, đều sành chó – con chó H’mong thuần chủng, dứt sữa chưa lâu của Mí Chạ – và đều phục nhau bởi cái sự sành sỏi ấy. Chung cuộc, để tạ ơn tri ngộ, Mí Chạ bán cho Gã con chó, để rồi sáng hôm sau lại say mèm, liêu xiêu khóc lóc trước cửa homestay của Gã, đòi được nhìn con chó yêu lần cuối. Không nỡ dứt tình người và chó, Gã đã trả lại con chó H’mong cho lão già H’mong, với lời hẹn mùa hoa đào năm sau sẽ trở lại để xin một con chó lứa mới. Ba năm Gã mới quay lại, Mí Chạ đã chết, nhưng thằng cháu nội của lão vẫn thực hiện di chúc của ông: cứ đúng mùa hoa đào là lại xuống chợ, đợi người bạn Kinh về để tặng một con chó H’mong xuất sắc nhất thuộc lứa sau. Ấy chính là tinh thần thủ tín đến chết của H’mong tộc. Còn ở truyện “Mùa hoa bạc hà chưa hết ở sơn nguyên”, nhân vật “phượt thủ” là Hắn, kẻ lên cao nguyên đá để theo dấu một người bạn, “nữ họa sỹ Việt kiều muốn đi tìm cái cảm giác tận cùng của sự cô đơn”. Quá trình theo dấu ấy là quá trình mà Hắn làm quen với cô gái H’mong có cái tên Kinh là Thuốc Lào, một cô gái H’mong đã từ núi xuống phố để bổ sung vào các thành phần lao động tạp dịch: sáng quay nước mía, chiều làm phu hồ, tối làm tiếp viên karaoke, cần thiết thì cũng làm cả xe ôm. Và quả thực Hắn đã ngồi sau xe của cô để đi tìm bạn, thực chất là để được “sống trong sợ hãi” trước sự nguy hiểm của những cung đường tử thần và để được bàng hoàng trước cái khí chất H’mong hoang dã, ngang tàng của người thiếu phụ: “Nhìn gương chiếu hậu, hắn thấy rung rinh trong mưa sương gương mặt trẻ rực má đào. Ga đều, gia cường năng lượng, con ngựa tía bị xiết cương, chiếc xe bật run. Khói xăng rộn rạo huyết quản. Máy đạt độ bốc thì đã hết đường nhựa. Ngả đường rẽ tụt hẫng xuống khe. Dòng sông dưới chân như sợi len màu vừa bung ra trước gió. Mặt đường xói mòn, đá gối lên đá. Con đường ngược núi cuộn lò xo”. Cứ thế, hai người rong ruổi dọc ngang cao nguyên đá, Hắn trải qua cơn nhiễm lạnh nhớ đời ở sơn nguyên, trải qua cuộc làm tình với cô gái H’mong – không vì tình yêu, không mua không bán – rồi lại về phố thị Đồng Văn giúp đưa đứa con trai của Thuốc Lào đi bệnh viện cấp cứu. Hàng loạt hành động truyện ngắn diễn ra dồn dập, và ở mỗi hành động ấy, qua cảm nhận và suy nghĩ của nhân vật Hắn, có thể nhận thấy ở cô gái sự tích tụ và thể hiện những phẩm chất tính cách truyền đời của người H’mong: một tộc người đề cao tinh thần phóng khoáng cởi mở, sự công bằng trong mọi mối quan hệ, lòng kiêu hãnh và sự tôn trọng phẩm giá.
Về vùng Mường, hay rộng ra, vùng trung châu quê quán bản thổ của mình, Nguyễn Tham Thiện Kế cũng có nhiều truyện ngắn rất đáng chú ý. Các nhân vật truyện ngắn thuộc mảng này cũng vậy. Ở truyện “Chỉ còn cây và nắng”, ta bắt gặp một già Téc độc thân người Mường Sụ khéo tay hay làm, một tay đa nghệ, mà cao thủ nhất là cái sự bóc tách ngọc kê (thiến gà) rất thiện xảo. Nhưng già Téc còn là, trước hết là, một chiến sỹ của chiến dịch Điện Biên Phủ, bị thương nặng nhưng lại chẳng nhận được chế độ chính sách nào. Cho đến khi già Téc “đã ngủ quên không dậy trên sàn bương”, qua hồi ức của một vị tướng, người ta mới biết đến già Téc và mọi truy lĩnh tưởng thưởng mới về, thì số tiền ấy cũng chỉ dùng vào việc là người Mường Sụ xây cho già một ngôi mộ ốp đá mà thôi. Trớ trêu và cay đắng, là chuyện về già Téc. Nhưng còn đau khổ và sống trong nỗi dằn vặt đến hết đời, lại là chuyện về bà giáo Lê, trong truyện ngắn “Sông Thao miền chảy chậm”. “Manteau mỏng, búi tóc cao đầy đặn trắng cước, kính cận sẫm màu, bốt da nâu kéo khóa, cô giáo Lê của tôi đứng lút mình trong ngàn lau sậy phơ phơ. Sau lưng cô, hai chú nhóc thi nhau vồ châu chấu. Hương nước hoa Chanel thoảng qua rồi lưu lại lãng đãng trong cảm giác. Gương mặt thanh nhã u uẩn sáng lên khi cô Lê thấy tôi. Thứ ánh sáng tinh khiết, thông tuệ nhưng bất lực”. Người phụ nữ cao tuổi và sang trọng lịch lãm ấy là vợ liệt sĩ và đã từng là một giáo viên phổ thông mẫu mực thời chiến tranh, được nhiều học trò cũ kính phục và yêu mến, và giờ đây là mẹ của một vị tiến sỹ y khoa xuất sắc bên Pháp. Tuy nhiên bà không hạnh phúc, chỉ bởi chính những dòng tự tay bà ghi trong học bạ của một học sinh vào những năm chiến tranh đó: “Quan hệ bất chính. Nhân cách sa đọa. Động cơ phấn đấu ngụy tạo. Không thể đào tạo lâu dài”. Sự kết án nhân danh đạo đức, thực chất là đầy thành kiến nanh nọc ấy, là dành cho học sinh Đ.Ng, kẻ bị bắt quả tang đang ôm bạn gái trong lúc học ôn thi. Sự kết án ấy đã bịt hết mọi đường sống để trở thành người tử tế của một con người đầu xanh tuổi trẻ: không được đi bộ đội, không được thi đại học, không được làm công nhân nhà nước, rút lại chỉ có ăn cắp, nghiện rượu, vào tù rồi lại ra tù như cơm bữa, lập gia đình thì vợ hỏng con hư. Cuối truyện xuất hiện nhân vật người đàn ông lái đò với cánh tay xăm dòng chữ Đ.Ng = Đ.Ng như là một giả thiết về cậu học trò mà cả đời bà giáo Lê vẫn muốn gặp lại để nói lời tạ tội. Nhưng cho dù là thế thì chắc cũng chẳng thay đổi được gì: người thanh niên đã chết khi chưa kịp trưởng thành, vì lời phê của cô giáo của mình.
Trong tập “Một mùa hè dưới bóng cây”, Nguyễn Tham Thiện Kế còn có một vệt truyện ngắn khác nữa, không gây ấn tượng bằng sự góc cạnh sắc sảo hay đau đớn da diết, mà bằng những tình cảm rất nhẹ nhàng trong sáng, nên thơ và như mơ, là tình yêu mà đôi khi cũng chẳng thể gọi tên là tình yêu, như “Trái hồng xanh trong tay”, “Hoa trắng rụng dòng trong”, “Làng đồi dưới gốc hoa”, “Nếu trở về qua cây cầu cũ” v.v… Ở vệt truyện này, chất truyện và chất tùy bút hòa quyện, đôi khi từ trục chính của truyện vẫn rẽ ra một nhánh để tác giả cho bung nở hết vẻ đẹp của chữ nghĩa tiếng Việt. Tóm lại, tôi có thể tạm kết luận: với truyện ngắn, Nguyễn Tham Thiện Kế đã nỗ lực đi đến tận cùng cái giới hạn văn chương của thế hệ mình.
Nguyễn Tham Thiện Kế, cây bút lãng tử đất Phong Châu Bạch Hạc xưa, Việt Trì Phú Thọ nay, vốn thuận tay với nhiều thể loại văn xuôi nghệ thuật: tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, bút ký, chân dung văn học, nhưng theo tôi đáng kể nhất vẫn là truyện ngắn. Tập truyện ngắn đầu tay của ông, “Nơi con tàu không trở lại”, xuất bản năm 1980, sau đó ông có thêm ba tập truyện nữa: “Nhà của mẹ” (1985), “Khuôn mặt đẹp” (2003), “Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái” (2007). Nhưng tất cả tinh hoa truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế trong hơn bốn mươi năm viết chừng như chỉ bừng nở mãn khai – sau đó chắc khó có thể thêm gì được nữa – ở tập thứ năm, “Một mùa hè dưới bóng cây”, gồm ba mươi lăm truyện, xuất bản năm 2023 và ngay lập tức được nhận giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam.
18/8/2024
Nguyễn Hoài Nam
Nguồn: Báo Văn Nghệ 8.2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Cánh vạc bên đời Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra...